°
° °Cặp mắt thằng Cù Lao thật tinh. Buổi chiều thả trâu ăn ngoài bãi, nó chỉ cho tôi thấy những đốm sáng thật xa:
- Kìa, có ai nổi lửa bên kia sông kia kìa! Tôi nhìn mãi mới thấy. Chúng tôi nằm ngửa nhìn lên trời. Nhiều chòm sao thưa hiện ra, nó chỉ cho tôi thấy trước. Nó chỉ hết chòm sao này đến chòm khác, đến một lúc tôi thấy trời đã đầy sao. Con trâu Bĩnh bước gập ghềnh trong sao đưa chúng tôi về nhà. Chốc chốc nó gọi to: - Tránh một bên! Có trâu đuổi! Cặp mắt thằng Cù Lao nhìn xuyên qua bóng tối. Nhưng cặp mắt của nó đã làm tôi ngài ngại. Rõ ràng đôi mắt của nó thuộc về loại “lưỡng nhãn bất đồng”, con to con nhỏ. Ông Bảy Hoá là thầy xem tướng, đã bảo: kẻ bị cặp mắt “lưỡng nhãn bất đồng” là kẻ ăn gian nói dối, lừa thầy phản bạn. Chơi với nó, nhỡ nó đặt điều nói xấu tôi ăn vụng... Tôi lại hay đi tắm ngoài sông, nhỡ cái “phản bạn” của nó nổi lên, nó dìm tôi xuống nước thì sao? Tôi nghĩ vậy nhưng tôi vẫn... thích chơi với nó. Vắng nó, tôi cứ thấy thiếu. Nó cũng hay hay, tôi bảo gì nó đều vâng theo răm rắp. Công việc của tôi là chăn con Bĩnh. Chăn nó có mệt hơn trước nhiều. Sau ngày cướp chính quyền, cha tôi đi vắng, không ai đưa con Bĩnh đi cày. Nó có béo ra nhưng hoá đổ đốn. Tính tự do quá trớn nổi lên. Hễ ra khỏi nhà là nó đâm đầu chạy. Ra đến sông, nó nghểnh cổ thách những trâu khác húc lộn. Tôi bắt thằng Cù Lao bẻ roi dâu xông vào đánh thẳng cánh, Trâu húc phải buông nhau ra. Hễ thằng Cù Lao giữ con Bĩnh không chạy bậy, thì lúc về tôi cho nó lên ngồi trên lưng trâu. Tôi thúc con Bĩnh chạy. Thằng Cù Lao ngồi sau lưng tôi nổi kêu é é, hai tay ôm chặt bụng tôi. Hễ hai đứa không bị ngã, tôi cho tôi có tài đánh trâu chạy như ngựa. Nếu hai đứa bị ngã, tôi kêu ầm là nó đã làm tôi gãy xương sống. Đi chăn trâu về, mỗi đứa thường mang theo cục u. Những cục u đó càng ngày càng nhiều. Chị Ba bảo tôi lêu lổng ngoài sông, chơi những trò chơi của phong kiến. Nếu tôi không chừa, chị sẽ viết thư mách cha tôi. Cha tôi sẽ thưởng cho tôi vài chục roi để tôi hết lêu lổng và thằng Cù Lao hết bị những cục u trên trán.°
° °Số lượng những cục u trên trán của tôi và thằng Cù Lao cứ tăng dần đến mức báo động! Anh Bốn Linh nhận thấy chúng tôi phải cấp tốc đi học. Tôi đã đi học một lần, nay phải học lại. Bác Úc cho rằng nước nhà độc lập, không thể làm anh dân ngu khu đen, mà phải... khai thông dân trí, mở mày mở mặt với khắp thiên hạ. Chị Ba bảo tôi và thằng Cù Lao thế nào cũng phải làm cán bộ. Cán bộ mà dốt đặc thì làm gì! Trong lúc chờ đợi trường mới, tôi và thằng Cù Lao đến học ở thầy Lê Hảo. Thầy ở xóm dưới, cũng gần. Tiền học trả bao nhiêu cũng xong.
Anh Bốn Linh bàn với chị Bốn: - Thằng Cù Lao đi học thì phải đặt cho nó một tên khác. Có được cái tên cho thật hay thì làm ăn mới nên nổi. Chị Bốn cũng nhận ra cái tên Cù Lao nghe là lạ, vì cù lao là cái cục nhô lên ở đáy chai. Phải đặt cho nó một cái tên có chữ lót hẳn hoi. Anh Bốn bảo cái tên của nó phải nghe cho oai cái đã. Tên nó sẽ là Nguyễn Tuấn Kiệt hay Nguyễn Cao Hùng hoặc Nguyễn Đông Hải chẳng hạn. Chú Hai cho biết tên nó là Nguyễn Biển. Không hiểu sao khi về đây ai cũng gọi nó là thằng Cù Lao. Bác Úc cho biết cái tên Cù Lao nghe cũng hay. Cù Lao không phải là cái đáy chai, mà là một hòn đảo giữa biển. Nó gợi cho thằng Cù Lao nhớ lại nơi nó sinh ra. Và trong sách cũng có câu “chín chữ cù lao” để chỉ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Mọi người trao qua đổi lại không ngã ngũ ra sao cả. Cuối cùng cái tên Cù Lao ở lại với nó.°
° °Vào một buổi sáng đẹp nhất, tôi và thằng Cù Lao đến học ở nhà thầy Lê Hảo. Thằng Cù Lao vẫn giữ cái quần treo. Nó cũng không chịu từ giã cái mũ nồi quý hoá, bảo đó là chiếc mũ của khách quý trên một chiếc tàu đánh rơi ngoài biển, Nó nhặt được trong chuyến đi khơi. Hôm đầu nó đến lớp, bọn trẻ con cứ xì xào. Có đứa dòm vào mũi nó, xem thử bên trong có cái vòi hay không. Chúng còn đợi xem thằng Cù Lao đi uống nước để biết rõ nó uống nước cách thế nào.
Thầy Lê Hảo dạy cho thằng Cù Lao học chữ a rồi đến chữ b. Sau đó nó học chữ o, chữ ô. B ghép với a thành ba, b ghép với o thành bo, thêm dấu hỏi thành bỏ. B ghép với ê thành bê, thêm dấu hỏi thành bể. Thầy bảo đọc: Ba ba bỏ bể. Thầy Lê Hảo bảo tôi: - Trước đây, mày học đến vần tr. Tr ghép với ê thành trê. Mày đã học vần ph. Ph ghép với a thành pha, thêm dấu sắc thành phá. Thầy bảo đọc: Cá trê phá nhà. Thằng Cù Lao đọc trọ trẹ, ba ba bỏ bể nghe như ba ba bò bể. Cả lớp cười ồ. Thầy Lê Hảo quát: - Cười cái gì! Đọc to lên đi! Tất cả chúng tôi nổi rống như ễnh ương. Miệng đọc nhưng mắt vẫn liếc về phía thằng Cù Lao. Ra về, thằng Cù Lao bảo nó chưa hề thấy người nào bắt được con ba ba lại đem thả xuống bể. Hễ bắt được ba ba, là phải làm thịt để chén. Ba ba nấu với lạc ăn rất ngon. Tôi hiểu câu “ba ba bỏ bể” có một nghĩa khác. Nghĩa là ba ba khi rơi xuống đất phải nát ra từng mảnh. Bể có nghĩa là nát, là vỡ ra. Thằng Cù Lao có vẻ chưa thông vì nó biết cái mai của ba ba rắn lắm. Tôi tiếp luôn: - Nếu thả rớt không bể, thì phải ném thật mạnh. Mai nó phải bể toang ra chớ! Thằng Cù Lao còn quả quyết là nó biết tất cả những loài bơi lội dưới nước. Cá trê không bao giờ phá nhà cả. Tôi phân tích cho nó thấy giống cá trê thường thích chui rúc trong hang. Lúc lụt to, cá trê sẽ chui vào các lỗ cột. Cột nhà bị long, nhà phải ngả. Cách giải thích của tôi cũng chưa thoả đáng. Rốt cục chúng tôi phải tưởng tượng một con cá trê to bằng cái đình làng, có đôi ngạnh to bằng cây cột. Nó lách đến đâu thì nhà cửa sụp đổ đến đó. Có một con cá trê như vậy nom cũng rất lạ. Dần dần chúng tôi tin nhất định phải có một con cá trê to như vậy. Câu chuyện đến tai chị Ba. Chị Ba giảng giải: - Ba ba là ba ba. Bỏ bể là bỏ bể. Đó là những chữ riêng rẽ không dính dáng chi nhau cả. Cũng như cá trê là cá trê, phá nhà là phá nhà. Những chữ đó không ghép thành câu mà chỉ để đánh vần. Chị đã học những chữ đó trong quyển quốc văn lớp đồng ấu. Nghe chị Ba giải thích xong, chuyện ba ba, cá trê chẳng còn thú vị gì nữa. Cách giải thích của chị Ba đã quét sạch cái màn sương kỳ diệu bao phủ chung quanh cái kỳ lạ. Những chữ “ba ba bỏ bể”, “cá trê phá nhà” bỗng chốc hoá trơ trụi, khô héo, không có ý nghĩa gì nữa.°
° °Chợt một hôm, thầy Lê Hảo cải cách hoàn toàn nội dung giảng dạy. Thầy tuyên bố với cả lớp những chuyện “ba ba”, “cá trê” là những chuyện của sách thời đế quốc phong kiến. Từ nay trở đi, tất cả học trò sẽ học những bài hoàn toàn mới. Thầy bảo cả lớp nộp vở xếp vào thành một chồng để thầy chép bài thơ hay. Những đứa chưa biết đánh vần cũng phải học thuộc bài thơ cái đã. Thuộc thơ trước, đánh vần sau. Một số bài thơ yêu nước của các nhà chí sĩ được thầy Lê Hảo dạy, chúng tôi đọc to khắp làng xóm:
Ngồi ngẫm chuyện năm châu trên trái đất Sóng văn minh dồn dập cả phong trào Kìa như ai, sức thì mạnh, của thì nhiều Trời há lẽ riêng yêu chi một cõi Sao ta cứ dã man quen thói... ............................................... Á tế á năm châu là bậc nhất Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn Cuộc đời mở hội doanh hoàn Anh hùng bốn bể giang san một nhà... Đại để bài nào cũng có những năm châu, bốn bể, có sóng, có bão táp, phong ba. Cái đó thằng Cù Lao rất thích, vì nó từng thấy ở cù lao Chàm. Nó đọc thật to, khắp xóm đều nghe rõ. Tôi và thằng Cù Lao thấy mình như đang lượn quanh bốn bể, giữa mưa Âu gió Á. Ai cũng khen thầy Lê Hảo cho ra nhưng bài học nghe réo rắt, quả là hay! Chị Bốn, chị Ba nghe qua là thuộc như cháo, bảo tôi xin thầy chép thêm nhiều bài nữa. Mẹ tôi cũng khen: - Ừ, nghe thiệt là hay! Thằng Cù Lao thích thú thả hết giọng, rống vỡ nhà vỡ cửa. Mẹ tôi còn dặn chị Ba, chị Bốn: - Chúng nó đã là học trò. Từ rày chớ sai chúng nó nấu cơm rửa bát. Đó là chuyện của con gái đàn bà. Đừng để cái “tâm” của chúng bị mờ vì khói và bồ hóng ở nhà bếp. Phải giữ cho học trò sáng dạ để học trò học cho hay chữ, cái đó không chi bằng.°
° °Ở lớp học chúng tôi thi nhau rống như ễnh ương:
Sao ta cứ dã man quen thói Khom thân nô mà luồn cúi dưới cường quyền? Thầy Lê Hảo bày tiếp: Hú hồn các chú thiếu niên... Chợt thầy vùng dậy kêu thất thanh: - Uý thôi rồi! Các trò ơi! Con heo của tôi nhảy chuồng! Nghe tiếng gọi hoảng hốt, chúng tôi bật lò xo, vứt sách vở phóc ra sân. Thằng Cù Lao phóng ra trước. Tiếng kêu la ầm ĩ tưởng có hùm vừa xổng cũi. Đứa nào cũng sẵn sàng hi sinh tính mạng bắt cho kì được con lợn của thầy. Con lợn đang ung dung bước đến chỗ hàng rào. Thầy chưởi: - Mẹ cha mày! Phen ni phải mời cho được lão bán thịt. Khôn vong thì quay về, không tao xuỵt chó cắn chết! Con lợn quay lại nheo mắt nhìn như muốn xem học trò có bao nhiêu đứa, và có đứa nào chạy giỏi không. Nhìn xong, nó ung dung ngoắt đuôi rúc rào chui sang vườn bên cạnh. Chúng tôi gọi nhau chạy vòng ra phía trước. Con lợn như đoán được ý đồ của chúng tôi, liền chui một mạch ra bãi dâu. Chúng tôi vừa hét vừa rượt theo. Con lợn cứ chạy loanh quanh trên bãi cát. Có lúc nó đổi hướng bất ngờ làm nhiều đứa ngã uỵch. Chạy được một lúc, đứa nào nghe cũng đuối sức. Có đứa mệt quá đã nằm dài. Chân tay duỗi thẳng, miệng thở hồng hộc. Thằng Cù Lao cứ phóng lên đón đầu. Chợt nó nhào về phía trước. Con lợn đã dính chặt trong tay nó, đang vùng vẫy la thét. Thằng Cù Lao hô to: - Mau mau, nắm chân trước! Chúng tôi cứ nhốn nháo chạy chung quanh vì con lợn vừa thét vừa lồng lộn khiếp quá! Thầy Lê Hảo chạy đến đè lên đầu lợn rồi trói lợn lại. Trói xong, chúng tôi mới dám ra tay. Việc bắt lợn đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến của bọn trẻ. Chúng xầm xì: - Thằng Cù Lao chạy tài quá! - Nó mạnh thiệt, bay nè! - Thôi chớ có chọc nó. Nó mà chụp được thì không thoát được đâu! Chúng tôi rất mong cho lợn của thầy Lê Hảo vài hôm lại nhảy chuồng một lần để có dịp được chạy nhảy bắt lợn. Nhưng rất tiếc từ hôm gặp phải tay thằng Cù Lao, con lợn đã biết rút kinh nghiệm. Ăn xong nó cứ ngủ ngoan ngoãn trong chuồng, không thích nhảy cao và chạy việt dã nữa. Thằng Cù Lao chịu đổi chiếc mũ nồi để lấy một đôi chim sẻ. Nó đến lớp, để đầu trần. Mất chiếc mũ nồi bỗng nhiên bọn trẻ thấy nó chẳng có gì khác nhưng đứa nhỏ trong làng. Ngửi áo quần cũng chẳng còn cái mùi khét khét của lính Nhật. Chúng bảo nhau: - Thằng Cù Lao không phải mọi biển. Nhưng không hiểu sao nó ở ngoài biển mà lại biết được trong mông ông Bảy có một cái sẹo. Những bí mật đâu đâu nó cũng biết được. Nghề tằm tơ, nghề đường mía nó thuộc làu. Nó nói như một thợ nấu đường: - Nước mía luộc xong phải lên lóng. Sau đó rút nỏ để xuống lóng. Uống một bát nước “chè hai” là khoẻ ra ngay. Nó giảng thêm: - Chè hai không phải là nước chè đâu. Nó là nước mía đã luộc múc đổ vào thùng lóng để xuống lóng đó. Nó chỉ lên cây sung, nói với bọn chăn trâu: - Trên kia kìa, có cái hốc to lắm! Bọn trẻ hỏi lại chú Năm Mùi và anh Bốn Linh. Quả thật ở chỗ chạc ba trên cây sung có một cái hốc rất to. Nó đi chợ Quảng Huế về, bọn chăn trâu hỏi: - Chợ Quảng Huế ra răng? Có to không? Nó làm như một cụ già từng sống lâu năm ở quê đang kể lại chuyện xưa trước mặt con cháu: - Chợ Quảng Huế to và đẹp hơn trước nhiều. Ngày trước đó là chỗ phát chẩn. Trước đây lúc trời nhá nhem, ở thôn mình có tiếng phèng la, rồi có tiếng rao inh ỏi: “Ngày mai quan trên về phát chẩn tại chợ Quảng Huế. Ai đói lên chợ Quảng Huế lãnh chẩn!”. Dân làng lôi quần áo rách ra tròng vào. Người chưa chết đói cũng làm ra bộ chết đói. Nhiều hình ma tướng cóc trông tội nghiệp lắm! Họ chen chúc dưới roi vọt để lọt qua được cái cổng tre vào lãnh chẩn. Người xét được lãnh phải nhận một vết nhọ nồi trên trán. Có được vết nhọ nồi, sẽ lãnh được một bát gạo. Tất cả bọn trẻ reo lên: - Ối! Nó làm như nó từng lãnh chẩn hồi trước! Ban đầu chúng tôi chưa tin. Sau hỏi lại người lớn, những điều nó nói đều có thật cả.°
° °Lớp học thầy Lê Hảo càng ngày càng đông. Học trò phải trải chiếu ngồi tận ngoài hiên. Học hết những bài thơ yêu nước, thầy Lê Hảo chép những bài hát cách mạng cho học thuộc lòng. Đứa nào biết hát thì hát, đứa không biết hát cứ ê a vẫn được:
Đoàn quân thiếu niên tiền phong chúng ta Quyết đem xương máu để rửa thù xưa Mau! Mau! Mau! Theo cờ đỏ sao vàng Rút gươm, ta thề giết quân tham tàn...Không khí trong lớp càng sôi nổi. Bọn chăn trâu nhiều đứa xin được vào học. Cả lớp tiến bộ trông thấy. Thầy Lê Hảo nghiêm nét mặt: - Tôi dạy các trò theo phép thánh hiền. Trước học lễ sau mới học văn. Các trò phải học lễ nghĩa trước, tức là phải học cái tinh thần cách mạng trước. Hiểu cái tinh thần cách mạng trước, sau học đánh vần thì tốt hơn. Nói xong, thầy vừa ngâm vừa hát: Anh em ta mau bồng súng tiến ra sa trường Khúc hát hành quân đang vang lừng trong bốn phương. Chúng tôi vừa nhảy vừa hát theo. Đứa tối dạ thuộc càng nhanh. Học xong có thể xin về trước. Đứa nào cũng có những việc ở nhà: gánh nước, mót củi, chăn trâu. Thường đến nửa buổi, tôi đứng dậy bước đến trước mặt thầy, vòng tay lên ngực: - Thưa thầy, cho tôi về đưa trâu đi uống nước. Thầy nhìn lên: - Ừ, cho trò về. Tôi ra hiệu cho thằng Cù Lao. Nó cũng đứng dậy đến trước mặt thày chắp hai tay trên bụng: - Thưa thầy, cho tôi về dắt trâu đi uống nước. - Ừ, cho trò về. Tôi đi trước, thằng Cù Lao theo sau. Nó hỏi: - Cuộc ơi! Có đưa trâu ra bài không? Tôi xẵng giọng: - Cuộc, Cuộc cái chi! Tên tao là Cục, không phải là Cuộc. Về đã hơn tháng nay mà cứ trọ trẹ. Ra bãi phải nói ra bãi, chớ không phải ra bài. Tôi bắt nó nói đúng theo giọng tôi. Về đến nhà, tôi bảo nó ra chuồng mở dây mũi cho trâu Bĩnh. Trâu Bĩnh độ này thích thằng Cù Lao lắm. Khi thằng Cù Lao đến gần, nó không khịt, lại còn thè lưỡi liếm vào cổ nó. Thằng Cù Lao vuốt vuốt lưng trâu khen: - Cái lưng mày láng quá! Mày hoàn toàn quá! Người ta bảo ngốc như trâu mà nó lại khen trâu là “hoàn toàn”. Chợt chị Ba ở trên nhà nói xuống: - Thôi đừng cho trâu đi uống nước nữa! Tao cho nó uống ở giếng rồi. Mày chớ rủ thằng Cù Lao ra sông đánh đá với bọn chăn trâu xóm dưới...°
° °Từ hôm tôi và thằng Cù Lao bị mấy cục u trên trán, chị Ba tỏ ra nghiêm khắc. Thằng Cù Lao nghe chị Ba mắng, đã lặng lẽ bỏ đi. Tôi lên nhà trên thấy chị đang đếm tiền. Bạc giấy nhiều lắm. Chị Ba như đoán được ý nghĩ của tôi:
- Tiền để cứu tế đồng bào bị đói. Không phải xin năm mười xu được đâu! Cha đi vắng, mày để trâu Bĩnh giơ xương! Tôi trả lời rành mạch: - Phải bán con Bĩnh đi chớ! Để làm chi nữa! Ý kiến của tôi hơi đột ngột, làm chị Ba quay lại: - Mày không thích giữ trâu nữa hả? - Có thích hay không thích cũng phải bán. Ngày mai ngày kia, máy cày máy gặt sẽ về. Không cày bừa bằng trâu đâu. - Ai nói thế? - Không phải bán trâu mà thôi! Còn phải dỡ nhà cho mau nữa! Chị Ba mở tròn mắt: - Lạ hè! - Thế chị Ba không biết chi hết hả? - Chẳng biết. - Phải dỡ nhà cho mau để có chỗ xây dựng phố xá, kiến thiết lâu dài. Chị Ba tính, những ngôi nhà cao mười tầng, những lâu đài, những trường học đồ sộ! Nhà cao như vậy, làm sao leo lên leo xuống, chị Ba hở! - Thế rồi chi nữa? - Chị Ba bỏ cái nghề kéo thao lấy nước nhộng cho heo đi. Chị phải đi học để trở thành bác sĩ, kĩ sư, khỏi phải thức khuya dậy sớm, khỏi việc rau heo cám chó. - Sướng quá hè! - Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất sẽ trở về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi phải ăn cơm gạo bắp. Chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được. Ăn tiêu tuỳ cần, làm việc tuỳ sức. Làm việc vài giờ một ngày cũng đủ sướng lắm! Chị khỏi ngủ gật. - À tao hiểu rồi! Cái đó còn lâu kia, khi vào xã hội cộng sản kia. Từ đây đến đó còn phải gian khổ, còn phải nhiều năm, không phải ngày mai ngày kia mà được. Nhưng chị hỏi mày học lỏm đâu đó? - Thèm học lỏm! Tôi ngồi chỗ cây cột nghe đàng hoàng anh cán bộ tỉnh về nói. Có anh Bốn Linh dự nữa. Anh cán bộ oai lắm, có đeo súng lục. Tôi nghe rõ anh nói: Ngày mai đâu, chúng ta sẽ như thế này, chúng ta sẽ như thế kia, chỉ nay mai thôi! Chị Ba quay sang phía mẹ tôi: - Làm chi chỉ nay mai, mẹ nhỉ! Làm chi có anh cán bộ cỡ đeo súng lục lại nói như rứa? Cán bộ như rứa phải nói đúng từng li từng tí. Con đi dự lớp huấn luyện, anh cán bộ thuộc sách làu làu còn phải giở sách ra xem, coi đi coi lại từng chữ chớ mẹ! - Anh cán bộ nói là ngày mai thôi.... - Ai nói vậy? Có mày phịa ra thì có! - Có chị phịa thì có! - Độ rày cha đi vắng, mày đi đánh lộn ngoài sông, hết xưng là Triệu Tử Long, là Hạng Võ, bây giờ lại học thêm sách của ông Tư Đàm chuyên nói láo. Ông Tư Đàm làng tôi nổi danh về tài nói láo. Tên của ông đã vượt ranh giới của xã, lên đến tổng và huyện. Chị Ba vừa cười vừa kể chuyện với mẹ: - Bữa trước con lại nhà ông Tư Đàm. Con chó của ông nổi sủa. Ông nói: “Con chó của chú trước đây nó sủa, tiếng sủa nghe như tiếng chuông. Nhưng nó có cái tật hay sủa bậy. Chú giận quá lấy gậy đập vào đầu nó. Đầu nó toác ra làm đôi. Chú phải lấy dây lạt cột lại. Bây giờ nó sủa nghe cạch cạch, chẳng khác cái mõ bể”. Mẹ tôi vui miệng kể luôn: - Trước đây ông nói với mẹ như ri: “Một hôm tôi cứ nghe buồn buồn trong bụng, không biết nhớ cái chi? Té ra tôi đang thèm thịt cọp. Tôi liền đi Dùi Chiêng để gặp Bá Hoành. Ông Bá Hoành ở Dùi Chiêng săn cọp nổi tiếng. Tôi rủ ông Bá cùng đi. Tôi bàu cho ông ta mua thứ hương mê để xông hổ. Thứ hương mê hễ ai hít phải là lăn ra ngủ như chết. Chúng tôi đứng trên đầu gió xông hương mê cho cọp hít. Cọp lăn ra ngủ, tôi xách giũa giũa hết răng nhọn. Vuốt nhọn tôi cũng giũa hết. Một con cọp mà răng với vuốt đã mòn thì chỉ còn là một con nghé con. Tôi trói cọp lại mang về. Bá Hoành phải phục tôi sát đất”. Chị Ba cười lăn. Mỗi tiếng cười của chị là một nhát kim đâm vào tim tôi. Tôi muốn xòe năm ngón tay như vuốt cọp để bấu cho chị Ba một cái. Tôi gầm lên: - Chị Ba giống như ông Tư Đàm. Để trả miếng, tôi cố moi móc những chuyện của chị Ba cho tôi nghe: - Mẹ nè, chị Ba bẻ mít ngoài vườn đem đãi các bạn. Chị nói láo là mẹ bảo: “Cách mạng lên rồi, không nên tham ăn nữa. Phải bẻ vài trái mít đem đãi bạn. Mẹ cho bẻ hết mít đãi các chị”. Chị Ba đưa các bạn vào ăn trong miếu Bà Tằm. Ăn xong, chị nhảy tót lên bàn thờ làm bà đồng cốt nổi ngáp ợ la lên: “Ta đằng vân giá võ về đến đây. Ta là Bà Tằm, là Tây Lăng Vương Nữ đây. Ta nói cho các ngươi biết để liệu hồn! Đứa nào không mang xôi chuối đến cúng bà, bà sẽ vặn cổ. Tằm của nó sẽ bị bệnh đỏ đầu, sẽ hoá con quăn, con hơi tuốt hết. Tao là thần, nhưng không phải không biết thù vặt. Đứa nào nói gì tao ghim lại hết!”Chị còn chỉ vào mặt chị Bảy Có rống to: “Mày là con Bảy Có đó hử? Mày là con hay nói sau lưng dữ lắm! Có phải mày đã nhọn mồm nhọn miệng nói tao phen ni sợ Cách mạng. Mụ Tằm đã bỏ đi mất. Mụ về chốn Bồng Lai tiên cảnh để kiếm chút chồng. Gái già ở vậy buồn lắm! Chồng con chi hử con kia? Đứa nào nói chuyện chồng con là tao vặn cổ chết ngay! Tao cấm không được nói đến chồng con. Phải lo cứu nước cái đã!” Mẹ tôi nghe vậy hoảng quá van xin: - Trăm lạy bà! Bà tha cho nó. Nó trẻ người non dạ! Chị Ba thách tôi: - Mách nữa đi! Tôi chẳng chịu thua: - Chị còn nói thế này nữa: Thằng con trai nào đến hỏi chị, chị sẽ bẻ cẳng. Chị phải lo cứu nước cái đã. Mười năm nữa mới lấy chồng. Chồng của chị sau này không phải là đám xoàng xoàng ở Hòa Phước này đâu, phải là một cán bộ quân sự đánh giặc giỏi, có súng lục hẳn hoi. Tôi đã động đến những điều riêng tư của chị Ba. Những điều đó, chị chỉ nói với các bạn thân trong lúc vui miệng. Chị Ba quay lại phía mẹ: - Mẹ để nó nói như vậy hở? Mẹ không phết cho nó ít roi. Tôi đứng dậy nhại lại, vừa nhại lại vừa đi ra chuồng trâu. Tôi mở dây mũi đưa con Bĩnh ra sông uống nước.