Mến tặng các em tôi quen và lạ. Cùng người em chưa quen biết. Anh với em thật chưa bao giờ quen biết. Đôi mắt nhiệt thành, đôi môi cương quyết, hai bàn tay rắn chắc, vồ vập ấy, anh mường tượng như đã trông thấy năm bảy lần trên đường anh qua. Nhưng, những dáng điệu ấy chắc gì chỉ của riêng em? Tuổi 20 nào lại chẳng có những dáng điệu giống nhau, phát lộ từ những tâm hồn nhiệt thành với cuộc đời, hăm hở với sự sống? Anh đã từng xót thương, như tự xót thương anh thuở nào thơ dại, khi bắt gặp anh trên đường, những nét nhăn mà móng vuốt của cuộc đời đã gây trên trán ai như trán em bây giờ; những đường tươm máu, gai đời rạch nát trên đôi tay, bởi cái gì cũng muốn nắm bắt; những vết trầy, những chấm rỗ, đá sỏi trên đường đi đã đâm thủng đôi chân, bởi chỗ nào cũng muốn dẫm đến. Vì sao em đày đọa tâm hôn, giày vò xác thịt, tự hiến dâng mình như một kẻ trầm hương cho lò thí nghiệm lớn, anh đã biết, nên không trách móc mà chỉ thương xót em. Vào độ tuổi em, anh cũng từng quằn quại với bao câu hỏi luôn luôn quay cuồng trong đầu óc nóng ran, đã từng phân vân, uất ức giữa bao thái độ trái ngược của sự sống, mà vẫn không tìm được một ý nghĩa thích đáng cho cuộc đời. Thế nghĩa là anh đã trải qua một phần nào tâm trạng khắc khoải của em, cho nên hôm nay, tình cờ gặp nhau trên một ngả đường, tuy chưa hẳn đã quen nhau, anh đã hiểu em nhiều lắm. Với nét nhăn trước tuổi, với dáng điệu trầm tư, em ngồi đó mà tưởn như đối diện với chính anh, cách mười năm trước. Bỗng nhiên một nguồn yêu thương tràn ngập tâm hồn, anh nhận thấy cần được xích lại gần em, đặt bàn tay mát dịu trên trán nóng hổi của em, và cần được bàn bạc cùng em năm bảy câu tâm sự mà anh đã nghiền ngẫm bấy lâu với một người em không còn nữa. Những tâm trạng ấy, anh không đặt ra. Chúng tự nẩy nở lúc cần phải nẩy nở, như làn chớp giữa hai làn điện gặp nhau, như hoa trái thời tiết nhất định của chúng. Nhưng nếu chúng ta không biết giải quyết bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ ung thối và đầu độc suốt cả cuộc đời.Bao nhiêu hoa trái đáng lẽ tốt tươi, phải héo hắt tự chồi non bởi thiếu một ánh nắng. Bao nhiêu thanh niên chưa bước ra khỏi ngưỡng cửa cuộc đời, bỗng trở thành những ông già bi quan, bạc nhược, kéo đời mình lê thê qua những ngày tàn ảm đạm, bởi vì đâu? – Vì không tìm ra nghĩa sống vậy! Trong lúc tuổi hai mươi mở rộng cửa ra trước cuộc đời mới lạ, bao nhiêu câu hỏi gắt gao tới tấp, dồi dập đến xâm chiếm tâm hồn anh. Không thầy, không bạn anh đã lần hồi tự tìm lấy những lời giải đáp, nhờ một ít giáo dục, một ít kinh nghiệm và rất nhiều ảnh hưởng của Phật giáo. Anh không dám tự hào rằng những lời giải đáp ấy là những định luật chung của cuộc đời, hay những chân lý bất di bất dịch. Nhưng ít ra, anh có thể nói rằng chúng đã đem lại cho anh, sau những năm sóng gió tơi bời, lúc tuổi hai mươi vừa đẩy anh rời khỏi bến gia đinh, sự định tĩnh của tâm hồn, một định nghía sống vui tươi, lung linh màu sắc… Đến đây, anh cần phải xin lỗi em về sự thân mật gần như sỗ sàng trong cách xưng gọi “anh em”. Nhưng ngoài cách ấy, anh thấy không còn cách nào khác. Anh muốn, như bất kỳ ở trường hợp nào, câu chuyện của chúng ta sẽ bao trùm trong bầu không khí thân mật để dễ được cảm thông. Anh không muốn, thật tình không bao giờ muốn, làm một bậc thầy, làm một ông giáo, một vị giảng sư đạo mạo… Những chức vị ấy làm xa cách người nói và người nghe, quá! Anh đã ngồi ở ghế nhà trường, đã vào giáo đường, đã dự thính những buổi diễn thuyết… Ở những nơi ấy, một ít lý lẽ tập truyền, cộng thêm rất nhiều uy thế của người giảng, đã làm người nghe phải khuất phục hơn là sung sướng công nhận, bị răn dạy hơn là cảm thông. Và kết quả là không lợi bằng những buổi thân mật ngồi nói chuyện bên nhau. Vả lại, anh dám đâu tự đặt mình vào địa vị của một trong những vị trên. Thời gian chưa đến ghi dấu trên đầu đốt tuổi ba mươi, anh có đâu đủ kinh nghiệm và sự chín chắn của một bậc thầy để lên mặt dạy đời và giữ phần phân phát đạo đức. Làm một nhà giáo dục? – Không, một trăm lần anh không muốn! Nếu có làm chức vụ ấy, anh cũng chỉ làm cho anh mà thôi. Anh thấy không thể giáo hóa ai khác hơn là tự giáo hóa lấy mình. Công việc ấy anh đã làm và còn làm mãi. Cho nên luôn luôn trước mặt mọi người, cũng như bây giờ trước mặt em, khi anh cần phải nói gì, anh thấy như đấy cũng là một dịp để tự nói với mình, tự căn dặn, tự vỗ về, tự khuyên nhú lấy, và sau cùng, để soát lại suy tư anh một lần nữa. Từ chối tất cả những chức tước trên, với em, anh chỉ muốn là một người anh, một người anh không độc đoán, không cố chấp, hiền từ ngồi bên em mà đàm đạo. Anh sẽ nắm tay em mà chỉ lại con đường tư tưởng anh đã đi qua, rồi để tự em liệu lấy. Nào! Chúng ta vào chuyện. Huế, mùa xuân năm 1945 V.Đ.C