Chương 2

Trần Văn tới trước cổng trường, lòng anh se lại. Anh biết có một số học sinh nhớ lớp thỉnh thoảng lại đạp về thăm. Anh tới để gặp họ và để bảo ai không có việc gì thì nên đi ngay, ai muốn ở lại thì nên sung vào tự vệ. Nhanh thể để từ biệt cái nhà trường mà có lẽ không bao giờ anh còn tới dạy nữa. Trong đời dạy học tư của anh, trường này anh vừa ý nhất. Trường của đoàn thể, dạy theo một phương pháp mới, khác hẳn cái lối dạy hồi thuộc Pháp chỉ đẻ ra thêm một lũ nô lệ, đầu sai. Ông giám đốc, một nhà trí thức cách mạng, đã đến tận nhà anh mời anh dạy sử. Đối với nhà trường, anh có một cái ơn tri ngộ. Anh đã được giảng sử nước nhà bằng tiếng Việt Nam, một cách đường hoàng, không phải dè dặt, quanh co. Cách mạng Tháng Tám đã mở cho anh một cuộc đời mới. Anh đang phấn khởi thì tình hình chính trị bắt buộc nhà trường phải đóng cửa. Các bạn giáo sư đã đi cả rồi, học sinh thì tan tác mỗi người một ngả.
Cổng trường vắng ngắt. Cái bảng tên trường còn mới nguyên. Cách đây mươi hôm thôi, học sinh còn đến trường ríu rít như đàn chim. Trần Văn thấy nhớ cả những người chẳng có quan hệ gì với anh, nhưng đã làm nhộn nhịp cổng trường. Không biết họ đi đâu cả rồi, cái bà bún chả thơm lừng, cái anh bánh mì ba-tê chột mắt, cái cô sấu giầm kháu khỉnh, cái bà hàng quýt và hạt dẻ, cả cái anh chàng thuốc cao liến thoắng, biết võ Sơn Đông, thoắt tới thoắt đi như một khách giang hồ.
Đường Hàng Đẫy. Người vào thành phố thì ít, phần nhiều là người lớn, dáng đi vội vã. Người kéo ra ngoại ô thì nhiều, số đông là đàn bà, con trẻ, ngồi lặc lè trên những xích-lô, lút trong cái mớ hỗn độn bọc to, bọc nhỏ. Một chiếc cam-nhông chất đầy những chồng giấy chạy chồm chồm, theo sau là một cái xe khác chở những bộ phận của máy in. Ba chiếc xe bò lộc cộc nối nhau qua, cái chở những đồ thờ lóng lánh sơn vàng, cái chở những tủ sập gụ, tràng kỉ, lộ bộ, cái chở những đồ đồng, đồ sứ bọc kín, nhưng vẫn để lộ hình dáng bộ tam đa, con hạc chầu, tấm gương đồ sộ… Chuyến xe điện đi Hà Đông rít bánh trên đường ray, cũng chật ních người, ầm ầm chạy qua cổng trường. Một thanh niên mặc tây, đứng ở toa cuối cùng, đăm đăm nhìn vào trong phố. Người con gái lộng lẫy ở cái biệt thự đối diện với nhà trường, vẹo người nhăn mặt, xách một cái va-li không nặng lắm ra ô tô nhà đậu bên hè. Chị ta đánh rơi cái va-li, đưa bàn tay nhỏ lên ngắm và xuýt xoa, và giật mình kiểu cách nhìn một nhạc sĩ ôm một cây ghi-ta lom khom đi trong đám đông. Trần Văn thấy động lòng thương. Một tiếng ho sù sụ làm cho anh quay lại. Một ông già lê bước tới. Lão không có nón, không có mũ, tóc nửa màu đất, túm lại thành một búi cái đằng sau, nhỏ như một hòn bi. Mắt lão mờ dại như mắt người hấp hối, mồm há ra để đớp không khí, cổ chỉ còn hai miếng da mỏng như tờ giấy dính cằm. Vai lão đeo một cái đẫy nhỏ, lưng gãy gập cõng một đứa trẻ độ hai tuổi. Đứa trẻ ngủ, cái đầu ngoẹo xuống. Thảm nhất là nó lại chít một cái khăn đại tang còn mới. Ông cụ cứ loạng choạng, thỉnh thoảng dừng bước để thở, rồi lại thất thểu đi. Lão đi ra phía ngoại ô, và còn đi đâu nữa. Con cái lão đâu? Liệu lão có sống nổi mà nuôi đứa cháu không? Trần Văn nhìn theo trong đám bụi mù cái bóng ông già xiêu vẹo, mỏng manh như chiếc lá rụng bay theo cơn gió dữ.
°

*

Ngót chục học sinh vui vẻ được gặp lại nhau trong lớp, sau nửa tháng xa cách. Người thì đã tản cư rồi lại lộn về Hà Nội. Người thì chẳng biết làm gì, đi lang thang các phố, rồi tạt qua trường. Quyên, mà bộ thiếu nữ tiền phong không còn hợp với cái dáng của người con gái đã đến thì, vừa ở Hoàn Long về. Một chị cán bộ đã giới thiệu Quyên vào làm mật mã, nhưng Quyên khóc xin thôi. Quyên cho là chị cán bộ khinh mình, vì Quyên thấy cái công tác được giao cho chẳng có gì là chiến đấu cả. Quyên nghĩ rằng đánh nhau thì phải nằm gai nếm mật, mặt trận thì phải là màn sương gối đất, chứ có đâu lại đi làm một công việc chẳng có gì là khó nhọc, ro ró ở một xó nhà. Loan, một học sinh tỉnh nhỏ mới ra Hà Nội, còn xúng xính trong bộ áo the cũ rích, thì phân vân chưa biết nên về hay nên ở. Về thì nhà túng, đông em, ở thì không biết ăn vào đâu. Để được học ở Hà Nội, anh đã phải làm nghề gập sách cho một nhà in, mà nhà in ấy đã tản cư rồi…
Sáng nhạt lùa vào lớp học xinh xinh. Mùi vôi tường nồng nồng man mát, mùi các cửa sổ mới sơn màu xanh tươi, thơm hăng hăng. Cái gì cũng mới cả, chẳng cái gì báo hiệu rằng nhà trường phải nghỉ. Cây bàng già trước phòng giám đốc vẫn như ngày nào, chốc chốc lại lìa những lá đỏ úa xuống cái sân nhỏ. Trong buổi sáng này, mấy người trẻ tuổi càng thấy nao nao cái niềm thiết tha muốn học, hoà với nỗi ngao ngán tiếc những ngày ngắn ngủi ở trường. Những ngày rực lên cái ánh sáng của ngày mai, bắt đầu những tình bạn mới, và ở một vài người đã gây gây cái hương vị kì lạ ngẩn ngơ của tình yêu nam nữ. Quyên thấy thương thương cái anh bạn đã từng rủ Quyên lên chơi vườn Bách thảo, nhưng Quyên không nhận lời. Không biết anh ta nay ở đâu rồi. Loan thì lừ đừ, ngơ ngác nhớ những người bạn cùng trường. Vì dè dặt anh đã không làm thân với họ. Tình cờ mấy người lại tụ tập ở đây, họ thấy như sống lại những ngày vui. Tay bắt mặt mừng rồi rít. Nhưng chỉ một thoáng thôi, câu chuyện lại trở về những vấn đề làm cho họ bận rộn trí óc và bứt rứt trong người. Một người nói:
- Tình hình ghê lắm rồi. Ở Hải Phòng nó lại vừa đổ bộ lên bốn trăm lính Đức. Hà Nội nó gây sự y như trước ngày nó đánh Hải Phòng. Chúng mình cứ loanh quanh thế này mãi ư?
Người khác nói:
- Đầu phố Khâm Thiên, mình đã đắp ụ cao, chôn những cây gỗ to như cột đình. Các cửa ô đều dựng chướng ngại vật xong cả rồi. Hôm qua, no cho xe đến phá ụ ở ô Cầu Rền, bê cả từng khúc gỗ. Nhưng tự vệ làm lại ngay.
Họ hỏi nhau:
- Mày đã vào tổ chức nào chưa?
- Biết vào tổ chức nào?
- Phải về nhập tự vệ ngay đi.
- Bọn cứu quốc ở trường này chẳng bào gì mình cả. Chúng nó chỉ toàn vào Giám họp kín với nhau.
- Trách chúng nó làm gì. Lúc này không nên trách ai cả. Chúng mình phải tự lo lấy thôi. Đứa nào chưa có công tác thì phải xin ngay đi, không có thì không kịp.Ngộ chốc nữa đánh nhau thì chúng mình trơ mắt ra ư?
Họ bàn với nhau việc chiến đấu như rủ nhau đi du lịch. Quyên hỏi một anh bạn:
- Thế anh đã vào đâu rồi?
- Mình đã xin với Uỷ ban bảo vệ khu phố vào tự vệ rồi. Đi gác tập trung rồi kia.
Anh nói cái danh từ Uỷ ban bảo vệ với một vẻ quan trọng đặc biệt. Cái danh từ mới mẻ ấy âm vang trong đầu óc mấy người như một cái gì lạ lùng, bí mật, với những chiến sĩ xương đồng da sắt, súng đạn đầy người, có tài chỉ huy quân sự và những mưu mẹo thần tình. Những người trong cái uỷ ban ghê gớm ấy chắc phải là những tay cách mạng lão luyện, một lời nói ra, hàng nghìn người phải nghe răm rắp. Quyên đứng lặng im không nói, trí đuổi theo cái hình ảnh ước mong của một người cách mạng nào. Người ấy đã phải bị đày ra Côn Đảo, đã phải vượt tù trốn về khu Giải phóng, và lúc này phải gánh vác những công việc lớn lao. Người chồng lí tưởng của chị có thể không còn trẻ nữa, nhưng chị sẽ yêu với tất cả lòng yêu của chị, chị sẽ hi sinh tất cả cho anh để bù lại trăm nghìn gian khổ mà anh đã phải chịu trong bao nhiêu năm.
Tiếng nói chuyện mỗi lúc một thiết tha, sôi nổi:
- Chia tay nhau thôi. Đứa nào về phố đứa ấy.
- Các anh ấy sẽ phát lựu đạn cho mà đánh nhau.
- Có phát súng lục không?
- Có chứ. Rồi còn học bắn nữa thì vừa.
- Nhiều đứa, cũng học sinh như mình thôi, mà bây giờ trông có vể chiến lắm rồi. Sao chúng nó tài thế nhỉ? Sao chúng mình chậm chạp thế này? Khắp nơi chuẩn bị, thế mà chúng mình còn ngồi đây nhỉ.
- Có thấy không. Chỗ nào cũng có khẩu hiệu: Cương quyết bảo vệ Thủ đô. Nghĩa là không để cho Pháp nó lấn nữa. Nghĩa là Chính phủ chủ chiến chứ không chủ hoà nữa. Hồ Chủ tịch đã tuyên bố đấy.
- Tuyên bố thế nào?
- Tuyên bố với phóng viên Paris-Saigon. Mày không đọc báo à? Cụ nói: đồng bào tôi và tôi thành thật muốn hoà bình. Nhưng dân tộc Việt Nam sẵn sàng chịu đựng tất cả chứ không chịu mất tự do.
- Đúng, đúng, nhớ ra rồi. Cụ nói thế nghĩa là lôi thôi là đánh chứ gì. Sốt ruột quá. Chúng mình lờ đờ thế nay thì còn học sinh Hà Nội cái gì.
Loan tuy mới ở tỉnh nhỏ ra học, nhưng anh cũng tự hào với bốn tiếng học sinh Hà Nội dễ thương ấy. Cái mơ ước của anh được học ở Hà Nội, nơi nghìn năm văn vật, nơi đầy ánh sáng và những người tài giỏi, anh mới đạt được. Tuy thời gian ở đây chưa được bốn tháng, nhưng Loan cũng tự coi mình như người chính cống Thủ đô. Anh rất sợ cái danh từ quan viên tỉnh lẻ. Cho nên để tán thành anh bạn, Loan khẽ gật đầu, sung sướng như được công nhận chính thức là học sinh Hà Nội. Niềm vui pha lẫn thẹn thò làm cho anh đỏ mặt. Loan là một thanh niên mà sự lớn lên của thân thể cũng chầm chậm, kín đáo như lời ăn tiếng nói. Anh thu mình giữa các bạn, bé nhỏ trong bộ áo the, lim dim đôi mắt sau đôi kính trắng gọng sắt, trông anh hiền lành, quê kệch và khôi hài. Anh đứng trầm ngâm nghe các bạn, trí tưởng tượng đưa anh từ cuộc đời còn thơm tho mùi sách vở tới những trận chiến đấu ngổn ngang xác giặc, và chính anh có thể chết dưới đống gạch ngói của phố xá điêu tàn. Anh muốn ở lại, mặc dầu anh chưa biết bấu víu vào đâu. Anh cảm thấy bơ vơ như con chim chích giữa cái thành phố rối tung.
Một học sinh, thuộc cái loại hay thu nhặt chuyện, say sưa kể những cái oai của học sinh Hà Nội xưa nay. Đám tang cụ Phan Chu Trinh với hàng vạn học sinh nam nữ, từ cái hồi anh chửa ra đời. Cụ cử Can mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ngay từ những ngày đầu thuộc Pháp, quăng chén rượu khóc cái nhục mất nước trước mặt học sinh. Rồi từ chuyện học sinh Hà Nội đánh trẻ con Tây, anh trợn trừng trợn trạo chuyển sang vụ học sinh đánh Phạm Quỳnh giữa ban ngày ban mặt ngay ở phố Hàng Gai, xé áo sa, giẫm nát gọng kính vàng, nhét cứt vào mồm thằng hót Tây khốn nạn. Các bạn há hốc mồm nghe nhà kể chuyện thao thao bất tuyệt nói lại những sự việc mà có người hoàn toàn chưa biết, có người đã nghe mang máng từ lâu. Họ gật gù thán phục, phút chốc lại rũ ra cười khoái chí, tâm hồn bay bổng trong cái thế giới học sinh yêu nước từ những thuở xa xôi nào. Được đà, anh kia đứng vào giữa mọi người, lại kể:
- Ngông như thế thì đúng là học sinh Hà Nội nhà ta rồi. Nhưng còn nhanh và mưu mẹo thì đây. Hồi ấy chúng mình còn bé, nhưng các cậu biết thằng toàn quyền Pát-ki-ê chứ. Nó mời thằng toàn quyền Nam Dương sang Hà Nội. Nó bắt các phố dựng cổng chào. Cái cổng chào phố Hàng Trống nhà tớ đồ sộ nhất. Hai thằng đều sắp đi qua. Mật thám cu-lít canh như chết. Thế mà có một học sinh mới mười bảy tuổi, vào trạc bọn mình bây giờ thôi, đốt phăng luôn cái cổng chào ấy vừa lúc chúng nó sắp đến. Chổi xể cháy phừng phừng. Chúng nó phải lộn lại. Pát-ki-ê chết cay chết đắng. Mật thám, cu-lít trơ mắt ếch, không bắt được ai. Tuyệt!
Mọi người ồ à, nhốn nháo, vui sướng trong cái phút đẹp đẽ của tuổi trẻ mà người ta tưởng như có thể làm được cả trời. Quyên nói theo người kể:
- Tuyệt!
Cái váy tím cũn cỡn làm cho chị thêm nhí nhảnh, nước da ngăm ngăm trông chị như một cô đầm đen. Quyên mũm mĩm, không đẹp, nhưng tươi vì cái miệng nhỏ có duyên, răng nhỏ và đều tăm tắp. Quyên nói:
- Ngày trước còn thế nữa là học sinh Hà Nội bây giờ.
- Bây giờ thì chĩa súng vào đầu nó chứ còn gì nữa.
Quyên vứt một gói hạt giống rau cải xuống đất, bĩu môi:
- Thế là hết giồng rau. Xin mãi mới được hạt giống. Bây giờ thì còn làm gì!
Một anh giơ cao bàn tay mở rộng, hô:
- Học sinh Hà Nội theo tôi. Chặn tay thằng Pháp lại.
Họ bước ra khỏi lớp, tiếng cười trong trẻo. Nhưng họ chưa đi ngay, còn la cà đi hết lớp này sang lớp khác, tiến vào phòng giáo sư, đứng ngắm cây bàng, rồi lại ra hành lang. Họ vẫn chưa muốn chia tay. Quyên nói:
- Lúc này mà đánh nhau thì chúng mình thế nào nhỉ?
Họ nhìn nhau, không nói, những vừng trán không một nếp nhăn, nhỏ lại tối đi. Loan tần ngần đứng trước tờ báo “Tiếng trường” mới ra được số hai. Anh giơ tay giữ tờ báo đã rách gần một nửa mà gió lộng cứ phần phật đánh. Quyên đến gần. Quá đát đàn bà, Loan lánh sang một bên và buông tay ra. Một nửa tờ báo gập xuống. Quyên kêu:
- Có dán lại không?
Quyên xuýt xoa như chính mình đau đớn. Quyên và Loan, có khuynh hướng văn chương, là biên tập viên chính của tờ báo. Tưởng mới như hôm qua, hình ảnh những ngày say sưa làm báo, những anh chị em tấp nập gửi bài cho toà soạn, những buổi đầu làm thơ, những phút chờ đợi tờ báo treo lên. Và cái vui Hồ Chủ tịch đến thăm trường. Cụ đứng đọc tờ báo rất lâu. Sáng hôm ấy, Quyên vắng mặt, buổi chiều đi học mới biết. Tối về, Quyên khóc không ăn cơm, đêm trằn trọc không ngủ.
Quyên vuốt ve nửa tờ báo rách, đưa nó lên áp vào tường, quay hỏi Loan:
- Bao giờ chúng mình lại làm báo tường? Đánh nhau thì còn làm thơ gì nữa, Loan nhỉ?
Loan cảm động nghe Quyên gọi chính tên mình, tiếng nói thấm vào lòng anh xao xuyến. Anh ấp úng nói không rõ, mặt anh đỏ ửng. Anh nhìn cái gói hạt giống rau cải, và anh thấy tiếc, anh nhặt lên. Một anh nói:
- Ừ, chúng mình rồi có đi học nữa không? Ngần này đứa rồi làm thế nào nhỉ?
Không ai trả lời được câu hỏi ấy. Quyên nhìn các bạn, mắt phảng phất cái ánh sáng hiền từ của mắt người mẹ mà người phụ nữ nào, dù còn ít tuổi, cũng có những lúc bừng lên. Quyên chìa một quyển sổ xin mọi người kí tên vào.
°

*

Mấy người học sinh vây lấy Trần Văn vào giữa. Họ đăm đăm nhìn người giáo sư chỉ hơn họ dăm bảy tuổi. Người anh dong dỏng cao. Cái đầu húi theo lối bàn chải, trong có vẻ gọn gàng, nhanh nhẹn, tương phản với đôi mắt lờ đờ của một người mơ mộng nhiều hơn thực tế, tình cảm nhiều hơn lí trí. Lúc này, lũ trẻ muốn anh cười, vì anh có một nụ cười đặc biệt, nó làm cho vẻ mặt thường nghiêm khắc và buồn buồn của anh trở nên tươi tắn, hồn nhiên. Thấy lũ trẻ nhảy nhót chung quanh, anh cũng muốn cười, để truyền cho chúng một chút lạc quan, trong cái giây phút đầy những lo ngại và bất trắc. Nhưng anh thấy sao mà khó khăn. Anh nhìn khắp lượt. Anh đến, họ đều hớn hở. Những mắt mở to của ngần ấy thanh niên vẫn không giấu nổi cái ngơ ngác của hoang mang. Lớp học với người thầy giáo, giống như một cái bến yên ổn, nhưng họ vẫn chưa quên được những sóng gió bên ngoài. Anh nghe rối rít xung quanh những lời tâm sự, những câu hỏi đầy lo lắng về tình hình.
- Chúng em nhớ trường quá. Mới được hai tháng. Đang vui, đã phải nghỉ rồi. Chúng em muốn đi học. Có đánh nhau không hả anh? Đánh nhau có lâu không? Có cách gì không đánh mà thằng Pháp rút khỏi Hà Nội không? Gặp anh, em mừng quá. Anh bảo chúng em làm gì bây giờ? Đánh thì thắng chứ hả anh? Mình có xe tăng không? Quân mình ở chiến khu đã kéo về chưa? Còn anh, anh có ở Hà Nội không?
Bấy nhiêu câu hỏi dồn dập là ngần ấy bài tính đố mà chính anh cũng bí. Cũng như họ, anh chỉ là một kẻ bị trôi theo thời cuộc. Anh là một ông giáo chỉ chủ động trong việc giảng bài. Lúc này, Trần Văn thèm làm một người cán bộ nắm được tình hình, biết mình sẽ làm gì và đi đâu. Anh cảm thấy con người mới phải là con người, chẳng kể trường hợp nào, đều làm chủ được tình thế. Anh chỉ trả lời cái phần họ hỏi về anh. Anh nói:
- Tôi ở lại Hà Nội.
Mọi người reo lên:
- Thế thì vui quá…
- Sao các anh các chị còn ở đây?
Quyên nói:
- Chúng em cứ nhớ nhớ, không đến trường không chịu được.
- Tôi tưởng không nên quá nặng nề về tình cảm nữa. Nếu xảy ra…
Anh ngừng lại, không muốn nói đến hai tiếng chiến tranh. Anh vốn sợ những lời nói gở. Tự đáy lòng, anh ghét chiến tranh, ghét cả cái tên của nó. Anh gượng cười, nhìn lũ học sinh mà anh nghe rõ những tiếng thở đều đều. Anh nói:
- Tôi có cảm tưởng rằng tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng thêm. Lê-ông Bờ-lum lên, nói là không dùng chính sách bạo động, nhưng Mu-tê vẫn giữ nguyên chức vị và Đác-giăng-li-ơ lại sắp trở sang Đông Dương. Thằng đô đốc này sang thì hoà bình gì nữa. Nó còn ở Pa-ri mà đã cho cái tuần dương hạm lớn nhất của Pháp là Xa-voóc-nhăng đờ Bờ-ra-da cập bến Đà Nẵng. Hôm nay báo Cứu quốc lại đăng tin nó cho thêm một diệt ngư lôi nữa sang. Có tin tụi Pháp nói: “Ou libérer ou conquérir” (1). Nghĩa là nó cố sống cố chết cướp nước ta một lần nữa.
Anh không nén được tiếng thở dài. Những cặp mắt trong trẻo ngước nhìn anh như đang nghe giảng. Một lúc lâu im lặng. Người ta nghe rõ tiếng lá bàng rơi đầu nhà. Quyên bỗng nói:
- Chẳng đời nào mình chịu.
- Chúng ta không thể sống mãi trong nhục nhã được. Không biết bao giờ dân tộc ta mới hết nhục? Nó cướp của, tống tiền. Nó bắt đàn bà con gái. Nó giết người ta mà lại nói là: à bas les Viet minh, assassins (2). Biết bao giờ cho sức mạnh không thuộc về những kẻ đi áp bức, đi thống trị người khác.
Một người nói:
- Không hiểu làm sao người mình cứ khổ mãi, anh nhỉ?
Trần Văn mỉm cười, đau đớn:
- Cớ lẽ đến lượt chúng ta phải chịu đựng những nỗi khổ cuối cùng để rửa hết bao nhiêu những tủi nhục mà cha ông chúng ta và chính chúng ta đã mang nặng từ tám mươi năm nay.
- Thế thì chúng em sẵn sàng, nhục lắm rồi anh ạ.
Ngần ấy người thanh niên mắt long lanh như sắp xông lên chiến đấu. Trần Văn thoáng nghĩ đến Trinh và tự hỏi sao trong lúc mọi người đang lo cho số phận của Tổ quốc thì người đàn bà ấy lại có thể bàng quan và lạc hậu như thế được. Anh nhìn những người học trò của anh, mà cái sôi nổi làm cho anh thêm phấn khởi. Anh nói:
- Có lẽ nhục không đáng sợ, chỉ những kẻ không biết nhục mới đáng sợ thôi. Ông cha chúng ta cũng sâu sắc lắm. Chắc các anh chị đều biết rằng cái buổi sáng ngày 20-11-1873 khi quân Pháp đánh thành Hà Nội, đại bác của nó làm thủng một cái lỗ rất sâu ở Cửa Bắc. Hà Nội bị mất vào tay chúng nó. Ông cụ tôi kể lại rắng ít lâu sau, một đêm có một ông nhà nho leo lên lấp cái lỗ, và đề một bài thơ. Bài thơ ấy tôi không nhớ nữa, đại ý nói phải lấp cái lỗ kia để hàng ngày nhân dân khỏi phải trông thấy mà thêm nhục. Mấy hôm sau thì cái chỗ lấp bị moi ra để trơ cái lỗ đại bác cũ. Đến đêm, ông nhà nho lại lấp đi, và đề thơ mắng cái kẻ nào không biết nhục đã phá cái công việc chính đáng của ông. Mấy hôm sau, cái lỗ lại khoét ra như cũ, bên cạnh có đề mấy câu thơ hoạ lại khuyên không nên xoá cái vết ấy đi mà phải để đấy cho mọi người luôn luôn trông thấy cái nhục mà nghĩ việc cứu nước. Và cứ như thế, người chủ trương giấu cái sự thật nhục nhã, người chủ trương phơi trần nó ra, người nào cũng thấy mình yêu nước cả, người nào cũng cho mình làm là đúng. Hai bên cứ âm thầm cãi nhau như vậy. Mỗi buổi sáng lại thêm một bài thơ. Thơ cứ đối chọi nhau. Cuối cùng, ông thứ hai viết: cái lỗ đạn này không thể lấp được bằng đất bằng vôi, chỉ có thể lấp được bằng gươm bằng súng. Không biết ông lấp nghĩ thế nào vì sau đó Pháp nó biết và đem rào kín cồng thành…
Loan nghểnh cổ nhìn Trần Văn qua đôi kính trắng:
- Em thấy ông thứ hai đúng hơn.
Quyên vẫn chống hai tay lên cằm nghe chuyện, nói:
- Còn gì nữa hả anh? Hay quá, cả hai ông cùng yêu nước chứ.
Loan đỏ mặt:
- Đúng rồi. Nhưng sự thật dù tàn nhẫn đến đâu, cũng không nên giấu.
Nhiều người nhao nhao:
- Ông thứ hai đúng.
Trần Văn gật đầu, như khi nghe học trò trả lời những câu hỏi của anh. Anh nói:
- Tôi nghĩ lúc này là lúc chúng ta lấp cái nhục bằng gươm súng đấy. Và nếu vì quân Pháp mà chiến tranh xảy ra thì chúng ta sẽ cho chúng nó biết rằng chúng ta không phải là một giống hèn.
Loan nói:
- Mấy hôm nọ, em cũng định về quê. Nhưng bây giờ thì chúng em thấy cần phải ở lại. Anh cũng ở đây, thì chúng em còn lo gì nữa.
- Tất cả hay chỉ có anh Loan?
Quyên nhanh nhảu nói như sợ người khác cướp mất lời:
- Chúng em là học sinh Hà Nội. Học sinh Hà Nội mà lại tản cư thì nhục lắm. Ở Hà Nội có làm sao đi nữa cũng vẫn hơn. Lần này, em sẽ đến nhà chị Oanh xin cho công tác đấy, anh ạ. Anh biết chị Oanh chứ? Chị Oanh phố Nhà Thờ ấy mà.
- Tôi biết. Chị ấy hay đến họp với ông Quốc Vinh.
- Ông Quốc Vinh nào ạ?
- Ông ấy là Phó chủ tịch Uỷ ban bảo vệ Liên khu 1.
- Thế à. Hay quá nhỉ. Chắc ông ấy ghê lắm?
- Sao lại ghê?
- Thưa anh. Uỷ ban bảo vệ thì phải ghê lắm chứ ạ.
- Nhất định rồi. Nhất định rồi.
Mọi người nói xôn xao. Cái hăng hái bồng bột của mấy người học sinh truyền cho Trần Văn một niềm vui mới, cái vui của mọi người đã có công tác, hoà với cái tự hào đã quen một nhân vật quan trọng, một người trong đoàn thể. Thấy Loan rụt rè, anh hỏi:
- Loan muốn nói gì?
Loan lại càng đỏ mặt:
- Em muốn anh giới thiệu cho em một công việc gì. Em không thể đứng ngoài cuộc đời.
Trần Văn vốn yêu Loan, một anh học sinh tỉnh nhỏ, chăm học, ham đọc sách, đang âm thầm theo đuổi mộng văn chương. Anh hay chú ý đến những người có chí mà chưa thành đạt và cho rằng cái thời mò mẫm tìm đường là cái thời đẹp nhất của một đời người. Anh nói:
- Tôi giới thiệu với ông Quốc Vinh nhé.
- Vâng.
Mấy người học sinh khác tranh nhau nói:
- Anh giới thiệu chúng em với.
Trần Văn gật đầu một cách mơ hồ. Anh chợt thấy bất nhẫn, không muốn cho những người đang tuổi đi học kia phải xếp quyển vở lại để cầm một thứ võ khí nào đó, và không bao giờ trở lại dưới mái trường. Thấy Loan cuộn tròn một quyển vở trong tay, anh cầm lấy giở ra xem. Quyển vở còn ngót một nửa chưa chép bài. Sau cái phần đã chép, trên một trang giấy trắng, có viết hai câu xếp đặt như thơ: Học sinh Hà Nội – Sống chết không rời Hà Nội. Dưới đề ngày 17-12-1946, rồi đến một loạt chữ kí. Anh lần giở những trang còn nguyên chưa viết. Những trang giấy này đang dẫn người học sinh chăm chỉ vào thế giới hiểu biết đã phải ngừng lại ở đây. Loan sẽ thôi hay còn viết nữa, và viết cái gì? Mấy người học sinh sán lại gần anh. Chưa bao giờ anh thấy gần họ như lúc này. Các trái tim đều đập mạnh. Những hơi thở không đều, bay khe khẽ vào mặt, thổi nhè nhẹ bên tai anh. Ngót chục cái đầu xúm lại. Trần Văn muốn ghì chặt trong hai cánh tay những khối óc tươi trẻ kia đang mở ra, sạch như trời hé sáng. Anh thở dài, giao trả Loan quyển vở. Anh nhìn ra đường, nói:
- Chúng ta ra khỏi cái nhà trường của chúng ta thôi. Biết làm thế nào.
Ngoài cổng, một đơn vị bộ đội tiến vào lạch cạch súng ống. Người nào cũng đều còn trẻ. Trong thấy Trần Văn và bọn học sinh bước ra, một anh khẽ gật đầu chào, lễ phép nói:
- Chúng tôi được lệnh đến đóng ở đây.
Trần Văn nói, giọng nhẹ nhàng:
- Vâng. Các anh giữ trường cho chúng tôi nhé.
Chú thích:
(1) Hoặc là thả hoặc là cướp lại.
(2) Đả đảo bọn Việt Minh giết người.