Không quen dậy sớm, nên khi trở về, Trinh lên ngay gác, vào buồng riêng định ngủ thêm. Bao đã đi làm, con Diễm còn ngủ. Chồng Trinh xếp đặt nhà ở theo đúng cái tiện nghi của một đời sống Âu hoá. Hai vợ chồng và con Diễm đều có buồng riêng. Trinh có thêm cả một phòng chứa những quần áo rất nhiều của mình. Nhà dưới là xa-lông, phòng ăn, và nơi làm việc của Bao, bồi, bếp, sốp-phơ ở nhà ngang. Trinh không sao ngủ được, mấy lần đã định dậy, nhưng nghĩ chẳng có việc gì, nên vẫn nằm. Chị với lấy một cuốn Dekobra, nhưng mỏi tay và cóng buốt, chị lại bỏ sách cho tay vào trong chăn, lim dim mắt hưởng cái êm dịu của ấm áp và yên ổn. Từ khi lấy chồng, Trinh đã quen với một cuộc đời mà mình hoàn toàn không phải lo liệu. Bao không muốn Trinh phải bận vào một việc gì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sắc đẹp của Trinh. Đối với Bao, không những Trinh có tình yêu mà còn có cả biết ơn và kính phục. Sau khi đoạn tuyệt với Trần Văn, Trinh cũng có nhiều lúc bứt rứt. Nhưng rồi ngày một ngày hai, trôi theo hạnh phúc của gia đình, câu chuyện cũ ấy như một mũi nhọn đã bị mài đi không xoáy vào lòng Trinh nữa. Vả lại, trong việc Trinh lấy Bao, mới đầu Trinh có cưỡng lại. Cũng như nhiều kẻ ích kỉ, lợi thì mình hưởng, nhưng trách nhiệm thì đổ cho người khác, Trinh thường tự bào chữa: Cuối cùng là mẹ quyết định chứ không phải Trinh. Khi có con rồi, Trinh càng yên tâm. Phận của Trinh đã được an bài như thế rồi. Trinh là con một gia đình tầm thường. Bố Trinh làm nghề bán sách. Khi ông mất, bà Hai Vịnh mới ngót ba mươi. Nhưng bà ở vậy nuôi con. Trước bà đi buôn hàng tấm, sau mới được một cửa hàng quần áo cũ. Buôn bán cũng đủ ăn. Bị họ nhà chồng và cả họ nhà mình khinh rẻ, vì không có của, bà chỉ có một nguyện vọng thiết tha là Trinh sẽ sung sướng hơn mình. Bà dốt nát thì Trinh phải được đi học. Bà vất vả thì Trinh phải được an nhàn. Bà không có thừa tiền thì Trinh phải giàu có. Trinh chỉ có việc ăn và học. Bà đón cả thầy giáo về kèm cặp thêm cho Trinh. Trần Văn được bà tin cẩn trong công việc ấy. Văn hơn Trinh bốn tuổi. Trinh phục Trần Văn là người đứng đắn, tự học mà đỗ tú tài tây. Song song với sự tiến bộ trông thấy của Trinh, mối tình giữa hai người dần dần nảy nở. Vì là chỗ quen cũ với mẹ Trần Văn, bà Hai cũng muốn cho hai trẻ nên vợ nên chồng. Bà chưa vừa ý một điểm: Trần Văn chỉ là một cậu giáo trường tư. Thấy Trần Văn có đủ sức để đỗ bằng to, có lần bà đã khuyên anh nên dấn học thêm, nhưng anh chỉ cười. Mẹ Văn đã xin cho cưới, nhưng bà Hai muốn để cho Trinh đỗ cao đẳng tiểu học xong đã, Trinh còn đang học năm thứ tư. Thế rồi Bao ở Pháp về. Gặp Trinh trong một đám cưới, Bao chú ý ngay đến vẻ đẹp dịu dàng của Trinh mà Bao cho là rất phương Đông. Bao có đủ những điều kiện giàu sang mà bà Hai hằng mơ ước; nên không đầy nửa năm theo đuổi, anh lấy Trinh… Trinh sống một cuộc đời đầy đủ, cách biệt với bên ngoài. Bạn bè cũng thưa dần. Có gặp Trinh, họ cũng không niềm nở lắm. Có người nói Trinh lấy được chồng sang, khinh chị em, có người lại thưỡi Trinh là bà hoàng đường Quan Thánh. Trinh được biết rằng Oanh, người bạn học cùng trường Đồng Khánh trước kia nói là Trinh nô lệ chồng. Những chuyện ấy không làm cho Trinh vui lắm, nhưng Trinh nghĩ: “Cho chúng nó nói. Đời ai người ấy lo. Lạ gì cái thói ghen ghét”. Trinh biết là bạn học có nhiều đứa hoạt động. Trinh lại càng xa. Một hôm, Trinh đọc một bài phóng sự về phụ nữ Thủ đô đăng trên trang phụ nữ của một số báo Cứu quốc, thấy nói chị em hăng hái lắm; người thì đi mượn ống tiêm để làm cứu thương; người thì huấn luyện một lớp tuyên truyền xung phong; ở ngoại ô lại có cả một chị đeo súng đứng gác kiểm soát giấy má những người qua lại… Trinh cho là đua đòi, là mốt mới. Những công việc ấy có một.cái gì trẻ con, khôi hài, lố lố. Hợp với tính chồng Trinh sợ tất cả những cái gì là pô-puy-lô (1). Tuy vậy, Trinh vẫn thấy ngượng mỗi khi gặp lại một đứa bạn học cũ. Trinh sợ chúng nó hỏi Trinh làm gì. Trinh sợ chúng nó nhắc lại những chuyện hồi đầu cách mạng năm ngoái. Trong những ngày rầm rộ ấy, Trinh đã tham gia cuộc biểu tình rất lớn phản đối phái bộ Anh, dịp quân Anh giúp Pháp trở về Nam Bộ. Trinh muốn quên hết cả để được sống cho mình, vì mình. Trong cái thế giới của Trinh rút lại chỉ còn mẹ, chồng và con Diễm. Nhưng gần đây, tình hình bên ngoài cũng bắt đầu làm cho Trinh lo ngại. Bao không muốn để cho Trinh biết, sợ Trinh bận tâm vô ích. Mặc dầu vậy, một vài tin tức chung quanh vẫn cứ bay tới nơi Trinh ở, như những giọt nước nhỏ của một trận mưa rào lọt qua khe cửa kín. Trinh không dám hỏi Bao, sợ phiền chồng. Sau vụ Pháp đánh Hải Phòng, Trinh băn khoăn, Bao nói: “Nước Pháp tôn trọng chữ kí. Không có gì đâu”. Bạn bè của Bao đến chơi, cũng nói: “Nó chiếm Hải Phòng chứ không dám động đến Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô”. Nhưng người ta đục nhà, đục cửa, người ta sắm súng ống. Năm lần bảy lượt, tự vệ đến từng nhà giục đàn bà trẻ con tản cư. Trước bà Hai còn nói: “Rồi lại như hồi đầu năm. Cụ Hồ sẽ thu xếp đâu vào đấy”. Thế rồi mấy hôm nay ngày nào bà cũng chạy đến bảo Trinh nên lo cho con về quê ngay. Nhiều bạn của Bao cũng cho gia đình đi. Trinh sốt ruột hỏi chồng. Bao gắt và nói: “Em không tin vào anh nữa à? Anh còn ở đây thì em lo cái gì?” Trong thâm tâm, Trinh cũng muốn rời Hà Nội ít bữa. Nhưng từ khi Bao gắt, và đây là lần đầu tiên Bao gắt, Trinh không muốn nói gì với Bao nữa. Trinh đành bàn với mẹ hãy về quê trước, xem thế nào rồi Trinh sẽ nói với Bao cho về sau. Tiễn mẹ đi rồi, Trinh thấy như hẫng hẳn cuộc đời. Cái xã hội nhỏ bé của Trinh lại càng thu hẹp. Trinh tủi vì Bao không ra ga tiễn mẹ. Cuộc gặp gỡ với Trần Văn làm cho Trinh nghĩ ngợi thêm nhiều. Trinh ngược lên những ngày của mối tình đầu, trở lại cái buổi sáng hôm nay, bứt rứt không hiểu vì sao Trần Văn đang nói chuyện lại bỏ đi ngay. Kể từ khi Trinh đi lấy chồng, Trần Văn chưa hề có một lời trách móc, nhưng sự im lặng giữa hai người không bằng lòng nhau, thường đau đớn hơn là một sự bùng nổ. Từ chuyện Trần Văn, Trinh lại trở lại mối lo về tình hình Trinh không muốn nghĩ, nhưng mối lo cứ ùa tới. Tiếng khuân gỗ, tiếng reo hò đóng cọc của anh em tự vệ đang chuẩn bị phòng thủ ở dưới đường, bên ngõ Yên Ninh, ầm ầm đưa lên, làm cho Trinh nhức óc, và như làm rối cái buồng Trinh ở. Nó yên và ấm biết bao cái buồng lịch sự, quét vôi xanh sẫm, mà qua cái cửa sổ rộng rèm kép, ánh sáng gạn lọc rọi vào dịu như nhung tơ. Cái gương lớn trên bàn phấn phản chiếu cái giường gỗ lát kê trên tấm thảm lông dê. Trinh tự thấy mình đẹp đẽ giữa cái đống gối chăn thơm nhẹ, mớ tóc đen làm nổi cái màn trần tuyn trắng muốt. Tất cả đều tĩnh mịch, cái ghế phô-tơi nặng bên cái đèn cây góc phòng, những cái pouf (2) quanh cái bàn nhỏ màu cờ-rem sô-cô-la nhạt. Không có tranh, không có tượng làm loạn mắt. Chỉ có ảnh con Diễm treo tường, trên cái tủ sách nhỏ của Trinh. Một bó hoa hồng trong cái lẵng pha-lê Tiệp xinh xắn đặt trên nóc tủ gieo một niềm vui kín đáo vào gian buồng xinh đẹp. Trinh bâng khuâng trong cái không khí nhàn nhã, mà những đồ đạc như mơ, và quấn lấy chị. Nhưng Trinh vẫn cảm thấy có cái gì đang lay mạnh dưới giường. Chênh vênh như một cái cây người ta đang đẵn gốc, Trinh hoảng hốt, bịt tai để không nghe những tiếng động bên ngoài. Trinh úp mặt vào gối, buông một tiếng thở dài khuấy động cái buồng lặng lẽ. Trinh đọc báo thấy đăng ở một góc mấy dòng vắn tắt: “Hãy đề phòng trường hợp lạc trẻ. Ngay từ bây giờ, mỗi gia đình chưa tản cư nên sẵn sàng đính vào áo, hoặc làm dây đeo tay, những mẩu vải ghi tên và họ các em, tên cha mẹ và địa chỉ gia đình để đề phòng những trường hợp lạc trẻ khi xảy ra chiến tranh”. Không phải là một tin quan trọng, mà sao Trinh lo sợ, tay chân run rẩy. Trinh bấm chuông gọi người vú em sang. Diễm ngồi trên tay người vú, một chiếc áo lông trắng phủ kín cả đầu và chân tay con bé, chỉ để lộ cái miệng, cái mũi và đôi mắt một mí giống Bao. Trông Diễm như một đứa trẻ Nhật. Hai bàn tay Diễm lút trong ống tay áo đập không khí một cách vụng dại, chân Diễm đạp nhoay nhoáy, miệng Diễm vừa reo vừa phun nước mưa. Trinh ngồi trên giường chìa tay đón con. Diễm hêu miệng ngóng chuyện. Trinh ôm con trong cánh tay nhỏ nhắn, áp má nó vào má mình. Người ta có cảm tưởng rằng đấy là hai chị em, vì Trinh trẻ một cách lạ lùng. Trong cảnh êm ấm Trinh không dám nhìn xuống đường. Nhưng bên kia, đầu ngõ Yên Ninh, Trinh vẫn có cái cảm giác là cái ụ đất với những cây gỗ lớn tua tủa đang sừng sững dâng lên. Nam nữ thanh niên đang tấp nập, rối rít, kẻ cuốc đất người kéo gỗ. Trinh nhắm mắt, nhưng cảnh cảnh tượng rối loạn ấy vẫn cứ quay cuồng làm cho Trinh chóng mặt. Trinh phân vân không biết cho Diễm đi hay ở lại, đeo dấu cho con hay không. Diễm khóc đòi đứng lên. Nó đã quen được ẵm trước cửa sổ để nhìn ra ngoài. Trinh nói: “Sợ lắm con ạ!”. Nó càng khóc, toài ra với người vú. Vú em hé cái rèm kép. Đầu ngõ Yên Ninh đen đặc những người đang đắp ụ. Trinh giật mình. Tiếng máy bay ù ù, rè rè trên đầu. Trinh chưa kịp đưa Diễm cho vú em thì cái gác xinh xắn của Trinh rung lên. Máy bay là là các mái nhà, nghiêng cánh. Tiếng súng nổ vang động cái phố yên tĩnh. Trinh thoáng thấy trong ngõ Yên Ninh người ta chạy bắn vào hai bên hè. Một con bé đang ăn phở bị trúng đạn, ngã xuống, bát phở văng đi. Người vú một tay ẵm Diễm, một tay dắt Trinh, chạy xuống dưới nhà. Trinh ôm chầm lấy người vú, rên rỉ: “Làm thế nào bây giờ?”. Hai đầu ngõ Yên Ninh bị vít lại. Xe tăng, háp-tờ-rắc của quân Pháp đỗ bên đường Quan Thánh, bắn phá cái ụ, bắn xả vào trong ngõ. Súng trường của tự vệ Yên Ninh lẻ tẻ bắn lại. Một tên lính Pháp đứng trên xe cam nhông ngã gục xuống đường. Một tiếng thét: “A mort les Viet Minh assassins!” (3). Những cây gỗ đã bị nhổ mang lên xe. Cái ụ đất bị san phẳng. Trọng pháo ở trong thành bắn sang yểm hộ. Ngôi chùa nhỏ ở trong ngõ đổ sụp. Tiếng súng của tự vệ im bặt. Hơn một chục lính mũ đỏ rầm rập tiến vào cái ngõ vắng tanh, bụi bốc mù rải rác mấy xác người nằm chết hai bên hè. Từ cái chùa đổ cuồn cuộn bốc lên một đám khói to. Bọn lính sục vào trụ sở của tự vệ ở đầu phố. Một thằng lính thấy hút một thanh niên từ trụ sở chạy sang một cái nhà nhỏ không có gác. Nó lăm lăm khẩu súng đuổi theo. Cánh cửa mở ra, giữa tiếng kêu hãi hùng của một người đàn bà và hai đứa con luống cuống trong một gian nhà nhỏ tối mờ mờ, đồ đạc được thu dọn cả, chỉ còn trơ một cái giường. Nó hỏi Việt Minh, người mẹ không biết tiếng Pháp quỳ xuống chắp tay vái lia lịa, miệng van lạy: “Quan lớn làm phúc, tha cho mẹ con chúng tôi”. Tên lính hỏi dồn. Nó nắm lấy tóc người mẹ lôi dậy, gật gật đầu cười. Người mẹ tưởng như nó tha mình, ú ớ: “Trăm lạy quan lớn”. Nhưng tên lính cười gằn, lật mặt người mẹ ngửa ra đằng sau. Cái cổ tròn căng thẳng thoi thóp, gợn mấy đường gân xanh. Một bàn tay chới với nắm lấy cái bàn tay của đứa con trai lớn chừng năm tuổi. Đứa con gái nhỏ mới hai tuổi giẫy đành đạch hờn với mẹ, hai tay bíu vào cái gấu quần lụa trong: “Mợ ẵm con. Mợ ẵm con”. Tên lính tháo đôi hoa tai của người mẹ, thản nhiên đút vào túi. Mặt người đàn bà trắng như một tờ giấy, thân oãi cong lên. Môi tên lính rung rung. Nó tuốt lưỡi lê đâm gọn vào cái cổ, tay nắm tóc buông ra. Đầu người mẹ gieo mạnh xuống sàn gạch. Không một tiếng kêu. Lưỡi lê lại vung lên, đứa con lớn đứng bên xác mẹ vừa khóc vừa đưa hai bàn tay nhỏ bé lên đỡ. Một ánh chớp loáng. Hai bàn tay vụng dại nắm chầm lấy cái lưỡi lê đâm mạnh, thọc sâu vào ngực nó. Người thanh niên từ lúc nãy vẫn chúi dưới gầm giường, đến đây không chịu nổi, anh thét: “Quân dã man phát-xít!” Anh bò ra đứng phắt dậy, xông thẳng tới trước mặt tên lính, giáng một quả đấm vào ngực nó. Lưỡi lê trong tay nó bắn ra, rơi xuống gạch. Tên lính lùi lại. Đứa con gái không khóc nữa. Nó bò tới xác mẹ, rúc đầu vào nách, chân gác lên bụng, tay quờ lên má mẹ. Thấy tay nó đỏ lòm, nó lại khóc rít lên. Anh thanh niên lao cả người vào tên giặc. Nó vừa lùi vừa rút súng lục. Anh rú như điên: “Tao giết mày. Cả lò thằng Pháp chúng mày”. Bên ngoài, hai tên lính khác bước vào. Một đứa giơ giày đinh đá phốc vào mạng mỡ người thanh niên. Anh bị bắn vào tường. Vừa ôm bụng, vừa chửi rủa, anh gượng đứng lên. Tay anh quờ được cái âu trầu ném thẳng vào tên lính. Cái âu rơi đánh xoảng xuống đất. Chúng nó đã sấn lại. Một thằng nắm được tóc anh, một thằng giữ lấy hai tay anh, bẻ ngoặt sang sau. Đầu người thanh niên vênh lên, tóc rũ xuống che kín mặt. Tên lính đứng trước mặt anh, và thong thả tát vào hai má anh như mèo tát chuột, mồm nó làu bàu những tiếng Pháp thô tục. Chúng kéo anh đến giường, ấn anh nằm xuống, đè ngửa lên, lột hết áo ra. Anh giãy giụa một cách tuyệt vọng. Một thằng lấy cái âu trầu. đem đến đặt ở dưới đầu giường. Anh vùng đậy, chửi rủa. Chúng nó dằn anh xuống. Thằng lính lạnh lùng nói: “Mày đừng sợ. Tao không làm gì mày đâu. Mày xem, tao có làm gì mày đâu”. Nó vít đầu anh xuống. Chợt một lũ lính khác dẫn một đám dân phố đi qua. Thằng lính ê ê gọi vào. Tiếng cười của bọn lính cất lên như trong một đám tiệc. Chúng dồn mấy người già lên trước. Họ quay mặt đi, nhưng những bàn tay lông lá đã vặn những cái đầu quay lại phía đầu giường. Chân người thanh niên đạp mạnh, cáí bụng phập phồng. Hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt. Lưỡi lê đỏ máu của tên lính hung ác dứ dứ mấy cái rồi đâm phập vào cổ ằng ặc của người thanh niên. Nó xoay nghiêng cái cổ cho máu ồng ộc chảy xuống cái âu trầu. Mấy ông già run rẩy ngồi thụp xuống nhắm nghiền mắt lại. Một ông cụ râu tóc đều bạc xô một thằng Pháp đứng sau để chạy. Bên xác người mẹ, đứa con gái khóc bằn bặt không thành tiếng. Bỗng tên lính giết người kéo ông già râu bạc lại. Nó cầm cái âu đầy máu ngầu bọt, kề vào miệng cứng đờ của ông cụ, nói: “Mày húp đi, mày húp trước đi. Rồi chúng mày thay nhau mà húp”. Những tiếng cười của bọn giết người lại nổi lên trong cái gian nhà lênh láng máu… Cuộc chém giết kéo dài cho đến quá trưa. Chúng quăng mấy cái đầu lâu ra giữa đường và lên xe kéo về Cửa Bắc. Một chiếc máy bay vẫn lượn sát các mái nhà. Tiếng khóc thảm thiết nổi lên trong cái ngõ đổ nát và cháy rừng rực. Người ta bới tìm xác của những người thân. Một chú bé chừng tám chín tuổi chạy vào trong cái nhà đã xảy ra vụ thảm sát. Người ta đang lố nhố thu dọn. Một tự vệ ẵm đứa con gái đỏ lòm ở trong đi ra. Chú bé nhận ra em nó. Nó vồ lấy con bé, tay áo và áo sơ-mi của nó cũng bê bết máu. Người tự vệ nói: “Em hãy ẵm em bé di. Chốc nữa hãy về”. Nó nhòm vào trong nhà, khóc rống lên: “Mợ ơi! Mợ ơi!” Con bé hỏi anh: “Mợ đâu? Mợ đâu rồi?” Nó lại oà lên khóc, nhưng sợ một cái gì, nó lại nín. Thằng anh cõng đứa em, ngơ ngác đứng ở trước cửa nhà mà cái thềm hằn những vết chân đỏ nhợt. Chú bé thất thểu đi, hai tay giữ lấy hai chân em. Đầu con bé rũ xuống vai anh. Nó im thin thít bậm môi nuốt những dòng nước mắt đỏ. Chú bé đứng ngây nhìn vào trong nhà, chân nó giẫm lên đống gạch vụn. Người ta xúm lại chung quanh hai em. Thằng anh vẫn ngẩn ngơ hỏi: “Mợ em đâu?” Một bà cụ gạt nước mắt bế con bé, ủ nó bằng vạt áo bông cộc của mình và nói: “Chính phủ còn đợi gì? Để cho nó giết dân thế này”. Tất cả những chuyện ấy, qua những lời thì thầm của người trong nhà, đều đến tai Trinh. Trinh chỉ biết chúi vào cái xó sâu nhất của cầu thang. Trinh rên rỉ, tay ôm lấy Diễm, chốc chốc lại gọi chồng. Trinh giận Bao và định bụng cứ về quê với mẹ dù Bao không cho phép. Khi Bao về, Trinh vẫn như người mất trí. Trông thấy Bao, Trinh chỉ thở dài. Bao giục: - Hãy tạm đến nhà bác Cự Lâm đã. Chúng nó có thể trở lại. Trinh run rẩy bước ra khỏi nhà, lạnh buốt như người đang mặc ấm phải cởi áo ra. Mỗi bước chân đi, tưởng như là một bước nguy hiểm. Trinh lầm lì không nói, nhắm mắt không dám nhìn sang bên ngõ. Nhưng Trinh cũng thoáng thấy người ta đang cáng những xác người chết. Ngoài đầu ngõ, sau một ụ cát, một người tự vệ quen mặt vẫn bồng súng đứng gác, như không có chuyện gì xảy ra. Trinh ngẫm nghĩ: Không đánh được thì bày trò ra làm gì. Không đắp ụ thì làm gì mà nó giết! Trong xe, Bao ngồi bên Trinh, tay ôm vai vợ: - Em không sợ. Anh sẽ kiếm một nơi yên ổn nhất để em ở. Ở đấy em sẽ chẳng biết lo sợ là gì. Trinh ngả đầu vào vai chồng, và dịu dịu ngồi yên để Bao vuốt lại tóc cho mình. Chiếc xe Xi-tờ-rô-en chạy trên đường Quan Thánh nhốn nháo những người dắt díu, bồng bế nhau chạy. Anh sốp-phơ phải bóp còi inh ỏi, nhưng xe vẫn phải dừng lại luôn. Chú thích (1) Bình dân lôm lam, tầm thường (2) Ghế đẩu thấp, không chân, có nệm (3) Tàn sát bọn Việt Minh giết người!