Đám cưới diễn ra thật vui vẻ, náo nhiệt. Pháo nổ dòn tan khi ba cặp vợ chồng mới cưới nắm tay nhau lần lượt tiến vào hội trường. Đi đầu là chị Thu, giám đốc, và anh Hoàng, trưởng trạm y tế nông trường. Chị Thu mặc áo dài thiên thanh đính bông trắng, trang điểm cẩn thận, tóc cài lúp trắng, tay đeo găng trắng ôm bó cúc trắng, trông chẳng có vẻ gì là một nữ giám đốc làm việc rất nguyên tắc và đã thẳng tay dẹp dược tệ nạn nhậu nhẹt nổi tiếng của Nông trường, một tệ nạn triền miên từ mấy năm nay. Đó còn là nữ giám đốc duy nhất trong hai mươi bốn giám đốc nông trường của thành phố. Anh Hoàng mặc một bộ đồng phục Thanh niên xung phong mới tinh, mặt hớn hở. Hai cặp đi sau, hai chủ rể đều mặc sơ mi măng sét màu nhạt, thắt cà vạt màu sậm sọc chéo rộng bản, quần màu đậm, mang giày da bóng loáng, không ai nhìn ra Bá và Tùng hàng ngày lao động chuyên ở trần trùng trục. Cả hai cũng cười toe toét, tuy không giấu được vẻ ngượng ngập. Hai cô dâu Liên và Nguyệt, một cô áo đỏ một cô áo hường, cũng được “trang bị” cẩn thận như cô dâu Thu, không thua bất cứ cô dâu nào ở thành phố. Đây là đám cưới thứ chín ở nông trường Đỗ Hòa trong vòng hai năm nay, nhưng lại là đám cưới tập thể đầu tiên vì bỗng dưng cùng lúc có đến ba cặp nộp đơn, có lẽ vì thời tiết cuối năm bỗng trở lạnh, làm những người độc thân thấy rõ hơn sự cần thiết của một mái ấm. Để tránh mất thì giờ và tiết kiệm chi phí tổ chức, cũng được sự đồng ý của cả ba cặp, nông trường cho làm lễ tuyên hôn chung hôm nay. Bà con hai họ của sáu bên đều được đò máy của nông trường đón rước từ Nhà Bè, đưa lên đầy đủ từ chiều hôm trước. Các nông trường bạn, các đơn vị Thanh niên xung phong ở xa, chính quyền địa phương, bạn bè thân hữu của ba cặp vợ chồng mới... cũng đều đã có mặt. Đông thật đông mà vui thật vui. Hội trường năm trăm chỗ ngồi kín cả người, hai dãy bàn ngoài hiên bên hông cũng nghẹt khách, cười nói râm ran, hút thuốc thở khói mù mịt. Hương gặp lại Toàn sau gần bảy năm. Anh đi trong nhóm đại biểu Trường giáo dục lao động công nông nghiệp 2 của Lưc lượng Thanh niên xung phong ở Tân Phú, Đồng Nai. Khi được người chủ hôn giới thiệu với toàn thể quan khách, nhóm này đã làm cho mọi người phải cười ồ lên, vì đã mang theo tặng ba cặp vợ chồng mới tất cả là... ba con dê, “cây nhà lá vườn” của trường, góp phần thêm hai món đặc biệt trên mỗi bàn tiệc, bảo đảm ăn “vừa bổ vừa mát”... Toàn vẫn khỏe mạnh, nhưng đôi mắt đã mất đi khí sắc tinh anh của ngày trước. Râu ria anh lởm chởm, áo quần xốc xếch, đầy vẻ khinh đời. Thỉnh thoảng, Hương vẫn tìm cách hỏi thăm tin tức về Toàn. Anh xuống dốc nhanh từ sau cái chết của Oanh. Toàn mất ý chí phấn đấu, lại sinh ra uống rượu nhiều, bê trễ công việc. Gần bảy năm. Cỡ anh ngày đó, giờ đều đã là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị. Toàn giờ chỉ là một trợ lý, mà là một trợ lý thuộc loại kém, nằm ở văn phòng Ban giám hiệu trường, công tác chẳng có gì cụ thể. Anh được giữ lại, chủ yếu cũng nhờ quá trình. Hình như anh cũng chưa được cấp thẻ Đảng trong đợt vừa qua. Hương nhớ sau ngày Tổng đội biên giới trở về một cách vinh quang, được sự đón tiếp nồng nhiệt của bà con thành phố, Toàn đã đến tìm Hương để hỏi thăm về cái chết của Oanh. Hương cho anh coi trang cuối cùng trong cuốn nhật ký của Oanh và hỏi anh một câu: - Có phải thật sự tổ chức Đảng của Thanh niên xung phong lúc đó dứt khoát buộc anh phải chọn giữa Đảng và Oanh? Toàn khóc trước mặt Hương. Đó cũng là lần đầu tiên cô thấy một người con trai khóc. Ý kiến đề nghị Toàn ngừng quan hệ với Oanh chỉ mới là ý kiến của chi bộ tại chỗ, với một đa số khá cao nhưng chưa phải là ý kiến chung của tất cả mọi đảng viên. Có đồng chí khuyên Toàn nên trình bày thẳng lên tổ chức Đảng cấp trên để xin ý kiến, nhưng chưa gì Toàn đã bi quan, cho rằng Đảng ủy Lực lượng rồi cũng sẽ đồng ý với chi bộ, qua một vài tin hành lang mà anh đã nghe ngóng được. Yêu Oanh, sẵn sàng bỏ qua quá khứ của cô, nhưng Toàn lại tiếc cho quá trình công tác và lo lắng cho tương lai của mình. Anh đã viêt thư cho Oanh, xin rút lui khỏi đời cô lúc cô đang ở biên giới. Một quyết định thiếu dũng cảm, đáng tiếc. Nhiều bạn bè đồng đội đã nhìn Toàn bằng đôi mắt khác, nhất là sau cái chết của Oanh. Anh suy sụp từ đó. Tuấn Anh, thủ trưởng đơn vị hiện nay của Toàn, không hiểu sao hôm nay lại đưa Toàn đi dự đám cưới chị Thu, anh Hoàng. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt. Chị Thu tham gia cách mạng từ năm 1969, trong phong trào sinh viên học sinh thành phố đấu tranh chống Mỹ. Chị đã từng là chủ nhiệm chiến dịch đốt xe Mỹ nổi tiếng năm 1971, đốt tiêu trên một trăm chiếc xe quân sự Mỹ trên đường phố Sài Gòn. Chị bị bắt, qua nhiều nhà tù, vẫn giữ vứng khí tiết, và cuối cùng, bị đày ra Côn Đảo, đến ngày giải phóng mới được trở về. Trong khi đó, anh Hoàng lại là đại úy quân y chế độ cũ, học tập cải tạo về xin gia nhập Thanh niên xung phong, tích cực công tác, hai năm liền đều được công nhận là chiến sĩ thi đua. Vợ anh Hoàng, sau nhiều lần thuyết phục anh bỏ đi nước ngoài không được, đã dẫn đứa con duy nhất của hai người vượt biên sang Canada. Anh Hoàng vẫn yên tâm công tác, hết lòng hết dạ với đơn vị. Trạm xá của anh, nơi Hương đang công tác, mấy năm liền đều là đơn vị tiên tiến, liên tục nhận bằng khen của Lực lượng và Ủy ban nhân dân thành phố. Một trạm xá cấp nông trường mà tự lực có đủ cả: Ghế chữa răng tự chế, bộ gây mê, kính hiển vi xét nghiệm máu... Anh Hoàng là bác sĩ nội khoa mà mày mò tự nghiên cứu để làm được đủ việc, kể cả đỡ đẻ. Sau hai năm cùng công tác ở Đỗ Hòa, chị Thu và anh Hoàng đã yêu nhau. Chị Thu là một cán bộ quan trọng, dĩ nhiên trường hợp này không ít người ngăn cản. Nhưng chị vẫn cương quyết đấu tranh cho hạnh phúc của mình, xác định tiến tới hôn nhân với anh Hoàng, và cuối cùng tổ chức đã đồng ý. ... Ngại Toàn nhận ra mình sẽ thêm nhớ Oanh và càng buồn hơn, Hương quyết định tránh mặt anh. Cô chọn một chiếc bàn trong góc, phía cuối hội trường, sau Toàn khoảng mấy bàn nữa. Trong suốt buổi tiệc, bạn vè của ba cặp vợ chồng mới lần lượt lên chúc mừng, hát tân nhạc, ca vọng cổ, kể chuyện vui... phục vụ cho lễ tuyên hôn. Nhà thơ Hà Nam cũng có mặt. Ông đọc một bài thơ rất xúc động tặng cho chị Thu, người bạn cùng hoạt động với ông trong phong trào chống Mỹ. Hương chỉ nhớ được mấy câu: “...Hạnh phúc như ngọc ở trong đá. Không đến với ai chỉ hời hợt đi qua Hạnh phúc như mật trong hoa Không có với ai không cần cù tìm lấy Hạnh phúc nơi đây, hôm nay tôi thấy Là ngọc trong đá, là mật trong hoa Mà bạn tôi đã tìm ra Bằng trái tim, bằng cuộc đời dâng tặng...” Hương lại thấy vô cùng nhớ Mạnh. Nhờ cái lần anh hỏi cô về ý nghĩa của hạnh phúc, và cô đã trả lời: “Hạnh phúc là cái mà tôi sẽ không bao giờ được có”. Đến bây giờ Hương vẫn chưa có hạnh phúc, nhưng cô hiểu thấm thía câu trả lời của nhà thơ. Hạnh phúc như ngọc trong đá. Phải rồi. Phải biết đi tìm và phải biết kiên trì, và khi có rồi thì phải biết gìn vàng giữ ngọc. Mạnh ở đâu rồi để Hương trả lời lại với anh? Hương tin anh vẫn còn sống. Người như anh không thể chết được. Và anh sẽ trở về, với Hương. Anh đã nói với Oanh như vậy kia mà! Tin tức về Mạnh quá ít. Chẳng ai biết. Chỉ sau khi Tổng đội biên giới về lại thành phố, Hương mới nghe tin anh đã ra biên giới phía Bắc, lúc đó là tháng Hai năm 1979. Sau đó, Mạnh bặt tin. Và Hương vẫn chờ đợi. Anh ở đâu? Gần bảy năm, Hương không gặp Mạnh. Cuộc sống cứ bị lôi đi ào ạt về phía trước. Cách mạng là một dòng thác. Hình ảnh đúng quá. Những rác rưởi bị đánh nát, nhận chìm, hất tung lên bờ. Đừng bơi ngược dòng thác. Hãy tiến theo dòng, sống trong dòng sống hăm hở cuồng nhiệt ấy, bạn sẽ tiến nhanh về phía trước. Rất nhanh. Gần bảy năm. Bao biến đổi ở một thành phố từng giờ biến đổi. Trong sự đi lên của cả thành phố, Lưc lượng Thanh niên xung phong ngày càng trưởng thành, vững mạnh. Từ một lực lượng lấy lao động thủ công là chính, làm ăn theo phương thức hoàn toàn được bao cấp, các đơn vị đã tiến hành hạch toán kinh tế có lời, bảo đảm từ A đến Z các công trình đã nhận. Bàn chân người Thanh niên xung phong đã đi đến tận các ruộng muối, rún tôm ở Duyên Hải, các cánh rừng bạt ngàn ở Đắc Nông, Đắc Min. Họ lên núi và xuống biển như ngày xưa một trăm người con đầu tiên của dòng Bách Việt đi xây dựng bờ cõi. Họ trồng hàng nghìn hecta cao su, cà phê, đước, bạch đàn. Họ đưa tôm càng xanh, gỗ quý về thành phố, chế biến xuất khẩu... Thu nhập của đội viên Thanh niên xung phong không còn là năm đồng sinh hoạt phí mà lên tới cả nghìn đồng một tháng. Hàng trăm đồng chí đã được vào Đảng, hàng nghìn được vào Đoàn, và hàng chục nghìn chuyển ngành đi học, hay trở thành cán bộ công nhân viên Nhà nước... Gần bảy năm. Với riêng Hương, cũng là bao biến đổi. Cô được đi học bồi dưỡng nghiệp vụ và được công nhận y sĩ. Cô vững vàng hơn, tự khẳng định mình hơn. Cô đã hiểu giá trị của một con người trong xã hội mới này, bao giờ trước hết cũng do chính họ tạo nên, và không ai có thể xóa bỏ mặc cảm của một người bằng chính người đó, với những nỗ lực đi vào đời sống mới của mình. Thành, anh Hương, đi học tập đã trở về, khỏe mạnh và trầm tĩnh hơn. Anh lo lắng trước cuộc sống thiếu ổn định của gia đình, lối làm ăn đầy nguy hiểm của bà Cung. Gia đình anh không còn tiền bạc gì để hòng tính tới chuyện bỏ đi nước ngoài, mà Hương và Phước ngày nay cũng đã dứt khoát bác bỏ. Sau khi bàn bạc, cân nhắc nhiều lần, ông bà Cung đồng ý với đề nghị của Thành, cho bán nhà và hồi hương về Long Hồ, quê của bà Cung, lập nghiệp lại trên mảnh đất hương hỏa, khi người bà con giữ đất vừa qua đời. Phước học sư phạm ra trường và cũng xin nhận công tác ở Cửu Long và đã được chấp thuận. Chỉ còn mình Hương tiếp tục đi theo con đường mà lúc đầu mình đã không muốn chọn. Thanh niên xung phong là vậy. Hầu như mỗi người đến với nó đều có một lý do, hay đúng hơn, một động cơ riêng. Cả trăm động cơ. Có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Để rồi khi những thực tế khắc nghiệt của một cuộc sống chung đụng hỗn tạp và nhiều thiếu thốn ngày càng hiện ra đầy đủ, một cuộc sống lao động nhọc nhằn với hai bàn tay và những công cụ thô sơ ngày này qua tháng nọ, khi tất cả những thử thách đó đến với mọi người, thì mọi lý do ban đầu đều phải thay đổi, để hoặc là anh quay lại, hoặc là anh vượt qua được tất cả để được tôi luyện thành một người vững chãi, dày dạn, tự tin, yêu lao động và yêu Tổ quốc một cách trầm lặng, sâu sắc mà thiết tha, như yêu chính cuộc sống gian khổ của mình và đồng đội. Đến bây giờ, Hương mới thấu hiểu lời đề tặng Mạnh ghi ở trang đầu bộ tiểu thuyết “Con đường đau khổ”, món quà anh dành cho Hương ngày Hương được vào Đoàn: “Mỗi người đều phải trải qua hai cuộc cách mạng: cuộc cách mạng riêng biệt của bản thân và cuộc cách mạng chung của toàn xã hội. Có thể nói, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa giống như một biển cả, mà tất cả những cuộc cách mạng riêng tư, cá nhân, như những dòng sông tách biệt đều phải đổ vào đại dương đó”. Khi những kỷ niệm đã thành máu thịt thì con người sẽ không muốn xa rời nơi đã gìn giữ đầy ắp kỷ niệm của mình. Hương còn ở lại để chờ đợi. Cô muốn được đón Mạnh khi vẫn còn mặc chiếc áo Thanh niên xung phong. Những lúc cảm thấy phiền muộn, yếu đuối, mệt mỏi, Hương lại nghĩ đến Mạnh ngày trước, đến những lời khuyên của anh. Hương còn nghĩ tới Mạnh bây giờ. Chắc anh cũng đang cực khổ lắm, chưa nói là còn có nguy hiểm súng đạn. Hương muốn được chia sẻ với anh những gian nan của cuộc sống này. Gần bảy năm. Dũng còn “trở lại” với Hương một lần nữa. Đó là lúc Hương nhận được tin anh ta đã chết trong một chuyến vượt biên thất bại đường Duyên Hải, năm 1980. Theo nhiều người có vẻ thông thạo, dường như những người vượt biên lần ấy đã bị lừa. Tàu chưa ra tới cửa biển đã bị ngập nước và chìm lỉm, ra ra từng mảnh. Vài hôm sau, xác hàng chục người bỏ đi tìm ảo mộng đã bị sóng đánh dạt vào bãi Cần Giờ, Hương nhận được tin bà Cung, trong một lần về thăm nhà. Con gái một người bạn của bà Cung cùng đi với Dũng cũng bị chết chuyến đó. Hương thấy lòng nguội lạnh, dửng dưng. Một kết thúc bi thảm nhưng tầm thường, vô nghĩa. Một lần, bà Hoàng, mẹ Oanh, từ Mỹ có gởi thư về cho Hương theo địa chỉ nhà cô, cũng vào lúc nhà chưa dọn đi. Bà hỏi thăm về Oanh, không hiểu sao bà đã mấy lần gởi thư cho cô về địa chỉ đơn vị mà không hề được trả lời. Bà Hoàng viết cho Hương rất ngọt ngào, cho biết bà không sống với ông Hoàng dù hai người đang cùng ở California, và chính ông đã bảo lãnh cho bà rời trại tị nạn Buđông để sang Mỹ. Bà Hoàng than thở mình sống quá cô quạnh nơi xứ người, để xin Hương giúp bà một chuyện: thuyết phục Oanh chịu sang với bà. Ông Hoàng đang lo thủ tục bảo lãnh cho cô ấy. Bà Hoàng hứa hẹn một cách úp mở rằng bà sẽ có quà xứng đáng cho Hương, Hương cứ giúp bà rồi cần gì thì cứ viết thư cho bà, bà rất sẵn sàng gởi về cho cô. Hương đọc thư, chỉ thấy buồn và thương nhớ Oanh hơn. Người mẹ ấy sẽ không bao giờ hiểu được đứa con gái út của mình trong những ngày tháng cuối đời đã sống và chết xứng đáng như thế nào. Bà sẽ không bao giờ hiểu được, và Hương thấy không cần thiết viết thư báo tin về cái chết của Oanh. Bà Hoàng từng tuyên bố với Oanh, nếu cô không đi với bà, bà coi cô như đã chết từ khi mới lọt lòng. Hãy để cho bà cuối cùng sẽ đối xử với cô như vậy. Bây giờ, thỉnh thoảng được dịp về thành phố, Hương thường đi qua nhà Oanh, như muốn tìm lại hình bóng người bạn thân và bao kỷ niệm của hai đứa. Có chiều mưa, Hương đứng trú ngay dưới mái hiên trước cổng nhà Oanh, lặng buồn nhìn xuống rãnh nước trước mặt. Những giọt mưa rơi xuống, chạm nước, nở thành những chiếc bong bóng tròn trĩnh, vội vã trôi rồi cũng vỡ tan. Có phải cuộc đời này rồi cuối cùng sẽ chẳng còn lại gì? Tất cả chỉ là bọt nước, xuất hiện rồi tan biến trong dòng đời cuồn cuộn trôi nhanh? Không. Hương đã hiểu khá đủ về cuộc sống mới để khẳng định được rồi mục đích và ý nghĩa của cuộc đời mình, nhưng sao thỉnh thoảng những kỷ niệm cũ cứ mơ hồ sống lại trong cô, thậm chí từng câu nói, từng đoạn nhạc, từng quãng đời xa lắc... đôi khi vẫn ào ạt đổ về? Có phải vì quá khứ cũng là một phần đời sống của mình nên mình khó thể thản nhiên dứt bỏ? Hương lại nhớ đến Mạnh. Có lần cô đã hỏi anh: - Có gì mâu thuẫn không, khi mình vẫn thường nhớ lại dĩ vãng mà vẫn làm tốt công việc hiện giờ? Mạnh đã nhìn sâu vào mắt Hương và cô đã chịu đựng được cái nhìn đó: - Vấn đề là cuối cùng, thái độ của mình đối với cái dĩ vãng đó như thế nào? Nhớ, mà có tiếc không, có muốn trở lại như vậy không? Câu nói ngắn ngủi đó, gần bảy năm rồi Hương vẫn chưa quên. Sau lần đó, cô không tìm cách trốn chạy dĩ vãng nữa. Hương chấp nhận những nỗi nhớ bất chợt thoắt đến rồi đi, để lại khi thì chút đau xót âm thầm, khi thì một niềm vui ngắn ngủi. Và Hương an tâm thấy dù sao, cô vẫn hết sức thương yêu cuộc sống đời mới. Nhà Oanh lúc gần đây đã được dùng làm nhà trẻ của phường. Chiếc xích đu dưới bóng mát của cây vú sữa, nơi Hương và Oanh đã ngồi trò chuyện với nhau hàng trăm lần, vẫn còn đó. Bốn năm chiếc ghế xích đu khác còn mới đặt thêm rải rác trong vườn cùng hai bộ bập bênh và vài con ngựa gỗ. Hoa được trồng nhiều hơn dọc hai lối đi rải sỏi trắng: kim anh, móng tay, mào gà, vạn thọ... làm khu vườn trông vui tươi hơn. Cái hồ cá giữa vườn có hòn non bộ, từng được ghi trong nhiều ảnh chụp chung của Hương và Oanh đã được lấp bằng, có lẽ vì sợ các em chạy chơi trượt chân té. Hoa được trồng từng lớp bên trên, rất mỹ thuật. Ngoài cùng là đám mười giờ đỏ tía, đến móng tay hồng, huệ kiểng... vây quanh đám mào gà đỏ tươi phe phẩy ngọn. Mấy lần, Hương đã đi qua nhà trẻ trong giờ sinh hoạt. Các em bé bụ bẫm, ăn mặc sạch, khi thì nắm áo nhau đi rồng rắn, khi thì cầm tay nhau làm thành vòng tròn quanh các cô giáo trẻ, khi thì tập thể dục theo tiếng hát của cô. Những đôi môi bé xíu, hồng tươi bập bẹ hát theo, cũng cặp mắt tròn xoe ngây thơ trong sáng nhìn đời... Hương thường dừng lại trước cổng hồi lâu, ngẩn ngơ đứng nhìn cảnh đẹp mắt ấy. Oanh sẽ vui lòng, rất vui lòng, Hương nghĩ... Đám cưới xong lúc quá trưa một chút. Đò nông trường lại nổ máy, đưa khách về. Ba cặp vợ chồng mới cũng về theo. Họ được nghỉ phép ở thành phố, hoặc về quê chào bà con thân thuộc. Doanh trại bỗng chốc vắng hoe. Nắng chói loa lóa trên khoảng sân đất, trên những mái tôn fibrô và trên dòng sông lặng lờ chảy. Không gian im ắng. Chỉ có phía khu nhà bếp, mới nghe vang lên những tiếng lanh canh rửa chén bát, thỉnh thoảng có chen vào mấy tiếng cười vui vẻ của các cô. Một mình đứng trong khu doanh trại im lìm, Hương bất chợt ngẩn ngơ cảm nhận một cách thấm thía sự cô đơn của chính mình. Toàn cảnh doanh trại, nhìn từ chỗ Hương đứng, càng cho cô thấy một điều: con người có thể làm được tất cả. Hương nhớ lại những ngày đầu đổ quân xuống đây, tháng Mười năm 1980, hòn đảo rộng đến hai nghìn một trăm hecta này còn là một nơi hoang hóa, như thể từ hồi khai thiên lập địa tới giờ chưa từng có bóng người. Đất ngập phèn. Muỗi và bù mắc nhiều vô kể, năm giờ chiều đã phải mùng ai nấy lo chui vào, ngồi họp. Nhất là bù mắc, tấn công con người như kẻ thù không đội trời chung, nhiều đến nỗi ngồi ăn cơm tối dưới ánh đèn dầu lù mù mà không cẩn thận, có khi nhai luôn cả chúng. Nước sông đầy phèn, mặn chát, phải dùng nấu cơm ăn. Đảo chỉ mọc toàn chà là, mắm, đước, giá, ô rô, cóc kèn... và đủ loại cây không tên mà cũng không ăn được. Nhiều nhất là chà là, mọc thành từng bụi dày, gai nhọn lểu, tua tủa. Người Thanh niên xung phong phải lao vào, phát hoang, khai mương, xẻ rãnh, đắp đập, dựng nhà, bang đường... Gay nhất là việc phát hoang. Gai chà là rất hiểm, lỡ bị vướng rồi, dù khéo tay cách mấy, khi rút ra cũng bị sót lại cái mũi chừng nửa phân, không chịu đau mà khều ra cho lẹ sẽ bị làm mủ, nhức buốt... Thế nhưng cuối cùng những bụi chà là cũng được dọn quang. Những nhánh thân nửa đỏ nửa đen được chuốt sạch gai, dùng đóng vách trang trí hội trường, nhà ở, đóng phủ mặt bàn, mặt ghế... trông rất đẹp mắt. Những dãy nhà khang trang được dựng lên, rồi hội trường, rồi sân bóng chuyền, bóng đá, trạm truyền thanh, bể nước ngọt, máy phát điện... lần lượt hiện ra, cùng lúc với những con đường hai bên có bạch đàn và tràm bông vàng chạy dài theo. Đáng kể nhất là mười bảy nghìn gốc dừa đã mọc lên, tươi tốt. Vậy đó. Con người có thể làm được tất cả. Trừ việc tự xóa đi được những nối bất hạnh của riêng mình. Dù có tài giỏi đến đâu, mỗi người đều có riêng cho mình một gánh nặng có khi phải chịu đựng suốt đời, mà không ai san sẻ được, và không sao trút bỏ được... Chuyến đò Soài Rạp hụ mấy hồi còi báo hiệu sắp rời bên Bạch Đằng để ra Cần Giờ, Duyên Hải, trong chuyến đi cuối cùng của năm, sáng ba mươi Tết. Mạnh hộc tốc chạy qua chiếc cầu trắng, ào lên đò, khi mấy thanh niên đang tháo các dây neo. Anh thở hổn hển, nhìn quanh. Lòng đò đã đầy ắp người ngồi kín những băng ghế. Những người đến sau phải ra đứng dọc hai bên hành lang, ai nấy đều lộ vẻ đăm chiêu nhìn bến Bạch Đằng buổi sáng sớm cuối năm. Không khí buôn bán tấp nập những ngày giáp Tết không còn nữa. Chợ hoa cuối đường Nguyễn Huệ cũng thưa thớt hẳn, chỉ còn lèo tèo vài mươi chậu cúc kém màu, những chậu quất thưa trái và những nhành mai về muộn... Mạnh len dần ra phía trước mũi đò, tựa vào lan can. Anh thích đứng riêng một chỗ, nhìn cảnh bến cảng. Đò lần lượt đi qua những con tàu đồ sộ đang cập bến, chất đầy những kiện hàng, hoặc những máy cày đỏ chói, những xe tải xanh lơ, xếp sát rạt nhau trên boong, nhìn thấy chúng là nhìn thấy thêm sức đi tới của một tương lai. Thành phố cuối năm và chưa vào giờ lao động, nhưng ở bến cảng này, tất cả sự tất bật hăm hở vẫn được giữ bình thường. Những cần cẩu bốc dỡ hàng, đã bắt đầu hoạt động. Trên bến, những xe xúc, xe tải đã lổn nhổn lui tới, đầy ắp hàng hóa. Mấy thủy thủ nước ngoài đứng tập thể dục trên những bao lơn. Ánh nắng sớm rực rỡ đổ xuống thành phố, xua tan lớp sương mỏng trên những nóc nhà cao tầng. Xa xa, nhô lên hai cái tháp của Đài truyền hình và Bưu điện, rồi đến hai cái chóp nhọn của Nhà thờ Đức Bà. Màu hồng cam của khu Nhà lưu niệm Bác Hồ càng thêm tươi thắm trong nắng. Ôi, thành phố mới quen thuộc thân thương làm sao! Đang say mê ngắm nhìn, Mạnh chợt giật mình khi có một bàn tay vỗ mạnh vào vai anh từ phía sau. Anh quay người lại, ngờ ngợ nhìn người thanh niên đang tươi tỉnh đứng trước mặt mình. “Đạo!”. Tiếng kêu bật ra. Người thanh niên toét miệng cười. Đúng là Đạo. Trông anh khác trước nhiều vì mái tóc cắt ngắn, người mập hơn, da đỏ au, dáng dấp khỏe mạnh, lại có vẻ trẻ trung, yêu đời trong một bộ quần áo may cắt đẹp: áo carô màu nhạt, bỏ trong quần xám tro, chân đi bata trắng sọc xanh, vai đeo một cái túi xách giả da màu đỏ tươi hất ra sau lưng. Một Đạo khác hẳn ngày xưa, đầy vẻ tự tin, yêu đời. Gần bảy năm rồi còn gì! Đạo ôm chặt hai vai Mạnh, lắc, nói liền một hơi: - Anh Mạnh! Gặp anh tôi mừng quá! Anh bỏ đi biệt, chẳng tin tức gì cả. Bạn bè cũ ai gặp cũng nhắc, cũng hỏi thăm anh, mà tin tức về anh thì mù mờ quá. Sao? Thượng úy rồi hả? Lẹ há! Chắc anh đánh giặc chì lắm hả? Mạnh cười: - Dễ thôi. Chì quái gì? Cũng nhờ quá trình đi Thanh niên xung phong của mình đó, mà ông bây giờ làm gì, ở đâu, vợ con gì chưa? Đạo cũng cười: - Tôi chuyển ra làm ở công ty cao su Đồng Phú, Sông Bé, trong đội cơ giới. Độc thân, vui tính. Còn anh, giờ ở đâu? Tụi nó đồn anh khi vừa giải phóng Phnôm Pênh là được điều ra biên giới phía bắc. Sau đó là mất tích luôn... Phải không? - Đâu có. Mình được đưa đi học khá đột xuất ở Liên Xô mấy năm, vừa về tới đó. Đạo nhướng mắt, giơ một ngón tay cái: - Vậy là anh số một rồi. Đi khắp nơi. Tụi tôi còn lâu mới được như vây. Mạnh choàng vai bạn: - Có gì đâu. Chuyện ai thì nấy ráng làm cho tốt... Phút xúc động qua, Mạnh tranh thủ hỏi Đạo về tin tức đồng đội cũ. Mai hiện là trưởng phòng ở Đỗ Hòa, có chồng là một đội trưởng sản xuất cũng ở đấy. Cúc làm cửa hàng trưởng một cửa hàng kinh doanh lương thực quận X, hết sức tất bật, khó mà tìm gặp, đã có chồng, một con. Sáng đi học cơ khí ở Cộng hòa dân chủ Đức, Phượng đi học bổ túc công nông tập trung, đang ở năm cuối cấp ba. Tuấn bò lên đến phó giám đốc công ty thương nghiệp quận Y, bụng phệ, đầu hói, nhìn không ra... Chỉ có một người mà cả hai cùng chưa dám nhắc tới: Hương. Nét mặt Đạo tự nhiên chợt thay đổi rất lạ. Anh nhìn Mạnh, cố giữ giọng tự nhiên: - Tết mà anh đi đâu ra đây? Mạnh vô tình không nhận ra sự thay đổi trên nét mặt bạn. Anh thở dài: - Tôi đi tìm Hương. Nghe nói cô ấy đang ở Đỗ Hòa. Đạo quay mặt nhìn ra một bên bờ. Xa xa, phía sau những tán dừa nước ken nhau mọc, là cánh đồng lúa mênh mông, xanh rì, dài đến tận chân trời. Một lúc lâu sau, Mạnh hỏi: - Còn ông, đi đâu đây? Đạo ngần ngừ một lúc rồi chậm chạp trả lời: - Tôi ra Cần Giờ, bến chót, xa gấp ba lần anh. Có thằng bạn thân làm việc ngoài đó, rủ Tết ra chơi. Mình về thành phố, loanh quanh chẳng biết làm gì, thôi thì ra đây cho đổi không khí, kiếm cá tôm ăn đỡ ghiền... Sau Nhà Bè, trạm thứ hai đò Soài Rạp ghé vào là đồn công an số 7, cũng là bến đò vào Đỗ Hòa. Khi con đò hụ còi báo sắp cập bến, Đạo chỉ Mạnh: - Anh xuống đây, đi bộ chừng sáu trăm mét là tới trám xá nông trường. Hương gặp anh chắc mừng lắm. Mạnh bâng khuâng: - Không biết Tết Hương có về quê không? Đạo nói, giọng chắc chắn: - Không đâu. Thấy Mạnh nhìn mình có vẻ ngạc nhiên, Đạo hơi lúng túng giải thích: - Tết ít khi Hương về lắm. Nhất là năm nay, cô ấy đã là y sĩ, trạm phó... Anh nói qua chuyện khác: - Anh biết không, lúc này tay nghề chuyên môn của Hương giỏi lắm, có thể cô ấy sẽ được đề bạt cho đi học bác sĩ Mạnh mừng rỡ: - Vậy à? Ồ, hay qua! Nhưng anh chợt nín bặt. Có gì phải ngạc nhiên? Điều đó là bình thường chứ. Mạnh thấy hổ thẹn vì câu nói mình vừa thốt ra. Anh tự biện bạch cho mình: trong nỗi nôn nao, anh đã quên mất cứ ngỡ mới chia tay Hương hôm qua, ngày nào cô chào anh để về thành phố tham gia đợt cải tạo tư sản thương nghiệp. Anh đã dặn Hương hãy cố gắng. Vàng thật phải chịu được lửa nóng. Con đường cách mạng nở hoa khi đã trải qua rất nhiều thử thách, đặcbiệt với những con người có những hoàn cảnh lịch sử. Vậy mà... Mạnh ân hận nghĩ về sự rút lui của mình. Bảy năm qua, anh hoàn toàn không có mặt bên Hương trong cuộc hành trình đầy cam go của cô. Cô đã dũng cảm vượt qua nỗi buồn đau đó như thế nào, tiếp tục chịu đựng thử thách như thế nào để tiến bộ như hôm nay? Tám năm ở Thanh niên xung phong, phải nói là bằng hàng chục năm ở nhiều môi trường khác. Tám năm. Gần ba nghìn ngày đi khắp thế gian, vẫn là những nơi xa thành phố, thiếu thốn mọi tiện nghi, vẫn làm những công việc tay chân cực nhọc... Mặt trận Tây nam, rồi đâu đâu nữa, để cuối cùng về cái nông trường bắt đầu từ một hòn đảo hoang này? Hương bây giờ như thế nào, ra sao? Mắt cô ấy chắc càng buồn hơn. Trời ơi, gần bảy năm! Nghe nói Hương vẫn còn một mình. Cô ấy đã chịu đựng như thế nào? Có còn nghĩ đến anh không? Mạnh nghĩ tới lời hứa với Oanh ở mặt trận. Anh sẽ đi tìm Hương. Gì mà đến bảy năm! Năm ấy, những cuộc hành quân liên miên đã lôi Mạnh không ngừng về phía trước. Chia tay Oanh rồi, Mạnh mới nhớ là không kịp hỏi địa chỉ đơn vị Hương. Một lần, có dịp một đồng đội ở thành phố về phép, anh nhờ mang một lá thư đến nhà Hương, hy vọng có lúc sẽ đến tay cô. Chiếc xe chở người đồng đội ấy bị địch phục kích tiêu diệt dọc đường mà mãi sau này Mạnh mới hay tin. Anh cứ ngỡ Hương vẫn còn giận anh, hoặc đã hết yêu anh. Rồi mặt trân phía Bắc với thời tiết thật khắc nghiệt, đặc biệt khắc nghiệt với những người lính miền Nam, đã làm Mạnh quỵ ngã. Sau khi điều trị bình phục, anh đã được cho đi Liên Xô học. Năm năm, không một mối liên lạc với bạn bè cũ. Anh cứ ngỡ là Hương đã rời Thanh niên xung phong, đã quên anh rồi. Đã ba lần, Mạnh viết thư về nhà Hương, đều không nhận được thư trả lời. Không biết nhà Hương đã về quê lập nghiệp, anh càng tin chắc là Hương đã có một hạnh phúc mới, và những lá thư ấy chỉ gây thêm phiền phức cho cô. Chính vì vậy, khi đi học về và được điều động về lại thành phố. Mạnh ngần ngại mãi mới quyết định được là sẽ tìm tới nhà Hương. Anh bàng hoàng khi được người chủ mới cho biết gia đình Hương đã đi hồi hương từ mấy năm rồi, còn Hương vẫn còn ở Thanh niên xung phong, nghe nói đang ở Nông trường Đỗ Hòa, Duyên Hải... Nước ròng. Đò không thể cập sát bờ. Một nhân viên tàu đò bắc một cái thang tre dài từ mũi tàu xuống bờ đất. Một số người, chắc cũng ở Đỗ Hòa, lần lượt leo xuống. Mạnh rủ Đạo: - Thôi, ông cùng vào thăm Mai và Hương với tôi đi. Đạo nhè nhẹ lắc đầu: - Tôi đã có hẹn phải ra Cần Giờ hôm nay, xuống đây là trễ. Thôi, anh vào đi. Cho tôi gởi lời thăm cả hai. Mạnh bắt tay Đạo: - Vậy tôi đi nhé. Có dịp sẽ gặp nhau lại. Gặp anh em cũ, cho tôi gởi lời thăm. Giờ tôi làm việc ở Cục kỹ thuật quân khu 7. Trại Hoàng Hoa Thám. À, nhà còn chỗ cũ không? Đạo gật đầu: - Má tôi vẫn ở đó, nhưng tôi ít về lắm. Có dịp mời anh lên Đồng Phú chơi, tôi đãi thịt rừng ăn mệt nghỉ. Thôi, anh đi. Chúc anh hưởng một cái Tết thật vui. Mạnh là người xuống đò sau cùng. Đò rời bến, anh còn đứng nhìn theo Đạo, hơi lạ lùng khi chợt thấy nét mặt bạn buồn buồn, không còn chút tươi tỉnh như khi hai người gặp nhau hồi sáng. Đến lúc gần chia tay, anh mới thấy cái túi xách giả da mà Đạo luôn hất về phía sau vai, ở miệng có ló ra một bó cúc trắng còn rất tươi. À, anh ta cất công ra tận Cần Giờ ăn Tết có lẽ còn vì một động cơ gì đây mà chưa tiện nói. Phải rồi... Mạnh cười thầm, vẫy tay với Đạo. Anh thấy Đạo vẫy tay và cười lại với anh, thật dễ thương. Vậy đó, cách mạng thậtcó sức mạnh kỳ diệu trong thay đổi những con người. Đạo một thuở giang hồ, có lúc tưởng chết vì bệnh ghiền ma túy, mấy lần ăn cắp đồ đạc của đồng đội bỏ về đi chích nước sái thuốc phiện... giờ đang sống đàng hoàng, tự tin như vây. Như Hương vậy, Mạnh nhớ ngày đầu cô đến Lê Minh Xuân, bước lóng ngóng trên đất sình rồi trợt té ứa nước mắt. Đêm đầu tiên sáng dậy mắt sưng húp. Nhớ cô bỏ về vì ức vụ mất thuốc bị kiểm điểm, để rồi gặp tai họa, ra chợ trời, bị bắt, anh đi lãnh về, cũng ứa nước mắt. Nhớ cô ngất xỉu mấy lần trên bờ kinh, nhớ cái túi thuốc có thêu câu “What is happiness?”. Nhớ cảnh kết nạp Đoàn cho cô lúc hai giờ sáng, cô cũng ứa nước mắt. Bao nhiêu kỷ niệm ào ạt đổ về. Mạnh bước đi như người say. Cuối năm, lại vào buổi trưa, nông trường bộ có vẻ vắng lặng. Mạnh đi trên con đường râm mát có hai hàng bạch đàn ở hai bên, dọc bờ sông. Nắng loa lóa trên mặt sông. Từ xa, đã thấy thấp thoáng những dãy nhà gỗ, mái tôn fibrô đứng im lìm trong nắng. Mạnh vội vã bước qua những cây cầu gỗ, lòng cồn cào một nỗi nhớ. Giờ này, Hương đang làm gì? Anh đi qua khu nhà của một đôi sản xuất. Đang trong giờ lao động. Những cánh cửa đóng kín. Một vài chiếc mũ tai bèo thấp thoáng. Sân cờ với cây cột sơn trắng cắm trên một vuông đất đóng khung bằng gạch thẻ đỏ cắm xiên, trong có trồng hoa mười giờ đỏ tím đang nở. Những bộ quần áo Thanh niên xung phong phơi trên sào bay lạch phạch trong gió. Mạnh hít sâu một hơi, nghe như cái Hương vị Thanh niên xung phong quen thuộc ngày nào đang ào ạt ùa vào tim phổi mình. Bảy năm qua rồi anh đã xa cách đồng đội, dường như chỉ là một chớp mắt. Đi qua khu nhà riêng, dành cho cán bộ công nhân viên nông trường trước khi vào cơ quan nông trường bộ, chợt Mạnh nghe có tiếng gọi lớn: - Anh Mạnh! Phải anh Mạnh không? Anh quay lại, nhíu mày và nhận ngay ra Mai đang gọi anh. Cô ẵm một đứa bé bụ bẫm đang thiếp ngủ trong tay, đứng ở cửa một căn nhà có giàn mướp phía trước. Mạnh đi như chạy về phía đó: - Mai! Mai mời Mạnh vào nhà. Hôm nay, đứa nhỏ bị bệnh, cô tranh thủ về sớm chăm sóc cho con. Cả hai mừng rỡ đến nghẹn lời cả một lúc lâu. Cuối cùng, Mai nhẹ nhàng hỏi: - Anh đi tìm chị Hương? Mạnh im lặng gật đầu. Mai thở dài: - Chị Hương đi Đắc Min rồi, làm trưởng trạm xá của một Tổng đội ở trên đó. Đơn vị mới thành lập vừa đổ quân tháng trước. Anh đến trễ quá. Chị ấy đã giành nhau với chú Ba để được đi. Mạnh lặng người trên ghế. Hương lại đi rồi! Tiếng Mai đều đều bên tai anh: - Chị Hương vẫn còn thương anh lắm. Chỉ không nói một tiếng nào về anh nhưng em biết điều đó. Biết anh về dây tìm, chắc chỉ mừng lắm. Giờ đã hết đò về, anh ở đây chơi với tụi em, mai về sớm, ráng đi tìm chỉ. Em chỉ đường cho. Cứ yên tâm. Giờ thì không ai còn đụng đến chị ấy được đâu, dù đã có rất nhiều người để ý chỉ, đặt vấn đề với chỉ. Mai ngừng lại một chút, rồi tiếp: - Như Đạo vậy đó. Anh ấy vậy mà thương chị Hương ghê lắm. Ảnh đã thay đổi nhiều lắm, rất tốt, làm đến đội trưởng. Tháng nào ảnh cũng viết thư cho chị Hương, dù hiếm khi được chỉ hồi âm. Năm nào, nghỉ phép Đạo cũng về đây thăm chỉ, mang đủ thứ quà tặng chỉ. Tội nghiệp! Mạnh nhớ lại mấy nhánh cúc trắng giấu phía sau lưng Đạo, vẻ mặt thoáng buồn, rồi thái độ khó hiểu lúc chia tay... Anh lặng người khi chợt hiểu tất cả. Đạo giờ này đang bềnh bồng trên đường ra Cần Giờ, nơi cậu ta không hề định đến. Nếu không còn một người bạn nào khác ngoài đó, tối nay cậu ấy sẽ làm gì? Những nhành hoa ấy biết trao cho ai? Mạnh thở dài, đứng dậy đi đến bên cửa sổ, nhìn ra xa xa. Dòng dống ngoài kia đang lặng lờ trôi, sáng rực như chiếc chiếu cói vàng hoe phơi dưới nắng. Không gian thoang thoảng mùi bùn non từ dưới sông hắt lên và cả mùi nối cá kho nhà ai gần đó đang sôi. Có tiếng Mai hỏi anh từ phía sau: - Anh biết sông này tên gì không? Mạnh lắc đầu: - Sông này đẹp lắm! Tên gì? - Đồng Tranh. Mai tiếp như một lời trách: - Ở đây, tụi em đã giải tỏa được câu đối “Trai Thủ Đức năm canh thức đủ”. Đó là “Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông”. Chị Hương trông anh không chỉ trong sáu khắc mà đến hơn sáu năm... Người Mạnh run nhẹ. Anh thấy nhớ Hương đến quay quắt, đến nghẹt thở. Hương đã chờ anh bảy năm rồi, chỉ vì một lời anh đã hứa với Oanh, người mà sau này anh mới biết là đã hy sinh, chỉ kịp ghi lại chuyện gặp anh trong nhật ký. Hơn bảy năm, chỉ với mấy dòng nhật ký, mà không biết anh ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết... Một cơn gió ào đến, man mát. Một cánh chim bay qua, trắng toát trong nắng. Mạnh nhắm mắt, ước mình được là chim, là gió. Anh sẽ bay đến bên Hương, ngay bây giờ. Ngay bây giờ! Ngay bây giờ, Hương ơi!
Hết