2.

Ông Cung ngẩng đầu lên hỏi:
- Bây giờ con tính sao?
Hương im lặng nhìn ba. Mái tóc lấm tấm bạc của ông dưới ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn nê-ông lại càng ánh lên những sợi tóc trắng quanh một khoảng trán hói bóng láng ửng sáng. Phía sau hai tròng kính, đôi mắt vàng đục của ông trông thật lờ đờ, mệt mỏi. Những nếp nhăn trên trán, trên má, và hai bên khoé môi kéo gương mặt mặt ông chảy hẳn xuống. Tự dưng Hương muốn bật khóc.
Bà Cung đã khóc lặng lẽ tự nãy giờ. Bà ngồi trong một góc phòng, khuất sau cái tủ gỗ, và thỉnh thoảng từ trong bóng tối đó đưa ra một tiếng nấc nhỏ, nghẹn ngào. Câu hỏi của ông Cung như một viên đá ném vào ly nước đã đầy, làm tràn nỗi uất ức từ chiều giờ của bà. Tiếng nấc của bà vỡ ra, làm nặng nề hơn bầu không khí của một đêm oi bức.
- Còn tính gì nữa? Thằng Thành coi như đã tàn đời. Còn có con Hương. Bộ ông muốn giết nó luôn sao?
Bà Cung khóc hẳn ra tiếng. Bà hỉ mũi vào khăn tay, lại khóc, và cuối cùng, chắc cảm thấy không chịu nỗi, bà đứng lên đi nhanh vào phòng trong.
Hương nhìn ba. Ông ngồi đó, co ro, thiểu não, trong bộ pyjama nhàu nát. Trong phòng trong, tiếng nấc chốc chốc lại vang ra. Ánh đèn nê-ông nhợt nhạt. Bàn ghế bụi bám với sách vở quăng bừa bãi… Trời ơi! Tại sao gia đình Hương lại gặp phải cảnh ngộ hôm nay? Còn đâu những tiếng cười vang không ngớt, những bữa ăn ngon đầy trong các câu chuyện tít tắp ngày xưa?
Bây giờ chỉ còn ông Cung ngồi đó, hai bàn tay gầy guộc xanh xao, run rẩy bưng lấy đầu. Ba mươi năm trời mày mò, cặm cụi sáng đi chiều về trong ngành thuế, ông leo được đến hạng A thì mắt cũng đã mờ vì những hồ sơ, những con số, lưng cũng đã còng vì những lần chào đón người trên. Ông Cung thuộc loại không có thế lực đỡ đầu, nên bước hoạn lộ của ông phải chắt chiu từng chút. Đổi lại, dần dần ông đã có một gia đình êm ấm, một vila nhỏ đủ tiện nghi nằm trong một khoảng vườn biệt lập không quá xa trung tâm thành phố, một chiếc xe hơi nhỏ tự tay lái đi làm việc, và thỉnh thoảng đưa gia đình cùng đi Cấp đổi gió…
Ông có một bà vợ giỏi quán xuyến việc nhà, thỉnh thoảng cũng biết chạy một chút ít áp-phe cò con trong giới các bà, bằng những khoản bổng lộc gì đó, mà đôi khi ông đã mang về. Ông có một đứa con trai đầu lòng tuy thi rớt tú tài hai vì ham chơi hơn ham học, nhưng cũng chạy chọt được làm sĩ quan tiếp vận, đóng ở xa nhưng ít nguy hiểm, mà lại dễ có tiền. Có đứa con gái học ở Marie Curie, và thằng con trai út học ở Lê Quý Đôn. Nghĩa là ông có đủ những gì mà một người đàn ông trung bình có thể mơ ước.
Nhưng bây giờ, ông đang ngồi đó, và có lẽ đang cảm thấy sau 30 năm trời ký cóp dành dụm, nay ông đang mất dần tất cả, kể cả những đứa con. Cách mạng về, chỉ cho ông học tập 15 ngày nhờ cái chức vụ không lấy gì làm quan trọng của ông, nhưng sau đó đã cho ông nghỉ việc. Thành thì sau giải phóng một ngày, không biết bằng phép mầu nào cũng đã lần mò về đến Sài Gòn, tuy vậy chỉ ở với gia đình được một thời gian ngắn, rồi phải đi học tập, không biết bao giờ mới được về.
Từ một người cung cấp mọi thứ cho gia đình, ông Cung quay về làm một người ăn bám, theo nghĩa đầy mặc cảm của ông. Ông sống lặng lẽ như một cái bóng, thỉnh thoảng mới cáu gắt mỗi khi thương nhớ Thành, hoặc tiếc nuối về những ngày cũ. Trong khi đó, để có ăn, bà Cung phải bán bớt những gì còn sót lại trong nhà, và qua vài lần như thế, bà bỗng trở thành một người đi buôn ở chợ trời, hằng ngày đội nắng dầm mưa, từ sáng đến chiều, đem những đồng tiền nhục nhằn ấy về nuôi gia đình. Người bà gầy xọp và đen nhẻm đi, đôi mắt thụt sâu, mệt mỏi, lơ láo… khác hẳn ngày xưa.
Còn Hương, Hương đậu dễ dàng khoá tốt nghiệp phổ thông ngay năm giải phóng, mặc dù thi theo chương trình Việt. Trước tình trạng kinh tế suy sụp trầm trọng của gia đình, Hương thấy mình phải đi làm việc chứ không thể tiếp tục học đại học được nữa.
Mộng ước du học đã vỗ cánh bay xa, các đại học sắp tuyển sinh thì dễ gì vào được, đi làm thì không có thân nhân nào là cách mạng để bảo lãnh giới thiệu, mà bản thân cũng không có nghề gì chuyên môn, Hương đành thi cầu may vào trường tá viên điều dưỡng khoá cấp tốc một năm.
Đó là một năm dài nhất đời Hương, với bao đổi thay và chịu đựng. Từ một cô gái nhà khá giả, rất sợ những gì dơ bẩn chạm vào tay, Hương phải tiếp xúc dần với máu, mủ, và cả những xác chết loã lồ, đã chương phình, hôi thối. Rồi những buổi học chính trị lê thê, buồn tẻ. Ôi, chủ nghĩa xã hội tuyệt diệu để làm gì, với ba Hương thất nghiệp, anh Hương đi học tập không biết ngày về, má Hương đi buôn bán cực khổ và lét lút ngoài đường phố, còn chị em Hương thì hết thấy tương lai? Chủ nghĩa xã hội ưu việt ở chỗ nào, khi gia đình Hương cứ phải cả ngày xếp hàng để mua vài kí bột về ăn thay cơm, vài kí khoai sùng vừa gặm vừa muốn rớt nước mắt?
Và bây giờ Hương đang ngồi đây, sau khi đã đưa ba má xem tờ giấy quyết định của Sở Y tế điều động mình về công tác ở Lực lượng thanh niên xung phong. Mặc dù đã đoán biết mình sẽ phải đi xa với một cái lý lịch không lấy gì làm tốt đó. Hương vẫn sững người trước tờ giấy nhận từ tay người cán bộ phòng tổ chức. Lực lượng thanh niên xung phong? Ít coi báo và nghe đài, Hương chỉ lờ mờ biết đây là một tổ chức đưa thanh niên đi sống xa nhà, lao động tay chân thật cực khổ, trong những điều kiện sinh hoạt quá kém. Đào kinh, khai hoang, gỡ mình, trồng lúa… cái gì cũng bằng sức của đôi tay. Hương, một cô gái trước giờ chưa hề xa gia đình lấy một ngày, đi đâu nắng một chút, mưa một chút cũng không chịu. Vậy mà…
Quyết định ấy đến với ông bà Cung như một giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly tủi nhục, mà họ đang cay đắng uống. Sau đứa con trai đầu lòng, giờ lại đến đứa con gái cưng của ông bà phải bỏ gia đình để đi lao động khổ sai ở những chốn rừng thiêng nước độc hay sao? Ông Cung cứ lắc đầu, như thể không tin điều đó sẽ xảy ra. Phải chi ông còn liều như hồi xưa, ông sẽ chạy chọt… Ông nói thế. Bà Cung nói mình đâu còn quen ai để có thể chạy chọt. Ông Cung cười có vẻ bí hiểm và trả lời một cách mơ hồ là đồng tiền có thể mở được mọi cánh cửa. Nhưng rõ ràng cả hai người đều đã bất lực.
Biện pháp cuối cùng của bà Cung là Hương cứ ở nhà, để ông bà đi làm đơn khiếu nại cho con được ở lại thành phố. Cùng lắm coi như bỏ năm học đó, tiền phụ cấp nếu đòi thì bà sẽ hoàn lại, bà còn sống là còn nuôi được Hương…
Nhưng lý do gì để xin ở lại thành phố? Hương mạnh khoẻ, cha mẹ chưa già lắm, Phước cũng đã mười bảy… Hơn nữa, trong cái đơn lúc xin thi vào, Hương đã cam kết sẽ sẵn sàng phục vụ ở bất cứ đâu kia mà?
Và việc gì xảy ra nếu Hương không chấp nhận cái quyết định khủng khiếp đó? Họ sẽ cắt hộ khẩu, cắt lương thực, và mọi thứ tiêu chuẩn nhu yếu phẩm của Hương? Họ sẽ thông báo về địa phương, ngăn chặn mọi cố gắng của Hương nhắm chui vào bất cứ một cơ quan nào khác? Họ sẽ cưỡng bức Hương phải đi lao động ở những nơi tồi tệ hơn?… Rồi Phước, nó còn đang đi học, có ảnh hưởng gì cho nó không, khi cái lý lịch đã xấu mà lại còn thêm một người chị bỏ việc ngay từ khi nhận quyết định?
Hương hít vào thật sâu. Thôi kệ, mình coi như tất cả đã hết, từ cái ngày ấy rồi kia mà. Đã qua hết rồi một thuở vàng son, từ những ngày mình lôi các cuốn Salut les Copains, Melle Age Tendre (1) ra xé và thẩy chúng vào đống lửa cùng với các dĩa hát cũ một thời yêu thích. Thà chính tay mình đốt đi những kỷ niệm còn hơn để người khác chà đạp lên chúng. Bây giờ, ở đâu, làm gì, đối với mình không quan trọng nữa. Tới đâu hay tới đó. Sao cũng được, mà đâu cũng vậy. Nhưng ít nhất, mình phải không được là gánh nặng cho gia đình…
Hương ngẩng đầu lên, vuốt lại tóc, và nói với ba, nghe giọng của mình có cái gì đó thật xa lạ, như ai đó đang nói chứ không phải mình.
- Con sẽ đi, ba à. Không còn cách nào khác.
Ông Cung gục đầu vào hai tay. Tiếng khóc trong phòng lại vang lên, to hơn…
°
Vòng tròn khói trước mặt Dũng giãn rộng ra, bắt đầu méo mó tan dần, nhường chỗ cho những vòng khói nhỏ hơn tuần tự bật ra, xuyên qua nó. Dũng im lặng hút thuốc và thở khói. Hương biết những lúc như thế, anh đang suy nghĩ rất dữ.
Điếu thuốc đã cháy gần hết. Theo một thói quen, Dũng đưa mẩu đầu lọc lên ngắm nghía rồi vung tay bung mạnh ra mặt đường vắng. Buổi trưa, ngồi dưới dàn dưa tây của quán kem nhìn ra ảnh xơ xác của công trường, qua ánh nắng ngột ngạt hắt lên từ mặt đường nhựa, Hương càng thêm phiền muộn.
Dũng nhìn Hương, đột ngột hỏi:
- Hương không dám nghe lời má à?
Hương im lặng lắc đầu, cúi mặt dùng ngón tay trỏ vạch những hình thù vô nghĩa trên vũng nước nhỏ trên bàn. Làm sao được? Đó là một giải pháp tuyệt vọng và có vẻ hèn nhát sao đó. Hương không làm được như thế.
Cuối cùng, Dũng nói:
- Anh có một cách này…
Hương ngẩng lên nhìn Dũng, chờ đợi. Dũng có vẻ suy nghĩ, ngập ngừng rất lâu, trước khi tiếp:
- Nếu Hương bằng lòng thì… cho anh được hỏi cưới Hương, tháng sau hoặc sớm hơn cũng được. Nghe nói hình như nơi đó chỉ nhận người độc thân. Với lại Hương có gia đình cũng dễ xin nghỉ hoặc dễ xin công tác ở thành phố hơn. Anh cũng đang là nhân viên Nhà nước ở đây…
Hương ngạc nhiên nhìn Dũng, dù biết anh đã yêu mình từ hai năm qua. Bạn bè Hương nhiều đứa đã nói cô tốt phúc. Dũng con nhà giàu, ba làm giám đốc một hãng thầu vận tải lớn, quen Hương trong một buổi đi bal (2), và từ đó theo đuổi Hương ráo riết. Dũng nói đang học đại học, nhưng thực ra bất cứ lúc nào Hương muốn, anh đều sẵn sàng đến rước Hương đi học, chở Hương về, đưa Hương đến thư viện Văn hoá Pháp, đi ăn kem, xem xinê, nghe nhạc, khiêu vũ… Hương chấp nhận đi chơi với Dũng trước mắt mọi người như một người yêu. Chuyện đó đối với Hương thực sự không quan trọng lắm, ăn thua là do mình, quan niệm sống của cô lúc ấy là như thế. Điều hơi khó hiểu là Hương luôn cảm thấy mình không thể yêu Dũng.
Có nhiều điều Hương không tự hiểu được mình. Dũng cao lớn, trắng trẻo, đúng tiêu chuẩn «đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi», lại quyền thế cả trước và sau giải phóng. Anh có phòng riêng có máy điều hoà không khí, một chiếc Lambretta riêng, thỉnh thoảng lái cả chiếc Fiat 125 của ba anh đến đưa Hương và Oanh đi Lái Thiêu ăn trái cây, đi Thủ Đức ăn nem nướng, và đi cả Vũng Tàu tắm biển. Sau giải phóng một thời gian ngắn, Dũng khoe anh có người chú họ là cán bộ tập kết, mới về làm giám đốc một bến xe lớn, và chính ba anh trước giờ cũng là một cơ sở kinh tài của cách mạng. Nhờ vậy, anh đã được thu nhận vào, làm nhân viên ở văn phòng ban giám đốc bến xe, «cho qua đi cái thời buổi phức tạp nầy», theo kiểu anh giải thích. Dũng làm gì không biết, nhưng đã dám đảm bảo với Hương là bất cứ lúc nào Hương muốn, chỉ cần báo trước với anh một buổi, là anh có thể đến với Hương trong bao nhiêu ngày và đi đâu cũng được…
Nói chung là Dũng có đủ những điều kiện để được nhiều cô gái ước, nhưng với Hương, lạ lùng thay, Hương không yêu Dũng và chưa bao giờ nghĩ sẽ lập gia đình với anh. Hình như ngoài sự giàu có được trình bày quá rõ, anh chẳng còn gì khác. Điều đó cộng với sự săn đón quá mức của anh đã nhiều lần làm Hương mất hứng thú.
Chỉ có Oanh là hiểu Hương. Cô thường nói:
- Mày đi chơi với thằng Dũng, phải nhớ thủ thế để có gì còn rút lui được. Mặt nó là mặt thằng nhà giàu, sở khanh có nòi. Ba nó có hai con vợ bé mấy dòng con, còn ai không biết? Nó mê mày lẹ thì cũng sẽ «de» mày nhanh. Tính tình mày với nó không hợp nhau đâu. Một đứa sống nội tâm như mày mà gặp thằng chỉ biết khoe của đó, thì làm sao mà hạnh phúc được.
Không chỉ vì nghe lời Oanh mà còn vì linh cảm của mình, Hương chơi với Dũng khá thận trọng. Thỉnh thoảng có lý do thì Hương cũng cho Dũng hôn, nhưng cương quyết cự tuyệt những hành động đi xa hơn. Những lúc đó, mắt Dũng sáng rực như có lửa bên trong, làm Hương hơi sợ, và có khi tự hỏi không biết phải chăng Dũng vẫn tiếp tục theo đuổi mình chỉ vì chưa thoả mãn những gì anh muốn chiếm, như Oanh đã có lần nhận xét hay không? Một con người vốn đã quá dễ dàng trong những cuộc chinh phục, khi gặp một đỉnh cao khó vượt qua, bao giờ cũng dễ bị kích thích và quyết tâm phải tìm cách chiến thắng. Điều làm Hương không an tâm nhất là Dũng chưa hề bàn tính chuyện tương lai gì với Hương. Cũng có thể như Oanh đã phân tích. Nhưng cũng có thể anh đã tìm được sự thoả mãn tự ái và lòng yêu thích sự phô trương của mình, khi đi chơi với Hương, và chỉ cần như vậy. Dù sao, Hương là người bạn gái đẹp nhất trước giờ của anh… Vì tất cả những điều đó, trước lời cầu hôn đột ngột của Dũng, Hương hơi sửng sốt.
Lấy Dũng làm chồng? Giải pháp mới nghe cũng hấp dẫn lắm! Lấy Dũng, Hương sẽ không còn phải lo nghĩ gì về chuyện vật chất. Từ trước tới giờ, anh vẫn chứng tỏ rất thương Hương, chăm lo cho cô từng chút, luôn đoán được ý muốn của cô, và nuông chìu, thoả mãn những ý muốn đó một cách khéo léo. Hương cũng đã quen với nhiều bạn trai, nhưng chưa thấy ai lịch sự, nhã nhặn, hào phóng hết mình như Dũng. Chơi với anh chỉ thấy thoải mái và đôi khi, thấy mình còn rất quan trọng. Vì thế Hương vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Dũng, dù chưa yêu anh.
Nhưng lấy Dũng trong lúc này cũng có nghĩa là Hương phải mang ơn anh và phải lệ thuộc anh suốt đời. Hương sẽ khỏi phải đi làm, ngày đêm sống thui thủi trong nhà chờ chồng cho phép đi chơi chung, đẻ con, xấu xí dần và chờ chồng có vợ bé để khóc lóc, ghen tuông… Và cuối cùng, Hương có thể chịu nỗi không khí sống với một người chồng mà mình không hề yêu?
Hương nói một phần suy nghĩ của mình cho Dũng nghe. Anh gạt đi:
- Lo gì. Anh làm chỗ đó dư sức nuôi em. Nhưng nếu Hương muốn đi làm, anh sẽ nói ba anh lo cho một chỗ, dĩ nhiên là khoẻ hơn ở Thanh niên xung phong. Hay vào chỗ chú anh làm cũng được. Ở đó, đang tuyển nữ nhân viên. Đẹp như em là đã ưu tiên rồi, chưa cần nói đến chuyện biết em là bồ của anh, ổng sẽ nhận ngay. Ổng cách mạng mấy chục năm mà chịu chơi hết biết.
Thấy Hương nhìn có vẻ thắc mắc, Dũng nhún vai, giải thích:
- Bộ Hương tưởng cách mạng là những người ghê gớm lắm hay sao? Cũng là con người thôi! Ba anh vẫn nói: tiền bạc, thế lực và sức đẹp là những chiếc chìa khoá vạn năng trước mọi cánh cửa, ở mọi thời đại. Đến bây giờ anh vẫn thấy câu nói của ông chưa từng sai bao giờ. Vấn đề là đúng lúc và đúng mức…
Ba Dũng. Đó là một người đàn ông to béo, khác hẳn vẻ gầy gò của ông Cung. Hương chỉ gặp ông ta vài lần và Dũng cũng không giới thiệu gì nhiều. Ông có vẻ luôn bận rộn, mặc dù lúc nào ăn mặc cũng rất chải chuốt. Ông giao thiệp rộng, có giọng nói rổn rảng, đi đâu cũng thường có một cô thư ký trẻ măng bên mình. Hương đã không tin khi được biết ông là một cơ sở kinh tài của cách mạng. Nhưng với thực tế, ông vẫn sống thoải mái, vẫn đi xe hơi hàng ngày… sau ngày giải phóng, đã chứng tỏ điều đó là đúng.
Má Dũng, một người đàn bà có vẻ lớn tuổi hơn chồng, hình như không cần chú ý gì đến chồng con. Bà đeo nữ trang đầy người, và lần nào Hương đến nhà Dũng, cũng thấy bà đang ngồi xoa mạt chược với vài ông bà trông tướng rất bệ vệ. Họ đánh bạc công khai và ăn thua rất lớn, tuy thái độ rất lịch sự hoà nhã, và trong khi chơi vẫn có thể nói chuyện về tình hình thời sự trong và ngoài nước…
Tất cả những điều Hương đã biết về ba má Dũng cho phép cô nghi ngờ về một hạnh phúc, nếu nhận lời chung sống với anh. Đó là chưa nói chắc gì ba má Dũng đã chịu cho anh cưới Hương, một cô gái mà gia đình đã xuống dốc thê thảm, không tương xứng chút nào với bề thế hịên nay của gia đình Dũng. Hương có hạnh phúc không, khi lọt được vào ngôi nhà đó?
Hương bặm môi, quyết định trả lời ngay:
- Không được anh à. Hương và ba đã bàn. Hương phải đi, coi thử thế nào. Chuyện anh tính, cho Hương suy nghĩ kỹ và sẽ trả lời sau.
Dũng nhìn Hương, và Hương cảm thấy câu trả lời của mình không làm anh ngạc nhiên hay thất vọng. Có thể lời hỏi cưới của anh chỉ là do một lúc hào hứng bật ra, hoặc cũng có khi anh đã từng nghĩ tới, rồi thôi. Dũng cũng không nói gì thêm để thuyết phục Hương, trừ một câu bỏ lửng nửa chừng, sau khi có vẻ đã suy nghĩ:
- Tuỳ Hương vậy. Anh đã cố hết sức. Anh không muốn Hương đi cái đó… Hương sẽ… Hương sẽ…
Dũng phác tay làm một cử chỉ ra dấu bất lực, không biết diễn tả ý nghĩ như thế nào. «Có gì đâu mà anh không dám nói ra? Tôi sẽ đen đúa, xấu xí đi. Tóc tôi sẽ vàng cháy, chân tay tôi sẽ nứt nẻ… Và anh sẽ hết yêu tôi, bởi vì anh chỉ yêu sắc đẹp, phải không?»
Dũng nhón lấy gói Winston, và cái quẹt ga Dupont mà thói quen của anh khi vào quán là luôn cố ý vứt hờ hững trên bàn. Nhét tất cả vào túi áo trên, anh rút cái ví da cá sấu lớn ở sau lưng ra, gọi tính tiền và rút ra một tờ giấy hai chục mới tinh, chưa một nếp gấp.
Trong khi Dũng làm những việc đó, Hương vẫn yên lặng ngồi nhìn anh, và lần đầu tiên lấy làm lạ về những cử chỉ rất thuần thục đó.
°
Oanh ôm chặt lấy Hương rồi đưa tay cù vào hông bạn. Lúc trước, Hương thường ngủ đêm ở nhà Oanh để học thi, những lần hai đứa đùa nhau như vậy là Hương đã cười lên nắc nẻ, và dãy dụa đến tung cả mền gối xuống đất. Rồi hai đứa vật lộn nhau ầm ĩ, ném gối vào mặt nhau túi bụi cho đến khi nào mệt thở dốc mới thôi. Oanh có thật ngủ thật nhiều gối. Cái tròn, cái vuông, cái dài… Tất cả đều được bao bằng vải xa-tanh đủ màu, mát rượi, quăng bừa bãi trên chiếc giường nệm rộng thênh thang.
Bây giờ, Hương chỉ vặn mình, xô bạn ra, rồi ngồi dậy vuốt lại tóc. Oanh nhìn Hương nhưng không lộ vẻ gì ngạc nhiên trước thái độ đó. Cô xoay người, nằm sấp lại ôm gối. Một lát, Hương thấy vai bạn rung rung… Con nhỏ cười đó rồi lại khóc đó.
Hương đưa tay vuốt nhè nhẹ cái lưng trần láng mướt và mát rượi của Oanh. Cô sống tự nhiên như đầm, vào phòng ngủ là cởi hết quần áo, dù có mặt bạn gái ở đó.
Hương hỏi nho nhỏ:
- Lâu lắm tao không tới chơi, sao gặp tao mày lại khóc?
Thật cũng khá lâu rồi, Hương chưa tới Oanh. Một phần từ sau cái ngày di tản hụt đó, đã có ít chuyện rắc rối xảy ra giữa gia đình hai người. Chỉ khi đi không được, Hương mới biết vì sao trước kia ba má mình lại có vẻ lo âu, sau khi trực tiếp qua nhà Oanh bàn việc cùng đi. Tuy là chỗ quen biết, má Oanh chỉ bằng lòng giúp đỡ với điều kiện gia đình ông bà Cung phải đưa bà đủ hai nghìn đô-la. Bà giải thích đó là số tiền bà nợ của một người bạn, nếu không trả thì phải nhận cho gia đình họ đi chung, và như vậy thì không còn chỗ đâu cho gia đình Hương… Chuyến đi thất bại và mất hết tài sản, má Hương muốn lấy lại số tiền đó thì má Oanh cứ hẹn lần hẹn lựa, bảo bà đã trả nợ mất rồi, còn tiền thì bà không còn được bao nhiêu. Chỉ sau rất nhiều lần lui tới nhà Oanh, bà Cung mới lấy được một phần số tiền, mà lại bằng bạc Việt Nam, với thời giá kém hẳn… Những điều đó không làm sứt mẻ tình bạn giữa Hương và Oanh, nhưng cũng hạn chế phần nào sự lui tới giữa hai đứa. Hơn nữa, từ lúc Hương đi học trường Y tế, vì được đào tạo gấp nên hết sức bận rộn, không còn đủ thời gian cho một cuộc đi chơi nào. Vả lại, còn đứa nào muốn đi chơi nữa đâu!
Oanh xoay người lại, nước mắt ràn rụa trên má. Cô nói:
- Mày đi nữa là tao không còn đứa bạn nào ở Sài Gòn. Hết ba tao bỏ má con tao đi, đến thằng Hùng, và bây giờ lại đến mày.
Hùng là bồ Oanh, trung uý phi công lái F.5 ở Sư đoàn 5 Không quân, đóng ở Tân Sơn Nhất, đã bị người Mỹ ép phải lái máy bay bỏ chạy từ ngày 28 tháng 4, vội đến mức không kịp báo cho người yêu. Có thể anh ta đã tin tưởng là Oanh cũng đã cùng gia đình qua Mỹ an toàn, và không chừng giờ nầy, Hùng vẫn còn mỏi mắt đi lục danh sách ở các trại tỵ nạn của Mỹ tìm tên Oanh.
Oanh tiếp:
- Dù sao, mấy người đó bỏ đi, còn được sướng thân. Còn mày, đi cái đó thì còn gì là…
Dù mấy hôm nay đã quen nghe những lời lo lắng cho số phận của mình, câu nói của đứa bạn thân nhất vẫn làm Hương thấy tủi thân. Hương quay mặt đi, gạt vội mấy giọt nước mắt vừa ứa ra, im lặng không nói gì.
Đến lượt Oanh vuốt ve Hương. Cô ngồi dậy chải tóc cho Hương và lấy cây trâm bằng đồi mồi bới tóc Hương lên, cài gọn ghẽ. Hương vẫn buồn hiu ngồi nhìn mấy ngón chân của mình. Chúng trắng hồng, mủm mỉm làm sao! Dũng vẫn thương nói mê Hương từ sợi tóc đến ngón chân và mỗi lần anh cúi xuống nhìn chúng, Hương thấy hết sức nhột nhạt. Ngày mai đây, hằng ngày phải dẫm lên sình lầy, cỏ dại, rừng hoang.. chúng sẽ ra sao?
Oanh ôm lấy vai Hương từ phía sau. Bộ ngực ấm của cô chạm vào lưng Hương. Cô cắn nhẹ tay bạn, rồi nói thì thầm:
- Nghe tao đi Hương. Bỏ! Trốn ở nhà. Hay lại đây ở với tao luôn. Coi thằng nào dám làm gì mày cho biết? Vài hôm nữa, thế nào bà già tao cũng kiếm đường dzọt qua đó. Nhất là khi bà đã biết kỳ đó ông già tao đi trước là vì phải đưa bên nhà con vợ bé của ổng… Chuyện của hai người để họ giải quyết, miễn là tao với mày sẽ đi nữa. Đất này bây giờ đâu phải là đất sống của tụi mình.
Bỏ chạy một lần nữa? Với những ngày lênh đênh trên biển phó mặc rủi may định đoạt số phận mình và tương lai không biết sẽ về đâu? Hương không có bà con, anh em nào sống ở nước ngoài. Hương không còn đến một chỉ vàng để mang theo. Hương sẽ làm gì để sống với chút vốn ngoại ngữ và một năm học làm y tá của mình? Rồi còn ba má Hương và anh em Hương còn ở đây nữa? Chưa một ngày Hương lo lắng được cho ba má. Giờ phút gay go này Hương bỏ đi hay sao?
Oanh lại tiếp:
- Nghe lời má tao, tao đã nộp đơn xin thi vào Đại học sư phạm để bớt bị chú ý hơn, chứ bây giờ «học tài thi lý lịch», sức mấy «nguỵ» như mình mà đậu nổi. Má tao bả bắt tao làm đủ trò. Nào là ra trạm xá xin thuốc nhức đầu, bổ óc vì học thi mệt quá. Nào là ra phường sao giấy tờ đơn từ này nọ đủ cả, làm như thiết tha lắm với cái xứ này… Bả còn giấu nhưng tao biết bả sắp dzọt được rồi. Mấy hôm nay, tao thấy bả bắt đầu bán dần mấy thứ đồ đạc máy móc đáng giá mà không thể mang theo.
Oanh nâng cằm Hương lên, nhìn vào mắt bạn, rồi quay mặt đi, lại khóc. Hương biết bạn đã trao thân cho Hùng trong kỳ Noel 74, hai người đi Đà Lạt chơi. Oanh và Hùng tính tháng 6 làm lễ cưới thì tháng 5 giải phóng. Hùng bay mất rồi, Oanh còn gì vui?
Oanh bò đến đầu giường, mở cái tủ nhỏ lấy ra một gói Salem và một chai Johnny Walker đang uống dở. Hương tròn mắt nhìn bạn. Oanh nhún vai, giải thích:
- Tao buồn quá, sinh mất ngủ. Lâu lâu phải lai rai một chút cho nó mềm người và đỡ nhớ ổng. Ha, ha! Cha quỷ đó bây giờ không biết còn nhớ tao không, hay đã cặp với con nào rồi. Tụi pilot chuyên lả lướt đi mây về gió, dễ có mấy đứa chung tình đâu!
Oanh rót rượi vào cái nắp chai, đưa Hương:
- Mày uống thử một miếng đi. Rồi tao với mày ôm nhau ngủ.
Hương lắc đầu, đẩy tay Oanh ra. Oanh chỉ nhìn Hương, rồi đưa nắp chai lên đổ vào miệng. Cô nhăn mặt uống luôn ba bốn nắp, đậy chai lại bỏ xuống giường, rồi bắt đầu đốt thuốc. Hương nhìn và thương bạn quá. Oanh đâu phải là một đứa truỵ lạc, vì đâu mà phải chịu cảnh đáng thương này?
Oanh thở khói mù mịt căn phòng nhỏ. Cô bước xuống vặn chiếc Akai, cho cuộc băng nhạc Mỹ chạy, rồi leo lên giường nằm úp mặt vào gối như chết. Hương nhìn Oanh, thở dài.
Không, Oanh ơi, tao sẽ ở lại chấp nhận số phận đã dành cho mình. Mỗi người một định mệnh, tao mệt mỏi rồi, không muốn chống chọi lại trong tuyệt vọng như mày đâu. Chúc mày ra đi được bình an, trót lọt, gặp lại ba, gặp lại Hùng. Còn tao.. Từ đây «cũng liều nhắm mắt đưa chân…»
Hương nằm xuống, ôm tấm thân trần của Oanh, nhắm mắt nghe lòng chơi vơi trống trải làm sao với giọng ca trầm buồn như một lời tâm sự của Paul MacCartney, lẫn trong tiếng máy lạnh chạy rì rì:
«…Yesterday, all my troubles seem so far away. Now it looks as though they’re here to stay...» (3)
Đã qua hết rồi những ngày tháng cũ, và chúng sẽ không bao giờ trở lại đâu, Oanh ơi…
---
1) Tên hai tờ hoạ báo dành cho giới yêu nhạc trẻ và các cô gái trẻ ở Pháp.
2) Họp mặt có khiêu vũ
3) Bản nhạc «Yesterday» của The Beatles.