8.

Trung tuần tháng 3-1978, Đại hội Thanh niên tiên tiến thành phố HCM năm 1977 được tổ chức, chuẩn bị lấy khí thế cho một chiến dịch lớn. Từ khắp các mặt trận chiến đấu, lao động và học tập, đại biểu trẻ của những bông hoa tiên tiến lại về họp mặt, kể cho nhau nghe những thành tích của nhau và càng xác định rõ hơn niềm tin vững chắc vào tương lai. Hương vinh dự được đơn vị chọn đi, trong số hai người của liên đội.
Ở trước cửa hội trường Câu lạc bộ Thanh niên, vào giờ giải lao, Hương gặp một người mà cô không bao giờ tưởng tượng là có lúc mình sẽ được gặp lại trong đời: Oanh. Người bạn thân nhất trước đây của Hương, giờ đang đứng trước mặt cô, nước da đen hơn, nhưng rất gọn gàng, khoẻ mạnh, cũng trong bộ đồng phục Thanh niên xung phong màu cỏ úa. Hai cô gái nghẹn ngào nhìn nhau. Hương là người xổ vào ôm lấy bạn trước. Họ khóc mùi mẫn trước đôi mắt ngạc nhiên của nhiều người.
Ở căng-tin, Oanh kể hết cho bạn nghe những gì đã xảy đến cho mình. Chuyến tàu vượt biên của cô bị bắt khi vừa ra tới cửa biển. Sau một thời gian ở trại quản chế của Công an tỉnh, mẹ Oanh được thả về, còn Oanh, như những người trẻ tuổi khác, được trả về Công an thành phố, rồi được đưa đi lao động cải tạo ở trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới Xuyên Mộc, mà khung cán bộ là người của Lực lượng thanh niên xung phong thành phố.
Trước khi chia tay, Oanh đã nhờ mẹ nhắn tin giúp về nhà Hương, nhưng sau đó, khi được thư cô ở Xuyên Mộc gửi về hỏi lại lần nữa, bà Hoàng đã viết trả lời cho Oanh là cả nhà Hương đã đi mất rồi. Giờ Oanh mới biết sự thật, chắc là bà Hoàng muốn tránh mặt nhà Hương, và không thích cho Oanh quan hệ với Hương nữa. Cũng như trước đây, trong chuyến đi bị bắt, bà Hoàng đã biết trước ngày đi khá lâu, nhưng không cho Oanh hay, vì Oanh đã để lộ ý định muốn tiếp tục rủ Hương cùng đi.
Thế rồi, trong cái doanh trại nằm giữa vùng rừng già đất đỏ Bàu Lâm đó, hằng ngày Oanh đã được học tập, lao động cùng với hàng ngàn thanh niên khác, trước đây gần như đã đánh mất tuổi trẻ của mình trong cái vũng lầy xã hội cũ. Ở nơi đó, lần đầu tiên Oanh đã được biết một cây bắp mọc lên và cho trái như thế nào, cây khoai mì được trồng từ một đoạn thân ngắn ra sao, tại sao người ta lại không để mạ mọc thẳng lên thẳng lên thành cây lúa, mà lại phải nhổ lên rồi đi cấy lại, mất công như vậy. Ở trước phòng của Oanh, có trồng hai bụi ớt tía, mấy chồi non mềm mại mọc lên, rồi lớn dần, nở hoa, kết trái, ban đầu bằng mút đũa, rồi to dần, to dần, từ màu xanh bắt đầu ngả sang màu đỏ, rồi tím bầm. Oanh thích thú theo dõi những cây trái ấy từng ngày. Nhưng rồi một bàn tay xấu tính nào đó đã ngắt trộm mấy trái ớt lớn nhất đầu tiên, công trình bao ngày chăm chút của Oanh. Oanh khóc vì tức, vì tiếc, khóc chỉ vì mất mấy trái ớt mà trước đây hoàn toàn vô nghĩa với mình.
Ở hai thung lũng đã được bàn tay những người Thanh niên xung phong và học viên dọn sạch chồi cây và cỏ tranh, mắc cỡ, Oanh và các bạn gái đã nhận trồng những liếp cà tím và dưa leo, trong khi các bạn trai đảm trách những công việc nặng nhọc hơn, như phá trừng, hạ cây, xẻ gỗ, xây dựng doanh trại... Chẳng bao lâu hai thung lũng ấy đã trở nên xanh tươi, mát mẻ. Các cô đặt tên hai nơi này là thung lũng Cà tím và thung lũng Dưa leo. Mỗi thung lũng đều có một khu vườn nhỏ, bàn ghế bằng mây rừng. Oanh rất thích vào buổi chiều rảnh rỗi, đi tắm về, ra vườn ngồi một mình ngắm cảnh chiều xuống trên đồi Hoàng hôn. Ngọn đồi phía Đông đó được mang tên của buổi chiều tàn, vì từ doanh trại nhìn ra, khi mặt trời xuống vừa thấp sẽ tráng một lớp men nắng cuối cùng lên những lá cỏ tranh dầy kín trên đồi, làm cả ngọn đồi rực lên sắc vàng óng ánh. Những cơn gió cuối ngày luyến tiếc lướt qua, xô nhẹ những thân cỏ, làm cả sườn đồi chập chờn rung động, dào dạt một biển sông vàng. Hoàng hôn như nằm cả trên ngọn đồi ấy.
Oanh còn biết đánh cỏ tranh thành từng tấm để lợp mái những căn nhà mới. Bàn tay cô đã bị lá tranh và gai mắc cỡ cứa nát, nhưng tấm lòng cô ngày càng lành lặn hơn. Buổi chiều, cũng như các bạn trai, các cô gái, cả cán bộ khung – cũng chỉ là những cô Thanh niên xung phong rất trẻ, hồn nhiên – sau giờ lao động đều đổ ra đánh cầu lông, chơi bóng chuyền, rồi đi tắm ở đoạn sông Ray dành riêng cho nữ, nước trong veo và mát lạnh. Chủ nhật họ đi sâu vào rừng, tìm những giò lan quí về trang hoàng doanh trại. Những đêm mưa đông, trời lạnh cắt da, không ngủ được, họ đốt lửa, quấn chăn, ngồi bên nhau nghe đọc thơ, đọc truyện, ca hát chờ nồi bắp luộc, nồi khoai mì hấp hay nồi cháo cheo… sôi trên bếp lửa. Hôm nào nghèo nhất thì cũng có một ấm hà thủ ô nấu đặc đắng ngắt, nhưng nuốt xuống rồi thì lại nghe có vị ngọt đọng lại ở đầu lưỡi.
Dần dần, sự phân biệt giữa cán bộ và học viên ngày càng thu hẹp. Mà thực ra, có gì gọi là phân biệt? Họ ăn uống cùng tiêu chuẩn như nhau, cùng lao động, cùng ngủ trên một kiểu giường tre… Nếu có khác biệt là ở chỗ phòng ngủ của học viên được xây dựng chắc chắn hơn, và giấc ngủ của họ được những người Thanh niên xung phong thay nhau canh giữ. Còn bữa ăn, thực tình nhiều học viên có gia đình khá giả tiếp tế thường xuyên còn sung sướng hơn những cán bộ Thanh niên xung phong.
Cũng như Hương, Oanh đã biết được bao nhiêu điều mới lạ, ngỡ như quá đỗi tầm thường, đơn giản, vậy mà trước giờ cô lại chưa từng biết. Cuộc sống mở ra trước mắt Oanh bao hình ảnh khác hẳn cuộc đời chật hẹp ngày xưa: những chiều quanh quẩn trên phố xá, khoe nhau những bộ áo quần lạ mắt, nối tiếp là những tối chạy lòng vòng chẳng biết tấp vào đâu, vì trò giải trí nào rồi thì cũng quá chán chường, tiền bạc thì cứ xài mà không hề thắc mắc ở đâu mình có… Không hiểu làm sao có được hạt gạo cho mình ăn đã đành, thậm chí Oanh còn không biết làm sao biến hạt gạo thành cơm nữa. Từ nhỏ, cô đã chẳng phải làm gì đụng đến móng tay. Lớn lên, theo “mốt” lúc bấy giờ, cô đi học và có thể làm được mấy chục loại bánh ngọt rất cầu kỳ bằng máy đánh trứng và lò điện, nhưng nấu một nồi cơm, lặt một mớ rau, đánh vảy một con cá… thì cô hoàn toàn không biết. Bữa ăn bao giờ cũng sẵn sàng mời mọc cô, trên một mặt bàn phủ khăn trắng, chẳng khác nào trong truyện thần tiên Nghìn lẻ một đêm, mà thuở nhỏ cô đã được đọc, có một chiếc bàn thì chỉ việc vỗ vào là có thức ăn ngon hiện lên, bốc khói.
Bản tính dạn dĩ và lạc quan, những đau khổ bước đầu cũng dần nguôi ngoai, và Oanh đi vào cuộc sống tập thể cũng đã thoải mái hơn. Lại cũng như Hương, Oanh rất ngạc nhiên khi biết những người bằng tuổi quanh mình trước đây hoàn toàn không được đi học, không phải vì lười, mà vì không đủ điều kiện. Từ bé, họ đã phải lăn vào đời để kiếm sống, và những bài học mà cuộc đời lúc đó dành cho họ thường chỉ mang một hương vị cay đắng.
Với chính bản thân mình, Oanh còn chưa tự lý giải được về nguyên nhân của những đổi thay trong thời gian ở trường, huống hồ gì về sự thay đổi nhanh chóng của từng người chung quanh. Những học viên, trước đây, có người từng cầm đầu một băng cướp khét tiếng, có người tự xưng là du đãng trí thức, có người là gái điếm, chủ bar lừng lẫy… Những con người chịu chơi, cô đơn, đi hoang, sống hippy, hiện sinh, xả láng cuộc đời ấy, cuối cùng đã gặp nhau ở đây. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ phần nào giúp tâm hồn con người rộng mở và để cảm thông nhau hơn. Những ánh mắt đã dịu đi về nghi ngại hằn học buổi đầu, những gương mặt lầm lì như thách đố, nhường chỗ cho nét cởi mở, gần gũi. Chiếc hố đau thương trong quá khứ mỗi con người được lấp dần, và trên mặt đất thật bằng phẳng ấy, một cuộc sống mới đang đâm chồi nẩy lộc.
Không khí doanh trại ngày càng sinh động hẳn lên. Từ 5 giờ sáng, khắp các đội đã vang lên những tiếng hô tập thể dục đều đặn. Những trận bóng chuyền chuẩn bị cho đợt tranh giải sắp tới. Khí thế lao động lên cao. Mỗi chiều, trên những nương rẫy mới mở, những đám lửa từ những cây cỏ được dọn sạch gom lại lặng lẽ cháy, phía sau những bàn chân cùng nhau trở về doanh trại với bữa cơm chiều đang dọn sẵn. Buổi tối là kiểm điểm công việc trong ngày, là học bổ túc văn hoá, là sinh hoạt văn nghệ, làm báo tường… Cứ thế mà Oanh thay đổi tự lúc nào cô không hay.
°
Nơi đó, Oanh gặp Toàn.
Ngày giải phóng, Toàn là một sinh viên Văn Khoa năm thứ nhất. Anh đến sinh hoạt ở Lực lượng thanh niên – sinh viên – học sinh tại khu nhà số 4 Duy Tân, trước kia là Trung tâm sinh hoạt thanh niên, từ những ngày đầu tháng 5-1975. Lực lượng này được giải thể hồi tháng 7, và một số trong đó đã tình nguyện ở lại, thoát ly gia đình, gia nhập các đội Thanh niên xung phong đầu tiên của thành phố. Đội của Toàn được đưa lên Xuyên Mộc đầu tiên, lúc vùng này còn là một khu rừng già hoang vu, rải rác mới có một trảng tranh; đêm nằm còn nghe mễnh tác, sáng dậy có hôm ra suối còn thấy vết chân cọp rành rành…
Khi Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới ở Xuyên Mộc được thành lập, đội của Toàn được đưa sang và bố trí vào khung cán bộ. Toàn trở thành đội trưởng một đội sản xuất. Trung đội trưởng cũng là các Thanh niên xung phong, còn tiểu đội trưởng thì do chính các học viên tự chọn lên. Trong đội Toàn có một trung đội nữ, mà Oanh được bầu làm một trong ba tiểu đội trưởng.
Sinh viên Sài Gòn, gia đình trung lưu, thông minh, hoạt bát, tiếp thu lý luận cách mạng nhanh, tích cực công tác, sống thoải mái trong tập thể, biết tin tưởng người khác và phát huy được sự đóng góp của mọi người, yêu thích các hoạt động văn nghệ và thể thao…
Toàn đến đâu cũng nhanh chóng được tập thể ở đó yêu mến, và tin tưởng. Có thể nói anh là một đội trưởng có năng lực. Đội của anh lao động tốt, tư tưởng ổn định, có sinh hoạt tinh thần phong phú, ít người đào trại nhất. Chỉ sau một năm, chính Toàn còn đứng ra đề nghị cho một số học viên được chuyển thành Thanh niên xung phong và ở lại trường làm cán bộ khung tiếp tục, vì số học viên được nhận vào đã đông hơn. Anh tin là những người trưởng thành đó sẽ gần gũi anh em học viên hơn, và sẽ biết cách hướng dẫn, thuyết phục được những người khó tính, bi quan nhất. Trong số những người đầu tiên được Toàn đề nghị đó, có Oanh.
Đề nghị đó đã được chấp thuận.
Cái ngày mà Oanh được trả bộ quần áo học viên, để mặc vào bộ đồng phục Thanh niên xung phong, cô đã xúc động đến chảy nước mắt. Không hẳn chỉ vì cảm thấy rằng từ này mình đã được hoàn toàn tự do. Oanh còn xúc động vì sau một thời gian vào trường, từ cái tâm trạng bi quan hoảng loạn, không biết mình sẽ bị hành hạ, dày vò, cải tạo, tẩy não... như thế nào, giờ đây hầu như cô đã trở thành một con người khác hẳn, một con người đang chờ mong được nhận bộ quần áo lao động để được cống hiến bình đẳng như mọi người.
Lúc trao bộ đồng phục còn thơm mùi vải mới cho Oanh, Toàn nói nhỏ:
- Từ nay mình là đồng chí rồi nhé bạn!
Oanh rất thích tiếng “bạn” của Toàn. Anh không gọi học viên là “anh”, “chị” như nhiều cán bộ khung khác, nếu học viên đó bằng hoặc nhỏ tuổi hơn anh. Toàn gọi “bạn” và xưng “tôi”, rất thân tình tự nhiên. Anh thực sự coi các học viên như những người bạn, vấp phải những lầm lỡ mà không do chính mình gây nên.
Hùng, chàng phi công hào hoa, người yêu đầu tiên của Oanh, có lúc yêu Oanh tưởng có thể chết vì cô được, giờ đã bặt hẳn thư từ. Trong cái lần duy nhất lên thăm Oanh, bà Hoàng đã báo cho cô tin Hùng làm đám cưới ở Texas, với con gái một đại tá không quân nguỵ, cũng chạy sang bên ấy, qua lá thư một cô bạn từ Mỹ gửi về. Oanh đọc thư, ngạc nhiên nhận ra lòng mình chỉ thoáng buồn như một người bị cháy hết nhà cửa, vừa nhớ ra trong đó có một món rất quý giá. Cô ngẩn ngơ một chút rồi đưa hai tay vuốt mặt như muốn xoá đi cái cảm giác tê tái, tự an ủi: “Chuyện đó là bình thường, nhất là với Hùng. Không có gì bất ngờ cả, phải vậy thôi!” Với Oanh bây giờ, cô sẽ đi tìm lại căn nhà đã cháy, hay sẽ tự xây lại cho mình một căn nhà khác? Một mình cô có đủ sức làm công việc đó hay không?
Oanh đã báo tin cho mẹ biết cô xin ra Thanh niên xung phong một thời gian. Thực ra nếu Oanh không đồng ý như vậy, cô cũng chưa thể được giải quyết cho về với gia đình, nhưng bà Hoàng đã giẫy nẫy:
- Sao con dại vậy? Ráng xin về thôi. Nếu biết chỗ nào lo tiền để được về sớm thì chỉ má. Má đợi con về là mình đi nữa. Lần này má biết được đường dây của mấy ông linh mục tổ chức. Bảo đảm một trăm phần trăm, khỏi cần đem vàng hay tiền theo, cứ gởi lại đây, qua đó sẽ có người đưa.
Khoẻ, cùng đi với bà Hoàng để vác mấy bao thực phẩm cho Oanh, cũng hạ giọng nói:
- Oanh xin về đi. Cứ giả đò bệnh lên, bệnh xuống riết, rồi người ta phải cho về thôi. Tụi này nó ngu lắm, đâu biết mẹ gì! Cần giấy chứng nhận có bệnh mãn tính gì từ nhỏ thì tôi chạy cho.
Oanh quắc mắt nhìn Khoẻ. Anh lính tài xế này sao giờ dám gọi tên Oanh trống không và nói năng thô lỗ như vậy? Khoẻ vẫn giương giương mắt nhìn Oanh. Oanh liếc sang mẹ. Bà Hoàng cúi mặt xuống. Và cô gái chợt hiểu tất cả. Người cô run bật lên vì một nỗi căm giận bất ngờ. Ông Hoàng bỏ chạy với một cô vợ bé chỉ hơn Oanh vài tuổi, bỏ mẹ con Oanh ở lại tự lo lấy thân. Hùng qua đó chưa được một năm đã làm đám cưới với một cô gái khác. Và bây giờ là mẹ mình dan díu với Khoẻ... Căn nhà đã đổ sụp đến tận viên gạch cuối cùng!
Mặt Oanh tái ngắt. Cô đứng dậy, nói không ra tiếng:
- Măng (1) về đi! Và đừng bao giờ lên thăm con nữa.
Cô lảo đảo quay mặt vào doanh trại, bỏ bà Hoàng và Khoẻ giữa mấy bao vải ngổn ngang trong phòng thăm nuôi.
Đêm đó, Oanh đã khóc vùi, khọc nghẹn lặng, tức tưởi, nhưng sáng hôm sau, mọi người lại thấy cô lao động hết mình hơn bao giờ hết.
Người yêu tuyệt vời nhất, là người đến với mình đúng lúc nhất. Với Oanh, người đó là Toàn. Từ ngày gọi nhau là đồng chí, họ đã gần gũi nhau hơn, và ngày càng nhận ra, giữa họ có nhiều điểm phù hợp nhau. Oanh còn lờ mờ về lý tưởng, về chủ nghĩa xã hội, về con đường đẹp nhất mà mọi người trẻ tuổi như cô nên đi theo... nhưng chính những tương đồng về tánh tình, sở thích, rồi sau đó là tình yêu với Toàn, đã giúp cô nhanh nhẹn tiếp nhận cuộc sống mới, một cách nhẹ nhàng. Cô đã yêu cách mạng bắt đầu từ tình yêu riêng tư của mình. Điều đó cũng bình thường, dễ hiểu.
Oanh nói với Hương:
- Tối qua tao được về thăm nhà, lần đầu tiên từ khi lên trường. Tao thấy thằng Khoẻ đầu chải tém, mặc bộ pyjama của ba tao, ngồi dựa ngửa xa-lông coi tivi, tay cầm điếu 555, bên cạnh lại có chai cô-nhắc, tao chịu không nổi, phải bỏ lên chỗ ở tập thể mà Thành đoàn bố trí cho anh em trên trường về dự Đại hội ở tạm, trong mấy ngày. Má tao còn kêu tao nhân dịp này đào ngũ luôn đi, bả giấu trong nhà, chờ ngày đi theo bả. Tao nói: “Măng đi làm gì, ở đây con thấy măng cũng hạnh phúc chán!” Xong tao lấy ít đồ dùng rồi bỏ đi. Bả nhìn tao và khóc. Kỳ ghê, sao tao thấy dửng dưng như không, thậm chí tao còn có cảm tưởng bả đang đóng kịch nữa!...
... Oanh lại tiếp tục kể về mình, về Toàn, nối dài câu chuyện tưởng không bao giờ dứt giữa hai đứa. Hương cầm tay Oanh, siết vai Oanh. Bàn tay cứng cáp đã có vết chai sần, và đôi vai chắc nịch. Mắt Oanh vẫn giữ ánh vui tươi hồn nhiên, nhưng thấp thoáng bên trong là một nỗi buồn kín đáo. Có thể đó chỉ là cảm giác của Hương suy từ tâm trạng chính mình chăng! Như đã thành thói quen, suy nghĩ Hương lại hướng về phía Mạnh. Oanh và Toàn có nhiều điểm tương đồng đến không ngờ; họ hiểu nhau cặn kẽ, sâu sắc và sẵn sàng chấp nhận quá khứ của nhau. Còn Hương, khoảng cách giữa Hương và Mạnh đã thật sự được xoá bỏ chưa? Lúc sau này, Mạnh thường kéo Hương vào những cuộc tranh luận, bàn bạc về thời sự, chính trị. Hương hiểu Mạnh muốn giúp cô trang bị nhận thức vững vàng để tự mình có thể lý giải được những vấn đề nảy sinh trong cuốc sống một cách đứng đắn, thích hợp. Một lần, Hương hỏi Mạnh:
- Mỹ đã thua rồi. Bây giờ, lẽ ra chỉ những người từng làm việc, từng cộng tác với Mỹ mới thấy khó sống. Vậy sao mọi người từ anh hớt tóc, anh đạp xích lô, thậm chí đến anh công nhân cũng thấy cuộc sống cực khổ? Sao vậy? Họ là người lao động mà. Xã hội này là của người lao động, sao người lao động vẫn không thấy sung sướng?
Lúc đó hai người đang ngồi ở căng-tin. Mạnh lấy ngón tay chấm vào nước và vẽ trên mặt bàn những vòng tròn đồng tâm, từ nhỏ đến lớn. Anh tô đậm nét cái tâm vòng tròn, rồi bắt đầu giải thích:
- Hương hãy coi đây là những tấm giấy hình tròn, được gắn với nhau bằng một cái chốt đóng ngay trung tâm này. Không tâm nào bằng tâm nào, và có vẻ chúng chẳng quan hệ gì với nhau cả. Nhưng nếu chúng ta rút đi cái chốt, tất cả sẽ cùng rơi lả tả. Bọn Mỹ, hay nói đúng hơn là tiền viện trợ của bọn Mỹ, trước ngày giải phóng, chính là cái chốt ấy, đối với nhiều thành phần xã hội, ở miền Nam. Những vòng tròn ở sát cái chốt, cảm thấy rất rõ sự mất mát của mình, khi mất cái chốt. Còn những vòng tròn tít ngoài cùng, nhiều khi vì ở xa quá, mà không hiểu. Một xã hội chủ yếu sống dựa trên đồng đô-la của Mỹ, thì dĩ nhiên làm sao không thấy túng thiếu, thậm chí “sụp đổ” theo cái ngày sụp đổ của nguỵ quyền Sài Gòn? Cái hệ thống này, tiếng Mỹ gọi là “Concentric System of I.O.Y”, viết tắt của ba chữ I Own You, tạm gọi là “hệ thống đồng tâm Tôi Mắc Nợ Anh”. Với người Mỹ là chủ nợ trung tâm, và cứ thế, lần lượt lan rộng ra anh lái tắc-xi hay chị giặt ủi, nhiều khi đâu có phục vụ trực tiếp cho bọn Mỹ, nhưng Mỹ đi rồi, lập tức thấy đời sống bỗng dưng khó khăn hơn, không hiểu hết nguyên do lại đổ cho cách mạng là chính vì vậy...
Hương nhìn Mạnh thán phục. Càng ngày cô càng bất ngờ trước kiến thức phong phú và nhận định sâu sắc, nhạy bén của Mạnh, khác hẳn ấn tượng ngày đầu về một anh chàng đại đội trưởng vạm vỡ, đen đúa, có vẻ chỉ quen với những công việc của bắp thịt. Hương chấp nhận những buổi trò chuyện đó, còn với mong muốn hai người ngày một gần gũi nhau hơn, để cho cô có đủ tự tin mà nói thật với Mạnh tất cả...
Hương không nén được tiếng thở dài. Cuộc sống mở ra trước mắt cô nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng ở một góc sâu thẳm của tâm hồn, vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Cả hạnh phúc cô đang có trong tay cũng quá đỗi mong manh.
---
1) Gọi tắt của chữ “maman”, tiếng trẻ em Pháp gọi mẹ.