Ý thức được sự mong manh của cuộc đời, nhiều anh em tìm quên trong men rượu. Men rượu có giúp quên đi thực tại khó khăn nhưng cũng cướp đi nhiều cuộc đời. Đồng tiền khó nhọc kiếm được đều trút vào men rượu, mặc cho vợ khóc con than. Nhiều gia đình vốn đã tan nát lại càng nát tan thêm. Tất cả chỉ vì nghèo khổ, càng khổ các anh càng muốn tìm quên, cái vòng lẫn quẫn đó đã lôi kéo nhiều gia đình xuống hố sâu vực thẳm... nếu không có một phép lạ. Để biện minh cho sự hư thân của mình, anh Sơn thường ngâm các bài thơ say của Vũ Hoàng Chương hay của Trần Tế Xương cho tôi nghe: Say sưa nghĩ cũng hư đời, Hư thời hư vậy ta thời cứ say. Đất say đất cũng lăn quay. Trời say trời cũng đỏ gay ai cười. Hoặc thơ của Nguyễn Tất Nhiên lúc còn ở Biên Hòa: Tình cũng khó theo thời cơm áo khó, Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần. Em bắt đầu ân hận chưa em? Vì đã trót yêu anh, cái thằng quanh năm túng thiếu, Ân hận đó em cũng đành cam chịu. Cứ xem như sự kiện đã lâu ngày, Như địa cầu không thể ngược vòng quay. Anh Sơn thích nhất là bài "Ta đội nón mời em uống rượu" của Cao Thoại Châu, người Quảng Nam: Ta đội nón mời em đi uống rượu, Cuộc tình sầu xin tạm gác qua bên, Vì lát nữa đây mặt trời sẽ chết. Mùa đông về không có chỗ dung thân, Ta đứng run trong giá lạnh. Dáng bơ vơ như một kẻ thất tình, Để ta trông thấy em như một bờ dốc đứng. Còn ta là chiếc xe đò nổ lốp đứng chơ vơ! Vậy thì xin em hãy uống, Uống cho tàn, cho mạt kiếp nhân sinh. Em không uống nên ta lẻ bạn, Ta tủi hờn bóp nát chiếc ly không!... Bài thơ của Cao Thoại Châu còn rất dài, nhưng anh Sơn chỉ chép lại cho tôi tới đây vì bài thơ đó đã lâu ngày và nhất là sau những cơn say đầu óc anh lú lẫn, không còn minh mẫn như ngày xưa. Vợ con anh Sơn tuy rất thông cảm hoàn cảnh và tinh thần của anh nhưng điều đó lại chính là nỗi lo của gia đình. Anh Sơn bị cụt hai chân, thân hình ốm yếu giờ thêm men rượu tàn phá nên đã trút nợ đời sau một đêm bí tỉ. Trước khi lâm chung, anh trăn trối: "Thế là thoát được nợ đời, thoát cảnh tật nguyền, thoát hết nợ nần và thoát sự nghèo đói". Anh dặn vợ hãy gắng sức nuôi hai đứa con. Chị vợ chỉ biết khóc lóc và ôm hai con vào lòng. Con không cha như nhà không nóc, trước kia mặc dù chồng bị tật nguyền nhưng luôn luôn ở bên cạnh nên chị Sơn cảm thấy yên tâm, nay không có anh chị phải xoay sở ra sao giữa dòng đời nghiệt ngã? Anh Sơn ra đi cũng không giải quyết việc gì, anh chỉ giải thoát cho riêng bản thân anh, còn vợ con anh thì vẫn đối diện cái nghèo muôn thuở. Tội nghiệp nhất là con cái của họ, đứa thì ở đợ, đứa thì làm thuê, có đứa ra chợ móc túi giựt dây chuyền rồi vào tù ra khám, nhiều đứa con gái thì đêm đêm rủ nhau đứng đường tìm khách mua hoa. Có chuyện trớ trêu như sau. Phế binh Long, cụt một chân, thường đứng bán nhang trước một tiệm vàng ở chợ Bàn Cờ. Ngày nào cũng thế, ông chủ tiệm vàng thường ra đuổi anh Long đi nơi khác vì sợ sự hiện diện của anh sẽ làm mất khách. Anh Long cố gắng kỳ kèo để ông này mua nhang mới chịu đi nơi khác, nhưng không những không được mua nhang mà còn bị chửi bới tục tằng. Một hôm cô con gái của phế binh Long, lúc đó 17 tuổi rất xinh đẹp, thay cha vào chợ bán nhang tình cờ gặp ông chủ tiệm vàng. Ông này liền nổi máu "dê", không những đã mua hết nhang mà còn mời cô ta đi ăn cơm tối. Đêm hôm đó, ông dẫn cô con gái "đi lạc" vào khách sạn rồi muốn giữ luôn làm vợ... bé. Cô này có hiếu, bắt ông chủ tiệm vàng phải làm lễ ra mắt cha mẹ mới chịu. Ông chủ tiệm vàng mới giật mình vỡ lẽ cô này là con của phế binh Long. Lúc đầu ông có hơi ngỡ ngàng và bối rối nhưng vì siêu lòng bởi cô con gái xinh đẹp đã gọi anh Long bằng "ba" ngọt sớt, mặc dù lớn hơn anh Long đến 10 tuổi rồi còn tặng thêm hai chỉ vàng 24 cara để được phép đưa cô con gái lên Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Đó là số phận của những anh em mà tôi cho là còn nhiều may mắn. Trong thực tế, còn nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã hơn nhiều, phần lớn là những anh em bị thương tật nặng không thể tự mình làm những động tác bình thường nhất. Các anh luôn phải có người đứng bên phục vụ, từ việc ăn uống cho đến phần vệ sinh. Đời các anh em này gắn liền với chiếc xe lăn hay trên giường bố. Có anh không những bị mất hai chân lại còn mất luôn cả một cánh tay. Riêng hoàn cảnh của anh Trần Văn Xuyên là thê thảm nhất. Anh Xuyên bị mù hai mắt, cụt hai chân và cả hai tay nữa. Ôi không còn nỗi bất hạnh nào đau đớn hơn hoàn cảnh này. Nhưng trong nỗi đau ông trời vẫn còn có mắt. Anh Xuyên thật là có phước, anh may mắn có người vợ thương anh nhiệt tình, hai đứa con anh luôn hãnh diện có người cha bị thương tật. Bất cứ nơi đâu hai em nhỏ này cũng nhắc đến cha, nào là cha hai em đã anh dũng chiến đấu trước kẻ thù cho đến khi không còn chiến đấu được nữa, nào là cha hai em can đảm chịu đựng nỗi đau tàn phế mà không than van lời nào. Cũng hiếm hoi có được người đàn bà chịu thương, chịu khó và thủy chung đến như vậy. Mặc dầu họ ăn bữa đói bữa no nhờ sự bố thí của thiên hạ nhưng không bao giờ trong gia đình có sự xào xáo, hai vợ chồng ăn ở thuận hòa và hai đứa con một lòng hiếu thảo. Kể cũng tội nghiệp, họ sống để mà sống vì không thể chết được. Ôi, kể sao cho hết những những mảnh đời đau thương rách nát cùng cực này, những mảnh đời của những thương phế binh và cô nhi quả phụ trong cuộc sống hiện nay. Họ bị liệt vào hàng cặn bã xã hội, sự hiện diện của họ trong cuộc sống này không cần thiết. Những người của bộ máy cầm quyền cộng sản đã muốn những người này chết đi để thưởng thức trọn vẹn chiến thắng, họ không muốn nhìn thấy vết thương do chính họ gây ra trong thời chiến tranh. Những kẻ chiến bại không có quyền tồn tại trong chế độ này. Chính sách "tập trung cải tạo" dầu sao cũng thể hiện được tính chất trả thù, như đưa người lên vùng kinh tế mới để họ chết dần chết mòn trong chốn rừng sâu là một chính sách thâm độc loại trừ những người mà chế độ này không muốn nhìn thấy. Nhiều người lãnh đạo cộng sản còn rêu rao tha cho được sống là nhân đạo lắm rồi. Ai có quyền tha ai và nhân đạo chỗ nào? Làm người ai không muốn được sống bình yên, người cộng sản lấy quyền gì tước bỏ đời sống người khác. Hơn nữa đất nước đã thống nhất mọi người Việt đều là công dân Việt Nam, người cộng sản lấy quyền gì để cho người này được ở, người kia đuổi đi. Cho dù miền Nam có bị thua trận nhưng đất nước này vẫn là của chung, mọi người Việt Nam đều có quyền sinh sống và góp phần xây dựng đất nước. Người lành lặn góp phần theo kiểu người lành lặn, người tàn tật góp phần theo kiểu người tàn tật, ai có phận sự nấy. Dân tộc Việt Nam đau khổ quá nhiều rồi, ai cũng muốn được sống yên ấm tự do. Tại sao lại có công dân hạng một và công dân hạng hai? Tại sao chỉ những người cúc cung phụng sự chế độ thì được quyền đè đầu đè cổ nhân dân, còn những người khác chỉ có nhiệm vụ cúi đầu? Không, không thể chấp nhận được. Chế độ này nuôi dưỡng quá nhiều bất công, chỉ cần một tia lửa nhỏ đám rơm thịnh nộ sẽ bốc bùng lên, lúc đó thì đã quá muộn. Không ai muốn tình trạng này xảy ra trên đất nước. Nếu có tình trạng hỗn loạn xảy ra lỗi đó không phải là phía nhân dân, những người gieo ác sẽ gặt quả ác, luật bù trừ của đấng tạo hóa muôn đời bất diệt. Tập thể anh em thương phế binh và cô nhi quả phụ trong nước hiểu rất rõ điều đó nên cố gắng chịu đựng, sống sót chờ ngày quê hương bừng sáng.