Tôi sinh ra và lớn lên tại xã An Hảo, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, một tỉnh miền Trung nước Việt. Với cái tên hiền hòa Bình Định, quê hương tôi đúng ra là một miền đất khổ. Thời nào cũng vậy, người dân quê làm thì rất nhiều nhưng ăn chẳng được bao nhiêu, đất cày lên sỏi đá, quanh năm làm lụng ăn chẳng đủ no. Thêm vào đó là tai trời ách nước, mỗi năm không biết bao nhiêu cơn bão phủ xuống đầu dân quê, lũ lụt, hạn hán phá hoại mùa màng. Rồi chiến tranh và bệnh tật, trong suốt 500 năm qua vùng đất Bình Định không biết đã trải qua bao nhiêu lần chinh chiến, dân chúng gánh chịu không biết đau thương và tang tóc. Không một gia đình nào, một người Bình Định nào không có một gia phả đau buồn. Mỗi lần thiên tai và chiến tranh đi qua, bệnh tật và chết chóc lại xuất hiện. Sống mãi với bất hạnh, bất hạnh trở thành quen thuộc. Ngày xưa (1471) vua Lê Thánh Tông mang quân vào đánh Chiêm Thành, rồi chiếm thành Đồ Bàn (Vijaya). Có lẽ đây là vùng đất bất an và loạn lạc nên vua Lê mới đổi tên thành Bình Định, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ Bình Định có được bình yên và ổn định, chiến tranh và loạn lạc là bạn đồng hành của người địa phương. Nhiều người nói dân Bình Định đang trả cái giá về những hận thù mà cha ông ngày trước đã gây ra? Điều này tôi không dám lạm bàn, chỉ xin kể đôi lời về nỗi gian truân trong cuộc sống của tôi. Sống triền miên trên miền đất khổ, đời sống tuy có nghèo cực nhưng người dân Bình Định luôn luôn bất khuất. Không thời nào không có những người dám đứng lên đương đầu với bạo quyền, trừ gian diệt bạo. Mặc dù vậy, người dân Bình Định rất yêu chuộng công bằng và lẽ phải, luôn luôn đáp lời sông núi, sẵn sàng bảo vệ quê hương và những lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống. Trực diện thường xuyên với nỗi hiểm nguy, người dân Bình Định luôn nêu cao tinh thần thượng võ: "Ai về Bình Định mà coi, đàn bà cũng biết cầm roi đi hườn". Tài nguyên duy nhất nơi đây là dừa, những rừng dừa xanh bát ngát trải dài từ Tam Quan đến tận Sa Huỳnh, mang bóng mát cho những làng chài lưới ven duyên. Cho nên đã có câu "Công đâu, công uỗng, công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan". Cha tôi người làng Phú Trung, vì gia đình nghèo khó nên phải rời làng lên lập nghiệp ở xã An Nghĩa, nơi đây ông gặp mẹ tôi cùng lập gia đình. Nhưng rồi chiến cuộc lan tràn, đời sống khó khăn, ông mang cả gia đình về lại quê cũ, rồi theo phong trào Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Trong một trận đánh tại đèo Mang Yang năm 1954, ông chẳng may bị quân Pháp bắn chết, mẹ tôi đau thương buồn tủi dẫn tôi về quận Hoài Nhơn. Đời sống gia đình vốn đã khó khăn nay càng khốn khó, bà phải ngày đêm vất vã nuôi tôi nên vóc nên người nhưng vì sức già yếu đuối chẳng bao lâu sau lâm bệnh nặng rồi qua đời. Năm đó tôi vừa 10 tuổi. Tôi sống trong cảnh mồ côi, sống nhờ sự thương yêu và đùm bọc của ông bà nội. Tôi theo nghiệp nông gia, làm lụng vất vùùả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng vẫn cố bám lấy quê cha đất tổ. Sống trong cảnh thái bình được một vài năm, chiến tranh lại bùng nổ. Năm 1960, quân cộng sản từ miền Bắc xâm nhập vào các thôn xóm phát động khởi loạn. Quê hương tôi một lần nữa đắm chìm trong khói lửa chiến tranh, lòng người chia rẽ. Thanh niên miền rừng núi thoát ly theo cộng sản, thanh niên vùng đồng bằng gia nhập quân đội quốc gia. Anh em, bạn bè ngày trước trở thành thù địch, quay mặt bắn giết lẫn nhau, gây bao đau thương tang tóc cho mỗi gia đình. Năm 20 tuổi, tôi gia nhập lực lượng Biệt Kích tại quận Hoài Nhơn. Vừa vào quân ngũ, tôi được người Mỹ huấn luyện qua loa cách sử dụng các loại vũ khí tối tân trong một căn cứ gần quận Phù Cát, rồi sau đó đưa đi tác chiến. Vì không phải là thành phần quân đội chính qui, chúng tôi không có số quân và cũng không có thẻ bài, người nào chẳng may tử trận hay bị thương tật không tác chiến được nữa thì lãnh 12 tháng lương rồi cho giải ngũ. Chấm hết. Không có sổ tướng mạo quân vụ hay có tên trong sổ quân bạ. Có anh vào lính ngày hôm trước, ngày hôm sau gia đình đã lãnh tiền tử. Binh chủng chúng tôi có tên gọi là Lực Lượng Đặc Biệt hay Biệt Kích Mỹ, một đội quân cảm tử chuyên nhảy bằng trực thăng xuống những mật khu cộng sản trong vùng rừng núi phía Tây Bình Định, đánh phá xong là được trực thăng đến bốc về ngay. Cấp chỉ huy của chúng tôi gồm cả người Mỹ lẫn người Việt. Dân chúng miền quê cũng thường bị chết lây vì bom đạn của hai bên. Lăng tẫm, miếu đường, kỳ quan, di tích, cả hàng dừa rợp bóng quê hương xác xơ trong khói lửa chiến tranh. Làng tôi cũng không tránh khỏi cảnh đạn bom, không những thế mà còn bị cày xới nhiều lần. Nước mắt và tiếng than van người dân Bình Định vang dội cả bầu trời xanh. Quê hương tôi loang lỗ hố bom, nhà tan cửa nát, tang tóc bao trùm. Nghĩa địa nào cũng đầy nghẹt mộ bia. Vào rừng một vài bước đã gặp cái chết, chết vì dẫm phải mìn, bị bắn sẻ hay lọt vào các bẫy sập. Các làng mạc vắng bóng thanh niên, chỉ còn lại các cụ già, phụ nữ và trẻ em cày sâu cuốc bẫm dưới ánh nắng chói chang trên các rẫy bắp, nương khoai. Đời sống thật là cơ cực. Bạn bè, đồng đội tôi lần lượt nằm xuống. Rồi một ngày kia đến lượt tôi. Đó là ngày 8 tháng 10 năm 1966, tiểu đội tôi gồm bảy người được trực thăng vận thả xuống một vùng rừng núi quanh thôn Đại Định, xã An Hòa, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi trực thăng chở một tiểu đội, lần này chúng tôi đi trên mười trực thăng, tức một đại đội. Chúng tôi có nhiệm vụ gài mìn con đường mòn tiếp tế từ miền Bắc vào. Đây là một địa điểm giao liên chiến lược của cộng quân trước khi phân tán đạn dược xuống vùng đồng bằng. Bằng mọi giá chúng tôi phải phá tan chốt này. Tiểu đội tôi ai nấy đều trang bị đầy mìn và chất nổ, ba lô ai cũng nặng trĩu quân cụ.