Trở lại cuộc tình giữa Tiến Dũng và A Chế. Thấm thoát đã ba năm hai người hiểu nhau khá lâu và cảm thấy cần phải có nhau trong đời. Anh em cũng mừng vì cuộc đời phế binh vẫn còn có người thương mến và cũng nhân dịp gặp lại nhau, thăm hỏi, vui chơi và ăn uống cho bỏ những ngày cực khổ lang thang đó đây. Vả lại, những dịp lễ "quan trọng" của người cộng sản như thế này, kinh nghiệm cho anh em biết là không nên đi đứng ngoài đường lêu têu dễ bị chiến dịch "làm sạch đẹp tành phố" thu gom lắm. Thế là anh em quyết định chọn một chỗ gần chợ An Đông, nơi "cư ngụ" của Tiến Dũng và A Chế làm lễ cưới. Hôm ấy mỗi người một chút tùy theo khả năng mà đóng góp. Chú rể và cô dâu "chịu" năm kí gạo ngon và một kí cá biển, mắm muối, bột ngọt, v.v... Anh em khoảng chừng mười mấy người, toàn là phế binh què cụt, vài bà quả phụ cũng đến chung vui, mỗi người góp thêm vài bó rau sống và những nhúm mì vụn mà các em cô nhi đi xin được. Lê A giữ lời hứa "danh dự" đi bán nhang một vòng đường Nguyễn Tri Phương, vừa mua vừa đổi nhang mang về một bọc gần ba kí đầu gà, cánh vịt, lòng mề, ruột heo và những cái chân vịt quay. Thành và Bé Ba thì đi một vòng chợ ca bài "Qua Cơn Mê" nên cũng đem về đóng góp vài trăm gờ ram chả cá. Chị Mạc vì chồng mới chết nên anh em cảm thông không để chị đóng góp, nhưng chị cũng xà vào phụ với cô dâu và mấy bà quả phụ khác nấu nướng. Người vui nhất có lẽ là Thạch Chia, không biết bằng cách nào anh đã mang đến một can mười lít rượu đế, gọi là để "mừng đôi trẻ" nên duyên chồng vợ. Chú rể Tiến Dũng mặc cái áo sơ mi trắng dài tay, cái quần xanh nước biển càng khiến anh ra vẻ học trò. Cô dâu A Phụng thì mặc cái quần tây màu nâu kiểu điếu thuốc xì gà và chiếc áo bà ba cùng màu, theo cách nói của Thạch Chia, ra vẻ "tân cổ giao duyên" nhưng mà "kệ bà nó". Thạch Chia mở đầu buổi lễ: - Hôm nay chúng ta đều có mặt đầy đủ, chỉ thiếu bà già Hồng, thôi kệ bả, mình cúng bả một ly khai màn là được rồi. Vừa nói anh vừa đổ một chút rượu xuống đất, rồi anh đưa lên môi uống một cái ực chỗ còn lại. Anh thì thầm: "Kính lão đắc thọ". Anh gắp cái mề gà, đôi cẳng vịt quay bỏ vào cái dĩa mời bà Hồng già "về" ăn. Tiếp đó anh em nâng ly chúc cô dâu A Chế và chú rể Tiến Dũng được nhiều may mắn trong cuộc sống, sớm thoát ly cuộc đời nghèo khó, có đàn con đông v.v... Thức ăn gồm ba món để trong nồi, ai ăn nấy múc, tô dĩa của khách để dưới nền gạch. Đầu tiên mỗi người làm một tô cơm với cá kho cho chắc bụng, sau đó là cuộc nhậu gồm một món canh hầm bà lằng đủ thứ nấu với xương heo, phổi, huyết, bao tử cùng những thứ rau cải, giá, hẹ, mì vụn... và những con cá nục chiên sốt cà chua. Món đầu gà, cánh vịt của Lê A được chiếu cố kỹ lưỡng vì mùi vị thơm thơm của nó gợi cho anh em cảm giác về những món ăn mà trước kia anh em đã từng được thưởng thức. Câu chuyện trở nên rôm rả hơn khi có thêm mấy người anh em từ Thủ Đức cùng đến chung vui. Họ đem theo mười mấy ổ bánh mì, vài bịch huyết luộc và một kí lô ruột bò. Vài người làm nghề bốc vác quanh chợ cũng nhào vô nhập cuộc, đóng góp mười lít bia hơi cùng hai kí phá lấu vụn. Mãi vui, trời đã về chiều, chợ đã dẹp xong, anh em mỗi người góp vui một bài ca nào đó. Thạch Chia lúc này mặt mày đỏ như con tôm luộc, gõ đũa vào dĩa nước chấm, ca bài "Xuân này con không về". Lê A ngâm nga bài "Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi". Huệ khen cô dâu: "Đẹp ghê nơi đó à nha". Nãy giờ chú rể không uống rượu, bấy giờ "hội đồng" bắt phạt hai người phải hát bản nhạc Tàu "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài". Đồng hứng quá hát bài "Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi...". Riết rồi mỗi người chêm vào một câu, mạnh ai nấy nói. Tự nhiên giữa lúc mọi người đang chan hòa niềm vui, chị Liên lại lạc "tông": - Giời ạ, nước mất nhà tan, gia đình ly tán thế này mà còn vui nỗi gì! - Trời đất, đám cưới mà thế này thì xui quá - Thạch Chia sắp sửa rầy chị thì ở góc đường xuất hiện hai dân quân, tay đeo băng đỏ và cầm gậy đi tuần. Anh em im bặt vì nhận ra họ là những người có trách nhiệm giữ an ninh ở khu chợ này. Họ bước đến gần, người to lớn vạm vỡ hất mặt hỏi: - Này, mấy người làm cái gì ở đây mà ồn ào thế hả? Âm mưu gì đó? Định tụ tập gây rối trị an, làm xáo trộn đời sống của nhân dân hả? Vừa hỏi xong, người to lớn thò đầu vào bàn nhậu quan sát. Tiến Dũng còn tỉnh táo, vội phân trần: - Dạ, tụi em đâu có làm gì đâu, đồng chí. - Câm mồm! - người to lớn nạt nộ. Ai đồng chí với lũ Mỹ Ngụy chúng mày. Tiến Dũng vội nói: - Dà, anh Hai tha lỗi, bữa nay đám giỗ ông bà, tụi em lỡ vui quá. - Im ngay, không thì tao cho một cái tát vào mặt bây giờ. Ăn với nhậu - người to lớn lừ con mắt nghiêm nghị. Ngày xưa tụi tao ở trong rừng, ăn củ năng ấy mà còn đánh giặc, có đâu ăn nhậu lười biếng như chúng mày, không đóng góp gì cho nhân dân, cho cách mạng cả. - Còn mày? - người trẻ tuổi dựa hơi "cách mạng" hất hàm hỏi Lê A, lúc đó đang mặc chiếc áo lính màu hoa rừng còn tươm tất. Ngày xưa giết được bao nhiêu Việt Cộng rồi, cấp bậc gì, sĩ quan hả? Thạch Chia mặt đỏ gay, ngước mắt nhìn người dân quân trẻ, trả lời thay: - Nó ở kinh tế mới về, bị sốt rét rừng, đi bán nhang thấy... mẹ luôn. Vì ít bữa nữa cũng tới lễ quốc khánh 2-9 rồi, nó ghé đây ăn mừng mà. Sĩ quan gì cha nội. Người to con bước xấn tới, hất đổ ly rượu trước mặt Thạch Chia: - Ai hỏi mày mà thay lay. Quá mức chịu đựng rồi, giọt nước đã làm tràn ly. Thạch Chia bật đứng dậy và... trời ơi anh có võ Tàu. Hai ngón tay của Thạch Chia chĩa tới như hai cái dùi đâm vào mắt người to con theo thế "song long sang châu" (con rồng cướp trái châu). Nhưng người to con cũng không phải tay vừa, hắn ngửa mặt ra phía sau né đòn rồi nghiêng người quét ngang chân phải vào cái chân còn lại của Thạch Chia (anh quên mang chân giả vào). Thạch Chia mất thăng bàng té ngồi xuống đất, người to con xông tới, hai người vật nhau lăn lộn dưới đất. Người to con đè đầu Thạch Chia xuống, thét bảo người trẻ tuổi phụ trói Thạch Chia đưa về trụ sở. Lê A nãy giờ cố gắng nhịn nhục, liền lao tới đập cái tô canh vào đầu người trẻ tuổi. Chú rể không uống rượu, bấn loạn tâm thần, cũng bước tới túm tóc người to con lôi dậy, quất cái chân giả vào mặt một cái "bộp", máu rỉ ra nhền nhệt. Say máu vì thấy người to con tay còn nắm tóc Thạch Chia, Tiến Dũng co tay quất thêm một cái nữa vào đầu khiến người to con chúi nhủi về phíỉ trước. Huệ và Đồng nhào tới, chị Liên thét bảo con tìm cục gạch. Những tiếng thoi, đập vang lên liên hồi. Hai dân quân quên cả đau lật đật ngồi dậy, bỏ chạy. Chưa đầy mười phút sau, anh em phế binh cùng bạn bè chưa kịp chạy trốn thì một toán dân quân khoảng hơn chục người cầm gậy gộc và súng AK chạy tới bao vây các ngõ chợ. Trời vừa xẩm tối, mạnh ai nấy chạy. Toán dân quân hễ cứ thấy ai mặc áo lính, què cụt, bước chân dậm dệch là nhào tới đánh đập. Thạch Chia bị nện báng súng tới tấp vào mình, Huệ và Đồng bị hai dân quân khi nãy nhận diện nên bị đánh hội đồng, Huệ mềm người gục xuống, máu từ miệng ồng ộc chảy ra... Chủ rể nhờ khuôn mặt hiền hậu, đẹp trai, mặc áo sơ mi trắng, quần xanh dương, dáng học trò nên dân quân sơ ý không nhìn thấy cái chân giả, thoát nạn. Anh cùng cô dâu trốn ra khỏi chợ, ngồi co ro ở một góc đường. Những người dự tiệc bị bắt dẫn đi. Thạch Chia cũng bị lôi theo, hai tay bị trói tay quặt ra đằng sau, nhảy cà nhắc theo toán dân quân. Chú rể thấy người anh của mình bị hành hạ, định bước ra can thiệp, cô dâu A Chế nắm chặt tay Tiến Dũng, nhìn anh với vẻ van nài tha thiết: - Không làm được gì nữa đâu, anh! Thấy cô dâu chú rể đứng bên kia góc đường lẫn lộn với đám người hiếu kỳ, Thạch Chia mặc dầu bị lôi đi xềnh xệch vẫn tìm cách quay đầu lại nói với đám đông: - Đừng làm gì vô ích anh em ơi. Chúc cô dâu chú rể hạnh phúc. Tiến Dũng im lặng nhìn những bạn đồng cảnh ngộ bị giải về trụ sở dân quân, lòng đau như cắt. Anh bất lực. Cuộc đời kham khổ của những anh em phế binh trở về những tháng ngày đen tối. Đoàn người bị trói tay đi theo toán dân quân đằng đằng sát khí, tay cầm gậy gộc, súng ống, miệng thì chửi bới tục tằn, họ hùng hùng hổ hổ như thể sắp lôi ra pháp trường hành quyết những kẻ thù không đội trời chung. Chúng tôi có làm gì để trở thành kẻ thù của ai đâu, chúng tôi chỉ muốn được vui chơi như mọi người khác trong một tiệc cưới mà cũng không yên. Lê A chịu không nổi cảnh kham khổ trong trại cải tạo đã chết một năm sau đó, để lại hai đứa con gái hiện đang hành nghề bia ôm trên các vỉa hè. Viết lại theo lời thuật của Nhị Nguyên