Chương 3

Một hôm trên đường khất thực, anh em chúng tôi đi ngang qua Nghĩa Trang Quân Đội cũ ở Thủ Đức. Khi nhìn vào thì thấy một cảnh tượng rất đau lòng, những ngôi mộ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đều bị mục nát, rêu phong phủ kín vì thiếu người chăm sóc. Những chiến sĩ này đã nằm xuống, đã hiến dâng cuộc đời mình cho tổ quốc Việt Nam thân yêu, thế mà cũng không được nằm yên. Những người cộng sản đã đập phá mồ mả các anh, dày vò xương cốt các anh.
Tại nhiều nơi khác, chính quyền cộng sản sang bằng các nghĩa trang để xây nhà cửa, nhà văn hóa hay vườn trẻ. Trong những nghĩa trang quân đội ở các tỉnh nhỏ, phần lớn các bia mộ đều bị đập phá, có ngôi bị cỏ đất lấp vùi bia tự không còn đọc được nữa như những mộ hoang. Các anh đúng là "bạc màu áo trận", hương tàn khói lạnh, nhưng vẫn còn chút an ủi. Nhờ có một số anh em phế binh lớn tuổi ở gần các nghĩa trang hoang vu cô quạnh đó ráng chống nạng gỗ vào nhổ cỏ, dựng lại mộ bia, đắp đất, quét lại vôi... rồi đốt cho các anh vài nén hương xin lỗi thay cho những con người tàn ác và cầu chúc các anh được ấm lòng nơi chín suối.
Cảm nhận sự an ủi đó, anh em chúng tôi cũng lần vào hỏi thăm, bà con cô bác gần đó cho biết có vài anh em phế binh chế độ cũ đã có lòng từ tâm, thỉnh thoảng lén vào nghĩa trang sửa sang mồ mả những đồng đội cũ đã nằm xuống, tránh những con mắt cú vọ của những đại diện chế độ. Chúng tôi đã gặp lại nhau, hàn huyên trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm lo mộ phần những chiến sĩ vô danh. Mỗi khi thực hiện xong những việc làm nhỏ nhặt này chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào vì chính nhờ họ mà tổ quốc Việt Nam đã tồn tại ít ra cho đến ngày 30-4-1975.
Mỗi đêm anh em chúng tôi thường nhìn một góc trời xa xôi tự hỏi thiên đàng có thật không mà sao số phận chúng tôi đau thương đến như vậy. Chúng tôi đang sống trong một cơn ác mộng, trong sự nhẫn nhục triền miên. Chúng tôi phải đối phó hàng ngày với một bầy sư tử chỉ chực chờ vồ nuốt mạng sống chúng tôi. Mong rằng sẽ có một ngày anh em chúng tôi cũng như những anh em phế binh may mắn khác được cộng đồng người Việt trong và ngoài nước chiếu cố tới. Đó là những điều mà chúng tôi ước ao: "Mong rằng ai kia ở nơi xa xôi nghe và hiểu được nỗi lòng của anh em chúng tôi", được như thế anh em chúng tôi vô cùng cảm kích.
Biết rằng ước mơ đó đối với anh em chúng tôi rất là mong manh, nhưng chúng ai cũng hy vọng. Hy vọng rồi sẽ có một ngày chúng tôi có được cuộc sống như mọi người bình thường khác, không phải ăn xin ăn chực nơi cuối đầu đường góc chợ, con cái được đi học hay đi bán vé số mà không phải đi theo cha ăn xin hay lượm bao ny-lông, giấy vụn. Đến đây anh em chúng tôi đã trình bày hết tâm tư đau buồn và nguyện vọng của những người tàn phế, mong được trời xanh thấu cho mà đối với chúng quí vị ân nhân tại hải ngoại là bầu trời xanh.
Anh em chúng tôi viết ít, ngắn gọn xin quí vị ân nhân hiểu nhiều. Anh em phế binh chúng tôi trước đây chỉ là những chiến sĩ giữ gìn đất nước chớ không biết cầm bút viết văn. Kính xin quí độc giả và ân nhân đọc xong nếu có điều gì sơ sót kính xin được thông cảm mà bỏ qua cho. Đó là những lời nói chân thành xuất phát từ đáy lòng và con tim của anh em phế binh chúng tôi đang sống tại quê nhà. Đối với những anh em thương phế binh như chúng tôi không có gì quí hơn tự do và nhân quyền, sống mà không có tự do và nhân quyền như thể xác mất đi hơi thở.
Sau đây xin kính tặng quí vị độc giả bài thơ do tôi đột ngẫu sáng tác:
Người sống từ vực thẳm
Nhìn trời nước mắt tuôn rơi,
Nào ai thấu hiểu cuộc đời phế binh.
Đêm đêm ngủ bụi ngủ bờ,
Áo không đủ mặc, cơm thời chẳng no.
Cơm chang nước mắt nhạt nhòa,
Dù đời tàn phế nhưng tôi không tàn.
Tôi đây chịu cảnh lầm than,
Cuộc đời là thế ai buồn như tôi.
Mong sao đất nước yên bình,
Không nghe hành khất bên đường van xin,
Không còn thấy cảnh tan thương,
Anh em đoàn tụ huy hoàng vui xuân.
Viết lại theo lời kể của Độc Cước, một phế binh ở Sài Gòn