Một năm trời đã trôi qua. Cuộc đời của tôi không có gì thay đổi. Người ta gắn cho tôi chân gỗ để tập đi, nhưng tôi không tha thiết lắm. Thân hình dị hợm, đời tôi nát tan. Mỗi buổi chiều tôi vẫn thường ra bãi biển ngắm nhìn mây nước và những con dã tràng xe cát Biển Đông. Cảnh vật thật đẹp... Tôi nhớ Hiền, nói chuyện với Hiền và mơ thấy Hiền. Nhớ quay quắc. Chiếc gà men không giúp tôi vơi bớt nỗi sầu, nhưng tôi vẫn thích ôm nó vào lòng, để tìm về khung trời kỷ niệm rồi ngủ thiếp. Tôi chỉ thức giấc và vội vã lăn xe về phòng khi tiếng đại thần chung từ các chùa trên núi vọng về. Nỗi buồn bã nhớ thương cứ tăng theo năm tháng. Đôi lúc nghe chim kêu gọi bạn, lòng thật tủi hổ. Tôi cứ lặp đi lặp lại điệp khúc "nhớ Hiền, nói chuyện với Hiền và mơ thấy Hiền".... lòng đầy phiền muộn. Cứ đến mỗi ba tháng tôi đón xe về Sài Gòn lãnh tiền trợ cấp. Đây là lần thứ tư tôi về lại. Thường thì tôi dậy thật sớm để đón chuyến xe đầu tiên về Sài Gòn và đến ngân khố đường Trương Minh Giảng khoảng 8 giờ sáng. Lãnh tiền xong khoảng 10 giờ thì tôi đón xích lô ra chợ mua vài món đồ cần thiết cho tôi và cho bạn bè rồi ra bến xe về lại Vũng Tàu. Nhưng hôm nay đi gần tới Long Thành thì xe đò bị hư máy, phải đến gần trưa tôi mới đến được. Vừa bước xuống xích lô, tôi giật mình thấy Hiền đứng dựa lưng trước cửa cổng nhìn tôi chăm chăm. Tôi giả bộ như không quen biết, cúi đầu chống nạng vào. Tôi tin rằng Hiền sẽ không nhận ra tôi sau một năm trời xa cách. Da tôi xạm màu nắng cháy, thân hình tôi có mập hơn xưa, thêm vào đó tôi có để cặp ria mép. - Anh! - Hiền khẽ gọi. Biết không tránh được, tôi cố dằng xúc động, nhìn Hiền không chớp mắt. - Có phải là anh đó không? - Hiền tiếp tục hỏi khẽ, giọng xa xăm. Đây là sự thật hay trong mơ, anh là ảo ảnh hay là hiện thực? Tôi giả bộ cúi xuống sửa lại ống quần, dựng lại chiếc nạng cho ngay ngắn, rồi thốt lên một câu vô duyên: - Hiền mạnh khỏe chứ? Hiền lặng người nhìn tôi một lúc, nắm chặt lấy tay tôi, rồi dìu tôi vào cổng. Suốt đoạn đường ngắn ngủi, Hiền hỏi dồn về tôi, về cuộc sống của tôi. Tôi làm như vẻ lì đời, tỉnh bơ nói: - Tôi vẫn bình thường. Mình nên tìm chỗ để ngồi nói chuyện cho thoải mái hơn. Hai chúng tôi tìm được một chỗ khá yên tịnh giữa những tiếng ồn ào của những người vào lãnh tiền. - Hiền vẫn đi học bình thường chứ? - Hiền đã nghỉ học từ ngày anh ra đi. - Thôi dù sao thì chuyện cũ cũng qua rồi, quên nó thì hay hơn. Tôi cũng thành thật xin Hiền tha lỗi, tôi đã hứa với bố mẹ Hiền là khi rời khỏi bệnh viện tôi sẽ suốt đời không gặp lại Hiền nữa. - Hiền đã biết chuyện đó rồi và cũng chính vì vậy đã bỏ học đi tìm anh từ hơn một năm nay. Hiện giờ anh ở đâu? - Là cánh chim giang hồ, nay đây mai đó, nơi nào cũng ở được - tôi đánh trống lãng vì không muốn để lộ nơi đang an dưỡng. - Hỏi cho vui vậy thôi. Anh ở đâu Hiền cũng không cần biết. Chỉ biết anh còn sống, khỏe mạnh là Hiền vui rồi. Nói chuyện suốt hai giờ liền, chúng tôi quên cả thời gian. Sực nhớ mình đến đây để lãnh tiền, tôi vội vàng đến ghi sê nạp sổ nhưng quá trễ. Nhân viên giữ quầy cho biết: - Ở đây chỉ thu sổ buổi sáng mà thôi. Sáng mai mời anh đến lại. Tôi cự nự vài câu rồi ra nói lại với Hiền. - Hôm nay trễ rồi. Hiền về đi, sáng mai anh trở lại nộp sổ. - Anh cho Hiền xem quyển sổ coi, anh lãnh bao nhiêu tiền trong ba tháng. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đưa cho Hiền coi. Xem xong Hiền xếp lại và nói: - Anh đã về đây ba lần rồi nhưng sao Hiền không gặp? Thôi, để quyển sổ này cho Hiền giữ. Tám giờ sáng mai Hiền sẽ đến sớm nộp cho anh. Không hiểu sao tôi lại đưa cho Hiền giữ quyển sổ cấp dưỡng rồi chia tay. Tôi đón xe lên Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm một vài anh em và ngủ lại đó. Đúng tám giờ, Hiền đến và đưa tôi quyển sổ để nạp lãnh tiền. Sau đó hai chúng tôi ra ngoài cổng ăn sáng. Ăn xong tôi gọi xe xích lô và từ giã Hiền. Anh xích lô hỏi: - Anh đi đâu? - Cứ chạy đi, tôi sẻ chỉ đường sau. Hiền bụm miệng đứng cười. Hiền biết tôi muốn giấu nơi ở và tôi cũng ngây thơ không nghĩ rằng Hiền sẽ đạp xe chạy theo. Tôi nói anh đạp xích lô chạy về hướng bến xe Vũng Tàu. Xuống xe, tôi lật đật mua vé và lên xe đò đi ngay về Vũng Tàu. Trên suốt đường về, lòng vẫn còn xúc động. Tôi chẳng nhớ mình đã làm gì sau đó. Đang nghỉ ngơi suy tưởng lại chuyện vừa xảy ra, vào khoảng giữa chiều anh gác dan chạy vào nói tôi có người nhà đến thăm. "Ủa, tôi có cho gia đình hay biết chỗ này đâu mà đến thăm", tôi thầm hỏi. Chưa kịp thắc mắc xong, Hiền đã xuất hiện ngay trước phòng tôi. Nét mặt rạng rỡ, đôi mắt tò mò. Căn phòng của tôi tự nhiên quá hẹp để đón nhận hạnh phúc này. - Hiền xuất hiện như một bóng ma làm tôi sợ quá nên chưa kịp ra đón - tôi nhìn Hiền nụ cười toe toét trên môi. - Rất đúng. Hiền sống như một bóng ma từ khi vắng anh. Tìm anh mãi đến bây giờ mới bắt được. Tôi chỉ biết mỉm cười, nhìn Hiền chăm chăm lòng vui khó tả. - Cánh chim giang hồ làm tổ nơi đây à? - không chờ tôi trả lời, Hiền nghiêm nét mặt hỏi sang chuyện khác. Ơ? đây có câu lạc bộ không anh? Tưởng Hiền khát nước hay đói bụng, tôi xăng xít chỉ qua bên kia đường. Hiền liền bước sang mua về hai ly sữa tươi, đặt lên bàn nói: - Anh uống đi cho khỏe rồi Hiền nói chuyện này cho anh nghe - nét mặt Hiền khẩn trương. - Chuyện gì vậy? Hiền liền thọc tay vào túi quần lấy ra hai típ thuốc ngủ. - Đây Hiền một típ, anh một típ. Anh không uống thì Hiền sẽ uống một mình. Nói xong, Hiền đặt một típ lên bàn đẩy về phía tôi. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Hiền mở nắp đổ nguyên típ thuốc ngủ kia lên bàn tay rồi tay kia cầm ly sửa đưa lên miệng. Tôi kinh hoảng phóng mình tới đánh mạnh vào tay Hiền, những viên thuốc ngủ màu trắng văng tứ tung xuống nền gạch. Hiền bực mình dằn mạnh ly sửa xuống, gục mặt trên bàn khóc rấm rức. Tôi vội vàng ngồi xuống lượm từng viên thuốc trắng bỏ vào típ, đây nắp cẩn thận rồi đem cả hai cất vào tủ khóa lại kỹ lưỡng. Tôi nói: - Trên đời này tôi không thích bị làm áp lực, tôi là con người biết giữ tự trọng. Lần thứ nhất, ngoài chiến trường tôi đã cắt bỏ khúc chân trái vì không muốn bị vướng bận và cũng không muốn kêu la khi đồng đội đang trực diện với kẻ thù. Trước khi xuất viện cũng vậy, tôi không muốn làm phiền gia đình của Hiền nên đã hứa với bố mẹ của Hiền không liên lạc nữa. Tôi chấp nhận chịu đau nhưng quyết không để thua cuộc, nhưng có lẽ hôm nay tôi không còn giữ nổi lời hứa đó. Hiền đã thắng, tôi đã thua. Nghe nói đến đây, Hiền nhìn tôi mỉm cười, quẹt nước mắt chạy đến ôm chầm lấy tôi. Tôi sung sướng ôm Hiền vào lòng và thay đổi luôn cách xưng hô: - Thôi em đừng nghĩ đến cái chết nữa. Cuộc đời này hãy còn quá đẹp để sống. Em nghe kìa, ngoài kia tiếng chim gọi bạn. Ngày trước anh cũng thầm gọi tên em như vậy nhưng không dám mơ ước gì hơn, chỉ biết buồn tủi cho thân phận. Hôm nay có em bên cạnh, anh mừng hết lớn. Hiền im lặng xiết chặt lấy thân tôi. Hai đứa ôm nhau một hồi lâu tôi mới giật mình lên tiếng: - À, Hiền nè, có một vấn đề hơi tế nhị là trại an dưỡng này không cho phép phụ nữ vào thăm ở lại qua đêm. Trước đây có nhiều anh em dẫn về trại những phụ nữ không được tiếng tốt, từ đó trại hạn chế hẳn việc này. Bây giờ thì em cứ ở lại chơi với anh, khi tối đến anh sẽ dẫn em ra ngoài thuê phòng ở tạm. Hiền ngoan ngoãn gật đầu, nét mặt vui sướng. Chúng tôi vui vẻ nói chuyện với nhau thật lâu, nói về chuyện đời, nỗi nhớ mong, nỗi khổ cực và cả chuyện tương lai. Hiền vui vẻ ngồi trong vòng tay của tôi, âu yếm sờ hàm râu lởm chởm của tôi chưa cạo và chỉ biết gật gù. Tôi sung sướng được vuốt và ngửi mái tóc đen huyền của Hiền. Thân hình của Hiền tựa sát vào người tôi khiến tôi có những cảm giác rạo rực. Thời gian trôi qua nhanh quá, chúng tôi dường như không thể rời nhau được nữa. Tôi chợt thắc mắc: - Hiền ơi, em đi như thế này ở nhà bố mẹ em biết đâu mà tìm? - Anh hãy yên tâm, trước khi đi Hiền có về nhà viết thư để lại cho bố mẹ nói rằng Hiền đã gặp lại anh và cho biết sẽ đi theo anh nhưng chưa biết đi đâu, khi nào ổn định được chỗ ở em sẽ về cho bố mẹ biết. - May quá, hiện nay chính phủ đang có chương trình cấp phát nhà ở cho thương phế binh. Anh tưởng mình sẽ ở vậy suốt cuộc đời nên không làm đơn, nay có em đây thì anh sẽ làm. Cũng báo cho em biết để mừng là chính phủ dành ưu tiên cho những người đang còn ở trong những trại an dưỡng như anh. Ngày mai anh sẽ làm đơn, khi được chấp thuận mình sẽ về đó ở thoải mái hơn. Cuộc tình đầy gian nan và thử thách đến đây kết thúc. Một tương lai tươi đẹp mở ra, cho tôi và cho Hiền. Chúng tôi liên lạc với bố mẹ Hiền, hai ông bà lúc này cũng đã thay đổi, không những không chống việc Hiền dọn về ở với tôi trong một làng phế binh ở Thủ Đức mà còn giúp chúng tôi mua sắm những vật dụng cần thiết trong nhà, thỉnh thoảng hai ông bà còn đến thăm chúng tôi. Sau đó Hiền hối tôi phải liên lạc lại với gia đình, thông báo về hoàn cảnh thương tật và chuyện lập gia đình của tôi. Lúc đầu cha mẹ tôi khóc lóc thương tiếc cho thân phận tôi, sau thấy tôi có người vợ tận tình chăm sóc hai ông bà cũng yên lòng. Tôi chỉ tiếc là chưa báo hiếu được cha mẹ thì đã bị tàn tật. Ăn ở với nhau được vài năm, chúng tôi sinh được hai mụn con, đứa đầu lòng là một bé gái, đẹp và hiền như mẹ của nó. Con cái chúng tôi ngày ngày cắp sách đến trường, học và chơi với những bạn đồng trang lứa, sống thật vô tư. Cuộc sống của chúng tôi không giàu nhưng cũng không nghèo, tôi phụ giúp vợ tôi mua bán ngoài chợ. Chúng tôi sống trong hạnh phúc, tin tưởng vào một ngày mai sáng lạn. Ngoài đời cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Tin tức chiến trường ngày càng bất lợi. Ban Mê Thuột thất thủ, Đà Nẵng bị bỏ rơi. Rồi Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Pleiku, Kontum, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt... Tôi bực mình vì mất khả năng chiến đấu, nếu không đã ra lại chiến trường cùng các bạn chiến binh bảo vệ đất nước thân yêu. Thế là hết. Quân cộng sản đã tiến vào thủ đô. Ngày 30-4-1975, đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh yêu cầu anh em binh sĩ buông súng. Tủi nhục, ôi thật tủi nhục. Làm sao rửa được mối nhục này. Đồng đội của tôi biết bao nhiêu người đã xiết cò tự sát. Một số khác quyết chiến đến cùng, chết bờ chết bụi không có thân nhân. Những ngày đầu dưới ách cộng sản, trời sầu đất thảm, mưa gió tơi bời. Tại một số nơi, dân chúng thiếu ăn kéo đến các kho dự trữ lấy gạo, nhiều người bị bắn chết xác nằm la liệt. Bất cứ hành động nào tình nghi đe dọa chính quyền mới đều bị tuyên án tử hình, nhiều án được thi hành vội vã ngay giữa đường phố hay bùng binh chợ. Có một lần tại chợ Bình Tây, dưới chân tượng ông Quách Đàm, người cán bộ đầu đội nón cối, chân đi dép râu trắng, dáng người ốm đói dẫn tử tội ra giữa đám đông cho dân chúng nhìn. Tử tội tay chân bị trói ngoặc, đi đứng khó khăn, mắt thì bịt kín, miệng dán băng keo, trước ngực đeo bản án. Tay phải người cán bộ cầm khẩu K54 đã lên đạn sẵn, tay trái béo lỗ tai tử tội lên phía trên, rồi dí nóng súng vào phía sau lỗ tai bóp cò. Một tiếng "chát" vang lên, người tử tội ngã xuống. Thân hình co quắp, giật giật mấy cái rồi nằm im, óc và máu phun ra từ phía lỗ hỗng bên kia màng tai. Chưa hết, người cán bộ còn kê súng vào màn tang tử tội bắn phát "ân huệ", đầu tử tội bật sang một bên, da và vài mảnh sọ bung lên, óc và máu tuôn ra ri rỉ. Dân chúng sợ hãi bỏ đi không dám nhìn lại. Một toán bộ đội từ trên một chiếc xe Molotova đậu sẵn nơi đó, nhảy xuống kéo xác tử tội quăng lên xe chở đi đâu mất. Trong thời quân quản, không một chợ nào, bùng binh nào, ngã năm ngã sáu nào không xảy ra những cảnh máu chảy đầu rơi.