Chương 18

Tôi bị giam tại đây đã năm tháng, gia đình tôi không có tin tức gì của tôi, tưởng tôi mất tích nên đã đi tìm khắp nơi, hỏi thăm các bạn bè không ai biết tôi ở đâu. Một hôm tôi nghĩ ra cách liên lạc với gia đình bằng cách nhờ một anh bạn cũng là phế binh có gia đình thăm nuôi mua cho một tờ giấy carô gói vào thức ăn cho anh, tôi xin tờ giấy đó để viết thư báo tin cho gia đình. Anh này nói:
- Ở đây họ cấm viết thư thì làm sao gia đình tôi đem viết vào được?
- Khỏi cần có viết, anh cứ nói gia đình gói tờ giấy carô trắng vào thức ăn mang vào cho anh là được rồi. Chuyện viết cách nào thì anh khỏi lo.
Tuần sau, vợ anh bạn này đến thăm nuôi, có mua một ổ bánh mì gói giấy carô đem cho anh ta ăn và cho tôi tờ giấy đó. Nhận được giấy, tôi giấu trong lưng quần rồi xin đi vệ sinh, trong nhà cầu tôi lấy một cây kim chích vào ngón tay cho chảy máu rồi kim chấm vào máu đó viết vội vài chữ. Sau đó tôi xếp nhỏ tờ giấy lại, nhờ anh bạn kia đưa cho vợ mang về cho gia đình tôi. Tuần sau, vợ tôi vào thăm và mua cho tôi năm nải chuối cùng mấy cục đường táng, tôi chia cho anh em mỗi người một cục đường và một trái chuối cho đã thèm, có người đói quá ăn luôn cả vỏ chuối. Tuần lễ tiếp theo, vợ tôi vào làm giấy bảo lãnh nói rằng tôi đi mua bán làm ăn chứ không phải là thành phần "tệ nạn xã hội". Giám thị nhà giam nói với vợ tôi rằng không thể cho tôi về được vì tôi đã đánh công an "trọng thương" khi thi hành nhiệm vụ. Thật là láo lếu, chính công an đánh tôi trọng thương chứ tôi làm gì có sức đánh công an, họ đánh tôi tét đầu, tôi chỉ vết thẹo còn đỏ hỏn vừa mới lành cho vợ tôi coi. Vợ tôi chỉ biết buồn bã đi về.
Trở về trường hợp hai chị quả phụ phế binh. Hai chị bị ngất xỉu trên xe nhưng rồi cũng bị đưa về trại Ba Thôn, huyện Hóc Môn, đi lao động. Sau khi bị giam sáu tháng không biết vì tội gì, hai chị được thả về. Họ đến nhà nuôi Gò Vấp lãnh con thì người ta nói đứa nhỏ mới sanh bốn tháng đã chết cách đây hai tháng. Hai người chết lặng một hồi rồi lạnh lùng dẫn bốn đứa còn lại đi về, một đứa bị phong giựt bị liệt suốt đời. Họ không còn nước mắt để khóc.
Riêng về phần tôi, tôi bị giám thị trại giam Thị Nghè đưa về trại giam Sông Bé. Đây là một trại giam tù hình sự nằm giữa chốn rừng sâu, tất cả tù nhân tại đây đều phải đi lao động, cuốc đất trồng khoai, bất kể là người tàn phế hay già yếu. Tôi đi một vòng tìm hiểu thời gian giam giữ của những anh em ở đây. Người thì nói đã bị giam từ 8, 9 năm nay, người khác thì 10 năm, nhưng chưa thấy trại thả ai về hết, có người nằm lại mãi mãi. Anh em chỉ cho tôi nơi ở cuối cùng của những người xấu số, đó là những mô đất cỏ mọc xanh rì, trên đó có mấy cây cọc cắm để làm dấu. Thật là vô nhân đạo.
Tôi lo lắng lo cho thân mình. Không, tôi không muốn chấm dứt cuộc đời tôi tại nơi đây. Tôi đã không bỏ xác trên chiến trường thì không có lý do gì phải bỏ xác tại nơi đây. Nơi đây đúng là địa ngục, con người đối xử với con người thật là tàn độc. Nơi đây cũng có mây xanh, có tiếng chim hót nhưng không thể sánh với xã hội mà con người có được tự do. Mây nơi đây lạnh lùng, trời nơi đây lạnh lẻo, gió nơi đây độc địa. Đêm đêm lén nhìn ra lên trên trời, sao tôi chỉ thấy có một ngôi sao nhuộm màu máu đỏ. Ôi, ghê rợn. Không, tôi không thể bỏ xác tại nơi đây.
Loay hoay suy nghĩ lung tung, tôi cũng đã ở nơi đây hơn bốn tháng, sống sót trong những điều kiện này thật là khó. Thời gian đó cũng đủ cho tôi tìm đường thoát hiểm. Tôi quan sát tìm hiểu một số người, thật ra là muốn tìm bạn "đường rừng". Trong chế độ giam cầm của cộng sản, người ta thường dùng mồi nhữ là cơm gạo để mua chuộc những người nhẹ dạ làm ăn ten báo cáo ban quản giáo trại về những "âm mưu" trốn trại. Rất tiếc là cũng có nhiều người trong hoàn cảnh khốn cùng như nhau lại cam tâm làm những điều hèn hạ đó, nhưng phần lớn những thành phần này là đám thanh niên trẻ can tội hình sự, cướp của giết người. Họ được ban quản giáo trại ưu đãi giao cho những chức vụ trật tự trong các phòng giam và thường xuyên báo cáo lên ban quản giáo những người họ không ưa.
Sau một thời gian nghiên cứu, tôi tìm được Mạnh, một phế binh Biệt Kích Dù mù hai mắt, lớn con, khỏe mạnh. Tôi mở đầu câu chuyện.
- Tôi đến gặp anh để tìm cách trốn khỏi nơi này.
- Tôi thì mù hai mắt, anh thì cụt hai chân, làm sao trốn trại được. Nghe anh nói tôi cũng muốn lắm, nhưng sao giống chuyện thần thoại. Vả lại trại này ở sâu trong rừng, phải đi hơn 20 cây số mới ra đường lộ. Chưa phải hết, ra đến lộ còn phải qua ít nhứt ba trạm kiểm soát mới tới con lộ cái.
- Việc đó thì tôi đã biết rồi. Vấn đề tôi muốn đề cập với anh là mình phải quyết tâm, phải hy sinh nếu cần. Nếu anh đồng ý thì mình xúc tiến ngay.
- Tôi cũng có ý này từ lâu. Tôi cũng để ý tìm người để nói về chuyện này nhưng chưa dám thổ lộ cùng ai. Ỏ đây ăn ten nhiều lắm, tôi không tin ai cả. Tôi cũng đã chú ý tới anh nhưng chưa dám thố lộ. Bây giờ thì mình cùng chung ý hướng, tôi yên tâm. Nếu anh phản tôi mà báo cáo lên quản giáo trại thì tôi cũng đành cam chịu. Nhưng trong anh em mình ai mà làm vậy, mình tuy là phế binh nhưng cũng phải có tự hào chớ. Ai thèm cúi đầu trước kẻ thù. Tôi đồng ý. Anh biểu gì tôi cũng nghe.
- Tốt. Bây giờ tôi chỉ cần anh giúp tôi kiếm một sợi dây mây dài khoảng 20 mét và một cái hộp quẹt là đủ rồi.
- Hộp quẹt thì tôi có, nhưng sợi dây mây để làm gì?
- Nơi này trước năm 1975 tôi thường đi hành quân qua đây, có sợi dây mới vượt qua suối được. Anh làm ở tổ đan mây, có thể giấu giếm mỗi ngày một ít rồi đan thành một sợi dây thừng. Anh ráng giấu một nơi nào đó, khi nào sợi dây đủ dài thì hai đứa mình chờ trời tối sẽ trốn trại ra đi. Anh còn khỏe mạnh có thể cỏng tôi, thân tôi nhẹ chắc anh không mệt lắm đâu. Còn tôi thì mắt sáng, làm bánh lái chỉ đường anh đi, tôi bẻ đầu anh đi hướng nào thì anh đi hướng đó. Nhớ là khi đi đường mình không được nói chuyện với nhau. Tai vách mạch rừng khó mà đề phòng. Anh có cần gì thì ra hiệu cho tôi cúi đầu xuống nói nhỏ vào lỗ tai.
Thế là Mạnh đồng ý, chúng tôi lén lút chuẩn bị, không dám báo tin một người nào khác, sợ bị lộ. Một đêm nọ, sợi dây mây đã đủ dài để hai chúng tôi lén từ từ bò ra ngoài vòng rào, rồi anh Mạnh cỏng tôi đi. Hai chúng tôi đi trong im lặng. Đi được một ngày, đến chiều thì đói quá nên tôi nhổ trộm khoai mì rồi vào rừng sâu tìm củi nướng khoai. Tối hôm đó tôi bảo Mạnh leo lên cây ngủ vì đây là Chiến Khu Đ, cọp nhiều lắm. Chúng tôi tiếp tục đi, đi suốt hai tuần rồi mà vẫn chưa tìm được con lộ đất đỏ dẫn ra đường cái. Ngày đi đêm nghỉ, gặp gì ăn đó, củ rừng uống nước suối, bạ đâu ngủ đó. Một sáng nọ, chúng tôi gặp một ông già đang đánh xe bò chở cây trên một con đường đất trong rừng. Chúng tôi sửa lại áo quần ngay ngắn, giả bộ tới hỏi.
- Thưa bác, chúng cháu muốn ra đường lộ đón xe về Sài Gòn.
Ông già nhìn Mạnh cỏng tôi một cách thương hại rồi cũng chỉ đường.
- Các chú ở trong trại kia trốn ra phải không. Các chú đi lạc đường rồi, phải quành ngược lại. Cứ đi theo hướng Nam, khoảng 12 cây số nữa mới ra đến lộ. Cẩn thận đó nghe không.
Mừng quá, ông già còn móc trong bị cho hai chúng tôi mỗi người một khúc bánh chuối. Chúng tôi cảm ơn rối rít rồi quay trở lại, theo hướng mà ông già vừa chỉ. Chúng tôi đi cả ngày lẫn đêm, dưới ánh trăng và trong ánh nắng. Ngày hôm sau, khoảng 3 giờ chiều, nghe tiếng xe chạy chúng tôi tiến thẳng về hướng đó. Lúc này Mạnh đã yên tâm nên không còn dè dặt nói lớn tiếng:
- Anh bẻ lái cẩn thận một chút. Hồi hôm anh gấp quá bẻ bậy bạ làm tôi húc vào cành cây, đầu sưng mấy cục rồi nè.
Tôi ừ à cho qua chuyện, đầu óc chỉ nghĩ làm sao ra đến đường lộ đón xe về nhà mà không bị bắt trở lại. Chúng tôi ra được con lộ cái, nằm sát người xuống đám cỏ rậm bên bờ đường. Thỉnh thoảng nghe tiếng xe từ xa chạy tới, tôi ngóc đầu lên nhìn. Cuối cùng chúng tôi cũng đón được chiếc xe đò đang chạy tới. Gặp bà chủ xe tốt bụng, tôi kể lại chuyện "đường rừng" và hoàn cảnh chúng tôi, bà ta không những thông cảm mà còn dặn lơ xe ghé mua cho chúng tôi mỗi đứa một ổ bánh mì ở một chợ bên đường. Hành khách trên xe ai nghe cũng thương, mỗi người gom góp một ít tiền cho chúng tôi để khi về đến Sài Gòn có tiền đón xe về nhà. Chuyện kinh hoàng trong trại tù của tôi tới đây tạm chấm dứt.

*

Chiến hữu cùng các ân nhân ơi,
Con tàu định mệnh năm xưa đã lướt sóng vượt trùng dương, qua muôn trùng bất hạnh, đã đưa các chiến hữu cùng ân nhân đến bến bờ hạnh phúc. Cũng rất nhiều người không may đã để lại thân xác trong lòng biển cả. Thử thách nào trong đời ai cũng một lần đi qua, các chiến hữu cùng quí ân nhân đã may mắn vượt qua còn chúng tôi vẫn ì ạch ở lại. Tôi tin rằng các chiến hữu cùng quí ân nhân không quên quá khứ và nhất là không quên những đồng đội cũ chẳng may bị thương tật. Anh em thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, sống sót sau cơn đại họa, ngày đêm sống trong hang cọp, đối phó từng phút từng giây trước nanh vuốt của kẻ thù, cuộc sống không phải dễ dàng. Mong rằng các chiến hữu cùng quí ân nhân tiếp tục nới rộng vòng tay kéo chúng tôi ra khỏi hố sâu vực thẳm, nhất là giúp chúng tôi tìm lại một chút nhân phẩm trong cuộc sống. Cầu chúc các chiến hữu cùng quí ân nhân muôn vàn hạnh phúc.
Viết lại theo lời kể của Lưu Tử