Chương 1

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối mộng em xưa
Bùi Giáng
Người họa sĩ sau nhiều năm lưu vong xứ người trở về thăm quê ở cuối giòng sông Hương rồi theo đò ngược lên bến Tuần vào một ngày không lâu sau Tết. Ông sống trọ ở đó rồi chết vào một đêm cuối mùa Xuân. Mỗi sáng sớm, Ôn Thiên, người lão bộc mù lòa quanh quẩn suốt đời trong ngôi nhà được dùng làm quán trọ duy nhất của bến Tuần, vẫn chăm chỉ quét dọn căn phòng y nguyên chăn chiếu, vảng vất hơi hướng của người bạn vong niên sớm thành tri kỷ. Ôn nhớ bạn, hốc mắt quầng sâu, chòm râu thưa xơ xác, tiếng ho khan, và mùi thơm của những hớp rượu Tây uống vào buổi sáng. Ôn sờ nắn lại từng bức tranh được treo ngay ngắn trên bức tường vôi loang dấu thời gian. Tay ôn run rẩy vuốt ve lên những tảng màu sông núi cau gợn tang thương. Ôn dừng ngón tay mình ở khoảng thân hình người thiếu nữ đứng tắm khỏa thân trong bức tranh cuối cùng người họa sĩ không kịp hoàn thành trước khi lìa đời... Ôn Thiên nhớ tới lần người họa sĩ cầm tay để ôn dò dẫm lên vùng bóng tối giữa thân thể người đàn bà trong tranh, cắc cớ hỏi. Ôn có biết chổ ni là chi không? Ôn Thiên lắc đầu khi nghe bạn giải thích về nơi cửa rừng đam mê đó. Cụ mi vẽ chi mà tô hô ra rứa, ai mà coi cho được!? Ôn Thiên trách cứ xong rồi nối giòng cười với bạn... Ôn lắc đầu cười một mình, bước ra khỏi nhà, lần rải đi về phiá bến đò. Nỗi ước ao rực rỡ sắc màu vùi ngủ trong ôn từ rất nhiều năm qua chợt thức giấc muộn màng. Bừng lên trong nhận chịu vô thức về một định mệnh đã an bài chợt bàng hoàng cánh phượng đỏ vấy nắng lung linh trong màu xanh của lá la đà trên mặt nước lúc đò chèo ngang Thiên Mụ, hơn sáu mươi năm trước. Sau lần xuống Huế đầu tiên của thằng Thiên năm mười một tuổi, cơn bệnh đậu mùa thập tử nhất sanh đã cướp mất ánh sáng của một đời người.
Trời như đang bắt đầu cho một ngày nắng. Ôn Thiên cảm thấy mặt mình hây hây chút ấm của ánh mặt trời. Ôn nghe gió về lao xao lướt trên mặt sông. Tiếng máy đò khản nghẹt nặng nề như muốn chìm úng vào sông để mặc cho nguồn nước thượng giòng đẩy con đò trôi. Ðò xuôi về Nguyệt Biều, Long Thọ hay tấp qua Nham Biều, Xước Dũ, Văn Thánh. Những thôn xóm nên thơ dọc theo thượng giòng sông Hương hữu tình với màu xanh của lá mít, lá thanh trà,vườn dâu, hun hút êm đềm trong cái nhìn lan trải của trí nhớ một người mù. Hải Cát. Ðình Môn. Ngọc Hồ. Làng Hồ với mùi mít chín thơm tay. Anh đưa em tới làng Hồ. Em mua trái mít, anh bồ trái thơm... Màu xanh của lá, màu vàng màu đỏ của bông. Ôn chợt nghe mình bâng khuâng lẩm bẩm thành lời từng miếng màu sắc đến từ trí nhớ đọng xoay trong hốc mắt khô rốc mỏi rời.
Tiếng gàu nước kéo từ sông lên, xối róc rách lên mạn thuyền gổ. Mùi chanh chùm kết từ dưới bến đò thơm vọng lên nơi ông đang đứng dưới bóng mát cây ngô đồng. Cây không già như ôn, nhưng ôn chẳng còn nhớ nó được trồng từ lúc nào. Có lẽ một ngày nào đó thời Ôn Diệm. Trước những năm chiến trận hung hăng tác loạn, cuốn hút mọi người, cuốn hút tất cả vào cuộc chiến tranh tàn hoại điêu linh. Cả ôn Thiên mù lòa, tẩm quất kiếm sống qua ngày, cũng phải nhắm mắt làm chuyện không ngờ để cùng người mà tất tả sống qua cuộc biển dâu. Ôn Thiên rờ dọc theo thân ngô đồng, vỏ cây xù xì nhám nhúa. Có người nói lá cây ngô đồng trở màu xám vào mùa đông. Ðang cuối mùa xuân, có lẽ lá đã về lại với màu xanh. Hay cây ngô đồng chẳng có ai trồng mà mọc? Cây lớn lên với thời gian, bấm mình vào đất cứng, vươn dài cội rễ dọc ngang mà khứng chịu gió núi mưa nguồn như ôn sống già với quanh quẩn mù lòa như một chứng nhân câm nín chẳng ai ngại ngần.
Chuyện đời người bạn tự tha phương được kể ra giữa những cơn say khiến ông buồn bã nhớ nhiều về qúa khứ đời mình tưởng đã chìm đắm trôi sông. Ôn đi về phía bờ sông, vốc nước vả ướt mặt. Ôn đầm người xuống nước, tiếng sóng bên tai âm trầm nhịp đập của giòng sông đang thở quyện lẫn đâu đó tiếng máy con đò đưa thi hài người họa sĩ xuôi giòng về lại với gia đình. Ôn thấy trong trí nhớ mình xóm Bao Vinh với những con đường lát gạch mấp mé bờ nước. Màu gạch đỏ cũng tươi tắn như trong cơn mộng của bạn mỗi đêm về. Nằm trăn trở nhớ quê, nhớ đời mình... Từ một biển xa.

*

Chuyến xe khách cuối ngày từ bến xe chợ Ðông Ba đưa người sinh viên trường Mỷ Thuật lên tới An Hòa lúc trời đã nhá nhem tối. Nhớ lời dặn của người liên lạc, anh quảy túi xách lên vai đi nhanh về phía làng Ngọc Hồ. Chân bước mà lòng thì ngổn ngang bao nỗi buồn lo ngại ngùng lẫn lộn. Anh buồn vì sắp phải bỏ nhà, bỏ phố, và lo lắng cho cuộc sống xa lạ sắp tới. Huế sau tết Mậu Thân đã rõ mắt nhìn tang thương đổ nát, phân tán chia lìa. Không còn những ngày sinh viên hào hứng, la cà ở Trương Ðịnh uống café và cảm thấy mình cao lớn. Khúc phố Trần Hưng Ðạo âu sầu nhớ bạn. Quán Lạc Sơn rộn ràng lớp người gươm súng. Chân chẳng buồn qua lối về Bãi Dâu vì cô học trò nổi tiếng ngổ ngáo và đẹp tản thần đã bỏ nhà, bỏ trường, bỏ quán chè nhạc tiền chiến, vô bưng. Một số đông bạn bè đã vào Ðà Nẳng hay Sài Gòn để trốn lính hoặc đi lính. Một số thì ngưởng mộ quyền năng sinh sát của nhóm người từ núi về, tay thử nhúng chàm để thỏa chút lòng còn mang mối mặc cảm tự ti cũng đã kéo theo nhau vào núi. Chỉ còn anh và một nhóm nhỏ bạn bè ở lại thành phố. Từng chiều rời rạc bước chân qua triền dốc đoạn đành của chiếc cầu gảy nhịp. Vai cầu cong oằn chúi vào nhau cũng buồn như lòng người đi trên cầu lo lắng về một tương lai không lối thoát đầy thách đố. Gần đây, trong sự hối thúc của lệnh động viên nhập ngũ, ba mạ anh đã đồng ý cho anh vào vùng giải phóng qua sự móc nối của bạn bè để tạm lánh một thời gian chờ hòa bình đến.
Mãi suy nghĩ vẫn vơ, anh đến điểm hẹn ở bìa làng lúc nào không hay. Anh lo sợ nhìn màn đêm như tấm vải sô đen đang phủ trùm lên cảnh vật quanh mình. Người giao liên đã đứng chờ anh tự lúc nào, ra dấu đi về phía bờ sông. Không kịp nghĩ đến dáng đi uyển chuyển mà nhanh nhẹn của bóng người trước mặt, anh vội vã bước theo sau để khỏi bị lạc lối. Anh quờ quạng lần từng bước vào trong khoang đò chật hẹp, ngồi xuống bên chiếc túi xách người nữ giao liên vừa trao cho. Những ngón tay thuôn mịn thị thành khiến anh bất giác quay nhìn bóng người ngồi cạnh. Trong tăm tối, làn hơi thở thơm hương con gái chuyền dậy trong anh cảm giác mơn man diệu kỳ làm phập phồng cánh mũi... Hai đứa mi nằm sát xuống, không được noái chuyện nghe! Tiếng người chèo đò thì thào vọng qua vách nứa khép kín. Người sinh viên và bóng người con gái im lìm nằm xuống bên nhau. Anh nằm trân mình không dám một mảy may động đậy. Hơi thở, làn hương, như sợi dây vô hình trói ghì cảm giác làm tê rần những đầu ngón tay bấu cứng mảnh ván khoang đò. Tiếng nước vỗ vào mạn đò đều đặn theo nhịp chèo ru anh vào giấc ngủ chập chờn, loáng thoáng những hình ảnh thân yêu đang trôi vào kỷ niệm. Bóng mạ tất tả mỗi buổi mai cho kịp phiên chợ. Dáng người cha cần mẫn làm thợ may ngoài phố, ngày hai buổi cong lưng đạp xe đi về qua khoảng đường lát gạch đỏ của khu xóm Bao Vinh. Bóng cầu thướt tha bầy áo lụa, khăn san bay thắm màu chiều cho hồn ai ngơ ngẩn trông vời. Tất cả đang xa dần theo giòng nước trôi xuôi. Còn lại anh hoảng hốt lao đao trong con đò chèo ngược nước. Ý nghĩ buồn bã trào tới như nước triều dâng khiến anh muốn đưa tay vuốt mặt, mắt mở trừng nhìn vào màu đêm tăm tối... Cô gái trở mình trong giấc ngủ say. Nàng nằm nghiêng người, bầu ngực êm mượt chạm lên cánh tay anh. Người sinh viên nằm im nghe tiếng thở mình và hơi thở cô gái hiền thơm quyện vào nhau, bềnh bồng tâm trí...
Ðò lên tới bến Tuần vào lúc nửa đêm. Họ sẽ tạm trú qua đêm ở khu bến chợ để ngày mai tiếp tục đi bộ vào khu giải phóng. Trong gian phòng trọ lù mù ánh đèn dầu, anh sinh viên nhìn sửng cô gái quên cả tiếng chào từ giã của người chèo đò.
Cô gái mỉm cười, nhìn khuôn mặt ngạc nhiên đến sửng sờ của người sinh viên.
- Á khẩu rồi hỉ? “Con Gái Thầy Nô” đây. Bộ lạ lắm răng!?
- Thiệt không ngờ gặp Ðông ở đâỵ..Và cả bà chằng “Con Gái Thầy Nô” nữa.
- Mình Ðông thôi, còn cái tên tê là vì người ta đặt cho mình. Dù không ưa, không đúng, người ta cũng cứ gán cho.
- Rứa mà tui lại nghe đồn là Ðông đã trưng bằng cớ rõ ràng cho người đặt tên rồi mà!?
Nhìn khuôn mặt không vui của cô gái, anh nói lãng sang chuyện khác. Có lẽ vì hoàn cảnh, vì chuyến đò vừa qua, hai người chuyện trò thân mật như bạn cũ lâu ngày gặp nhau, cho dù người sinh viên cũng như nhiều thanh niên khác chỉ là khách quen của quán chè gia đình cô gái. Họ đến chẳng phải vì chè ngon trong chiếc quán vườn thơ mộng, mà đểå thả hồn mơ mộng, ngắm nhìn đôi mày liễu cong dài và nét đẹp tản thần với thân hình vệ nữ của cô học trò ngổ ngáo trong cánh áo tay trần mịn óng măng tơ.
Cái tên “Con Gái Thầy Nô” được gán ghép cho Ðông sau lần một gả học trò trường Nguyễn Du đến quán chè hỏi có phải nàng là con gái của thầy Nô. Gã học trò và đám bạn cười phá lên khi nghe nàng ngây thơ trả lời cha mình là một ông Ðội Cảnh Sát. Vài ngày sau khi Ðông tìm hiểu ra được ý bởn cợt quá đáng của gã học trò muốn hỏi có phải hạ thân nàng bạch bản và lấy đó rêu rao làm trò đùa, nàng tức giận đến phát khóc quyết chí trả thù. Giữa lúc gã học trò đang quây quần cùng bầy bạn, cô gái bưng chè đặt lên bàn xong lấy trong túi áo ra vài sợi lông dài đen nhánh thả vào ly chè. Của “Con Gái Thầy Nô” tặng đó! Ăn vô cho bổ bề ngang, sang bề dọc... Từ sau ngày đó, cái biệt danh quái ác đã gắn liền với cô học trò dạn miệng ngổ ngáo và gã học trò thì mất biệt tông tích, chẳng còn thấy đến quán chè ba hoa cùng bè bạn.
Cho đến một ngày... sau Tết Mậu Thân. Thành phố Huế tang thương, lữa đạn ngút trời. Gã học trò trường Nguyễn Du xuất hiện trước cửa nhà Ðông với súng ngắn, băng đỏ, và một nhóm người gươm súng nạt nộ oai phong. Gã học trò đọc án lệnh của Ủy Ban Cách Mạng Thành Phố để bắt giữ người cha là Cảnh Sát Ngụy. Sau một hồi lâu khóc xin, gã học trò đồng ý cho Ðông đi theo Cách Mạng để người cha khỏi phải bị bắt. Không kịp từ giã cha mẹ, gia đình, cô gái ra đi. Cuộc đời nàng sa vào lối rẽ không ngờ. Nàng thoát chết lúc băng qua Tây Lộc, theo nhóm du kích vũ trang rút về Văn Thánh, An Hoà, rồi an toàn vào khu giải phóng. Gã học trò ba hoa vô hại trong quán chè ngày nào nay là một xã đội trưởng du kích, lầm lì, tính toán. Ngày Ðông hay tin cha bị sát hại tuy nàng đã bằng lòng vô bưng theo kháng chiến là ngày đau buồn nhất trong cuộc đời nàng. Nỗi đau thương tiếc cha và sự uất giận sao quá ngây thơ để bị phỉnh gạt khiến nàng quên sợ tìm gặp gã học trò du kích, nguyền rủa không tiếc lời. Sắc đẹp của cô gái mà hắn vẫn hằng thương tưởng và tập thể những người trẻ tuổi mới vào bưng quanh nàng khiến hắn đành tìm lời dịu ngọt. Công việc hàng ngày dạy học cho trẻ em trong làng, gần gủi với tiếng cười trẻ thơ, giúp nàng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ gia đình, phố xá. Chuyến đi Ngọc Hồ đêm qua là công tác giao liên đầu tiên nàng được tập thể giao sau gần ba tháng quẫn quanh trong khu rừng ngán ngẩm mặt người...
Ðêm đầu sông trôi sâu vào quá canh tàn, rời rạc tiếng chó sủa sao khuya. Trong gian phòng mờ ngọn dầu hao, tiếng cô gái mềm theo giòng lệ rưng.
- Gặp anh, Ðông mừng mà tủi. Em đang vui, nhưng không biết mình nên buồn hay vui. Cuộc sống tai ương lao tới quá nhanh đến choáng váng, ngã khụy.
Mái tóc cô gái dài hơn dạo trước Tết, thả bóng tối vào đôi mắt sâu huyền diễm rồi buông hờ xuống bờ vai tròn trịa thanh xuân
- Ðông còn nhớ bức tranh tôi vẽ cô gái với đôi mắt màu tím biếc.
Cô gái nhìn người thanh niên mỉm cười chế diễu.
- Ông họa sĩ ni vẽ đẹp mà lối tặng tranh lại càng độc đáo hơn ai hết. Ai đời đem tranh đến tặng mà lén nhét vô giữa bụi bông cẩn rồi bỏ về. Mạ dọn vườn thấy đem vô... Vẽ vời chi mà cắc cớ rứa không biết? Mắt to như khu chén, cổ dài như cổ cò, tay chưn thì lòng thòng... Nói thì nói rứa, mà khi em xin treo phiá sau quầy thì mạ chịu liền... Mắt tím có lẽ vì khóc nhiều phải không anh?
Người họa sĩ bước khẻ đến bên cô gái. Anh cầm tay nàng. Họ im lặng nhìn nhau. Bên ngoài trời vẫn còn đêm.