Tuệ Thanh đại sư nghe nói mặt liền biến sắc, chăm chú nhìn vào Hiểu Lam và đỡ lời: - A di đà Phật! Thiện tai, thiện tai! Người đã chết nhập thổ là yên, Trang chủ hà tất phải nhẫn tâm như thế? Hiểu Lam lại hổ thẹn với lương tâm một hồi, nhưng vẫn gượng đáp: - Không phải Hiểu Lam tôi nhẫn tâm, nhưng chỉ xin hỏi rằng đại sư cùng các vị chưa đích mắt trông thấy dấu vết của chưởng ấy, nếu không đào mộ lên khám nghiệm xác như thế thì làm sao mà biết được thực hư như thế nào? Tuệ Thanh đại sư giật mình đến thót một cái, yên lặng không dám nói tiếp. Thái Hư đạo trưởng cười khẩy một tiếng nhìn thẳng vào mặt Hiểu Lam lạnh lùng xen lời nói: - Các hạ thông minh lắm. Ai chả biết xác chôn lâu ngày đã thối nát hết rồi. Chỉ còn bộ xương trắng hếu thôi, xem như vậy, chắc các hạ đã có mưu định trước rồi, nhưng các hạ cũng quá coi thường Thiếu Lâm với Võ Đang... Hiểu Lam không sao nhịn được, đang định trả lời nhưng sực nghĩ ra một kế, lại cố nén giận xuống, lạnh lùng đỡ lời: - Thế theo cao kiến của đạo trưởng thì nên làm như thế nào? Thái Hư cười khẩy đáp: - Không dám! Theo ý của bần đạo thì chỉ có nợ máu trả bằng máu chứ không còn nói năng gì hết. Hiểu Lam cả giận vội quát hỏi: - Theo lời nói của đạo trưởng chỉ định việc này do Hiểu Lam tôi đã làm phải không? - Không dám! Thái Hư đạo trưởng cười khẩy nói như vậy và tiếp: - Sự thực hơn là ngụy biện bắt buộc bần đạo phải nghĩ như thế. Hiểu Lam đứng phắt dậy nghiêm nét mặt lại đáp: - Đạo trưởng, sở dĩ Hiểu Lam tôi chịu nhịn mãi như vậy là không muốn có sự tổn thương hòa khí của đôi bên và cũng không nhẫn tâm để cho người thân trông thấy mà đau lòng, kẻ thù trông thấy mà khoái trí và cũng không nhẫn tâm gây mưa máu gió tanh cho võ lâm. Tuy Đái Vân sơn trang của tôi không chịu nổi một cái đánh nhưng Hiểu Lam tôi không phải là kẻ nhút nhát sợ sệt đâu. Nếu đạo trưởng còn vu khống như thế nữa thì đừng có trách Hiểu Lam tôi phải ở trước Tuệ Thanh đại sư mà yêu cầu đạo trưởng trả cho một chút công đạo. Hành vi này của đạo trưởng chả là đến tận cửa người ta mà hà hiếp là gì? Thái Hư đạo trưởng cũng đứng phắt dậy, giận quá hóa cười, giơ cây phất trần lên chỉ vào mặt Hiểu Lam đáp: - Được lắm, xem như vậy câu chuyện ngày hôm nay không thể nào dùng lời lẽ mà giải quyết nổi. Bần đạo chưa thấy ai lại như Trang chủ, dám làm mà không dám nhận, lại còn biện luận một cách rất giảo quyệt. Bây giờ trên đời này không còn công lý nữa, kẻ thắng tức là công đạo. Nào lại đây để bần đạo thử xem Ngọc Diện Thần Long có tài ba kinh người như thế nào? Nếu bần đạo bị thua thì phái Võ Đang sẽ xí xóa việc này, bằng không một mình Trang chủ phải thường mạng cho sáu kẻ xấu xố. Lời nói của y như chém đinh chặt sắt, hình như ngoài cách ra tay đấu với nhau không còn cách nào có thể giải quyết được. Tuệ Thanh đại sư ở cạnh đó làm như không trông thấy và cũng không nghe thấy, cứ lẳng lặng ngồi yên thôi. Tuyết Sơn nhị lão với mười mấy cao thủ đứng ở phía sau Hiểu Lam đã ngấm ngầm vận công lực lên chuẩn bị rồi. Thất Tử ở phía sau Thái Hư đạo trưởng với Song thần kiếm cũng đều giận dữ quắc mắt lên nhìn. Trận đổ máu sắp bùng nổ đến nơi, không khí ở trong đại sảnh bỗng căng thẳng, im lặng nặng nề khiến người ta cảm thấy rất khó thở. Hiểu Lam tức giận khôn tả, nhưng vì đại cuộc, chàng cũng phải cố nén lửa giận xuống. Chàng biết mình chỉ không nhẫn nại một chút thôi là sẽ hỏng hết đại cuộc nên chàng cũng không muốn ra tay trước. Lão đạo sĩ Thái Hư tuy chỉ muốn vung chưởng đánh Hiểu Lam chết ngay tại chỗ để trả thù cho các đệ tử của mình, nhưng vì đối phương đã nổi tiếng khắp võ lâm, đâu có phải là tay tầm thường vì thế mà y không dám ra tay ngay. Còn có một nguyên nhân chủ yếu nhất, y tự tin chuyện này đích thị Hiểu Lam đã ra tay, nhưng không có nhân chứng ở đây mà vật chứng thì đã bị hủy, mình đến tận cửa vấn tội như thế này đã là đuối lý rồi mà còn ra tay tấn công trước, tin này đồn đi thì danh dự trăm năm của Võ Đang sẽ bị tiêu tan mất. Cho nên dù y đã tức giận đến nghiến răng kêu cồm cộp mà cũng không dám ra tay tấn công ngay. Thiếu Lâm nhị tiếp dẫn với Tứ tôn giả tuy cũng lăm le định xông lên tấn công nhưng người chủ trì của Đạt Ma viện không thấy cử động gì cả nên họ cũng không dám làm gì hết. Thì giờ từng giây từng phút một trôi qua, khung cảnh ở trong đại sảnh im lặng như tờ, im lặng đến nổi có thể nghe thấy được trống ngực của đối phương đập nhanh hay chậm. Đột nhiên Hiểu Lam thở dài một tiếng và ngồi phịch xuống ghế, rất khích động nói: - Vi Hiểu Lam tự hỏi không hổ thẹn với lương tâm, đành hủy danh chứ tuyệt đối không trả đũa. Nếu đạo trưởng cho việc này là do Hiểu Lam tôi ra tay thì đây, đầu của Hiểu Lam đợi chờ đạo trưởng cứ việc tự tiện chặt đứt mà đem ngay đi. Thấy chàng nói như thế, Thái Hư đạo trưởng với mọi người đều ngạc nhiên hết sức, nhất là Tuệ Thanh đại sư cũng rất động lòng, hai mắt nhìn thẳng vào Hiểu Lam chẳng nói chẳng rằng: - Trang chủ! Tuyết Sơn nhị lão vội tiến lên một bước kêu gọi như trên. - Lùi xuống! Hiểu Lam giơ chưởng lên hất một thế rồi trầm giọng nói tiếp: - Các người đã biết tính nết của bổn Trang chủ như thế nào, đừng có làm cho ta bị mang tiếng bất nghĩa. Thôi, hai người đừng có nói nhiều nữa! Chàng đau lòng như cắt, nhất là đôi mắt chiêu Tuệ Thanh đại sư cứ nhìn thẳng vào mặt mình, không khác gì bị gai đâm lên lưng khiến chàng càng hổ thẹn thêm, nhưng chàng vẫn rất khéo léo quay mặt nhìn sang chỗ khác để tránh tầm mắt của đối phương. Tuệ Thanh đại sư bỗng niệm một câu A di đà Phật thực lớn làm rung động cả mái nhà, hai mắt nhìn thẳng vào Hiểu Lam, chắp tay lên trước ngực nghiêm nghị nói tiếp: - Thị phi phải trái do ở lòng người, việc đã xẩy ra như thế này bần tăng cũng không dám đi vượt quá chữ lý và cũng không dám nói nhiều. Việc ấy có phải là Trang chủ ra tay không thì Trang chủ tự biết lấy, bần tăng tuy già nhưng đôi mắt chưa hoa đâu, cũng đã biết rõ lắm. Thôi, việc này tới đây tạm kết thúc, ngày hôm nay chúng tôi đường đột đến quấy nhiễu như thế này thực không phải, bần tăng xin đại diện Võ Đang và Thiếu Lâm hai phái xin lỗi Trang chủ. Nhưng từ ngày hôm nay trở đi, thể nào chúng tôi cũng phải tìm kiếm cho ra Tư Đồ Sương Động chủ, khi nào thỉnh được Tư Đồ động chủ giáng lâm thì lúc ấy Võ Đang, Thiếu Lâm chúng tôi lại sẽ quay trở lại bái kiến. Thôi, xin chào Trang chủ, bần tăng cáo lui đây. Nói xong, ông ta quay người dẫn các người khác ra khỏi đại sảnh ngay. Hiểu Lam nghe nói xong, giật mình đến thót một cái, cảm thấy đau khổ vô cùng và thấy Tuệ Thanh đại sư đã dẫn mọi người đi khỏi, chàng không sao nhịn được, vội đứng phắt dậy lớn tiếng vọng theo rằng: - Đại sư hãy khoan, để Vi Hiểu Lam tôi cung kính tiễn hiệp giá! Chàng vừa nói dứt thì bọn Tuệ Thanh đại sư đã đi mất tích rồi. Chàng thở dài một tiếng, quay người lại với vẻ mặt rất ngượng nghịu, rồi chàng quay lại giận dữ hỏi Thái Hư đạo trưởng rằng: - Phái Thiếu Lâm đã đi rồi, còn các vị ở đây hay cũng đi theo? Thái Hư đạo trưởng trố mắt lên nhìn Hiểu Lam giận dữ đáp: - Vi Hiểu Lam ngươi giảo hoạt lắm, ta hãy để cho ngươi sống sót thêm vài ngày nữa. Nhưng ngươi đừng có đắc chí vội, hễ chúng ta tìm thấy Tư Đồ động chủ thì lúc ấy cũng là ngày ngươi bị mất đầu. Đi! Nói xong, y dậm chân một cái, dẫn Thất tử với Song thần kiếm rời khỏi đại sảnh luôn. Tuyết Sơn nhị lão thấy các người đi khỏi đều nhẹ nhỏm và hớn hở đồng thanh kêu gọi: - Trang chủ... Hiểu Lam bỗng rú lên một tiếng thực dài và rất bi đát, rồi giơ chưởng lên đánh nát cái kỷ trà và quay người loạng choạng đi vào trong hậu sảnh. Ở trên đỉnh núi sau Đái Vân sơn trang bỗng có tiếng người thở nhẹ và một giọng nói rất ngọt ngào, êm dịu khẽ nói rằng: - Tội nghiệp cho rồng thần, hiền muội có nghe thấy không, tiếng rú và tiếng cười của y đau lòng, sót ruột biết bao! Nói tới đó, người ấy lại thở dài một tiếng mới nói tiếp: - Mau, hiền muội hãy đưa cái bọc áo cho ngu tỷ. Hiền muội cứ ở đây đợi chờ, ngu tỷ đi một chút sẽ quay trở lại liền. Nói rồi, nàng cầm luôn cái bọc áo, nhanh như gió thoảng, lướt thẳng xuống dưới núi. Nàng đi đâu? Không ai có thể biết được.