Chương 9

Sự yên tâm của chú Phong đã làm tôi xấu hổ. Không nên đánh lừa niềm tin của một người đã đặt vào mình, nên từ hôm ở nhà chú trở về, tôi đã cố gắng viết tiếp tập tiểu luận.
Sau hơn hai ngày cặm cụi làm việc, tôi đã viết thêm được ba mươi trang. Buổi chiều đang viết, tự dưng đọc thấy một câu trong chí Tôn ca quá hay, tôi khoái chí quăng bút viết và nhảy cẫng lên, la hét vang nhà như người may mắn đã chụp trúng "cái đuôi" chân lý.
- Ê! Ông điên làm gì vậy?
Tôi giựt mình, ngó ra ngoài vườn. Trời hỡi trời, cô bé đã ngồi đọc sách bên một gốc cây táo từ lúc nào tôi chẳng hay biết. Tôi vội chạy như bay ra gặp em.
- Sao không vào nhà, nhỏ?
- Em sợ phá sự say mê làm việc của ông. Mà sao, khi không ông la hét dữ vậy?
- Vào nhà, vào nhà. Tôi đọc ho em nghe một câu này rất tuyệt vời.
Tôi kéo tay cô bé đứng dậy và dẫn em vào nhà. Tôi chụp lấy quyển sách chí Tôn ca mở ngỏ trên bàn và đọc lớn.
- Ðã sinh ra tất phải hủy diệt. Ðã hủy diệt rồi lại sinh ra. Vậy không nên đau buồn cho những gì không thể tránh được.
Tôi đóng quyển sách lại và hỏi cô bé
- Em nghe câu đó có tuyệt vời không?
Cô bé bĩu môi.
- Ẹ thấy mồ! cái gì cao siêu chỉ làm em nhức đầu. Ðể em đọc cho ông nghe bài thơ này còn hay gấp bội lần.
Cô bé mở tập thơ Paroles của Jacques Prevert em đang cầm trên tay và đọc.
L’automne
Un cheval s' écrole au milieu d' une allée
Les feuilles tombent sur lui
Notre amour frissonne
Et le soleil aussi
Mùa thu,
Một con ngựa ngã quị giữa lối đi
Lá vàng rơi trên nó
Tình ta rùng mình
Và mặt trời cũng vậy
- Ông nghe bài thơ có tuyệt vời ikhông?
Tôi bĩu môi.
- Ẹ thấy mồ! cái gì thơ mộng chỉ làm tôi nhức đầu.
Cô bé bật cười.
- Vậy theo ông cái gì mới tuyệt vời?
- Nụ cười của em.
Cô bé bĩu môi.
- xạo.
- Vậy tình yêu. Vì nó không làm chúng ta nhức đầu.
Cô bé bĩu môi.
- Tình yêu càng làm em nhức đầu hơn.
- Vậy để khỏi nhức đầu lôi thôi, chúng ta uống cà phê nghe.
Nhà chỉ có một chiếc phin pha cà phê, tôi để nó nhỏ giọt vào chiếc ly lớn rồi san đôi vào chiếc tách trắng cho cô bé. Em cầm lấy tách cà phê nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Nhìn lên vách nhà, em nheo mắt, giơ tay chỉ tấm hình treo trên cao.
- Hình ai mà nhiều đầu, nhiều tay vậy ông?
- Ðó là thần Brahmâ. Theo tôn giáo Ấn Ðộ, Ngài là thần Sáng Tạo.
- Ông dán tấm hình đó để làm gì vậy?
- Tôi mong Ngài sẽ "phù hộ" tôi, trong khi tôi viết tập tiểu luận.
- Ông không tin vào tài năng của ông?
- Tôi chỉ tin vào sự lười biếng của tôi.
Cô bé chỉ vào bức tranh sơn dầu có vẽ hình một cô gái khỏa thân ép đóa hoa hồng vào ngực.
- Còn ông treo bức tranh nude này để làm gì? Nó cũng "phù hộ" ông trong khi viết tập tiểu luận à?
Tôi định giải thích tôi treo bức tranh đó vì muốn có hình ảnh để dễ dàng liên tưởng đến em, nhưng sợ cô bé hiểu lầm. Tôi nói tránh.
- Tôi treo bức tranh đó, vì thấy nó có vẻ đẹp thánh thiện.
Cô bé trố mắt nhìn tôi.
- Thánh thiện ư? Ông không nói đùa chứ?
Ðến lượt tôi trố mắt nhìn em.
- Thê thảm ư? Em không đùa chứ?
- Ông có thấy bông hồng trong bức tranh quá đỏ thắm không?
- Thấy.
- Ông có thấy da cô gái trắng nhợt không?
- Vì ánh trăng mờ nhạt.
- Không. Em có cảm tưởng cô gái đã ép mạnh đóa hồng vào ngực, cho những chiếc gai nhọn đâm vào thịt để hút máu ở tim cô, giúp cho đóa hồng có màu đỏ thắm.
Tôi kêu lên.
- Chúa ơi! Làm sao mà em có ý tưởng quái đản đó được?
- Bức tranh đã làm em nhớ đến chuyện "chim họa mi và bông hồng" của Oscar Quilde. Chắc ông cũng đọc chuyện đó.
- Tôi chưa đọc truyện đó. Em có thể kể cho tôi nghe được không?
Cô bé nâng tách cà phê lên tiếng uống một ngụm rồi nói:
- Em đọc truyện đó lâu rồi, chỉ còn nhớ đại khái như sau: Trong thành phố nọ có một chàng sinh viên yêu say mê một tiểu thư xinh đẹp. Gần đến ngày sinh nhật của nàng, chàng muốn tặng nàng một bông hồng đỏ rực để bày tỏ tình yêu nồng nàn của chàng. Nhưng lúc bấy giờ đang mùa đông tuyết rơi. Trong khu vườn của chàng cũng như trong mọi khu vườn khác, chẳng có một đóa hồng đỏ nào mà chỉ có những đóa hồng trắng như tuyết. Quá buồn rầu, chàng sinh viên đứng than thở dưới một cây hồng và cầu mong nó hãy giúp chàng nở ra một bông hồng đỏ. Nhưng cây hồng chẳng thể giúp chàng vì trời mùa đông rét mướt, thiếu ánh sáng mặt trời ấm áp nên nó chỉ có thể nở những đóa hồng màu trắng mà thôi. Có một con chim họa mi làm tổ trên cây hồng thấy chàng sinh viên quá buồn thảm, nó bàn với cây hồng hãy tìm mọi cách để giúp chàng. Cây hồng đưa ý khiến, nếu chim họa mi chiu hy sinh ép tim nó vào một chiếc gai nhọn cho cây hồng hút máu, cây hồng sẽ nở được một đóa hồng màu đỏ. Chim họa mi đã vui lòng chấp nhận sự hy sinh vì nó muốn cái chết của nó tạo ra một tặng phẩm tình yêu. Sáng hôm sau khi ra vườn, chàng sinh viên đã mừng rỡ thấy một đóa hồng đỏ rực trên cành, nhưng chàng chẳng bao giờ thấy được chim họa mi nằm chết dưới gốc cây hồng vì trong đêm qua tuyết đã phủ kín người nó.
Nghe cô bé kể xong câu chuyện, tôi gật gù nói:
- Em có lý. Cảnh chim họa mi ép tim vào chiếc gai nhọn cho cây hồng hút máu để nở ra một đóa hồng đỏ, cảnh đó thật thê thảm. Nhưng cái chết của chim họa mi là một sự hy sinh thánh thiện em có đồng ý vậy không?
- Ðồng ý.
- Cô gái trong bức tranh nude kia cũng đã làm một hành động hy sinh giống như chim họa mi. Vậy tôi nói bức tranh đó có vẻ đẹp thánh thiện, bộ không đúng sao?
Cô bé cười.
- Em chịu thua. Ông cãi giỏi lắm. Sao ông không học nghề thầy cãi?
- Tôi chỉ thích cãi cho tôi thắng, chứ không thích cãi cho người khác thắng.
Tôi đúng dậy tìm băng nhạc để bỏ vào máy cassette. Cô bé hỏi:
- Ðã đến giờ ông nghe nhạc chưa?
Tôi chỉ tấm thời khóa biểu mới viết dán trên vách.
- Em thấy không, giờ này là giờ chơi nên tôi có thể nghe nhạc.
Cô bé chăm chú đọc tấm thời khóa biểu rồi nhăn mặt.
- Ông học hành kiểu này chắc chắn sẽ "ao".
- Sức mấy mà "ao" được. Tôi thi hành đúng theo chương trình giáo dục ở tivi "Học mà chơi. Chơi mà học", vậy sẽ "dính" là cái chắc.
Cô bé kéo ghế đứng dậy.
- Thôi chào ông, em về.
Tôi chưng hửng hỏi:
- Sao em lại đòi về?
- Em không muốn vì em mà ông sáng tác ra cái thời khóa biểu bê bối đó.
Tôi giật tấm thời khóa biểu ra khỏi vách, xé vụn và ném ra ngoài cửa sổ.
- Dẹp cái thời khóa biểu bê bối đó đi. Em đồng ý chưa?
- Ông phải hứa với em, ông sẽ học hành đàng hoàng theo thời khóa biểu cũ.
- Rồi. Tôi hứa.
- Vậy giờ này không phải là giờ nghe nhạc.
- Ðúng, nhưng cũng không phải là giờ học.
- Chứ là giờ gì?
- Giờ tắm biển.
- Vậy chúng ta đi ra biển.
Những đám mây xám đục phủ kín bầu trời trên mặt biển xanh đen. Tiếng sóng nghe rầm rì uể oải như ánh nắng mệt mỏi đang nhạt dần trong buổi chiều thu. Cô bé ngồi xuống bờ cát ấm, em dùng ngón tay viết.
Và sóng biển xóa đi trên cát.
Những dấu chân của những đôi tình nhân lỡ làng.
Tôi hỏi:
- Thơ của em hả?
- không, của Jacques Prévert. Ông nhìn kìa, những dấu chân của chúng ta trên cát.
- Có gì lạ đâu?
- Rồi sóng biển cũng xóa đi, dù chúng ta không phải là những đôi tình nhân lỡ làng.
Ðúng như lời cô bé nói: Chỉ cần một ngọn sóng nhỏ ùa vào bờ rất nhẹ nhàng, khi rút đi nó đã mang theo những dấu chân của chúng tôi. nhưng ngọn sóng không mang đi được những con còng phải gió bò ngổn ngang trên bờ cát. Những con còng kia đâu có giátrị bằng những dấu chân của chúng tôi, vậy mà chúng vẫn trơ lì ra đó. Ðiều này đã làm tôi cáu sườn.
Tôi chạy thật nhanh đuổi bắt những con còng để ném chúng xuống biển cho bõ ghét. Mặc dù đã phóng người bay như một thủ môn lành nghề chụp banh, tôi cũng chỉ chụp được một cái chân còng rơi rụng trong tay, khiến cô bé cười ngất. Ðể "páo chù" lũ còng khốn nạn, tôi lấy chân dậm kín những miệng hang cho chúng nghẹt thở chết luôn.
Sau khi hả giận, tôi rủ cô bé cùng xua đuổi những con chim cút, cho chúng chạy vướng vào những bụi cỏ chông chông để bắt, nhưng em lắc đầu.
- Lúc nãy, ông nói theo thời khóa biểu cũ, giờ này ông phải làm gì?
- Tắm biển.
- Vậy sao ông còn rủ em chạy đuổi chim cút. Ông đã hứa với em sẽ làm theo những gì ông đã hoạch định mà?
- Nhưng lúc này, nước biển lạnh thấy mồ, ai mà dám xuống tắm.
- Mặc kệ. Ông phải tắm biển cho đúng thời khóa biểu.
- Tôi cũng không mặc quần áo tắm.
- Ông cứ mặc quần áo như vậy mà tắm.
Thấy tôi còn đứng ngần ngừ, cô bé bèn bỏ về. Tôi hét lên:
- Ðược rồi. Em đứng lại xem tôi tự tử đây nè.
Tôi mặc y nguyên quần áo chạy ào xuống biển rồi phóng người vào một chỗ nước sâu. Nước thấm vào người lạnh run, tôi cố nghiến răng chịu đựng nín thở lặn ra xa chỗ cô bé đứng. Lặn một lúc lâu chịu hết nổi, tôi trồi lên nằm thả ngửa bất động trên mặt nước giả làm người chất đuối cho cô bé sợ một phen.
Nằm đợi mãi muốn gãy cổ vẫn không nghe cô bé kêu la cứu vớt, tôi tức mình rủa thầm. Bố khỉ! Nhỏ này thật độc ác, vô nhân đạo. Nếu mình có chết thật, chắc em cũng không thèm khóc thương. Vậy tội quái gì phải giả chết cho mệt, hãy bơi vào bờ nằm nghỉ cho khỏe cái thân.
Tôi ra sức bơi thật nhanh vào bờ. Vừa mới ngóc đầu lên, một nắm cát ướt đã dính ngay mặt, tôi vội hụp đầu xuống nước. Càng vào gần bờ, những nắm cát càng tới tấp rơi trúng người, tôi hét lên.
- Ðừng rỡn nữa, nhỏ.
Cô bé đúng trên bờ vẫn tiếp tục ném những nắm cát xuống.
- Ông lười quá. Tắm gì mới chút xíu đã vội lên.
- Lạnh thấy mồ. Tôi chịu hết nổi rồi. Bộ em muốn tôi chết thật sao.
- Ông hãy chết thật đi. Em ghét những người chết giả vờ, họ đã làm xấu cái chết.
Bố khỉ! cô nhỏ này hôm nay ăn nhằm cái gì mà nổi khùng dữ vậy. Ðể tránh những nắm cát do em ném xuống tôi phải bơi ra xa rồi mới bơi vòng lại, lên bờ ở một nơi cách chỗ cô bé đứng khoảng hai trăm thước. Lên khỏi mặt nước, toàn thân tôi lạnh run. Tôi phải nhảy liên tục một lúc cho nóng máu rồi mới chạy đến chỗ cô bé. Thấy tôi run lập cập, em hỏi:
- Ông lạnh lắm sao?
Cố giữ hai hàm răng khỏi cắn vào lưỡi, tôi đáp:
- Còn... còn... phải... phải... nói:.. nói:.. nói:..
- Em cứ tưởng ông giả vờ. Em xin lỗi ông.
Xin lỗi khơi khơi như vậy đâu được. Phải cho cô bé này nếm mùi cái lạnh chết người, để em bớt tánh đùa dai.
Tôi ôm chầm lấy em và dùng nụ hôn truyền cái lạnh run lập cập sang em. Chúa ơi! sao người tôi tự nhiên càng run dữ vậy nè?