- Giám định của các nhà y học muốn chứng minh với chúng ta rằng bị cáo đầu óc không bình thường và mắc bệnh cuồng. Tôi khẳng định rằng anh ta đầu óc bình thường, nhưng như thế càng tệ hại hơn: không bình thường thi có lẽ còn thông minh hơn nhiều. Còn về việc anh ta mắc bệnh cuồng thì tôi đồng ý, nhưng chính chỉ ở một điểm - điểm mà giám định đã chỉ ra, tức là quan điểm của bị cáo về ba ngàn đồng ấy mà coi như cha còn thiếu anh ta. Tuy nhiên, có lẽ có thể tìm ra quan điểm gần hơn nhiều để giải thích sự cuồng nộ của bị cáo về số tiền ấy hơn là khuynh hướng mất trí. Về phần tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông bác sĩ trẻ thấy rằng bị cáo đang và đã có khả năng trí tuệ đầy đủ và bình thường, chỉ cáu kỉnh và oán hận. Duyên do không phải là ba ngàn đồng, đối tượng gây oán giận thường xuyên và điên cuồng của bị cáo, không phải là ở số tiền, mà là một nguyên nhân đặc biệt khiến anh ta tức giận. Ấy là sự ghen tuông!
Đến đây Ippolit Kirinlovich trình bày tràng giang đại hải toàn bộ sự say mê tai hại của bị cáo đối với Grusenka. Bắt đầu từ lúc bị cáo đến tìm "cô nàng trẻ tuổi" để "đánh cô ta", nói theo lời của chính anh ta, Ippolit Kirinlovich giải thích, "nhưng đáng lẽ đánh cô ta, anh ta lại ở dưới chân cô ta" - mối tình ấy bắt đầu từ đó. Đồng thời ông già cha bị cáo cũng ngấp nghé cô nàng, - sự trùng hợp kỳ dị và tai hại, vì cả hai trái tim cùng bốc lửa, cùng một lúc, tuy trước đó cả hai cũng biết và đã gặp nhân vật này, - cả hai trái tim cùng bừng lên ngọn lửa say mê mãnh liệt, đúng chất nhà Karamazov. Ở đây chúng ta có sự thừa nhận của chính cô ta: "Tôi chế nhạo cả hai cha con". Phải, cô nàng muốn chế nhạo cả cha và con: trước kia cô ta không định thế, vậy mà đột nhiên dự định ấy len vào óc cô ta, rốt cuộc cả hai cha con đều bị đổ. Ông già sùng bái tiền như Thượng đế, lập tức chuẩn bị ba ngàn rúp chỉ để nàng đến nhà ông ta, nhưng chẳng bao lâu ông ta cho rằng được đặt tên mình và toàn bộ tài sản dưới chân nàng là hạnh phúc miễn là nàng đồng ý làm vợ chính thức của ông ta. Về việc này chúng ta có những bằng chứng chắc chắn. Còn về bị cáo thì bi kịch của anh ta là rõ ràng, nó ở ngay trước mặt chúng ta. Nhưng "trò chơi" của cô nàng trẻ tuổi là như thế. Kẻ quyến rũ không cho chàng trai trẻ tuổi một hy vọng nào cả, bởi vì hy vọng, hy vọng thật sự chỉ đến với anh ta vào lúc cuối cùng, khi anh ta quỳ gối trước kẻ hành hạ mình, giơ hai bàn tay vấy máu cha và kẻ tình địch về phía nàng: chàng bị bắt chính trong tình trạng đó… "Hãy để tôi đi tù khổ sai cùng với anh ấy, tôi đã đẩy anh ấy tới nước đó, tôi có lỗi hơn ai hết!" - người phụ nữ ấy kêu lên, hối hận thành thật trong lúc anh ta bị bắt. Một người trẻ tuổi có tài, đã miêu tả vụ việc này, - vẫn là ông Rakitin mà tôi đã nhắc đến ở trên, - bằng mấy câu cô đọng đặt trưng, xác định tính cách của nữ nhân vật này: "Thất vọng sớm, sớm bị lừa dối, và sa ngã, sự phản bội của kẻ quyến rũ đã bỏ rơi cô ta, rồi sự nghèo khổ, sự nguyền rủa của gia đình tử tế, cuối cùng là sự bao bọc của một ông già giàu có mà bây giờ cô nàng coi là ân nhân của mình. Trong trái tim non trẻ có lẽ chứa đựng nhiều điều tốt lành đã ẩn náu nỗi giận dữ từ quá sớm. Đã hình thành một tính cách chắt chiu, tích cóp vốn". Sau nhận định như vậy thì dễ hiểu là cô nàng có thể chế nhạo cả cha lẫn con để chơi, một trò chơi độc ác. Thế rồi trong tháng ấy của tình yêu vô vọng của sự sa ngã về đạo đức, sự phản bội vợ chưa cưới của mình, chiếm dụng tiền của người khác trao cho vì tin ở danh dự của mình, - bị cáo, ngoài những cái khác đã gần tới mức cuồng nộ, điên dại vì ghen tuông không ngớt, mà ghen với ai, với cha mình! Và cái chính là ông già điên rồ nhử và cám dỗ đối tượng say mê của anh chàng vẫn bằng ba ngàn rúp mà người con trai cho rằng đấy là tài sản thừa kế để lại, anh ta trách cha chính về số tiền ấy. Phải, tôi đồng ý, chịu đựng điều đó thật nặng nề! Ở đây có thể xuất hiện cả bệnh cuồng. Vấn đề không phải là tiền mà là với số tiền ấy, hạnh phúc của anh ta đã bị đập tan một cách trâng tráo ghê tởm đến như vậy!
Tiếp đó Ippolit Kirinlovich chuyển sang nói về việc ý nghĩ giết cha dần dần nảy sinh trong đầu bị cáo như thế nào, ông theo dõi ý nghĩ ấy qua từng sự kiện.
- Lúc đầu người ta chỉ la hét trong các quán rượu, toàn bộ tháng ấy là tháng la hét. Ôi, người ta thích sống trước mắt mọi người và bằng cách đó, cho mọi người biết tất cả mọi ý nghĩ dù là quỷ quái và nguy hiểm nhất của mình, người ta thích chia xẻ với mọi người, không hiểu vì sao, ngay lập tức đòi hỏi mọi người phải đáp lại ta bằng thiện cảm hoàn toàn, hoà nhập vào mọi lo âu quan ngại của ta, phụ hoạ với ta và đừng cản trở ý thức của ta. Nếu không thì người ta nổi cáu và đập tan tành cả quán rượu (Tiếp đó là chuyện về đại uý Xneghiriov). Những người đã nhìn thấy và nghe bị cáo nói trong tháng ấy rốt cuộc đều cảm thấy ở đây có thể không phải là những lời la hét và hăm doạ cha mà thôi, mà với sự hăm doạ điên cuồng như thế thì có thể chuyển sang hành động. (Đến đây biện lý miêu tả cuộc gặp gỡ gia đình trong tu viện cuộc chuyện trò với Aliosa và cả cảnh hành hung quái gở trong nhà cha, khi bị cáo xộc vào sau bữa ăn trưa).
- Tôi không có ý một mực khẳng định, - Ippolit Kirinlovich nói tiếp - rằng trước đó, bị cáo đã cân nhắc và cố ý giết cha. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã mấy lần đứng trước anh ta, anh ta đã nghiền ngẫm nó - về việc này chúng ta có những sự kiện, những người làm chứng và sự thú nhận của chính anh ta. Thưa quý vị bồi thẩm, xin thú thực, - Ippolit Kirinlovich nói thêm, - cho đến hôm nay tôi vẫn do dự không muốn quy cho bị cáo hoàn toàn cố ý phạm tội. Tôi tin chắc rằng tâm hồn anh ta đã nhiều lần hình dung trước lúc ác hại ấy, nhưng chỉ là hình dung nó có thể xảy ra thôi, chứ chưa quyết định được thời hạn thực hiện, hoàn cảnh. Nhưng tôi chỉ do dự đến hôm nay thôi, đến khi Verkhovxeva đưa trình toà tài liệu tai hại đó. Thưa quý vị, chính quý vị nghe thấy chị ta kêu lên: "Đấy là kế hoạch, đấy là chương trình giết người!" - chị ta đã xác định bức thư "say" bất hạnh của bị cáo như vậy đó. Thực vậy, đằng sau bức như đó là toàn bộ ý nghĩa của chương trình và dự định hành động. Nó viết ra hai ngày đêm trước khi phạm tội, và như vậy, bây giờ các vị biết chắc rằng hai ngày đêm trước khi thực hiện ý đồ ghê gớm của mình, bị cáo đã thề rằng nếu ngày mai không lấy được tiền thì anh ta sẽ giết cha để lấy tiền dưới chiếc gối, "trong cái phong bì buộc dải băng đỏ, miễn là Ivan đi nơi khác". Các vị nghe đấy: "miễn là Ivan đi nơi khác", - như vậy là tất cả đã được nghiền ngẫm, hoàn cảnh đã được cân nhắc, - thế rồi sao: mọi việc sau đó đã được thực hiện như đã viết. Tính rắp tâm và có cân nhắc là chắc chắn, tội ác phải diễn ra với mục đích cướp của, điều đó được tuyên bố trực tiếp, được viết ra và ký tên. Bị cáo không phủ nhận chữ ký của mình. Người ta sẽ nói: đấy là người say viết. Nhưng điều đó không giảm nhẹ gì hết và lại càng quan trọng: trong lúc say viết ra điều mà mình đã nghĩ lúc tỉnh táo. Không nghĩ lúc tỉnh táo thì sẽ không viết trong lúc say. Có lẽ người ta sẽ nói: anh ta gào ầm lên về dự định của mình trong các quán rượu để làm gì? Kẻ nào dự mưu làm một việc như thế thì phải im lặng và giấu riêng trong lòng. Sự thực thì anh ta gào hét khi điều đó chưa phải là kế hoạch và dự định, mà mới chỉ là ý muốn, nguyện vọng chỉ mới chín muồi. Sau đó anh ta ít gào thét hơn về chuyện ấy. Buổi tối viết lá thư nọ, sau khi uống say khướt ở quán "Thủ dô", trái lệ thường anh ta trầm lắng, không chơi bia, ngồi riêng một chỗ, không nói năng với ai và chỉ đuổi một người tài công ở đây đi, nhưng việc đó gần như vô ý thức, theo thói quen cãi nhau, mà anh ta không thể tránh được khi vào quán rượu. Kể ra, cùng với quyết định cuối cùng, bị cáo phải nảy ra mối e sợ rằng anh ta đã hò hét trước quá nhiều trong thành phố, điều đó có thể tố giác và buộc tội khi anh ta thực hiện mưu đồ. Nhưng làm thế nào được, đã nói ra rồi thì không lấy lại, sau hết anh ta trông đợi ở sự tình cờ may mắn. Người ta hy vọng ở ngôi sao hộ mạng của mình như thế đó, thưa các vị. Thêm nữa tôi phải thừa nhận rằng anh ta đã cố gắng nhiều để tránh phút tai ác đó, anh ta đã hết sức nỗ lực để tránh đổ máu. "Sáng mai tôi sẽ đi hỏi tất cả mọi người để vay ba ngàn đống, - anh ta viết bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình, - người ta không cho vay thì sẽ đổ máu". Lại một lần nữa viết ra trong lúc say và lại thực hiện trong lúc tỉnh táo đúng như đã viết!
Đến đây Ippolit Kirinlovich bắt đầu miêu tả tỉ mỉ tất cả các cố gắng của Mitia để xoay tiền nhằm tránh tội ác. Ông miêu tả cuộc phiên lưu của chàng đến Xamxonov, chuyến đi gặp Liagavyi - tất cả đều theo các tài liệu.
- Kiệt lực, bị chế nhạo, đói, bán đồng hồ để dùng vào chuyến đi đó (nhưng lại mang trên mình ngàn rưởi rúp, đâu như là vậy, ôi đâu như là vậy!) khổ sở vì ghen với đối tượng yêu đương mà mình để lại thành phố, ngờ rằng vắng mình cô nàng sẽ đến với Fedor Pavlovich. Chính anh ta đưa nàng đến Xamxonov, người bao nàng. (Điều kỳ lạ là anh ta không ghen với Xamxonov, và đấy là nét tâm lý rất đặc trưng trong vụ này!). Tiếp đó anh ta vội trở về vị trí quan sát của mình "ở sân sau" và ở đấy anh ta được biết rằng Xmerdiakov đang lên cơn động kinh, còn gia nhân thì ốm, - điều kiện hoạt động tự do, "mật hiệu" anh ta nắm trong tay - cám dỗ biết bao! Tuy nhiên anh ta vẫn cưỡng lại, anh ta đến nhà bà Khokhlakova, một người phụ nữ tạm trú ở đây và được tất cả chúng ta hết sức kính nể. Đã từ lâu thông cảm với số phận của anh ta, bà góp với anh ta một lời khuyên cao quý nhất: bỏ thói ăn chơi lu bù ấy đi, vứt bỏ mối tình lem nhem ấy đi, những cuộc lang thang nơi tửu quán, tiêu phí sức trẻ một cách vô ích ấy đi và sang Sibir tìm mỏ vàng: "Đấy là lối thoát cho sức trẻ của cậu, cho tính lãng mạn khao khát chuyện phiêu lưu của cậu". Sau khi miêu tả kết cục của cuộc nói chuyện và lúc bị cáo bỗng được tin Grusenka hoàn toàn không ở nhà Xamxonov, miêu tả sự cuồng nộ của kẻ xấu số khổ sở vì ghen tuông khi nghĩ rằng nàng lừa dối anh ta và lúc này đang ở nhà Fedor Pavlovich," - Ippolit Kirinlovich kết luận, lưu ý đến ý nghĩa tai hại của trường hợp này: "Chodù người đầy tớ gái có kịp nói với anh ta rằng nhân tình của anh ta đang ở Mokroe, với người tình "cũ", "có quyền không chối cãi được" thì cũng chẳng ích gì. Nhưng nó sợ choáng nên thề sống thề chết, và nếu bị cáo không giết nó ngay tại chỗ thì chỉ vì còn mải cắm đầu chạy đi tìm kẻ bội bạc. Nhưng xin lưu ý: mặcdù không còn biết gì nữa, anh ta vẫn cầm theo chiếc chày đồng. Tại sao là chiếc chày, tại sao không phải là vũ khí nào khác? Nhưng nếu suốt cả tháng chúng ta quan sát cảnh tượng ấy và chuẩn bị đón nó thì hễ trước mặt chúng thoáng hiện cái gì có thể dùng làm vũ khí là ta vớ lấy luôn. Một vật gì đó thuộc loại ấy có thể dùng làm vũ khí, điều đó chúng ta đã tưởng tượng suốt cả tháng. Vì vậy, chúng ta cầm ngay lấy, không phải nghĩ ngợi gì nữa! Dùsao cũng không phải là vô ý thức, dùsao cũng không phải là tình cờ chộp lấy chiếc chày đồng ấy. Thế là anh ta ở trong vườn nhà cha. - địa bàn hoạt động tự do, không có người chứng kiến, tối đen như mực, bóng tối và ghen tuông. Mối ngờ vực rằng cô nàng ở đây, với ông già, trong vòng tay ông ta, và có lẽ lúc này đang chế nhạo anh ta làm anh ta nghẹt thở. Mà không phải chỉ ngờ vực mà thôi, ngờ vực gì bây giờ nữa, lừa dối rõ ràng, hiển nhiên: cô nàng ở đấy, trong phòng này, nơi có ánh sáng, cô nàng ở trong phòng ông già, nơi có ánh sáng, sau tấm bình phong, - thế là anh chàng khốn khổ lén tới gần cửa sổ, kính cẩn nhìn vào, đành lòng cam chịu và khôn ngoan bỏ đi để tránh tai hoạ, để khỏi xảy ra điều gì nguy hiểm và vô đạo đức, người ta muốn làm cho chúng ta tin điều ấy, chúng ta, những người biến tính cách của bị cáo, hiểu anh ta ở trong trạng thái tinh thần như thế nào, trong trạng thái mà ta đã biết qua các sự kiện, cái chính là nó có những "mật hiệu" để lập tức có thể mở cửa và vào nhà!".
Đến đây, để nói về "mật hiệu", Ippolit Kirinlovich tạm dừng lời buộc tội của mình và thấy cần thiết phải nói tràng giang đại hái về Xmerdiakov, để thanh toán hẳn toàn bộ mối ngờ vực về Xmerdiakov giết người và chấm dứt vĩnh viễn ý nghĩ ấy. Ông ta làm điều đó rất cặn kẽ, và mọi người đều hiểu rằng mặcdù ông ta đã bày tỏ sự dè bỉu giả thuyết đó, ông vẫn coi nó là hết sức quan trọng.
8. Luận về Xmerdiakov
"Thứ nhất, lấy đâu ra khả năng nghi ngờ như vậy? - Ippolit Kirinlovich bắt đầu từ câu hỏi như vậy. - Người đấu tiên gào lên rằng Xmerdiakov giết chính là bị cáo trong lúc bị bắt, tuy nhiên ngay từ phút gào lên tiếng đầu tiên cho đến phút này tại toà, không có sự kiện nào xác nhận lời buộc tội đó, chẳng những là sự kiện, mà ngay cả điều gì phù hợp với lương tri con người mà ám chỉ đến một sự kiện cũng không có. Tiếp đó chỉ có ba người xác nhận sự buộc tội đó: Hai em của bị cáo và bà Xvetlova. Nhưng em thứ hai của bị cáo đến hôm nay mới tuyên bố sự nghi ngờ của mình, trong lúc bệnh tật, trong cơn loạn trí và sốt nóng không phải bàn cãi gì nữa, và trước kia, trong cả hai tháng đó như chúng ta đã biết rõ, anh ta cho rằng anh mình có tội và không tìm cách chống lại quan điểm ấy. Nhưng chúng ta sẽ đặc biệt xét đến điều đó sau này, tiếp đó, ban nãy em út của bị cáo vừa tuyên bố với chúng ta rằng anh ta chẳng có bằng chứng nào xác nhận ý nghĩ của mình về tội của Xmerdiakov, và chỉ kết luận như vậy theo lời của chính bị cáo và "theo vẻ mặt của anh ta", phải, bằng chứng vô cùng lớn lao đó ban nãy được em bị cáo lặp lại hai lần. Bà Xvetlova còn nói có lẽ cả quyết hơn: "Điều bị cáo nói với các ông thì các ông nên tin, vì anh ta không bao giờ nói dối". Đấy là tất cả bằng chứng thực tế về Xmerdiakov của ba người quá quan tâm đến số phận của bị cáo. Trong khi đó lời buộc tội Xmerdiakov được lan truyền và duy trì cho đến tận nay - có thể tin được không, có thể tưởng tượng được không?"
Đến đây, Ippolit Kinnlovich thấy cần thiết phải phác qua tính cách của Xmerdiakov, "đã chấm dứt cuộc đời trong lúc loạn trí cực độ ". Ông trình bày hắn thành người lẩm cẩm, học thức tạp nhạp, rồi loạn vì những ý tưởng triết lý không vừa sức trí tuệ hắn, và sợ hãi vì một số học thuyết hiện đại về bổn phận và trách nhiệm được giảng dạy cho hắn trên thực tế - cuộc sống bừa bãi cửa ông chủ đã quá cố và có thể là bố hắn, Fedor Pavlovich, - còn về lý luận thì qua cuộc chuyện trò triết lý kỳ lạ với con trai của ông chủ, Ivan Fedorovich, sẵn lòng tự cho phép mình giải trí như vậy, có lẽ vì buồn chán hay vì nhu cầu giễu cợt không tìm thấy cách áp dụng nào tốt hơn. Chính Xmerdiakov kể với tôi về trạng thái tinh thần của mình trong những ngày cuối cùng hắn ở trong nhà ông chủ của mình, - Ippolit Kirinlovich giải thích, - cả những người khác cũng làm chứng như thế: bản thân bị cáo, em bị cáo và ngay cả gia nhân Grigori, nghĩa là tất cả những người gần cận hắn. Ngoài ra, mắc bệnh động kinh, Xmerdiakov "nhát như con gà mái". "Hắn sụp xuống chân tôi và hôn chân tôi, - bị cáo cho chúng ta biết lúc vẫn chưa có ý thức rằng điều đó phần nào bất lợi cho mình, - đấy là con gà mái mắc bệnh động kinh, - bị cáo nói về hắn bằng thứ ngôn ngữ đặc trưng của mình. Thế rồi bị cáo chọn hắn (chính bị cáo khai như vậy) làm người tin cẩn, doạ nạt hắn đến mức rốt cuộc hắn bằng lòng làm do thám và báo tin cho bị cáo. Làm người do thám tại nhà cho bị cáo, hắn đã phản chủ, cho bị cáo biết phong bì tiền và mật hiệu để có thể lọt vào chỗ ông chủ, vả lại làm sao hắn có thể không cho biết được! "Cậu ấy sẽ giết tôi, tôi thấy rõ như vậy, cậu ấy sẽ giết tôi", - hắn nói trong cuộc điều tra, run lật bật trước chúng tôi, mặcdù kẻ hành hạ doạ nạt hắn khi ấy đã bị bắt và không thể đến để trừng phạt hắn. "Lúc nào cậu ấy cũng nghi ngờ tôi, còn tôi sợ run lên, tôi chỉ cốt làm sao cho cậu ấy khỏi giận dữ, vội cho cậu ấy biết mọi bí mật để cậu ấy thấy tôi vô tội với cậu ấy và tha mạng cho tôi" Đấy là lời hắn nói, tôi đã ghi biên bản và vẫn nhớ: "Đôi khi cậu ấy quát tôi, còn tôi quỳ sụp trước cậu ấy". Là một thanh niên bản chất hết sức ngay thẳng và được chủ tin cẩn, đánh giá cao lòng ngay thẳng của hắn khi hắn bắt được tiền của chủ mà đem trả Xmerdiakov xấu số hẳn phải ân hận ghê gớm vì đã phản chủ, mà hắn yêu chú như một ân nhân. Theo những nhà tâm thần học sâu sắc những người mắc bệnh động kinh nặng cố nhiên bao giờ cũng có khuynh hướng tự buộc tội mình một cách bệnh hoạn, liên tục. Họ đau khổ vì mình "có lỗi" gì với ai đó, đau khổ vì lương tâm cắn rứt, thường thường thậm chí là không có căn cứ gì hết, họ phóng đại và thậm chí tự nghĩ ra cho mình những lỗi lầm và những tội khác nhau. Một kẻ như thế trở nên thực sự có lỗi và phạm tội vì sợ hãi và bị doạ nạt. Ngoài ra hắn linh cảm thấy rõ rệt trạng từ hoàn cảnh đang hình thành trước mắt hắn có thể xảy ra chuyện chàng lành. Khi người con lớn của Fedor Pavlovich, Ivan Fedorovich đi Moskva ngay trước hôm xảy ra tai hoạ, Xmerdiakov van vỉ chàng ở lại, nhưng do tính nhút nhát, hắn không dám nói ra sự e dè của mình dưới hình thức rõ ràng và dứt khoát. Hắn đành chỉ nói xa xôi bóng gió, nhưng người ta không hiểu sự xa xôi bóng gió đó. Cần lưu ý rằng hắn coi Ivan Fedorovich là người che chở cho mình, là đảm bảo rằng chừng nào chàng còn ở nhà thì sẽ không xảy ra tai hoạ. Hãy nhớ lấy câu trong lá thư "say" của Dmitri Karamazov: "Tôi sẽ giết ông già, nếu Ivan đi nơi khác", thành thử mọi người đều coi sự có mặt của Ivan Fedorovich là đảm bảo cho sự yên ổn và trật tự ở trong nhà. Thế rồi chàng đi, còn Xmerdiakov, chừng một giờ sau khi ông chú trẻ tuổi ra đi, lập tức rơi vào trạng thái động kinh. Nhưng điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Ở đây cần nhắc lại rằng sợ hãi và có thể nói là tuyệt vọng, trong những ngày cuối cùng, Xmerdiakov cảm thấy có thể sắp lên cơn động kinh, điều bao giờ cũng xảy ra với hắn trong lúc căng thẳng và chấn động tinh thần. Ngày giờ động kinh cố nhiên không thể đoán được, những người có chứng động kinh đều có thể cảm thấy trước khuynh hướng lên cơn. Y học nói như thế. Ivan Fedorovich vừa rời khỏi sân thì Xmerdiakov do ấn tượng côi cút và bơ vơ của mình, có thể nói như vậy, hắn xuống hầm làm công việc nhà, hắn xuống thang và nghĩ: "Lên cơn hay không, nếu lên cơn ngay thì ra sao?". Chính vì tâm trạng ấy, vì tính đa nghi ấy, vì bóng câu hỏi ấy mà cổ họng hắn thắt nghẽn lại, điều bao giờ cũng xảy ra trước khi lên con và hắn lăn nhào xuống đáy hầm, bất tỉnh nhân sự. Và trong sự tình cờ tự nhiên ấy, người ta lại nhìn thấy một cái gì đáng ngờ, một chỉ dẫn gì đó, một điều xa xói cho thấy rằng hắn cố tình giả vờ ốm! Nhưng nếu cố tình thì lập tức xuất hiện vấn đề: vì lẽ gì? Vì sự tính toán thế nào, với mục đích gì. Tôi không nói về y học, người ta bảo đấy là khoa học giả dối, khoa học sai lầm: các bác sĩ không thể phân biệt thật với giả tảng, cứ cho là thế đi, cứ cho là thế đi, nhưng hãy trả lời tôi câu hỏi: vì lẽ gì hắn giả tảng? Phải chăng khi đã toan tính chuyện giết người thì làm như thế để ở trong nhà người ta để ý trước đến mình hơn? Thưa quý vị bồi thẩm, các vị thấy không, trong nhà Fedor Pavlovich đêm xảy ra tội ác có năm người: thứ nhất là bản thân Fedor Pavlovich, nhưng ông ta không tự giết mình, điều đó rõ; thứ hai là gia nhân của ông ta là Grigori, cũng là gia nhân, Marfa Ignatievna, nhưng tưởng tượng mụ là kẻ giết chủ thì thật xấu hổ. Thành thử chỉ còn lại hai người: bị cáo và Xmerdiakov. Nhưng bị cáo nhất quyết là mình không giết, thì kẻ giết phải là Xmerdiakov, không còn cách nào khác, bởi vì không thể tìm được người nào khác, không thể lựa chọn được kẻ giết người nào khác. Thế đấy, đó là nguyên nhân sinh ra lời buộc tội "ranh mãnh" và to tát cho thằng ngốc bất hạnh hôm qua đã tự sát! Chính chỉ vì một lý do là không có cách lựa chọn nào khác! Nếu có chodù là một cái bóng, chodù là sự nghi ngờ một người nào khác, một nhân vật thứ sáu nào thì tôi tin chắc rằng ngay cả bị cáo cũng sẽ xấu hổ không dám khai cho Xmerdiakov, mà sẽ chỉ ra nhân vật thứ sáu ấy, vì buộc tội Xmerdiakov giết người là hoàn toàn vô lý
Thưa các vị, ta hãy tạm gác tâm lý, tạm gác y học, tạm gác ngay cả logic, trở lại các sự kiện, chỉ các sự kiện thôi, và hãy xem các sự kiện nói với chúng ta như thế nào. Xmerdiakov giết? Nhưng giết bằng cách nào? Một mình hay đồng loã với bị cáo? Thoạt tên ta hãy xét trường hợp thứ nhất, tức là Xmerdiakov giết một mình. Cố nhiên nếu giết thế là vì mục đích gì đó, vì cái lợi gì đó. Nhưng không hề có lý do giết người vĩ những điều vốn có ở bị cáo: căm hờn, ghen tuông v.v… Xmerdiakov giết người chắc chắn chỉ vì tiền, để chiếm lấy ba ngàn đồng mà chính mắt hắn đã thấy ông chủ cho vào phong bì. Thế là sau khi dự tính giết người, hắn thông báo trước cho người khác biết, hơn nữa lại là người rất quan tâm đến việc này, chính là bị cáo, - mọi hoàn cảnh về tiền và mật hiệu: phong bì tiền nằm ở đâu, trên phong bì viết cái gì, buộc bằng gì, cái chính là thông báo về "mật hiệu" để có thể vào chỗ ông chủ. Sao, hắn làm như thế để trực tiếp tố giác mình à? Hay để tìm cho mình một kẻ cạnh tranh có lẽ cũng muốn vào chiếm đoạt chiếc phong bì. Phải, người ta nói với tôi, vì sợ hãi mà do dự mưu tính một việc gan dạ và thú vật như thế, rồi thực hiện, lại đi cho biết những điều mà cả thế gian chẳng bao giờ có ai đoán ra được. Không, dù con người hèn nhát như thế nào, khi đã mưu tính một việc như vậy thì sẽ không đời nào nói với ai, ít ra là về chiếc phong bì và mật hiệu, vì như thế là tố giác mình trước hết. Phải cố bịa ra một điều gì, nghĩ ra chuyện gì khác để nói dối, nếu như người ta cứ nhất định đòi hắn cho biết, còn về chuyện ấy thì im lặng! Trái lại, tôi nhắc lại điều này, nếu như hắn im lặng chỉ về tiền thôi, rồi sau đó giết và chiếm số tiền ấy, thì cả thế gian sẽ không bao giờ có ai có thể buộc tội hắn ít ra là giết người cướp của, bởi vì ngoài hắn ra, không ai nhìn thấy số tiền ấy, chẳng ai biết có số tiền ấy ở trong nhà này. Chodù người ta có buộc tội hắn thì nhất định sẽ cho rằng hắn giết vì động cơ khác. Nhưng bởi vì chẳng ai nghĩ đến những động cơ ấy, trái lại mọi người đều thấy hắn được chủ yêu mến, có vinh dự được chủ tin cẩn, nên cố nhiên hắn là người sau rốt bị nghi ngờ, còn kẻ bị nghi ngờ trước hết là kẻ có động cơ ấy, kẻ đã la ầm lên rằng y có động cơ ấy không hề che giấu, phơi bày chúng trước mọi người, tóm lại người ta ngờ kẻ giết người là con trai kẻ bị giết, Dmitri Fedorovich. Xmerdiakov sẽ giết và lấy của, còn con trai nạn nhận sẽ bị buộc tội, thế là cố nhiên tên sát nhân Xmerdiakov có lợi chứ gì? Ờ, bởi vậy Xmerdiakov, sau khi dự tính giết người, liền cho anh con trai Dmitri biết về tiền, về phong bì và mật hiệu - logiclắm, sáng sủa lắm! Đến ngày Xmerdiakov dự tính giết người, hắn giả tảng ngã lộn nhào trong cơn động kinh, để làm gì? Cố nhiên là để thứ nhất, gia nhân Grigori vốn dự định chữa bệnh và thấy không có ai trong nhà, có thể sẽ hoãn việc chữa bệnh và ngồi canh nhà. Thứ hai, cố nhiên là để ông chủ thấy không có ai canh gác cho mình và rất sợ con trai đến, điều này ông không che giấu, sẽ càng ngờ vực và thận trọng hơn. Cuối cùng, và đây là cái chính, cốt để người ta lập tức chuyển hắn, Xmerdiakov, nhược lử vì cơn động kinh, ra khỏi bếp, nơi hắn vẫn ngủ đêm một mình và có lối đi riêng đến đầu nhà, vào buồng Grigori, tới chỗ hai người sau bức vách, cách giường hắn ba bước như thường lệ từ xưa đến giờ hễ hắn lên cơn động kinh, theo lời chỉ bảo của ông chủ và Marfa Ignatievna đau tim. Ở đấy, nằm sau tấm vách, nhiều phần chắc hơn cả, để tỏ ra mình ốm thực, hắn bắt đầu rên la, tức là để đánh thức họ suốt đêm (sự thể đúng như thế, theo lời khai của Grigori và vợ lão), - và tất cả chỉ là để dễ bề đột nhiên trở dậy và sau đó giết ông chủ! Nhưng người ta sẽ nói với tôi rằng có lẽ chính hắn giả tảng để không ai nghi cho người ốm cả, còn hắn cho bị cáo biết về tiền và về mật hiệu chính là để anh ta bị cám dỗ và đến giết cha, rồi khi thấy bị cáo đã giết cha, lấy tiền ra đi và có lẽ làm ồn ào kinh động, đánh thức những người làm chứng dù khi ấy, các vị ạ, Xmerdiakov sẽ trở dậy và đến, để làm gì? Đến lần nữa để giết ông chủ và một lần nữa lấy đi số tiền đã bị lấy đi. Thưa các vị, các vị cười à? Chính tôi cũng xấu hổ đã đưa ra những giả thuyết như vậy còn trong khi đó, các vị thử tưởng tượng xem, chính bị cáo khẳng định như vậy: sau khi tôi đã ra khỏi nhà, đánh ngã Grigori và gây náo động thì hắn trở dậy, đến giết người cướp của. Đấy là tôi chưa nói về việc làm sao Xmerdiakov có thể tính trước tất cả và thấy trước mọi việc chi ly tỉ mỉ, nghĩa là người con trai tức giận điên cuồng sẽ đến chỉ để kính cẩn nhìn vào cửa sổ và nắm được mật hiệu, lại tháo lui, để mặc cho Xmerdiakov vớ bẫm tất cả! Thưa các vị tôi đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh: Xmerdiakov phạm tội vào lúc nào? Hãy chỉ ra thời điểm ấy, nếu không thì không thể buộc tội được.
"Có lẽ đấy là cơn động kinh thực sự chăng? Người bệnh chợt thức giấc, nghe thấy tiếng hét và đi ra". - thế thì sao? Hắn nhìn và tự nhủ: ta đi giết ông chủ chăng? Nhưng làm thế nào hẳn biết được sự tình ra sao, đã xảy ra chuyện gì, vì cho đến lúc ấy hắn nằm mê man kia mà? Tuy nhiên, thưa các vị, trí tưởng tượng phóng túng cùng phải có giới hạn.
"Đúng thế. - những người tinh tế sẽ nói, - nếu cả hai ăn ý với nhau thì sao, nếu cả hai cùng giết và chia tiền thì sao?"
"Vâng, quả thực đây là một sự nghi ngờ quan trọng - có ngay những chứng cớ xác nhận hùng hồn: một người giết và đảm đương mọi khó nhọc, kẻ tòng phạm nằm giả vờ lên cơn động kinh - chính là để gây sự nghi ngờ cho mọi người, sự lo ngại cho ông chủ, sự lo ngại cho Grigori. Lạ một điều, vì cớ gì hai kẻ đồng loã có thể nghĩ ra một kế hoạch điên dại như vậy? Nhưng có lẽ đấy hoàn toàn không phải là sự đồng loã tích cực từ phía Xmerdiakov, mà có thể nói là sự đồng loã thụ động, đau khổ: có lẽ Xmerdiakov bị doạ dẫm, chỉ bằng lòng không chống lại việc giết người, và linh cảm thấy sẽ bị buộc tội là để cho người ta giết chủ, không la hét, không chống cự, hẳn đã đòi Dmitri Karamazov cho phép trong thời gian đó nằm dài như thể lên cơn động kinh, "còn cậu cứ thẳng tay mà giết, tôi không biết gì hết". Nhưng nếu vậy, cơn động kinh sẽ gây náo loạn trong nhà, nên nhìn thấy trước điều đó. Dmitri Karamazov không thể chấp nhận sự thoả thuận như vậy. Nhưng tôi cứ cho là anh ta đồng ý đi. Dù có vậy đi nữa thì Dmitri Fedorovich vẫn cứ là kẻ giết người, kẻ giết người trực tiếp và chủ mưu, còn Xmerdiakov chỉ là người tham gia thụ động, thậm chí chỉ là kẻ dung túng vì sợ hãi và trái với ý muốn của mình, còn toà án thì nhất định phải phân biệt điều đó, vậy thì chúng ta thấy gì? Vừa bị bắt xong là bị cáo đổ hết tội cho một mình Xmerdiakov và chỉ buộc tội một mình hắn thôi. Không, phải buộc tội hắn làm việc đó, hắn giết người cướp của, việc làm của hắn! Đồng loã quái gì mà ngay từ đầu kẻ nọ lại đổ cho kẻ kia: điều đó chưa bao giờ có. Xin chú ý rằng đấy là chuyện liều lĩnh bao nhiêu đối với Karamazov: anh ta là kẻ sát nhân chính, kẻ kia chỉ là kẻ làm ngơ và nằm sau tấm vách, và anh ta đổ tội cho kẻ nằm bẹp một chỗ. Khi ấy kẻ kia có thể nổi cáu và chỉ để tự vệ mà sẽ nói hết sự thật: cả hai cùng tham gia, có điều tôi không giết, chỉ cho phép và làm ngơ vì sợ hãi. Bởi lẽ Xmerdiakov có thể hiểu rằng toà sẽ phân biệt được ngay mức độ tội lỗi, vì vậy có thể dự tính rằng nếu hắn bị trừng phạt thì nhẹ hơn rất nhiều so với thủ phạm chính muốn đổ tội hết cho hắn. Nhưng như vậy thì dù không muốn hắn cũng sẽ thú nhận. Ta không hề thấy như vậy. Xmerdiakov không đả động gì đến chuyện đồng loã, mặcdù bị cáo nhất quyết buộc tội hắn và luôn luôn nói rằng hắn là kẻ giết người duy nhất. Chưa đủ: Xmerdiakov đã khai trong khi điều tra rằng chính hắn nói với bị cáo về phong bì tiền và mật hiệu, mà không có hắn thì bị cáo chẳng biết được gì. Nếu hắn thực sự đồng loã và có tội thì hắn có dễ dàng khai chuyện ấy như thế với người điều tra không, tức là tất cả những điều hắn đã cho bị cáo biết? Trái lại hắn sẽ một mực chối cãi và nhất định sẽ xuyên tạc và làm giảm nhẹ tội. Chỉ có kẻ vô tội, không sợ bị ghép là đồng loã mới có thể làm như vậy. Thế rồi, trong cơn u uất do động kinh và do toàn bộ tai hoạ đã bùng ra, hôm qua hắn đã treo cổ, để lại bức thư viết bằng lời lẽ đặc sắc: "Tôi tự ý chẩm dứt cuộc đời, xin đừng kết tội ai cả". Hắn có khó gì mà không viết thêm được; kẻ giết người là tôi, chứ không phải Karamazov. Nhưng hắn không viết thêm: với việc này thì đủ gan, với việc khác thì không ư? Ban nãy, người ta vừa mang tiền đến toà, ba ngàn rúp, chính số tiền nằm trong chiếc phong bì hiện ở trên bàn để vật tang chứng kia, người ta bảo hôm qua tôi đã nhận được của Xmerdiakov. Nhưng thưa các vị bồi thẩm, các vị vẫn nhớ câu chuyện đáng buồn ban nãy đấy. Tôi không nhắc lại chi tiết, tôi sẽ chỉ đưa ra vài ba điều trong số những điều nhỏ nhặt nhất, - chính bởi vì nó nhỏ nhặt nên không phải ai cũng nghĩ tới và sẽ quên đi. Thứ nhất là do lương tâm cắn rứt hôm qua Xmerdiakov hoàn lại tiền và tự treo cổ. (Bởi vì nếu lương tâm không cắn rứt thì hắn đã không hoàn lại tiền). Và mãi đến tối hôm qua lần đầu tiên hắn mới thú tội với Ivan Karamazov, chính Ivan Karamazov nói như vậy, nếu không thì tại sao hắn vẫn im lặng cho tới giờ. Vậy là hắn thú tội, vậy thì tại sao, tôi nhắc lại, trong lá thư trước khi chết, hắn không nói hết sự thật với chúng ta khi biết rằng ngày mai sẽ là phiên toà khủng khiếp đối với một kẻ vô tội? Chỉ riêng tiền thôi chưa phải là bằng chứng. Chẳng hạn tôi và hai người nữa trong phòng này, hoàn toàn tình cờ được biết rằng mới cách đây một tuần, Ivan gửi lên tỉnh lị đổi hai trái khoán 5% mỗi cái năm ngàn rúp, tổng cộng là mười ngàn rúp. Tôi chỉ muốn nói rằng người ta có thể có tiền vào một ngày nhất định nào đó và mang đến ba ngàn rúp không nhất thiết chứng minh được rằng đấy là số tiền ấy, chính là số tiền trong ngăn kéo hay phong bì. Rốt cuộc Ivan Karamazov hôm qua nhận được tin quan trọng về kẻ giết người thực sự, liền ngồi yên. Nhưng tại sao anh ta không đi trình báo ngay. Tại sao anh ta hoãn tất cả đến sáng hôm sau? Tôi cho rằng tôi có quyền đoán tại sao; đã một tuần sức khỏe suy sụp, chính anh ta thú nhận với bác sĩ và những người thân cận rằng anh ta có những ảo giác, anh ta nhìn thấy những người đã chết; trước cơn bệnh sốt nóng mà chính hôm nay bột phát, bất ngờ được tin Xmerdiakov đã chết anh ta lập luận như sau: "Hắn đã chết, có thể đổ cho hắn để cứu anh, tiền thì ta có: Hãy lấy một tiệp tiền và nói rằng Xmerdiakov trao cho ta trước khi chết". Các vị sẽ nói rằng như thế là bất lương. Dù là vu cho người chết cũng cứ là bất lương, chodù là để cứu anh đi nữa! Đúng, nhưng nếu anh ta nói dối một cách vô ý thức thì sao, nếu anh ta tưởng tượng rằng sự thể đúng như thế, anh ta hoàn toàn rối trí khi được tin về cái chết bất ngờ của thằng hầu thì sao? Các vị đã thấy cảnh ban nãy, các vị đã thấy con người ấy ở trong trạng thái như thế nào. Anh ta đứng nói, nhưng trí óc anh ta để tận đâu đâu, tiếp sau lời khai của người sốt nóng là một tài liệu lá thư của bị cáo gửi cô Verkhovxeva, viết hai ngày trước khi phạm tội, có chương trình hành động chi tiết vạch sẵn. Vậy việc gì chúng ta phải di tản chương trình ấy, và kẻ thực hiện không phải ai khác ngoài kẻ vạch chương trình. Đúng, thưa các vị bòi thẩm, "việc diễn ra đúng như đã viết"! Và chúng ta không kính cẩn và sợ hãi chạy khỏi cửa sổ nhà cha, khi đã tin chắc rằng người yêu của chúng ta hiện ở trong đó. Không, điều đó thật vô lý và khó tin là thật. Anh ta vào và kết thúc sự việc. Có lẽ anh ta giết trong lúc tức giận, bừng bừng lửa hận, vừa nhìn kẻ tình địch đáng căm của mình, nhưng giết xong, việc này có thể làm trong nháy mắt, vung cái chày đồng cầm trong tay lên là xong, và tiếp đó, sau khi lục soát tỉ mỉ, biết chắc rằng cô nàng không có ở đây, anh ta không quên thọc tay vào dưới đệm và lấy ra phong bì tiền, chiếc phong bì bị xé hiện nằm trên bàn để tang chứng. Tôi nói thế để lưu ý các vị đến một tình kết mà theo tôi có ý nghĩa rất đặc biệt. Dù là tên giết người có kinh nghiệm hay là tên giết người để lấy của thì liệu có để lại chiếc phong bì trên sàn nhà như người ta đã tìm thấy nó bên xác chết không? Giá dụ là Xmerdiakov giết người để cướp của thì hắn sẽ mang cả đi, không nhọc công mớ phong bì trên xác nạn nhân của mình, bởi vì hắn biết chắc trong phong bì có tiền, - người ta đã cho tiền vào đó và niêm phong trước mắt hắn kia mà, hắn sẽ mang tuốt cả phong bì đi, như vậy thì chẳng ai biết có vụ lấy trộm tiền hay không.
Thưa quý vị bồi thẩm, tôi xin hỏi, Xmerdiakov liệu có hành động như thế không, có để lại phong bì trên sàn không? Không, kẻ sát nhân điên cuồng chính phải hành động như thế, y không lý luận, kẻ sát nhân không phải là tên ăn cắp và cho đến lúc ấy chưa hề ăn cắp cái gì bao giờ, và bây giờ lấy tiền dưới đệm ra không phải như tên ăn cắp, mà là lấy lại đồ vật của mình đã bị kẻ khác đánh cắp, đấy chính là ý nghĩ của Dmitri Karamazov về ba ngàn đồng đã nung nấu làm anh ta phát cuồng lên. Thế rồi sau khi chiếm được gói tiền mà trước đó anh ta chưa hề nhìn thấy, anh ta xé phong bì để biết chắc trong đó có tiền không, rồi bỏ tiền vào túi chạy đi, quên bẵng rằng anh ta để lại trên sàn một bằng chứng lớn lao kết tội mình, chiếc phong bì bị xé rách. Tất cả là vì Karamazov, chứ không phải là Xmerdiakov, đã không nghĩ ra, không suy tính, mà nghĩ ra thế nào được! Anh ta chạy, nghe thấy tiếng gào cửa lão bộc đuổi kịp anh ta lão túm lấy anh ta, ngăn lại và ngã gục vì bị giáng chiếc chày đồng. Bị cáo nhảy xuống xem Grigori vì thương hại. Các vị hãy tưởng tượng, anh ta cam kết với chúng ta rằng anh ta nhảy xuống với lão bộc vì tình thương, vì thông cảm xem có thể cứu giúp lão không. Giây phút ấy có phải là lúc nói chuyện thông cảm được không? Không, anh ta nhảy xuống chính là để biết chắc: người duy nhất chứng kiến tội ác của anh ta còn sống hay chết. Mọi tình cảm khác, mọi động cơ khác đều thiếu tự nhiên! Xin chú ý, anh ta mất công sức với Grigori, dùng khăn tay lau đầu cho lão, và biết chắc lão đã chết anh ta bối rối, máu đầy người, lại chạy đến nhà người tình, làm sao anh ta không nghĩ rằng toàn thân anh ta vấy máu và sẽ bị lộ ngay? Nhưng bị cáo cam đoan với chúng ta rằng anh ta không để ý rằng người anh ta vấy đầy máu; điều đó có thể chấp nhận được, rất có thể như vậy, với những kẻ phạm tội bao giờ cũng có thể có những phút như vậy. Một mặt thì tính toán quỷ quyệt, mặc khác lại thiếu suy xét. Lúc ấy anh ta chỉ nghĩ đến chuyện
nàng ở đâu. Anh ta cần mau mau biết
nàng ở đâu, thế là anh ta chạy vào nhà nàng và biết một tin bất ngờ và hết sức trọng đại đối với mình: nàng đi Mokroe với người "cũ" có quyền không chối cãi được!"