CHƯƠNG III
LƯU VONG

Bị đánh thức bởi tiếng đập cửa liên hồi Hưng tung mền nhảy ra khỏi giường. Vừa mở cửa Thành đã ló mặt vào khuôn mặt hốt hoảng:
_ Cậu có thấy Mơ của moa đâu không?
_ Mơ của toa mà toa lại hỏi moa thì sao mà moa biết được? Hưng đáp lấp lửng.
Thành gắt:
_ Giờ này mà còn đùa. Tại sao sáng sớm đã không thấy mặt. Cửa phòng không khoá vào không thấy ngườI cũng thấy thấy quần áo đâu hết. Mai lên đường rồi biết tìm đâu bây giờ!
Hai anh em ra sức tìm Mơ suốt ngày chủ nhật. Hưng không hỏi cặn kẽ nhưng lờ mờ hiểu được mối quan hệ giữa hai người. Chẳng ai biết Mơ ở đâu. Ai cũng lắc đầu không nói. 
Thành chép miệng cay đắng:
_ Chắc bọn công nhân tụi nó giấu Mơ đi rồi! Chúng nó không ưa chúng mình đâu!
Hưng bàn:
_ Bây giờ anh cứ về trước đi kẻo lỡ chuyến tàu. Khi nào tìm được Mơ tôi sẽ khuyên Mơ về sau rồi báo ngày giờ cho anh ra đón.
Không còn cách nào khác Thành gởi gắm một số tiền và thư dặn dò nhờ trao lại cho Mơ.
Hưng cố ý dò tin tức Mơ thêm một ngày nữa nhưng không được gì. Những ngày sau Hưng đi làm bình thường. Trước khi ra khỏi nhà Hưng dán một mảnh giấy trước cửa. Hưng đoán thế nào Mơ cũng ghé qua vì phòng Mơ còn vài thứ lặt vặt… Mảnh giấy ghi: “Cô Mơ! Nếu cô có dịp ghé qua đây xin cô vui lòng cho tôi gặp mặt. Tôi có chuyện cần nói với cô. Ký tên: Hưng.”
Một tuần sau khi đi làm về Hưng không còn thấy mảnh giấy đâu nữa. Không thấy Mơ ở nhà nên đoán Mơ lang thang đâu đó chờ mình đi làm về chăng? Hưng đi về phía bãi biển…
Mơ ngồi một mình trên bờ đá nhìn nước biển xô mặt ghềnh chán rồi lại dõi mắt về phương trời xa… Nghĩ đến chuyến tàu đang mang Thành đến gần với quê hương trong lòng dâng lên một niềm hối tiếc ân hận. Biết bao giờ Mơ mới có thể thực hiện giấc mơ trở về quê hương của riêng mình? Mơ không muốn về cùng với Thành. Nghĩ đến cảnh phải đối mặt với gia đình vợ con anh ta Mơ rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa! Mơ nhớ lại cái ngày định mệnh đã đưa Mơ vượt trùng dương trôi dạt đến đảo này. Những giây phút chia ly buồn thảm. Những đôi mắt trong veo của đàn em nhỏ… Mới đó mà đã hơn năm rồi!
Đôi khi Mơ không muốn tin đây là sự thật. Buổi sáng hôm ấy Mơ dậy rất trễ. Nằm vùi trong đống rạ khô lúc nào cũng đầy hơi ấm, Mơ cong người như con tôm, mắt nhắm nghiền chưa muốn nhìn thấy ánh sáng của một ngày mới. Muốn thời gian ngừng trôi. Thế nhưng ánh nắng lọt qua liếp cửa hé mở gay gắt vạch những vệt dài trên đám cỏ Mơ nằm khiến cuối cùng Mơ phải mở mắt ra. Mơ nghe có tiếng lịch kịch, nhìn xéo ra ngoài, thoáng thấy bóng mẹ ra vào dọn dẹp gánh hàng. Mơ ngồi bật dậy, hỏi vọng ra:
_ Mẹ đấy à? Sao về sớm thế mẹ?
Mẹ nói rõ to:
_ Giời ạ! Con gái con đứa giờ này còn ngủ à? Cái ngữ này mà lấy chồng, chồng nó cạo trọc đầu đi đó con ạ!
Rồi giọng mẹ bỗng dịu lại:
_ Ra rửa mặt đi rồi vào mẹ bảo cái này!
Mơ lững thững bước xuống nhà sau, múc nước bằng cái gáo dừa nhẵn thín đen bóng ở cái vại rửa mặt. Những giọt nước mát lạnh làm Mơ tỉnh hẳn.
Mẹ tiến lại gần khẽ nói:
_ Mơ à! Hôm nay con không phải nấu cơm đâu! Mọi việc dưới bếp đã có mẹ lo. Con vào sửa soạn mặc quần áo đẹp, chải đầu tóc gọn gàng nghe con! Chút nữa có người tới xem mặt đấy!
Mơ buông cái gáo rớt xuống đất, mắt mở to, sửng sốt nhìn mẹ để mặc cho những giọt nước chảy trên má:
_ Mẹ nói gì vậy? Xem mặt là làm sao? Ai mới được chứ?
Mẹ đáp:
_ Con cụ Hiếu ở xóm dưới ấy! Cụ Hiếu, bạn rượu của bố chứ ai đâu xa lạ!
Mơ nói như hét:
_ Giời ơi! Tại sao lại bất ngờ thế? Lẽ ra bố mẹ phải cho con biết trước chứ?
Thấy Mơ phản ứng dữ dội mẹ nói lẫy:
_ Tôi không biết gì cả! Cô lên mà hỏi bố cô ấy! Ở cái nhà này tôi chả là gì hết! Chồng với chả con! Khổ cái thân con này quá!
Khuôn mặt còn đẫm nước chưa thấm khô, Mơ mếu máo chạy vội ra nhà trước gặp bố. Ông đang ngồi phe phẩy quạt nhìn ra đường. Mơ đứng trước mặt ông. Ông cụ kêu lên:
_ Sao không lâu khô mặt đi mà để ướt mèm thế?
Mơ thút thít khóc:
_ Bố ơi! Sao bố không hỏi ý con hở bố? Bố hại con rồi bố ơi! Con biết ăn nói sao bây giờ?
Ông cụ xếp chiếc quạt lại đứng lên vỗ vai Mơ nói khẽ:
_ Bố đã trả lời đâu! Chẳng qua người ta tới xem mặt làm quen vậy mà! Con cứ bình tĩnh ra đón tiếp cho phải phép. Chuyện đâu còn đó! Nếu con không bằng lòng bố sẽ lựa lời nói lại với người ta. Đừng có sồn sồn lên như thế người ta lại chửi cho là cái nhà này không biết dạy con. Thôi! Biến vào trong không người ta đến bất thình lình thì có mà ê mặt.
Mơ chạy vụt ra phía sau vườn ngồi khóc lặng lẽ bên bụi gừng. Tay bứt bừa những lá kinh giới, tía tô rau răm rồi vò nát. Một lúc Mơ ngừng khóc, buồn bã nhìn ra mặt ao lềnh bềnh những đám bèo trôi, suy nghĩ vẩn vơ. Gió từ mặt ao thổi nhẹ làm hương hoa bưởi tản mạn luồn qua mái tóc phất phơ bay, mát rượi cả cổ. Trong tận cõi lòng Mơ nghe như có tiếng gọi mơ hồ thôi thúc Mơ thoát khỏi nơi đây. Mỗi lần uất ức muốn thoát khỏi điều gì Mơ thường nghe tiếng gọi ấy! Nó làm cho lòng Mơ khắc khoải bứt rứt. Mơ thở dài rồi vụt lén chạy khỏi nhà. Mơ cắm đầu chạy đến gốc đa đầu làng thì kiệt sức ngồi phịch xuống khóc tiếp, cảm thấy mình bất lực không lối thoát. Đang khóc bỗng Mơ thấy có bàn tay lay vai mình. Một giọng nói quen thuộc cất lên:
_ Mơ đó phải không? Phải Mơ không?
Mơ ngửng mặt lên đầm đìa nước mắt nhận ra hai vợ chồng cái Thêu. Thêu hỏi dồn dập:
_ Sao thế này? Sao lại ra đây mà khóc?
Mơ kể lể sự tình. Anh Đực, chồng Thêu, bàn bạc rủ rê:
_ Mơ biết vợ chồng anh đi đâu không? Sắp đi Tân đảo đấy! Hay là Mơ đi với anh chị đi! Qua đó có chị có em cho vui. Mơ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
_ Em mười lăm anh ạ!
_ Thế thì khi tới nơi tuyển mộ phải khai mười bảy nghe chửa? Mơ đừng lo qua đó làm có tiền gởi về bố mẹ hết giận ngay! Chiều nay phải có mặt tại Hải Phòng rồi! Mơ đi luôn với tụi này đi. Anh chị cho mượn tiền xe. Qua đó làm trả sau.
Sự việc xảy ra quá nhanh chóng khiến Mơ không còn đầu óc để suy tính. Mơ theo vợ chồng cái Thêu rời xa làng quê. Trên chuyến xe Mơ thoáng thấy lần cuối cùng bờ tre, nóc nhà thờ, những khuôn mặt nông dân quen thuộc, những con đường lấm đầy bùn đất, bước chân nặng nề của những người đàn bà gánh hàng lầm lũi đi…
Lên tới Hải Phòng Mơ lọt qua vòng tuyển mộ một cách dễ dàng. Lênh đênh trên biển một tháng trời Mơ có cảm giác mình là con vật bị đóng cũi đưa đi bán tại chợ. Cảnh ngột ngạt nơi hầm tàu. Những lớp người nằm sát bên nhau như những lớp cá người ta đem ướp muối. Thế nhưng cứ nghĩ đến viễn cảnh được thoát ra khỏi đời sống tẻ ngắt của làng quê khiến Mơ có đủ sứ vượt qua những gian nan trên chuyến tàu đến Tân đảo.
Khi tàu cập bến, đoàn người trong đó có Mơ được đưa đến nơi khám sức khoẻ trước khi được phân phối đến các đồn điền. Mơ xếp hàng sau anh Đực và Thêu chờ đợi. Những người khám xong được chỉ dẫn ra đi bằng một lối khác. Vợ chồng cái Thêu cũng thế. Khi không còn thấy họ đâu nữa Mơ bắt đầu run, nhất là khi vị bác sĩ hỏi tên tuổi. Khi ông ta hỏi lại:
_ Mười bảy tuổi à? Có thật không đấy?
Được dặn trước nhưng Mơ vẫn trả lời lúng túng:
_ Dạ… Dạ… Đúng ạ!
Bác sĩ nhìn kỹ Mơ rồi ra hiệu cho Mơ ngồi qua một bên chờ quyết định của ông. Thấy mình bị giữ lại trong khi đoàn người cứ thưa dần biến mất ở ngõ sau Mơ nghe tim mình đập liên hồi. Có lẽ đoán trước được tâm trạng bồn chồn ấy nên khi không còn ai nữa vị bác sĩ cởi áo khoác ngoài kéo ghế ngồi cạnh Mơ bắt đầu gặng hỏi về nguyên do tại sao Mơ sang đây? Không đợi cho Mơ phân trần dài dòng ông từ tốn kể lại những gì ông biết được về số phận công nhân Việt nam. Những xác chết bị khai quật lên vì nghi là do chủ đánh chết, những hầm ngục u tối dành cho ai không làm xong khoán, những khoản lương bị cướp trắng, những ngày lao động khổ sai đền bù lại cho chủ… Tất cả đã làm Mơ sợ cứng đờ người. Mơ cố nhìn ra ngoài để tìm vợ chồng cái Thêu nhưng không thấy đâu!
Sau một hồi giải thích vị bác sĩ tỏ ý muốn giúp Mơ thoát ra khỏi cảnh này.  Ông ta đề nghị Mơ ở lại phụ giúp ông những việc lặt vặt, bù lại ông sẽ trả tiền tàu và khi nào về Việt nam ông sẽ đưa Mơ về. Lúc đầu Mơ không chịu. Tất cả đã sụp đổ. Thất vọng ê chề Mơ ôm mặt khóc nức nở. Thành cố gắng phân giải thiệt hơn. Cuối cùng Mơ đã bị thuyết phục, không còn muốn theo đoàn công nhân kia đến các đồn điền nữa! Nơi mà theo một người kinh nghiệm như bác sĩ sẽ có biết bao nguy hiểm đang chực chờ. Ngay trong đoàn công nhân ấy Mơ cũng không thể an toàn được lâu! Khi mà tình trạng tình dục của con người bị ức chế đến mức tối đa và quá lâu. Cứ năm nam mới có một nữ. Một sự mất cân bằng đáng lo ngại.
Thế rồi qua những lần theo bác sĩ đi khám bệnh trong láng trại Mơ dần dần hiểu mọi điều. Mơ gặp lại vợ chồng Thêu và những người làng đã ra đi trước đó rất lâu. Có lần Mơ bắt gặp ánh mắt nhẫn nhục của một người đàn ông phải dợm bước thật mạnh trước khi vào nhà để ngầm báo cho người tình của vợ kịp thoát ra cửa sau… Hoặc sự khao khát muốn trả thù ánh lên trong đôi mắt của người chồng có vợ nhưng không thể sở hữu một mình. Tiếng nói bất lực nhưng đầy hăm doạ rít qua kẽ răng: “Mày thì mày chết với ông. Ông mà về tới Hải Phòng ông sẽ bỏ mày ngay!”
Giết nhau vì ghen tuông xảy ra như cơm bữa. Những tấm khăn trải giường và mùng thấm đầy máu được chủ đồn điền trưng ra để dò xét đám công nhân hầu tìm ra thủ phạm. Họ được chủ tập hợp lại quanh những vật chứng. Tất cả phải nhìn vào những vết máu ấy. Ánh mắt đầy kinh nghiệm của chủ sẽ dừng lại khi một ai đó lúng túng hoặc không dám nhìn mà quay đi. Kẻ sát nhân thường bị bắt ngay lập tức.
Tâm hồn ngây thơ vô tội của Mơ dần dần biến mất. Sống trong cái thế giới đầy hỗn loạn này Mơ không còn tin vào những gì mình được dạy dỗ sau lũy tre xanh êm ả, nơi xóm đạo ngày nào! Mơ nghi ngờ sự hiện hữu của cái gọi là “thủy chung”. Sự hiếm hoi phụ nữ đã làm cho bản chất thật của con người hiện nguyên hình? Được săn đón, chiều chuộng, được tranh giành trong phút chốc trở thành lăng loàn, tráo trở, sống sượng trơ trẽn đến tột cùng!
Tuy thấy rõ những điều này Mơ vẫn phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Mơ sợ hãi khi bắt đầu nhận ra sự bất lực khi muốn bảo vệ sự trong trắng của mình… Có lần Mơ thấy mình ngụp lặn trôi nổi chơi vơi trên một dòng sông. Tiếng kêu đau đớn tuyệt vọng của Mơ bị tắc nghẽn, nhấn chìm, bị cuốn phăng đi theo dòng xiết. Tỉnh dậy Mơ bình tĩnh chấp nhận sự thật… Bác sĩ Thành như cái phao Mơ phải bám vào bấp bênh theo dòng đời đầy sóng gió khắc nghiệt này.
Nhờ phụ giúp công việc với bác sĩ Mơ quen được những lính thủy trên các tàu buôn thường ghé đảo, trở thành môi giới đưa những mặt hàng cần thiết hiếm hoi đến với những công nhân hoặc giúp người Việt trên đảo trao đổi tiền với lính thủy. Mơ kiếm hoa hồng giữa các bên. Mặc dù được Thành hứa sẽ mua vé và bảo đảm đưa Mơ về tận quê nhà nhưng Mơ không nghĩ sẽ về với Thành.  Mơ giấu số tiền mình kiếm được và nghĩ đến tương lai của riêng mình.
Chủ nhật nào Mơ cũng được gặp Thêu. Khi thì bác sĩ đưa Mơ đến lán trong đồn điền. Khi thì Thêu đến gặp Mơ. Hai chị em lang thang trong khu rừng dừa gần đó. Thế rồi một hôm Mơ nghe một tin như sét đánh ngang tai. Thêu bị hãm hiếp rồi bị giết. Thân thể cùng với thai bảy tháng bị vùi lấp dưới xác lá dừa trong khu rừng bao la hoang vắng. Có người thấy kẻ tình nghi tay cầm cây búa người vấy đầy máu chạy trên con đường tắt băng qua khu rừng dừa. Hắn ta là tên tù bị tâm thần được chủ bảo lãnh về giúp việc nhà để khỏi trả tiền công. Cảnh sát ập vào nhà, chủ bao che bênh vực khăng khăng khai rằng hắn ta vừa mổ bò xong nên người mới có máu. Cuộc điều tra tiếp tục…
Một tuần sau một tin rùng rợn hơn lan truyền. Người ta đồn hồn Thêu chết oan nhập vào tên sát nhân thừa lúc chủ đi vắng cầm dao xông vào phòng giết vợ và đứa con nhỏ. Đứa con lớn năm tuổi sợ quá nép sau cánh cửa, tên sát nhân tìm không ra… Cậu bé thoát chết! Cảnh sát còng tay hắn ta ngay lập tức.
Cái chết của Thêu làm Mơ hụt hẫng, đau buồn, cô đơn hơn nữa. Mơ không còn ai để tâm sự ngoài bác sĩ Thành. Một hôm nhớ Thêu quá Mơ mon men lên khu rừng dừa. Con đường nhỏ in bóng Mơ đi xen lẫn với bóng dừa ngả nghiêng trong nắng chiều hiu hắt. Nắng nhạt dần, hấp hối trên những ngọn cây… Đi đến một đoạn những gốc dừa mọc thành hàng như dày hơn lên, Mơ nhớ lại giọng cười của cái Thêu ngày nào như còn rơi rớt đâu đây… Có con gì kêu lẻ loi thưa thớt, tiếng lá khô xào xạc, Mơ đi rất khẽ sao vẫn còn nghe tiếng bước chân? Đột nhiên Mơ phát hoảng cắm đầu chạy một mạch về nhà. Từ đó Mơ không dám bén mảng đến nơi đầy kỷ niệm ấy nữa. Mơ sống buồn vui với bác sĩ. Bây giờ Thành cũng ra đi chỉ còn lại mình Mơ bơ vơ nơi xứ lạ trên bãi biển vắng hoe không một bóng người. Mơ nhìn ra ngoài khơi xa thật xa, nơi không còn biết đâu là góc bể chân trời hy vọng một ngày rất gần Mơ sẽ ra đi về phương trời ấy, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Những giọt nước mắt cứ lăn nhẹ trên má… Mơ không buồn gạt đi…
Có tiếng chân người đi lại, rồi một giọng đàn ông cất lên:
_ Cô Mơ đó phải không?
Mơ ngửng lên nhận ra Hưng vội nói:
_ Chào anh! Anh mới đi làm về?
Hưng kêu lên:
_ Trời ơi! Cô Mơ cô làm gì vậy? Cô bỏ nhà ra đi làm anh em tụi tôi đi tìm cả ngày không ra. Tội nghiệp Thành trước khi xuống tàu còn nhắc nhở gửi gắm tôi. Nếu cô không bằng lòng về sao không nói thật với Thành để mọi việc vỡ lỡ. Có thư và tiền Thành gởi ở nhà, chút tôi sẽ trao cô. Khi nào cô muốn về chỉ cần báo tôi biết tôi sẽ lo vé tàu cho cô ngay. Mấy ngày nay cô ở đâu?
Mơ trả lời:
_ Em ở nhà vợ chồng một người quen cùng làng. Họ làm thuê cho chủ ở bên Pháp chỉ qua đây mùa hè. Họ làm quản gia coi sóc nhà cửa vườn tược. Họ cho em ở nhờ một thời gian.
_ Cô Mơ à! Tôi đi làm cả ngày, nhà không có ai. Cô lại ở đấy lâu rồi. Cứ về ở coi nhà cho tôi, phần ai nấy lo, có chìa khoá phòng riêng chẳng phiền hà gì nhau đâu mà lo! Tôi sẽ bảo lãnh cho cô. Ở chỗ khác không hợp pháp cô sẽ gặp phiền phức đó!
Mơ nhìn Hưng. Có lẽ đây là lần đầu tiên Mơ có dịp nhìn kỹ Hưng như vậy! Không hiểu sao Mơ thấy ấm áp trở lại. Trong lòng dâng lên một niềm xúc cảm kỳ lạ khó tả, Mơ chưa cảm thấy bao giờ! Mơ không ngần ngừ nữa gật đầu:
_ Nếu anh cho phép Mơ ở lại coi nhà thì Mơ không biết nói gì hơn là cám ơn anh! Ở đó quen rồi đi chỗ khác nhớ lắm!
Họ cùng nhau ngồi lại trên cây cầu vươn ra phía biển. Gió thổi tung làn tóc không buồn bới lên của Mơ. Tiếng sóng vỗ. Tiếng thì thầm hỏi han kể lể… Hai thân phận lẻ loi, côi cút, xa lạ… Định mệnh đưa đẩy họ trôi dạt đến bến bờ này… Hai người mãi chuyện trò, quên cả thời gian. Những tia nắng cuối cùng bỗng rực lên nhuộm đỏ lênh láng trên mặt biển trước khi biến mất trong màu tím thẫm của hoàng hôn.
Cuối cùng Hưng đứng dậy nói:
_ Thôi ta về đi! Ngày mai cô dọn lại sớm vì ngày mốt tôi theo đoàn thanh tra tới các đảo. Chắc phải cả tuần mới về. Nhờ cô trông hộ nhà nhé!
Mơ mỉm cười gật gật đầu vuốt lại hai ống quần cho ngay ngắn rồi cũng đứng dậy. Trong phút chốc bốn mắt giao nhau. Vẻ trẻ trung ngơ ngác, cảm giác Hưng nhận thấy ở Mơ khi mới gặp lần đầu hình như đã biến mất. Trong cái ánh sáng chập choạng của buổi chiều màu mắt dường như cũng đổi thay. Không trong veo mà tím nhạt nao nao lòng người. Đột nhiên Hưng rùng mình.
Họ đi bên nhau ngược hướng cầu nhưng lại xuôi chiều gió. Hưng nghe ống quần vải mỏng của Mơ đập phần phật. Dáng Mơ yếu đuối chao đảo. Hưng đi gần Mơ hơn. Bóng họ khuất dần… Tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng một, loang dần ra, tan biến trong không gian yên tĩnh.