Chiến tranh đã kết thúc nhưng hy vọng về một thế giới yên bình ngày càng mờ nhạt. Trở thành tổng thống Mỹ khi chiến tranh đã tới hồi kết thúc Truman phải đương đầu với những căng thẳng mới. Trong khi kế hoạch Marshall [ 1 ] được tiến hành để giúp các nước châu âu khôi phục sau những tàn phá của chiến tranh thì thế lực cộng sản lại bành trướng ở đông âu. Liên Xô hỗ trợ các phong trào cộng sản khắp nơi sau đó cắt đứt giao thông liên lạc giữa Berlin và phần phía tây. Năm 1949 châu âu chính thức bị chia làm hai khối. Phía đông nằm trong vùng kiểm soát của Liên Xô với nền kinh tế chỉ huy, phía tây chịu ảnh hưởng của Mỹ hoạt động với những nguyên tắc kinh tế thị trường. Tháng 3 năm 1949 trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Harold Issacs đăng trên Báo Cứu Quốc Hồ Chí Minh nói rằng” Tình hình Tàu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ít hay nhiều, ảnh hưởng thế nào thì chỉ có tương lai mới có thể nói” [ 2 ] khi đề cập đến hai cường quốc ông phê bình Mỹ muốn “mácsan hoá thế giới, Nga không mác san hoá thế giới” [ 3 ] và tỏ ý trách Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người Việt Nam…Cùng năm ấy Cách Mạng Trung Quốc thành công. Thế lực thân Liên Xô lên nắm chính quyền làm phân rẽ sâu sắc thêm những khác biệt giữa hai khối. Năm tháng trôi, một buổi chiều từ sở về nhà Hưng thấy lòng mình bỗng nhiên thư thả không hối hả tất bật như mọi khi, có lẽ vì Hưng đã làm xong nhiệm vụ bí mật khó khăn ngoài công việc bình thường hàng ngày. Tay đút túi quần miệng huýt sáo nhè nhẹ, chân dạo trên vỉa hè của con phố đang tấp nập kẻ qua người lại, khi những cơn nắng hừng hực đang dần dịu bớt không còn hầm hập đổ xuống dành chỗ cho những cơn gió nhẹ từ ngoài khơi thổi vào. Hưng đưa mắt ngắm cảnh mặt trời đang từ từ hạ xuống về nơi xa thẳm vô định nào đó rồi bất chợt nghĩ xem nên mua gì cho Mơ và thằng bé con ở nhà thì nghe có tiếng ai gọi giật: _Anh Hưng ới ời! Hưng quay lại nhìn thấy Tân đứng bên kia đường vẫy tay. Tân là người bạn Hưng quen trong những lúc lên bưu điện gởi tiền, quà hay thư, và hỏi thăm tin tức chiến sự vì Tân là nhân viên phụ trách chuyên về điện tín. Hưng đứng lại, Tân cũng vừa trờ tới. Hưng hỏi: _Có gì mà anh gọi tôi hối hả vậy? Tân ghé lỗ tai Hưng nói: __Anh có điện tín từ bên nhà gởi qua. Hưng ngạc nhiên: _Ủa ai vậy? Tân cẩn thận nhìn xung quanh đưa bức điện tín ra rồi nói: _Tôi nhận cho anh ngay nếu không anh sẽ bị để ý! Hưng cầm bức điện đọc. Mồ hôi toát ra nhưng sự bình tĩnh nhẹ nhõm mau chóng xâm chiếm tâm hồn ngay. Vậy là thoát rồi! Hưng nghĩ thầm. Mình đã làm xong nhiệm vụ một cách tốt đẹp. “Quỹ Độc Lập”, “Tuần Lễ Vàng” đã tới tay chính phủ kháng chiến bên nhà. Và đây là tờ phúc đáp và cám ơn của họ tới kiều bào đã gởi tiền giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập nước nhà từ sự phát động của anh em bên này đi quyên góp suốt mấy tháng ròng. Hưng nhìn Tân chưa kịp nói gì thì Tân đã nói: _Anh đừng giữ tờ điện này bên mình hãy để tôi tìm cách giữ giúp cho! Hưng gật đầu ngay, vì Tân là người mỗi khi Hưng và anh em đi quyên góp đều ủng hộ hết mình. Độc thân không ăn xài hoang phí rất cần kiệm nhưng lại là người hào hiệp, nhất là khi tham gia phong trào “Quỹ Độc Lập” “Tuần Lễ Vàng” [ 4 ]. Tân cẩn thận xếp tờ điện tín bỏ vào bóp rồi kéo Hưng vào quán cà phê ngồi nhâm nhi tâm sự…Tối đó Hưng về rất khuya. Mơ đợi chồng về vừa mở cửa Mơ càu nhàu: _Sao anh đi đâu mà không nói gì làm em chờ trong lo lắng? Hưng phân bua: _Anh tính ghé cửa hàng mua hộp bánh cho bé con nhưng lại gặp anh Tân lâu ngày có dịp ngồi cà kê với nhau vậy mà! Anh xin lỗi em! Mai anh đưa con ra phố em thích kem dưỡng da loại gì anh mua cho? Nếu không bận em đi với bố con anh luôn? Mơ lắc đầu rồi nói: Điều em muốn là anh về đúng giờ ăn cơm với mẹ con em thế thôi! Mấy tháng nay không hiểu anh làm gì để rồi có bao giờ ăn sáng ăn tối ở nhà đâu? Mới ở nhà được một tuần giờ lại đi! Giọng Mơ đầy giận dỗi trách móc. Hưng cười xoà: _Dạ vâng! Lần sau xin tuân lệnh!. Những ngày tháng sống bên Tân Caledonie của vợ chồng Hưng trôi qua thật êm đềm hạnh phúc. Một buổi tối như mọi buổi tối khác khi Mơ đưa đứa con trai vào phòng dỗ cho nó ngủ, Hưng ngồi lại phòng khách mở tờ báo ra đọc, bỗng Hưng nghe có tiếng gõ cửa khẽ khàng. Hưng bỏ tờ báo xuống, đứng dậy ra mở cửa. Một người đàn ông đứng chống nạnh trước cửa nhìn Hưng cười. Hưng khựng lại trong giây lát. Người đàn ông hỏi: _ Có nhớ tôi không đây? Hơi sửng sốt nhưng rồi những hình ảnh âm thanh tưởng chừng như bị vùi lấp bởi lớp bụi thời gian từ từ nổi lên hiện rõ trong trí nhớ Hưng… Hưng đang nghĩ về một người. Khuôn mặt rạng rỡ bên ánh lửa lò sưởi ấm áp bập bùng, những bước chân lướt nhẹ dừng lại nơi lưng chừng cầu thang, những ly rượu tiếp mãi không vơi, một chất giọng trầm ấm đã phôi pha của người Hà Thành. Ngày nào bên thành bao lơn mái tóc hững hờ buông tung bay trong gió, vướng vít che lấp khuôn mặt chỉ còn lai đôi mắt mở to sống động… Phút giây, hồn như lún dần chìm dần trong hai đáy long lanh ấy. Kiều Trang! Nữ chủ nhân hiếu khách trong một ngôi biệt thự trên thành phố sương mù. Người đã khéo léo giữ chân Hưng lại, tạo ra những khoảng trống nhỏ nhoi trong cái không gian đầy những âm thanh hỗn độn cuả một bữa tiệc đầu năm. Kiều Trang cũng chính là vợ của người đàn ông đang đứng trước mặt Hưng. Hưng kêu lên: _ Vĩ phải không? Vĩ cười to: _ Vâng chính tôi! Bây giờ Hưng mới để ý bóng dáng một người đàn bà đang đứng xớ rớ sau Vĩ. Hưng mở to cửa vồn vã: - Mời anh chị vào chơi. Tuy hơi ngờ ngợ nhưng khi hai người bước vào rồi Hưng mới dám xác nhận người này không phải Kiều Trang. Cố giấu sự thất vọng hụt hẫng Hưng kéo ghế mời khách ngồi. Vĩ lên tiếng giới thiệu: _ Đây là Trúc bạn mình. Còn đây là Hưng bạn học cũ. Chắc cậu ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện ở đây phải không? Vẫn biết tính Vĩ là người hay chơi bời hào hoa phóng túng nên Hưng giữ ý không muốn hỏi thăm Kiều Trang nhất là khi có sự hiện diện của người đàn bà khác. Hưng hỏi tình hình bên nhà, Vĩ kể lể một hồi rồi kết luận: _ Cậu thật may khi thoát khỏi những năm tháng chiến tranh ở quê nhà. Người phụ nữ đi với Vĩ nhìn sơ cũng biết là gái nhảy. Thấy cử chỉ của họ với nhau Hưng nghĩ có lẽ Vĩ và Kiều Trang đã ly thân. Ngay cả cái thời xa xưa ấy… Hưng đã cảm thấy hai người là hai vũ trụ khác nhau. Lâu lâu xen lẫn trong nỗi nhớ quê nhà vẫn thấp thoáng ẩn hiện hình bóng trầm lặng đầy thương mến của Kiều Trang. Vĩ hỏi: _ Anh làm gì mà thẫn thờ vậy? Hay là bọn tớ đến không đúng lúc? Khuya quá rồi phải không? Hưng đáp: _ Tôi đang thắc mắc sao anh biết tôi ở đây mà tìm? Vĩ không trả lời thẳng câu hỏi, nheo mắt cười bí ẩn nhìn đồng hồ rồi chép miệng: _ Mười một giờ đêm rồi còn gì! Hưng vội nói: _ Tôi chưa đi ngủ đâu! Ngày mai tôi đi làm nên anh ngồi nán lại một chút, anh em hàn huyên với nhau ngại gì kia chứ! Vĩ ngồi một lúc nữa. Qua câu chuyện ngắn ngủi Hưng biết bây giờ Vĩ là một thương gia ở Sàigòn, đi Pháp mấy lần, đã chia tay với Kiều Trang năm năm rồi! Vĩ cũng vừa từ Pháp qua đây. Khi Vĩ xin phép ra về, thấy thái độ của Vĩ hơi lạ có vẻ muốn nói gì nhưng lại e dè dòm chừng người phụ nữ đang phì phèo thuốc lá. Hưng hỏi nhỏ: _ Có chuyện gì không? Vĩ đáp ngay: _ Có đấy! Nhưng không thể bàn lúc này. Hôm nay chủ yếu đến thăm anh. Ngày mai sẽ đến thăm chị và cháu. Rồi Vĩ bỗng hạ thấp giọng như sợ Trúc vô tình nghe thấy dù cô ta đang đọc tờ báo một cách lơ đãng: _ Mình sẽ hẹn nhau tại nhà này chiều mai và tìm chỗ riêng tư nói chuyện sau. Hiểu ý Hưng không nói gì nữa chỉ gật đầu. Khi bắt tay khách trở vào nhà Hưng hoang mang không biết tại sao Vĩ lại đến gặp mình tại đây mặc dù hai người không phải là bạn thân. Hưng không liên lạc gì với Vĩ kể từ khi ra khỏi nước. Ngày hôm sau khi đi làm về Hưng thấy Vĩ đang bế đứa con nhỏ của mình đứng bên lan can, mãi nói chuyện với Mơ. Hai người có vẻ tâm đắc. Hưng bước lên bậc cầu thang. Thằng bé tụt khỏi tay Vĩ chạy ra khoe: _ Ba ơi! Bác ấy vừa cho con đi ăn kem về. Có sô-cô-la nữa nè! Vĩ nói: _ Anh có thằng con trai đến là hay! Nó kể chuyện ngụ ngôn La Fontaine[ 5 ] tuyệt cú mèo. Tôi cười đau cả ruột. Năn nỉ nó kể thêm anh biết nó nói sao không? “Bác nghe thấy thích nhưng con kể thì mệt lắm! Bác phải cho con cái gì thì con mới kể tiếp chứ không kể không không đâu mỏi miệng!” Kể tới đây Vĩ rú lên cười rồi kêu lên: _ Mới từng đó tuổi đã biết “thương lượng” rồi đấy! Hưng chép miệng trách con: _ Con ơi! Sao cái gì con cũng không bao giờ tự nguyện? Có cái con phải làm phải cho, không cần ai bảo hết con à! Bác đây là bạn của ba mà! Thằng bé cãi: _ Con đâu có biết! Con có thấy bác bao giờ đâu! Vĩ gạt ngay: _ Ơ hay cậu này hay nhỉ? Tớ còn muốn có một đứa con như nó đấy! Trên đời này quyền lợi và nghĩa vụ phải đi đôi với nhau chẳng ai làm không cho ai cái gì! Cái gì cũng sòng phẳng là tốt nhất! Đâu phải như quan hệ chủ nô thời xưa nữa. Chủ thì có mọi quyền. Nô chỉ việc tuân theo mọi đòi hỏi của chủ. Biết thương lượng, nghĩa là biết đòi hỏi và nhựơng bộ rồi đó! Đây là dấu hiệu của sự văn minh phải không nào? Thấy Vĩ bỗng nhiên nói xa nói gần như vậy Hưng nghĩ bụng: _ Anh ta nói thế ý gì vậy nhỉ? Nói cứ như không phải nói với thằng bé vậy! Mơ cầm ly nước đưa ra mời Vĩ nói: _ Nãy giờ nói chuyện mê quá quên mời nước anh. Bây giờ xin mời. Vĩ đón ly nước từ tay Mơ nói: _ Đã nói được gì nhiều đâu! Mơ hớn hở nói với Hưng: _ Xa nhà lâu ngày nghe anh Vĩ kể chuyện quê hương em thấy sốt ruột quá, nhớ ghê đi! Tụi em cũng hay nhận được thư nhà nhưng trực tiếp gặp anh Vĩ cho hay tình hình cụ thể em lo cho gia đình quá anh ạ! Vĩ nói: _ Cô Mơ lo gì! Ở bên này lo làm ăn gởi tiền về cho gia đình là tốt nhất. Khi nào tình hình yên ổn có về thì về thăm thôi. Mơ nói: _ Thôi hai anh nói chuyện em vào bếp đây! Trước khi biến vào trong Mơ còn ngoái lại nhắc: _ Có món cua lột sốt cà-ri ăn với bún Nhật rất đặc biệt, tụi em mời anh Vĩ ở lại ăn để em còn hỏi chuyện cái nạn đói năm 45 cho kỹ hơn nữa chứ! Giời ạ! Vậy mà đôi lúc ở bên này cơm ăn không hết để thiu phải đổ đi tội quá là tội! Hưng nhìn đồng hồ hỏi: _ Anh tính đi đâu? _ Mình ra bãi biển đi! Hưng gọi với vào nhà: _ Tụi anh có việc phải đi đây chút. Em và con đừng chờ cứ ăn trước đi. Hưng hồi hộp rảo bước nhanh ra khỏi nhà. Vĩ chạy theo kêu: _ Đi chậm lại làm gì mà như ma đuổi vậy? _ Tôi nóng ruột muốn biết anh muốn nói gì? Vĩ không nói chỉ lặng lẽ đi bên Hưng. Họ im lặng đi về hướng L’anse Vata. Vĩ mặc một bộ vét trắng. Dáng đi vững vàng khoan thai. Khuôn mặt đăm chiêu hướng ra phía biển. Gió thổi làm bộ quần áo đúng mốt bay phần phật. Chiếc áo trắng lâu lâu lại căng phồng lên… Hưng nghĩ đến cánh buồm trắng giữa biển khơi. Vĩ không đẹp trai nhưng trong người toát ra vẻ hào hoa phóng túng bất cần đời. Ở Vĩ có một cái gì đó tự tin và mạnh mẽ. Nhìn Vĩ, Hưng nghĩ có lẽ cuộc sống vật chất không suy giảm mặc dù trong nước phải trải qua những năm tháng khó khăn. Vĩ mở lời trước: _ Anh biết tôi qua đây làm gì không? Hưng lắc đầu. Vĩ tiếp: _ Tôi qua đây xem thử có khai thác được hải sâm không? Phải nói đây là rừng vàng bể bạc. Anh chắc cũng biết cái lợi của hải sâm? _ Vậy anh cứ thăm dò xem sao, coi chừng anh trúng đó vì ở đây hải sâm nhiều vô kể. Cả hai dừng lại tại một quán nhỏ. Họ tìm một chỗ kín đáo nhưng vẫn có thể nhìn ra biển, dưới một gốc dừa lẻ loi. Người phục vụ chạy ra cúi đầu lễ phép hỏi: _ Hai ông uống gì ạ? Hưng nói: _ Cho bia đi! Uống bia anh nhé! Vĩ không trả lời quay lại nói với anh ta: _ Cho một chai sâm banh ướp lạnh. Có gì ngon nhất mang ra đây! Rồi quay lại Hưng, Vĩ giải thích: _ Xin lỗi anh! Tôi muốn chúc mừng anh! Hưng ngạc nhiên: _ Chúc tôi? Về cái gì kia chứ? _ Đó cũng là điều tôi muốn nói với anh! Người phục vụ trở ra bưng một cái khay. Vĩ đỡ lấy, cầm chai rượu ướp lạnh lên, với một cử chỉ thật điệu nghệ bật nút chai rót rượu vào ly. Hưng nhìn lớp bọt trắng sủi lên trên thành ly. Vĩ giơ cao ly của mình đứng lên trước rồi nói: _ Nào cạn ly chúc mừng cậu! Hưng không hiểu ra làm sao cũng làm theo. Tiếng thủy tinh khẽ chạm nhau. Hưng nghe tim mình đập rộn rã mặc dù không biết đó là tin tốt lành gì? Vĩ tu một hơi dài rồi bắt đầu vào chuyện: _ Chính phủ phái tôi sang nghiên cứu vấn đề kiều bào ta ở đây. Nhờ vậy tôi mới biết anh là người làm việc rất xuất sắc bên này. Hưng hỏi: _ Sao anh nói từ Pháp sang? _ Thì tôi qua Pháp trước khi sang đây! Sau khi xem xét tình hình công nhân bên này tôi muốn đề nghị anh viết một văn thư về bên nhà đề nghị cho phép tuyển mộ công nhân Việt Nam sang thay thế những người sang đây đã quá lâu cần phải hồi hương. _ Anh biết không, tôi đã trực tiếp thấy cảnh ngộ của các công nhân ở hai xứ Caledonie và Hebrides. Năm năm trời mới hết hợp đồng. Không phải lúc nào cũng thanh tra được. Có những nơi suốt cả thời gian dài không thấy được một viên chức vào tận nơi để ý đến đời sống của họ. Chủ là tất cả! Số phận hoàn toàn nằm trong tay chủ. Năm năm trời lao động miệt mài rồi sốt rét phạt vạ… Bây giờ còn đỡ chứ hồi trước hãi hùng lắm! Đây là nơi đi đày của tù khổ sai, chính trị phạm kể cả chính trị phạm Việt Nam mà! Anh nghiên cứu biết lương của họ rồi chứ gì? Nghe thì cũng đáng kể đấy! Nhưng quá rẻ so với những gì họ phải trải qua ở đây! Chiến tranh đã làm cho nhiều người không đáp tàu được về quê nhà. Hết hợp đồng, ra làm ăn tự do thấy khấm khá nên lại không muốn về. Bây giờ mà bức bách cho hồi hương thì tàn nhẫn quá! Vĩ xen vào: _ Trên đời chẳng có gì hoàn hảo cả! Ở đâu cũng có cái khổ riêng. Bên nhà khổ không có cơm mà ăn nữa ấy chứ! Anh biết không nạn đói năm 45 người ta ăn cả đay, ăn cả lá dâm bụt nữa đó! Đói quá, phá kho gạo của Nhật bốc gạo sống ăn ngay tại chỗ, tụi Nhật đập vỡ đầu máu và gạo hoà lẫn với nhau mà vẫn bốc lấy bốc để ăn. Công nhân than mình nghe. Giải quyết được bao nhiêu thì giải quyết. Anh xem, nếu không có lợi sao thiên hạ vẫn đi ào ào? Nhiều khi chạy chọt khai gian để đi. Bây giờ có muốn về đâu? Đó là chưa kể còn làm loạn bên này. Tôi được biết có mấy chuyến tàu vừa trục xuất những tên cầm đầu cuộc nổi loạn. Vĩ chép miệng: _ Chúng nó là Việt Minh cả đấy anh à! Lôi thôi là cứ tống về! Qua xứ này không chịu làm ăn lại còn gây rối! Hưng lạnh xương sống, nhớ lại lời hứa của mình với người đảng viên cộng sản nếu như anh ta có mệnh hệ gì, vài ngày trước khi nghe tin anh ta buộc phải xuống tàu về nước. Hưng được anh em cho biết anh ta bị bỏ tù ngay khi vừa cập bến. Hưng ở bên này cố gắng giúp anh ta làm xong nghĩa vụ với chính phủ kháng chiến bên nhà vì tất cả những người cách mạng đã bị trục xuất về hết rồi! Hưng cố gắng lấy lại bình tĩnh hỏi: _ Anh nói mừng tôi chuyện gì? _ Tôi nghe nói chính phủ có ý định cử anh làm lãnh sự Thái Bình Dương nếu anh còn ở lại đây! Hưng sửng sốt: _ Anh nói vậy là sao? _ Anh bình tĩnh lại đi! Anh có một gia đình hạnh phúc. Tương lai của con anh sẽ tốt biết bao nhiêu nếu như anh ở lại đây! Tôi làm việc này không phải vì tôi đâu! Tôi chỉ truyền đạt những gì tôi nghĩ anh nên làm. Không phải ngẫu nhiên mà tôi gặp được anh dễ dàng vậy đâu! Hưng hỏi vặn: _ Vậy tôi sẽ bị trục xuất nếu không đáp ứng những đòi hỏi đó? _ Đó là những gì anh nên làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình, cho dân nghèo không có lấy miếng cơm manh áo che thân, sống dở chết dở sau luỹ tre làng bên nhà đó! Cũng là lời cảnh cáo cho ai đó khi đã ăn no ấm cật rồi thì đừng làm cách mạng này nọ rồi phải hồi hương. Nói xong biết mình lỡ lời, Vĩ chữa lại ngay: _ Xin lỗi tôi không có ý nói anh đâu! Chuyến tàu hồi hương vừa rồi tôi được biết có mấy tên làm cách mạng bị bắt đưa vào trại giam khi vừa cập bến Hải phòng. Cả hai không nói gì nữa, Hưng thấy cổ họng mình đắng ngắt, chán nản nhìn những bọt sâm banh còn bám trên thành ly. Sự hồi hộp vui mừng tan nhanh như bọt rượu. Một lúc sau Vĩ phá tan sự im lặng: _ Tôi còn ở đây một tuần. Nếu anh bằng lòng thì chúc mừng anh! Vĩ định gọi thêm sâm banh nhưng Hưng ngăn lại: _ Thôi anh! Tôi định để bụng về ăn với mẹ con nó! Vĩ nói: _ Tôi định ngày mai mời cả nhà anh đi ăn nhà hàng. _ Để tôi suy nghĩ. Nếu anh là tôi, nếu biết tôi đã phải trải qua những gì ở đây thì anh sẽ thông cảm cho tôi. Vĩ đáp: _ Tôi hiểu! Với lại ở đời không mấy khi có thể thực hiện điều mình muốn một cách trọn vẹn. Giữa cái muốn và làm được là một khoảng cách. Vậy hãy làm cái gì mình có thể… Vậy thôi! _ Cám ơn anh! Anh cho tôi vài ngày để quyết định. Bây giờ trời đã tối rồi chúng ta về đi. Vĩ kêu lên: _ Ấy chết! Không được về sớm thế! Tôi có hẹn với Trúc ra gặp chúng mình ở đây mà! Nếu chúng mình đi cô ấy biết đâu mà tìm? Một sự mệt mỏi căng thẳng làm đầu Hưng tự nhiên nhức như búa bổ, Hưng nói nhanh: _ Vậy tôi xin phép được về trước. Gió biển lạnh, tôi chịu không thấu! Gặp lại sau nhé! Vĩ xiết tay chào Hưng. Trên đường về nhà Hưng bàng hoàng hụt hẫng không hiểu tại sao sự việc lại ra thế này? Hàng dừa thân yêu dọc đường như chao đảo… Hưng cứ tưởng mình sẽ nhận nơi đây làm quê hương. Tưởng rằng đã vứt bỏ được tất cả! Tân đảo thanh bình? Hay Việt Nam trong cảnh dầu sôi lửa bỏng? Mình phải chọn một. Đi được nửa đoạn đường Hưng biết rằng mình không thể quên được Việt Nam. Xứ sở đói nghèo ấy mình còn nặng lòng lắm! Hưng nhớ lại bờ dốc (falaise) tại mỏ Nickel rồi bất chợt rùng mình. Có lần Hưng đứng bên bờ dốc ấy! Nghe người dân bản xứ kể nhiều về nó. Lẫn trong tiếng gió Hưng ngỡ như mình nghe lại tiếng khóc than ai oán của những người công nhân một thời đã rơi xuống bờ dốc này khi vô phúc đi qua đây và trở thành điểm ngắm cho một số thanh niên Pháp đi săn bắn về… Hưng mơ hồ đoán được nguyên do tại sao Vĩ lại đến gặp mình. Hưng không thể làm khác được. Hưng nhớ lại khi tin quân Đức tiến vào Paris loan trên đài phát thanh những người Pháp ở đây ôm nhau khóc ròng. Những giọt nước mắt khóc cho những gì yêu dấu nhất. Thủ đô, trái tim của nước Pháp đã mất! Niềm kiêu hãnh của nước Pháp đã mất. Năm tháng qua đi người Đức có thể xâm chiếm, có thể đổi tên Paris, nhưng không thể xoá nhoà những ký ức tốt đẹp về Paris đã ngự trị trong lòng người Pháp. Và cũng không có gì hạnh phúc hơn nếu một mai ta tìm được những gì ta đã mất. Tin Cách Mạng Tháng Tám thành công làm cho niềm vui của kiều bào trong đó có Hưng như muốn nổ tung. Tiếc thay niềm vui thật ngắn ngủi. Như cả một trời pháo hoa nở tung rực rỡ, trong phút chốc chỉ còn lại những đốm lửa nhỏ… Lại một ước mơ mới hy vọng mới. Dư âm niềm vui không tắt hẳn mà kéo dài âm ỉ đọng lại trong lòng Hưng một ước nguyện sâu thẳm rồi biến thành cái tên Hưng dành cho đứa con trai đầu lòng “Hoan Bình”. Hoan hô Việt Nam! Hoan hô hoà bình!… Một tháng sau, Hưng nhận được giấy phải về nước. Buổi chiều khi đi làm về Hưng báo tin này cho Mơ. Đang làm cơm nghe Hưng báo tin sẽ về nước Mơ trợn tròn mắt ngạc nhiên, cứ tưởng còn lâu lắm!… Thế mà… Mơ để rơi đôi đũa trên tay, ôm mặt khóc… Hưng hốt hoảng: _ Em sao vậy? Sao lại khóc? Mơ chạy lại ôm Hưng khóc vùi. Một lúc sau khi cơn xúc động lắng xuống Mơ nghẹn ngào nói: _ Anh biết không khi nào về làng em phải chạy ra ngay mộ bố tạ tội với ông cụ anh ạ! _ Sao tự nhiên em lại nghĩ đến chuyện tạ tội? Mơ tâm sự: _ Ngày em trốn đi, những người làng qua sau kể lại rằng khi ông cụ chạy ra tới bến tàu tìm em thì nghe tin em đã đi rồi. Ông cụ xỉu ngay tại chỗ, khi đưa về nhà cụ đau một trận rất nặng. Rồi chợt nhớ ra Mơ hỏi: _ Sao đột ngột vậy anh? _ Anh cứ tưởng còn lâu công việc ở đây mới xong. Nhưng bây giờ thì ổn rồi! Thấy Mơ vui mừng lăng xăng Hưng thấy lòng nhẹ đi phần nào. Khi ngồi vào bàn ăn Hưng dặn dò: _ Khi nào về thì về nhà ngoại trước rồi hãy về nhà chị ở Hà Nội tiện hơn. Mơ bàn: _ Em thấy ở đây có loại máy may nhập từ bên Úc, em sẽ mua cho chị ấy một cái, với lại áo da và ví da thuộc cũng đẹp lắm! Chắc chị ấy thích anh nhỉ? Hưng gạt đi: _ Chị anh giản dị lắm! Em đừng mua gì cồng kềnh nặng nề đắt tiền làm gì! Chút quà gọi là thôi em à! Mình còn con thơ với lại em đừng bọc vàng về đấy nhé! Đôla cũng tuyệt đối cấm đấy! Đang vui bỗng Mơ chưng hửng ỉu xìu: _ Không mang về lấy gì mà sống? Phải có vốn mới làm ăn được chứ? Hưng giải thích: _ Mình phải đổi ra tiền franc rồi gởi bảo đảm chuyển về Ngân Hàng Đông Dương khi về lãnh ra. Mơ nghĩ thầm: “Franc! Franc!” Mơ có giữ loại tiền này đâu Mơ đổi ra vàng và đôla hết rồi! Thấy Mơ tự lự ăn ít, Hưng giục: _ Ăn đi chứ em! Tới đâu hay tới đó! Đừng lo làm gì! Tối em soạn tiền đi mai anh đi gởi. Nhớ là franc đấy nhé! Còn vàng chỉ được mang trên người như là trang sức thôi! Nhớ đấy! Em mà lộn xộn có làm sao, một mình anh với con thơ là mệt lắm đấy! Mơ lùa vội bát cơm rồi đứng bật dậy nói nhanh: _ Anh ở nhà coi con. Em chạy đi đằng này tí… Vừa đi Mơ vừa suy nghĩ. Mơ không thể đổi tiền ra franc hết được! Như vậy thì thiệt quá! Mơ phải quyết gở gạc lại một ít. Nghĩ như vậy Mơ rảo bước nhanh hơn. Mơ rẽ vào một ngõ nhỏ. Tới một khu tập thể, đi sâu thẳng xuống phía sau. Dừng lại tại một căn phòng gõ cửa. Một người đàn ông ló đầu ra hỏi: _ Ai đấy? Mơ nói: _ Con đây bác Toàn. Người đàn ông kêu lên: _ Giời ơi! Cô Mơ! Có gì mà lại đi tối như thế này? Sao không để mai mang cháu sang chơi luôn thể cho vui. Tôi nhớ nó lắm! Cả tuần không thấy nó đi qua đây? Mơ đáp: _ Con bận bác à! Mai thế nào con cũng mang cháu sang thăm ông lần cuối. Người đàn ông ngớ ra: _ Ơ hay! Cô này nói gì lạ vậy, sao lại là lần cuối? _ Gia đình con sắp về Việt Nam rồi! Con qua đây để nhờ bác đánh vàng ra thành nữ trang để con đeo trên người cho hợp pháp vì người ta không cho mang vàng và đôla về. Người đàn ông hỏi dồn dập: _ Sao thế? Sao thế? Sao lại về? Tôi cứ nghĩ hai người sẽ ở lại chứ? Nhất là anh Hưng đang làm việc tốt đẹp ở bên này mà! Không về được! Hai người ở lại đây đi. Phải một lúc lâu Mơ mới thuyết phục bácToàn hiểu ra hai người thật sự muốn về Việt nam. Bác Toàn buồn bã nói: _ Giời ơi! Nếu tin hai người về Việt nam mà loan ra chắc anh em ở xứ này buồn lắm! Cô cứ mang vàng và cả đôla sang đây tôi sẽ tìm cách làm để cô mang được phần nào hay phần nấy. _ Nhưng anh Hưng cấm không cho mang đôla! Chỉ mang franc thôi! Bác Toàn bĩu môi: _ Đó là cái lối chơi ăn người của bọn thực dân ở đây ai mà chả biết? Franc, franc! Giữ nó bấp bênh hơn đôla chứ lị! Cô có nhớ cái vụ “đôla đỏ” của tụi nó tung ra để thu thập đôla thứ thiệt không? Rồi bác ghé lỗ tai Mơ thì thào… Nghe bác thì thào Mơ mừng quá hỏi lại: _ Thật không bác? _ Thật chứ không à? Tôi mà làm thì phải biết… Với vợ chồng cô tôi không tiếc gì cả! Mấy năm nay nhờ anh Hưng nhà cô mà người Việt làm ăn mới đỡ bị ức hiếp chèn ép. Tôi báo trước cô mà trả tiền công là tôi giận tôi không làm đâu! _ Làm thế sao được? Bác Toàn nạt: _ Không trăng sao gì cả! Rồi bác nhỏ giọng xuống ra chiều bí ẩn: _ Tôi sẽ làm cho cô một đôi guốc mộc. Tôi làm guốc còn tuyệt hơn làm nữ trang đấy! Mơ gật lia lịa nhìn bác đầy vẻ đồng loã, cười tít mắt: _ Giời ạ! Có con người nào tài hoa hơn bác nữa? Toàn là những kẻ “ưu tú” trên xứ này! Con nghĩ bác ở bên này lâu với tay nghề như vậy chắc sẽ giàu to. Mơ đùa: _ Nếu tụi con về bên ấy mà túng thiếu gởi thư qua xin bác giúp với nhá! Vừa nói Mơ vừa chạy ra khỏi cửa cười dòn tan… Bác Toàn nhìn theo cũng phì cười rồi lẩm bẩm: “Cái nhà anh Hưng này sao lại về Việt Nam làm gì nhỉ? Tiếc quá!” CHÚ THÍCH: [ 1 ]Kế hoạch Marshall: do Bộ Trưởng Ngọai Giao Mỹ George C. Marshall khởi xướng nhằm khôi phục lại kinh tế châu âu sau chiến tranh thế giới II. [ 2 ] [ 3 ] “Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí” trang 81 Nguyễn Sông Lam, Nguyễn Lam Châu tuyển chọn – Nhà Xuất Bản Thanh Niên năm 2005 - [ 4 ]Quỹ Độc Lập, Tuần Lễ Vàng do chính phủ kháng chiến phát động nhân dân góp tiền của vàng bạc ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. [ 5 ] La Fontaine: Nhà thơ ngụ ngôn của Pháp.