Công việc của Hưng khi ở văn phòng khi ở các đồn điền. Mọi điều đều trôi chảy tốt đẹp. Một buổi sáng Hưng nhận được văn thư chỉ định mình ra biện hộ cho một người công nhân Việt nam tên Trần văn Giáp bị tố cáo đả thương chủ. Nhìn đồng hồ 9 giờ ngày thứ bảy, Hưng vội vã bỏ công việc chạy sang phòng lục sự xin xem hồ sơ nội vụ, tham khảo bộ hình luật, thu thập chi tiết cần thiết cho vụ án trước khi cơ quan đóng cửa nghỉ cuối tuần. Hưng chỉ có hai ngày trước khi ra toà. Nghiên cứu hồ sơ, Hưng nhận thấy ông Giáp chưa thực sự đả thương chủ, trái lại người chủ thực sự có đánh ông. Thế nhưng trước thái độ khinh miệt người công nhân Việt, Hưng thấy khó lòng buộc tội ngược lại, điều cốt yếu là làm sao cho toà bỏ qua vụ này. Hai ngày sau Hưng ngồi chờ đợi phiên toà diễn ra trong lòng lo lắng sốt ruột không biết có gánh vác nổi công việc không? Thế nhưng nếu Hưng không đứng ra lo vụ này thì ai đây? Nếu có luật sư người Pháp nào chịu bênh vực người công nhân Việt Nam vậy người ta còn chỉ định Hưng làm gì? Khi vị chánh án xuất hiện và đứng trên bục cao nhìn xuống, trong phòng dường như đã đầy đủ mọi người. Có một thông dịch viên riêng cho ông Giáp. Ông chánh án quét ánh mắt khắp phòng, dừng lại ở mỗi người một chút. Tất cả mọi người đồng loạt đứng lên khi cái giọng chậm rãi sang sảng lanh lảnh của vị quan toà cất lên tuyên bố khai mạc phiên toà. Vị quan toà nói: _ Vì đã nắm rõ tất cả những lời khai của các bên liên quan cũng như đã đọc bản tường trình của ông Hưng tôi yêu cầu mọi người chỉ trả lời những điều tôi hỏi mà thôi! Cuộc thẩm vấn hỏi cung bắt đầu. Ông chánh án hướng về nguyên cáo: _ Mời ông! Nguyên cáo nở một nụ cười tươi nói: _ Vâng tôi xin trả lời những điều ông hỏi. Vị chánh án: _ Xin ông cho biết ngày giờ, địa điểm và nguyên nhân dẫn đến việc Giáp đả thương ông? Nguyên cáo: _ Chiều hôm ấy tôi ra lệnh cho anh em culi phải chất cùi dừa khô lên các toa xe sẵn sàng để ngày hôm sau chở đi vào khoảng 10:30 đến 11 giờ. Sáng hôm sau tôi đến các toa xe, nhưng chẳng thấy ai cả. Sau đó tôi thấy họ ngồi tụm năm tụm ba vừa ăn vừa nói chuyện ở một chỗ đất trống gần đó. Tôi bực mình hỏi: “Công việc của các anh làm từ sáng đâu?” Viên quan toà ngắt lời: _ Anh cho biết anh tới nơi chính xác là mấy giờ? Nguyên cáo: _ Dạ mười giờ! Viên quan toà hướng về viên cảnh sát trưởng hỏi: _ Theo lời khai của ông đây thì chưa có gì làm xong cả còn bề bộn phải không? Viên cảnh sát trưởng xác nhận. Nguyên cáo kể tiếp: _ Họ tiếp tục ăn mà không thèm đếm xỉa đến tôi. Tôi rời khỏi đám công nhân đi về phía Giáp đang hút thuốc gần đó. Khi tới gần tôi hỏi anh ta nhưng anh ta không thèm quay lại cũng không trả lời cứ thế mà hút thuốc. Tôi bực mình tiến tới trước anh ta lấy cái mũ quất nhẹ vào mặt. Anh ta vùng đứng dậy, giơ ống điếu lên đánh tôi. Tôi dùng bàn tay đánh trả, cái điếu bay đi. Anh ta cúi xuống, sẵn con dao gần bên chụp lấy vung lên chém tới tấp về phía tôi. May mà có Sĩ đứng cách đó không xa, đã kịp giật lại con dao trong tay Giáp nếu không tôi đã bị chém rồi! Vị quan toà cho phép nguyên cáo về chỗ. Đến lượt bị cáo. Hưng nhìn về phía anh ta. Đó là một người đàn ông ba mươi nhưng trông già và khắc khổ hơn số tuổi. Cặp mắt lờ đờ không tinh anh đôi môi thâm, di chứng của những đợt sốt rét. Anh ta bước ngập ngừng lên bục, hai tay cứ vò vào nhau, cúi gầm mặt xuống không dám nhìn về phía quan toà. Hưng nhìn lướt qua nguyên cáo, thấy vẻ dửng dưng tự đắc của hắn ta cũng như vẻ mặt thoải mái bình thản của biện lý, cảnh sát trưởng, tuy đã chuẩn bị trước, trong lòng hết sức bình tĩnh, sẵn sàng vào cuộc Hưng vẫn cảm thấy có một điều gì đó thật cô đơn gần như trơ trọi. Hưng thầm nghĩ nếu không có những điều luật nằm ở văn phòng lục sự thì thân phận tha phương cầu thực như Hưng và các công nhân còn rẻ rúng tới mức nào? Đối với những người ăn trên ngồi chốc đứng ở kia hình như toà án chỉ là nơi họ đi dạo mát thì phải? Sự căng thẳng áp lực chỉ đè nặng lên những người thấp cổ bé họng như Hưng và người công nhân tội nghiệp này! Viên qua toà hỏi: _ Nhiệm vụ của anh là gì? Giáp ngơ ngác hỏi lại qua lời người thông dịch: _ Dạ tôi không hiểu ông muốn nói gì? Viên quan toà hỏi lại: _ Công việc của anh là gì? _ Tôi là công nhân phụ trách vận chuyển. Hôm ấy khi đưa các bao cùi dừa đến chất gần các toa xe để sẵn sàng được đưa đi như lời ông chủ dặn, tôi thấy còn sớm nên chưa đưa hẳn lên xe. Khi anh em gọi lại ăn cơm tôi không ăn. Tôi thèm hít một hơi thuốc lào nên tìm một chỗ khuất gió để hút thuốc, tôi ngồi quay lưng lại do đó không nhận ra ông chủ đã đến. Vị quan toà vặn lạI: _ Giờ đó là giờ làm việc không phải giờ hút thuốc hay ăn cơm anh không biết à? Bị cáo đưa cặp mắt lờ đờ mấp máy môi ngơ ngác nhìn vị quan toà. Vị quan toà quát: _ Anh trả lời đi! Người đàn ông giật mình thú nhận: _ Dạ! Vị quan toà tiếp tục hỏi: _ Hút thuốc trong giờ làm việc, chủ tới hỏi thì sừng sộ rồi đánh cả chủ luôn! Anh biết anh bị truy tố về tội gì không? Giáp ú ớ chưa kịp nói gì thì vị quan toà nói thật to và rõ: _ Anh bị tố cáo bởi điều 311, [ 1 ] là đả thương chủ! Quả tang đả thương chủ! Giáp kêu lên một tiếng nghẹn ngào tắc nghẽn đầu gục hẳn xuống: _ Giời ơi! Tôi mà dám đánh chủ ư? Oan cho tôi quá, xin quan toà xét cho! Nguyên cáo nở một nụ cười trên môi nhìn quanh với cái nhìn thoả mãn. Vị quan toà ra dấu cho Hưng biện hộ. Hưng bước lên: _ Tôi tên là Nguyễn Văn Hưng thường trú tại Port Vila. Tôi được chỉ định biện hộ cho Trần Văn Giáp. Tôi xin trân trọng trình bày cùng ông chánh án điều sau đây. Xin quan toà lưu ý cho. Theo những điều đã được dự liệu một cách hạn chế ở điều 41 bộ luật tố tụng, phạm tội chỉ được coi là quả tang khi sự phạm tội đang xảy ra hay vừa xảy ra. Căn cứ vào các văn kiện, đây không phải là trường hợp của vụ này. Vị quan toà hỏi: _ Tại sao? _ Vì sau khi vụ này xảy ra ông chủ đã ở lại đồn điền làm nốt công việc, tham chiếu theo lời khai của ông cảnh sát trưởng trước khi đích thân chở ông Giáp ra ty cảnh sát cách đồn điền của ông ta hai mươi cây số thì còn quả tang gì nữa! Khi nói đến quả tang, luật pháp chỉ muốn nói đến những chốc lát theo sau lúc tội lỗi xảy ra, lúc đó các dấu tích còn sống động, các chứng nhân còn đứng tại chỗ và bị cáo đang bị tầm nã gắt gao, khi kẻ đó có tham dự vào vụ phạm tội bị đuổi theo bởi những tiếng la hét của quần chúng. Giáp không bị ai đuổi cả. Khi kẻ ấy được tìm thấy mang theo vật chứng để người ta phỏng đoán là thủ phạm hay tòng phạm nhưng phải là trong thời gian gần lúc xảy ra vụ phạm tội để người ta có một suy đoán mạnh mẽ là các vật bị tịch thu nơi người bị cáo đã không phải từ tay người khác đẩy vào tay người ấy! Giáp đã nhận là anh ta không đứng dậy khi chủ lại gần vì ngồi quay lưng lại, tư thế tiện hơn cho người hút thuốc lào vì nó cản gió không cho gió làm tắt lửa. Anh ta tiếp tục ngồi vì muốn hít xong hơi thuốc lào. Ông chủ đánh anh trước mặt bạn bè anh. Đã dùng mũ đánh vào mặt anh ta. Ông chủ là người đầu tiên đả thương. Thật vậy Đại Thẩm Viện ngày 20 tháng 6 năm 1889 đã quyết rằng không phải là bạo lực nhẹ khi đánh vào mặt người. Không cần xin phép quan toà nguyên cáo kêu to tướng về phía Hưng: _ Không làm việc, phá rối trật tự làm người giám hộ của anh ta lẽ nào tôi không có quyền trừng phạt ư? Hưng đáp: _ Ông chủ không thể nói là giám hộ của Giáp! Luật pháp và pháp lệ đều rõ ràng về điểm này! Ông không thể coi sự ngược đãi của mình như sự trừng giới công nhân vì nếu thế thì Sở Thanh Tra Lao Động không còn lý do tồn tại nữa! _ Vậy thì dùng ống điếu, dùng dao chém chủ là nhẹ ư? Hưng đáp: _ Anh Giáp đứng dậy không giơ ống điếu lên đánh ông mà chỉ ra hiệu cho ông biết và nói với ông như sau: “Tôi xin ông thứ lỗi cho, hồi nãy tôi đang hút thuốc”. Ông đã dùng lưng bàn tay đánh bay cái ống điếu. Cú đánh khá mạnh vì đã làm cho cái điếu “bay đi” theo danh từ của chính ông dùng. Một lần nữa ông đã có hành động bạo lực với Giáp. Nguyên cáo đáp trả: _ Vậy thì sừng sộ cứng đầu với chủ, dùng dao rựa chém không phải là đả thương không phải là bạo lực không phải là cố ý giết người đó chăng? Hưng quay lại vị quan toà: _ Tôi xin phép lạm dụng sự kiên nhẫn của toà để lại được đề cập đến vấn đề này. Theo như lời khai của Giáp trước toà, anh ta là công nhân vận chuyển không thể có dao trong tay. Vả lại công nhân hôm đó cạy dừa. Làm công việc đó người ta dùng búa và máy lột vỏ chứ không dùng dao. Khi công nhân nghỉ việc để ăn thường thì họ để dụng cụ ngay chỗ làm việc. Vậy thời xung quanh chỗ họ ăn đã không có dao, búa, hay máy lột vỏ. Có lẽ ông chủ đã khiếu tố trong lúc nóng giận cho nên lời khai của ông ta về vấn đề này phải được gạt đi. Nguyên cáo thét lên: _ Xin mời nhân chứng Sĩ, vì anh ta đứng sau lưng Giáp đã kịp giữ tay Giáp lại, giựt lấy dao ở tay Giáp. Hưng quay lại hỏi Sĩ: _ Có phải anh đứng sau Giáp? Sĩ gật đầu. Hưng hỏi tiếp: _ Theo lời khai khoảng chừng mười thước? Sĩ gật đầu. Hưng hướng về phía quan toà: _ Thưa quan toà, ông chủ đứng cạnh Giáp còn Sĩ cách mười thước, Sĩ không thể nắm tay cũng không thể giựt con dao ở tay Giáp được, Sĩ chưa kịp đến chỗ Giáp thì Giáp đã chém rồi! Vị quan toà nãy giờ nín thinh chăm chú nghe, khi thấy viên biện lý có ý muốn nói, liền ra hiệu cho Hưng ngưng lại, hướng về ông ta: _ Mời ông trình bày. Viên biện lý hắng giọng vài tiếng rồi nói: _ Qua lời khai đã được thu thập trong hồ sơ tôi tha thiết xin toà trừng phạt xứng đáng tên Giáp để làm gương. Một công nhân Việt Nam đã dám đả thương một người chủ Pháp thì còn trật tự gì nữa? Là tội tày trời! Không thể tha thứ được! Hưng xin biện hộ tiếp. Vị quan toà gật đầu. _ Theo như lời khai trong hồ sơ tôi thấy ông biện lý trong trường hợp này đã không thu thập tất cả chứng cứ tin tức cần thiết. Vị quan toà nói: _ Anh hãy nói rõ ra. _ Dạ thưa việc tra hỏi lấy khẩu cung ở biện lý sở “Interrogatoires au parquet” đã không được tuân thủ. Vị quan toà hỏi: _ Có phải anh muốn nói việc bắt giữ Giáp là bất hợp pháp? Chứng cớ: Nhân chứng là Sĩ và bạn anh ta. Vật chứng, con dao còn đó! Hưng quay sang hỏi bị cáo: _ Ông biện lý có hỏi gì anh không? _ Không ạ! _ Khi đó họ có trưng vật chứng ra không? _ Dạ không ạ! Khuôn mặt vị qua toà đanh lại. Ánh mắt lướt qua những người ngồi cạnh nguyên cáo thoáng chút ngạc nhiên. Cuối cùng ông ta dừng lại ở Hưng nói thật chậm rãi: _ Anh biện hộ tiếp đi! _ Dạ thưa, biện lý đã không có chứng cớ để có thể áp dụng đạo luật hình sự nào nên phải trả lại tự do cho bị cáo và xếp vụ này vào loại đình cứu. Dựa theo nguyên tắc của điều luật thời biện lý chỉ ra lệnh tạm giam bị cáo và chỉ được đưa ra Khinh Tội Pháp Đình khi nào sự việc đã thực sự xảy ra. Điều luật câu lưu các bị cáo “Arrestation des inculpés” nhấn mạnh lệnh tạm giam chỉ được ban ra nếu có sự suy trắc đầy đủ về tội lỗi. Trong khi xem xét hồ sơ và ngay trong lúc này đây khi phiên xử đang hồi gay cấn Hưng đã cảm thấy một nỗi uất ức đang tràn dâng, thân phận phẩm giá của công nhân Việt Nam quả là bị coi rẻ quá mức! Sự uất ức kéo dài mấy ngày nay, bây giờ đang lên đến đỉnh điểm. Hưng đoán vụ này sẽ kéo dài lâu nhưng Hưng quyết định đi đến cùng. Nhìn sắc mặt vị quan toà, Hưng cảm giác cái thòng lọng vô hình mà lúc đầu nhắm sẽ siết chặt Hưng và bị cáo hình như đang từ từ nới lỏng… Tiếng vị quan toà vang lên: _ Thế nào là sự suy trắc đầy đủ? Trong một nỗi xúc động nhưng bình tĩnh đến lạ lùng Hưng nói: _ Một lời tố giác đơn giản của một nhân chứng liên hệ trong vụ việc không khi nào được coi là sự suy trắc đầy đủ. Luật pháp đã thận trọng dự liệu tất cả các khoản đó với mục đích ngăn cấm những sự xâm phạm đến quyền tự do của mỗi người dù người đó là ai. Không có sự bảo đảm ấy thì bất luận người công dân nào cũng có thể bị tống giam và đưa ra trước toà bởi viên biện lý chỉ dựa vào lời khiếu nại của một cá nhân. Như thế là mở cửa cho tất cả mọi sự lạm dụng. Ở trong trường hợp này viên biện lý đã không tra hỏi kỹ bị cáo. Vật chứng, nhân chứng đã không được đưa ra để bị cáo nhìn nhận và việc đối chất với các chứng nhân đã không xảy ra. Nguyên cáo vùng đứng dậy và cuộc đấu khẩu nổ ra. Quan toà đập mạnh tay xuống bàn hai ba lần. Nguyên cáo quát lớn: _ Thưa quan toà một người công nhân dám cầm dao chém chủ; nếu không có sự can thiệp của người khác thì tôi đã bị chém rồi! Có phải vậy không? Tuy rằng tôi vẫn không sao cả nhưng anh ta đã toan chém tôi với một con dao. Tôi xin nhấn mạnh anh ta bị đưa ra trước toà về tội quả tang đả thương. Viên biện lý đứng dậy nói với quan toà: _ Xin ông nhớ cho trong hồ sơ cuối cùng tôi truy tố Giáp về tội toan đả thương. Vị quan toà hỏi nguyên cáo: _ Lúc nãy anh nói với tôi là đến 10 giờ sáng nhưng anh lại dặn công nhân sẽ đến từ 10:30 đến 11 giờ. Anh đã tới sớm hơn dự liệu nên công việc chưa đâu vào đâu hết. Một phần là do vậy! Không một nhát chém, không một vết xước nhỏ trên người ông phải vậy không? Nguyên cáo gật đầu nhưng vặn lại: _ Tôi muốn nói anh ta bị buộc tội đã toan chém tôi. Hưng trả lời: _ Phạm ý chưa thành tội. Vị quan toà nhìn Hưng chăm chú. Nguyên cáo biện bạch: _ Anh ta rất hung dữ xông vào tôi một cách quyết liệt điều này chứng tỏ sự cố ý của bị cáo. Hưng đáp: _ Ý lực bất biến đánh chém kéo dài cũng cần thiết và lẽ dĩ nhiên phải biểu hiện ra bằng sự rượt đuổi. Qua hồ sơ và lời khai của ông cho thấy Giáp vẫn đứng yên tại chỗ. Nguyên cáo: _ Tôi không bị chém trúng và không bị rượt đuổi vì có sự can thiệp kịp thời của người thứ ba đó là Sĩ. Cuộc đấu khẩu lại nổ ra. Vị quan toà đứng dậy quát to: _ Im lặng ngay! Bây giờ tôi cho hai người một cơ hội cuối cùng. Nguyên cáo trình bày trước đi! Nguyên cáo: _ Thưa quan toà tôi là một chủ đồn điền trong tay có hàng trăm công nhân. Phần lớn không nói được tiếng Pháp. Họ là những người thường có hành động hung hãn bè phái. Giữa họ đã xảy ra nhiều vụ thanh toán lẫn nhau. Họ cứng đầu vô kỷ luật. Nếu toà không nghiêm trị vụ này để làm gương tôi e rằng các đồn điền sẽ gặp nhiều khó khăn sau này. Vị quan toà quay qua Hưng nói: _ Xin mời anh! _ Tôi xin ông hỏi ông ấy là lúc Giáp giơ dao lên chém ông ấy có sợ không? Không đợi cho vị quan toà hỏi, ông chủ kiêu căng gào lên: _ Tôi mà sợ nó à? Ông chánh án lặng người đi, ánh mắt sững lại nhìn chằm chặp nguyên cáo như thể nhìn vật gì kỳ lạ. Phải một lúc sau ông ta mới định thần lại trên môi thoáng một nụ cười chua chát khó hiểu. Ông ta từ từ gấp hồ sơ hướng về Hưng ra hiệu cho Hưng nói lời cuối cùng. Hưng nói: _ Thưa ông, luật phạt không những sự đả thương đánh trúng người mà cả những bạo lực hay bạo hành nghiêm trọng có thể gây ra một trạng thái thác loạn, một sự té ngã hoặc cả một sự cảm khích sâu xa trầm trọng [ 2 ]. Do đó có thể chưa chém được nạn nhân nhưng đã làm cho người ta khiếp sợ mạnh (Impression vivement). Thế mà ông chủ lại không hề sợ Giáp. Giáp đã bị đưa ra trước Khinh Tội Pháp Đình chỉ theo lời khai đơn giản của ông chủ. Những luật về thẩm vấn, bắt giữ câu lưu đã không được tuân thủ. Tóm lại những sự việc người ta trách cứ Giáp đã không được xác minh. Tôi trân trọng kính xin toà án vui lòng tha bổng Giáp về các sự kiện đã đưa đến sự câu giam anh ta và đó sẽ là công lý. Ông chánh án tuyên bố ngưng để vào trong họp kín. Một tiếng đồng hồ sau phiên toà được nhóm lại. Vị quan toà mặt lạnh như tiền. Ông ta nhìn xuống nhưng hướng nhìn chẳng nhắm vào ai. Với giọng chậm rãi sang sảng ông ta tuyên bố: _ Giáp vô tội! Phải được tự do ngay lập tức. Bị cáo ngửng đầu lên, trong một nỗi vui mừng không biết tỏ cùng ai anh ta chắp tay ra phía trước hướng về vị quan toà vái vái mấy cái rồi sau đó hướng về Hưng… Hưng rời toà án khi đã quá 12 giờ trưa. Nhìn đồng hồ nhớ ra hôm nay là 23 tháng 12. Ngày mai 24 là lễ giáng sinh, được nghỉ. Trước đây lễ giáng sinh không bao giờ là ngày quan trọng lắm với Hưng, nhưng năm nay lại khác. Mùa giáng sinh sẽ là mùa đặc biệt đẹp đẽ và tràn đầy kỷ niệm trong cuộc đời Hưng. Hưng đi nhanh về phía cửa hàng bán đồ trang sức… Tối hôm ấy trong căn nhà gỗ Hưng và Mơ ngồi bên chiếc bàn. Ánh nến soi bóng họ lên vách, hai mái đầu kề sát nhau. Mơ cúi đầu xúc động vui sướng khi nghe Hưng thổ lộ nói về một đoạn đời không thể thiếu Mơ. Họ nắm chặt tay nhau. Cùng nhau mở một chiếc hộp xinh xắn bọc nhung đỏ. Hai chiếc nhẫn vàng lấp lánh. Họ trao nhẫn cho nhau trong khi bên ngoài tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi. Trong căn phòng với ánh sáng mờ mờ, lạ lùng thay Hưng vẫn nhìn thấy hình bóng mình lung linh trong đôi mắt đẫm lệ của Mơ. Từ nay hai chiếc nhẫn sẽ như hai vì sao sáng dõi theo họ đến hết đoạn đường đời. CHÚ THÍCH: [ 1 ]: Tentative de coups (Art. 311 du Code Pénal): Toan đả thương (Điều 311 Bộ Hình Luật ) của Pháp. [ 2 ] :_ article 311 revisé en 1863 punit non seulement les blessures et les coups qui ont atteint la personne, mais aussi les violences et voies de fait assez graves pour occasionner directement un trouble sérieux, une chute, ou même une impression profonde ( Note No 4603 sous l’article 311 du Code Pénal Dalloz annoté ). - Điều 311 được tu chỉnh năm 1863 phạt không những sự đả thương, đánh trúng người mà cả những bạo lực hay bạo hành khá nghiêm trọng có thể gây trực tiếp một trạng thái thác loạn trầm trọng, một sự té ngã hoặc ngay cả một sự cảm khích sâu xa ( chú giải số 4603 dưới điều 311 hình luật Dalloz chú thích ) -