Màn đêm âm thầm buông. Từ những ngôi nhà trong thôn xóm nhìn ra xa cánh đồng xanh dần dần được phủ lên một màu đen bình lặng. Tiếng ếch nhái bắt đầu kêu râm ran suốt trên quãng đường dài. Nơi chân trời mặt trăng từ từ ló dạng, nhẹ nhàng lướt qua những đường mây xoay tròn rực sáng giữa một bầu trời quang đãng. Khi cụ Thiều xuất hiện trước hiên nhà thì cả khu vườn như chìm vào trong một vùng sáng xanh huyền ảo. Mình mặc một bộ đồ chúc bâu trắng, tay cầm cây đèn dầu nhỏ, ông cụ đứng lặng người đi. Trăng lướt thướt trên bực thềm cao cao. Những mụn nấm dại mọc bừa bãi vô lối lấp lánh như những viên ngọc nạm trên chiếc cầu ván ọp ẹp. Ông cụ khẽ bước qua cầu, lặng lẽ đi dưới hàng cây men theo một lối nhỏ dát đầy ánh trăng. Ông tìm đến ngồi dưới giàn hoa nơi có kê sẵn bộ bàn ghế mây. Ông đặt cây đèn lên bàn, rồi ngồi thẫn thờ… Vầng trán cao rộng thoáng nét ưu tư. Đôi mắt thăm thẳm như ẩn chứa điều gì sâu kín. Một mùi hương lan toả trong không gian, khi gần… khi xa… vương nhẹ trên vai áo. Ông ngước mặt lên… Có chùm hoa uống quá nhiều trăng say mềm đến nhợt nhạt khẽ đu đưa… Ông lơ đãng nhìn ra phía giữa sân. Quanh thành giếng phủ mờ rêu phong, ánh trăng dao động, làm sống lại trong lòng ông những âm thanh đầy ánh sáng của một vùng ký ức xa xôi hãi hùng. Ông thấy mình là một thanh niên bị trói quỳ giữa pháp đình. Hai bên gươm giáo tuốt ra tua tủa loang loáng. Tiếng kim khí va chạm nghe sắc nhọn đến rợn người. Thế rồi đột nhiên pháp đình lặng ngắt. Một chiếc kiệu dừng lại. Từ trên bước xuống một người trẻ tuổi. Người này bên ngoài cũng bình thường nhưng phong thái khiêm cung từ tốn, phục trang cũng khác với những người xung quanh nên ông đoán đó là vua Thành Thái. Nhà vua tiến lại hỏi han: _ Hôm nay ta ngự qua đây thấy pháp đình trang hoàng cờ xí, có lính mang gươm dàn chào ngoài sân, thấy khác thường. Có chuyện chi? Một vị quan tâu: _ Bẩm ngài, pháp đình sắp xử một vụ làm bài thi gian và tên học trò kia là thủ phạm. Nhà vua tiến đến phía ông, ra lệnh cho mọi người lui ra rồi truyền cho ông kể lại sự tình. Ông tình thật kể lại rằng trên đường đi vào miền trong, có viên tổng đốc nghe tiếng, mời về nhà gởi gắm đứa con trai. Khi vào trường thi ông vứt bài cho người con nhưng rủi thay lại lọt vào tay người khác. Viên tổng đốc hiểu lầm ông muốn chơi xỏ không muốn giúp con mình nên tìm cách hại. Khi treo bảng xong thì ông bị bắt. Nội vụ đưa ra bộ Hình ở Huế. Nhà vua nhìn ông một lúc rồi nhỏ nhẹ phán: _ Bây giờ ta ra cho nhà ngươi một đề tài, ứng khẩu thành thơ thì ta tha cho. Ông thưa rằng: Bẩm Ngài cho con ra khỏi pháp đình nhìn ngắm phong cảnh xung quanh cùng với Ngài vài phút có được không ạ? Nhà vua gật đầu ưng thuận, sai người cởi trói cho ông rồi cùng đi dạo một đoạn. Vừa đi nhà vua vừa tâm sự: _Mấy ngày đầu xuân này trong lòng ta rất vui. Gia tộc ta có hai người vừa đạt khoa bảng cao. Xuân về ta nhận được những lời chúc tụng khai bút đầu năm của các quan trong triều nhưng chưa ai chúc mừng ta nhân sự kiện này. Hôm nay ta dành đề tài này cho nhà ngươi. Làm được thì ta tha cho. Ông thưa: _Bẩm Ngài con không có giấy bút làm sao mà khai bút ạ? Nhà vua đáp: _Không cần giấy bút. Nhà ngươi cứ ứng khẩu đi, ta vẫn cho đó là khai bút. Ông đưa mắt nhìn xuống phong cảnh núi rừng sông nước đẹp lững lờ êm đềm như một bức tranh thuỷ mạc, hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành rồi đưa cánh tay vẫn còn đau, mỏi nhừ vì bị trói, hướng về phía ánh dương đang từ từ lan toả phía xa xa cao giọng đọc: Mặt trời đã tỏ biển tùng xanh, Đặt bút Tiên hoa phút khởi hành, Đèn sách bao năm nâng sự nghiệp, Hoàng thân chính khí vạn niên thanh Đường đột một cây hai nhánh nở, Thu hồi công quả lộ công danh. Đọc xong ông chắp tay cúi đầu nói: _Chúc mừng Ngài! Chúc mừng hoàng tộc!. Nhà vua nhìn ông rồi chép miệng than: _Ta nghe khẩu khí nhà ngươi chắc hẳn xuất thân từ nơi trâm anh thế phiệt, tại sao lại ra đến nông nỗi này! Nhà ngươi còn quá trẻ lại giỏi giang sao không nuôi chí làm nên việc lớn lại đi bán chữ mà ăn? Ta thật xót xa khi thấy một người trẻ tuổi như ngươi mà phải chịu tội hình. Nói rồi nhà vua đưa tay ra hiệu cho quan quân lại gần truyền tha tội cho ông, sau đó cùng đoàn tuỳ tùng, bình thản quay gót trở ra. Chiếc long bào lụa vàng thâm trầm chen sắc đỏ, óng ánh đường thêu ngũ sắc uyển chuyển linh động theo nhịp bước của ngài. Ông nhìn theo kiệu Rồng rời xa… mờ dần qua làn nước mắt. Hai tay ôm lấy mặt ông gục đầu trong tiếng nấc nghẹn ngào. Từ đó ông không làm nghề bán chữ nữa. Nhưng cái chí làm trai không bao giờ sống lại trong ông, nó đã lụi tàn từ những mùa thi năm nào. Văn chương nổi tiếng một vùng, thi cho mình chỉ đỗ tú tài, thi cho người, người đỗ cử nhân. Ông đã hoàn toàn mệt mỏi với những ràng buộc của kỳ khoa. Ông thờ ơ với những khái niệm về quyền lực. Ý thức về hai từ “anh hùng” cũng thật mờ nhạt. Ông không muốn nợ cuộc đời, nợ giang sơn. Ông say sưa với bầu trời riêng lấy thơ văn là bạn gió trăng là nhà. Bầu trời với những áng mây hạnh phúc vô thường, tưởng chừng như dễ dàng tan biến dưới ánh sáng trần trụi của đời thực lại đủ sức dập tắt mọi khát vọng trong ông. Thời gian như nước chảy qua cầu, mới đó mà đã mấy mươi năm. Bây giờ ông đã già, ngồi đây khêu ngọn đèn khuya một mình. Vợ ông đã mất từ lâu. Con ông đứa đi làm đi học trên tỉnh. Ông có người con đang mùa thi cử. Sáng nay có người bạn đến thăm. Cụ Đàm ở bên kia song, tinh thông tử vi lý số. Vừa gặp ông, cụ đã kêu lên: _ Trời! Sao trông sắc mặt kém quá vậy? Để tôi coi cho một quẻ! Ông vội bảo: _ Thôi! Tôi thì khỏi! Có coi thì coi cho thằng con tôi xem nó thi cử ra sao? Người bạn giục ông viết đại một chữ gì đó để ông ta chiết tự cho. Ông ta lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi viết ra một dòng chữ làm ông phân vân suốt cả ngày hôm nay. Nghĩ tới đây, ông luồn tay vào túi áo trong, móc ra một tờ giấy gấp tư. Ông trải mảnh giấy ra bàn. Vuốt thẳng lại. Ngọn đèn chập chờn xoa nét mực trên tờ giấy trắng. Ông lẩm bẩm đọc: _ “Có đại tang cá mới hoá rồng.” Quái lạ! Không thể thế được! Tại sao lại đại tang? Mình còn khoẻ chán! Không thể chết được! Thật vớ vẩn! Đúng là mấy ngày nay ông có gặp chuyện bực mình. Ông có người cháu họ, biền biệt mấy năm không về. Để lại mẹ già trơ vơ, nhà cửa giậu đổ bìm leo. Thế rồi gần đây nó đột nhiên xuất hiện. Nó tới thăm ông vào một buổi chiều. Biếu ông xâu mực khô. Vừa thấy ông, nó ôm chầm lấy thao thao bất tuyệt. Ông ngạc nhiên quá! Trước kia nó đâu có vậy! Lầm lì ít nói lắm mà! Ông trách nó đã bỏ mẹ già đi biền biệt. Nó đáp trả: _ Đó là những hy sinh nhỏ nhoi, những đau khổ nhỏ nhoi cho sự lầm than tủi nhục lớn hơn của nước nhà. Rồi nó tiếp tục thủ thỉ to nhỏ với ông. Qua câu chuyện ông biết nó đã từng qua tận nước Xiêm. Ông lặng lẽ ngồi nhìn cháu nói mà không nói gì thêm. Ông tưởng như mình đang ngồi trước một người xa lạ. Đâu rồi thằng cháu hiền như bụt của ông ngày nào? Trong con mắt của người thanh niên chứa đựng một sự quyết tâm. Giọng cứng rắn nhưng nóng nảy gần như muốn áp đặt suy nghĩ lên người đối diện. Ngồi cạnh cháu ông có cảm giác mình là kẻ bạc nhược ích kỷ vô tích sự lắm thì phải? Ông nghĩ thầm, nó muốn ông làm gì? Nó thừa biết tiếng nói của ông có trọng lượng trong làng như thế nào? Trôi nổi phiêu bạt từ đàng ngoài đến tận đàng trong. Tiếp xúc với biết bao hạng người, nếm đủ mùi vị đắng cay trên đường đời, lăn lộn bao phen ở các trường thi, nơi con người chìm đắm trong mê muội, say sưa với cái bã công danh, bây giờ ông không muốn ai lợi dụng mình nữa! Khi hiểu ra mình đang bị thuyết phục phải chấp nhận những điều cháu nói như một mệnh lệnh, ông cố nén giận, cười nhạt rồi nói nhỏ vào tai cháu mấy câu. Nét mặt nó khựng lại, tái hẳn đi rồi chảy dài ra… Nó không nói nữa, đứng dậy xin phép ra về. Ông nhìn theo bật cười ha hả… Từ hôm đó đến giờ không thấy cái mặt nó đâu! “Con với cái, cháu với chắt thấy mà chán!” Ông làu bàu trong mồm rồi đứng dậy định xách cái đèn dầu vào nhà. Bỗng ông nghe có tiếng chó sủa xa xa… mỗi lúc một gần thêm. Có tiếng chân người chạy. Tiếng cửa kẽo kẹt cót két. Ông quát to: _ Ai đó? Đứa nào? Vừa dứt tiếng, trước mặt ông xuất hiện những bóng người, ông chưa kịp thốt ra lời nào thì những cái gậy đập tới tấp lên người ông. Một cú trúng đầu. Ông cụ cố gắng bám lấy thành ghế… Toàn thân đu đưa ra phía trước rồi khuỵu xuống ngã lăn ra đất. Một thứ chất lỏng sền sệt chảy từ từ dọc bên thái dương lan dần xuống chiếc cổ áo trắng. Khi ông cụ ngã xuống những bóng người vội vã rút lui, biến mất trong bóng đêm nhanh như lúc xuất hiện. Sáng ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác ông cụ nằm sõng soài dưới giàn hoa, khuôn mặt vẫn còn in hằn sự đau đớn thảng thốt đến tột cùng. Đôi mắt trợn trừng dừng lại nơi một nhành cây lơ lửng màn tơ giăng mỏng manh run rẩy ướt đẫm sương mai… Trong khi ấy người con trai cụ đang trải qua một kỳ thi trên tỉnh. Anh ta cảm thấy hồi hộp lo lắng không đâu. Học rồi quên ngay. Đầu óc không thể tập trung được nữa! Khi bước ra khỏi phòng thi anh ta biết mình không hoàn thành tốt môn vấn đáp. Cùng lúc người nhà báo cho anh biết là cha đã mất. Bao nhiêu cảm giác bứt rứt khó chịu đến lạ lùng trong mấy ngày qua đã được giải toả. Anh ta bật khóc giữa hành lang. Bạn bè xúm lại hỏi han. Vị giáo sư Pháp đẩy cửa bước ra. Thấy xôn xao ông tiến lại gần, hỏi thăm sự tình. Có lẽ vị giáo sư nghĩ rằng cha già đau yếu sắp mất nên anh ta không thể tập trung học được. Điểm thi vấn đáp của người con trai ông cụ sau đó đã được châm chước. Anh ta đã vượt qua kỳ thi năm ấy. Một thời gian ngắn sau khi ông cụ mất, trong nước nổi lên những cuộc đấu tranh của quần chúng chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là tiền đồn cho những cuộc nổi dậy sau này. Những bài ca cách mạng lần lượt ra đời với những lời lẽ hùng tráng thôi thúc làm nức lòng hàng hàng lớp lớp thanh niên ra đi theo tiếng gọi của non sông: “Cùng nhau đi Hồng Binh đồng tâm ta liều bước mong thế giới đại đồng… Đời ta không cần lo nhà ta không cần tiến làm sao cho toàn thắng ta mới sống yên vui…” Quê hương ông cụ nơi có sông Lam và núi Hồng mang một tên mới thật rực rỡ: “Nghệ Tĩnh đỏ!”