Trải qua một mùa hạ, vào thu rồi sang đông, trong những ngày lạnh lẽo với lớp sương mù dày dặc quấn thành những dải lững lờ, tôi đã đi qua những việc mãi không quên được. Tiết trời rét ngọt, những cơn gió gào rít từng hồi qua ô cửa hay cái mái xập xệ. Thằng bé không thích mùa đông, dễ lên cơn hơn. Mỗi lần như thế, mặt nó tím tái, co rúm lại. Hay tay quơ quào loạn xạ và chân thì đạp vào thành giường. Tôi giữ tay thằng bé, luồn ngón úp vào miệng nó, đè lên lưỡi. Mong chóng dịu đi những khổ đau mà đứa bé đang trải qua. Có một lần, tôi đã lôi chiếc harmonica ra thổi dỗ dành thằng bé. Là anh đã dạy tôi, từ hồi vẫn còn yêu nhau say đắm, chìm giữa men tình. Năm năm, những thứ anh để lại, tôi đã cất kĩ, giờ thì thấy vô ích quá. Tôi gần như quên hết, cũng chẳng nhớ được bản nào trọn vẹn. Có điều đứa bé thích lắm., nó dường như rất đề tâm đến tiếng harmonica, nhận ra những giai điệu khác nhau. Mỗi tối, khi các nhà khác đã đi ngủ, chập chờn trước ngõ một ánh đèn nhỏ, trong căn nhà của tôi vẫn cất lên tiếng harmonica. Có hai bản tôi nhớ nhất, đó là “Châm ngôn tình yêu” và “Silent night”. Tuy nhiên, tôi đã không thổi hai bản ấy. Ngày xưa, khi mới đến đây, vì không có dương cầm nên anh đã mua cây harmonica thổi cho đỡ buồn chán. Đó là hai ca khúc mà anh hay thổi cho tôi nghe nhất. Vợ yêu, anh chỉ thổi hai bản này cho riêng em thôi, anh vừa ôm eo tôi vừa cười, cọ cằm lên mái tóc. Tôi nhéo mũi đáp trả anh. Giờ đây, mỗi lần thổi một điệu harmonica, lắng nghe những thanh âm đang quyện lấy nhau, tôi chỉ cảm thấy buồn cười. Tôi không quên anh, vĩnh viễn không quên được người đàn ông đã nắm tay mình trong cả một quãng thời gian và tưởng như sẽ đi đến hết cuộc đời. Có điều, tơ hồng còn đứt huống chi một cái nắm tay. Tuột mất bàn tay của người cũng là điều rất dễ dàng. Tôi chẳng qua đã không muốn tự trói buộc mình với anh nữa mà thôi. Đứa bé cựa mình rên khẽ, vời tay ra trước. Tôi đặt cây harmonica xuống bàn, đỡ nó dậy. Lấy cốc nước nâng lên cằm cho thằng bé hớp một ngụm nhỏ. Chậm chạp, tôi từ từ giúp nó đặt người xuống. Bác sĩ từng bảo một đứa trẻ bại não sống được đến giờ đã là một kì tích rồi. Tôi cũng chả biết nữa! Đời người mà, đâu phải cái gì cũng có thể dư đoán trước được. Như chuyện của tôi ngày ấy… Ngủ đi con, tôi xoa đầu đứa bé mỉm cười. Ngón út của tôi nằm gọn lỏn trong bàn tay bé nhỏ của con trai mình, chợt cảm thấy ấm áp. Gió vẫn rít qua ô cửa sổ, cái cột chống tưởng như sắp đổ sập xuống trong giấc ngủ mộng mị của tôi. Tiếp đến là câu chuyện của một người phụ nữ điên. Ả ta điên thật đấy, những người trong xóm kháo với nhau như thế và cấm lũ trẻ không được lại gần hay trêu chọc. Ở khu phố này, mỗi người đều có những việc phải lo, vì thế họ đều chẳng muốn dính dáng vào người đàn bà ấy, tôi cũng vậy. Chỉ có vài lần, bà ta đi lướt qua bên kia đường, tóc tai rũ rượu, những lọn bẩn thỉu ấy xoắn lại với nhau., nhếch nhác và cảm giác như xác thịt trên người đang rữa ra từng mảng bốc mùi. Mỗi buổi sớm, trong làn sương mờ ảo và lạnh thấu da thịt, người phụ nữ mặc chiếc áo sơ mi nam rộng thùng thình chẳng nhận ra là màu gì nữa đi khắp khu phố. Cô ta lân la khắp nơi, thỉnh thoảng dừng lại nhìn quanh quẩn vào mấy nhà như kiểu tìm kiếm một điều gì đó, đôi khi lại cười hỉ hả rồi ư ư điều gì đó không rõ tiếng. Cuối cùng tôi cũng biết cô ta đi tìm điều gì ở khu phố này, là chính tôi! Đôi mắt ấy nhìn tôi, thẳm qua sắc u ám. Và cô ta bấu lấy tay tôi, rất chặt. Người phụ nữ điên ấy đã đi tìm tôi, chờ tôi rất lâu để trao một mảnh giấy. Nó được gấp rất cẩn thận, cất kĩ trong cái bị mà cô hay đeo quanh vai, một tờ giấy báo… Tôi run sợ gạt tay người phụ nữ ấy ra, nhưng cô ta vẫn níu lấy áo tôi, môi mím chặt và như đang ư ử gì đó không nói ra được. Tôi muốn bỏ chạy, muốn hét lên mà không được. Cô ta đang cấu chặt vào tay tôi, mùi nồng nặc xộc thẳng vào mũi. Vài người hàng xóm nhìn cảnh ấy trên đường ngạc nhiên, họ đứng xầm xì ngạc nhiên. Tôi dùng hết sức đẩy người điên ấy ra rồi bỏ chạy thẳng về nhà, cảm giác muốn nôn hết ra mà không được, lợm lợm nơi cổ họng. Sau tai để lại những tiếng rên la của ả kia. Đúng là điên mà, tôi chửi rồi lại cắm cúi chạy. Chân run như sắp khụy xuống đến nơi. Về đến nhà, việc đầu tiên, tôi xốc hẳn nước lên mặt, tựa vào tường thở hắt ra. Cảm giác những tiếng í ới của người phụ nữ điên ấy, tiếng xầm xì của những kẻ khác vẫn còn vang đâu đây. Từng giọt nước lạnh giữa đông chảy trên mặt, tôi mới cảm thấy bình tĩnh hơn chút. Thằng bé nằm trong nhà, nhìn tôi trân trân, đôi mắt ráo hoảnh, sắc đen và ngây dại… Cô ta lại tiếp tục đi tìm tôi, như thể một việc bắt buộc hay là một điều hấp dẫn. Tôi đang nói đến người phụ nữ điên ấy chứ ngoài ai khác đâu, quãng thời gian ấy luôn khiến tâm trí có chút hoảng sợ. Đó là vào cuối mùa đông rồi, thời tiết cũng đã khá hơn chút. Tôi dành nhiều thời gian hơn để thổi harmonica, đôi lúc cao hứng nhớ lại vài bài thiếu nhi nào đó. Mọi người bảo tôi suốt ngày ở trong nhà, tránh mặt người điên đi rồi tình hình sẽ khá hơn. Quả là tôi đã làm vậy nhưng cũng không có tiến triển gì. Cuối cùng thì phải đối mặt với nó thôi, tôi đã quyết, giống như buổi sớm mà tôi đã khóc vì đứa con mình sinh ra. Tại sao cô lại như thế, tôi đứng cách xa người phụ nữ điên cả thước và hỏi, co mình trong tấm áo khoác, gió lùa qua mái tóc ngắn. Đôi mắt cô rực lên, dường như đã mong chờ điều này từ lâu lắm rồi. Nhưng rồi lại cụp mắt, nhìn xuống đất, hai chân di di. Sau đó một lúc, rất lâu, tôi muốn quay lưng bỏ về thì cô ta níu áo, tần ngần đưa ra một tờ giấy báo. Vẫn là tờ giấy lần trước, tôi chần chừ nhận lấy nó, tự nhiên cảm thấy như vừa bị ai đó siết mạnh. Là anh…?