Phần II

 Tôi ngồi xuống giường, dựa đầu lên vai mẹ như những ngày xưa bé bỏng:
Mẹ không buồn con chứ?
Mẹ tôi nhẹ lắc đầu vuốt làn tóc rối tôi chưa kịp chải lại sau mấy giờ bay:
Không đâu con, các cháu ngủ yên chưa.
Chúng nó mệt nên ngủ yên hết rồi.
Con có mệt thì cứ đi ngủ đi.
Cho con ngồi với mẹ tí nữa nhé. Bố đâu rồi, con sợ bố mắng lắm.
Mẹ tôi thở dài:
Bố con ít nói, nhưng cũng như mẹ, lúc nào cũng thương con. Từ trước đến giờ con vẫn là đứa con hiếu thảo với gia đình. Gia đình tan vỡ là điều bất hạnh nhưng có lẽ cũng do số mạng.
Tôi ứa nước mắt:
Lỗi tại con, nhưng giá hồi đó mẹ đùng ngăn con với chú Quang thì biết đâu con chả có hạnh phúc.
Đừng nhắc chuyện đó nữa con. Làm sao bố mẹ dám để con lấy chồng lúc con chưa đầy 18 tuổi. Chú Quang yêu con nhưng gấp đôi tuổi con lúc bấy giờ. Mẹ biết con buồn và Quang đau khổ bỏ đi, nhưng cũng nhờ đó con mới có cơ hội theo học đại học, giúp đõ được bố mẹ, nuôi các em con nên người. Con đã nghe lời mẹ lúc đó nên bao giờ mẹ cũng thương con. Con vẫn còn nhớ Quang à?
Tôi nhè nhẹ gật đầu:
Đôi lúc mẹ ạ. Chú Quang là mối tình đầu, khi con mới 15, biết nhau ba năm dài. Con học thơ văn và viết lách từ chú mà mẹ.
Mẹ tôi lại cười buồn:
Nhà này ai cũng thực tế, chỉ có con là lãng mạn với thơ văn nên mới khổ.  Vy này, bố mẹ thấy con xinh đẹp nhưng tính tình ngang bướng từ nhỏ, thích gì là làm, chẳng để ý gì đến ăn mặc và trang điểm cho chau chuốt như những đứa con gái khác nên đã lo ngại. Đúng là cái số con truân chiên.
Tôi mỉm cười với mẹ:
Số gì đâu mẹ! Con thích nên con làm, con muốn học cho giỏi, đi làm kiến ra tiền giúp mẹ nuôi các em, có đời sống vật chất đầy đủ, và con đã thực hiện được những điều con hoạch định. Con biết là con cũng mắc phải nhiều lỗi lầm, giá đừng học kế toán, theo đuổi nghành hội hoạ và trang trí nội thất từ ban đầu thì có lẽ con đã không gặp Trung, và có lẽ đã hạnh phúc hơn nhiều. Thôi con đi ngủ đây. Mẹ cũng đi ngủ đi, muộn rồi.
Dù rất mệt mỏi như tôi vẫn không sao ngủ được. Căn phòng này của tôi khi tôi còn sống với gia đình. Con chó nhồi bông vẫn ngồi trên kệ sách, các bằng khen từ thời trung học vẫn treo trên tường, cả tấm hình ngày tôi tốt nghiệp đại học, trước khi đi Silicon Valley nhận việc, vẫn được mẹ tôi trịnh trọng đặt trên cái bàn viết nhỏ. Tuổi trẻ của tôi là ở đây, là chỗ êm đềm với mẹ, với các em, với chú Quang, người bạn trẻ tuổi của bố, và là người tôi yêu ngay từ khi vừa qua tuổi dậy thì.
Tôi trằn trọc nghĩ tới ngày đầu tiên gặp Trung, người đàn ông đẹp trai đi cùng với một người bạn, lái chiếc Porsche màu rượu chát đậu ngay trước tiệm ăn, nơi và tôi và con nhỏ bạn đang xì xụp thưởng thức tô bún bò. Nhìn thân hình rắn chắc của Trung trong bộ đồ thể thao trắng, chắc là vừa từ sân Tennis về, con nhỏ bạn đã run lên, thì thầm:
I want him!
Tôi thúc dục:
Go for it! Tới làm quen đi.
Thôi, dị thấy mồ!
Có gì mà dị. Bộ con gái không được làm quen với con trai à. Mày ở xứ này bao lâu rồi mà còn bảo thủ quá
Con nhỏ bạn vẫn e dè lắc đầu. Tôi hồn nhiên:
Để đó tao!
Hai người đàn ông thoáng đưa mắt nhìn chúng tôi, nhưng rồi lại hăng say bàn tiếp về trận cá độ mà họ vừa thắng nên có lẽ không nhận thấy tôi vừa thoáng mỉn cười với họ. Tự ái và tính tinh nghịch nổi lên, tôi kéo con nhỏ bạn ra về, nhưng khi trả tiền tại cashier tôi mượn cây viết, xé mảnh giấy hoá đơn, viết tên và điện thoại của tôi, đưa cho cô nhân viên:
Nhờ chị trao cho người lái chiếc xe đỏ đậu trước cửa. Cám ơn chị nhé.
Tôi không phải chờ lâu. Buổi tối đó Trung gọi, chúng tôi nói cười thật vui trong phone, và vài ngày sau thì tôi đã ngồi cạnh Trung trong chiếc xe Porsche màu đỏ đó, chạy khắp phố phường.
Đám cưới của chúng tôi là giấc mơ của nhiều cô gái. Tôi thôi việc và Trung xây cho tôi một ngôi nhà mới trên sườn đồi để cho tôi trang hoàng theo ý thích. Những đứa con lần lượt ra đời, tôi bận bịu, nhưng rồi hạnh phúc ban đầu nhạt dần. Trung quá chú tâm với công việc kiếm tiền, ít còn thì giờ cho tôi, và nhất là ít còn để ý truyện trò với tôi, khiến tôi hiu quạnh và nhàm chán trong căn nhà to lớn nhưng lạnh lẽo những lúc chỉ có tôi một mình.
Thân đến với tôi như câu chuyện của bản tình ca “Ngày đó có  anh đi nhẹ vào đời và mang theo trăng sao với lời thơ nuối”, nhưng rồi “Ngày đó có anh ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối”, để lại cho tôi niềm đau tê tái đến tận cùng.
Bài hát ‘Ngày Đó Chúng Mình’ của Phạm Duy vang vang trong tiềm thức, cho đến quá nửa đêm về sáng tôi mới chợp mắt, và khi Jane lay tôi dậy, tôi nhìn thấy nước mắt đầm đià trên gối.
 
o0o
 
Các em tôi đều đã có gia đình sống gần bố mẹ tôi, nhưng không ai có con, nên bố mẹ đặc biệt yêu thích các con tôi, nhất là mẹ tôi, lúc nào cũng quấn quít với “các cháu của bà”, săn sóc cho chúng tận tình, nên tôi được rảnh rang lo kiếm việc làm, nuôi các con tôi, và mong làm lại cuộc đời. Chia tay với Trung, tôi biết là lỗi tôi, nên không đòi hỏi bất cứ điều gì, ngoài quyền nuôi nấng các con, và một số tiền ít ỏi để tôi có thể đưa các con tôi về Houston. Tôi không đòi cả tiền cấp dưỡng các con, vì tự ái, và vì tôi tự tin là tôi đủ khả năng nuôi các con nên người. Mẹ nói tôi vẫn bướng như xưa, vẫn bốc đồng, nhưng cương quyết, và mẹ vẫn yêu tôi như thủa nào, khi tôi còn thơ dại, lúc mới đặt chân lên xứ sở này.
Houston có lẽ không phải là nơi cho nghề nghiệp tôi muốn chọn nên mấy tháng trời trôi qua tôi vẫn chưa tìm được việc làm trang trí nội thất như tôi mong mỏi. Tôi thất vọng nhưng tôi dấu gia đình. Những bước chân trở về sau những lần đi kiếm việc trở nên nặng nề nên tôi ghé vào quán rượu. Những ly Tequila làm tôi tạm quên buồn phiền nhưng dần dần mẹ tôi nhận ra hơi thở nồng nặc mùi rượu của tôi mỗi khi tôi đi đâu về. Mẹ tôi bật khóc:
Con ơi, sao con nỡ nào hủy hoại thân mình.
Tôi không khóc, dù nước mắt có ứa ra, nhưng mím môi chịu đựng, chỉ gục đầu trước mặt mẹ, nói không ra lời. Tôi còn gì nữa đâu, một gia đình tan vỡ, một tình yêu mù loà tan biến như bọt sóng để lại bao nhớ thương, một đòi sống vật vờ không biết đi về đâu. Tôi nghĩ đến cái chết, đang muốn đi tìm cho mình một chỗ bình yên thì Sophia gọi tôi từ New York:
Mày dạo này sao rồi, Vy.
Tôi tủi thân:
Chán đời lắm. Chỉ muốn chết thôi!
Tầm bậy! Gia đình mày sao?
Mày biết rồi mà.
Tao muốn hỏi các con mày. Chúng sao? Mọi chuyện tốt đẹp chứ?
Ừ. Mẹ tao chăm sóc chúng rất chu đáo. Chúng đi học lại rồi, và học rất giỏi, rất thích ngôi trường và bạn bè mới.
Như vậy tốt. Còn mày vẫn chưa có việc làm hả?
Đúng. Chắc không bao giờ tao có thể tìm được việc ở cái chỗ chết tiệt này.
Vậy lên tao đi. Ở đây cần rất nhiều người biết trang trí nội thất. Cả người vẽ tranh bán cho du khách nữa.
Thật không? Để tao lên thăm mày, và tìm thời vận.
 
Mấy đứa nhỏ vừa ổn định, và mẹ thừa sức nuôi chúng nó. Không cần phải đi đâu lúc này.
Tôi phản đối:
Nhưng chúng là con của con. Con có bổn phận trông nom chúng nó.
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi thật cứng rắn:
Mẹ đã nói là không. Và con hãy nhìn vào con! Làm sao con nuôi dậy được chúng trong lúc con hầu như ngày nào cũng say sưa. Công việc thì mới, chưa ổn định. Tương lai không biết đi về đâu. Để mấy đứa nhỏ đây cho mẹ. Chừng nào con ổn định công việc, và - mẹ tôi đưa tay lau mắt - sống cho đàng hoàng rồi hãy nghĩ tới chuyện đưa các con đi.
Mẹ …
Mẹ tôi ngắt lời:
Mẹ đã nói hết lời. Nếu con không nghe thì đừng bao giờ trở về nơi này!
Tôi bật khóc nức nở, ngã khụy trên sàn nhưng mẹ tôi chỉ nhìn đi đâu đó chứ không nhìn tôi. Các em tôi đỡ tôi dậy, khuyên tôi lên nghe lời mẹ, và hứa là sẽ phụ một tay với mẹ trông các nom các cháu. Các con tôi hình như cũng không muốn rời nơi êm ấm, được bà ngoại chăm lo nên cũng không thiết tha đòi đi theo. Jane ôm cổ tôi:
Mommy, where’s New York?
Tôi gạt nước mắt:
Far away up North, Honney.
Please don’t go.
I have to, Jane. Do you want to go with me?
Con bé ngần ngừ nhìn bà ngoại không trả lời. Tôi bật khóc:
It’s OK. You can stay with grandma. Mẹ phải đi nhưng mẹ sẽ về thăm con thường. Các con ở nhà ngoan nhé.
 
Tôi trở lại New York, mắt sưng vù vì khóc nhớ các con. Sophia ôm tôi dỗ như thể tôi còn bé bỏng, nó chùi nước mắt cho tôi, dẫn tôi ra quán rượu gần nhà. Đêm ấy tôi say như chưa bao giờ say thế. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy Sophia bó gối ngồi cạnh giuờng, nó cũng khóc, vừa lau nước mắt đầm đià, vừa nhìn tôi nghẹn ngào:
Oh, poor dear. I’m so sorry.
Tôi gắng gượng trở dậy đi làm, vì tôi biết công việc lúc này rất cần thiết đối với tôi. Tôi cần ổn định đời sống, tôi cần một chỗ khang trang hơn để mang các con tôi lên, tôi cần làm lại cuộc đời, để cho Trung biết là dù không có Trung các con tôi vẫn lên người, và tôi, tôi vẫn sống dù không còn tình yêu.
Trong những lúc trống vắng các con tôi bắt đầu cầm cọ trở lại, Những bức tranh đầu tiên là những góc của căn nhà ở Houston. Những mảng mầu vui tươi quấn quít xung quanh hình bóng các con làm tôi nhẹ bớt nỗi buồn. Tôi cũng bắt đầy vẽ chân dung của chính tôi, của người đàn bà với nét mặt u buồn, ngồi trên ghế đá ngoài công viên, phiá sau là rừng cây trơ lá với những cành khẳng khiu. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ ngày vui cũ, và tôi lại vẽ người đàn ông có đôi mắt đẹp, ngồi với người yêu có mái tóc đen mềm, gió bay quấn vào cánh tay trần chống trên nền cỏ xanh.
Sophia nhìn vào những bứa tranh tôi vẽ, đôi lúc nó gật gù như khen ngợi, đôi lúc nó cáu kỉnh:
Quên cái mặt đau khổ của mày đi. Không ai mua tranh u tối như vậy.
Tôi chỉ lắc đầu cười.Tôi đâu có ý định bán, tôi chỉ vẽ vì nhớ con tôi, nhớ người tôi yêu. Vâng, đã nhiều năm hình bóng Thân vẫn chưa nhạt nhoà, dù chúng tôi cố gắng không bao giờ liên lạc với nhau. Tôi biết anh vẫn còn viết trên diễn đàn ấy, có lẽ dưới một tên khác, nhưng cũng không vào tìm hiểu, để cho những kỷ niệm cũ phôi pha dần với thời gian vì mỗi chúng tôi đề đã có riêng một cuộc đời.
Tôi không để ý đến nhưng Sophia vẫn tự động mang tranh của tôi ra gửi tại một phòng trưng bày mà nó quen biết, nơi du khách thường qua lại, và lâu lâu tôi lại nhận được một món tiền nhỏ đủ để mua quà cho các con, cho mẹ mỗi lần tôi về Houston. Dù bận rộn với công việc, và mệt mỏi vì di chuyển, tôi vẫn về Houston hai tuần một lần, về để được các con bám quanh mè nheo, cho tôi ôm hôn từng đứa, và cho tôi chảy nước mắt mỗi lần giã từ.
Mẹ tôi vẫn cương quyết không cho tôi đá động đến việc mang các con đi. Nhìn thân hình yếu đưối của tôi mẹ lắc đầu:
Nhìn con xem. Ngày xưa con xinh đẹp và khỏe mạnh, bây giờ con như thế này chứng tỏ là đời sống của con chưa ổn định, con chưa chăm sóc được chính bản thân con thì sao chăm lo cho những đứa bé.
Các em tôi, vì chưa có con cái, nên rất thương yêu các con tôi và cũng muốn giữ các con tôi ở Houston:
Chị phải nghĩ tới tương lai của các cháu. Chúng cần có một gia đình ổn định thì mới học hành tấn tới. Chúng mới về đây, vừa mới thích nghi với đời sống mới, chị nỡ lòng nào đưa chúng nó đi để khuấy động cuộc sống của chúng nó!
Nghe mẹ và các em nói tôi chỉ biết cúi đầu rớt nước mắt, bỏ về New York, mang theo một nỗi buồn.
 
o0o
 
Mùa đông trời New York lạnh giá, từ nhà ra trạm xe điện ngầm đi làm khoảng cách không xa lắm nhung những hôm trời gió tôi có lảo đảo đi không vững. Cơn ho nhiều khi chợt đến làm tôi muốn khụy ngã trên đường, những lúc đó tôi thèm một hớp rượu nóng nên dần dần bữa điểm tâm của tôi chỉ là một ly Tequila cho ấm lòng trước khi ra khỏi nhà. Không có nó tôi run rảy, không có nó tôi không có đủ can đảm đương đầu với thời tiết, với lòng thương nhớ các con, và với cuộc sống càng ngày càng trống rỗng đến ghê sợ.
Buổi tối Sophia đến thăm tôi thường, nếu nó thấy tôi nằm co quắp, hoặc nước mắt ngắn dài thương nhớ các con, là nó lại kéo tôi ra khỏi nhà, tới một quán rượu nào đó cho tôi đỡ buồn. Tôi cay đắng có cảm tưởng là các em tôi về hùa với mẹ tôi để chiếm đoạt các con tôi nên những lần điện thoại về nhà tôi lớn tiếng hơn, gay gắt hơn, khóc nhiều hơn, để rồi sau đó say sưa hơn, và nghĩ tới cái chết rất nhiều lần.
Có lẽ Trung đã nói đúng. Tôi là người thua cuộc, chưa đến nỗi phải nhờ vả vào welfare và food stamps nhưng gia đình ly tán, và tôi chẳng còn gì hơn là những nỗi buồn phiền. Cuộc đời này có còn ý nghĩa gì nữa không? Tôi tự hỏi nhiều lần và chua xót nhận thấy không còn gì cho tôi thiết tha, ngoài những kỷ niệm cũ của một mối tình say đắm.
 
Sophia gọi tôi, nói như hét lên trong điện thoại:
Vy! Họ bán nó rồi, bán nó rồi.
Tôi thờ ơ:
Bán gì?
‘Cô Đơn Vy’, bức tranh chứ còn cái gì nữa!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Đó là bức tranh trìu tượng tôi vẽ chính mình ngồi cô đơn trong bóng tối nhạt nhoà của căn phòng, đôi mắt đẹp nhưng buồn xa vắng, nhìn về đâu đó. Tôi yêu bức tranh đó, không có ý định đem bán nên đã đem treo lên tường, nhưng Sophia không muốn tôi nhìn thấy những gì u buồn nên gỡ xuống đem gửi ngoài phòng tranh.
Tiếng Sophia sôi nổi:
Vy, mày nghe tao không?
Nghe. Ai mua nó làm gì thế nhỉ?
Tao không rõ, chỉ biết là họ chịu trả một giá rất cao!
Cao là bao nhiêu? Đủ cho mày và tao đi uống rượu tối nay không?
Có uống cả tháng cũng không hết, nhưng mày không nên uống nữa. Tao không biết chủ phòng tranh bán được bao nhiêu, nhưng họ nói phần mày là 25 ngàn dollars!
Tôi kêu lên ngạc nhiên:
25 ngàn?
Thưa ‘bà’ vâng!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi yêu bức tranh đó, và tôi đã vẽ nó với cả tấm lòng say mê, gửi gấm hết tâm hồn vào hình bóng trong tranh, nhưng một hoạ sĩ vô danh và còn sống trên đời này như tôi, khó có thể bán được tranh với giá cao. Người chủ phòng tranh và người mua tranh có lẽ đã nhìn thấy hồn tôi trong đó, trong đôi mắt đẹp u buồn! “Bye, ‘Cô Đơn Vy’”, tôi thì thầm.
Sophia lại lên tiếng:
Sao? Mừng không? Quan trọng  hơn, chủ phòng tranh hỏi mày còn tranh đưa cho họ triển lãm không? Mày vẽ thêm nữa chứ hả?
Tôi cười buồn:
Không. Chỉ có một ‘Cô Đơn Vy’, và sẽ không bao giở có ‘người’ thứ hai!
Tôi biết tôi sẽ làm gì với số tiền bán tranh đó. Tôi biết tôi sẽ làm gì với cuộc đời. Tôi biết tôi … Nước mắt tôi bỗng ứa ra, nhưng lòng tôi bỗng nhiên thanh thản vô cùng. Bây giờ tôi cần một  giấc ngủ, dù phải uống thêm viên thuốc an thần bác sĩ vừa cho hôm qua.