Nhận điện thoại của mẹ “con dốc nhà mình đã tráng nhựa xanh”, tôi mừng khấp khởi, em tôi sẽ không còn xắn quần, cột hai tà áo dài lên hông để đến lớp, không còn ai trong gia đình tôi phải lội bì bõm dưới sình đỏ sau mưa, ba sẽ không còn hì hục kê từng viên đá theo mỗi bước chân của chị em tôi, mẹ không còn phải mang hàng ra tận đường lớn để giao cho khách... Nhà tôi nằm trên đường quốc lộ, cách trung tâm thị trấn chừng 1km. Vào nhà phải xuống một cái dốc chừng trăm thước, nó là một cái dốc cao. Đứng từ mặt đường nhìn xuống nhà tôi như đường triền đi xuống suối. Dốc cao, nên trời mưa thì trơn trợt và cũng lắm sình lầy ở cuối dốc. Nhưng đó là nơi tuổi thơ tôi đã đi qua, nơi cùng lũ bạn trong xóm chơi trò ú tim, rượt bắt. Nơi chị em tôi hái lá dâm bụt làm tiền, hái hoa dã quỳ chơi trò cô dâu chú rể... Tuổi thơ đi qua mộc mạc và thân thương. Tôi không biết rằng mẹ than vắn thở dài mỗi khi mưa xuống, phải bám từng chân vào những viên đá ba đã kê mà mang hàng ra tận đường lớn để bán cho khách. Các ngón chân ba bám vào từng viên đá, có khi trầy xước và bật máu để cõng chị em tôi đến trường. Ngày ấy, nhà tôi nấu rượu ngon nhất huyện, ba mẹ tôi làm quần quật sớm khuya mà vẫn không đủ rượu để bán. Chiều chiều, Ông tôi cùng vài ông già trong xóm ngồi đánh cờ trên chiếc bàn con con dưới gốc me già trước ngõ, mỗi người uống một ly rượu nhỏ cho ấm bụng trước lúc ra về. Thành một thói quen, chiều nào tôi cũng làm cho ông một đĩa gì đó để ông làm mồi uống rượu, khi thì đĩa lòng xào, khi thì đĩa gỏi... Tàn ván cờ, thì món ăn ấy được cẩn thận bọc vào túi của Ông Năm. Ông Năm ở xóm trên, không con cái, không vườn rẫy, trước sống bằng đủ thứ nghề. Sau này già, ông đi ăn xin. Ông đi nhiều, mỗi ngày hàng chục cây số, ai cho gì lấy nấy, ăn uống qua ngày qua bữa. Và chiều nào cũng vậy, đến giờ là về gốc me già với bàn cờ con con ấy, cùng mọi người hớp ngụm rượu, cùng chơi cờ. Mà mắt ông lúc ấy sáng, gương mặt ông tinh thông kỳ lạ. Ông bảo “nhờ rượu mẹ mày nấu”. Tôi không tin, tôi chỉ cười, vì tôi nếm thử rồi, rượu cay xè, ngon lành gì?!. Rồi một chiều nọ, ông dắt về trước gốc me một người đàn bà mù, già quắt queo và khổ sở. Ông xua tay xóa đi thắc mắc của mọi người: “như tui!”. Bằng hai tiếng gọn lỏn như thế, không ai hỏi thêm điều gì nữa, tuổi già cô đơn thì có một người bạn để tâm tình sớm hôm thì quý lắm rồi. Đằng này, ông còn được nắm tay bà đi khắp nơi, được chăm sóc cho bà từng miếng ăn giấc ngủ. Còn gì vui hơn nữa cho tuổi già của mình. Ông Năm thường vắng mặt trong những ván cờ trong những ngày sau đó, ông còn nhiều điều cần lo lắng, và có thể khi nói chuyện với người đàn bà mù ấy vui hơn ngồi đánh cờ với các ông bạn già của mình. Hoặc ăn cùng bà sẽ đậm đà hơn ly rượu mẹ tôi nấu. Ông nội tôi nhìn di ảnh trên bàn thờ bà thở dài. Tuổi già héo hắt trôi qua. Dù có con có cháu, nhưng có phải lúc nào ông cũng có thể trò chuyện với chúng tôi như khi còn có bà đâu. Tôi học cấp 3, Ông bị tai biến mạch máu não, không được uống rượu, nhưng ông thèm, ông khóc “còn mấy ngày nữa tao xuống đất nằm, có ly rượu bây cũng tiếc!”, ông hờn mấy ngày, không thèm ăn. Ba bỏ nghề, sang lò rượu lại cho dì. Chiều chiều ông ngồi buồn nhìn ra con dốc, chênh vênh! Hoa dã quỳ vẫn vàng, dâm bụt vẫn đỏ như những chiếc đèn lồng. Các em tôi hàng ngày vẫn đến trường qua con dốc thân quen. Và ông đã ra đi... Do căn bệnh tai biến mạch máu não, khi ông ở nhà một mình. Ông đã trượt chân khi bước lên thềm nhà, không ai nhìn thấy ông ngã, không ai đỡ ông dậy, không ai nghe được tiếng ông gọi... Đám tang Ông, trời mưa tầm tã. Nhưng người ta vẫn nối thành hai hàng dài từ dưới gốc me già. Có mười người khiêng quan tài của ông đi lên con dốc. Hai mươi bàn chân thanh niên khỏe mạnh nhất bám vào từng thớ đất trơn, một người trợt chân! Người thứ hai trượt theo, người thứ ba, người thứ tư... Quan tài đổ nghiêng về một phía. Ba quỳ xuống khóc “Cha ơi, đường đi sao gập ghềnh và khó khăn quá!”. Nhưng kỳ lạ, quan tài không rơi, hai mươi bàn chân sau vài giây bôi rối rồi lại bước đều nhau, đưa ông ra khỏi con dốc. Con đường quốc lộ dài và trắng xóa trong mưa. Hai hàng người vẫn lặng lẽ đi... Chỉ có ông Năm, ông không đủ sức đi đến nơi, ông quỳ gục xuống giữa đường, người ta phải đưa ông về. Tôi nhìn mọi người, không biết ai đang khổ đau nữa? Vì đều bết bùn đất và nước mưa, môi thâm tím vì lạnh. Và tôi hiểu, “nghĩa tử là nghĩa tận”, bấy nhiêu cũng đủ biết rằng người ta đã quý Ông như thế nào. Tôi nhìn lên bàn thờ ông, cái ước mơ giản dị “ông được nhìn thấy đứa cháu nội lớn nhất của mình lập gia đình” đã không còn nữa. Ông đã ra đi sớm quá, khi tôi chưa học xong cấp ba. Tôi xa nhà, vào Sài Gòn học đại học, là một trong những người đầu tiên ở thị trấn nhỏ bé này đậu đại học. Ba tôi mừng đến nổi không thể làm được bất cứ việc gì trong ba ngày. Nếu tôi là con bé ba tuổi của ngày xưa, có lẽ ông đã công kênh tôi đi khắp xóm làng mà hết toáng lên “con gái tôi tuyệt nhất!”. Tôi đi, ba đứng nhìn theo, lần đầu tiên tôi nhận ra dáng ba giống Nội tôi quá đỗi, vẫn cái nhìn thăm thẳm từ cuối con dốc chênh vênh. Tôi ra trường rồi đi làm, nhà tôi thêm một đứa đi xa, nhà vắng thêm một người mà con đường vẫn thế. Các em tôi đã lớn dần lên, nghĩa là chúng cũng sẽ đi xa như tôi, đi dần dần, từng đứa! Rồi ánh mắt ba mẹ tôi dõi theo từ gốc me già ở cuối con dốc chênh vênh, dõi theo từng bước chân của các con mình. Rồi năm chị em tôi, đứa nào sẽ về lại thị trấn này? Đứa nào về lại ngôi nhà thân thương cuối con dốc ấy, để rồi có một gia đình, có tiếng cười của trẻ thơ. Để lại nhìn một thế hệ mới nữa chơi trò ú tim, đuổi bắt, làm cô dâu bằng hoa dã quỳ, lấy lá dâm bụt làm tiền mua cơm? Chia tay mối tình lãng mạn và trong trẻo thời sinh viên sau ba năm gắn bó, về nhà thăm mẹ. Cái bàn nhỏ dưới gốc me già ba đã dẹp đi, ngõ nhà trống quá, tôi ngạc nhiên hỏi mẹ. Mẹ bảo Ông Năm cũng đã đi với nội tôi. Trời thương nên ông đi rất nhẹ nhàng. Người ta phát hiện ra ông ngủ đã quá mười hai giờ trưa mà chưa dậy. Ông không bao giờ dậy nữa. Nhẹ nhàng và thanh thản. Hàng xóm đã quyên góp tiền làm đám tang cho ông. Ngôi nhà ông giờ lạnh lẽo, không người nhang khói. Hàng ngày, những người hàng xóm qua mở cửa, thắp nén hương cho ông đỡ buồn lòng. Nhưng không biết ông sẽ được ấm áp đến bao giờ? Mẹ kể. Từ ngày nội tôi mất, Ông Năm trở lại ngồi vào chiếc ghế dưới gốc me già trước ngõ, vẫn một ly rượu nhỏ, một đĩa thức ăn và bàn cờ. Có hôm những ông bạn già không đến, ông chơi cờ và uống rượu một mình, nói chuyện một mình... Người đàn bà mù năm ấy cũng đã qua đời sau khi về với ông chừng ba năm. Ông cũng yếu đi thấy rõ, mỗi ngày ông không còn đi được nhiều nữa, có hôm ông ngồi chơi cờ từ trưa, ánh mắt như vô hồn mà như nhìn tận sâu vào thế giới của cõi âm u nào đó. Có hôm, bé Út tôi nhìn thấy ông chơi cờ mà không dám ra gần ông, nó đứng núp sau cánh cửa nhìn gương mặt kỳ lạ của ông. Đêm, tôi nằm úp mặt vào ngực mẹ, nơi chị em tôi đã vắt đến kiệt cùng để lớn lên, chợt nhận ra nó đã héo hắt theo thời gian. Tự dưng tôi muốn khóc! Tôi muốn kể cho mẹ nghe hàng trăm chuyện trên đời, muốn mẹ biết rằng tôi cũng héo hắt nhớ thương nơi con dốc có gốc me già, có mái nhà nhỏ rộn ràng tiếng yêu thương, muốn kể mẹ nghe sau ba năm với mối tình đầu, tôi đã biết cuộc sống không quá giản đơn và chính bản thân mình cũng thay đổi đi nhiều quá. Nhưng đuôi mắt mẹ hằn vết chân chim, nụ cười không còn trong và sáng như ngày trước nữa. Tôi không dám làm mẹ khóc, dù tôi biết rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con mình đã lớn. Đi làm ba năm, công việc và công việc, những thuận lợi liên tiếp khiến tôi không có thời gian để nghĩ rằng mình đang cô đơn giữa thành phố đông đúc này. Nhưng khi mệt mỏi, tôi chợt nhớ ra mình cần có một bờ vai để khóc, cần một vòng tay dỗ dành, cần một niềm tin để đứng lên. Tôi nghĩ về ba, về gia đình tuyệt vời của tôi dưới con dốc có hoa dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ, có con ngõ với gốc me già. Và tôi tưởng tượng đến gia đình tương lai của mình, có hoa vàng đầu ngõ, có tiếng trẻ thơ... Lần đầu tiên thấy mình thèm đến khát khao một mái ấm gia đình. Tôi gặp anh, anh sinh ra và lớn lên ở thành thị, chưa biết màu đất đỏ, chưa lội sình sau mưa, chưa biết hoa dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ. Trong anh là kỹ thuật, là nhà cao tầng, là công nghệ tiên tiến mà anh học được từ trời Tây xa xôi. Tôi hỏi mẹ rằng có thể đưa anh về? Mẹ bảo con dốc vẫn chưa thành đường, vẫn mưa, vẫn sình lầy bì bõm, người ta có hiểu được không con? Tôi nghe tim mình đau quá, liệu anh và tôi có xa cách nhau đến thế hay không? mẹ lo lắng hóa lẩn thẩn mất rồi mẹ ơi! Tôi muốn đưa anh về, về thế giới tuổi thơ tôi, về không gian ấm áp mà tôi đã lớn lên, tôi đã được con dốc ấy ôm ấp và gìn giữ tâm hồn vẹn nguyên, trong trẻo đến bây giờ. Con đang suy nghĩ cuộc sống quá giản đơn hay là mẹ đã quá lo lắng cho con rồi? Mẹ ơi! Mẹ bảo “con dốc đựơc tráng nhựa xanh”, nhưng vẫn còn nguyên dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ. Úp điện thoại, muốn hét toáng lên rằng “Tôi yêu con dốc, tôi yêu dã quỳ vàng, yêu dâm bụt đỏ và mái nhà của tôi!”. Tất cả sẽ còn vẹn nguyên nếu anh cùng tôi gìn giữ và trân trọng sự bình yên của nhau. Mẹ sẽ cười thật tự tin trong ngày cưới tôi “sẽ không ai chê quê mình nghèo, không ai khinh thường con gái tôi ở xứ người xa lạ nữa!”. Tôi dụi đầu vào ngực anh, niềm tin vẫn trọn vẹn và bình yên. Tuy anh chưa từng đến nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Nhưng tôi tin anh sẽ đến và ở lại, sẽ cùng tôi gìn giữ vẹn nguyên những kỷ niệm, dẫu có những ánh mắt hướng về nơi nào xa ngái, chông chênh. Tháng 2 năm 2006 Nguyễn Anh Đào