Cụ Yên ngày một kém sức. Khi cụ yếu quá, chỉ ngồi cạnh lò sưởi, cụ đâm ra dễ cáu. Một tí gì cũng làm ông cụ giận dữ nhất là có ai bắt nạt Hy hoặc sai bảo Hy một cách sỗ sàng. Chỉ mới nghĩ rằng người ta có thể nói một câu bất nhã khó chịu với Hy, cụ cũng lo lắng tức bực. Hình như ông cụ tự nhồi vào óc cái ý nghĩ rằng chỉ vì cụ yêu Hy, nên mọi người đều ghét và muốn trêu chọc cụ. Nhưng việc này hại cho Hy vì những người tốt bụng trong bọn chúng tôi đều không muốn làm trái ý cụ, thành thử chúng tôi phải phờ phỉnh tính tư vị của cụ, và sự phờ phỉnh đó như nuôi cái tính kiêu ngạo và hung hãn của Hy. Một vài lần, Hạnh để lộ vẻ khinh bỉ, cụ nhận thấy, cáu lắm, vác gậy định đánh, nhưng tức run cả người lên khi thấy mình không còn đủ sức để đánh nữa. Sau vị mục sư của chúng tôi khuyên cụ Yên nên cho Hạnh đi học xa, cụ đồng ý tuy chẳng vui gì, vì cụ bảo: “Thằng Hạnh muốn đi đâu thì đi, nó chẳng được tích sự gì mà cũng chẳng bao giờ làm nên công chuyện gì.” Tôi thực tình mong mỏi là từ nay trong nhà sẽ yên ổn... Nhưng lại có hai người: cô Liên và bác Dọi. Ông đã gặp bác ta, trên Đỉnh. Bác ta khéo thuyết đạo, khéo nói những lời sùng tín, nên có ảnh hưởng đến cụ Yên, và cụ Yên càng yếu, ảnh hưởng bác ta càng tăng. Bác ta ray rứt tàn nhẫn cụ Yên để nhắc đến việc cứu vớt linh hồn cụ, và lưu tâm dậy con cái một cách nghiêm nghị; bác khuyên cụ Yên nên coi Hạnh như một đứa trời đánh và chẳng chiều nào là bác không tuôn ra một chuỗi dài các chuyện xẩy ra không hay cho Hy và Liên; bác ta bao giờ cũng khéo đánh vào chỗ yếu của ông cụ là đổ tội lên đầu Liên nhiều hơn. Còn Liên, cô ấy có những thói riêng tôi chưa từng thấy ở đứa trẻ nào... Cô quấy rầy chúng tôi mỗi ngày có hàng năm chục lần: từ lúc xuống đến lúc đi ngủ, không có một phút nào mà chúng tôi không lo sợ xẩy ra một chuyện ma quái. Liên bao giờ cũng háo ha háo hức, láu táu luôn miệng...nào hát, nào cười, châm chọc bất kỳ ai không làm theo như cô. Thật là một con ranh con bất trị, nhưng khắp vùng này lại không có ai có con mắt vui hơn, nụ cười vuốt ve hơn, dáng đi nhẹ nhàng hơn cô bé ấy. Nghĩ cho kỹ, tôi chắc cô ấy không phải là người có tâm địa xấu, vì mỗi lần làm cho chúng tôi bực mình, cô ấy thường ở bên chúng tôi, van xin chúng tôi nín khóc để cho cô ấy khỏi buồn lòng. Cô ấy cứ quấn quýt lấy cậu Hy. Chúng tôi đã nghĩ ra được một cách phạt Liên nặng nhất là bắt Liên phải xa Hy. Thế mà trong bọn chúng tôi không ai bị mắng vì Hy như Liên. Còn cụ Yên thì không chịu nổi những lời bông đùa của trẻ con; đối với con bao giờ cụ cũng khắc nghiệt, nghiêm nghị; về phần Liên, cô không hiểu sao cha mình trong khi đau yếu thường hay nóng tính, gắt gỏng không như thời còn tráng kiện. Chính vì cụ hay gắt gỏng càu nhàu mắng mỏ nên Liên mói thấy việc trêu cha là một cái thú. Mỗi khi thấy tất cả mọi người đều mắng cự cô, cô lấy làm khoái trí lắm, cô như thách tất cả mọi người bằng hai con mắt nhìn ngạo nghễ, hỗn sược và những câu đối đáp sẵn sàng. Cô ta nhạo những câu nguyền rủa độc địa của bác Dọi, cô ta trêu tôi, làm chính những việc mà ông bố ghét nhất, và tỏ cho ông bố biết tại sao sự khinh miệt giả tạo vờ vĩnh của cô - mà ông bố tưởng là thật - lại có ảnh hưởng đến Hy hơn là lòng tốt của ông bố đối với Hy; cô ấy lại còn tỏ ra tại sao bất cứ việc gì cô bảo, Hy cũng nghe cô, còn đối với ông bố thì Hy chỉ nghe theo khi nào chính Hy thấy việc ấy hợp với ý thích của Hy thôi. Suốt ngày hỗn sược với bố như thế, chiều đến thỉnh thoảng Liên lại đến vuốt ve bố làm lành. Cụ Yên nói: “Thôi Liên ơi, ba không yêu con đâu. Con còn tệ hơn cả thằng Hạnh. Đi cầu kinh đi, con ơi, rồi thú tội với Chúa. Mẹ mày và tao nữa thẩy đều lấy làm xấu hổ đã sinh ra mày.” Mới đầu những lời đó làm cho Liên khóc, nhưng bị ông bố ruồng rẫy mãi, Liên quen đi và mỗi khi tôi khuyên cô nên xin lỗi và tỏ ý hối tiếc những lầm lỗi đã qua thì cô lại bật cười. Rồi một hôm cụ Yên chết, chết yên lặng trong khi đương ngồi trước lò sưởi, một buổi chiều tháng mười, gió mạnh thổi quanh nhà, rít lên trong lò sưởi; hình như có bão nhưng trời lại không rét lắm. Chúng tôi đều quây quần quanh lò sưởi; tôi ngồi ở một chỗ hơi xa đương bận đan còn bác Dọi thì ngồi đọc Thánh Kinh ở gần bàn. Cô Liên hơi mệt, vì thế cô ngồi yên, dựa đầu vào chân cha, còn Hy thì nằm dài ở dưới đất, đầu đặt lên đùi Liên. Tôi nhớ cụ Yên trước khi thiu thiu ngủ còn vuốt ve làn tóc xinh đẹp của con gái. Ông cụ ít khi có được cái thú thấy con gái mình ngoan. Cụ nói: “Liên ơi, tại sao con không bất cứ lúc nào, cũng là một đứa bé ngoan?” Liên ngửng đầu về phía bố rồi đáp: “Ba ơi, tại sao ba không bất cứ lúc nào, cũng là một người bố ngoan?” Nhưng khi Liên thấy cha giận, cô hôn bàn tay cha và nói sẽ hát một bài để ru cha ngủ. Tôi bảo Liên đừng hát nữa và đừng động đậy người sợ đánh thức cụ Yên dậy. Chúng tôi ngồi yên không nói như thế trong nửa giờ; sau cùng bác Dọi đứng lên nói sẽ đánh thức ông chủ để ông chủ đọc kinh và đi nghỉ. Bác Dọi đến gần gọi tên ông chủ và sờ vào vai. Thấy cụ Yên không nhúc nhích bác Dọi cầm cây nến soi vào mặt. Tôi đoán có sự gì không hay xẩy ra khi tôi thấy bác Dọi đặt cây đèn rồi mỗi tay dắt một đứa trẻ bảo chúng rất khẽ: “Lên gác đừng có làm rầm cầu kinh lấy với nhau cũng được, còn tôi, tôi có việc.” Liên nói: “Tôi muốn hôn ba một cái” và giơ tay lên quàng lấy cổ bố trước khi chúng tôi có thể ngăn cản. Cô bé khốn nạn hiểu ngay và kêu lên: “Ba chết rồi. Hy, Hy, ba chết rồi!” Và cả hai đứa trẻ cùng kêu khóc thảm thiết. Tôi cũng khóc ầm ỹ theo chúng. Nhưng bác Dọi bảo có một người đã hiển thánh sống trên thiên đường, việc gì mà chúng tôi phải kêu rống lên như thế. Bác ta bảo tôi đi ra Diên-mễ-Tôn [9] tìm bác sĩ và mục sư. Tôi không hiểu hai người đó giúp được gì, tuy nhiên tôi vẫn lặn lội nửa giờ đi đem ông đốc tờ về, còn ông mục sư thì nội sáng ngày hôm sau sẽ đến... Để mặc bác Dọi giảng giải, tôi chạy lên buồng hai đứa bé. Cửa buồng chúng hé mở, tôi thấy chúng chưa đi ngủ, mặc dù lúc đó đã quá nửa đêm; nhưng chúng đã bình tĩnh, tôi không cần an ủi. Hai đứa nhỏ tự an ủi lẫn nhau bằng những câu mà tôi không thể nào nghĩ ra. Không có một mục sư nào có thể tả cảnh thiên đường đẹp hơn là chúng tả trong khi chúng ngây thơ thỏ thẻ cùng nhau. Trong lúc tôi vừa thổn thức vừa nghe chúng nói chuyện, lòng tôi không thể nào không ao ước rằng chúng tôi... tất cả chúng tôi... sẽ được xum họp yên lành ở trên đó.