Quá trưa trời rất nhiều sương mù và lạnh lắm. Tôi định tâm ngồi sưởi lửa ở buồng làm việc không tội gì mà lội bùn, vượt đồng cỏ hoang đến tận trại Gió Hú. Nhưng khi vào buồng làm việc thấy có chị đầy tớ quỳ trước lò sưởi chung quanh đầy bàn chải và thùng súc than, chị ta đổ tro vào than để dập tắt lửa làm bụi bay mù thiên địa. Thấy vậy tôi lùi ra, lấy mũ đội rồi đi thẳng một mạch hơn sáu cây số [6] đến trước cổng trại Gió Hú. Cũng may vừa tới cổng thì trời bắt đầu đổ mưa tuyết. Trên cái mỏm Gió Hú trơ trọi ấy, đất cứng lại như nước đá đen và gió thổi lạnh buốt tới sống lưng. Không tháo được giây xích cổng, tôi nhẩy qua hàng rào, chạy vội vào nhà đập cửa, đập hoài đập hủy, đau rát cả các ngón tay, nhưng vô hiệu, chỉ nghe có đàn chó sủa rống lên Tôi rủa thầm: “Lũ người ở cái nhà này là một lũ khốn nạn! Chúng bay khinh thường khách quá lắm, chẳng trách suốt đời ở cô độc. Cái gì mà ban ngày cũng đóng cửa nhà lại. Mặc kệ! Ông cứ vào!” Nghĩ thế, tôi cầm quả nắm, lay giựt thật mạnh. Cái đầu và mặt chua như dấm của bác Dọi thò ra ở một cửa sổ tròn của nhà chứa cỏ. “Ông muốn gì? Ông chủ tôi đi thăm trại cừu. Ông đi vòng quanh ra sau nếu ông muốn nói chuyện với ông ta.” Tôi hỏi to tiếng: “Thế không có người nào trong nhà để mở cửa à?” “Không có ai cả, chỉ có cô chủ thôi. Nhưng cô chủ không mở được, cho dẫu ông cứ lay cửa thình thình đến tối.” “Bác Dọi. Tại sao vậy? Sao bác không bảo là có tôi đến?” “Tôi bảo? Đời nào thế! Tôi chịu thôi, không muốn dính.” Cái đầu bác Dọi hầm hừ nói thế xong, rồi thụt vào. Tuyết đã bắt đầu rơi nặng. Tôi cầm lấy quả nắm lay thử một lần nữa. Bỗng một chàng trẻ tuổi mặc sơ mi trần, vác một cái đinh ba gạt cỏ từ phía sân sau nhà gọi tôi rồi làm hiệu bảo tôi đi theo. Qua một cái buồng giặt, một cái sân, đến chỗ nuôi chim thì vào đến buồng lớn, ấm áp và vui vẻ, nơi mà ông Hy tiếp tôi hôm trước. Trong lò sưởi ánh lửa than và củi chiếu sáng rực cả căn phòng: gần một cái bàn ăn đã bầy biện sẵn sàng, tôi lấy làm vui sướng được thấy mặt “cô chủ” người mà tôi không ngờ là có ở trong nhà này. Tôi cúi chào rồi đợi, bụng nghĩ thế nào nàng cũng mời mình ngồi. Nàng nhìn tôi, dựa lưng vào thành ghế, ngồi không nhúc nhích, không nói một lời. Tôi nói bâng quơ: “Hôm nay trời xấu quá! Thưa bà, tôi sợ đã làm hư hại cửa nhà bà đôi chút vì đầy tớ lơ đễnh, tôi gọi mãi mà không có đứa nào ra mở.” Nàng vẫn không hé môi. Tôi mở to mắt...nàng cũng mở to mắt, nói cho đúng nàng nhìn tôi một cách lạnh lùng thản nhiên, rất khó chịu. Chàng trai nói giọng càu nhàu: “Mời ông ngồi, ông ấy sắp về.” Tôi nghe lời ngồi xuống, hắng giọng rồi gọi con chó cái vàng, lần này thì nó chịu vẫy đuôi đáp lại. Tôi nói với cô chủ: “Con chó đẹp quá. Còn lũ con mới đẻ, bà định giữ nuôi cả?” “Cô chủ” đáp lại bằng một giọng cũng “dịu dàng” như anh chàng Hy. “Những con chó ấy không phải của tôi.” “À, thưa bà chắc đây mới là lũ con cưng của bà!” Tôi vừa nói vừa nhìn vào một cái đệm ghế trong bóng tối, trên nệm có những con gì trông na ná những con mèo. Nàng nói lại ngay giọng khinh bỉ: “Lũ con cưng kỳ cục nhỉ!” Thật là không may cho tôi, đó chỉ là mấy con thỏ chết. Tôi lại hắng giọng một lần nữa rồi ngồi sát vào lò sưởi, nhắc lại câu chuyện trời xấu. “Đáng lẽ ông không nên ra khỏi nhà.” Nàng nói, đứng dậy, với tay lấy ở trên lò sưởi hai hộp đựng trà. Từ nẫy nàng vẫn ngồi lẩn trong bóng tối, bây giờ thì tôi trông rõ dáng người và nét mặt. Người nàng mảnh khảnh cao, trông bề ngoài như người mới nhớn lên. Thân hình nàng thật đẹp, vẻ mặt thật trang nhã, trong đời tôi chưa được ngắm một người thứ hai như vậy. Tóc nàng như có ánh vàng rủ lung tung xuống hai bên cổ nét thanh thanh. Hai mắt nàng nếu nhìn không cau có chắc sẽ có một vẻ đẹp quyến rũ mê hồn. Cũng may cho tôi, hai mắt ấy chỉ lộ ra một tính tình nửa khinh khỉnh nửa chán nản. Các hộp trà ở xa tầm tay với của nàng. Tôi xoay người định giúp đỡ nàng thì nàng quay phắt nhìn tôi khó chịu như kiểu một anh chàng hà tiện bị người khác đòi đếm vàng của mình. Nàng nói giọng khô khan: “Tôi không cần ông giúp... Tôi với tới.” Tôi vội vàng đáp: “Tôi xin lỗi bà.” “Cô chủ” buộc một chiếc khăn quàng ngực lên trên tấm áo đen rất sạch sẽ rồi hỏi tôi: “Đã có người mời ông uống nước trà chưa?” Nàng đưa đi đưa lại cái thìa trên ấm trà. Tôi đáp: “Tôi xin vui lòng uống một chén.” Nàng nhắc lại: “Đã có người mời ông chưa?” Tôi mỉm cười nửa miệng: “Chưa. Nhưng người ấy là bà chứ còn ai?” Nàng đặt cả cốc trà và thìa rồi ngồi xuống ghế có vẻ hờn dỗi, trán nhăn lại, làn môi dưới bĩu ra, đỏ lên như môi đứa trẻ sắp khóc. Anh chàng đưa tôi vào thì đứng cạnh lò sưởi. Anh ta liếc nhìn tôi vẻ mặt như tỏ ra giữa anh ta và tôi có một mối thù không đợi trời chung. Tôi bắt đầu tự hỏi có phải anh chàng này là một người đầy tớ hay không... Áo mặc và lời nói thì thô kệch, hoàn toàn không có phong dáng “ông chủ” như ông bà Hy, hai tay thì sạm nắng như tay thợ cầy, nhưng dáng điệu lại tự nhiên, hơi nghênh ngang, không có vẻ gì tỏ ý muốn hầu hạ “cô chủ.” Không có chứng cớ rõ ràng về địa vị anh ta, tôi thấy tốt nhất là đừng chú ý đến thái độ kỳ cục của anh ta. Năm phút sau, ông Hy về, tôi nhẹ người đôi chút, đỡ luống cuống. Tôi vờ lấy giọng vui vẻ, nói to: “Đấy ông xem, tôi đến đúng theo lời hẹn với ông. Nhưng tôi sợ mưa tuyết bắt buộc tôi phải ở lại đây độ nửa giờ.” Ông Hy rũ bớt tuyết trên áo: “Nửa giờ? Tôi không hiểu sao ông chọn ngay cái lúc bão tuyết mù trời này mà đi chơi mát tới đây. Ông có thể rất dễ dàng chìm nghỉm trong các đầm ao. Những người rất thuộc vùng này cũng bị lạc như thường. Tôi lại còn có thể báo cho ông biết trước rằng không có hy vọng gì ngớt bão trong lúc này.” “Ông có thể cho tôi mượn một người đầy tớ nào thạo đường đưa tôi về Họa Mi Trang rồi ở luôn đấy cho đến ngày mai.” “Không, không thể được.” “À, thật vậy à? Thế thì tôi đành chịu dò đường một mình.” “Hừ hứ!” Chàng trai không nhìn tôi nữa, quay về phía “cô chủ” hỏi: “Cô có pha trà không?” Cô chủ hỏi ông chủ: “Có phải pha cho cả ông kia không?” Ông chủ đáp lại một cách giận dữ quá khiến tôi rùng mình: “Có pha.” Giọng thốt ra mấy tiếng đó tỏ rõ người nói có một bản chất rất xấu. Tôi không coi ông Hy như một người đáng phục nữa. Lúc mọi người bắt đầu dùng trà, cả anh chàng nhà quê cũng đến uống. Một sự im lặng nghiêm trọng như đè nặng quanh bàn ăn [7]. Tôi nghĩ bụng nếu mình đã gây nên không khí căng thẳng ấy thì mình có bổn phận phải đánh tan nó. Không lẽ ngày nào họ cũng sầm sì nét mặt và lì lì như thế kia; cho họ xấu tính đến thế nào đi nữa cũng không lẽ cả bọn ngày nào cũng cau cau có có như lúc này. Tôi khởi chuyện: “Thật không ngờ... Thật không ngờ thói quen lại có thể biến đổi tính tình và tư tưởng của mình. Rất nhiều người không thể tưởng tượng được rằng người ta lại tìm thấy được hạnh phúc trong một cuộc sống xa cách sự đời như ông. Thế mà như ông đây, sống giữa gia đình, lại bên cạnh một bà vợ quý như một nữ thần giúp ông trong việc tề gia nội trợ...” Ông Hy ngắt lời tôi bằng một tiếng cười gằn nghe rợn như tiếng quỷ sứ: “Bà vợ quý của tôi. Bà ấy ở đâu, bà vợ quý của tôi?” “Tôi muốn nói tới bà Hy.” “ À, vâng. Chắc ông muốn nói linh hồn bà ấy, đã biến thành thiên thần và phù hộ cho trại Gió Hú này, mặc dù hồn bà đã rời khỏi thân xác. Có phải thế không?” Biết là mình đã hớ, tôi cố gỡ lại. Ông chủ và bà chủ chênh lệch về tuổi nhiều quá khó lòng là vợ chồng được. Một người vào độ bốn mươi, người kia hình như chưa đến mười bẩy tuổi. Tôi vụt nghĩ ra: “cái anh chàng quê kệch ngồi cạnh tôi có hai bàn tay bẩn thỉu kia có thể là chồng “cô chủ”. Anh chàng hẳn là con ông Hy, “cậu chủ”. Đấy khi người ta sống chôn vùi ở nơi biệt lập thì xẩy ra như vậy: cô ả cảm anh chàng cục mịch kia chỉ vì không biết có ai lịch sự hơn! Đáng phiền.... Mình phải cố làm cho cô ả phải hối đã kén chọn lầm!” Ý nghĩ sau cùng có vẻ tỏ ra tôi là một anh chàng tự cao tự đại. Nhưng không thật thế đâu. Anh chàng ngồi cạnh tôi trông quê kệch, còn tôi, dựa theo kinh nghiệm tôi biết mình không phải là không có một thứ duyên riêng. Ông Hy nói như chứng thực ý đoán của tôi: “Người này là con dâu tôi.” Ông ta vừa nói vừa nhìn nàng, nhìn một cách lạ lùng, có nhiễm thù hằn... trừ khi vẻ mặt ông ta vì một sự trái ngược bất thường không diễn đúng tâm hồn ông ta. Tôi quay về phía anh chàng ngồi cạnh tôi: “À, chắc thế... bây giờ tôi hiểu rồi. Chính cậu là bạn của nàng tiên này.” Lại càng tệ hơn, anh chàng đỏ mặt tía tai, tay nắm tròn quả đấm có vẻ sừng sộ của người muốn xung phong. Nhưng anh ta cố nhịn ngay, đè nén tức giận bằng một câu rủa độc, rõ ràng là rủa tôi nhưng mà tôi - cố nhiên - tôi vờ như không biết. Ông Hy nói: “Ông dự đoán không tinh. Không một người nào trong chúng tôi may mắn có được nàng tiên ông nói. Chồng cô tiên đó đã qua đời. Lúc nẫy tôi có nói cô ấy là con dâu tôi, vậy chắc chắn cô ấy lấy con trai tôi.” “Thế cậu này là...” “Chắc chắn không phải con tôi.” Rồi ông Hy lại mỉm cười cho việc tôi có ý gán ông ta làm bố “con trâu chương” là một sự pha trò hơi quá đáng. Anh chàng làu nhàu tự giới thiệu: “Tên tôi là Yên Hạ [8] và tôi khuyên ông nên kính trọng cái tên đó. Tôi cười thầm vì cái vẻ trịnh trọng của chàng trai lúc tự giới thiệu mình, tôi nói: “Nhưng tôi có nói điều gì khiếm lễ đâu.” Tôi vội quay mặt không muốn nhìn anh ta sợ mình hoặc muốn bạt tai anh ta một cái hoặc bật cười chế nhạo. Tôi thấy mình lạc lõng trong cái gia đình thú vị này. Ngồi đây thì có ấm áp trong người thật nhưng cái không khí tinh thần lại quá ư thảm đạm. Tôi định bụng nếu có đến đây lần thứ ba thì cần phải khảo lự cẩn thận. Ăn xong tôi ra cửa sổ nhìn trời, đêm tới sớm, hòa với núi đồi mờ mịt lẫn lộn trong gió bão và tuyết bay dầy đặc. Tôi nói lớn tiếng: “Về nhà lúc này mà không có người dẫn đường thì về sao được. Đường đi chắc tuyết đã phủ kín, mà không phủ kín thì cũng chẳng nhìn thấy chỗ đặt chân.” Ông Hy nói: “Hạ, dắt cừu xuống nhà chứa cỏ, nếu để ở ngoài một đêm chắc chúng nó bị chôn sống. Nhớ chặn phía trước chúng một tấm ván.” Tôi kêu tiếp theo, mỗi lúc một tức thêm: “Làm thế nào bây giờ? “ Không một ai trả lời tôi. Bác Dọi cho chó ăn, cô con dâu ông Hy thì ngồi cúi mình gần lửa, nghịch đốt những bó diêm ở trên lò sưởi rơi xuống khi cô nàng đặt lại hộp trà về chỗ cũ. Bác Dọi nói, giọng rít lên: “Sao cứ ngồi đây, không làm việc gì cả, sưởi ấm trong lúc mọi người đều ra ngoài làm việc. Thật là đồ vô tích sự mà nói thì như nước đổ đầu vịt. Thói nào vẫn tật ấy. Rồi cũng ma dẫn lối quỷ đưa đường như bà nhà khi xưa.” Trong một lúc, tôi đã tưởng những lời hùng hồn ấy nói về tôi. Khá tức tôi định tống cổ bác ra ngoài, nhưng lời nói của cô nàng dâu hãm tôi lại: “Bác nói quỷ đưa đường mà bác không sợ quỷ nó đưa bác đi à? Này, tôi bảo cho bác biết.” Nàng lấy xuống một cuốn sách bìa đen: “Tôi đã biết nhiều trò phù thủy. Bác cút đi ngay lập tức kẻo nguy đến tính mạng. Ai đi quá sẽ bị tôi trừng phạt... trừng phạt gì tôi không nói ra vội... nhưng rồi bác xem. Bác coi chừng đó.” Cô phù thủy vờ lộ một vẻ quái ác trong hai con mắt đen và bác Dọi sợ hãi một cách thành thực vừa chạy đi vừa cầu kinh. Tôi cho là nàng vừa đùa nghịch quái ác chơi; bây giờ chỉ còn lại hai người. Tôi nghiêm trang nói với nàng về hiện tình khó xử của tôi. “Thưa cô, tôi xin lỗi cô. Tôi không sợ đường đột vì trông cô tôi biết chắc cô là người rất tử tế, xin cô chỉ lối cho tôi tìm được đường về tới nhà. Tôi đi ở vùng này chắc cũng khó khăn như nếu cô phải tìm đường đi Luân Đôn.” Nàng ngồi xuống ghế bên một cây nến thắp sáng và một cuốn sách mở để trước mặt: “Ông đến do đường nào thì ông cứ lối ấy đi về. Lời chỉ bảo tuy vắn tắt nhưng hay nhất.” “Thưa cô, nếu vậy khi nghe người ta tìm thấy tôi chết cứng trong một cái lạch, thì lương tâm cô liệu có bị ray rứt vì cô mà tôi chết không?” “Tại sao? Tôi không thể đi cùng ông được. Họ không cho tôi đi xa hơn cái góc tường ở ngoài vườn kia.” “Cô à! Có đời nào tôi dám nhờ cô đi ra khỏi cái nhà này trong một đêm như đêm nay chỉ để tiện việc cho tôi. Tôi chỉ nhờ cô chỉ cách thức đi, hoặc bảo ông Hy cho tôi một người dẫn đường.” “Sao được! Nhà chỉ có ông Hy, Yên Hạ, bác Dọi, chị Dị và tôi. Ông muốn ai dẫn?” “Không có thằng nhỏ giúp việc nào sao?” “Không, không còn ai nữa.” “Vậy thì bắt buộc tôi phải ở lại.” “Việc đó ông bàn với ông chủ, không can dự gì đến tôi.” Tiếng ông Hy nói ở bếp vọng vào: “Đây là một bài học hay cho ông, đừng có liều lĩnh đi xa trong vùng núi này. Còn như ở lại đây, tôi không có chỗ tiếp khách. Hoặc ông phải ngủ với Hạ hoặc ngủ với bác Dọi.” Tôi đề nghị: “Tôi ngủ trên một cái ghế trong phòng này cũng được.” Anh chàng xỏ lá và thô lỗ nói ngay: “Không được. Một người ngoài là một người ngoài, bất kể họ giầu hay nghèo. Tôi không tiện để cho ai xử dụng cái buồng này trong khi tôi không có đó để canh chừng.” Lời hỗn xược đó làm tôi cáu đến tột bực. Tôi thốt ra một tiếng khinh bỉ, đâm sầm qua ông ta để chạy ra sân. Trong lúc hấp tấp tôi xô phải Yên Hạ. Trong lúc đi vòng quanh nhà tìm lối ra tôi chứng kiến thêm một lối họ ứng xử với nhau. Lúc đầu anh chàng Hạ hình như thương hại tôi: “Tôi sẽ đi với ông ta đến cổng rừng.” Ông chủ Hy (nếu quả thực ông này là chủ anh chàng kia) quát to: “Mày sẽ đi với ông ấy xuống cõi âm ty. Thử hỏi, thế ai săn sóc đám ngựa, hử?” Cô nàng dâu lại nói một câu tử tế không ngờ: “Đời một người còn quan trọng hơn sự săn sóc mấy con ngựa. Phải có ai đi với ông ta.” Chàng Hạ đốp lại liền: “Tôi không thèm làm theo lệnh cô! Nếu cô nghĩ đến số phận ông ta thì cô nên im cái miệng.” “Thế thì hồn ma của ông ta sẽ nhập vào anh và nhà của ông Hy cho đến lúc đổ nát cũng không đời nào có người thuê.” Tôi tiến đến phía bác Dọi. Bác ta đương ngồi vắt sữa bò dưới ánh sáng của cây đèn xách, miệng làu bàu: “Ông xem. Cô ả đang nguyền rủa họ.” Tôi giằng lấy cây đèn của bác Dọi, chạy ra cổng, nói với sẽ trả lại đèn vào ngày mai. Lão già vừa đuổi theo tôi vừa kêu: “Này, ông chủ ông chủ, họ giựt mất đèn. Sịt sịt! Con vện con xồm đâu, ra giữ chặt lấy người này!” Hai con chó xồm nhẩy lên cổ tôi, đè ngửa tôi xuống đất, đèn phụt tắt, và tiếng cười của ông Hy và anh chàng Hạ làm tôi tức lộn ruột. Cũng may mà hai con chó không muốn nuốt sống tôi, nhưng chúng cũng không muốn tôi hồi sinh, thành thử tôi cứ phải nằm ở đất mãi cho đến khi bọn người nhà chịu ra đánh tháo cho tôi. Lúc đó người tôi run lên vì tức, tôi quát họ phải để tôi đi, nếu họ giữ tôi lại một phút nữa thì xẩy ra chuyện gì họ phải chịu trách nhiệm. Tôi vùng vằng mạnh quá thành thử bị chẩy máu mũi. Ông Hy lại càng cười, tôi lại càng nguyền rủa. May có chị Dị [9], mụ quản gia lực lưỡng, chạy ra xem việc gì. Chị tưởng ai đánh tôi chẩy máu. Không dám nói động đến ông chủ, mụ quay lại anh chàng Hạ: “Này, cậu Hạ. Cậu định giết người ngay ở trước cửa nhà à?” Mụ bảo tôi vào nhà để mụ chữa cho. Mụ té nước lạnh vào cổ tôi rồi đưa tôi vào trong bếp. Ông Hy theo sau, vẻ vui cười chốc lát biến ngay, và nét mặt ông lại trở lại đăm chiêu như thường. Tôi thấy khó chịu, đầu choáng váng. Thành thử tôi bó buộc phải ở lại. Ông Hy bảo chị Dị cho tôi một cốc rượu mạnh rồi đi sang buồng khác. Chị Dị lấy làm thương hại cho cảnh ngộ tôi, chị đi lấy rượu đưa tôi uống cho tỉnh rồi dẫn tôi đến phòng ngủ. Chú thích:[1]Heathcliff[2]Heathcliff[3]Lockwood[4]Joseph[5]Cách hồi xảy ra chuyện này 300 năm (tất cả các chú thích trong truyện này đều của dịch giả)[6]4 miles (1 dặm Anh) trong nguyên tác, đổi ra cây số để tiện cho độc giả (1 mile = 1,6 km)[7]Ở Anh bữa trà thường là một bữa ăn nhẹ[8]Hareton Earnshaw (Cổng nhà Gió Hú như trên kia đã nói có treo biển Yên Hạ năm 1500. Người con trai này sống 300 năm sau cùng thuộc họ ấy và cũng một tên với ông Yên Hạ. Việc trùng tên với những người trong một họ là một sự rất thường ở nước Anh)[9]Zillah