Phần I

sacmau.jpg
Tại Luân Đôn – nước Anh.
Mới sáng sớm mà trời đổ cơn mưa, thêm không khí giá buốt làm cho mọi người không thể thoát khỏi căn phòng ấm áp, hay cái áo khoác lông dày, chiếc mũ len.........
Bảo Ý cũng không ngoại lệ. Bốn năm sống và học ở đây, khoảng thời gian dài chứ đâu ngắn. Nước Anh là vùng đất thế nào, tất cả mọi người trên thế giới đều biết.Thời tiết bốn mùa có lúc rất lạnh, có lúc rất ấm áp nên con người có vẻ thoải mái hơn.
Nhưng hôm nay thì khác, không biết ảnh hưởng gì mà mưa suốt, đường phố xe cộ vắng tanh. Có muốn ra ngoài cũng không biết làm sao đón được xe. Lười thật!
Bảo Ý lăn qua lộn lại trên giường. Đói bụng rồi, bây giờ phải làm sao đây? Đi dưới mưa và cái lạnh giá buốt không phải là điều thú vị. Hơ! Chẳng lẽ nhịn đói hay sao?
Cô nhăn nhó, nếu biết ở lại có ngày hôm nay thì cô sẽ không ở đâu. Tốt nghiệp và nhận bằng được một tuần, đang nôn nao trở về quê hương sau nhiều năm đi xa, thì đùng một cái nhận được Email từ gia đình.
Mà tất cả đều do cha mẹ cô mà ra. Người ta là dân du học tận nước Anh, thế nhưng bảo về gấp lấy chồng, ai chấp nhận cho được.
Bản tính Bảo Ý từ trước đến giờ là ngang ngược, cứng đầu, cho nên dù có nhớ cha mẹ nhiều, cô quyết không trở về theo dự định.
Ở lại, đó cũng là một cách để chống đối, Bảo Ý hy vọng cha mẹ cô hiểu mà không ép cô. Nay là thời buổi gì rồi lại còn cái kiểu hứa hôn, cha mẹ đạt đâu con ngồi đấy.Với cô, không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Cô còn cả ước mơ, hoài bão. Trái tim chưa một lần rung động, chưa hiểu tình yêu là gì thì làm sao đặt cuộc đời mình vào nhà tù không lối thoát.
Nhất định cô phải bảo vệ ý mình đến cùng. Cô sẽ ở lại Anh hoặc đi đâu đó, đến khi nao cha mẹ cô bỏ ý định gả cô cho một người đàn ông không quen biết thì cô mới về trình diện.
Ọt.........ọt..........ọt........
Bảo Ý lắng nghe. Tiếng gì vậy nhỉ?
Ọt.........ọt..........ọt........
Ôi! Không xong rồi, cái bao tử của tôi. Nó đã không thể nhịn nữa. Bảo Ý ôm bụng ngồi dậy, lười biếng cũng phải đi, vì đây là sức khoẻ của mình mà.
Đang loay hoay tìm cây dù thì chợt có tiếng chuông điện thoại, Bảo Ý khó chịu:
– Gì nữa đây, người ta sắp chết đến nơi mà còn....
Nhưng cô cũng phải nhấc máy, biết đâu một người bạn nào đó rủ đi ăn thì hay biết mấy.
– Alô.
– Con định bao giờ thì trở về đây,Bảo Ý?
– Cha!
– Tốt nghiệp rồi, con còn chuyện gì nữa để làm đâu. Chia tay bạn bè thì cũng đã chia tay xong, nhanh về đi thôi.
– Nhưng mà cha à...........
– Ông Triệu Chấn không còn thời gian để chờ con, con gái ạ.
Cha bắt đầu câu chuyện rồi đây. Mỗi lần nhắc tới việc cô đã hứa hôn với gã đàn ông nào đó thì Bảo Ý nổi quạu.
– Con thì có liên quan gì đến ông ấy?
– Nói vậy mà nghe được sao? Ông Triệu Chấn là ông nội chồng của con đấy.
– Con không đồng ý.
– Đồng ý hay không, giờ con không có quyền chọn lựa. Chuyện hôn nhân của con là do ông nội con quyết định. Nay ông không còn thì cha mẹ là người thực hiện thay ông. Với lại, người đàn ông sắp là chồng của con là người đàn ông tốt, lại có địa vị trong xã hội. Con không lý do gì để từ chối cả.
Bảo Ý la lên:
– Cha mẹ ép con như thế mà thấy được sao? Tuy là ông nội hứa, nhưng nay ông nội đã mất thì lời hứa năm xưa không còn giá trị. Nếu như gia đình họ Triệu có nhắc đến, cha mẹ từ chối được mà. Tại sao cha mẹ buông xuôi theo mà không nghĩ đến cảm nhận của con?
– Vì cha mẹ nghĩ cho con nên cha mẹ mới đồng ý.Gia đình họ Triệu là một gia đình tốt lại có tiếng tăm, đâu phải ai muốn bước vào cũng được. Thôi, đừng cãi lý với cha nữa. Hai gia đình đang chờ con đấy.
Bảo Ý im lặng:
– Con có nghe cha nói không? Chẳng lẽ con muốn cha sang bên đấy hộ tống con về?
Bảo Ý thở dài. Cha mẹ đã cương quyết theo ý mình. Cô phải làm gì đây? Trốn tránh đâu là cách hay, mà cô còn có cả tuổi trẻ và quãng đường phía trước.
Chậc! Quỷ tha ma bắt cái gã đàn ông họ Triệu nào đó đi. cũng vì việc hứa hôn giữa hai gia đình mà cô chưa thể rời khỏi nước Anh. Phải chi anh ta cũng như cô, chống đối việc này thì hay biết mấy.
– Bảo ý!
ông Tuấn Minh gọi:
– Con không được giở trò gì nghe chưa? Nếu không, con đi đến đâu thì cha sẽ đi đến đó.
Bảo ý rầu rĩ:
– Được rồi, cha để con thu xếp đã.
– Mất bao lâu? Một tuần rồi thêm một tuần nữa phải không? Cha ra lệnh cho con, hết tuân này, con phải có mặt ở Việt Nam cho cha.
– Vâng, thì cứ như thế đi.
– Cha mẹ chờ con đó. Không được hứa chỉ để hứa.
Bảo Ý gác máy thở dài ngao ngán. Tuy xưa nay cô là đứa bướng bĩnh cứng đầu, nhưng chưa bao giờ làm cho cha mẹ buồn và thất vọng. Lần này xem ra không ngoại lệ rồi. Về thì chắc phải về, còn việc lấy chồng … cô cần xem lại mới được.
Cái đầu bé nhỏ của Bảo Ý hoạt động nhanh. Trước tiên, cô sẽ tìm hiểu người đàn ông họ Triệu kia. Trên đời này, không có người hoàn hảo. Bảo Ý hy vọng có một khe hở nào đó để cô có thể viện lý do từ chối.
Mọi người cứ chờ đó đi. Lâm Bảo Ý này không có việc gì không làm được, không có khó khăn nào mà không thể vượt qua. Từ nhỏ, cô từng rèn luyện cho mình một ý chí sắt thép nên mới có thể sang Anh một mình bốn năm. Trong bốn năm qua, cô còn trải qua biết bao nhiêu là vấn đề trong cuộc sống. Thế nhưng chưa có điều gì làm cô nản lòng. Và hôm nay cũng vậy, chuyện hôn nhân của cô nhất định sẽ có cách giải quyết. Hãy tin và lạc quan vào ngày mai nhé.
Bảo Ý vươn vai đứng dậy. Vứt bỏ hết những suy nghĩ và căng thẳng sang một bên, bây giờ cứ lo cho bao tử của mình rồi tính tiếp.
Cầm cây dù trên tay, Bảo Ý rời khỏi phòng trọ. Cô nhanh chóng quên đi lời nghiêm chỉnh của cha trong cơn mưa rỉ rả và cái lạnh buốt giá.
Mặt đường giờ toàn một màu nước, Bảo Ý co ro trong chiếc áo lông dày đứng đón xe.
Ôi! Sao chẳng thấy một chiếc tắc xi nào thế này? Ở đây thì lạnh cóng mất thôi. Bảo Ý đi qua đi lại, chợt cô thấy một chiếc tắc xi từ xa, nhưng đã bị một đôi tình nhân trước cô chặn lại.
Phải chờ nữa sao trong khi cái bao tử … Bảo Ý mím môi. Cô có cách rồi. Chiêu này tuy xưa như trái đất nhưng hữu hiệu lắm. Chờ mà xem.
– Ui da!
Bảo Ý ôm bụng khụy xuống:
– Ui da, đau quá …
Tiếng rên của Bảo Ý làm cho cặp tình nhân phải chú ý. Hé mắt thấy họ đang đi về phía mình, cô nhăn nhó:
– Làm ơn giúp với, tôi đau quá!
Người đàn ông hỏi:
– Cô ơi! Cô làm sao vậy?
– Tôi đau lắm. Anh chị có thể gọi giúp cho tôi chiếc tắc xi không?
Cô gái đi cùng người đàn ông nói bằng tiếng Việt nam:
– Anh à! Làm gì bây giờ? Đoạn đường này, khó đón xe lắm.
Người đàn ông suy nghĩ:
– Hay chúng ta nhường xe cho cô ấy đi.
– Nhưng mà chúng ta chờ ở đây đến bao giờ mới có xe, lạnh cóng mất thôi. Em còn đang bị cảm đó Triệu Phong.
– Thế …
Bảo Ý la lên:
– Đau quá, chắc tôi chết mất!
Người đàn ông có cái tên Triệu Phong quyết định:
– Khả Nhi! Em phụ anh dìu cô ấy lên xe nhé.
Cô gái không được vui:
– Vâng.
Thế là kế hoặch đã hoàn thành. Tại sao người Việt Nam sống ở nước ngoài có thể dễ dàng bị lừa gạt thế nhỉ? nếu là cô, cô không khờ giống như hai người kia đâu. Triệu Phong – Khả Nhi, cái tên nghe đầy ấn tượng.
Khi Bảo Ý ngồi yên trên xe Triệu Phong ân cần căn dặn người tài xế:
– Anh làm ơn đưa cô ấy đến bệnh viện.
Bảo ý tỏ vẻ biết ơn:
– Cám ơn anh chị.
Xe chạy được một đoạn, Bảo Ý thôi nhăn nhó nữa. Cô chợt phá lên cười:
– Ôi vui quá!
Người tài xế nhìn vào kiếng chiếu hậu:
– Cô không sao chứ?
– không.
– Có cần đến bệnh viện nữa không?
Bảo Ý lắc đầu:
– Tôi chỉ đói bụng thôi. Anh hãy cho tôi đến một nhà hàng nào đó.
Đến đây thì người tài xế chợt hiểu. Thì ra, cô gái này đón xe không được nên mới giở trò. Khá thật!
Bảo Ý tựa cửa xe lim dim mắt. Cô nghĩ đến bữa ăn trưa của mình ở một nhà hàng ấm áp, trong khi có người đứng đợi xe giữa trời rét buốt. Nhớ gương mặt thật thà của người đàn ông mà buồn cười làm sao.
oooOoooOooo
Bảo ý dừng chân ở một nhà hàng Việt Nam. Sau khi thỏa mãn cái bao tử của mình, cô bắt đầu vẽ ra những kế hoạch.
Một ngày dài trốn ở trong phòng thì buồn lắm. Tận dụng thời gian của mình mà đi dạo, mà đi chơi, nhưng không nhất thiết phải đi dưới mưa lạnh quá.
Bảo Ý suy nghĩ. Đúng rồi! Cô sẽ đi dạo hết trung tâm mua sắm ở thành phố Luân Đôn, để xem có cái gì có thể mua làm quà cho bố mẹ, bạn bè. Sau đó thì đi xem phim và cô còn mấy ngày nữa đâu là phải chia tay nước Anh rồi, vương quốc của nữ hoàng. Bảo Ý rất thích đất nước cò một người phụ nữ cai trị, cho nên vì thế cô đã chọn nước Anh để mở rộng kiến thức của mình. Cô muốn cho mọi người biết, phái yếu không phải là yếu. Vì thế đừng bao giờ xem thường những việc làm của chị em phụ nữ như cô.
Tạm hài lòng với kế hoạch đã vẽ ra, Bảo Ý đứng dậy định rời khỏi chỗ của mình, thì bất ngờ có một cuộc đối thoại lọt vào tai làm cô phải chú ý và ngồi trở xuống.
– Triệu Phong! Anh nói ông nội anh muốn anh cưới vợ ư?
– Ừ.
– Anh có đồng ý không?
– Dĩ nhiên là không. Làm sao anh có thể cưới cô gái mà anh không hề yêu và không một lần biết mặt.
– Vậy còn lời hứa?
– Đó là ông nội anh hứa chứ không phải anh. Thật anh không thể nào hiểu, ở thế kỷ nào rồi mà vẫn còn việc đính ước trước.
Triệu Phong cười cợt:
– Có lẽ ông nội của cô gái sợ cháu mình không tìm được đấng lang quân như ý, hay có thể cô ta không được xinh đẹp cũng nên.
– Nhưng Triệu Phong à! Lời của ông nội anh không thể coi thường được đâu. Quen anh bao năm, it nhiều gì em cũng hiểu. Ý ông một là một, hai là hai, không thay đổi được.
– Anh nhất định đấu tranh đến cùng. Anh đã có em thì anh không chấp nhận cô gái nào khác.
– Thật không?
– Nếu ông nội và cha mẹ ép anh sẽ đi. Khả Nhi! Em đừng lo. Chúng ta sẽ sống bên nhau, sẽ đắp xây hạnh phúc bằng chính đôi tay mình.
Anh chấp nhận từ bỏ tất cả những gì anh có sao?
– Ừ
– Đã suy nghĩ kỹ chưa?
Triệu Phong nhíu mày:
– Em không tin anh?
Khả Nhi lắc đầu:
– Không phải. Em chỉ lo những gì anh nghĩ không đơn giản chút nào. Anh là đứa cháu, đứa con duy nhất của dòng họ Triệu.
– Thì sao?
Triệu Phong cắt ngang:
– Chẳng lẽ em không cần anh nữa khi anh không còn là tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên à?
– Tất nhiên là không. Em chỉ phân tích cho anh thấy rõ vấn đề thôi. Anh đi từ bỏ tất cả, chắc chắn sẽ làm ông nội anh và cha mẹ anh nổi giận. Chuyện xảy ra đến lúc ấy, anh trở thành đứa cháu, đứa con bất hiếu. Triệu Phong! Lương tâm anh không cho phép anh làm điều đó, phải không?
Triệu Phong thở dài:
– Khả Nhi! Vậy em bảo anh phải làm sao đây? Ngoài cách bỏ đi, anh đâu còn cách nào khác.
– Em yêu anh, Triệu Phong ạ. Cho nên em không muốn mất anh. Vì vậy lần này anh phải nghe lời em. Chúng ta có nhau và còn có cả gia đình nữa.
– Cách gì mà lưỡng toàn thế?
Khả Nhi bỏ nhỏ vào tai người yêu làm Triệu Phong phải tròn mắt:
– Em bảo anh.........
– Em nghĩ ông nội và cha mẹ anh không nỡ bỏ mặc cháu của mình.
– Chúng ta lường gạt người thân như thế, có quá đáng không?
– Tại họ ép anh cơ mà.
– Nhưng..........
Khả Nhi tỏ vẻ giận hờn:
– Vì không muốn mất anh nên em mới bày như thế. Còn tình yêu anh có thật lòng dành cho em hay không, phải coi biểu hiện của anh.
– Anh.......để anh suy nghĩ đã.
Khả Nhi hôn vào má Triệu Phong:
– Tin em đi. Khi chúng ta bảo là có con với nhau thì đảm bảo ông nội anh dừng đám cưới lại ngay. Thậm chí, hủy bỏ cuộc hôn nhân mà họ đã sắp đặt. Họ còn vì danh dự của họ nữa mà.
Triệu Phong im lặng. Anh không nghĩ cách của Khả Nhi là có hiệu quả. Tính của ông nội anh, anh hiểu hơn ai hết. Tuy ông rất thương anh, nhưng không phải việc gì cũng có thể chấp nhận.
Lúc mới biết tin anh quen Khả Nhi là ông đã thông báo trước: Anh có vị hôn thê. không nên tiến sâu trong tình cảm để rồi khó gỡ. Triệu Phong không chấp nhận, anh chống đối lại bằng cách càng say mê Khả Nhi. Anh hy vọng vì thương cháu, ông anh sẽ từ bỏ ý định của mình.
Thế nhưng hành động của anh không hề lay chuyển được ông. Trái lại ông còn bắt anh phải tổ chứ đám cưới. Trời! Phen này coi như xong rồi.
Mấy ngày nay, Triệu Phong lợi dụng sang Anh công tác mà tìm cách kéo dài thêm thời gian. Thật là khổ! Đi mà giống như trốn nợ vậy. Về nhà gặp mặt ông với điệp khúc cũ làm anh căng thẳng mất. Ông trời ạ! Ông bảo tôi phải làm sao đây? Chẳng lẽ tôi cứ tránh né như thế này mãi sao?
Khả Nhi kéo Triệu Phong trở về thực tại:
– Anh nghĩ gì vậy?
– Không có gì.
– Em đã nói rồi, mọi việc cứ nghe thao em đi, đừng làm mình thêm rối rắm.
– Ừ.
– Hôm nay, chúng ta dành thời gian để vui chơi thì anh không được mang khuôn mặt ảm đạm đó nha.
Khả Nhi đứng dậy kéo tay Triệu Phong:
– Đi, chúng ta tiếp tục hành trình của mình. Em sẽ đưa ngài tổng giám đốc của em đến một nơi không có nỗi buồn, không có lo lắng không có suy tư.
– Nơi nào vậy? Anh thấy khắp Luân Đôn, chỗ nào cũng mưa và lạnh.
– Thì cứ theo em, đừng hỏi.
Cặp tình nhân đi rồi, Bảo Ý sực tỉnh. Sau câu chuyện của người đàn ông kia giống mình thế nhỉ? Bị ép cưới người con gái không quen không yêu. Còn cô thì bị ép gả cho người đàn ông không biết không quen. Ơ, chuyện đời sao thật là...
Bảo Ý lắc đầu. Mà thôi, việc ai người ấy đối phó đi, để ý làm gì cho thêm mệt. Thế gian này có bao nhiêu chuyện giống nhau.
Rồi Bảo Ý cũng rời khỏi nhà hàng, nghĩ đến cái giá rét và cơn mưa ủ rủ bên ngoài mà cảm thấy sợ.
Lại đón xe, nghĩ đến chiếc nào cũng đầy khách mà ngao ngán. Bước chân Bảo ý vừa ra khỏi cánh cổng nhà hàng thì có một chiếc tắc xi đỗ lại. Cô nhanh chân nhưng vẫn không kịp đôi tình nhân. Đành phải giở trò nữa thôi.
– Ông ơi! Ông đánh rơi bóp kìa!
Người đàn ông và cô gái đồng quay lại. Lợi dụng cơ hội ấy, Bảo Ý chui nhanh vào xe.
– Bác tài, chạy đi!
– Lại là cô?
Bảo Ý nhíu mày:
– Ông biết tôi?
Người tài xế nhắc lại chuyện cô giả đau bụng để được lên xe. Bảo Ý cười:
– Thì ra chiếc xe này lúc nãy tôi cũng đã đi.
– Và hai người cô mới lừa kia cũng là cặp tình nhân đã từng nhường xe cho cô.
– Vậy sao? Có duyên nhỉ!
Người tài xế hỏi:
– Tại sao cô không chờ chiếc xe khác mà phải làm vậy?
– Tôi không có thói quen chờ đợi.
– Cô cũng lạ thật. Mà hình như cô không phải sống ở đây?
– Tôi đến đây du học thôi
– Thế cô là người nước nào? Tôi thấy cô vừa xinh đẹp vừa thông minh, chắc cô học giỏi lắm.
Bảo Ý ngập ngừng rồi nói:
– Tôi mang quốc tịnh Việt Nam.
– Ồ! Cô đến từ đất nước Việt Nam. Tôi nghe nói người Việt Nam vừa thông minh vừa xinh đẹp vừa giỏi. Bây giờ tận mắt quả là không sai.
– Ông có mỉa mai tôi không đó?
– Tôi khen thật lòng mà. Tôi chỉ biết con người và đất nước Việt Nam qua bạn bè và tranh ảnh. Giờ nhìn thấy cô, chợt nhiên tôi hiểu hết.
– Ông hiểu gì?
– Vì sao ngày xưa đội quân xâm lược nào cũng bị đánh bại. Một con người nhỏ bé nhưng cái đầu không đơn giản chút nào.
– Ý ông muốn nói đến việc tôi lừa hai người kia phải không?
Người tài xế hấp tấp:
– Không phải, cô đừng hiểu lầm. Tôi...
Bảo Ý dễ dãi:
– Đùa với ông một chút thôi. Tôi cũng không có ý gì đâu. À! Ông cho tôi đến trung tâm mua sắm đi nhé.
– Vâng.
Chiếc xe lao đi trong mưa. Giữa Bảo ý và người tài xế sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị, về con người, về nước bạn.
oooOoooOooo
Tin nhắn điện thoại. Bíp!
“Cha mẹ. Con xin lỗi vì phải gửi tin nhắn này, nhưng con không còn cách nào khác. Bây giờ con có việc gấp phải sang Hồng Kông. Con không thể về Việt Nam như lời đã hứa. Cha mẹ đừng giận con nha. khi nào xong việc, con sẽ về giải thích sau. Bảo Ý ”
Ông Minh Tuấn bấm tắt điện thoại, tức giận:
– Hừ! Con bé này càng ngày càng ngang ngược, không coi lời nói của cha mẹ nó ra gì cả. Sang Hồng Kông để làm gì cơ chứ? Muốn sang chơi sao không nói rõ.
– Biết đâu con bé có việc thật. – Bà Bảo Nhi lên tiếng.
– Em cứ nuông chiều con như thế, bảo sao con đừng hư … Luc trước cũng do em ủng hộ Bảo Ý sang Anh học. Giờ thì thấy rồi đó, học xong thì không chịu về.
– Anh phải thong thả cho con. Bảo Ý còn trẻ ham chơi, ham vui là lẽ tất nhiên.
– Em lại bênh Bảo Ý à? Em có hiểu việc chúng ta hiện tại hay không vậy? Bên anh chị Triệu Sơn cho biết, sứ khoẻ của bác Triệu Chấn không như trước nên họ hối thúc … anh
Anh đang tức chết vì Bảo ý đây này.
– Bây giờ anh có tức, có trách cũng chẳng được gì. Nếu Bảo ý thật sự muốn né tránh cuộc hôn nhân mà ba sắp đặt không chịu về thì chúng ta còn cách nào nữa chứ. Chẳng lẽ anh sang Hồng Kông tìm con bé sao?
– Cũng có thể.
– Anh …
Bà Bảo Nhi khuyên nhủ:
– Anh đừng làm cho mọi việc căng thẳng thêm. Em nghe nói Triệu Phong đi công tác cũng chưa về kia mà.
– Nhưng mà cuối tháng này, hai bên gia đình gặp nhau rồi. Anh sợ làm bác Chấn thất vọng lại ảnh hưởng đến sức khoẻ thì nguy.
– Còn đến mười ngày nữa. chúng ta nên hy vọng thôi!
– Chậc! Bọn trẻ làm cho anh đau đầu quá.
Bà Bảo Nhi hỏi chồng:
– Hôn nhân của con theo sự sắp đặt như thế, liệu có tốt không?
– Vậy theo em, sao mới là tốt? Triệu Phong là một người đàn ông chững chạc, thành đạt và có địa vị. Tất nhiên anh không dựa vào những yếu tố ấy mà đồng ý nghe theo lời ba. Anh chọn Triệu Phong bởi cậu ta có cá tính và đạo đức, rất xứng đáng để Bảo ý nương dựa cuộc đời.
– Em thấy dù Triệu Phong có tốt nhưng quan trọng là tình yêu kìa. Hai đứa chưa một lần biết mặt nhau. Em lo …
– Chúng nó cưới nhau rồi thì chúng nó sẽ có tình yêu. Đúng lý ra phải cho hai đứa tìm hiểu nhau trước khi cưới. Nhưng giờ sức khoẻ bác Chấn không cho phép kéo dài thêm nữa.
– Anh à! Anh có nghĩ đến việc cả Triệu Phong và Bảo Ý đều có người yêu không?
Ông Tuấn Minh gật đầu:
– Có.
– vậy …
– Anh không quan tâm. Bởi anh đã quyết định rồi. Anh sẽ thực hiện lời của ba lúc ông còn sống. Bảo Ý phải về làm dâu gia đình họ Triệu.
Bà bảo Nhi ngập ngừng:
– Tuấn Minh …
– Em nói đi!
– Chuyện hôn nhân của con, có điều gì đó không ổn đâu. Tuy chúng ta không thể bỏ qua lời hứa của người lớn, nhưng chúng ta cần phải nghĩ đến cảm xúc của con. Việc Bảo Ý cứ lần lựa chưa muốn trở về thì anh cũng hiểu. Con bé không chấp nhận hôn nhân định đoạt.
Ông Tuấn Minh thở dài:
– Nghĩ đến cảm súc thì được gì. Em thấy rồi đó, bác Triệu Chấn luôn miệng nhắc đến. Không lẽ chúng ta từ chối khi mà … Ôi! Anh thật là khó xử.
– Chúng ta có thể thương lượng lại. Cứ để cho bọn trẻ tìm hiểu nhau trước, nếu chúng nó là duyên nợ của nhau thì lúc đó tiến hành đám cưới cũng chưa muộn. Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình hạnh phúc mà.
Ông Tuấn Minh suy nghĩ:
– Để anh xem lại đã. Bác Triệu Chấn không chấp nhận lời đề nghị của chúng ta thì phải tiến hành thôi. Anh không biết em sao, nhưng anh thì rất có lòng tin ở Triệu Phong.
– Chàng trai như Triệu Phong, có ai từ chối được. Nhưng việc em quan tâm hơn là hạnh phúc của con. Một người đàn ông tốt nhưng không phải duyên nợ thì nói đến làm gì.
– Trước khi cho Bảo ý biết con bé có vị hôn phu, anh cũng từng nghĩ như em. Ép con có nên không? Nhưng nhớ đến lời hứa của ba, lời nhắc nhở của bác Chấn, rồi nhìn lại gia đình họ Triệu, anh chợt thấy mình cần quyết định. Anh hy vọng sự quyết định của anh sẽ không sai. Giờ em băn khoăn cho con, bổn phận làm cha, anh cũng phải có trách nhiệm chứ. Trong lòng anh luôn mong muốn Bảo Ý không từ chối Triệu Phong, để hai bên gia đình khỏi khó xử và con bé còn được một tấm chồng tốt.
Bà Bảo Nhi chia sẻ với chồng:
– Em hiểu anh, Tuấn Minh ạ.
– Cám ơn em. Vợ chồng chứng ta có một mình Bảo ý là con, nên chúng ta cần phải nghĩ cho con, có đúng không?
– Vâng.
– Vì vậy, em đừng buồn khi anh nghiêm khắc và buộc Bảo Ý thế này, thế khác. Chúng ta là cha mẹ, nhìn thấy con nên người, đó là niềm hạnh phúc. Nhưng có một điều anh vẫn chưa yên tâm về con.
– Điều gì hả anh?
– Đó là bản tính ngang bướng và cứng đầu. Lỡ sau này về làm dâu, làm vợ người ta, cứ như thế thì anh không biết nói sao.
– Tưởng gì, vấn đề đó thì anh có thể yên tâm. Bảo Ý có ngang bướng thật nhưng cũng biết lý lẽ và nghe lời lắm.
– Em gần gũi con nhiều hơn anh nên dễ dàng chỉ dạy nó. Bốn năm sống ở nước ngoài, không biết có thay đổi gì không đây. Con trai hay con gái đều làm chúng ta mệt mỏi.
Bà Bảo Nhi cười:
– Em thì không giống anh. Bảo Ý làm cho em hãnh diện nhiều hơn, vì con bé là bản sao của anh.
– Vậy ư?
– Anh không để ý à? Bản tính ngang bướng cứng đầu ở đâu ra? Cha con cũng giống hệt nhau, thế nói nhau sao được.
Bà Bảo Nhi nhắc:
– Anh còn nhớ lúc anh xin cưới em không? Ba mẹ em không đồng ý, thế là anh …
Ông Tuấn Minh liền xua tay:
– Thôi, em làm anh thấy xấu hổ rồi đây này. Chuyện thế mà cũng nhắc được.
– Không nhắc thì anh đâu biết cha con anh là bản sao của nhau. Nếu nói cho Bảo Ý nghe, con bé sẽ nghĩ sao nhỉ?
– Chắc chắn là hwon anh chwos không thua anh. Đến khi ấy, anh và em chỉ có nước là đầu hàng thôi.
Hai vợ chồng cùng cười, không khí có vẻ bớt căng thẳng đi.
Reng … reng … reng …
Tiếng chuông điện thoại reo vang, ông Tuấn Minh nhấc ống nghe:
– Alô.
– Anh Minh!
– Anh Sơn! Chuyện gì vậy anh?
– Ông già đang làm mệt, đòi gặp vợ chồng anh.
– Vâng. Tôi và bà nhà sẽ đến ngay.
– Làm phiền anh nhé!
Ông Tuấn Minh gác máy rồi quay sang vợ:
– Bác Chấn lại mệt, anh Sơn gọi điện nói bác ấy đòi gặp chúng ta. Em chuẩn bị, chúng ta sang bên ấy.
– Vâng.
– Bà Bảo Nhi đứng dậy:
– Em hy vọng bác ấy không có gì. Chung trà cháu dâu chưa được uống mà.
Hồng Kông.
Bảo ý đến đây được hai ngày. Trong hai ngày Bảo Ý đều dùng hết thời gian vào việc đi dạo, còn mua sắm chỉ là thứ yếu.
Hồng Kông chỉ được biết đến trên phim ảnh. Cô không ngờ khi chính mắt thấy, nó đẹp cả ngoài sự tưởng tượng. Nhất là vào ban đêm, Hồng Kông muôn màu muôn sắc. Bảo Ý như choáng ngộp trong một đất nước hoa lệ.
Đến Hồng Kông, Bảo Ý thấy là một quyết định đúng nhất. Cô không hối hận khi nói dối với cha mẹ là đến Hồng Kông là có việc.
Thành phố nhộn nhịp, cuộc sống sôi động làm Bảo Ý tạm thời quên đi việc mình đang trốn chạy một cuộc hôn nhân mà bản thân mình không cần đồng ý. Cô vui chơi đâu đâu cũng là tiếng nói tiếng cười.
Hồng Kông! Bảo Ý cảm thấy thích rồi đấy. Những điều thú vị và bất ngờ hai ngày qua cô đã thấy. Nếu không phải trở về để bắt đầu một cuộc sống mới, thì có lẽ cô sẽ chọn nơi đây là nơi dừng chân.
Hôm nay là ngày thứ ba, Bảo Ý nhất định đến tham quan phim trường TVB. Xem phim, cô đã từng rất hứng thú về nơi này. Cái nơi sản sinh ra bao nhiêu là phim hay, bao nhiêu là diễn viên nổi tiếng.
Bảo Ý không phải là người mê phim, nhưng phim hay của Hồng Kông thì cô không thể bỏ qua.
Với những dự định, Bảo Ý rời khỏi khách sạn, không đón tắc xi, cô muốn đi bộ để ngắm cảnh ngắm người. Lang thang hết con đường này đến con đường khác, ngang qua một shop thời trang lớn, Bảo Ý nảy sinh ra ý định. Có cơ hội tại sao không vào xem nhỉ? Nghe đến thời trang Hồng Kông cũng nổi tiếng lắm mà. Sao đây? Trông bắt mắt quá.
Bảo Ý dừng chân, cô đẩy cánh cửa kính lớn bên ngoài. rất nhiều mẫu cuốn lấy Bảo Ý ngay. nhìn vào thì cái nào cũng muốn thử cũng muốn mua cả. Bảo Ý ngứa tay lấy một cái áo đầm dây màu kem, và chui vào phòng thử quần áo.
Đang đứng trước kính ngắm ngắm nghía nghía thì bất chợt một giọng nói từ phía sau cất lên làm Bảo Ý giật mình.
– Đẹp lắm rồi, đừng ngắm nữa. Ố kính người ta hết.
– Ông là ai? – Bảo Ý quay lại, giọng Hoa rất chuẩn – Sao vào cửa hàng quần áo nữ rồi còn lén lút nhìn trộm người khác?
– Thưa cô, tôi vào bằng cửa chính nên không gọi là lén lút. Huống chi cửa hàng này không để bảng cấm đàn ông vào. Còn cô bảo tôi nhìn trộm cô à? Tôi chỉ góp ý giúp cô thôi. Với lại, ở Hồng Kông không có luật cấm ngắm nhìn phụ nữ đẹp.
– Anh...
Người đàn ông nghiêng đầu:
– Cô mặc cái áo này hợp lắm. Mua nó đi, đừng đổi ý nhé.
Bảo Ý mín môi. Trời đất ơi! Ở đâu ra một người đàn ông sỗ sàng thế này? Thật không ra gì cả.
– Anh có biết mình vô cùng bất lịch sự không?
– Khen một người con gái đẹp mà bất lịch sự ư? Vậy cô không hiểu gì hết rồi.
Bảo Ý khó chịu:
– Hiểu gì mà hiểu? Tôi không cần lời khen của ông. Về nhà mà khen vợ ông ấy.
Bảo Ý đốp chát lại, cô vừa dứt lời thì cánh cửa phòng thử đồ bên phải mở ra:
– Triệu Phong! Anh xem cái áo này được không?
Bảo Ý trố mắt, phải nói là ngạc nhiên mới đúng. Ở cái đất Hồng Kông, cô cũng có thể gặp người đồng hương ư? Hay quá!
Nhưng mà... Bảo Ý chợt nhíu mày. Triệu Phong – tên người đàn ông, cô đã nghe ở đâu thì phải.
– Khả Nhi! Màu của nó có sặc sỡ quá không? Anh thấy...
– Model bây giờ là chuộng những màu nổi. Anh không thấy Hồng Kông, ai ai cũng nổi bật hết sao?
– Nhưng chúng ta đâu phải dân Hồng Kông, với lại em cũng đâu phải người mẫu hay diễn viên. Thôi, em chọn lại những cái đầm màu nhã, thấy nó trẻ trung hơn.
– Em không chịu.
Triệu Phong dỗ dành:
– Nghe anh đi! Ăn mặt thế này ở Việt Nam không hợp đâu.
Khả Nhi ngang bướng:
– Ở Hồng Kông, người ta có thể may và mặc được thì em nghĩ ở Việt Nam cũng đâu có gì khác biệt. Em nhất định chọn cái đầm này.
– Vậy thì tùy em.
Bảo Ý đã nhớ ra. Họ là cặp tình nhân cô gặp ở Anh quốc. Đúng là quả đất tròn. Nhưng họ có nhận ra cô không nhỉ? Bảo Ý len lén nhìn người đàn ông. Khuôn mặt đẹp như tài tử liền gây cho cô ấn tượng. Tự nhiên cô nghĩ đến " người chồng " hứa hôn ở Việt Nam. Nếu anh ta cũng đẹp trai phong độ như gã Triệu Phong này thì có thể cô suy nghĩ lại.
Mải ngắm người ta mà không hay người ta ngắm mình. Triệu Phong hắng giọng:
– Đủ chưa?
Bảo Ý bừng tỉnh:
– Gì cơ?
– Tôi hỏi cô, tôi có đẹp trai không?
Úy trời ơi! Gã Triệu Phong này ko biết xấu hổ là gì. Bảo Ý trề môi:
– Anh hỏi tôi câu ấy, anh không biết ngượng sao?
– Nếu ngượng thì tôi đâu hỏi. Mà tôi cũng hỏi nhiều cô gái rồi, câu trả lời của họ chẳng làm tôi hài lòng, nên bây giờ tôi muốn nghe câu trả lời thật lòng từ môi cô, cô gái xinh đẹp.
– Vậy thì đành làm anh thất vọng rồi. Tôi không có thói quen khen một người nào cả.
– Không phá lệ được sao?
Bảo Ý lắc đầu:
– Không. Nhưng tại sao anh cứ muốn tôi khen anh nhỉ? Người yêu anh, bạn gái anh, vợ anh khen anh cũng chưa đủ ư?
– Tôi không biết nữa. Có thể lời của họ làm tôi nhàm chán chăng?
– Tôi khuyên anh, đừng nên quá tham lam. Bởi thượng đế cho anh bao nhiêu thì anh cứ nhận bấy nhiêu. Đòi hỏi quá thì ngày nào đó, anh không có gì cả.
– Thà tôi không có còn hơn những lời giả dối.
Bảo Ý tròn mắt:
– Anh nói gì thế? Anh ko sợ cô bạn gái của anh nghe sao?
Triệu Phong nhếch môi:
– Tôi sợ, nên đâu dám nói trước mặt cô ấy.
Bây giờ thì Bảo Ý đã hiểu. Thì ra gã Triệu Phong này thừa cơ hội tán gái đây mà. Hừ! Anh ta xem cô là ai vậy?
Bảo Ý định cho gã đàn ông đào hoa này một trận thì cô bạn gái anh ta trở ra:
– Anh!
– Đã chọn xong chưa?
– Rồi.
Khả Nhi quay sang Bảo Ý:
– Bạn của anh à?
– Không
Khả Nhi nhíu mày:
– Anh! Em thấy cô ta quen quen. Anh có nghĩ như em không?
Triệu Phong nhìn Bảo Ý:
– Quen à? Ừ nhỉ, em nói anh mới để ý. Cô ta...
Triệu Phong hỏi:
– Cô ơi! Cô nói được tiếng Anh không?
Bảo Ý đề phòng:
– Vâng.
– Vậy cô đã từng đến Luân Đôn chưa?
Hơ! Bảo Ý đoán không sai. Có thể họ ngờ ngợ cô. Nhưng mà Lâm Bảo Ý này đâu khù khờ đến nỗi để người ta biết cô là ai.
Bảo Ý vờ ngơ ngác:
– Luân Đôn ở tận nước Anh xa xôi ấy à?
– Đúng rồi
– Tôi làm gì đến được nơi đó chứ.
– Thật không?
– Không lẽ tôi đến hay không, đến bản thân mình cũng không biết sao? Anh hỏi người ta mà không tin thì hỏi làm gì.
– Ý tôi không phải vậy.
– Không thì thôi.
Bảo Ý tò mò:
– Anh chị cảm thấy tôi giống một ai đó phải không?
– Vâng.
– Thế anh chị là người nước nào?
– Chúng tôi là người Việt Nam.
– Việt Nam ư? Tôi có biết quốc gia này và đến được một lần. Còn nước Anh, tôi không có điều kiện để đến đâu.
Khả Nhi nói nhỏ vào tai Triệu Phong:
– Nhìn mặt cô ta có vẻ không biết gì. Anh, có thể chúng ta nhận lầm người.
– Ừ.
Triệu Phong xởi lởi:
– Xin lỗi cô, có lẽ chúng ta chưa gặp nhau.
Bảo Ý cười tươi, cô nói một câu tiếng việt lơ lớ:
– Không có gì.
Triệu Phong mừng rỡ:
– Cô nói được tiếng Việt à?
– Học lóm thôi. Chẳng hạn “ xin chào ”, “ cám ơn ”, “ không có gì ” chỉ thế.
Đến Việt nam được một lần mà học mà học được vậy là nhiều rồi đấy. Có người vẫn không học được câu nào kìa.
– Cám ơn, anh quá khen.
Khả Nhi kéo tay Triệu Phong nũng nịu:
– Chúng ta đi ăn nha anh, em đói bụng quá.
Triệu Phong chiều chuộng người yêu:
– Ừ, cũng được. Em muốn ăn gì?
– Há cảo.
– Vậy chúng ta đi.
Anh lịch sự vẫy tay:
– Chào cô! Nếu có dịp mời cô đến đất nước chúng tôi chơi.
Bảo Ý nhìn theo cặp tình nhân:
– Hứ! Đất nước của anh không phải là đất nước của tôi sao.
Bảo ý quay lưng, không hiểu sao cô quyết định mua cái áo đầm đang mặc trên người.
oooOoooOooo
– Ông chủ bà chủ ơi... Ông chủ bà chủ ơi...
Vừa xuống tới phòng khách, nghe tiếng gọi hớt hải của chị Huệ, bà Bảo Nhi cau mày:
– Này! Có chuyện gì mà chị có vẻ khẩn cấp thế kia? Hành động của chị làm người đi đường lầm tưởng đấy.
– Bà chủ!
Chị Huệ vừa thở vừa nói:
– Cô Hai đã về.
– Cô Hai nào?
– Dạ, cô Bảo ý.
– Bảo ý về rồi ư?
– Dạ. Tôi mở cổng cho cô ấy là chạy vào báo cho bà ngay.
Bà bảo Nhi nhanh chân bước ra sân.
– Đúng rồi, là Bảo Ý.
Từ xa, Bảo ý chạy lại lao vào vòng tay mẹ hiền.
– Mẹ, con đã về đây.
– – Ôi, con gái của mẹ!
Bảo ý xoay tròn bà bảo Nhi:
– Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá!
– Nhớ mẹ mà đến hôm nay mới về ư?
– Tại con có việc làm.
– Thật không? Việc gì mà hơn cả lời nói của cha mẹ vậy?
– Con …
Bà Bảo Nhi đẩy con gái ra:
– Con dối ai chớ dối mẹ không được đâu. mẹ sinh ra con, làm sao mẹ không hiểu con được.
– Mẹ …
– Bỏ bớt tính ngang bướng và cứng đầu đó đi. Con gái cần phải ngoan và dịu dàng một chút.
– Bộ hiện tại con không ngoan sao? Nếu không ngoan con đã không về đây rồi.
– Còn nói được à?
– Mẹ …
Bảo Nhi nũng nịu:
– Con về, mẹ không mừng chút nào sao?
– Mừng chứ. Chẳng những mừng và còn bớt lo lắng nữa. Con về bình an không gây ra họa là tốt rồi.
Chị Huệ chen vào:
– Cô biết không, mấy ngày nay ông bà chủ luôn trông cô.
Bảo ý cười:
– Thế chị có trông không?
– Trông chứ. Bốn năm không gặp cô, tôi cũng nhớ lắm.
– Bây giờ gặp lại, chị thấy tôi sao?
– Cô đẹp và trưởng thành ra.
– Như vậy lúc trước tôi là con nít à?
– Ai cũng có một thời đó mà cô. Nhìn cô chững chạc thật, nhưng bản tính vui nhộn của cô thì không thay đổi tí nào.
– Nhờ nó mà tôi sống được ở Anh bốn năm đó chị.
– Tôi không hiểu.
– Ở nước ngoài rất là buồn, thêm tôi không có người thân, bạn bè bên cạnh, nếu tôi không lạc quan thì có lẽ tôi không thể hoàn thành bốn năm học của mình.
– Vậy mà có người luôn mong muốn ra nước ngoài.
– Sang bên ấy, họ mới thấm thía được nỗi buồn và nỗi nhớ quê hương. Có biết bao người đòi trở về đây kìa.
– Thôi, có cho vàng tôi cũng không đi. Nghe cô nói, buồn như thế làm sao mà sống.
– Nhưng sống được hay không là do mình. Có công ăn việc làm thì còn thời gian đâu mà biết buồn. Với tôi, ở đâu tôi cũng có thể đến. Việc chọn nơi sinh sống, quê hương mình là tốt nhất.
– Cô cũng không thích đi?
– Du lịch tham quan thắng cảnh, tìm hiểu cuộc sống con người từng dân tộc tững quốc gia thì tôi thích thật. Còn bảo tôi đi định cư ư?
Bảo Ý lắc đầu:
– Bốn năm ở Anh, tuy không có điều gì thất vọng nhưng tôi đã ngán đến tận cổ. Một đất nước quanh năm giá buốt, chị chịu được không?
Chị Huệ rùng mình:
– Lạnh hả? Thôi, tôi chào thua.
– Nhưng lạnh cũng có cái thú vị đó chị. Có hôm trời vừa rét vừa mưa, co ro trong cái áo lông dày đi ra ngoài, rất là thích.
– Đúng rồi, không ai thích ngược đời như con cả.
Bà Bảo Nhi lên tiếng nhắc nhở:
– Muốn chia sẻ chuyện gì thì mang hành lý vào nhà trước đã. Để ngoài này người đi đường tưởng cha mẹ có Việt Kiều về thăm.
– Bộ không phải sao?
– Mẹ không ham tí nào.
Bảo Ý định cuối xuống phụ chị Huệ, nhưng bị chị cản lại:
– Cô nói chuyện với bà chủ đi. Tôi sẽ mang hành lý lên phòng cho cô.
– Vậy làm phiền chị nha. Tôi có mua quà cho cả nhà, chút nữa tôi gởi chị sau.
– Cám ơn cô.
Bảo Ý ôm cánh tay bà bảo Nhi đi vào phòng khách.
– Bốn năm mẹ không có gì thay đổi cả. Trái lại còn trẻ ra, cho thấy cha chăm sóc mẹ rất tốt.
– Nịnh vừa thôi cô. Tôi cho cô biết, nịnh tôi không có ích gì đâu. Tốt hơn hết nên dành những lời ngon ngọt cho cha cô kìa. Cô không về đúng như đã hứa, ông ấy giận lắm đấy. Cha cô còn đòi sang Hồng Kông để tìm cô nữa.
Bảo Ý le lưỡi nhìn quanh:
– Cha đâu mẹ?
– Bây giờ mới nhớ sao. Có ông ấy ở nhà con nghĩ con còn có thể đùa giỡn à.
– Mẹ! Con có làm gì quá đáng đâu.
Bà Bảo Nhi ngồi xuống xa lông nghiêm mặt:
– Con sang Hồng Kông làm gì?
– Trong tin nhắn con nói rồi, là con có việc.
– Việc gì?
Bảo ý nhăn nhó:
– Mẹ đừng thắc mắc có được không?
– Không được? Nếu con không nói rõ ràng thì mẹ không thể bênh vực cho con.
Bảo Ý cúi đầu im lặng.
– Sao hả? Không thể nói à?
– Con …
– Có phải vì chuyện hôn nhân của con mà con chống đối lại bằng cách không muốn về. Đã thế còn sang Hồng Kông để chứng tỏ tính ngang bướng không khuất phục của mình.
– …
Con biết con làm vậy, cha mẹ buồn lắm không. Rồi người ta nói cha mẹ không dạy con.
– Họ nói thì cứ để họ nói, mẹ quan tâm làm gì.
– Sao lại thế. Tại sao con không biết nghe lời một chút cho cha mẹ đỡ lo lắng?
– Mẹ, con xin lỗi vì lời nói dối của mình. nhưng con không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân kỳ quái. Thế kỷ nào rồi mà còn việc cha mẹ chọn chồng cho con. Mẹ nghĩ đi, con gái của mẹ có học thức, du học nước ngoài, tương lai rạng rỡ. Tự nhiên bảo lấy chồng, vậy thời gian qua con cố gắng để làm gì? Nếu cha mẹ sợ con không tìm được tấm chồng thì ngay từ đầu gả con đi, đừng cho con học hành. Uổng phí thời gian bao năm của con và uổng phí tiền bạc của cha mẹ.
– Bảo Ý! Con nói được rồi sao? Thế khi cha con cho con biết và bảo con về để kết hôn thì con lại im lặng trù trừ, rồi kéo dài thêm thời gian.
– Con có giải thích chứ, nhưng cha cứ bảo thủ ý của cha. Tức quá con đành làm liều.
Bà Bảo Nhi chép miệng:
– Thật là ngang bướng. Con không nghĩ đến kết quả à?
Bảo Ý đan hai tay vào nhau:
– Có chứ. Nhưng kết quả sao cũng được, miễn đừng bắt con lấy chồng. Mẹ ơi! Con chưa muốn từ bỏ tuổi trẻ của mình, cũng không muốn bị ràng buộc quá sớm. Mẹ năn nỉ cha giùm con được không? Hủy bỏ hôn nhân của con đi.
Bà Bảo Nhi thở ra:
– Lời hứa là do ông nội con hứa.
– Nhưng ông nội đã mất lâu rồi, xem như lời hứa không còn tác dụng.
– Nếu được như thế thì cha mẹ đâu cần phải băn khoăn, và con đâu cần phải phản đối.
– Mẹ …
– Ông Triệu Chấn là bạn thâm giao với ông nội con. Hai người hứa với nhau lúc con mới ra đòi. Theo thời gian ông nội con ra đi trước. Bây giờ thêm sức khoẻ của ông Triệu Chấn không được tốt nên ông mới đốc thúc. Ông muốn nhìn thấy con và cháu nội của ông có một đám cưới, đó là niềm vui cuối đời của ông. Cha mẹ và hai bác Triệu Sơn không muốn làm ông buồn, nên không thể lên tiếng.
Bảo ý hỏi:
– Cháu nội của ông ấy không phản đối sao mẹ?
– Mẹ nghĩ chắc là không. Mấy ngày nay ông không được khoẻ cứ gọi cha con sang bên ấy. Mẹ đang lo, ông không thể nhìn thấy con và cháu nội của ông, nói chi đến đám cưới.
– Ông yếu lắm hả mẹ?
– Ừ. Thêm thằng cháu đi công tác xa, không có ở nhà.
Những gì liên quan đến tình cảm con người là Bảo Ý xúc động ngay. Cô quên đi những ý kiến mạnh mẽ vừa rồi của mình.
– Mẹ! Con đến thăm ông có được không?
Bà bảo Nhi nhìn con gái:
– Con muốn đi thật à?
– Vâng. Không phải mẹ mới nói ông rất muốn gặp con sao? Con hy vọng khi gặp con rồi, ông sẽ khoẻ lại và sống lâu trăm tuổi.
Bà Bảo Nhi nghi ngờ:
– Con chẳng có dự định gì khác đó chứ?
– Mẹ nghĩ con có dự định gì đây? Chẳng lẽ con lại đi làm hại một người giống như ông của con. Là con thật lòng đó mẹ.
Bà Bảo Nhi có vẻ buồn:
– Mẹ tin con gái của mẹ. Tuy con ngang bướng thật, nhưng con đâu đến nổi vô lương tâm. Thôi được bây giờ con đi nghỉ đi, chiều cha mẹ cùng con sang thăm ông.
Bảo Ý lắc đầu:
– Không cần đâu. Mẹ cho con địa chỉ, sau khi tắm xong, con sẽ tự đi tìm.
– Nhưng con vừa xuống máy bay.
Bảo Ý vươn vai:
– Chuyến bay Hồng Kông – Việt Nam đâu thể làm con mệt. Mẹ đừng lo. Con quyết định rồi, đừng cản con nhé.
– Ngang bướng! – Bà Bảo Nhi mắng
– Giống mẹ mà.
– Cô mà giống tôi, giống cha cô thì có.
– Hì … hì … Con giống cả hai.
Bảo Ý ôm hôn mẹ:
– Con đi tắm dây.
Cô chưa kịp quay lưng thì có tiếng chuông điện thoại.
– Để con cho!
Bảo ý cười bí mật rồi nhanh tay nhấc ống nghe:
– Alô.
– Mày phải không Bảo Ý?
– Ơ …
– Không nhận ra tao à?
Người ở đầu dây bên kia tự giới thiệu:
– Hà Phúc đây.
– Ô!
Bảo Ý mừng rỡ:
– Sao mày biết tao về?
– Có một người bạn làm chung nhìn thấy mày ở sân bay. Tao sợ nhầm nên gọi qua thử.
– Thế à?
– Khoẻ không? Bốn năm rồi không gặp, chắc mày lạ lắm.
– Cũng vậy thôi, nhưng khi gặp mày mày sẽ tự nhận xét.
– Cha! Dân du học nha. Tốt nghiệp đại học ở Anh, về Việt Nam có nhiều công ty nước ngoài mời cho mà xem.
– Mày làm quá. Du học thì có gì lạ đâu.
– Ít ra cũng oai hơn bọn tao.
– Hừ!
– Nè! Có dẫn anh chàng mắt xanh, mũi đỏ nào về đây không?
– Mày thật là … họ không thèm con gái Việt nam.
– Hay con gái Việt nam chảnh quá?
– Gần như thế đó.
– Tao nghĩ chỉ có mình mày thôi, chứ con gái nào mà không để mắt đến ngoại kiều.
Bảo Ý phá lên cười:
– Còn mày? Thế nào rồi?
– Thì lúc trước thế nào, bây giờ vẫn thế ấy.
– Nghĩa là vẫn giậm chân tại chỗ à?
– Ừ.
– Còn đi đàn không?
– Nó là cuộc sống, làm sao tao bỏ được.
– nghe giọng mày thấy thảm quá.
– Mày biết rồi đó, tao làm gì có được những cơ hội tốt như mày. Hình như cuộc đời không mấy ưu đãi tao.
Bảo Ý nạt ngang:
– Thôi mày đi, nói gì đâu không. Tao không thích đâu nha.
– Không thích thì cũng là sự thật rồi. nhưng mà mày cũng yên tâm, tao không lấy đó làm đề tài cho cuộc sống của tao.
– Biết nghĩ là tốt. Bao giờ gặp nhau được đây?
– Chiều nay đi. Tao nôn muốn biết mọi chuyện về mày.
– OK. Mày cho tao số điện thoại của mày, tao sẽ liên lạc sau.
– Ừ. 090 …
– Thế nhé!
– Ừ. Tạm biệt!
– Tạm biệt!
Bảo Ý gác điện thoại, cô phân bua với mẹ:
– Là Hà Phúc, bạn con. Mẹ còn nhớ nhỏ ấy không?
– Hà Phúc? – Bà Bảo Nhi nhíu mày – Con bé từng được con tặng cho cây đàn làm quà sinh nhật ấy à?
– Vâng.
– Sao nó biết con về mà gọi đến vậy?
– Một người bạn làm chung đã nhìn thấy con ở sân bay nói lại.
– Từ ngày con đi du học, mẹ cũng không gặp Hà Phúc. Con bé sao rồi?
– Con chưa được rõ lắm. nhưng chiều nay bọn con có hẹn nhau, rồi con sẽ kể cho mẹ nghe.
– Mới về đến mà cũng có nhiều cuộc hẹn thế nhỉ?
– Mẹ à! Người ta bốn năm rồi mới gặp lại đó. Cảm thông đi nha!
– Đừng lấy lý do này lý do nọ. Dù con không xa cách, con vẫn thế kia mà. Có bao giờ con chịu yên ổn ở nhà đâu.
– Mẹ …
Bà Bảo Nhi xua tay:
– Thôi thôi, không nên mè nheo với mẹ. Có đi đâu thì chuẩn bị đi nhanh lên kẻo sang bên nhà bác Sơn rồi không gặp cha.
– Ấy chết!
– Bảo Ý lăng xăng:
– Mẹ không nhắc thì con quên mất. Cám ơn mẹ nha.
Cô phóng nhanh lên thang lầu trước cái nhìn chào thua của mẹ.
– Ai bảo con bé lớn đâu.
Bing boong... Bing boong... Bing boong...
Cách nhấn chuông gọi cổng của Bảo Ý làm những người có mặt trong căn biệt thự Bảo Nguyên phải hết hồn. Trời ơi! Gì mà như chữa cháy thế?
Chị Ngọc – người làm trong căn biệt thự không kịp lau bàn tay đầy nước của mình vội vã chạy ra.
Cánh cổng lớn được mở, trước mặt chị là một cô gái trẻ làm chị thấy bực mình:
– Cô tìm ai?
– Chủ nhân căn biệt thự này.
– Ông chủ Triệu Sơn?
– Không, là ông Triệu Chấn.
Chị Ngọc cau mày:
– Cô quen thế nào với ông?
Bảo Ý khó chịu:
– Chỉ cần biết tôi có quen là được rồi. Sao chị hỏi nhiều thế?
– Nhưng tôi cần phải biết...
– Chị Ngọc! Chuyện gì thế?
Chị ngọc chưa dứt câu thì nghe tiếng của bà Hồng Ân. Chị quay lại:
– Thưa bà chủ...
– Ai gọi cổng vậy?
– Là một cô gái.
– Có việc gì?
– Dạ, cô ta bảo có quen với ông.
Bà Hồng Ân đi ra. Bảo Ý đổi ngay thái độ. Cô lễ phép:
– Cháu chào bác!
Bà Hồng Ân hỏi:
– Cô quen với cha chồng tôi?
– Vâng. Chắc bác là bác gái Triệu Sơn?
– Cô.......
– Dạ, cháu là con gái của ông bà Tuấn Minh.
Bà Hồng Ân mở to mắt:
– Bảo Ý!
Bảo Ý cười tươi:
– vâng. Cháu đây ạ.
– Ôi, cháu lạ quá!
Bà Hồng Ân nắm tay Bảo Ý thân thiện:
– Vào đi! Cháu về nước khi nào?
– Dạ, cháu vừa xuống máy bay, về đến nhà nghe mẹ cháu nói ông không được khoẻ nên cháu sang đây ngay.
– Tội nghiệp không.
– Bác à! Cha cháu còn ở đây chứ?
– Anh Minh vừa về là cháu đến đấy.
Bà Hồng Ân ngắm Bảo Ý:
– Cháu xinh đẹp và dễ thương hơn trong ảnh nhiều, nên bác nhận không ra.
– Bác làm cháu thấy mắc cỡ.
Bà Hồng Ân cười rồi giới thiệu với chị Ngọc khi thấy chị vẫn còn đứng đó tò mò muốn biết cô gái có vẻ ngang ngược này là ai.
– Đây là Bảo Ý, vợ sắp cưới của Triệu Phong.
Chị Ngọc cúi đầu:
– Chào mợ!
– Ôi không, chị đừng gọi như thế. Tôi nghe không quen đâu.
– Không quen thì mợ tập dần cho quen.
Bà Hồng Ân tán thành:
– Chị Ngọc nói đúng đó. Trước hay sau gì cháu cũng sẽ là dâu của dòng họ Triệu và là vợ Triệu Phong mà.
– Cháu …
– Thôi, không khó nghe lắm đâu, con dâu của ta.
Bảo Ý méo mó khuôn mặt. Trời ơi, tự nhiên mang danh nghĩa Triệu Phong. Mai mốt ra đường cứ vợ tương lai của Triệu Phong, đà này chắc tiêu quá. Biết vậy cô không một mình dẫn xác đến đây.
Bà Hồng Ân kéo Bảo Ý vào nhà. Vừa đến phòng khách, bà nói lớn:
– Ông Triệu Sơn đâu rồi, mau đón khách quý nè.
Bảo Ý thấy một người đàn ông khoảng sáu mươi đứng lên từ ghế xa lông.
– Ông biết ai đây không?
Ông Triệu Sơn nheo mắt qua làn kính:
– Bà không nói làm sao tôi biết.
– Con dâu của chúng ta.
– Sao?
– Vừa gặp con bé, tôi cũng giật mình đấy. Bảo Ý ở ngoài khác hơn trong ảnh nhiều phải không?
Ông Triệu Sơn gật đầu:
– Ừ. Bà không nói làm sao tôi nhận ra.
Ông chỉ vào ghế:
– Ngồi đi cháu!
– Vâng, hai bác để cháu tự nhiên ạ.
Bà Hồng Ân vẫn theo sát bên Bảo Ý. Cách vui vẻ chào đón của hai người làm Bảo Ý thấy ngượng ngùng thế nào ấy. Một gia đình thân thiện mà Bảo ý định từ chối đấy.
Chị Ngọc từ nhà sau mang nước lên:
– Mời mợ!
– Cám ơn chị.
Bảo Ý nói nhỏ vào tai chị Ngọc:
– Đừng để bụng chuyện lúc nãy nha chị. Tôi chỉ muốn đùa thôi.
Chị Ngọc cũng không phải là người khó chịu:
– Mợ yên tâm, tôi chẳng để bụng đâu. Cậu Phong còn quậy hơn mợ nữa là.
– Thế thì cảm ơn chị nhiều.
Chị Ngọc xin phép ra sau, phòng khách còn lại ba người. Ông Triệu Sơn hỏi:
– Cháu tốt nghiệp rồi chứ?
– Vâng ạ.
– Cháu học ngành nào? Cha cháu có nói một lần mà bác đã quên mất.
– Dạ, ngành nghiên cứu thị trường ạ.
– Đó, cháu thấy chưa. Bác không nhận mình già cũng không được.
Bảo ý cười:
– Nhưng theo cháu, bác đâu có già. Bác còn phong độ lắm. không tin, bác hỏi bác gái thử xem.
– Bác gái cháu ấy à? Với bà ấy, bác không bao giờ được như cháu nói.
– Sao ạ?
– Đầu môi của bà ấy lúc nào cũng « cái ông già lẩm cẩm này ». Cháu xem, còn hỏi làm gì.
Bà Hồng Ân liếc chồng:
– Ông già thì chịu già, tôi có nói oan đâu.
– Cháu nghe chưa Bảo ý?
Bảo Ý hòa theo câu chuyện của hai người già:
– Bác ơi! Lời nói của phụ nữ bao giờ cũng là điều ngược lại. bác không hiểu sao?
– Ý cháu là …
Ông Triệu Sơn vỗ trán:
– Ồ! Cám ơn sự nhắc nhở của cháu.
– Không có gì ạ.
Bà Hồng Ân chen vào:
– Con dâu của chúng ta vừa xinh đẹp vừa thông minh, tôi thấy mình thật hạnh phúc và lấy làm hãnh diện. Ông à! Sau này có Bảo Ý phụ giúp triệu Phong thì chúng ta yên tâm rồi.
– Ừ, lời hứa của ba vậy mà hay. Tôi tin khi gặp Bảo Ý, Triệu Phong không từ chối được.
Ngồi nghe hai người già tán dương, dù thuộc dạng lì, Bảo Ý cũng thấy ngượng chín người. Tại sao cô ở vào thế bị động như vậy chứ nhỉ?
Trước khi tìm đến đây, Bảo Ý từng suy nghĩ. Cô nhất định thừa cơ hội nói lên ý mình. Cô không chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, cô không muốn về làm dâu nhà họ Triệu. Thế nhưng trước tình cảm hai bác Triệu Sơn dành cho cô dù mới gặp cô, thì những ý nghĩ đó hình như đều tiêu tan.
Cô không thể phá tan tình cảm cũng như làm mất niềm vui hiện tại của hai người. Vì ít ra, Bảo Ý đã có chút cảm mến đối với cha mẹ « chồng » của cô. Hơ! Thật là khó nghĩ đây.
Thấy Bảo Ý im lặng, bà Hồng Ân quan tâm:
– Cháu mệt à?
Bảo Ý thay đổi nét mặt vui tươi:
– Dạ không.
– Đi cả một đoạn đường dài, về nhà không kịp nghỉ lại tới đây, cháu không mệt mỏi là lạ đó.
– Cháu không mệt thật mà. Hai bác đừng quá lo cho cháu.
Bảo Ý chủ định chuyển đổi câu chuyện:
– Bác ơi! Cháu muốn thăm ông.
– Ừ nhỉ, ông mà nhìn thấy cháu thì vui mừng lắm đây.
Ông Triệu Sơn nói với vợ:
– Hay là bà đưa con bé lên thăm ba đi. Cũng gần tới giờ cơm rồi, giữ con bé ở lại luôn.
Bà Hồng Ân đứng lên:
– Cháu theo bác.
– Vâng.
Bảo Ý xin phép ông Triệu Sơn rồi cùng đi với bà Hồng Ân. Qua một vài bậc thang ngắn là cô có thể đến được căn phòng của ông Triệu Chấn. bà Hồng Ân ra dấu cho Bảo Ý gõ cửa.
Cộc … cộc … cộc …
Bên trong là một giọng nói mệt mỏi:
– Vào đi!
Bảo ý đẩy nhẹ cửa phòng. Một bước chân thôi cô cũng có thể nhìn thấy ông Triệu Chấn đang ngồi ở chiếc ghế bố bên cạnh cửa sổ.Đôi mắt hướng ra ngoài như đang trông đợi điều gì. Mái tóc bạc trắng của ông làm Bảo Ý xốn xang. Cô gọi nhỏ:
– Ông ơi …
Ông Triệu Chấn vẫn không quay lại:
– Thằng Triệu Phong về chưa? Ta muốn gặp nó để nói một vài lời. ta sợ ta không còn đủ thời gian chờ đợi.
– Ông ơi …
Bảo Ý chạy đến bên ông Triệu Chấn:
– Sao ông lại nói thế? Ông nhất định khoẻ lại để dự đám cưới của cháu ông mà.
Ông Triệu Chấn thở dài:
– Ta biết Triệu Phong đang tránh né cuộc hôn nhân này, nên mới lần lựa mãi.
– Thế thì ông đừng ép anh ta nữa.
– Ta ép ư? Không phải, ta đang muốn tốt cho thằng cháu của ta. Con gái của vợ chồng Tuấn Minh là đứa con gái ngoan và tốt. Nó còn tìm đâu được đứa con gái như thế mà không nghe lời.
– Ông ơi! Triệu Phong không nghe ông có lẽ anh ta có lý do.
– Ta không bao giờ chấp nhận cô thư ký Khả Nhi gì đó làm cháu dâu của ta.
– Thì ra Triệu Phong đã có người yêu.
– Nếu triệu Phong muốn ta chết thì nó cứ cãi lời đi.
Ông Triệu Chấn bất ngờ ho dồn dập làm Bảo Ý hốt hoảng. Cô quay lại cầu cứu bà Hồng Ân, nhưng không thấy bà đâu. Bảo Ý đành đỡ ông Triệu Chấn lên và vuốt lưng cho ông.
– Ông ơi! Đừng giận, đừng giận mà.
Ông Triệu Chấn hỏi qua hơi thở:
– Cháu là ai vậy?
– Dạ, tên cháu là Bảo ý.
Ông Triệu Chấn lẩm nhẩm:
– Bảo ý …
– Vâng. Cháu vừa từ nước Anh về. Cháu là con gái của ông bà Tuấn Minh.
– Vậy ra …
Khuôn mặt của ông Triệu Chấn ánh lên tia vui mừng:
– Cháu là cháu dâu của ông?
Không muốn ông Triệu Chấn buồn rồi ảnh hưởng đến sức khoẻ, Bảo ý đành gật đầu:
– vâng.
– Nghe nói cháu du học ở Anh kia mà? Thế cháu về khi nào?
– Dạ sáng nay ạ.
– Cháu về luôn không đi nữa chứ?
– Vâng.
– Hay quá! Cháu dâu à! Ông có người để trò chuyện rồi. Từ nay, cháu thường xuyên đến đây thăm ông nhé.
– Dạ.
– Ông quên nữa. Khi nào Triệu Phong về, ông bảo nó làm đám cưới ngay để cháu khỏi đi qua đi lại.
Lúc này Bảo Ý ở vào tình thế buồn cười làm sao. Lời ông Triệu Chấn, cô chỉ ầm ừ cho qua. Cháu nội của ông, cô còn chưa biết mặt mũi thế nào, tướng mạo ra sao. Bảo đồng ý cưới thì cưới ư?
Nếu Triệu Phong là người đàn ông thành đạt, cuộc hôn nhân thế này anh từ chối là đúng thôi. Thời buổi ngày nay, làm gì có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Huống chi Triệu Phong đã có người yêu.
Bảo Ý nghĩ, cô không nên xuôi theo ông Triệu Chấn và ông bà Triệu Sơn. Dù cô đang có tình cảm với họ thật, nhưng cô không thể để gã Triệu Phong xem thường. Cô đến đây vì cô mến họ chứ không phải tranh thủ tình cảm của ai. Nhớ nghe triệu Phong, tôi cũng không đồng ý có cuộc hôn nhân này nên không cần thiết làm gì cả. Hãy nghĩ tốt cho tôi một chút và anh cũng mau tìm kế sách đi, để khỏi chia tay người anh yêu. Tôi là người vô can.
– Cháu dâu à! Cuộc sống của cháu lúc còn ở bên Anh tốt chứ?
Ông Triệu Chấn cắt ngang dòng suy nghĩ của Bảo Ý.
– Dạ tốt.
– Cháu kể cho ông nghe đi.
Bảo Ý ngập ngừng:
– Nhưng ông còn đang mệt …
– ông không sao. Gặp được cháu là ông thấy khoẻ lại ngay.
– Có thật không?
Ông Triệu Chấn gồng tay:
– Không tin, cháu có thể thử xem, coi chừng cháu thua ông đấy.
Bảo Ý đùa theo:
– Được thôi. Cháu sẽ thi kéo tay với ông. Nếu ông thua, ông phải nghe lời cháu đi.
– Còn ra điều kiện với ông nữa.
– Đó là luật chơi.
– Vậy nếu cháu thua?
– Cháu sẽ nghe ông.
– Được, bắt đầu đi.
Bảo Ý kéo tay với ông Triệu Chấn. Cô vờ bặm môi gồng mình và cuối cùng cánh tay nhỏ nhắn của cô buông lơi cho cánh tay nhăn nheo chiến thắng.
– Ông khoẻ quá đi!
Ông Triệu Chấn cười sảng khoái:
– sao, chịu thua chưa?
– Vâng. Cháu tâm phục khẩu phục.
– Vậy còn không mau thực hiện lời đã hứa.
– Gì ạ?
Bảo Ý ngơ ngác.
– Kể cho ông nghe nơi cháu học và những gì cháu biết, thấy trong thời gian qua ở Anh. Để ông xem bản lĩnh cháu dâu của ông thế nào.
– Vâng, cháu xin tuân lời ông.
– Này, không được miễn cưỡng đó.
Bảo Ý giật mình:
– Cháu không có.
– Ừ Thế thì ông chờ đây.
– Nhưng cháu nói trước ông không được cười khi nghe đến những chuyện quậy phá của cháu, cũng không được kể lại cho bất kỳ ai nghe.
– Ồ! Cháu cũng biết quậy phá nữa à?
– Ông hứa đi!
Ông Triệu Chấn thú vị:
– Được, ông hứa với cháu.
Thật tự nhiên, Bảo Ý quên mất thân phận của mình, quên mất sự e ngại, quên mất vấn đề cần thương lượng, quên mất sự thật cuộc hôn nhân được định đoạt, quên mất cô đến chỉ vì sức khoẻ của ông Triệu Chấn … Bảo Ý ngồi xuống bên cạnh ông, cô say sưa nói say sưa kể về cuộc sống về việc học về những khó khăn buồn vui lúc còn ở Anh Quốc. Từng câu chuyện từng vấn đề đưa ra rồi được giải quyết. Lâu lâu hai ông cháu bật lên tiếng cười vẻ thích thú.
Chứng kiến cảnh ấy, ông Triệu Sơn và bà Hồng Ân như thấy sự nặng nề lo lắng vừa thoát khỏi mình..
Có Bảo Ý, ông Triệu Chấn như được tiếp thêm sức mạnh. Sự mệt mỏi vụt mất, thay vào đó là nụ cười trên môi. Triệu Phong mà thấy cảnh này chắc anh bất ngờ lắm đây.
Bảo Ý với cái nhìn đầu tiên đã gây được thiện cảm, đã lấy được lòng người. Dòng họ Triệu thật là phước hạnh khi có nàng dâu như thế. Lúc này đây, xem ra Bảo ý được ủng hộ hoàn toàn. Cô có biết điều đó không nhỉ, hỡi cô gái vừa ngang bướng vừa cứng đầu.
Quán cà phê " Gợi nhớ "
Vừa thấy dáng bạn là Hà Phúc vẫy tay gọi rối rít:
– Bảo Ý! Tao ở đây nè.
Bảo Ý đi nhanh vào:
– Ê! Mày từ từ được không? Làm gì réo gọi tên tao giữa đám đông người như thế này. Bộ sợ họ không biết tao là ai à?
– Tại tao mừng quá mà.
– Nhưng tao đâu phải là người yêu của mày. Mừng như thế, bị hiểu lầm thì chết cả đám. Thôi mày làm ơn hạn chế biểu lộ tình cảm giùm tao. Trời ơi! Nổi da gà hết trơn.
Hà Phúc xụ mặt:
– Bạn bè lâu ngày gặp lại mừng cũng không cho. Mày sau bốn năm rồi cũng không bỏ được cái tính châm chọc, móc họng người khác.
– Đã là tính thì làm sao bỏ được đây, trừ khi tao thay đổi thôi.
Bảo Ý kéo ghế ngồi:
– Mua điện thoại xong vừa cho số là mày nhắn tin ngay làm tao chạy muốn hụt hơi. Thêm cái tên quán lạ quá …
– Xin lỗi, tao quên mất bốn năm mày xa quê hương … Quán này chỉ mới mở được hơn hai năm.
– « Gợi nhớ » cái tên khá ấn tượng nhỉ? Này, Hà Phúc! Mày muốn gợi nhớ cái gì vậy?
– Tình bạn của chúng ta đó.
Bảo Ý rùng mình:
– Ối trời! Nghe mà lạnh.
– Xời! Dân đi Tây chẳng hiểu biết, sành điệu tí nào cả.
– Ai nói với mày, chỉ có điều tao rất dị ứng với loại tình cảm cùng phái thôi.
Hà Phúc cười. Rồi để chứng tỏ mình cũng sành điệu như ai, Bảo Ý búng tay gọi phục vụ trước đôi mắt trợn tròn của Hà Phúc:
– Mày thể hiện thật đó hả?
– Ừ.
Người phục vụ đi tới, Bảo Ý nói luôn:
– Làm ơn cho tôi ly cam Rhum.
– Vâng. Xin cô chờ chút!
Bảo Ý nhướng mắt với Hà Phúc:
– Thế nào?
– Tao theo không lại mày cả về cuộc sống, học thức và giao tiếp.
– Tự nhiên! Vì mày lúc nào cũng nhút nhát mà. Thời trung học, đại học và bây giờ ra đời cũng vậy, chẳng có gì thay đổi. Nếu cứ sống như thế mày sẽ bị thiệt thòi.
Hà Phúc buồn buồn:
– Biết làm sao hơn. Mày đi rồi, tao chẳng có ai để chỉ dẫn. Bạn bè không nhiều, thêm công việc làm cho tao không có chút thời gian.
– nhưng tao đã về rồi. Lần này mày phải theo tao học hỏi một khóa, đảm bảo sẽ khác trước ngay. Tin tưởng không?
– Ừ, không tin mày thì tin ai đây.
– OK. Sẽ bắt đầu từ ngày mai nhé. Mà nói trước, tao không dạy cách cua bồ đâu.
– mày có dạy, tao cũng không học, bởi vì tao không cần nữa.
– À! Thì ra người ta đã có người yêu nên nói mạnh miệng.
– Cái gì chứ?
Nước được mang ra. Bảo Ý hớp một ngụm rồi hất mặt:
– Bật mí đi!
Hà Phúc vờ ngơ ngác:
– Bật mí gì cơ?
– Maỳ đừng đánh trống lảng. Hãy nói cho tao biết về người đàn ông của mày. Anh ta tên gì, bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp, gia đình anh chị em thế nào? Để tao xem có xứng đáng với mày không.
Hà Phúc kêu lên:
– Trời ơi! Mày làm như điều tra lý lịch không bằng.
– Đàn ông bây giờ khó tin lắm. Bốn năm sống ở Anh một mình, ít nhiều gì tao cũng hiểu được chân lý đó.
– Nhưng ở Tây không giống Việt Nam.
– Có khác chỗ nào đâu. Cũng tự do, cũng bình đẳng. A! Hay mày nói đàn ông Việt Nam thành thật và chung thủy hơn? Nếu mày nghĩ vậy thì lầm to rồi. Tây Âu vẫn có những người đàn ông chung thủy đến không ngờ.
– Thế sao?
– Tao đã từng thấy người đàn ông Tây Âu nhỏ giọt lệ đau khổ yêu thương cho người phụ nữ mình yêu. Thậm chí có thể vì người yêu sống cuộc sống đơn độc suốt đời.
– Trường hợp đó có bao nhiêu người? Chắc đếm trên đầu ngón tay.
– Nhưng dù sao họ cũng có một sự chung thủy đáng để nhớ, đáng để tán dương.
– Tao thấy họ ngu muội thì đúng hơn.
– Sao?
Bảo Ý nhướng mày:
– Thời buổi này, người đàn ông nào cũng giống họ thì thế giới này là giáo đường mất. Một mối tình chung thủy không nhất thiết phải hành hạ mình. Sống cho thật tốt là được rồi.
Bảo Ý gục gặc:
– Mà thôi, đừng lung tung nữa. trở lại vấn đề chính đi. nói về anh chàng của mày ấy.
– Duy Đức không có gì ấn tượng.
– Người yêu mày tên Duy Đức à? Cái tên hay đấy. Anh ấy bao nhiêu tuổi và đang làm gì?
– Duy Đức lớn hơn tao chín tuổi, hiện đang là chuyên viên vi tính ở hãng hàng không.
– Giỏi nhỉ! Một người đàn ông lý tưởng đây. Thế còn gia đình Duy Đức?
– Họ đều là người Hoa. Duy Đức có một em gái, ba thì đã mất từ lâu.
– Mày có viếng thăm gia đình người yêu bao giờ chưa?
Hà Phúc gật hẹ:
– Rồi.
– Ý của họ thế nào?
– Định sang năm tiến tới, mày nghĩ đi.
Bảo Ý vỗ tay:
– Chúc mừng nha! Hà Phúc nhút nhát đã tìm được hạnh phúc cho mình.
– Cám ơn. Nhưng trong hạnh phúc vẫn có cái lo.
Bảo Ý cau mày:
– mày lo gì? Cuộc sống gia đình mày có phải không?
– Ừ.
– Chẳng phải gởi mail cho tao, mày nói đã ổn định rồi sao? Em trai mày đã ra trường và đi làm.
– Thì đúng.
– Vậy …
– Mấy lúc gần đây mẹ tao thường bị bệnh. Bà ấy mới làm một cuộc giải phẫu, sức khoẻ chưa được tốt lắm.
Bảo Ý trách:
– Bác gái bị bệnh nặng thế sao mày không cho tao hay? Mày thật là …
Hà Phúc chép miệng:
– Đừng buồn tao, Bảo Ý. Tao và mày là bạn thân với nhau, bây giờ hai đứa đã trưởng thành, mỗi người có một chí hướng và tương lai riêng. Mày cho tao cái lòng tự tôn có được không? Tao phải là tao, và có thể chịu đựng, có thể quyết định mọi chuyện.
– Nhưng mày chia sẻ với tao có gì là không được.
– Tao chỉ sợ mày lo thêm. Với lại lúc mẹ tao mổ, mày đang thi tốt nghiệp.
– Tao không hiểu nổi mày. Suy nghĩ vớ vẩn gì đâu không. Đừng tưởng mọi việc tự mình làm là tốt, vẫn có lúc cần đên người thứ hai, thứ ba, thứ tư đấy, cô bạn ạ.
– Tao biết chứ. Chẳng hạn như chuyện tình cảm và đời sống gia đình chứ gì?
– Mày hiểu biết tốt vậy, tại sao cứ nhốt mình trong cái vòng lẩn quẩn hoài. Thoáng một chút có phải nhẹ nhàng hơn không. Gia đình Duy Đức muốn tiến tới thì cứ để họ tiến tới. Hai bên là hai bà mẹ, họ dễ dàng thông cảm nhau hơn. Huống chi bây giờ đâu có gia đình chồng nào quá khắt khe khi con dâu mình có hiếu với mẹ ruột. Tao còn chưa nói tới, mẹ mày có em trai mày chi. Nghĩ đi, đừng lo quá chỉ thêm nặng nề.
Hà Phúc xoay tròn ly nước trong tay:
– Gia đình tao là một phần, còn Duy Đức nữa.
– Anh ta sao?
– Duy Đức vừa nhận lệnh ra nước ngoài tu nghiệp hai năm.
Bảo Ý vỡ lẽ:
– Thì ra chuyện Duy Đức đi tu nghiệp mày lo nhiều hơn. Mày sợ anh ta thay đổi theo nhịp sống ở xứ người à?
– …
– Chỉ vô ích thôi. Lo thì có được gì. Trong tình yêu thì phải tin tưởng lẫn nhau. Nếu Duy Đức thật lòng với mày, thì dù có xa nhau bao nhiêu năm cũng chẵng sợ.
Bảo Ý vỗ nhẹ lên tay bạn:
– Bình tâm một chút đi. Biết đâu lần xa nhau này là thử thách tình cảm của mày và anh ta. Hai năm, thời gian không dài lắm để làm thước đo.
– Tao cũng muốn lạc quan như mày, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ mãi lo lắng.
– Yêu nhiều lo nhiều khổ nhiều chứ làm gì. Nếu mày sợ thì cưới nhau đi, cưới xong Duy Đức hẵng lên đường. Nhưng đến lúc coi chừng hối hận thì muộn đấy.
– Tao không hiểu.
– Chỉ thí dụ thôi nha. Mày và Duy Đức cưới nhau rồi một thời gian sau, mày gặp được một người đàn ông khác thích hợp hơn. Nhận ra đó là một nữa của mình, suy nghĩ lại thì thấy hối tiếc.
– Làm gì có.
– Trên đời này không có gì là không có thể cả. Tao cũng đã từng không tin như mày. Nhưng bây giờ, mọi việc tao đều phải cân nhắc, tao không muốn hối hận. Về nhà gác tay lên trán mà suy nghĩ lời tao nhé.
– Hứ!
Hà Phúc nguýt bạn:
– Người du học ở nước ngoài, phong cách và triết lý cũng khác đi.
– Ừ, mày cứ ngạo tao đi, rồi mày sẽ thấy.
– Tao chẳng thấy gì ngoài một Bảo Ý xinh đẹp và dễ thương cả.
– Mày khen tao đó hả?
Hà Phúc chống cằm:
– Đẹp hơn, dễ thương hơn, nhưng tính cách thì không đổi tí nào. Vẫn vui nhộn, vẫn nghịch ngợm vẫn ngang bướng.
– Hơ! Điệp khúc này vừa xuống máy bay là nghe từ miệng mẹ tao rồi đấy.
– Thế còn bác trai?
– Cha tao ư? Đừng nhắc, trước khi đến đây, tao đã bị mắng một trận ra trò.
– Sao vậy?
Bảo Ý thở hắt ra:
– Nói nghe chỉ thêm mệt. Bốn năm xa nhà, giờ trở về tao thấy chán hơn.
Hà Phúc nhìn bạn:
– Có chuyện gì à?
– Ừ.
– Nói tao nghe đi.
– Ông bà già tao bắt tao lấy chồng.
– Hả! – Hà Phúc tưởng mình nghe lầm.
– Chuyện khó tin nhưng có thật ở thời đại này đấy. Người chồng của tao, tao chưa một lần biết đến, chỉ được nghe qua lời nhắc nhở của người lớn. Ông nội tao và ông nội của người ấy hứa với nhau, và bây giờ đến lúc phải thực hiện.
Hà Phúc cau mày:
– Hứa hôn ư? Sao có thể …
– Buồn cười lắm không? khi nghe cha mẹ tao nói, tao cứ tưởng họ đùa, nhưng đó là sự thật.
– Mày cũng chấp nhận sao?
– Đâu dễ dàng thế. Tao phản đối bằng cách kéo dài thời gian ở bên Anh. Còn cha tao thì cứ gọi điện liên tục, buộc tao phải về. Ông còn hăm dọa sang Anh đón tao nữa đó.
– Vậy …
– Tao không muốn cha mẹ tao buồn càng không thể chấp nhận cuộc hôn nhân định đoạt này. Ậm ừ, thế rồi tao rời Anh sang Hồng Kông rong chơi một thời gian cũng chán, thêm tao không còn chỗ để đi nên đành quay về.
– Hai bác là người đi trước trong cuộc sống hôn nhân, tại sao lại ép mày cơ chứ?
– Cha mẹ tao cũng có nghĩ cho tao, nhưng lời hứa của ông nội tao quan trọng hơn. Hai người đâu thể làm sai.
– Thế còn bên kia, người đàn ông được hứa hôn ấy có ý kiến gì?
– Nghe nói anh ta đã có người yêu và không được gia đình chấp nhận. Sức khoẻ của ông nội anh ta ngày càng yếu nên mới thúc giục.
– Gay go cho mày rồi, Bảo Ý ạ.
– Tao chưa biết tính sao đây nè.
Hà Phúc đưa ý kiến:
– Sao mày không gặp gia đình và ông nội của anh ta thử xem. Biết đâu với trăn trở của mày, họ suy nghĩ lại và từ bỏ ý định. Mày thoát nạn và cháu của họ không khỏi đau khổ.
Bảo Ý ngã người ra ghế:
– Đợi mày nhắc sao. Vừa xuống máy bay về đến nhà là tao xin phép sang nhà bên ấy ngay.
– Nhìn mặt mày, không cần hỏi tao cũng biết kết quả.
– Tao không thể mở miệng được, Hà Phúc ạ. Mới gặp mặt tao, tao hy vọng họ không thích tao nhưng hoàn toàn trái ngược lại. Bác trai, bác gái vui vẻ, cởi mở đón nhận tao như người trong gia đình. khi biết tao ghé thăm, hình như ông xua tan được căn bệnh trong người. Nhìn ông tràn đầy sức sống, ông nói chuyện với tao, cười đùa với tao … mong ước nhỏ nhoi cho những ngày cuối đời của ông làm tao chùn lòng. Tự nhiên trong trái tim tao dấy lên một tình cảm thiêng liêng, nên tao không nở làm bác trai, bác gái và ông thất vọng. Tao …
– Ai ở trước tình cảnh ấy cũng sẽ như mày, không thể vô tâm. Rồi mày có cách nào khác không? Còn anh chàng kia?
– Tao chưa gặp vì anh ta đi công tác ở nước ngoài.
– Đợi anh ta về, mày nói chuyện thử xem.
– Tao nghĩ cũng vô ích. Nếu anh ta có cách thì cũng đâu né tránh như tao.
– Hơ! Lần này mày khổ rồi. Cố công học cho cao để bây giờ cũng phải về làm dâu làm vợ người ta thôi. Phải chi mày và anh chàng kia yêu nhau thì đâu là vấn đề để đau đầu. Có cưới nhau cũng chẳng sao.
Hà Phúc trêu chọc:
– Mày được chọn từ lúc mới lọt lòng thì có nghĩa gia đình đó không tệ.Thôi, suy nghĩ thêm làm gì, chấp nhận cho xong, biết đâu số phận mày về làm bà này bà nọ với người ta.
– Địa vị của tao sao ưng một ông chồng mà tao không ham tí nào.
– Quy luật từ xưa đến giờ là vậy, có thay đổi cũng không được. Đằng sau sự thành công của một người đàn ông là người phụ nữ.
– Mày thích lắm phải không? Vậy thì cứ yên tâm làm người phụ nữ sau lưng Duy Đức đi. Lo lắng nhiều làm gì.
– Tất nhiên rồi.
– Còn tao, tao chưa chấp nhận hiện tại đâu. Để xem người đàn ông kia thế nào rồi quyết định sau.
– Nghĩa là …
– Nếu anh ta là người tao đang tìm kiếm thì có thể xem xét lại.
– Ối trời! Làm cho căng cuối cũng cũng vì tình cảm mà yếu lòng.
Bảo Ý đính chính:
– Mày nói sai, tao đang thể hiện tình người thì đúng hơn.
– Ừ, xem ra mày nặng nề không thua gì tao đâu nhỉ!
– Bây giờ cười ngược lại được rồi đó.
– Tao đâu vô lương tâm.
Hà Phúc giơ ly lên cụng:
– Thôi, cứ nghĩ về chiều hướng tốt, như thế sẽ nhẹ nhàng hơn. Lâm Bảo Ý thuộc tuýp người vô tư mà, phải không?
Bảo Ý hưởng ứng:
– Ừ. Chúc mọi điều tốt lành!
Hai ly nước chạm với nhau, rồi nghe tiếng cười trong trẻo của hai cô gái. Hà Phúc hất mặt:
– Mày chưa có anh chàng nào theo đuổi là thật đó hả?
– Không phải, là tao chưa rung động trước một ai. Mày nói không ai theo đuổi thì hóa ra tao vô duyên sao?
– Ờ há, đẹp và giỏi như Bảo Ý, không có người đàn ông nào đeo đưởi thì chắc họ đui hết.
– Mày đừng đưa tao lên cao rồi té đau không ai đỡ nha.
Hà Phúc nói nhỏ:
– Này! Những chàng trai bên Anh cũng dễ thương lắm mà Bảo Ý.
Bảo ý so vai:
– Dễ thương với mày chứ đâu dễ thương với tao.
– Mày quá kén chọn, để bây giờ bị gả chồng là đúng lắm.
– Phải mày không đó? Giờ này còn cười cợt được à?
Thấy bạn giận dỗi, Hà Phúc che miệng:
– Ồ! Xin lỗi.
Bảo Ý khóat tay:
– Bỏ đi. Đừng nói đến chuyện không vui nữa. Bốn năm mới gặp lại, vẫn còn nhiều chuyện khác mà.
– Cũng phải. À! Mày có dự định xin việc ở đâu chưa? Hay đến chỗ cha mày?
– Mày rõ tính tao mà Hà Phúc. Tao không thích làm việc với người thân.
– Thế …
– Vài ngày sau, tao mới bắt đầu tìm kiếm. Nơi nào thích hợp, tao sẽ đầu quân.
Hà Phúc đề nghị:
– Đến chỗ tao đi.
– Mày đang làm cho công ty nào?
– Công ty trà Bảo Nguyên, vốn 100% Việt Nam, không liên danh.
– Ở đó còn chỗ sao?
– Đang cần một nhân viên nghiên cứu thị trường tài giỏi như mày. Nếu mày có ý tao sẽ giới thiệu với tổng giám đốc. Ông ấy tuy còn trẻ, nhưng là một người sớm thành công trên thương trường.
– Nghe mày ca ngợi sếp của mày, tao cảm thấy tò mò. Nhưng hãy để tao chọn lựa nhé. Tao muốn chọn công việc hơn là công việc chọn tao.
– Tùy mày.
Hà Phúc định nói thêm với bạn lời gì đó thì điện thoại di động của cô có tính hiệu. Cô xin lỗi Bảo Ý rồi mở máy:
– Alô.
– …
Ông chủ!
– Cô Hà Phúc này! Về việc cô xin nghỉ đàn tối mốt, tôi nghĩ không được rồi.
– Sao ạ?
– Thứ nhất không có người thay cô, thứ hai là tối mốt có một bữa tiệc sinh nhật. Chủ nhân buổi tiệc yêu cầu nghe tiếng đàn piano.
– Vậy …
– Cô cố gắng sắp xếp đi nhé!
– Nhưng mà ông chủ …
– Xin đừng làm tôi khó xử.
Người ở đầu dây bên kia tắt máy. Hà Phúc bực bội:
– Thật là … người ta đã xin nghỉ trước đó ba ngày rồi mà. Ông chủ này chẳng có chút thông cảm gì cả. Giờ phải làm sao đây?
Bảo Ý quan tâm:
– Gì nữa à? Sao mặt mày chù ụ thế?
– Ông chủ nhà hàng nơi tao đánh đàn piano không cho tao nghỉ vào tối mốt.
– Sao?
– Nhưng tao không nghỉ không được.
– Có gì quan trọng phải không?
– Công ty của Duy Đức chiêu đãi, anh ấy muốn giới thiệu tao với mọi người.
– Ra mắt bạn bè với chồng sắp cưới cũng là việc quan trọng … mày cần phải đi.
Hà Phúc thở ra:
– Nhưng ông chủ có cho tao nghỉ đâu. tao đang lo đây nè. Ông ấy bảo tối mốt có buổi tiệc sinh nhật và chuê nhân yêu cầu được thưởng thức tiếng đàn piano.
– Ở nhà hàng, chỉ mình mày đánh đàn à?
– Có ba người. rất tiếc họ đều có sô, tao đã không thể nhờ họ được. Ôi! Lần này đành lỡ hẹn với Duy Đức thôi. Buồn thật!
– Nếu tao đồng ý giúp mày thì sao?
– Mày?
Hà Phúc chồm lên:
– Thật không?
– Mày nghĩ tao nói chơi à?
– Tao …
– Là thật đấy! Tao muốn có cảm giác được người ta chú ý đến như thế nào.
Hà Phúc mừng rỡ:
– Vậy thì hay quá! Tao quên mất mày cũng là một tay piano cừ khôi.
– Quá khen!
– Cám ơn mày nhà Bảo Ý.
– Không cần. Mày đi với Duy Đức vui vẻ là tốt rồi.
– Ôi! Có một người bạn thật tuyệt vời. Sáng mai tao sẽ gọi cho ông chủ biết.
Bảo Ý trêu:
– Nhìn mày kìa, hạnh phúc để lộ ra tận miệng luôn.
– Không sao cả. Tao đang như người mù đi trong đêm gặp ánh sáng mà. Giờ mày thích nói sao thì nói, miễn hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp tao là được rồi.
Bảo Ý thở hắt ra:
– Kể như xong. Phen này lợi dụng cơ hội, cứ mỗi lần hẹn hò kéo mình ra. Luôn luôn như vậy thì chết chắc.
– Hì … hì … Coi như mày tạo phước cho con cháu sau này.
– Phước cái con khỉ! Thấy tội nghiệp, tao chỉ giúp lần này thôi. Đừng bày đặt quen đường mà cứ lợi dụng nhé. Bị đòn nghe cưng.
Bảo Ý liếc bạn:
– Xong hết rồi chứ gì? Không còn gì tao giải quyết nữa phải không?
– Tạm thời là vậy.
– Thế thì về đi.
– Cô gõ vào mặt đồng hồ:
– Chẳng còn sớm nữa đâu.
Hà Phúc giật mình:
– Ấy chết! Gần mười một giờ rồi. Đã đến giờ mẹ tao uống thuốc.
Bảo Ý lắc đầu:
– Xem mày, ngoài Duy Đức ra thì không còn nhớ gì cả. Đúng là lậm nặng.
– Tại mày thì đúng hơn.
Hà Phúc nạt:
– Ngồi với mày lúc nào cũng bị cuốn vào những câu chuyện giật gân, lạ lẫm, làm quên hết thời gian.
– Ơ, lại đổ thừa.
– không phải sao?
– Vậy bốn năm qua không có tao, mày đổ thừa ai?
– Không có mày, có bao giờ tao ngồi quán đâu.
– Ngoan thế cơ à? Thôi, là tất cả tại tao. Bây giờ về được chưa?
– Ừ, nhưng phải gọi vụ tính tiền đã.
Bảo Ý ngăn lại:
– Sành điệu một chút đi.
Cô lấy tờ giấy bạc một tram ngàn dằn xuống ly nước.
– Phục vụ đứng kia họ sẽ thấy.
Hà Phúc phán:
– Mày đúng là dân bên Tây mới về.
Hai cô gái rời khỏi quán. Họ không để ý sau lưng có một cặp mắt mở to vì ngạc nhiên.
Huýt sáo một bản nhạc vui nhộn, Triệu Phong phóng hai, ba bậc thang xuống lầu. Tối nay có một cuộc hẹn đặc biệt, phải nhanh chân thôi kẻo mọi người chờ.
Ngang qua phòng khách, Triệu Phong bỗng sững lại khi thấy bà Hồng Ân – mẹ anh ngồi ở xa lông triệu Phong lừng khừng một lúc rồi cũng đến bên bà:
– Sao mẹ ngồi đây?
– Không được à?
– Dạ, không phải. Ý con là … sao mẹ ngồi một mình ấy. Ba con đâu?
– Ba con đang nói chuyện với ông trên lầu.
– Ông không được khoẻ mà.
– Con cũng biết ông không được khoẻ., sao cứ làm ông tức giận?
Triệu Phong cúi đầu:
– Con đâu muốn.
– Con không muốn vậy ông muốn chắc?
– Mẹ …
Bà Hồng Ân nhìn con trai:
– Định ra ngoài sao?
– Dạ.
– không đi có được không? Mẹ muốn nói chuyện với con.
– Nhưng …
– Sao Hả? việc quan trọng à?
Triệu Phong nhìn đồng hồ:
– Con đã hẹn với mấy người bạn, có chuyện gì hôm khác hãy nói, được không mẹ?
– không được, mẹ chờ con mấy hôm rồi. Chờ từ lúc con đi công tác ở Anh tới bây giờ.
Bà Hồng Ân đưa điện thoại:
– Bạn thôi mà, lúc nào gặp nhau không được. Con gọi điện hẹn lại hôm khác đi.
Thật là khó xử đây, nhưng Triệu Phong không thể cãi lời mẹ. Anh đành cầm máy rồi bấm số:
– Alô.
– Là tao đây Lạc văn.
– Gì thế? Tao đang trên đường đi đây. Mày cũng mau đến điểm hẹn đi.
– Tao … có lẽ không đến được.
– Sao? – Lạc văn la lên – Mọi thứ đã chuẩn bị hết rồi.
– Thì bọn bây cứ vui chơi đi.
– Nói vậy mà nghe được à? Hôm nay là sinh nhật mày mà. Nếu mày không tới thì có ý nghĩa gì nữa.
– Tao … Chậc! Tao biết nói sao đây.
Lạc Văn hỏi:
– Nhà mày xảy ra chuyện à?
– Không. nhưng mà tao đang kẹt.
– Vậy … Hay là bọn tao đợi mày.
– Trễ lắm đó.
– Không sao, miễn mày tới là được.
Triệu Phong không thể từ chối chân tình của bạn:
– OK. Thế nhé!
– Ừ.
Anh gác điện thoại và ngồi xuống đối diện với bà Hồng Ân:
– Con tiếp chuyện với mẹ, khi nào xong con sẽ đi. Vì …
Bà Hồng Ân tiếp lời:
– Hôm nay sinh nhật của con phải không? Mẹ chúc mừng con!
– Cám ơn mẹ.
– Sinh nhật lần này, con biết con bao nhiêu tuổi chưa?
– Dạ …
– Ba mươi sáu tuổi, Cái tuổi chững chạc có suy nghĩ và có chủ định. Hiện con là người đàn ông rất thành công, ba mẹ và ông rất vui và lấy làm hãnh diện. Thế nhưng vẫn còn một điều con làm cho những người trong dòng họ Triệu thất vọng.
– Có phải mẹ muốn nói đến chuyện hôn nhân của con?
– Đúng.
– Mẹ! Không phải con đã bày tỏ ý của mình với gia đình rồi sao? Con không thể chấp nhận.
– Vì Khả Nhi phải không? Con đành lòng làm gia đình buồn chứ không nỡ làm Khả Nhi buồn sao? Con đành làm ông nội và ba mẹ con tức giận chứ không nỡ làm Khả Nhi đau khổ. Con yêu cô ta đến thế sao?
– Dù không có Khả Nhi, con cũng từ chối cuộc hôn nhân này.
– Tại sao? Bảo Ý là một cô gái ngoan vừa thông minh vừa xinh đẹp. Con chê con bé ở điểm nào?
– Con không chê, đơn giản chỉ vì con không yêu.
– Chưa có người đàn ông nào khi gặp Bảo Ý mà không suy nghĩ. Con may mắn hơn là được ông nội đính ước, có được người vợ như Bảo Ý là con có phước lắm rồi. Đốt đuốc đi tìm, con cũng tìm không ra.
– Mẹ có nói quá không đấy. Cô ta là một người con gái hoàn hảo vậy sao?
Bà Hồng Ân nhướng mày:
– Không tin à? Thế con biết vì sao mà sức khoẻ ông nội con tốt hơn trước không? Bây giờ ngày nào, ông cũng có thể tập thể dục, đó là đều là nhờ công của Bảo Ý cả.
Triệu Phong nhíu mày:
– Cô ta là bác sĩ à?
– Không, là một phương thuốc kỳ diệu thì đúng hơn. Từ ngày có con bé đi tới trò chuyện, căn bệnh già của ông con bị đẩy lui dần. Đến ba mẹ cũng không ngờ Bảo ý giỏi đến vậy. Ông nội con đã chứng tỏ không thể thiếu đứa cháu dâu này. Con làm sao đó thì làm.
Triệu Phong nhăn nhó:
– Trong gia đình, không ai hiểu con cả. Bắt đầu của một cuộc hôn nhân là tình yêu. Con chưa gặp Bảo Ý một lần và cũng không một lần có tình cảm. Dù cô ta có được gia đình chào đón, con không chấp nhận là không chấp nhận. Nếu ông và ba mẹ thích cô ta quá thì nhận cô ta làm cháu gái, hay là con gái đi.
Bà Hồng Ân nổi giận:
– Con nói vậy mà nghe được à? Gia đình này không cần con gái, chỉ cần con dâu và cháu dâu thôi. Ông con đã chọn thì ba mẹ cũng chọn.
– Mọi người đừng ép con.
– Bây giờ ai ép ai đây? Ông con đã cho con biết, con có vợ hứa hôn từ lúc con chưa qua lại với Khả Nhi. Thế nhưng con nào có nghe, con vẫn yêu đương làm ông nội con buồn đến sinh bệnh. Bản tính bướng bĩnh cứng đầu của con nếu không nhờ cha mẹ của Bảo Ý nói hộ, thì con tưởng bây giờ con còn được làm tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên, ngang nhiên chống đối lại với ông nội con sao?
– Hai bác Tuấn Minh ư? Tại sao …
– Mẹ biết con không cần địa vị, không cần tiền của, thậm chí có thể từ bỏ công ty bất cứ lúc nào. nhưng con có nghĩ, khi con không còn gì cả, Khả Nhi có chấp nhận ở bên cạnh con không? Ông nội từng nói chuyện với Khả Nhi, cô ta biết con có vợ hứa hôn đấy. Thế cô ta có khuyên con rời khỏi công ty ra đi vì tiếng gọi tình yêu không? hay cô ta muốn con tiếp tục ở lại làm tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên?
Lời mẹ nói Triệu Phong chợt nhớ lại. Lúc ở Anh, Khả Nhi cũng khuyên anh không nên rời khỏi gia đình vì như thế anh trở thành đứa con bất hiếu, đứa cháu đầy tội lỗi. Anh không thể vứt bỏ lương tâm của một con người sang một bên mà sống cho tình yêu của mình. Khả Nhi còn bày cách cho anh để anh có thế có cả hai. Tuy hạ sách ấy anh chưa muốn nghĩ tới, nhưng Khả Nhi cũng là con người biết nghĩ thì có gì sai. Tại gia đình anh dồn ép anh và Khả Nhi quá thôi. Triệu Phong nói:
– Mẹ! Khả Nhi, cô ấy chỉ nghĩ cho con thôi mà.
Bà Hồng Ân nhếch môi:
– Cô ta chẳng những nghĩ cho con mà còn nghĩ cho cô ta nữa. Mẹ cho con biết, Khả Nhi toan tính cái gì, mẹ đều có thể đoán được. Cô ta không là cô gái đơn giản. Mọi kế hoặch của cô ta, không bao giờ gạt được những người ở trong nhà này.
Triệu Phong bất bình:
– Sao mẹ nặng lời thế? khả Nhi dù sao cũng là người con gái con yêu.
– Yêu? Con trai ơi! Đó không phải tình yêu đâu mà chỉ là sự đam mê nhất thời thôi. Rồi khi một lúc nào đó, con sẽ thấy lời mẹ đúng.
– Con không hiểu, Khả Nhi có gì không tốt mà ông nội và cả ba mẹ đều ghét cô ấy. mọi người làm con thấy buồn vô cùng, vì sự chọn lựa của con không được tán thành.
– Điều đó con cũng biết rồi mà. Mẹ không chê Khả Nhi, nhưng mẹ không thích. Cô ta không thể là mẫu người vợ lý tưởng. Ở Khả Nhi, mẹ nhìn thấy sự tham vọng luôn trỗi dậy trong con người cô ta. Những gì cô ta muốn, một mình con không bao giờ đáp ứng được, mà cả dòng họ Triệu sẽ đáp ứng cho cô ta.
Triệu Phong lắc đầu:
– Khả Nhi không phải là con người như thế.
– Con đang say mê, làm sao con có thể nhận ra. Nhưng thôi, mẹ không muốn tranh cãi với con về Khả Nhi nữa. Mẹ chỉ nhắc nhở con một điều, coi chừng con sẽ hối hận suy nghĩ của con hôm nay. Ông nội của con đã có một quyết đinh rồi đấy.
– Quyết định gì hả mẹ?
Bà Hồng Ân nghiêm giọng:
– Nếu con vẫn cứ khăng khăng bảo vệ ý của mình, thì chức vụ tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên mà con đang giữ phải nhường lại cho Bảo ý. Ông con không muốn sự nghiệp cả đời mình bị hư hại trong tay con, chỉ vì cái gọi là tình yêu mà con đang đeo đuổi.
Đúng là một quyết định bất ngờ thật. Triệu Phong từng nghĩ đến vấn đề này, nhưng đó là do anh từ chối để bảo vệ tình yêu của mình, chứ anh đâu ngờ ông nội của anh thương chiều anh bao nhiêu, giờ lại cứng rắn bấy nhiêu. Vẫn giữ lời hứa với người đã khuất, cho thấy ông của anh rất coi trọng chữ tín. Thế nhưng lại đi ngược với điều anh muốn. giờ anh phải làm sao đây? Gia đình như bản thân anh, còn tình yêu với Khả Nhi, anh không thể làm cô đau khổ.
Triệu Phong có cảm giác mọi sự căng thẳng nặng nề mệt mỏi đang vây lấy anh, và anh sắp bị nhấn chìm trong cuộc chiến gia đình.
Trong lòng Triệu Phong đầy mâu thuẫn và trăm sự ngổn ngang. Anh chẳng có kế sách nào để vẹn toàn đôi bên. Không làm cho cha mẹ và ông nội buồn, không làm người phụ bạc … Ôi sao khó thế này!
Từ trước đến giờ, Triệu Phong chưa hề bó tay với khó khăn nào. Thế mà giờ đây có chuyện buộc anh phải chọn lựa. Anh không làm tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên cũng không sao. Nhưng như thế thì anh thấy mình co tội với ông, với cha mẹ, là người thiếu trchs nhiệm với gia đình. Một người đàn ông như anh, liệu có xứng đáng không?
Bao nhiêu vấn đề cứ xoáy trong đầu. triệu Phong bóp trán:
– Mẹ! Con không muốn làm người có lỗi, càng không muốn làm kẻ phản bội. Mẹ có thể cho con thêm thời gian không?
– Trong hai con phải chọn một. Con không quyết định thì chờ đến bao giờ? Cha mẹ có thể chờ, Bảo Ý có thể chờ, nhưng còn ông nội thì không. Tuổi ông đã cao lắm rồi.
Triệu Phong chợt nói:
– Con sẽ gặp Bảo ý.
– Để thương lượng hay yêu cầu con bé hủy bỏ hôn nhân vì đôi bên không có tình yêu? Mẹ nói trước, Bảo Ý là một cô gái hiểu biết và có lòng tự trọng. Cho dù con bé có đồng ý, ông con cũng không đồng ý. Con nên bỏ ý định thuyết phục đi.
Bà Hồng Ân đứng lên:
– Mẹ chỉ có bấy nhiêu lời. Con đi đâu thì đi đi, mẹ không làm mất thời gian của con nữa đâu.
Triệu Phong vẫn ngồi yên một chỗ:
– Có phải Bảo Ý cũng giống như con không mẹ?
– Sao?
– Nghĩa là chỉ có hai bên gia đình quyết định chuyện hôn nhân, còn bọn con thì chỉ việc tuân lời.
Bà Hồng Ân cau may:
– Con muốn nói gì đây?
– Chắc Bảo Ý sẽ có suy nghĩ như con. Cô ấy rất bất bình với việc hôn nhân này.
Giọng Triệu Phong có vẻ thoải mái một chút:
– Theo mẹ thì Bảo Ý là một cô gái tuyệt vời, vậy mẹ có nghĩ cô ấy đã có bạn trai chưa? Nếu quả thật có mà buộc cô ấy lấy con, chẳng khác nào tàn nhẫn với cô ấy.
– Con lại muốn tìm cách tháo gỡ gút mắc phải không?
– Mẹ! Không phải người làm cha làm mẹ luôn muốn con mình hạnh phúc sao?
– Đó là lẽ tất nhiên.
– Thế tại sao không để bọn con gặp và tự tìm hiểu nhau. Nếu chúng con đúng là duyên là nợ, thì có cãi lại cũng không được. Còn không phải mà cứ ép buộc, chúng con làm vui lòng gia đình nhưng rồi chứng con sẽ khổ. Mẹ à! Con không cầu xin điều gì hết, con chỉ muốn có thêm thời gian, đừng gấp rút thông báo và tổ chức đám cưới. Con và Bảo Ý cần một khoảng không gian để ngồi lại với nhau, suy tính thật kỹ để không ai làm khổ ai.
– Cái đó thì con nên nói với ông con ấy. Mẹ không quyết định được.
Bị đánh động vào tình cảm của người mẹ thương con, bà Hồng Ân cũng muốn xiêu lòng trước sự phân tích của Triệu Phong.
– À! Con nên bàn với Bảo Ý trước thì có lẽ tốt hơn. Vì bây giờ Bảo Ý được ông con tín nhiệm nhất.
– Vâng.
– Đừng bao giờ làm tổn thương Bảo Ý nghe chưa?
– Con biết rồi.
Thử gặp đi, con sẽ thấy lời mẹ không sai.
– Mẹ cứ làm con tò mò.
Triệu Phong đùa:
– Biết đâu khi gặp cô ấy, con có một suy nghĩ khác. Và biết đâu con …
– Mẹ không muốn gia đình phải sống trong căng thẳng. Cho nên mẹ hy vọng mọi việc đều tốt để mẹ có được dâu ngoan dâu thảo, con có được vợ hiền.
Triệu Phong gãi đầu:
– Mẹ thật là … lại vậy nữa rồi. Con nói hãy để mọi việc diễn ra theo tự nhiên kia mà. ông nội cứng rắn, không ai có thể thay đổi ý ông. Nhưng con tin ông không nỡ đẩy cháu ông vào đường cũng.
– Đừng bày đặt giở trò với ông đó, nếu không muốn mình mang tội.
– Con không dám đâu.
– Ừ, miệng không dám nhưng trong lòng thì khác. Triệu Phong! Mẹ là mẹ của con mà. Bộ con tưởng mẹ không biết gì hết sao?
Triệu Phong cười:
– Con đầu hàng mẹ rồi đó.
– Hừ!
Anh vươn vai đứng lên:
– Mẹ! Tạm gác mọi chuyện há. Con đến chỗ bạn con một chút đây.
Triệu Phong phóng nhanh ra ngoài:
– Đừng chờ cửa con. Khi nào con về con sẽ tự mở. Mẹ ngủ ngon!
Bà Hồng Ân nhìn theo dáng con trai với cả một sự lo lắng nặng nề. Ngày nào chưa dứt khóat được với Khả Nhi là ngày đó bà vẫn chưa yên tâm.
Nhà hàng Hoa Sứ hôm nay khách đến đông hơn thường ngày, và còn đặc biệt hơn thường ngày nữa, vì sự xuất hiện của cô gái đẹp và ngón đàn piano tuyệt vời chăng?
Ông chủ nhà hàng cứ cười luôn miệng,nói luôn miệng. Ông không ngờ rằng cô gái có cái tên Bảo Ý được Hà Phúc đưa đến thế cho cô một đêm lại chơi piano hay như vậy.
Cô thả hồn say sưa theo tiếng đàn quên hết thế giới xung quanh mình. Người ngồi nghe còn muốn say theo dòng nhạc huống chi chính người chơi nhạc.
Bản " Tình yêu tuyệt diệu " vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Có rất nhiều khách yêu cầu đàn tiếp. Nhưng cô gái ngồi bên đàn đứng lên với nụ cười duyên dáng trên môi:
– Tôi xin phép quý vị một vài phút ạ. Trước khi đáp ứng yêu cầu của quý vị, tôi xin gởi đến vị khách đặc biệt có mặt trong nhà hàng tối hôm nay " Lời chúc mừng sinh nhật ".
– Hoan hô!
Tiếp theo tiếng la tiếng vỗ tay hưởng ứng là bài nhạc " Happy birthday " vui nhộn.
Phía dưới, ở một bàn tiệc cũng đặc biệt. Một người đàn ông nói vào tai người bạn cạnh mình:
– Triệu Phong! Mày thấy thế nào?
– Thế nào là thế nào?
– Cô gái chơi đàn piano hôm nay tuyệt vời chứ? Cô ta chẳng những xinh đẹp, có tài mà còn rất đáng yêu và duyên dáng.
Người đàn ông nhíu mày:
– Nhà hàng này là chỗ quen, người chơi piano trước đây là một cô gái khác kia mà. Còn cô gái hôm nay lạ quá.
Triệu Phong vẫn không rời mắt khỏi cô gái đang chơi đàn trên sân khấu.
– Mày đang thắc mắc phải không Lạc Văn? Thế mày có muốn làm quen với cô ta không?
– Quen! Không dễ đâu mày ơi. Tuy cô ta xinh đẹp đáng yêu thật, nhưng trông cô ta có vẻ khó gần gũi.
– Hình như tao biết cô ta đó. Nếu mày muốn, tao sẽ giúp mày.
– Sao?
Lạc Văn như không tin:
– Mày biết à? Thế cô ta tên gì?
– Tao không biết
– Trời! Mày đang đùa đấy hả?
– Mày ko tin tao chứ gì? Được, để tao nói cho mày nghe. Khi mới bước vào nhà hàng nhìn cô ấy, tao đã ngờ ngợ. Rồi ngồi suy nghĩ lại, tao mới nhớ... hình như tao từng gặp cô ấy ở Anh và ở Hồng Kông. Bây giờ là ở đây, tao không nghĩ có sự trùng hợp nào đâu.
– Có thể người giống người cũng nên. Tiếng " hình như " của mày không khẳng định kia mà.
– Nhưng tao không thể lầm. Lúc ở Anh, cô ấy bị đau còn nhờ tao gọi tắc xi. Còn ở Hồng Kông trong một shop quần áo, cô ấy thử đồ và tao có nói chuyện.
Lạc Văn hỏi:
– Cô ấy nói bằng tiếng gì?
– Ở Hồng Kông, cô ấy nói chuyệnvới tao bằng tiếng Hoa.
– Có nói tiếng Việt không?
– Cô ấy bảo cô ấy chỉ học lóm được một vài câu thôi.
– Thì đúng rồi đó, lúc nãy mày không nghe cô ấy nói tiếng Việt sao? Nếu là người Hoa, giọng không rõ ràng như vậy.
Triệu Phong lắc đầu:
– Cảm giác của tao, cô ấy chỉ là một người.
– Thôi đi mày ơi, coi chừng lộn cảm giác với Khả Nhi đó. Yêu nhiều quá rồi cứ tưởng tượng.
– Thật mà! Nếu mày không tin thì đợi cô ta hết giờ, rồi nhờ ông chủ gọi cô ta đến đây.
– Như thế càng không hay. Nhà hàng có quy định, khách không được mời nhân viên. Làm thế người ta sẽ hiểu lầm.
– Vậy...
– Bỏ đi! Chuyện có quen biết một cô gái hay không không quan trọng. Việc bây giờ là cùng uống cho vui để chúc mừng sinh nhật mày.
– OK.
Lạc Văn giơ cao ly rượu:
– Chúc mừng sinh nhật!
– Cám ơn.
– Nè! Hôm nay sinh nhật mày, bộ Khả Nhi không biết sao?
– Từ chiều đến giờ, tao không liên lạc được với cô ấy.
– Có gọi về nhà hay gọi cho bạn bè Khả Nhi không?
– Hơn mười cuộc điện thoại gọi đi, nhưng không ai biết cô ấy đi đâu, cả mẹ cô ấy nữa. Bà nói Khả Nhi ra khỏi nhà lúc bốn giờ. Điện thoại di động thì bỏ quên. Tao lo quá!
Lạc Văn trấn an:
– Khả Nhi lớn rồi, có lẽ cô ấy đi đâu đó chơi với bạn thôi. Mày đừng quá lo lắng.
Triệu Phong thở hắt ra:
– Hôm nay vừa không liên lạc được với Khả Nhi, vừa bị mẹ tụng cho một bài dài tràng giang đại hải. Tao mệt quá.
– Lại chuyện hôn nhân của mày phải không?
– Ừ. Cô gái mà gia đình tao chọn đã về rồi.
– Về? Cô ta đi đâu mà về?
– Du học, cho nên tao đâu gặp được cô ta.
– Nếu gặp trước thì mọi chuyện đâu khó khăn nan giải như ngày hôm nay, phải không?
– Mày nói vậy là sao?
– Thì có thể mày sẽ yêu cô gái ba mẹ mày chọn mà không phải là Khả Nhi.
Triệu Phong hớp một ngụm rượu:
– Cũng phải. Nhưng chuyện con tim làm sao mà biết được. Dù cô gái kia có tốt như thế nào đi nữa, tao không yêu thì làm sao mà cưới. Ba mẹ ép tao còn đỡ nặng nề hơn là ông nội. Tao càng chống đối, ông nội tao càng tức giận, mà mỗi lần ông tức giận thì sức khoẻ ông yếu đi. Giờ tao không biết làm sao. Ông mà có bề gì, thì tao không còn đường để sống.
– Tao hỏi mày nè, mày có thật sự cần Khả Nhi không? Nghĩa là không thể thiếu cô ấy trong cuộc đời mình.
– Tao không biết nữa.
– Nghĩ cho kỹ đi. Nếu mày thấy Khả Nhi chưa phải là cuộc đời mình thì đừng do dự. Người yêu mày có thể tìm kiếm, không có cô này thì có cô khác. Nhưng người thân thì không, cha mẹ ông bà chỉ có một mà thôi. Lời góp ý của tao là như thế.
– Phản bội tình yêu để có gia đình ư?
– Còn hơn mày là người mang tội suốt đời, và bản thân mày cũng không tha thứ cho mày nếu có chuyện gì xảy ra với ông mày.
– Tao …
Lạc Văn đặt tay lên vai bạn:
– Tao hiểu hoàn cảnh của mày. Nhưng việc mày từ bỏ tất cả, tao không tán thành. Hãy cứ đối diện với hiện thực đi, biết đâu sẽ có một cách hoàn hảo hơn. Cô gái gia đình mày chọn là người có học thức và hiểu biết, tao tin cô ta biết cách xử sự mọi vấn đề.
– Bây giờ ông nội tao tín nhiệm cô ta hơn tao. Sức khoẻ của ông khá lên là đều nhờ cô ta. Tao không làm được gì cả. Nghe mẹ tao nói, đề nghị của cô ta ông tao chưa một lần từ chối.
– Mày thấy chưa, bảo vệ lập trường càng tốt, nhưng khôn ngoan càng tốt hơn. Nếu ngay từ đầu mày không căng, biết nhỏ nhẹ phân tích thì hôm nay đâu căng thẳng. Ông mày rất thương mày, mày phải tận dụng điều đó chứ.
Triệu Phong vò đầu:
– Tao thật sai.
– Giờ nhận ra chưa muộn đâu.
– Tao phải làm sao đây?
– Một mặt tạo niềm tin lại với ông, một mặt lập quan hệ tốt với cô gái mà gia đình mày chọn. Có được sự cảm thôn từ cô ấy, thì không có gì là khó giải quyết cả. Biết đâu cô ấy là người giúp mày tháo gỡ gút mắt, và biết đâu mày không muốn tháo gỡ nó ra thì sao.
Triệu Phong liếc bạn:
– Trái tim tao dễ đi hoang vậy ư?
– Chuyện đó có trời mới biết.
– Con người sống trong hạnh phúc, lời nói khác đi thấy rõ.
– Mày ngưỡng mộ tao hay mỉa mai tao đấy? Nếu tao chưa có bến dừng thì tao cũng muốn khám phá những khó khăn thú vị như mày. Cuộc đời càng sống gió, càng trở nên thú vị.
– Có mà điên. Tao nghĩ trên đời này không ai điên như mày.
Lạc Văn cười, anh hất mặt:
– Nè! Hôm nào có dịp nhớ giới thiệu cô vợ tương lai của mày cho tao biết mặt với nha.
– Hừ! Mày còn trêu chọc tao.
– Được lòng ba mẹ mày, được ông nội mày tín nhiệm thì không phải là cô gái đơn giản.
– Đúng là không đơn giản. Cô ta chẳng cần dùng một thủ đoạn nào mà cả gia đình tao đều yêu mến. Có lúc tao suy nghĩ mà thấy lòng mình chùn lại.
– Thay đổi rồi sao?
– Hai bác Tuấn Minh, be mẹ của Bảo Ý là những người tốt và đầy lòng nhân hậu. Họ đã nhiều lần đỡ cho tao để tao khỏi bị ông mắng. Họ đói xử với tao như người thân trong gia đình, họ sống giản dị không khoa trương dù họ rất giàu. Tiếp xúc với họ, mày sẽ thấy thích ngay.
– Cho nên con gái của họ mới tuyệt vời trong mắt người thân của mày.
Lạc văn nhướng mày:
– Cô ấy tên Bảo Ý à?
– Ừ.
– Cái tên ấn tượng nhỉ! Tao hy vọng con người cũng ấn tượng luôn, để anh chàng Triệu Phong chết trong trận.
– Còn khuya.
Hai người bạn lại tiếp tục cụng ly. Trên kia sân khấu, tiếng đàn piano bây giờ cũng dứt. Bảo Ý rời khỏi chỗ ngồi của mình và đi vào bên trong. Ông chủ nhà hàng đi theo:
– Cô Bảo Ý!
– Ông chủ!
– Cô định về đấy à?
– Vâng. Có gì không thưa ông?
– Cô làm tốt lắm.
– Cám ơn lời khen của ông.
– Cô Bảo Ý này!
Ông chủ hỏi:
– Cô có muốn hợp tác với tôi không?
Hơi bất ngờ trước câu hỏi của ông chủ nhà hàng, nhưng Bảo Ý vẫn trả lời:
– Tôi thích chơi piano thật, nhưng tôi không nghĩ dùng nó để làm công việc. Hôm nay tôi có mặt ở đây là vì muốn giúp một người bạn. Mong ông thông cảm!
– Không có gì. Tôi chỉ thấy tài năng của cô cần được mọi người biết đến, và vì ngưỡng mộ nên tôi mới đề nghị mời cô về nhà hàng.
– Cám ơn ông. Thật sự hôm nay tôi rất vui khi được tán dương đấy.
– Nếu lúc nào cô muốn giải khuây bằng tiếng đàn piano thì cứ tìm đến đây.
– Vâng.
Bảo Ý cười:
– Nhất định là vậy. Thôi, chào ông tôi về.
– Chào cô!
Trước khi quay lưng, Bảo Ý còn khen một câu:
– Nhà hàng của ông lịch sự lắm, không thua những nhà hàng ở Anh mà tôi đã từng biết.
– Cám ơn cô.
Bảo Ý đi ra cổng, còn đang dáo dác tìm một chiếc tắc xi thì cô bỗng giật mình khi nhìn thấy Triệu Phong và một người đàn ông nữa từ trong nhà hàng đi ra.
– Trời ơi! Đúng là trái đất tròn mà. Hết gặp ở Anh, Hồng Kông và bây giờ thì...
Còn chưa biết phải làm sao thì Bảo Ý nghe tiếng nói bên cạnh mình.
– Xin chào!
Bảo Ý giả vờ không nghe cho qua chuyện, nhưng có được đâu.
– Cô ơi......
Triệu Phong khều nhẹ vào tay Bảo Ý, buộc cô phải quay lại:
Anh gọi tôi hả?
– Ừ.
– Bộ tôi quen anh sao? Bảo Ý làm tỉnh.
– Cô không nhớ tôi ư?
– Anh... hình như tôi chưa từng biết anh.
– Chúng ta gặp nhau ở Anh và Hồng Kông ấy.
Triệu Phong nhắc:
– Ở Anh, tôi đón tắc xi cho cô, còn ở Hồng Kông, tôi và cô từng nói chuyện.
Bảo Ý than thầm, anh ta còn nhớ rất rõ chứ đâu có quên. Thôi được, đùa một chút đi đã:
– Xin lỗi anh nha, tôi không hiểu anh nói gì cả.Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tôi chưa từng rời khỏi đây thì làm sao anh gặp tôi ở Anh, Hồng Kông hay một đất nước nào đó mà anh đã đến.
– Nhưng cô giống cô gái tôi gặp lắm.
– Vậy à? Có thể người giống người cũng nên.
Bảo Ý nghiêng đầu:
– Anh đang tìm kiếm cô gái đó à? Cô ta đã gây ấn tượng cho anh sao?
– Không hẳn vậy.
– Thế thì nhận nhau làm gì?
– Có lẽ vì tôi quá tò mò.
Bảo Ý nhún vai. Vừa lúc đó có chiếc xe tắc xi trờ tới, cô vẫy tay, giọng hấp tấp:
– Tôi phải về đây. Chào anh nha!
Không hiểu sao Triệu Phong gọi với theo:
– Tên cô là gì?
– Bảo Ngân.
Bảo Ý chui vào xe, che miệng cười. Một lần nữa cô đã gạt được Triệu Phong, người đàn ông cũng đầy cá tính. Riêng Triệu Phong thì lẩm bẩm:
– Bảo Ngân... có phải là cô gái kỳ lạ không?
– Mày kỳ lạ thì có.
Lạc Văn đẩy xe đến bên bạn:
– Người ta đã không nhận quen biết, mày thì suy nghĩ làm gì. Về thôi.
– Chờ tao lấy xe đã.
Lạc Văn nhìn theo bạn:
– Trời mới hiểu nổi mày, Triệu Phong ạ. Có vấn đề mà bảo là không.
Hôm nay tâm trạng nhẹ nhàng thoải mái, đột nhiên Bảo Ý muốn thể hiện mình một chút. Làm gì đây?
Từ ngày về nước đến giờ, cô chưa có niềm vui trọn vẹn hay một việc làm đích thực nào đó. Cứ vì vấn đề hôn nhân mà cô phải đi tới đi lui tốn bao nhiêu lời mới thuyết phục được " ông nôi bên chồng " nhượng bộ cho thêm thời gian với điều kiện: Vào công ty giúp " chồng ".
Vào thì vào chứ, Bảo Ý này sợ ai. Chẳng phải cô đang muốn làm việc đó sao?
Nghĩ đến ngày mai vào công ty ra mắt nhân viên với cương vị phó tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên, Bảo Ý thấy sướng run người. Cô cười phá lên:
– Ha ha ha... Phải vậy chứ. Không ngờ ông nội và gia đình " bên chồng " tín nhiệm cô như thế. Được rồi, để xem " ông chồng " chưa biết mặt đối xử với cô sao đây? Bảo Ý này không ham danh lợi đâu nha, xin đừng hiểu lầm. Tại vì " quá thương " ông nội nên cô đành nghe lời một chút. Ai đó đừng nghĩ cô vì gia sản dòng họ Triệu mà bằng lòng. Dòng họ Lâm của cô cũng có của dư của để vậy.
Bảo Ý cảm thấy thích thú vai trò mới của mình và những gì trôi qua trong thời gian vừa rồi. Cô không dám tin mình dễ bị tình cảm lay chuyển như vậy. Mọi tính toán, suy nghĩ bỗng bay vèo đi khi cô tiếp xúc với ông Triệu Chấn và hai bác Triệu Sơn.
Họ có tính toán và quyết định của họ. Bảo ý chỉ biết ở gần ông Triệu Chấn, cô như đã tìm thấy tình yêu thương của ông dành cho một người cháu. Cho nên cô vì ông chịu thiệt thòi một chút, đó là đồng ý ở bên cạnh và giúp đỡ người cháu nội đích tôn của ông xây dựng và phát triển công ty trà Bảo Nguyên.
Nhiệm vụ có lớn lao thật, nhưng Bảo Ý thấy vui. Ít ra, cô không là một người vô dụng nữa trong mắt người nào đó căm ghét cô.
Hơn ai hết trong lúc này đây, Bảo Ý muốn chia sẻ. Cô ngồi xuống bên cây đàn piano quen thuộc của mình và bàn tay lướt nhẹ trên phím. Cô say sưa trong bản tình ca của Trần Hoàn.
“ Yêu là mộng mơ viết lên trang bao ý thơ.
Yêu là vần thơ viết cho cuộc đời nhung nhớ
Yêu là thương nhớ suốt canh thâu ta vẫn mơ
Để rồi bơ vơ tình tan vỡ
Yêu là vương vấn vấn vương ta mãi yêu
Yêu là tha thiết thiết tha tình xa cách
Để rồi than trách trách than ta lỡ yêu
Ôm mộng cô liêu
Tình ơi tình ơi tình ơi
Làm chi làm chi để ta đau xót …
Yêu là thương nhớ nhớ thương em ơi.
Yêu là cay đắng đắng cay khôn nguôi
Biết là tiêc nuối, cớ sao ta mãi yêu người thôi …”
Bốp... Bốp... Bốp...
Tiếng vỗ tay kèm theo tiếng nói:
– Hay! Cô hát hay lắm!
Bảo Ý ngưng ngay tiếng đàn, cô trợn mắt:
– Anh ở đâu chui ra vậy? Sao tự nhiên vào nhà tôi?
– Thưa cô, tôi được đón tiếp từ cửa chính.
– Chị Huệ mở cửa cho anh?
– Có lẽ thế...
– Anh đến đây làm gì?
– Tôi đến gặp hai bác Tuấn Minh và cô con gái. Cô Bảo Ý ấy.
– Anh...
– Tôi tên là Triệu Phong, con trai ông bà Triệu Sơn, cháu nội ông Triệu Chấn.
– À...
– À! Còn cô? Tôi phải gọi cô sao đây? Bảo Ý hay Bảo Ngân?
Bảo Ý khoanh tay:
– Tôi là Lâm Bảo Ý.
– Ồ, tôi xin lỗi! Tại cô rất giống cô Bảo Ngân, cô gái đánh đàn piano ở nhà hàng hôm nọ nên tôi lầm tưởng.
– Anh lúc nào cũng lầm tưởng thế sao?
– Không! Chỉ trừ những trường hợp đạc biệt thôi. Hôm nay là ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau, phải không? – Triệu Phong hỏi.
– Anh thấy thế nào?
– Tôi có cảm giác chúng ta quen nhau lâu rồi, mà rất ấn tượng nữa.
– Một cách tán gái?
– Tôi nói rất thật lòng.
– Còn tôi thì hơi bất ngờ. Tôi đã được người nhà cho biết về anh, nhưng tôi không nghĩ …
– Người chồng hứa hôn của cô vô cùng đẹp trai phải không?
Bảo Ý trề môi:
– Nói mà không biết ngượng.
– Có gì đâu. Lời thật mà.
– Hứ! Anh đến tìm cha mẹ tôi, nhưng rất tiếc ông bà không có nhà.
– Tôi đã nghe chị Huệ nói rồi.
– Anh có vẻ thân với gia đình tôi nhỉ!
Triệu Phong cười:
– Tại cô không biết đó thôi. Lúc cô còn ở nước ngoài, tôi có lui tới với gia đình mà.
– Vậy ư?
– Hai bác không có nhà cô tiếp chuyện với tôi được chứ?
– Nếu anh thấy tiện.
– Tôi muốn nói chuyện với cô lắm.
Bảo Ý lịch sự chỉ qua bộ ghế xa lông.
– Thế thì mời anh.
Chị Huệ từ nhà sau mang nước lên:
– Mời cô, mời cậu!
– Cám ơn.
– Cám ơn.
Chị Huệ vừa đi ra thì Bảo Ý vào đề ngay:
– Có chuyện gì quan trọng không? Anh nói đi.
– Cô nôn nóng à?
– Vì tôi còn có việc phải làm.
– Mới về nước mà cô nhiều việc đến thế ư? Làm luôn ngày chủ nhật sao?
– Không liên quan tới anh.
– Công việc của cô có phải đi biểu diễn tài năng của mình bằng ngón đàn piano?
Bảo Ý nổi nóng:
– Nè! Anh còn nói nhảm nữa là tôi không lịch sự đó.
Triệu Phong giơ tay:
– OK. Tôi vào vấn đề đây. Ông nội tôi bảo tôi nhắn với cô chuẩn bị ngày mai vào công ty làm việc.
– Tôi đã nghe rồi.
– Dưới cô còn có rất nhiều nhân viên, đừng quá trẻ con nhé.
– Đợi anh nhắc nhở sao. Còn gì nữa không?
– Ông bảo tối nay ông muốn gặp cô. Xem ra cô cũng có tài lắm.
Bảo Ý nhìn Triệu Phong:
– Anh muốn châm chích gì nữa đây?
– Tôi hơi ghen tỵ với tình thương ông dành cho cô thôi. Tôi ở bên ông ba mươi mấy năm, không bằng cô chỉ mấy ngày. Một lời nói của cô thì ông không thẳng tay với tôi nữa. Bảo Ý! Dù sao tôi cũng phải cám ơn cô. Nhờ có cô mà ông tôi đã khoẻ lại, nhờ có cô mà tôi không bị tống ra khỏi công ty. Nhưng ông không bắt tôi và cô cưới nhau ngay là tốt lắm rồi.
– Anh sợ cưới tôi lắm phải không? Nên anh mới chống đối và làm ông tức giận rồi sinh bệnh.
– Tôi … biết nói sao cho cô hiểu đây?
– Anh không cần nói. Anh muốn bảo vệ tình yêu của anh và không cần đến suy nghĩ của gia đình anh, không cần đến sức khoẻ của ông anh. Như vậy là đúng ư? Tại sao anh không phân tích để ông vì thương anh mà nhượng bộ.
– Tôi …
Bảo Ý nói một hơi:
– Anh tưởng tôi cũng dễ dàng lắm sao? Tôi vừa tốt nghiệp ở nước ngoài xong là cha tôi bắt tôi về ngay. Ban đầu tôi cũng chống đối như anh, nhưng chẳng được kết quả gì. Cuối cùng, tôi nghĩ lại, chỉ có thái độ mềm mỏng mới giải quyết được chuyện này thôi. Tôi bắt đầu từ ông, từ nỗi niềm của ông, từ câu chuyện, từ mong muốn … Và hôm nay đây, anh thấy đấy. Ông cho chúng ta thời gian. Tôi hy vọng trong thời gian ấy, chúng ta làm cho ông và hai bên gia đình nhìn nhận, hôn nhân không thể ép buộc, có tình cảm thì mới đến với nhau được, bằng không chỉ gây đau khổ cho nhau mà thôi. Anh có đồng ý với tôi không? Tôi và anh sao này có tình cảm cũng được, không có tình cảm cũng được. Xin đừng cười và mỉa mai những gì tôi làm nhé.
Triệu Phong ngồi lắng nghe, càng nghe anh càng thấy nể phục Bảo Ý rất nhiều. Cái mà anh không làm được thì cô đã làm rồi. Anh không xứng đáng đi so sánh với cô. Từ nhà đến đây, Triệu Phong nghĩ rất nhiều. Anh nghĩ về người con gái mà ông và ba mẹ anh yêu mếm. Anh nghĩ về những kế hoặch muốn bàn với cô, những xem ra không còn ý nghĩa.
Một người đàn ông thành đạt như anh, thế mà chẳng có lời nào nghe được một chút để nói với cô gái nhỏ nhắn trước mặt mình. Anh đang lẩn quẩn với hình ảnh một cô gái đáng thương ở Anh, một cô gái chua ngoa ở Hồng Kông, một cô gái dịu dàng chơi đàn piano rất hay ở nhà hàng, và bây giờ một Bảo ý sâu sắc, tinh tế hiểu biết. Anh có bị đùa giỡn không đây? Tự ái của một người đàn ông trong Triệu Phong trỗi dậy:
– Tôi thấy cô đang cười và mỉa mai tôi thì đúng hơn. Bởi tôi hoàn toàn không giải quyết được chuyện của mình, trái lại còn phải mang ơn cô. Hừ! Tôi là một người đàn ông vô dụng.
Bảo Ý cau mày:
– Này! Sao tự nhiên nói năng lộn xộn thế. Điều tôi làm đâu chỉ vì anh mà còn vì tôi nữa. Với lại, tôi đối với ông là tình cảm thật của một người cháu. Tôi không muốn bức ép phải lấy một người tôi không yêu và không ưa.
– Cô không ưa tôi?
Bảo Ý gật đầu:
– Đúng!
– Tại sao vậy? Nếu tôi và cô đây là lần đầu tiên gặp nhau, thì tôi nghĩ tôi chưa làm gì có lỗi với cô cả. Cô có thể cho tôi biết lý do vì sao cô không ưa tôi không?
– Ờ thì …
Triệu Phong nheo mắt:
– Sao, không lẽ tôi biết bí mật của cô nên …
Bảo Ý nạt ngang:
– Tôi chẳng có bí mật gì cả.
– Vậy cô nói đi.
– Được. lúc chưa gặp anh thì trong thâm tâm tôi đã ghét anh rồi. Vì có anh mà tôi mới bị cha mẹ ép hôn.
Triệu Phong phá lên cười:
– Ôi trời ơi! Ý cô là nếu tôi không có mặt trên thế gian này, thì cô không bị ép hôn phải không?
– Ừ.
– Cô bé ơi! Năm nay cô bao nhiêu tuổi vậy? Cô nên nhớ cô ra đời sau tôi đó? Ai bị ép thì cô biết rồi đó. À, chỉ có thế thôi à?
– Anh chỉ biết cảm nghĩ của mình mà không nghĩ đến cảm nghĩ của người khác.
– Tôi không biết nghĩ cho ai nào?
– Ông anh, ba mẹ anh và tôi nữa. Cách phản đối của anh làm cho ông và ba mẹ anh cảm thấy có lỗi với lời hứa của mình. Riêng bản thân tôi thì anh đã xúc phạm tôi. Có phải anh nghĩ tôi ham tiền của gia đình anh, có phải anh nghĩ tôi là một cô gái xấu xí, không tìm được tấm chồng nên mới chấp nhận cuộc hôn nhân này không?
– Tôi …
– Anh xem thường tôi quá, Triệu Phong ạ.
Triệu Phong nghĩ thầm. Những lời nói này không phải anh cũng đã từng nói ra sao? Vậy …
Triệu Phong nghiêm mặt:
– Cô là ai?
– Anh đang mơ hả Triệu Phong? Thế nãy giờ anh nói chuyện với ai?
– Bảo Ý, Bảo Ngân hay cô gái tôi đã gặp ở Anh và Hồng Kông, cuối cùng rồi sẽ rõ thôi.
– Xem ra, con người anh hay nhớ những chuyện đă qua và còn hay tưởng tượng nữa. Vậy thì anh cứ theo ý mình đi nhé. Tôi không tranh cãi đâu, bởi tôi chẳng có bí mật nào để sợ anh phát hiện.
Bảo Ý nhếch môi:
– Những ý nghĩ trước kia của anh về tôi, tôi sẽ không để tâm. Bắt đầu từ hôm nay, xin anh tôn trọng tôi một chút. Tôi vào Bảo Nguyên làm việc vì tôi không muốn ông và hai bên gia đình buồn thôi, chứ tôi không vì gì cả.
Không khí lại trở nên nặng nề.Triệu Phong lúng túng:
– Bảo Ý! Không phải tôi xem thường cô. Nhưng tại vì cô làm cho tôi khó hiểu quá.
– Và còn kỳ lạ nữa.
Nói xong câu ấy, Bảo Ý mới thấy mình hố. Trời ơi! Đã không muốn người ta biết mình là cô gái bí ẩn mà còn … Bảo Ý xởi lởi:
– Anh thắc mắc về tôi phải không?
– Ừ.
– Điều ấy đã cho tôi biết anh hoàn toàn không hề để tâm đến những lời ông và ba mẹ anh nói.
– Có chứ. trong gia đình tôi, ai cũng bảo cô là một cô gái tốt và đáng yêu. Mẹ tôi còn hơn thế nữa, bà nói tôi đốt đuốc cũng không tìm được người con gái thứ hai như cô.
Bảo Ý nghiêng đầu:
– Lúc đó anh nghĩ gì?
– Không tin, nhưng bây giờ thì tin rồi. Quả thật không có người con gai thứ hai giống như cô.
– Nghe giọng nói của anh đầy chất châm chọc. Mà nè! Tôi không dễ tự ái và cũng không bỏ cuộc đâu nghe.
Triệu Phong tò mò:
– Cô muốn gì?
– Nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như làm anh phải nghe theo tôi nè. Muốn được làm việc chung với người bạn thân nè, muốn ông và ba mẹ của anh đừng làm khó anh nè, muốn gặp mặt người con gái anh yêu để xem cô ta tuyệt vời như thế nào mà anh từ chối tôi …
– Điều cô muốn được một nữa chưa?
– Có thể nói là được.
– Tôi nghe lời cô nữa, xem như cô thỏa mãn phải không?
– Chưa đâu, tôi tham lam lắm. Tôi sợ cả anh cũng không đáp ứng được cho tôi.Hơ! làm sao đây? Chết rồi, chết rồi … ông đẩy tôi làm phó tổng giám đốc, tôi sẽ lấn lướt anh mất.
– Không sao. Chỉ cần ông tôi vui khoẻ là được rồi.
Triệu Phong tự nhiên thấy buồn cười cho chính mình. Tiếp xúc với Bảo ý, anh quên mất đi phong thái của một người đàn ông thành đạt. Anh đùa mà không một chút khó xử. Thêm cách nói chuyện của Bảo Ý không làm đối phương nặng nề và mất tự nhiên. Cô vô tư nhưng sâu sắc và hiểu lý lẽ. Ở bên cạch cô, thật thú vị với nhiều tình tiết bất ngờ. Mẹ nói không sai, ai một lần gặp cô cũng không thể nào quên. Nhưng rất tiếc, anh đã yêu Khả Nhi trước rồi.
Bảo Ý huơ tay trước mặt Triệu Phong:
– Này! Anh không được nằm mơ giữa ban ngày nghe, không khéo lại nói năng lung tung.
Triệu Phong chợt tỉnh:
– Tôi mà nằm mơ ư? Tôi đang lo ngày mai vào công ty, cách nói chuyện quá liều lĩnh của cô làm cho nhân viên chạy hết ấy.
– Anh yên tâm, tôi không làm mất mặt anh đâu.
– Có mới nói nha.
– Tôi chỉ lo không hài lòng một người thôi.
– Ông tôi à?
– Không. Ông thì đã hài lòng tôi lâu rồi.
– Chảnh vừa thôi.
– Hì …
– Không phải ông tôi thì là ai?
Bảo Ý ngập ngừng:
– Người yêu của anh đó.
– Khả Nhi à?
– Khi biết tôi là người mà gia đình anh chọn, còn làm phó tổng giám đốc nữa thì chị ấy sẽ phản ứng ra sao? Anh khó xử lắm phải không?
Triệu Phong chép miệng:
– Nếu không muốn là một đứa cháu, một đứa con tội lỗi thì tôi không nghĩ đến ngày hôm nay. Cô đã không giận mà còn giúp tôi để ông nội không còn căng thẳng, Khả Nhi không cảm kích mà phản ứng lại thì không đúng.
– Cám ơn anh hiểu cho tôi. Anh yên tâm đi! Một thời gian nữa thôi, tôi tin anh sẽ được toại nguyện.
Bảo Ý nói một câu mà lòng cô không muốn tí nào. Những ngày qua tiếp xúc thân mật với gia đình Triệu Phong, Bảo Ý có cảm giác như chính gia đình mình. Cô không nghĩ mọi việc sẽ như hôm nay, càng không nghĩ người đàn ông cô gặp ở Anh và Hồng Kông là người gia đình cô chọn cho cô.
Bảo Ý trăn trở với bao ý nghĩ. Ngoài mặt làm như không, nhưng trong lòng thì hoàn toàn không thoải mái chút nào.
Những tưởng thuyết phục được ông Triệu Chấn và hai gia đình thì tạm yên ổn. Nào ngờ sự xuất hiện của Triệu Phong đã đẩy ấn tượng ban đầu vào tình thế khó xử.
Không biết thì thôi, đằng này cô đã rõ mười mươi chuyện tình của Triệu Phong, thêm cô đã vô tình biết được bí mật kế hoặch của Khả Nhi. Cô ta bày vẽ cho Triệu Phong dùng hạ sách với gia đình. Hừ! Chuyện đã đến nước này rồi, nếu triệu Phong nghe theo lời người yêu thì xem chừng tất cả sẽ không cứu vãn được. Đến lúc đó thì đừng quay lại trách Bảo Ý này. Tôi đã muốn tốt cho hai người, hai người không nen quá đáng nhé!
Bảo Ý mím môi, cô thấy cô cần có trách nhiệm bảo vệ công ty và bảo vệ dòng họ Lâm. Không thể để người mang lòng dạ xấu có được một cách dễ dàng. Tự nhiên Bảo Ý hết thông cảm nổi với Triệu Phong.
Ngồi yên theo dõi diễn biến trên nét mặt Bảo Ý. Triệu Phong quan tâm:
– Cô căng thẳng à?
– Không.
– Nhưng tôi thấy …
Bảo Ý bực bội:
– Tôi đã nói là không, anh còn tiếp tục thắc mắc làm gì?
– Ơ …
– Anh hãy lo cho người yêu của anh đi. Để tâm đến cô ta một chút, đừng để cô ta nghĩ không thông rồi làm càn, đến lúc muốn cứu vãn vẫn không cứu vãn được. Anh biết ông nội anh mà, không hạ sách nào lay chuyển được ông đâu.
Lời Bảo Ý, Triệu Phong thấy chột dạ. Anh có cảm giác như cô biết hết chuyện của anh và Khả Nhi vậy. Trời ơi! Thật không ổn rồi. Bảo Ý đúng là cô gái không đơn giản chút nào.
Còn đang hoang mang với những gì Bảo Ý nói thì Triệu Phong giật mình một lần nữa:
– Xong chuyện rồi phải không? Thế thì anh có thể tự nhiên làm gì thì làm. Tôi mệt quá, cần đi nghĩ đây.
Không đợi cho Triệu Phong phản ứng, Bảo Ý đứng dậy đi thẳng lên lầu. Giờ này cô không còn lịch sự nữa. Vì cứ nghĩ đến cuộc đối thoại hôm nào của Triệu Phong và Khả Nhi ở Anh là Bảo Ý tức giận không kềm được. Nếu như anh không phải là cháu của ông Triệu Chấn thì cô chẳng cần bận tâm.
Triệu Phong nhìn theo Bảo Ý, anh không nén được tiếng thở dài. Nắng mưa, kỳ lạ, khó hiểu thật.
Chủ nhà không tiếp nữa còn ở đây làm gì? Triệu Phong đi tìm chị Huệ rồi lững thững ra về mà trong lòng không chút nào yên ổn. Phải tìm hiểu cô nàng Bảo Ý này mới được.
Công ty TNHH xuất khẩu trà Bảo Nguyên.
Chiếc xe hơi đời mới bốn chỗ chạy qua cánh cổng lớn và dừng lại ở sân. Anh Bình tài xế nhanh nhẹn mở cửa.
Trên xe bước xuống ông Triệu Sơn, tổng giám đốc Triệu Phong và một cô gái trẻ xinh đẹp. Họ vội vã đi vào bên trong tòa nhà công ty.
Phòng họp công ty bây giờ đông đủ. Nhân viên đang bỏ nhỏ nhau:
– Chuyện gì xảy ra vậy? Tổng giám đốc mở cuộc họp gấp thế này, tôi thấy hồi hộp quá.
– Công ty kinh doanh bình thường, có gì đáng nói đâu.
– Hay tổng giám đốc tuyên bố đám cưới đây? Cũng có thể lắm à. Vì tổng giám đốc của chúng ta cưới vợ được rồi, và ai là người con gái may mắn đây hả?
– Tôi thấy hình như tổng giám đốc có tình cảm với thư ký Khả Nhi.
Một cô gái thúc vào hông một cô gái:
– Có phải tổng giám đốc và Khả Nhi yêu nhau không, Hà Phúc?
– Tôi không rõ lắm, nhưng chắc là vậy. Muốn biết rõ hơn thì hỏi anh Lạc Văn, giám đốc kinh doanh kìa. Họ là bạn thân đó.
Lập tức những câu hỏi tò mò chuyển sang Lạc Văn ngay. Anh đã không muốn có ý kiến nên cố tình né sang một chỗ rồi, thế mà vẫn không yên.
– Giám đốc! Anh nói đi!
– Nói gì?
– Tin tức của cuộc họp khẩn cấp hôm nay.
– Tôi... tôi nghĩ không phải việc tổng giám đốc cưới vợ đâu. Là chuyện của công ty ấy.
– Công ty? Công ty có chuyện gì?
– Nếu các cô muốn biết thì chờ ít phút nữa đi. Tổng giám đốc cũng sắp tới rồi.
Lạc Văn vừa dứt lời thì cánh cửa phòng họp được mở ra. Bước vào là ông Triệu Sơn, tổng giám đốc Triệu Phong và một cô gái mà họ chưa từng thấy bao giờ. Còn Hà Phúc nhìn thấy thì giật mình ngay:
– Trời ơi! Không trùng hợp đến vậy chứ.
Tất cả nhân viên đồng loạt đứng dậy cúi đầu:
– Chào ông Triệu Sơn, chào tổng giám đốc!
Triệu Phong làm cử chỉ chào lại, anh nói:
– Được rồi, mọi người ngồi xuống đi. Chắc mọi người đang thắc mắc vì sao tôi mở cuộc họp khẩn cấp hôm nay, phải không?
Khán phòng yên lặng, mọi người đang hướng về vị giám đốc trẻ của mình. Triệu Phong nhìn một loạt khắp các dãy ghế rồi dừng lại ở cái ghế trống gần chỗ anh đứng:
– Thư ký Khả Nhi đâu?
– Dạ tôi đây. Xin lỗi, tôi đến trễ.
Sau câu hỏi của Triệu Phong, Khả Nhi từ ngoài chạy vào. Cô vừa thở vừa nói:
– Xin lỗi...
Ông Triệu Sơn cau mày:
– Cô không được thông báo là hôm nay có cuộc họp sao?
– Dạ có. Cháu xin lỗi ạ.
Ông Triệu Sơn quay sang Triệu Phong:
– Anh nên phổ biến lại nguyên tắc làm việc trong công ty cho thư ký của anh đi nhé.
– Vâng ạ.
– Tiếp tục đi, đừng để mọi người phải chờ.
Triệu Phong ra dấu cho Khả Nhi:
– Cô vào chỗ mình đi Khả Nhi!
Đợi cho Khả Nhi ngồi xuống, anh hắng giọng:
– Để tôi giới thiệu với mọi người. Đây là cô Lâm Bảo Ý – phó giám đốc, người sẽ đồng hành với chúng ta ở công ty bắt đầu từ hôm nay.
– Ồ...
Nhóm nhân viên nữ lao xao:
– Phó tổng giám đốc còn trẻ và xinh đẹp quá.
– Là người đồng hành làm việc với tổng giám đốc, thật là xứng.
Từ lâu, có nhiều người trong công ty không mấy ưa bản tính đỏng đảnh kênh kiệu của Khả Nhi. Ðuợc tổng giám đốc ưa ái thì không xem ai ra gì. Nay có sự xuất hiện của cô gái trẻ, lại là cấp trên của Khả Nhi nửa, họ không bỏ qua cơ hội trêu tức:
– Phó tổng giám đốc, tôi ủng hộ cô.
Bảo Ý cười tươi:
– Cám ơn, cám ơn mọi người.
Triệu Phong vỗ tay:
– Cho xin năm phút yên lặng để tôi giớ thiệu tiếp, rồi sau đó làm quen với nhau. Bảo Ý! Cô chú ý nhé, vì chúng ta làm việc với nhau lâu dài đấy.
– Vâng.
Triệu Phong chỉ đích danh những người quan trọng trong công ty.
– Đây là Lạc Văn – giám đốc kinh doanh.
– Xin chào!
– Cô Khả Nhi – Thư ký công ty.
– Chào chị!
Khả Nhi nhìn Bảo Ý thoáng giật mình.
– Sao lại là cô ta nhỉ?
Triệu Phong chỉ tiếp:
– Cô Hà Phúc – phòng kinh doanh. Cô Mai Lan, Thùy Trang – phòng kế hoặch.
Nhận ra bạn, Bảo Ý chỉ gật đầu cười.
Qua một loạt giới thiệu của Triệu Phong. Bảo Ý giơ tay ra:
– Xin chào tất cả mọi người, mong được hợp tác vui vẻ.
Mọi người vỗ tay:
– Hoan hô phó tổng giám đốc!
Cách mọi người đón nhận Lâm Bảo Ý làm Khả Nhi tức tối. Sao khi không Triệu Phong đưa cô ta vào đây nhỉ? Đã thế còn để cô ta làm phó tổng giám đốc nữa. Thật là …
Tiếng ông Triệu Sơn rõ ràng:
– Thấy mọi người đón nhận Bảo Ý, tôi mừng lắm. Xin hãy thật lòng giúp đỡ con dâu tương lai của tôi trong công việc nhé.
– Con dâu tương lai? Nghĩa là phó tổng giám đốc cũng là bà tổng giám đốc ư? Ôi, sao mà hay thế này! Chúc mừng tổng giám đốc! Chúc mừng phu nhân!
Triệu Phong và Bảo Ý không biết nên cười hay nên khóc. Tại sao họ không dự đoán trước điều này nhỉ? Ông Triệu Sơn làm bất ngờ và có lẽ người bất ngờ nhất chính là Khả Nhi. Một khi ông Triệu Sơn đã công khai chuyện gia đình ở công ty, thì chắc không có sự thay đổi nào nữa.
Khả Nhi mím môi. Được dòng họ Triệu không chấp nhận cô cũng không sao. Hãy đợi đó đi, để xem Triệu Phong và Bảo Ý có cưới nhau được không.
Đứng trước bao nhiêu nhân viên công ty trà Bảo Nguyên, Bảo Ý thấy khó xử làm sao. Tuy họ ủng hộ cô, nhưng Bảo Ý biết họ đang có gì đó với Khả Nhi nên thừa cơ hội này làm cho Khả Nhi mất mặt cũng nên.
Rắc rối rồi đây. Chắc chắn cô không thể hòa đồng với Khả Nhi. Chậc! Bác Sơn ơi bác Sơn, kế hoạch của bác chẳng khác nào làm Khả Nhi ghét cháu thêm. Cháu vào đây là chỉ muốn bảo vệ và giúp đỡ Triệu Phong thôi. Cháu không hề muốn tranh giành hay …
Để nhóm nhân viên không còn ồn ào bàn tán gây một không khí khó thở cho anh, Bảo Ý, Khả Nhi, Triệu Phong đành kết thúc buổi ra mắt của phó tổng giám đốc:
– Thôi, mọi người hãy trở về với công việc của mình đi.
Nhân viên đứng lên lần lượt ra ngoài. Họ không quên để lại một câu nói:
– Thì ra tổng giám đốc đã có người từ trước. Vậy cứ làm mọi người lầm tưởng tổng giám đốc yêu thử ký Khả Nhi.
– Cô ta, ai chọn cho được chứ. Hàng ngày chỉ giỏi ỏng ẹo dựa hơi. Biết tổng giám đốc có vợ tương lai rồi,xem cô ta còn lên mặt với ai nữa.
– Muốn làm tổng giám đốc phu nhân hả? Đau có dễ!
– Tôi thấy cô Bảo Ý xứng với tổng giám đốc hơn nhiều. Cô ấy rất xinh đẹp lại dễ thương.
Họ có quyền tự do ngôn luận, làm sao bịt miệng họ được. Đợi cho nhân viên ra hết, phòng họp chỉ còn lại ba người. triệu Phong nhăn nhó:
– Ba! Sao ba lại nói chuyện ấy trong lúc này?
– Sao lại không được? Trước sau gì Bảo Ý cũng là vợ con, là dâu dòng họ Triệu. Mọi người biết thì công việc sẽ tốt cho Bảo Ý hơn mà. Hay con sợ tổn thương người yêu của con?
– Ba …
Ông Triệu Sơn nghiêm giọng:
– Ông con cho thêm thời gian, không có nghĩa là chịu thua con đâu. Hãy mau mà giải quyết chuyện riêng tư của con đi. Đừng bao giờ làm Bảo Ý bị tổn thương đấy. Con bé vì con như thế đủ rồi.
Ông quay lưng:
– Thôi, con đưa Bảo Ý đi xem phòng làm việc, ba qua dây chuyền sản xuất rồi về luôn.
Ngang qua chỗ Bảo Ý, ông Triệu Sơn đặt tay lên vai cô:
– Chúc cháu mọi việc tốt lành!
– Dạ, bác đi ạ.
Bóng ông Triệu Sơn vừa khuất, Bảo Ý cất giọng chanh chua:
– Sao còn đứng đó? Mau đưa tôi đi xem văn phòng làm việc của tôi thôi, ngài tổng giám đốc.
Triệu Phong nổi quạu:
– Cô vui rồi chứ?
– Được làm việc tất nhiên là vui rồi. Tôi không ngờ nhân viên, họ vui vẻ và thân thiện đến như vậy. Tôi tin tôi và họ sẽ cộng tác tốt.
– Hừ! tôi nói Cô năn nỉ ông nội tôi cho tôi thêm thời gian chỉ là cái kế để cô được vào Bảo Nguyên. Làm trò hay lắm!
Bảo Ý tròn mắt:
– Anh nói gì vậy?
– Cô đừng giả vờ nữa. Những gì tôi nghĩ về cô thật sai lầm. Tôi tưởng cô là một người tốt, là một cô gái đáng yêu. Nào ngờ cô thật đáng sợ. Cô dựa vào ba tôi để cho mọi người trong công ty biết cô là vợ sắp cưới của tôi thì tôi sẽ từ bỏ tình yêu của tôi sao? Không bao giờ cho dù cô được ông và ba mẹ tôi đón nhận cô.
– Anh...
Bảo Ý mín môi, cô vung tay tát mạnh vào má Triệu Phong:
– Anh không có quyền sỉ nhục tôi.
Triệu Phong ôm mặt giận dữ:
– Cô làm cái quỷ quái gì thế? Sao cô dám...
– Tại sao tôi không dám chứ? Không phải anh đã nói tôi dựa vào thế lực của ông và ba mẹ anh sao? Giờ tôi bắt đầu dùng nó đó, anh làm gì tôi.
– Cô... cút khỏi nơi này ngay cho tôi!
Bảo Ý ngang ngạnh:
– Nếu như tôi không đi? Anh nên nhớ một khi tôi rời khỏi công ty thì anh khó mà yên đấy.
– Cô dọa tôi?
– Tại anh buộc tôi phải làm như vậy. Nhưng mà tôi không nói suông đâu, anh thử đi sẽ biết. Trong câu chuyện này, tôi không có lỗi, người có lỗi là anh và Khả Nhi.
– Sao?
– Anh và cô ta đang tính toán cái gì thì anh tự biết lấy.
Bảo Ý lạnh lùng quay lưng. Triệu Phong lẩm bẩm:
– Tính toán cái gì? Những lời nói của cô ta ẩn ý gì thế? Chẳng lẽ...
Anh với theo:
– Này!
Nhưng Bảo Ý không còn ở đó nữa. Triệu Phong đuổi theo thì thấy cô nhỏ đang hỏi chuyện Lạc Văn. Có lẽ muốn biết về văn phòng của mình cũng nên. Anh đành lững thững về văn phòng. Chưa kịp ngồi xuống ghế, Khả Nhi ào vào như một cơn lốc.
– Triệu Phong! Anh giải thích đi!
– Giải thích cái gì?
– Tại sao cô ta vào công ty mà còn là vợ sắp cưới của anh nữa?
Triệu Phong uể oải:
– Em đi mà hỏi ông và ba của anh ấy.
– Em không đùa đâu nha.
– Chứ anh biết gì mà em hỏi anh.
Khả Nhi cau mày:
– Anh không biết cô ta?
– Em muốn nói đến Bảo Ý?
– Bảo Ý? Nghe thân thiện nhỉ! Hèn gì lúc nãy cô ta lên mặt hết sức. Có ba anh làm hậu thuẫn, thêm đám nhân viên chạy theo, từ nay ở công ty, em còn địa vị gì nữa.
Triệu Phong khó chịu:
– Khả Nhi!
– Khi còn ở Anh, anh hùng hồn dữ lắm. Nào là anh không đồng ý, nào là nếu ông anh ép quá thì anh sẽ bỏ đi. Hừ! Giờ em thấy rồi đó. Cô ta trẻ, xinh đẹp lại được lòng mọi người nên anh đã suy nghĩ lại. Anh chấp nhận từ bỏ em mà nghe theo gia đình.
– Khả Nhi, đừng nghĩ lung tung nữa! Thật ra, việc hôm nay, cả anh và Bảo Ý dều bất ngờ. Anh không nghĩ ba anh lại công bố trước công ty. Lúc ấy, chẳng lẽ anh đi đính chính làm ba mất mặt trước nhân viên sao?
Khả Nhi la lên:
– Anh đừng biện hộ nữa! Nếu anh yêu tôi, anh nghĩ cho tôi thì anh đâu làm tôi bị tổn thương. Ở công ty, bao nhiêu người biết tôi và anh yêu nhau. Thế mà … bây giờ cô vợ sắp cưới của anh xuất hiện. Anh bảo tôi phải làm sao?
– Em bị tổn thương, còn anh không mệt mỏi và căng thẳng sao? Đâu phải em không biết anh có vợ hứa hôn. Ông nội và ba mẹ làm căng, nếu không nhờ Bảo Ý thì anh nghĩ ông không nhường bước và cho thêm thời gian đâu.
– Nói vậy cô ta là người ơn à?
Triệu Phong thở ra:
– Đúng thế.
– Anh tin cô ta, còn tôi thì không tin cô ta tốt đến thế. Cô ta đang có một kế hoặch rõ ràng. Ông và ba mẹ anh sống gần một đời người như vậy mà vẫn khong nhìn ra sao? Cô ta đang muốn thâu tóm công ty. Hừ! Luôn miệng bảo tôi không được, không đồng ý tôi, nhưng lại đi nghe lời một đứa con gái quá trẻ con bày vẽ. Coi được không?
Triệu Phong lớn tiếng:
– Khả Nhi! Em không được hỗn hào!
– Tôi chỉ nói lên sự thật thôi. Anh không nhận ra gì sao?
Khả Nhi chợt cười:
– Mà làm sao anh nhận ra được trong khi anh cũng đồng ý kia mà. Triệu Phong! Anh tàn nhẫn lắm. Anh là đồ giả dối, là thứ người bạc tình thấy mới nới cũ. Anh …
– Đủ rồi! Em đừng ồn ào nữa!
– Ồn ào ư? triệu Phong! Anh không còn yêu tôi nữa thì nói đi. Tôi chịu đựng được mà.
– Khả Nhi! Quả thật anh đang rất căng thẳng. Anh và Bảo Ý vừa gây nhau ở phòng họp. Em đừng làm cho anh rối lên thêm.
– …
– Em có hiểu không? Anh và em đến được với nhau hay không là đều nhờ vào Bảo Ý cả đấy.
– Tại sao phải nhờ vào cô ta?
– Bảo Ý không yêu anh, cô ấy cũng bị gia đình ép buộc, không có cách nào khác hơn nên mới dùng kế sách để ông nội anh nhượng bộ? Hy vọng rằng có thêm thời gian ông anh sẽ hiểu và thông cảm.
– Thế sao cô ta vào công ty làm gì?
– Nếu Bảo Ý không vào công ty thì ông anh đâu đồng ý nhượng bộ.
– Tại sao chúng ta không dùng kế sách mà chúng ta đã từng vạch ra? Đến lúc đó, ông và ba mẹ anh không đồng ý cũng không được.
– Anh không muốn lừa dối gia đình. Làm như vậy tội lỗi lắm.
Khả Nhi khẳng định:
– Anh mà không nghe em thì chúng ta không bao giờ đến được với nhau. Suy nghĩ kỹ đi nhé!
Triệu Phong nhẹ giọng:
– Khả Nhi! Anh không thể nghe theo em được. Anh cần sự chấp nhận của gia đình …
Khả Nhi cắt ngang:
– Vậy thì anh cứ chờ đi. Chỉ việc hôm nay ba anh giới thiệu vợ tương lai của anh với nhân viên công ty, thì em đã biết số phận em rồi. Dòng họ Triệu của anh đâu dễ dàng bước chân vào.
– Khả Nhi à!
– Anh tin họ thì anh sẽ phải hối hận? Bảo Ý không hề đơn giản chút nào đâu.
Triệu Phong nhíu mày:
– Em biết cô ấy ư?
– Anh có nhớ người con gái chúng ta gặp ở nước ngoài không?
– Nhớ chứ.
– Anh không nhận ra à?
– Anh từng hỏi Bảo Ý, nhưng cô ấy phủ nhận. Cô ấy nói chưa từng gặp anh.
– Vậy là anh tin?
– Tuy khuôn mặt Bảo Ý có giống thật, nhưng lời nói cử chỉ của cô ấy anh thấy không giống. Với lại, Bảo Ý không nói được tiếng Hoa.
– Anh đừng quá ngây thơ mà tin người. Ông và ba mẹ khó như thế nào cô ta còn lấy lòng được, huống chi người đàn ông lý tưởng như anh. Coi chừng đó!
Triệu Phong phì cười:
– Em sợ à?
– Sợ gì?
– Mất anh.
Khả nhi trề môi:
– Không dám đâu! Em chỉ lo cho anh lo sự nghiệp của dòng họ Triệu thuộc về người khác thôi.
– Em có thể yên tâm. Gia đình Bảo Ý không cần tiền của anh.
– Vậy cô ta cần anh?
Triệu Phong trêu:
– Bảo Ý là một cô gái không chê vào đâu được. Nếu em cứ mãi gây khó khăn cho anh giống như ngày hôm nay, thì không chừng anh nghĩ đến cô ấy thật đó.
– Em thách anh, có cho anh cũng không dám.
– Đừng xem thường anh chứ!
Tuy ngoài miệng nói thế, xuôi theo thê nhưng Khả Nhi biết Triệu Phong chưa hoàn toàn thuộc về cô. Trái tim anh vẫn còn sự lựa chọn nếu không anh đâu đồng ý để Bảo Ý chung vai với anh ở công ty.
Khả Nhi không ngờ khó khăn lại càng khó khăn thêm. Kế hoặch từng bàn tính, bây giờ Triệu Phong đã không chịu. Điều đó cho thấy anh không thể xem thường tình cảm gia đình. Mẫu người đàn ông như Triệu Phong có con gái nào mà không thích. Đứng đắn, đang hoàng không lăng nhăng lại thành đạt và giàu có. Được Triệu Phong để mắt tới và yêu thương, Khả Nhi có phước lắm rồi. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, cô cần phải có Triệu Phong và tiền đồ của anh. nếu không thì những gì cô làm trong thời gian qua trở thành công cóc.
Đầu tiên cô phải gây mâu thuẫn với Bảo Ý. Làm Triệu Phong không tin tưởng cô ta nữa, kế tiếp thì đến gia đình … Một khi Bảo Ý không còn chỗ đứng nữa thì coi như kế hoặch cô dễ hoàn thành.
Khả Nhi chợt nhớ đến Minh Vũ, người đàn ông cô từng quen biết. Hiện anh ta đang là giám đốc công ty trà Nguyên Long.
Minh Vũ theo đuổi cô, nhưng rất tiếc anh không mạnh mẽ và quyết đoán như Triệu Phong. Nếu anh giốngTriệu Phong thì có lẽ cô không cần vạch kế hoặch cho mình.
Khả Nhi sẽ lợi dụng tình cảm của Minh Vũ mà đánh đổ Bảo Ý. Một kế hoặch hoàn hảo. Bảo Ý ơi, Bảo Ý! Cô chờ đó! Những gì của Khả Nhi này, không ai có thể lấy đi được trừ phi tôi từ bỏ.
Khả Nhi đắc ý đến độ để lộ nụ cười ra ngoài. Triệu Phong hỏi:
– Em đang toan tính gì nữa đấy?
Khả Nhi giật mình:
– Ơ … không có!
– Đừng nói anh không cảnh báo em trước nha. Hành động thiếu suy nghĩ sẽ không cứu vãn được gì đâu.
– Em biết mà.
Khả Nhi giả lả ôm cánh tay Triệu Phong:
– Anh! Tối nay chúng ta đi chơi nha.
– Để xem công việc ra sao đã rồi anh sẽ phôn cho em.
Anh đẩy Khả Nhi ra:
– Về nơi làm việc của mình đi. Anh không muốn mọi người bàn tán đến tai ông thì không hay.
– Em nghe lời anh. Nhớ gọi cho em đó!
– Ừ.
Khả Nhi ra ngoài, khép cửa phòng lại. Triệu Phong ngả người ra ghế. Anh nhớ đến Bảo Ý mà ray rứt. Lúc nãy ở phòng hợp anh mắng cô như vậy có quá đáng không? Nếu cô quả thật có ý gì thì cô đâu phản đối cuộc hôn nhân. Chỉ cái gật đầu thôi thì anh cũng khốn đốn rồi. Còn đằng này, cô tìm đủ mọi cách để không làm tổn thương tình cảm của anh. Vậy mà anh lại đi nghi kỵ cô. Chậc! Ông mà biết được chuyện này kể như không xong.
Bưng ly nước uống cạn một hơi, Bảo Ý dằn cái ly không xuống bàn:
– Hừ, Triệu Phong! Anh không biết điều thì đừng trách Bảo Ý này nhé.
Hà Phúc nhìn bạn:
– Tổng giám đốc chọc giận mày à?
– Anh ta tưởng anh ta ngon lắm sao? Nếu ông và ba mẹ anh ta không nói giúp thì tao không vào công ty để anh ta có cớ mắng mỏ đâu. Hừ! Vì Khả Nhi mà mắng tao à? Được, anh ta đã muốn thế thì tao không nương tay đâu. Triệu Phong, hãy chờ đó đi!
– Bảo Ý! Đầu đuôi câu chuyện là thế nào? Tại sao mày tức giận dữ vậy?
– Làm sao không tức giận cho được. Mày thử nghĩ xem, bác Triệu Sơn giới thiệu tao là vợ sắp cưới của Triệu Phong, cả tao bất ngờ cũng không kém nói chi ai.
– Ừ, tao cũng định hỏi mày ấy. Tại sao có một sự trùng hợp đến không ngờ thế? Lúc thấy bác Triệu Sơn, tổng giám đốc, mày bước vào là tao giật mình rồi.
– Đúng, bản thân tao còn không thể ngờ được nữa là. Thì ra người đàn ông tao từng gặp ở Anh quốc và Hồng Kông mà tao đã kể cho mày nghe, chính là Triệu Phong – người được ông tao hứa hôn cho tao.
– Sao hay vậy? Lòng vòng thì ra chỗ quen biết nhau không. Lúc gặp mày, Triệu Phong bất ngờ chứ?
– Có lẽ cũng bất ngờ. Hôm tao đàn thay cho mày ở nhà hàng, Triệu Phong có đến đó và gặp tao ở đấy. Anh ta hỏi và hơi nghi ngờ tao, cũng may tao khôn lanh một tí, nếu không bể dĩa hết.
– Triệu Phong không biết mày là cô vợ hứa hôn mà gia đình đã chọn à?
– Làm sao biết được. Cái ngày anh ta tìm đên nhà tao, phải cãi dữ lắm, anh ta mới bỏ cuộc không hỏ tới nữa. Nhưng tao nghĩ trong lòng anh ta không khỏi nghi ngờ. Tao là hóa thân của ba cô nàng kia.
– Thế mày sợ không?
– Tại sao tao phải sợ, đó đâu phải là những bí mật động trời.
– Vậy quan hệ của hai người?
– Có lẽ không có gì nếu hôm nay anh ta không mắng tao xối xả. Anh ta bảo tao dỗ ngọt ông và ba mẹ anh ta là vì muốn vào công ty làm việc, và muốn chứng tỏ với mọi người tao chính là vợ sắp cưới của anh ta chứ không là ai khác.
Hà Phúc kêu lên:
– Sao Triệu Phong hồ đồ thế?
– Vậy mới có chuyện để nói. Triệu Phong đã làm tao bị tổn thương. Hà Phúc ạ. Tao muốn giúp cho anh ta, vậy mà anh ta không hiểu.
Hà Phúc bất bình:
– Nếu như anh ta không chịu hiểu thì cứ mặc anh ta giải quyết chuyện của anh ta đi. Mày không cần phải nhọc lòng. Con người như thế, mày quan tâm làm gì.
Bảo Ý thở dài:
– Bây giờ muốn không quan tâm cũng không được nữa rồi.
– Mày đã yêu triệu Phong à?
– Vớ vẩn!
– Thế …
Bảo Ý kể cho Hà Phúc nghe chuyện cô đã từng nghe thấy từ cuộc đối thoại giữa Triệu Phong và Khả Nhi. Cô nói:
– Mày biết đó, tao không để cho Khả Nhi gạt ông và hai bác Tiệu Sơn, dù hoàn toàn đó là vì tình yêu với Triệu Phong cũng không được.
Hà Phúc hỏi:
– Mày ngăn lại bằng cách nào? Ai chứ Khả Nhi dám làm thật đó. Ở công ty này cô ta thuộc dạng mặt dày mà. Tao không hiểu sao Triệu Phong có thể yêu được cô ta.
– Thì nồi nào vung nấy thôi.
– Maỳ nói thế là vơ đũa cả nắm rồi.Tổng giám đốc Triệu Phong không thuộc loại người giống như Khả Nhi. Ông ta là một ông chủ tốt, là một người đàn ông thành đạt và đứng đắn. Chỉ tiếc yêu lầm cô gái đầy tham vọng và mưu toan thôi.
– Mày có bênh vực cho anh ta không đó?
– Hà Phúc này công bằng lắm. Mày có thể tin tưởng tao. Mày không nghe thấy nhân viên công ty, hầu như đa số không ưa Khả Nhi.
– Giữa họ có mâu thuân gì? – Bảo ý tò mò.
– Thì cũng cái thói đỏng đảnh hay lên mặt dựa hơi Triệu Phong, coi ai không ra gì, nên người ta mới ghét. Khả Nhi tưởng mình đã nắm chắc cái ghế phu nhân tổng giám đốc. nào dè, mày xuất hiện với vai lớn hơn, có lẽ cô ta đang ấm ức lắm. Nhưng mà có tức tối cũng chẳng được gì đâu. Tao còn cầu mong cho cô ta vỡ mộng kìa. Mày và Triệu Phong xứng đôi hơn.
Bảo Ý liếc bạn:
– Đừng đùa thế chứ? Tao và Triệu Phong sẽ là đôi oan gia đấy. Hắn ta chắc chắn sẽ không ngừng châm chích tao. Mới có một ngày mà tao đã thấy nản lòng rồi nè.
– Mày muốn bỏ cuộc à? Lâm Bảo Ý đâu phải người như thế.
– Chứ tao là người thế nào?
– Lạc quan, tự tin, vui vẻ và đáng yêu.
Hà Phúc bẹo má bạn:
– Nói chuyện này giờ vẫn chưa thấy mày cười. Cười lên đi, không cười nhìn mặt mày lạnh lùng và khó chịu quá.
Bảo Ý chành miệng:
– Hi hi …
– Thôi thôi, đừng nhát ma tao chứ! Nụ cười của mày thấy ghê quá.
– Không cười cũng nói, cười cũng nói. Mày khó chịu hay tao khó chịu đây? Cục tức nãy giờ chưa tan hết bảo làm sao cười đẹp cho được.
Bảo Ý với tay bưng ly nước của bạn lên uống. Cô chống cằm:
– Biết làm sao hơn. Tao đã chọn thì tao phải chịu.
– Vậy thì đừng than vãn. Muốn có kết quả tốt thì âm thầm làm đi. Với mày, đâu chỉ có chuyện hai bên gia đình, chuyện của mày, Triệu Phong, Khả Nhi, mà còn trách nhiệm với công ty nữa. Họ đã tin tưởng mày thì mày không được để họ thất vọng. Mày phải là chính mình, phải làm tốt, cho Triệu Phong thấy anh ta từ chối cuộc hôn nhân là anh ta sai.
– Tao không có ý tranh giành Triệu Phong với Khả Nhi.
– Thế mày vì ai mà chấp nhận đương đầu với khó khăn? Lòng tốt của con người cũng có giới hạn thôi.
Hà Phúc trầm giọng:
– Tao ví dụ, một ngày nào đó triệu Phong yêu mày mà không yêu Khả Nhi nữa thì mày tính sao?
– Tình yêu đâu phải muốn bỏ là bỏ. Không dễ dàng chút nào. Yêu một người rồi quay sang yêu một người khác. Hơ! Nên nói sao đây nhỉ?
– Trong tình yêu cũng có sự ngộ nhận. Tưởng rằng mình yêu và không thể xa người ấy, nhưng khi gặp một người khác tự nhiên phát hiện ra người đó chính là một nữa của mình.
– Thì đã muộn.
Hà Phúc lắc đầu:
– Không. Tình yêu là tiếng nói trái tim là sự tự nguyện không ép buộc. Cho nên một khi không còn yêu nữa đối phương cũng phải chấp nhận, vì họ hiểu trái tim có lý lẽ riêng của nó. Trừ những người cố chấp đã biết không thuộc về mình mà vẫn cứ níu kéo ảo vọng.
– Tao không hiểu về tình yêu đâu.
– Tâm trạng của mày hiện giờ lơ lửng. Có thể mày có một chút ý nghĩ một chút cảm mến về Triệu Phong.
– Không thể nào.
– Chưa khẳng định được đâu. Thêm một thời gian nữa rồi mày sẽ thấy. Không chừng cả mày và Triệu Phong cùng nhận ra một lúc.
Hà Phúc nhìn mông lung, bất chợt cô buông giọng:
– Mày cũng nên cảnh báo “ ông chồng ” hứa hôn của mày xem lại đi, coi chừng Khả Nhi không yêu anh ta thật lòng đâu.
– Mày có lộn không? Hai người luôn tìm cách để được ở bên nhau kia mà. Với lại, chuyện của hai người đó, tao không muốn xen vào.
– Bực bội à? Tại sao mày như thế, mày có biết không? Trái tim mày chuẩn bị có tiếng nói rồi đó.
– Tao …
– Nếu mày không suy nghĩ lời tao thì có thể mày sẽ hối hận. Tao chợt nhận thấy Khả Nhi cần những gì Triệu Phong có, chứ không phải cần Triệu Phong. Cô ta đang đóng kịch với rất nhiều người đàn ông, để xem người nào cho cô ta cuộc sống như một bà hoàng thì cô ta sẽ chọn người đó.
Hà Phúc hất mặt:
– Mày quan sát nơi này thử đi thì mày sẽ có câu trả lời.
Lời Hà Phúc làm Bảo Ý cảm thấy khó hiểu, nhưng cô vẫn làm theo.
Lúc này trong quán rất đông khách, thế mà Bảo Ý vẫn nhận ra cặp tình nhân lộ liễu nhất. Vai kề vai má kề má., trông thật chướng mắt. Nhưng điều làm cô ngạc nhiên hơn là người con gái đang ở bên cạnh người đàn ông kia là Khả Nhi – cô người yêu của “ ông chồng ” hứa hôn của cô. Bảo Ý mím môi:
– Thế này là thế nào?
– Bộ mặt thật của cô thư ký bên cạnh Triệu Phong đấy.
– Quá đáng thật! Cô ta có thể ngang nhiên lừa dối Triệu Phong như thế sao?
Bảo Ý tức giận đứng dậy thì bị Hà Phúc kéo lại:
– Mày định làm gì?
– Sang bên đó vạch bộ mặt giả dối của cô ta.
Hà Phúc can ngăn:
– Không nên khuấy động bây giờ.
– Chứ …
– Mày nên bình tĩnh. Nếu đã biết con người của Khả Nhi không thật lòng, thì mày nên tìm cách để Triệu Phong hiểu ra vẫn chưa muộn đâu.
– Hừ! Tìm cách làm gì? Anh ta ngu muội thì anh ta ráng chịu.
– Ngoài miệng nói thế nhưng trong lòng thì khác có phải không? Nghe tao đi, lúc này mày có giáp mặt cô ta cũng chẳng ích gì. Thêm đôi co ở quán không hay lắm đâu, người ta sẽ bàn tán đấy.
– Mặc kệ người ta. Nhìn cảnh cô ta ngang nhiên ngã ngớn với người tình là tao không chịu đựng được.
– Mày càng nông nổi thì càng không tôn trọng Triệu Phong.
Hà Phúc điềm đạm khuyên giải:
– Mày có nghĩ, để người ta biết tổng giám đốc công ty trà Bảo Nguyên bị người tình cắm sừng thì sẽ như thế nào không,
– Tao …
– Giữ thể diện cho Triệu Phong một chút đi. Danh dự của anh ta là do mày quyết định. Tao chỉ có thế chỉ ra cho mày thấy thế thôi. Tao tin Bảo Ý bạn tao biết suy nghĩ.
Bảo Ý ngao ngán:
– Hà Phúc! Tao phải làm gì đây?
– Tao từng thấy Khả Nhi và người đàn ông đó đi chung với nhau rất nhiều lần rồi. Lúc ấy tao cứ nghĩ họ là bạn nên không bận tâm. Cho tới hôm nay chuyện có liên quan đến mày rồi, tao không thể không lên tiếng.
– Mày nói tiếp đi!
– Anh Duy Đức biết người đàn ông kia. Ông ta là giám đốc công ty trà Nguyên Long.
– Sao?
– Ở đây không chỉ liên quan đến vấn đề tình cảm mà còn công ty nữa. Tao không dám khẳng định, nhưng mày phải cẩn thận và đề phòng. Bên Nguyên Long không đơn giản đâu.
Hà Phúc nói thêm:
– Trước khi mày vào công ty thì có lần công ty bị hụt hai hợp đồng xuất khẩu lớn. Nghe nói Nguyên Long là người được.
– Sao mày không trình báo với Triệu Phong.
– Chứng cứ đâu? Vả lại, tao đâu nghĩ Khả Nhi thân với Minh Vũ như vậy.
– Giám đốc công ty trà Nguyên Long tên Minh Vũ à?
– Ừ người đàn ông này không thua gì Triệu Phong. Chỉ tiếc anh ta không có tính quyết đoán thôi, còn nghe lời cha nhiều.
– Được rồi, cám ơn mày đã cho tao biết sự thật. Để tao theo dõi rồi bàn lại với bác Sơn.
– Không có gì. Giúp được mày và nhìn thấy mày không nặng nề là tao vui rồi.
– Hà Phúc này! Tao làm phiền mày nữa nha.
– Nói đi!
– Mày sưu tập tưl liệu về vấn đề kinh doanh của công ty trong mấy lúc gần đây cho tao. tao cần tìm ra phương hướng tốt hơn nữa cho công ty.
– OK. Có một người có thể giúp mày nữa đấy.
– Giám đốc kinh doanh Lạc Văn.
– Ừ.
– Nhưng anh ta là bạn thân của Triệu Phong.
– Bạn thân thì sao? Lạc văn là một người có tài cương trực, thông minh và nhạy bén. Tao làm ở phòng kinh doanh học hỏi anh ấy rất nhiều điều. Lạc Văn không thích xen vào chuyện của người khác, anh ấy đáng tin cậy lắm. Huống chi bây giờ mày là con dâu tương lai của dòng họ Triệu, là vợ sắp cưới của Triệu Phong, chắc chắn Lạc văn sẽ giúp mày.
– Để tao suy nghĩ đã. Chuyện tao điều tra về Khả Nhi và giám đốc công ty Nguyên Long, càng ít người biết càng tốt.
– Tao hiểu rồi.
Bảo Ý mím chặt môi:
– Để xem, khi biết được sự thật, Triệu Phong sẽ phản ứng thế nào? Khả Nhi mưu toan hay là tao.
– Mày vẫn còn giận Triệu Phong à?
– Hứ! Hơi sức nào đi giận người dưng.
Hà Phúc trêu:
– Càng giận thì càng thương nhiều đấy.
– Thương cái đầu mày.
Hà Phúc tủm tỉm:
– Nhìn thái độ và cách nóng nảy của mày, nếu mày nói mày không quan tâm đến Triệu Phong thì chẳng ai tin đâu. Chúc mừng mày, trái tim mày không đến nổi giá băng.
– Bắt đầu lung tung rồi đấy.
– Bốn năm du học ở Anh chẳng thèm để mắt tới người đàn ông nào, cho thấy mày và triệu Phong có duyên nợ với nhau. Ông của mày biết trước nên mới hứa hôn cho mày.
– Duyên nợ gì? Người yêu của anh ta rành rành ra đó.
– Mày cũng biết Triệu Phong và Khả Nhi chưa chắc là một đôi.
Bảo Ý khóat tay:
– Dù là vậy, tao không thích là người đến sau.
– Tình yêu, đâu ai phân biệt sau trước. Cho dù người đến trước không duyên không nợ thì cũng đành chịu. Nếu thượng đế đã tạo mày và Triệu Phong một đôi thì có tránh né cũng đâu có được.
– Giỏi triết lý quá há! Tao thấy mày từ bỏ kinh doanh, làm chuyên gia tình yêu cũng đủ sống rồi. Hì …
– Cám ơn. Có lẽ tao chưa đến lúc nói chuyện tình yêu đâu.
Bảo Ý nhìn đồng hồ:
– Bây giờ về được rồi há.
– Còn sớm mà.
– Thôi đi chị. Từ hôm về nước đến nay tao chưa có ngày nào ăn cơm với gia đình đấy. Muốn tao bị giũa nữa hả.
Hà Phúc cười:
– Tao đâu đến nỗi ác với bạn bè thế. Về thì về. Tháng ngày còn dài, quậy mày lúc nào chẳng được.
Bảo Ý gọi người tính tiền nước thì bị Hà Phúc châm chọc:
– Ủa! không sống theo kiểu Tây nữa sao?
– Tao làm việc ăn lương tháng đó, con quỷ. Khi nào làm chủ mới sành điệu một chút.
– Hì!
Hai cô gái rời khỏi quán cà phê thì thành phố đã lên đèn từ lâu.