Trên triền núi cạnh đền thờ An dương vương (có thể là đền Cuông ở Nghệ An) Thục Phán từ từ hiện ra trong một vùng ánh sáng mờ, nét mặt trầm tư khắc khoải, mắt đăm chiêu nhìn xa trước mặt. THỤC PHÁN –(lẩm bẩm một mình, nhưng tiếng trầm và vang như tiếng vọng từ vách núi, chậm rãi, nhấn từng ý): “Tin thần rồi lại nghe con, “Cơ mưu chẳng nhiệm thôi còn trách ai”(1) Tin thần (ngừng) rồi lại nghe con (ngừng, suy nghĩ) cơ mưu chẳng nhiệm (ngừng, băn khoăn). Người đời sau không hiểu cho ta! Nỏ thần mất thiêng vì đâu? Lưỡi gươm oan nghiệt giáng xuống đầu con ta. Sự tỉnh ngộ muộn màng. Người đời sau buộc tội ta. (Da diết) Tội của ta! Tội của ta bắt đầu từ lúc nào? CAO LỖ -(từ từ hiện ra, đứng nhìn Thục Phán, nói một mình, giọng thương cảm): Tội nghiệp! Chuyện nghìn xưa cũ vẫn ray rứt nhà vua. (Lại gần) Mấy nghìn năm thao thức, đức vua vẫn chưa giải đáp được cho mình câu hỏi đó sao? THỤC PHÁN –(giật mình quay lại): À, tướng quân Cao Lỗ! Ta vẫn muốn được gần tướng quân mà lại ngại gặp tướng quân.Ta cô đơn quá. Cảm ơn tướng quân đã đến tìm ta. CAO LỖ: -Từ dạo sa cơ vì mưu thâm kế độc của giặc, tôi phiêu diêu đây đó trên giang sơn gấm vóc của ta. Tôi nguôi lòng vì thấy con dân Âu Lạc dù trải trăm cay nghìn đắng vẫn không tàn lụi. Dù một số kẻ lên ngôi trị nước sau này không biết rút bài học của chúng ta thì trăm họ vẫn bảo tồn được hùng khí giống nòi và tái tạo cơ đồ. Tôi quên đi cái hận của riêng mình, của chúng ta. Tôi chung với muôn dân cái ưu phiền khi vận bĩ, cái hoan lạc khi thế nước đi lên. Qua đây, nghe biết đức vua vẫn tự giam mình trong cô quạnh, tôi định tìm đên giải bày đôi điều mong gỡ mối hầu đức vua. THỤC PHÁN: Giã ơn tướng quân. Lòng ta nặng trĩu, hồn ta u ám. Tướng quân biết chăng đời sau đã hạ bút kết án ta... CAO LỖ: -Hậu thế của chúng ta công minh lắm đó, thưa đức vua. Họ vẫn lập đền thờ đức vua, họ không tưởng niệm Triệu Đà, mặc dù có quốc sử của triều đại sau đã ngộ nhận y. Như vậy, chẳng phải những người dân họ biết phân biệt rạch ròi lắm sao? Và phải chăng họ đã không quên công lao đức vua thống nhất non sông Âu Lạc, phát triển sự nghiệp của các vua Hùng? Nhưng họ làm sao quên được cái tội của chúng ta đã để đất nước này sa vào vòng tăm tối suốt ngìn năm! THỤC PHÁN (run rẩy): -Tội của chúng ta. Không! Tội của ta. Tướng quân đến đây để hoàn tất bản án mà xưa kia tướng quân chưa có dịp nói thẳng và nói hết với ta chăng? CAO LỖ: -Thưa đức vua... THỤC PHÁN (đột nhiên xua tay, lùi lại): -Hãy khoan! Con ta kia, ta... (lùi dần và từ từ biến đi). Cao Lỗ lưỡng lự một chút rồi cũng biến đi cùng vùng ánh sáng. Ở một góc sân khấu khác, Mị Châu cùng Nàng Sen hiện ra cùng một vùng ánh sáng mờ. MỊ CHÂU: -Đức vua không muốn nhìn mặt ta. Lời thề của ta trước khi hứng chịu lưỡi gươm bi phẫn của cha ta đã ứng nghiệm mà người vẫn khôn nguôi. Thần dân còn thấu hiểu cho ta. Thần dân dành cho ta một nơi hâm hưởng cạnh nơi thờ người, có biết đâu ta vẫn xa cách cha ta hơn là muôn trùng sông núi. NÀNG SEN: -Vua cha có nỗi khổ tâm riêng của người. MỊ CHÂU: -Thế ta không có nỗi khổ tâm của ta sao? Em không chịu ở bên ta, em cũng không hiểu ta. NÀNG SEN: -Tôi ở với mọi nhà. Người ta không khấn tên tôi, nhưng mọi người đều cảm thấy có tôi nơi họ và tôi cũng cảm thấy tôi hoà vào họ. Chính vì vậy mà tôi rất hiểu công chúa. MỊ CHÂU: -Em rất hiểu ta? Thế em khinh ghét ta hay em thương hại ta? NÀNG SEN (lắng tai nghe): -Khoan! Công chúa nghe kìa! Tiếng ngâm thơ giọng nữ nghe rõ dần: “... chuyện Mị Châu “Trái tim lầm chỗ để trên đầu “Nỏ thần vô ý trao tay giặc “Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.(2) MỊ CHÂU (hai tay ôm mặt): -Trời ơi! (Một lát, ngửng lên) Người đời nay bảo: thời gian là một quan toà rộng lượng, vậy mà... NÀNG SEN: -Không, người đời nay nói: thời gian chỉ có thể là quan toà rộng lượng một khi lương tâm là người buộc tội và hành động thiết thực là người bào chữa. MỊ CHÂU (giọng kinh hãi): -Em cũng là người kết án ta khắc nghiệt vậy sao? NÀNG SEN: -Tôi chỉ can gián công chúa xưa kia... (giọng xa xăm) khi con người ấy bước vào cuộc đời công chúa. MỊ CHÂU: -Con người ấy... (lại lấy tay ôm mặt) Trời hỡi! Ai đem đến cho ta con người ấy? NÀNG SEN: -Ai đem hắn đến ư? Công chúa có nhớ chăng... Tất cả mờ dần. Chuyển vào hồi Một. ------------------------------- Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Thơ Tố Hữu.