Mã Tổ tập thiền. Sư Hoài Nhượng đến hỏi: “Ngươi ngồi thiền làm gì?”. Mã Tổ: “Làm Phật!”. Hoài Nhượng cầm một miếng ngói ngồi mài trước mặt Mã Tổ. Mã Tổ hỏi: “Người mài ngói làm gì?”. Hoài Nhượng: “Làm gương!”. Mã Tổ: “Ngói có thể mài thành gương được sao?”. Hoài Nhượng: “Ngói không thể mài thành gương, vậy ngồi thiền có thể thành Phật được ư?”. Mã Tổ nghe vậy vội hỏi: “Thế nào mới phải?”. Hoài Nhượng đáp: “Nếu ngồi trên xe do trâu kéo, xe không chạy, ngươi đánh xe hay đánh trâu?”. Mã Tổ không trả lời được. Hoài Nhượng tiếp: “Ngươi học ngồi thiền hay học làm Phật? Nếu học ngồi thiền thì thiền không ở chỗ nằm, ngồi; nếu học làm Phật thì Phật hoàn toàn không chỉ có một định hướng. Pháp môn bản lai là vô trụ, trong đó không nên có tâm thủ xả. Ngươi cho rằng ngồi thiền mà thành Phật thì cũng như giết Phật, nếu ngươi chấp trước ở định tưởng trường toạ bất động thì chưa hiểu cái lý ấy”. Mã Tổ nghe xong như tỉnh khỏi cơn mê. Lại hỏi: “Dụng tân như thế nào mới hợp với tam muội vô tướng?”. Hoài Nhượng: “Ngươi học tâm địa pháp môn như gieo hạt giống, ta thuyết pháp như làm mưa móc, nếu nhân duyên của ngươi hợp, tự nhiên sẽ thấy Đạo”. Mã Tổ hỏi tiếp: “Đạo vốn không có sắc tướng để nhìn thấy, vậy làm sao thấy được nó?”. Hoài Nhượng: “Tâm địa pháp nhãn sẽ tự có thể thấy Đạo, tam muội vô tướng cũng theo đạo lý ấy”. Mã Tổ: “Cái này có thành, hoại hay không?”. Hoài Nhượng: “Kẻ theo thành-hoại, tụ-tán không phải là Đạo”. Nói xong lại ngâm: Đất tâm ngậm hạt giốngGặp mưa sẽ nảy mầmTam muội hoa vô tướngThành-hoại, sao mãi lầm? Mã Tổ nghe Hoài Nhượng khai thị thấy tâm trí sáng láng. Từ đó nguyện làm thị giả theo sư Hoài Nhượng chín năm, cuối cùng thấu triệt được sự áo diệu của tâm pháp Phật học. (Theo Chan Gushi)