Viết về nhân vật này, chúng tôi có suy nghĩ là có nên viết tên họ thật, địa chỉ thật không, vì trước đây khi bài báo đầu tiên được phát hành, hàng trăm người ở nhiều vùng trong nước mà đa số là những bệnh nhân nặng kéo đến gây nên cuộc náo loạn ở địa phương cả về an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề phức tạp khác buộc địa phương phải có biện pháp giải tỏa. “Chuyện lạ có thật về một con người" viết mang tính chất nghiên cứu một sự thật khách quan không mang ý đồ tuyên truyền. Để tránh mọi sự cố có thể xảy ra do người đọc, người bệnh vì tò mò vô ý gây ra, chúng tôi không viết tên thật, địa chỉ thật. Bạn đọc hết sức thông cảm cho vấn đề này, không nên đi tìm nhân vật chính trong truyện, để khỏi gây khó khăn cho địa phương. Nếu có dịp đọc tập sách nhỏ này mong các bạn đọc với tinh thần nghiên cứu một hiện tượng lạ có thật để suy ngẫm, phán xét. Tập sách này ra mắt bạn đọc chỉ có một mục đích cung cấp dữ liệu để các bạn nghiên cứu, ngoài ra không có mục đích nào khác. Nhân vật chính trong câu chuyện tên khai sinh là Đ.V. T., gia đình và hàng xóm thường gọi là T., T. sinh ngày 8 tháng giêng năm Tân hợi (1971) trong một gia đình nông dân đông anh em. Bố là Đ.V.H. 61 tuổi mẹ là L.T.H. 60 tuổi (tính đến năm 2003) ở thôn X,. xã T., huyện K. tỉnh R. Theo mẹ T. kể bà có mang đến tháng thứ mười mới sinh. T. sinh ra lúc 10 giờ đêm, trong một cái bọc. Mẹ T. xé bọc cho T. ra thì T. không khóc mà lại nhoẻn miệng cười. Sau hơn một giờ mới cất tiếng khóc. Trường hợp này là bình thường, không có gì đặc biệt vì không hiếm những người mẹ sinh con trễ tháng, sinh trong bọc và cũng không hiếm những trường hợp sinh ra không khóc, bà mẹ phải phát vào mông mới khóc Được ba tuổi, bố mẹ T. làm giấy khoản nhờ ông ngoại nuôi. Ngôi nhà vợ chồng T. đang ở hiện nay vốn là nhà của ông ngoại để lại, thuộc thôn B., xã M., huyện S tỉnh H.. Ông ngoại làm sao nuôi được cháu nhỏ? Vấn đề là ông ngoại có năm người con gái, 4 người lấy chồng ở riêng còn bà N. ở lại vừa phụng dưỡng ông vừa trông nom, nuôi dưỡng T. từ ba tuổi cho đến lúc trưởng thành. T. phát triển bình thường như những đứa trẻ khác trong làng. T. học đến lớp 9 thì thôi học, ở nhà lao động và buôn bán vặt giúp gia đình. Với những người ruột thịt trong gia đình, người T. yêu quý nhất là ông ngoại vì ông là người thay mặt bố mẹ T. cưu mang T. từ tuổi ấu thơ đến lúc nên người. Lúc ông ngoại qua đời khỏi phải nói T. đau thương đến mức nào! Có một chi tiết hơi đặc biệt và cũng là chuyện lạ có thể viết ra đây. T. không xưng hô với bố mẹ là cha, mẹ mà chỉ gọi bằng thứ. Bố T. thứ năm nên T. gọi bằng Năm. Mẹ thì gọi bằng Bốn. Hỏi thì T. trả lời: Bố mẹ T. chỉ sinh thể xác T. phần còn lại (phần linh hồn) T. thuộc về một thế giới khác. Việc T. lấy vợ, theo T. kể là để làm vui lòng gia đình chứ T. không thích người khác giới. T. chưa từng yêu hoặc có cảm tình với một phụ nữ nào, kể cả vợ. Tuy vậy, cái gì phải đến đã đến theo quy luật tự nhiên của tạo hóa. Vợ T. đã sinh cho T. 2 cháu gái cùng một lúc (đẻ sinh đôi). Hai cháu năm nay đã 6 tuổi, khỏe mạnh, đang học cấp 1, vợ T. 32 tuổi, làm ruộng, chăn nuôi và chạy chợ lúc nông nhàn. Những chuyện lạ về nhân vật này bắt đầu từ năm 1996. Tù lúc thôi học, là một thanh niên khỏe mạnh ở nông thôn, gặp việc gì T. cũng làm. Ai nhờ việc gì T. cũng giúp như đào mương, đắp nền nhà, cuốc vườn. Và vào một buổi sáng mùa thu năm ấy, T. dùng xe ba gác kéo đất đắp nền nhà cho một gia đình như đã từng làm cho một số gia đình khác. Kéo được mấy xe, đến xe tiếp theo, mới nửa đường, bỗng nhiên T. bỏ xe đất, chẳng nói chẳng rằng chạy thẳng một mạch về nhà tọa thiền trước bàn thờ gia tiên suốt 3 ngày, 3 đêm, không ăn, không ngủ. Người nhà hỏi gì cũng không nói. Ngồi kiết già (kiểu ngồi hoa sen) triền miên như một pho tượng gỗ. Thấy chuyện lạ, cả nhà hốt hoảng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Người thì bảo T. bị ma làm, người thì cho là T. mắc bệnh tâm thần. Mặc cho ai nói gì thì nói, T. vẫn yên lặng, tập trung tinh thần hướng về cõi vô định mênh mông. Cho đến khi ông H. bố T. lo lắng bảo người nhà đi thuê ô tô để đưa T. đi bệnh viện chứ kiểu nảy là nó bị đau nặng lắm rồi! Nghe vậy, sau ba ngày đêm, lần đầu tiên T. mở miệng nói: "Năm dẹp cái chuyện thuê xe đưa tôi vào bệnh viện đi! Tôi không đau ốm gì đâu!". ông H. nói: "Không đi bệnh viện cũng được nhưng con phải ăn uống gì chứ! Ba ngày rồi, ngồi mãi chịu sao nổi!". Nói xong ông thúc người nhà dọn cơm cho T. ăn. Cơm dọn xong, T. buộc phải ngồi vào mâm thì chuyện lạ lại xảy ra. Khi T. một tay bưng bát cơm, một tay cầm đũa định đưa bát cơm lên miệng, nửa chừng bỗng cả bát cơm và đũa đều rơi tung tóe xuống bàn. T. đứng dậy nói: "Trên bảo từ nay trở về sau không được ăn cơm mà chỉ ăn rau, hoa quả thôi!". Cả nhà ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Từ sự khởi đầu lạ lùng đó cho đến ngày nay đã qua tám năm, T. chỉ ăn độc có rau, thỉnh thoảng có ăn hoa quả nhưng rất ít. Anh em chúng tôi đã chung sống với T. nhiều lần, nhiều ngày nhưng chưa bao giờ thấy T. ăn thứ gì khác. Các loại rau như rau muống, rau cải, rau đắng, rau diếp... luộc hoặc xào dầu T. đều ăn được. Cơm, bánh mỳ, bánh ngọt, kẹo các loại đều không ăn. Thấy T. luôn khỏe mạnh, cơ bắp nở nang rắn chắc như gỗ nhiều người không tin. Coi chừng anh ta có ăn lén về ban đêm. Chúng tôi bảo đảm điều đó tuyệt nhiên không có. Về ăn của anh chàng này có một điểm đặc biệt là rất thích ăn hoa vạn thọ sống mà hoa vạn thọ thì ở tỉnh H. rất nhiều. Người nhà kể lại, có lần hàng tháng liền, anh ta chỉ độc ăn hoa vạn thọ, ngoài ra không ăn rau quả gì khác. Thấy nhiều năm rồi T. vẫn ăn như vậy, chúng tôi rất lo cho sức khỏe của T. Anh ta chỉ cười: "Anh em không phải lo chuyện đó! Anh em không biết chứ chỉ ăn rau mà hôm nào ăn hơi nhiều một chút là trong người thấy mệt lắm, không ăn người lại khỏe! Lúc nào luyện thành công thì rau cũng không ăn nữa mà chỉ sống bằng không khí". Về uống, T. chỉ uống nước dừa. Gần đây, không có dừa T. uống nước khoáng đóng chai hoặc uống một thứ nước do T. pha chế có chanh, một ít đường và bột thuốc bắc tự chế mà uống rất ít. Ngoài ra tuyệt nhiên không uống nước gì khác kể cả các loại nước ngọt, chè, cà phê. Nước dừa uống trong quả, rót ra cốc không uống. Nước khoáng đóng chai cũng vậy. Chai để nguyên niêm đưa cho anh ta, mở nắp rồi là không uống. Giữa mùa hè nóng bức đi đường với T., anh em hết ăn lại uống nhưng với T. đi cả ngày không uống cũng không ăn. Đặc biệt vào những ngày 30, 1, 14, 15 âm lịch T. hoàn toàn nhịn ăn. Đặc biệt nữa là từ lần đầu rơi bát, đũa, T. không cầm đũa được nữa mà chỉ ăn bốc. Mỗi lần đi ra ngoài năm bữa nửa tháng, anh em muốn mời T. ăn phải sắm nồi xoong, bát riêng vì T. không ăn những thứ nấu đồ mặn của gia đình. Về mặc, đối với T. cũng là một chuyện lạ. Mùa đông lạnh lẽo, anh ta chỉ mặc phong phanh một chiếc áo lót và áo khoác. Ngược lại mùa hè nóng bức, đi đâu T. mặc sáu lớp quần, áo căng cứng người. Anh ta không tắm như người thường mà mỗi lần muốn tắm, cởi quần áo ngoài, ngồi thiền vận công cho mồ hôi toát ra rồi lấy khăn lau. Như vậy là tắm xong. Tuy vậy, người T. vẫn sạch sẽ không hôi hám gì. Lâu lâu, T. có tắm bằng nước nhưng chỉ thi thoảng. Về ngủ, gần như nhân vật này không ngủ hoặc có thể nói ngủ rất ít. Ban đêm, trong khi mọi người ngủ, T. ra ngoài trời tập luyện tháng này, sang tháng khác, thường xuyên như vậy. Tập luyện với ai, tập như thế nào không ai biết. Hỏi thì T. bảo tập với thầy, nhưng không được nói vì thiên cơ bất khả lộ. Một điều chắc chắn là T. không có thầy đời trần. 5 giờ sáng T. mới vào nhà, thiền định cho đến 12 giờ trưa. Về quan hệ vợ chồng, từ ngày không ăn cơm đến nay, T. không còn sinh hoạt trong quan hệ với vợ mà chỉ coi vợ là người giúp việc, lo toan gia đình. Anh ta nói thẳng với vợ là từ nay T. không còn làm chồng được nữa, cô có thể tự do đi lấy chồng khác. Tuy rất buồn, khổ nhưng vợ T. nhất quyết ở lại với T. lo làm ăn, nuôi con khôn lớn. T. là một người tương đối đẹp trai, thân thể tráng kiện lại có nhiều tài năng nên một số cô đem lòng thương trộm nhớ thầm nhưng chỉ là vô vọng, chỉ là một thứ tình yêu đơn phương. T. có biết nhưng không quan tâm. Nói với anh ta chuyện này, anh ta chỉ cười và nói. "Đó là chuyện của người ta. không phải chuyện của mình, chẳng có liên quan gì đến mình". Những sinh hoạt thường ngày của nhân vật này không giống sinh hoạt đời thường của con người. Có người đặt câu hỏi phải chăng anh chàng này lập dị để cho khác với mọi người. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy không phải lập dị mà có thể do những nhu cầu đặc biệt nào đó của cơ thể, cả thế xác lẫn tinh thần, ý thức, nhằm phục vụ cho một mục đích mà T. đang theo đuổi. Đã là con người thì từ những bậc quyền quý cao sang, đến người dân thường ai cũng có những ham muốn nhất định - đây chỉ nói những ham muốn chính đáng. Ăn uống phải đủ, phải ngon. Ngủ phải say phải ngon giấc. Tắm rửa thường xuyên cho thân thể sạch sẽ, khỏe mạnh. Mặc phải đẹp, mùa hè mặc mát, mùa đông mặc ấm. Sinh hoạt vợ chồng bình thường, bảo đảm quân bình âm dương, sảng khoái, không bệnh tật, v.v. Con người ai cũng có nhu cầu và ham muốn chính đáng đó trong sinh hoạt đời thường. Riêng với T. là không có, ăn uống như T. còn gì gọi là ngon. Ngủ như T. lấy đâu được đẫy giấc. Tắm rửa như T. làm sao thoải mái. Chuyện cai vợ, tiết dục làm mất quân bình âm dương, và vân vân. Có thể nói T. không có những ham muốn đời trần. Trong sinh hoạt đời thường, chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề là tiền. Tiền nói riêng, tiền của, vật chất nói chung. Từ thời thượng cổ đến thời hiện tại, tiền là phương tiện giao lưu phục vụ cuộc sống con người và trong mọi quan hệ xã hội. Có tiền là có tất cả. Chính con người đã sáng tạo ra đồng tiền và sử dụng nó để phục vụ cuộc sống cho từng cá nhân, gia đình, từng quốc gia, dân tộc và cả nhân loại. Ở đây chỉ nói đến đồng tiền chân chính không nói đến khía cạnh đồng tiền bất minh, bất chính. Lao động và làm đủ thứ nghề để kiếm ra tiền. Người có nhiều tiền muốn có nhiều tiền hơn. Người nghèo khổ không có tiền lo ngày lo đêm, lao động cật lực, chạy vạy để có tiền cho cuộc đời đỡ khổ. Xưa nay chỉ có người ham tiền, "càng nhiều càng ít” chứ chẳng có ai chê tiền, không cần đến tiền. Quy luật tự nhiên, quy luật xã hội đều như vậy. Nói cách khác tiền là cuộc sống. Vậy mà có chuyện lạ là nhân vật chính trong câu chuyện này chẳng mấy quan đến tiền. Nói ra rất khó tin nhưng lại là chuyện có thật. Khi viết những dòng này, chúng tôi đã nghiên cứu thận trọng, theo dõi trong nhiều năm và có nhiều chứng minh thực tế. Trước hết là chuyện chữa bệnh không lấy tiền. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến góc độ tiền, chưa nói đến khả năng chữa bệnh. Suốt 8 năm qua, T. đã chữa cho hàng ngàn bệnh nhân chưa bao giờ lấy tiền của ai, kể cả những căn bệnh thập tư nhất sinh. Chữa ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế tư nhân Tây y, Đông y đều phải có tiền, tiền khám bệnh. tiền thuốc, mà nông dân nghèo lấy đâu ra tiền! Riêng chuyện chữa bệnh không lấy tiền đã thu hút nhiều bệnh nhân đến với T. Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp T. giúp người bệnh nặng thoát khỏi cái chết. Khỏi bệnh rồi, biết T. không nhận tiền, người bệnh và gia đình lúng túng không biết làm thế nào để đền ơn người chữa cho mình. Có thể nêu vài ví dụ điển hình. Anh Bùi Thanh Tùng ở Kế Xuyên bị bệnh viêm khớp teo cơ, bệnh viện cho về chờ chết. T. chữa 19 ngày hoàn toàn khỏi bệnh. Vợ chồng bàn nhau thấy nhà T. quá nghèo, không có gì ngoài cái bàn và bộ phản gỗ, liền đi mua 1 chiếc ti-vi 21 in mang đến biếu. T. bảo: “Tôi không lấy tiền kể cả quà biếu vì đó cũng là tiền. Anh chị mang về, nếu không, về nhà đau lại, tôi không giúp nữa đâu!". Nghe thế, vợ chồng sợ quá đành mang về nhưng vẫn chưa yên lòng. Thấy chỗ T. nằm kê bằng hai chiếc ghế băng, khổ quá, vợ chồng lại đi mua một chiếc giường xếp bằng bố, thừa lúc T. không có nhà đem đặt vào chỗ hai chiếc ghế băng. T. về, vợ chồng phải năn nỉ mãi T. mới chịu cho để lại có tính chất kỷ niệm. Một trường hợp khác, một bệnh nhân nặng được chữa khỏi mang đến một chiếc xe máy mới, T. không nhận. Nói mãi, cuối cùng. T. xin chiếc chìa khóa xe nhận tượng trưng còn xe phải mang về. Và còn nhiều, nhiều nữa: Bệnh nhân đến phần nhiều chỉ mang hoa quả đặt trên bàn thờ gia tiên. Có người bảo T. không lấy tiền của ai nhưng bệnh nhân có đưa tiền cho vợ T.. Điểm này cần làm rõ. Thấy vợ T. phải nuôi hai con mà quá nghèo, thỉnh thoảng có bệnh nhân cho các cháu ít tiền hoặc quần áo. Lần nào T. cũng biết. Cho các cháu năm, mười ngàn T. cho qua nhưng nhiều hơn, T. bắt vợ phải trả lại. Có trường hợp một bệnh nhân đền ơn T. dưới dạng lén đưa tiền cho vợ. T. không nhìn thấy nhưng biết ngay bắt vợ phải lập tức mang trả lại và cấm vợ tuyệt đối không được làm thế. Một số Việt kiều ở Mỹ, Ca-na-đa về nước thấy T. có nhiều tài năng nhưng quá nghèo gửi cho T. hàng nghìn đô la nhưng T. đều gửi trả lại. Anh em bảo cậu cứ nhận rồi giúp các quỹ từ thiện có hơn không! T. bảo làm vậy là mình có nhận tiền. Còn việc mình làm từ thiện hay không ai biết được. Tốt nhất là không nhận.Trong người T. không lúc nào có tiền. Chúng tôi thỉnh thoảng lén kiểm tra chiếc ví chỉ thấy có giấy tờ chứ không có tiền. Khi cần mua xăng hay mua vé tàu, xe T. bảo vợ đưa, ngoài ra không tiêu việc gì khác.Xin nói thêm T. có phải là người lừa bịp, mê tín dị đoan không? Gần T. lâu không bao giờ thấy T. thắp hương hoặc cứng bái. Ngày rằm, mồng một, ngày giỗ cũng vậy. Theo dõi tìm hiểu vẫn chưa phát hiện T. có tín ngưỡng gì rõ rệt. Thiên chúa, Tin lành không phải, ngay cả Phật giáo, Lão giáo, Cao Đài cũng không thấy có gì rõ rệt. Chưa bao giờ thấy T. tụng kinh. Điều thấy được là T. chống mê tín dị đoan, chống lừa bịp, nhất là các vị thầy cúng bói toán nói dựa lấy tiền. Còn T. có lừa bịp ai không có thể lấy thực tế trả lời. Chữa bệnh không lấy tiền thì lừa bịp sao được, và lừa bịp nhằm mục đích gì? Nhân nói về sinh hoạt, kể thêm một vài chuyện lạ trong ngôi nhà của T. Một lần ba anh em gồm tôi (người viết truyện), bác H. cán bộ công an nghi hưu, bác Q. cán bộ địa chất nghỉ hưu đến thăm chơi với T.. Tối hôm đó, như thường lệ T. ra ngoài tập luyện. Ba anh em ngủ ở nhà. Nhà chỉ có một chiếc phản để bác H., bác Q. ngủ, tôi trải chiếu nằm dưới đất ngay cửa ra vào. Trước khi ra ngoài T. dặn tôi: "Bố (tôi lớn tuổi nên T. thường gọi tôi bằng bố) vào giường xếp của tôi ngủ, đừng ngủ dưới đất". Tôi nghĩ mình nằm chỗ tay này, khuya nó vào nó không có chỗ nằm nên tôi vẫn nằm dưới đất. Độ một giờ sáng, tôi nằm im vẫn chưa ngủ được. Bỗng nhiên thấy ngay phía đầu nằm của mình có một người đang đứng. Thấy người nhưng không rõ mặt. Lúc đó cửa ra vào vẫn đóng. Tôi lặng lẽ chồm người dậy nhìn và suy nghĩ cửa đóng làm sao có ai vào nhà được. Tôi vẫn yên lặng theo dõi. Người đó đứng một lúc rồi đưa tay chỉ vào chiếc phản và chỗ đặt chiếc giường xếp của T. xong quay lưng bước ra trong khi cửa vẫn đóng. Thấy chuyện lạ, tôi vội vàng đến mở cửa hông, ra ngoài thì không thấy gì nữa. Đến kiểm tra chiếc cửa ra vào mà người đó vừa bước ra thì cửa vẫn đóng. Tôi đánh thức bác H., bác Q. dậy kể lại câu chuyện vừa thấy, ai cũng ngạc nhiên. Gần sáng, T. đi luyện tập về tôi kể lại T. chỉ cười nói: "Ở đây, chuyện đó là bình thường!". T. còn nói thêm: "Tại bố không vào giường xếp nằm như tôi dặn đấy!". Chuyện này tôi trực tiếp chứng kiến, không phải nằm mơ. Một chuyện lạ khác là trước đó mấy tháng có mấy bà phụ nữ đến nhà T. chữa bệnh, nhà xa không về kịp xin ở lại. Nhà T. có một quy ước là chiếc phản nhà trên chỉ để nam giới ngủ. Phụ nữ nằm nhà dưới. Hôm đó, ở nhà dưới quá chật, một chị cỡ trung niên thấy phản nhà trên bỏ không liền lên nằm đỡ. Ngủ đến nửa đêm, chị thấy có một người đàn ông đến bảo: "Chị xuống nhà dưới nằm, không được nằm ở đây!” Chị vâng vâng dạ dạ nhưng buồn ngủ quá nằm luôn trên phản ngủ tiếp lúc nào không biết. Độ 3 giờ sáng bỗng chị thấy một bầy độ bốn, năm con khỉ líu cha, líu chíu kéo đến khiêng chị ra hè ném chị đúng vào bậc tam cấp làm chị đau ê ẩm cả người và sây sát chân tay. Vừa lúc T. đi tập luyện về thấy vậy hỏi- "Sao chị lại ra đây nằm?” Chị kể lại câu chuyện vừa xảy ra. T. lại cười: “Ấy là tại chị, có người nhắc rồi nhưng chị không nghe! Thôi rút kinh nghiệm vậy!". Nói xong T. dìu chị xuống nhà. Giải thích thế nào về những hiện tượng lạ này? Xin để các nhà khoa học nghiên cứu giúp! Đó là toàn bộ sinh hoạt thường ngày của nhân vật. Hiếm thấy có ai sinh hoạt kiểu mô hình này! Trên thế giới cũng như trong nước đã xuất hiện nhiều người có công năng đặc biệt nhưng chưa thấy ai có những sinh hoạt kỳ lạ như đã kể. Phải chăng để có những công năng đặc biệt như T. phải có cách sinh hoạt tương ứng?