Gởi Phan Duy Nhân Chúng tôi đến Đà Nẵng lúc thành phố đang trong cảnh chết, nhà đóng cửa, đường vắng dây kẽm gai dăng đầy, biểu ngữ chống chính phủ căng la liệt. Thành phố lặng lẽ nỗi phản kháng tuyệt vọng. Im lặng đáng sợ như một trái bom đã rút chốt. Tôi không ngờ trở về với thành phố tuổi nhỏ trong cảnh oái oăm như thế này, con đường Khải Định chạy qua đường Ông Ích Khiêm đến Chùa Tĩnh Hội giờ này lặng lẽ và nguy biến. Con đường này thuở xưa qua khỏi cầu Vồng ngợp lá phượng xanh dẫn đến biển, xe đạp học trò lăn đi như bánh xe hồng trong cổ tích. Nhưng bây giờ thì đã khác. Chia lính đi hai bên đường, súng cầm tay, áo giáp, nón sắt, vì từ một ngôi nhà nào đó biết đâu có thể một họng súng đang hướng về tôi! Người bắn đó là ai? Có thể là một người mà tuổi nhỏ tôi đã biết... Từ cầu Vồng xuống khỏi chiếc dốc rẽ về phía tay trái, đường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước sân vận động, nhà chị M... Tối mùa đông gió thổi, lá cây phượng rơi đầy sân, tôi cùng Tr và M ngồi cạnh nhau ở bậc tam cấp trước thềm nhà, Tr thổi khẩu cầm bài Étoiles des neiges, tuổi mười bảy đẹp như nốt nhạc hoang đường, tình bạn, tình yêu, ước vọng mù mờ của tuổi mới lớn hòa hợp, se sắt nồng nàn như cơn gió mùa đông làm căng da mặt, nẻ những đường môi rơm rớm hơi máu nóng. Đà Nẵng, bên kia cầu Vồng qua hai ngã tư, nghĩa trang người Pháp, trên đồi cao đầy bóng cây đại, tôi trải chiếc blousson trên một mộ bia ngủ thiếp đi trong mùi thơm nồng nồng của hoa Sứ. Trời mùa đôngxám đặc như xuống thấp, từ độ cao u ám của nghĩa trang, tôi sống như gạch nối giữa nỗi chết cùng sự sống. Bỏ nghĩa trang tiến thêm một đoạn, rẽ về phía tay trái, trường tôi... Thuở ấy chỉ có một dãy nhà ngang sáu lớp, hàng cây phượng mới trồng trơ vơ trên nền đất cát trắng. Lúc nhập học trời vào thu, trong lá cây kiền kiền đầy bướm ngài sặc sỡ, lũ bướm chập chờn bay yếu đuối như cảnh đời đài các phải chạm vào cuộc sống gió bão. Nơi chốn này, lớp học thứ hai kể từ tay trái, bàn thứ hai bên phải, tôi dùng mảnh chai khắc tên trên bàn học với hy vọng một tương lai trở về trong vinh hiển, sẽ đi vào lớp học, ngồi lại trên ghế băng học trò mát lạnh, thật im lặng rồi chào người thầy học cũ để ra đi, thành kính như Đại Tướng Carnot của bài học thuộc lòng thuở nhỏ... Nhưng bây giờ, tôi đang trở về trên quê hương thơ ấu và không phải là như vậy. Ngôi trường kia và tôi giờ này quá xa cách, người ở thành phố này có thể đốn ngã tôi trong khoảnh khắc. Thực tại đã giết hết kỷ niệm. Lệnh tập hợp đại đội lại đi về phía chùa Tĩnh Hội vì lực lượng biểu tình từ trong chùa đang tiến ra. Ở Sài Gòn suốt thời gian cuối năm 1964, tôi đã va mặt với đủ các loại biểu tình, đã hiểu thế nào là nỗi chịu đựng của người lính khi đối diện với đám đông nhân danh Tổ Quốc và Thượng Đế... Nhưng ở đây thì khác, tôi linh cảm một sức mạnh bí ẩn làm động cơ thôi thúc một tập hợp hỗn độn đứng hẳn về một phía chống chính quyền. Đằng sau đám đông trước mặt này là gì? Tôn giáo, Đảng phái ái quốc cực đoan hay là Mặt Trận? Tôi không rõ, nhưng với đám đông này tôi không thấy phẫn nộ như ở lần trước Viện Hóa Đạo, đường Trần Quốc Toản Sài Gòn. Bây giờ là một nỗi buồn rầu mệt nhọc đang tràn đầy... Coi chừng tụi nó có súng, có thể chúng tấn công vào anh... Đám biểu tình dẫn đầu bởi một người mang lá cờ. Gã phất cờ và bắt đầu bằng những lời lẽ khích động, những lý luận thông minh được diễn tả bằng một giọng hùng hồn đanh thép đầy nhiệt tình. Tôi chóng mặt, người như muốn ngồi xuống với một nỗi xót xa... Dinh, đúng nó đấy, thằng bạn của tôi, thằng bạn của những ngày còn bé đã nuôi dưỡng hoài bão thay đổi đất nước và văn hóa. Không phải mơ mộng viễn vông nhưng là một ước vọng ám ảnh hiện thực. Và bây giờ cũng bằng giọng nói đó, ánh mắt rực lửa đam mê đầy nhiệt tình... Dinh đang đứng trước mặt tôi! Dinh ơi, mày có biết cho tao không? Lịnh tấn công được ban ra, tiêu lịnh riêng phải bắt cho được gã cầm cờ. Chúng tôi và Cảnh sát dã chiến bắt đầu tấn công. Tôi thấy nó, thằng bạn của tôi tóc xõa dài xuống trán, tay nâng cao lá cờ lúc chạy lui. Hình ảnh này giống một cảnh trong War and Peace do Mel Ferrer đóng. Tôi không phải là Napoléon, nhưng đang là kẻ chiến thắng phía bạo lực, và thằng bạn tôi đang chạy lùi về sau. Chưa bao giờ cảm phục một người trong đời đến như vậy. Một viên đạn nào trúng nó, tôi thấy nó ngã quÿ, Cảnh sát dã chiến nhào tới, tôi thấy cánh tay nó đưa lên vùng vẫy, những cánh tay cứng rắn nhưng tài hoa - Những ngón tay ngày xưa mỗi khi diễn tả ý nghĩa hay đọc một câu thơ, thường hoa lên trước mắt tôi: - Đem tình thương dựng nên đời, - Không tro tàn, bếp lạnh... - Mỗi độ xuân sang rộn tiếng trẻ thơ cười. Câu thơ mở đầu cho đặc san Chỉ Đạo của Thủy Thủ được nó ngâm đi, ngâm lại nhiều lần, những ngón tay dài kia theo câu thơ chuyển động trước mắt tôi. Nhưng bây giờ chỉ cònlà những ngón tay tuyệt vọng. Dinh ơi!! Tôi kêu tiếng đau đớn trong lòng. Từ thuở bé tôi vốn không thích làm chuyện lớn, nhưng tôi với nó chơi thân với nhau vì cùng thái độ thiết tha với những điều mình yêu quý. Những ngày ở Đà Nẵng tôi và nó chưa thân tình lắm; nhưng kể từ những năm về sau, lúc Dinh về ở tại căn phòng nhỏ cạnh cầu Bạch Hổ - Huế, chúng tôi mới thật gần nhau. Căn gác nhỏ trong mùa mưa lạnh buốt như thỏi đá, gió từ sông thổi lên luồn qua khe cửa trống trải lồng lộng. Nó ngồi như kẻ điên, một thứ điên tỉnh táo, tội nghiệp, lảm nhảm kể cho tôi nghe cảnh người ta vớt xác đứa em gái độc nhất của nó... Đứa bé gái tóc dài, mắt đen, mười hai tuổi, thông minh và xinh xắn như nàng tiên nhỏ. Nó kể cho tôi nghe cảnh người ta kéo xác em nó vào bờ nó ôm thân thể nhỏ bé ấy vào tay, bế xác em đi thất thểu trong trời đông u ám. Những câu chuyện rời rạc về người cha, một người gác cổng xe lửa bị lao xương, đứa em trai bị tê liệt lâu lâu lên cơn một lần giật bắn người, sùi bọt mép! Những câu chuyện đó lập đi, lập lại hoài bằng giọng nói... Không, bằng những tiếng hú thất thanh, tuyệt vọng như loài chó bị trấn nước. Nhưng trong những ngày tháng thê thảm đó, tôi vẫn chưa hề nghe nó một lần than vãn. Không phải là một thái độ thách đố kịch cỡm, nhưng với một can đảm dũng mãnh, Dinh vẫn chú tâm dịch cho hết cuốn Condition Humain, vẫn nuôi dưỡng những hoài bão tửơng như chỉ là huyền thoại, nhất là nói về thơ một cách si mê, cùng với tình yêu của một người con gái tên Hà. Sau này có gặp những cảnh đời khắt khe, tôi vẫn cắn răng chịu đựng vì nghĩ đến Dinh, một người bạn dị biệt, tài hoa và can đảm đáng kính phục. Từ thời gian ấy trở về sau này, tôi không được tin tức gì về Dinh cho đến ngày hôm nay. Không biết vì một chủ quan nào, tôi vẫn nghĩ rằng Dinh không thể là một người Cộng sản thuần thành được. Đấy chỉ là một nghệ sĩ mang nhiệt tình vào đời sống và ấp ủ hoài bão dậy quê hương lớn lên. Tôi tin chắc như vậy. Dinh ơi, lâu quá tao không gặp mày, nhưng tao vẫn nhớ lá thư tình dài hơn hai mươi trang giấy học trò của mày. Nhớ để nghĩ rằng đấy tuy là tình yêu lãng mạng của tuổi mới lớn, nhưng đồng thời xác định nỗi thiết tha của mày, lòng của một người luôn luôn muốn sống chân thật. Mấy năm sau này dù mày có vào khu ra báo cho Mặt Trận nhưng tao vẫn nghĩ rằng đấy chỉ là một thế sống trong giòng đời sôi nổi và đam mê của mày. Không có một chủ nghĩa Cộng sản nào trong mày hết, chỉ có một lòng tin: Đem tình thương dựng nên đời... Phải thế không Dinh? Tao là kẻ bông lông, lếu láo ngay cả trong tư tửơng, đối với tao chẳng có gì đáng để gọi là lý thuyết và chủ nghĩa. Nên hình ảnh của mày để tao nhớ chỉ là những buổi chiều mùa đông, mưa giăng kín mặt sông, mày làm thơ tặng Hà viết vào cuốn nhật ký của tao...- Từ đó xa em đời ở trọ... Ai có thể biết được một tương lai sau này, tao trở thành một tên lính chứng kiến lúc mày ngã xuống cho một quê hương tốt đẹp chỉ có nơi hư vô. Tháng 7-1966. Đà Nẵng.