Súng đạn nổ trên quê hương đã lâu, chiến tranh nên thành hiện tượng thường hằng như chúng ta ăn, sống, thơœ và chết. Chiến tranh đã xảy ra khắp cùng rừng sâu, núi cao, nơi thôn xóm, thành thị... Chiếc xe chạy trên quốc lộ bỗng mìn nổ, bùng vỡ tàn phá. Đêm ngủ trong nhà, súng bắn tới, pháo kích, chết chóc thê thảm xảy đến như một điều tự nhiên. Ngày sầm uất ở Thủ đô, giờ tan sở, tiếng nổ phát ra từ chậu hoa, gói giấy, xe hụ còi, người rên rỉ, nhà cháy, giây kẽm gai giăng kín. Chiến tranh, khuôn mặt quen thuộc đến nhẵn lì hàng ngày của quê hương tan tác. Tuy thế vẫn có một vùng đất, có một miền dành riêng cho chiến tranh, nơi sự chết đè lên sức sống, âm ỉ thù hận, rình rập lên từng cành cây ngọn cỏ. Đấy là nơi chiến tranh mở hội, máu chảy nên sông, xương kết lá, suối hôi tanh và gió thổi qua, gió âm âm nặng mùi. Nơi vết thương làm ung độc quê hương, nơi dòi bọ nhung nhúc thù hằn từ những xác chết nằm chơ vơ, lạnh lung - Nơi chốn không của người, nơi địa ngục im lặng, vang vọng tiếng than dài dân tộc rít qua kẽ lá u ám chập chờn - Mật khu. Mật khu ở đâu? Có ở khắp nơi. Không cần phải đến Chu-Phong, vào Ashau, A-Lưới... Quê hương có bao nhiêu đất đai, bao nhiêu sông ngòi, ao lạch, bao nhiêu ruộng vườn, tất cả đuœ chỗ để trở thành vùng mang dấu tích mật khu! Đường Huế - Quảng Trị, từ cây số 17 trở đi bề ngang hẹp như một thân thể lao xương gầy guộc, quốc lộ 1, mạch máu đỏ lờ mờ di động đau khổ trên miền núi cằn, biển lỡ... Mật khu ở đó, trên những ngọn núi Bàn, núi Động Thông vùng Cổ Bi, Hiền Sĩ, bên kia Phá Tam Giang dọc dãy phố Buồn thiu... Ngược vào nam qua Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Bồng Sơn, xuống đèo Phù Cũ, một bên đầm Trà Ổ, bên kia đèo Ông Hổ.. Mật khu có đủ nơi, chiếm đủ chỗ, bày ra khắp cùng để người Việt sẵn chốn nằm xuống. Nằm xuống nhắm mắt ngơ ngác, kinh hoàng... Tại sao tôi chết ở đây? Tại sao tôi chết ở một nơi chưa bao giờ nghĩ đến? Vào nam thêm chút nữa hay lên đến cao nguyên, bên trái, bên phải sông Ia Drang đâu đâu cũng có bếp, hầm, nhà sàn, chông, mìn, lôi, đạp... Tiếp tục xuống phương nam về gần đến Sài Gòn vùng Hóc Môn, Bà Điểm, An Phú Đông, rạch Sơ-Rô, rạch Bến Cát ăn qua Lái Thiêu, Bình Dương, qua lại sông Sài Gòn đến ấp nhà Việc, Bến Cỏ, Bến Mương. Nhiều lắm, nhiều kể không bao giờ hết. Kể làm sao hết được nơi chốn cho người Việt. Để người Việt tận giết lẫn nhau. Khắp cùng tất cả trên mọi phân vuông của quê hương này, đủ chỗ cho người giết người. Làm sao tôi xác định rõ được nơi chốn nào là mật khu? Cố gắng, cố gắng, trong hốt hoảng, với kinh sợ vì thấy tay mình vấy máu. Tôi vẽ nên Mật Khu... Trực thăng đổ quân xuống một vùng núi bị lở ra vì bom dội xung quanh không có một dấu vết địch, rừng im lặng tịch nhiên, lấy đội hình đơn vị, người khinh binh đầu tiên dấn bước mười lăm phút, nửa tiếng đồng hồ sau, tất cả vẫn còn nguyên chỗ cũ, gã khinh binh đi đầu tiến được khoảng mười thước! Rừng dày quá cây lá đan vào nhau, gai rừng trâu, gai lưỡi cưa giăng thành từng khóm từng cụm bên trái xanh, bên phải xanh. Cứ tiến về phía trước, cúi mình xuống, bò lọt vào giữa hai rễ cây, chặt đứt phăng mối nối, đứng dậy được, lại tiếp tục chặt cho đến khi con dao rừng rơi xuống đất lúc nào không biết, gai lưỡi cưa móc vào vành tai lúc nào không hay. Từng thước, từng thước rừng, người lính tiến về phía trước. ... Báo cáo có con đường chạy từ tây sang đông. Đúng như vậy, đường giao liên, coi chừng đạp chông, cứ dọc theo nó đi về phía tây bao giờ gặp con suối thì báo cáo lục soát. Có một hầm khoảng tạ gạo. Đúng rồi, tiếp tục, chung quanh đây còn nhiều thứ nữa. Báo cáo... Trình “đích thân” có một xấp tài liệu. Đưa lui cho tôi. Chúng tôi đang ở trong một mật khu. Có gì lạ. Không gì hết, một ít gạo, vài quần áo cũ, dăm ngôi mộ, lục soát thêm ra hai khẩu súng cũ... Sống như thế này thì sống chó gì được! Người lính bên cạnh tôi chửi đổng mấy câu. Phải, không làm sao sống được, ngày này qua ngày ngồi một góc đường mòn nhìn về một phía rừng. Rừng xanh rì một khối, trên xanh, bên trái, phải, sau trước đều là một màu xanh mệt mỏi. Mặt trời không thấy, mây trắng, biển rộng mất bặt trong màu xanh của rừng. Mới nửa buổi trong khoảng xanh nặng nề này mọi người như ngộp thở, lá như có tay che bớt, không khí đi vào phổi con người. Thân cây không to, không cao, chỉ bằng cổ tay, cổ chân, khoảng ba thước cao, nhưng đan vào nhau, sát vào nhau... Trời nắng ở trên không biết, trời vần vũ làm mưa không hay. Hai thái dương như bị đấm liên hồi, mắt mờ lòa do từ nơi chói sáng vào bóng tối. Ánh sáng của rừng không còn là ánh sáng nguyên thủy, ấy là hơi bốc từ cây, từ lá tiết ra có mùi nồng nồng, có màu nhạt nhạt xanh xanh. Nửa buổi trong rừng chúng tôi đã ao ước, mong muốn được đi qua một khoảng trống dù cỏ lau rát da, rát thịt cũng được nhưng hãy cho chúng tôi một khoảng trống, để đứng thẳng người không mỏi cổ, được nhìn thấy xa đàng trước, không bị vít, không bị án bởi muôn ngàn giây leo rễ cái. Mới nửa buổi chúng tôi đã bần thần ngây ngây, huống gì người cán binh Việt cộng hết dựa gốc cây này đổi qua gốc cây khác, xuống suối rửa mặt, leo lên chiếc sàn, đâu cũng vướng víu, đâu cũng chật hẹp, có mắt như bị mù, thấy gì được, phân biệt được gì... Rễ cây nào cũng giống nhau, lá nào chẳng một màu xanh thăm thẳm. Trong khoảng xanh đen tím thẫm này các anh đã làm gì? Sinh hoạt tổ tam tam, sinh hoạt tiểu đội, trung đội, chán ơi là chán. Cứ sinh hoạt hoài hoài với những đề tài đã thuộc từng chi li tiểu tiết. Hết sinh hoạt lại nấu ăn, đốn củi. Thức ăn là gì? Khổ lắm, vài đọt kè, đọt búp, rau tàu bay, rau má, một ít ruốc hay muối trộn vào với nhau thành một thứ canh đắng đắng, mặn mặn, cố nuốt vào để khỏi đói. Miếng cơm nhai không có cảm giác, giống như loài bò nhai lại đám cỏ khi nhàn rỗi lười lĩnh. Như nào có cơm, chỉ những lát sắn khô nấu sền sệt. Tôi đã đi qua mật khu của các anh, đã từng đổ máu và giết người trên phần đất đặc biệt do các anh xây dựng. Thông thường tôi gặp các anh trong tình trạng đã nên xác chết, nhưng dẫu có bị bắt các anh vẫn không thấy khác với xác của người đã chết bao nhiêu!! Da các anh không phải da người, trắng xanh bạc thếch đến lạ lùng, một màu sắc không thật, không có. Các anh nhìn chúng tôi không cảm giác, không ý niệm, các anh là khoảng trống, bí ẩn, u uất, buồn bã do năm tháng dầy đặc trong rừng, trong lá. Mắt của các anh hết còn là mắt người. Đấy chỉ là đôi ngươi khép mở khi thức, ngủ. Đúng như vậy, vì các anh đã đánh mất ý niệm của thị giác, của tất cả giác quan con người. Các anh hết tính người. Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao các anh hung hăng khi tác chiến. Tôi biết rồi... Đấy là lúc các anh đang sống lại. Súng nổ, đạn bay, tiếng bom, ánh lửa, một thúc đẩy mới, thổi bùng lại trong người các anh những phản ứng bao ngày bị cùn, bị chặt. Chỉ xung phong, khi giao tranh, anh mới tìm được nỗi vui vì được giết, được bắn, được vung vẩy tay chân, được lập lại phản ứng của con người - Được biết thế nào là sợ. Tôi đoán như thế và tin rằng mình xét trúng. Vì có nhiều lần chúng tôi đã hạ gục các anh trong lúc canh gác, các anh không còn thói quen nghe ngóng, âm suối chảy, tiếng nỉ non côn trùng đã làm mòn hết cảm giác phản ứng... Và các anh còn tội nghiệp hơn nữa - Các anh cần đàn bà. Đàn bà, sinh vật linh động quyến rũ đã bao lâu không nhìn, không thấy... Kích thích làn da, rung động nụ hôn, ngây ngất ân ái! Tôi biết các anh thèm thuồng và nhớ. Rất nhớ. Trong những buổi hội ý, học tập những thèm muốn đó các anh dấu với nhau, các anh tự che kín ngay với chính mình, các anh tội nghiệp đến độ bi thảm. Tôi biết cảnh sinh hoạt linh động có con gái ngực nở, đồng phục đen, mũ tai bèo chỉ có ở một vài nơi thật an toàn của chiến khu miền Nam, cảnh quyến rũ huy hoàng có đàn hát, môi hồng, mắt xanh mà báo chí ngoại quốc chụp được chỉ là cảnh láo, cảnh bịa, cảnh kịch dựng lên cho đám ngoại nhân tò mò cốt để tác động tuyên truyền. Tôi biết ở mật khu các anh chẳng có gì cả, thèm thuồng, nhung nhớ lắm các anh nếu có được một vài quần áo lót đàn bà, vài nịt vú. Đấy, các anh chỉ có thế! Có thể nói tôi chủ quan khi nhận xét trên, nhưng từ lối sống ép buộc của các anh, hẳn chẳng có nữ cán bộ nào thừa áo quần, đồ lót nhiều đến nỗi vất tung tóe khi chúng tôi xâm nhập đến. Vậy chúng cốt để cho các anh - Các anh đã mắc phải một tật về dâm tính lệch lạc đến độ khủng khiếp và bi thảm. Tôi không hạ thấp khi khêu gợi lên cái “dâm” bị cụt của các anh, nhưng tôi biết con người các anh cũng như chúng tôi sống dưới một cảnh đời, dù bị kiểm duyệt bằng chế độ nào đi nữa cũng còn những rung động âm thầm của dục tính. Nhưng hỡi ôi các anh bị giản lược đến quá nhiều, các anh thiếu đến độ cạn mòn nhất, chúng tôi hiểu và thương các anh nhiều lắm. A! Những hung bạo, những sai lệch về nhân ái chắc cũng có ở đâu đây, cũng bắt nguồn từ những ước muốn sôi bỏng bị chèn ép, từ những cuồng bạo được ngụy trang nên bình thản nầy. Tôi nghĩ rằng, từ chỗ này các anh đã trở thành bạo ngược, xem người có hạnh phúc là kẻ thù, người đàn ông bình yên bên vợ con là thách đố, đáng ghét - Đó là hạnh phúc một đời anh mơ tưởng. Ô hay, các anh hung bạo là vì thế đó sao. Và chỉ là thế!! Tôi cũng đã bắt gặp rất nhiều mẫu thơ tình của các anh, không có gì đáng tội nghiệp hơn nữa. Đành rằng người ta có thể yêu nhau, cảm thông nhau qua trung gian nghề nghiệp, chí hướng, tình yêu nước, tình đồng đội.. Nhưng tôi cũng nghĩ ra các anh đã quá dối trá khi chen trong lá thư tình những câu “Thề đánh Mỹ cứu nước” hoặc “tặng Lan với ý định thực tế đấu tranh tốt cho cách mạng”. Làm gì có loại ái tình kỳ cục và đầy dẫy “chiến đấu tính” như thế. Đành rằng các anh đã bị nhào nặn trong lý thuyết đấu tranh, do những luận lý kềm kẹp lẫn nhau, nhưng khi lòng mở ra cùng yêu thương, làm sao còn hình ảnh thằng Mỹ nào trong bố cục tình yêu đó? Người yêu của các anh là ai? Phần lớn là gái quê ở Tuy An, Tuy Hòa, Quảng Trị, Bình Long... Những gái quê ngây thơ và mộc mạc, do tác động của sau tuổi dậy thì, yêu thương tự nhiên như một nhu cầu, những gái quê ít học đó làm sao nghĩ ra được mỗi nụ cười, mỗi bàn tay trao nhau là nằm trong chu kỳ của quá trình đấu tranh cách mạng! Làm sao giây phút đầy xúc cảm của những lần ân ái, của nụ hôn là lúc “ý thức cách mạng về liên kết công-nông”, trong công tác? Ôi các anh đã dùng nhiều danh từ quá to lớn trong những hoàn cảnh không chút cần thiết. Người ta có thể lừa dối người khác hoặc chính mình trong rất nhiều trường hợp, nhưng khi đến chốn riêng của tình yêu và tình dục chắc chắn phải là những nơi cuối cùng để thành thật nhất. Nhưng ở đây các anh quá khốn khổ, phải che dấu những đòi hỏi của tình dục và rung động thiết tha của tình yêu; trước giờ chia tay đáng lẽ các anh phải nói với người yêu những lời hẹn hò thân ái, phải nói nỗi niềm ray rứt khi xa nhau... Đằng này các anh lại chúc người yêu -“Em ở lại vui, trẻ, khỏe, đạt ưu điểm trong công tác để tiến bộ!” Các anh lại còn “quê” hơn nữa khi hứa hẹn - “Ngày thanh bình em về quê anh ở miền Bắc, để nhìn thấy Bác bên cành hoa!” Ông Hồ Chí Minh có là gì đâu mà sao anh phải mang vác trong một lúc đáng lẽ mở toang hết cửa sổ lòng người. Thế giới tình yêu hạn chế lắm, chỉ đủ chỗ cho hai kẻ yêu nhau, người thứ ba nên gạt bỏ ra ngoài. Ấy, các anh lại bảo tình yêu thoái hóa tiểu tư sản. Không, tình yêu “ý thức mạnh, công tác tốt” làm gì có thật, nếu có, thì cũng chỉ có trong những tâm hồn khủng hoảng lệch lạc dục tính như của các anh mà thôi. Ông Hồ cũng là một điển hình. Thôi, mật khu xanh thẫm đó, hãy xóa bỏ chúng đi, các anh hãy đi xuống miền có người, có tiếng cười, tiếng hát, lời trẻ con ậm ừ sâu giấc ngủ đêm khuya. Tháng 8-1967. Phong Điền.