"Xấu hổ" là hành vi nhận ra lỗi lầm trong hành xử của mình. Có thứ xấu hổ hiện ra nét mặt như ngượng ngùng, thẹn thùng, như đỏ mặt tía tai! Nhưng cũng có thứ xấu hổ được giấu kín tròng lòng, bề ngoài có vẻ như không, nhưng trong lòng thì xấu hổ lắm! Con trai, con gái đến tuổi trưởng thành, khi gặp nhau, nhiều lúc cũng biểu lộ sự thẹn thùng, e lệ. Thái độ ấy thật đáng yêu, tuy cũng được định danh là xấu hổ, nhưng hoàn toàn không ẩn chứa một ý nghĩ xấu xa nào. Điều này cũng giống như một loại cây có tên là "cây xấu hổ", bản thân cây đó chả làm điều gì xấu, nhưng hễ có bàn tay ai chạm nhẹ vào, lập tức lá của cây đó e ấp khép lại ngay! Có kẻ làm điều quấy, gây phương hại cho người khác mà không biết. Đến khi nhận biết được cái sai trái của việc mình làm, thì tự bản thân rất lấy làm xấu hổ. Trái lại, có kẻ thấy được trước những sự tác hại của việc mình làm, nhưng vì một sức ép nào đó, lý do khách quan nào đó, khiến anh ta tuy rất xấu hổ mà vẫn phải làm... Cả hai trường hợp này, lương tâm của họ đều bị dằn vặt, cắn rứt, ăn không thấy ngon, ngủ không được yên. Khi một ai đó còn biết xấu hổ, thì hiển nhiên người đó còn lòng "tự trọng", bởi vì còn biết ngượng, biết thẹn! Người như thế, sớm muộn rồi cũng thay đổi, sẽ biến cải tư cách để không bao giờ còn phải xấu hổ đối với việc làm của mình. Là Dân, người đó sẽ là Dân Lành - là người lương thiện. Là Quan, người đó sẽ là Quan Thanh liêm! Có kẻ làm điều xấu, thậm chí điều thất đức, điều ác, mà mặt cứ lạnh tanh, lòng cứ lạnh tanh. Vô cảm, không biết xấu hổ là gì. Dân gian nói họ bị đứt dây thần kinh... ngượng! Kẻ đó mới thật đáng sợ. Là Dân, kẻ đó sẽ là kẻ ác - là kẻ bất lương. Là Quan, kẻ đó đích thị là quan tham - Quan "hành dân là chính"! Người biết xấu hổ thì không cần ai "động đến", không cần bị bắt quả tang hành vi sai quấy của mình, vẫn tự thấy xấu hổ - Xấu hổ từ tận đáy lòng. Kẻ đã "đứt dây thần kinh ngượng", thì một khi chưa có chứng cứ quả tang, kẻ đó còn cãi, còn chổi bây bẩy. Thậm chí còn lớn tiếng đe doạ, đàn áp ý kiến phê phán của người khác! Và thậm chí ngay cả khi đã có khá đủ bằng chứng về tội lỗi của mình, anh ta vẫn cãi ngang: "Đó là bởi nguyên nhân khách quan dẫn đến, chứ thực không có ý ấy!". Người biết xấu hổ thường rất sợ dư luận; ngại xuất hiện giữa đám đông (ngay những cô gái "bán hoa", những tên trôm cắp, trước máy quay của công an, báo chí, nhiều khi cũng còn biết che mặt đi). Ngược lại, kẻ "đứt dây thần kinh ngượng" lại sẵn sàng "ngồi xổm lên dư luận" - mặt lúc nào cũng vênh vang, đắc chí. Chiềng mặt ra ở khắp nơi khắp chốn, tịnh như chẳng hề có điều gì ảnh hưởng đến anh ta cả. Dân chúng mỗi lần trông thấy hình ảnh những kẻ như thế trên ti-vi, thường bảo nhau: Cái "đồ mặt thớt" nó lại xuất hiện kia kìa! Khổ nỗi, ti - vi là cái máy hoạt động có một chiều, người xem nghe được tiếng người nói; người nói không nghe được tiếng người xem. Chứ không, chắc nhiều kẻ chả dám chiềng cái mặt dầy trên đó nhiều như thế?!. Xã hội ta có nhiều QUAN THANH LIÊM. Vâng! Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, cũng không ít ĐẦY TỚ MẶT THỚT như thế! Phải chăng, chính vì lẽ đó, mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta chậm tiến triển? Xin kêu gọi các nhà y - học tài danh: với lòng yêu nước thương nòi sẵn có trong huyết quản của mỗi người, các vị hãy nhanh chóng nghiên cứu để nối càng sớm càng tốt những sợi dây thần kinh ngượng của ai đó đang bị đứt.