Từ đời đầu vãn Đường (823-907), Trung Hoa bị nạn hoạn quan và loạn lạc liên miên, tình cảnh dân chúng rất cực khổ. Nhà Hậu Lương chiếm ngôi nhà Đường, mở màn cho thời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu), thời mà các anh hùng chiếm cứ mỗi người một nơi, tranh giành nhau thế lực. Cũng may thời đó chỉ kéo dài khoảng 50 chục năm, rồi Tống Thái Tổ thống nhất được đất đai. Trung Hoa lúc này sức đã yếu, rán giữ độc lập được ba thế kỷ (960-1279), nhưng thường bị rợ Liêu, Kim, Nguyên uy hiếp. Tuy nhiên, nhờ được tương đối yên ổn trong một thời gian khá dài, mà văn hóa đời Tống phát triển đến cực độ. Nghề khắc chữ đã tiến, thư viện tạo lập được nhiều, văn học không kém đời Đường, nhưng mỹ thuật như tranh vẽ, đồ sứ… hơn cả các thời trước và sau, mà triết học cũng tiến tới cái mức huyền vi thâm thuý. Nói “triết học” chứ sự thực chỉ có Nho giáo là phục hưng, còn Phật và Lão thì suy luôn. Mà Nho sở dĩ phục hưng được là vì các triết gia của họ có chí tự cường chống lại Phật. Muốn chống lại Phật thì phải đả kích Phật trên khu vực của Phật, nghĩa là phải bỏ phạm vi chính trị, thực tế của Nho mà đi sâu vào phạm vi đạo lý huyền nhiệm của Phật, thành thử muốn phản lại Phật mà rốt cuộc người ta chịu ảnh hưởng rất sâu của Phật và Lão. Người ta chú trọng đến vũ trụ luận, bàn đến đạo, đến tính, đến lý, đào thêm cái thuyết thiên địa vạn vật nhất thể, dung hoà Khổng và Lão. Về luân lý, phép tu dưỡng, người ta đưa những chủ trương dưỡng tâm, tồn tính rất cao xa cốt tạo nên những ông thánh mà bỏ quên sự giáo dục hạng trung nhân. Không như Khổng Tử, người ta đã cách biệt với quần chúng, thành thử học thuyết tuy huyền vi mà kém thực dụng. Đó là sở trường mà cũng là sở đoản của Đạo học từ Tống tới Minh. Tuy nhiên, thời Bắc Tống, cũng có một số Nho gia nghĩ đến tình cảnh suy nhược của dân tộc, muốn dùng sở học để làm cho nước cường dân mạnh, như Tư Mã Quang, Lý Cấu, Tô Thức, Vương An Thạch… Tư Mã và Tô thì thủ cựu, theo đúng chính sách của Khổng; Lý thì chủ trương về công lợi; Vương có nhiều sáng kiến và hùng tâm hơn hết, muốn làm một cuộc cải cách lớn lao về giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị như Quản Trọng thời Xuân Thu; tiếc rằng bị phái thủ cựu công kích quá, - mà phái này rất mạnh ở triều đình cũng như ở thôn dã -, nên không thực hiện được gì cả. Những nhà đó là chính trị gia, về triết học không phát huy thêm được gì, và dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu tư tưởng của những nhà Đạo học. Phong trào chia làm ba thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, các triết gia chưa có khuynh hướng chung rõ rệt, duy lý hay duy tâm; đặc biệt có Trương Tái chủ trương khí là bản căn của vạn vật, mở đường cho phái Duy khí có ảnh hưởng lớn ở đời Thanh. Thời kỳ thứ nhì, cuối Tống, kể từ Chu Hi, người ta bàn về đạo lý nhiều hơn, nên gọi là thời kỳ Lý học. Thời kỳ thứ ba, đời Minh, người ta bàn đến tâm nhiều hơn, nên gọi là thời kỳ Tâm học. Tất nhiên giữa các thời kỳ không có sự đứt quãng một cách đột ngột. Số triết gia rất đông, chúng tôi chỉ xét những vị danh tiếng nhất: a. Các nhà mở đường: Chu Đôn Di, Thiệu Ung, Trương Tái, hai anh em họ Trình: Trình Hạo và Trình Di; b. Chu Hi tập đại thành và gây phong trào Lý học; c. Lục Cửu Uyên mở đường cho Tâm học, mà người kết thúc phong trào là Vương Dương Minh. Chu Đôn Di dùng Thái cực đồ của Đạo gia (tức phái Lão từ Hán về sau, xin đừng lộn với Đạo học đời Tống, Minh) để giảng vũ trụ, chứ không phải để giảng phép tu luyện như các đạo sĩ. Ông chịu ảnh hưởng của Lão ở điểm đó. Ông cho rằng thái cực sinh vạn vật. Thái cực động mà sinh dương, động rồi tĩnh, tĩnh mà sinh âm, tĩnh cực rồi lại động, cứ như vậy hết động đến tĩnh hết tĩnh đến động. Dương biến âm hợp mà sinh ngũ hành (ông cũng gọi là ngũ khí) rồi sinh vạn vật. Vạn vật bẩm thụ cái lý của thái cực, cái tính của ngũ hành. Lý hoàn toàn thiện, cho nên tính người cũng vốn thiện, vốn “thành” (thành đây tức là chữ thành trong “chí thành”, “thành tâm”). Do đó, về phương diện tu dưỡng, ông đề cao đức “thành” trong Trung dung, và muốn “thành” ông khuyên ta phải vô dục tức là tĩnh, có tĩnh thì mới sáng suốt, có vô dục mới “thành”. Ta nhận thấy ông chưa phân biệt rõ lý và tính. Lý của thái cực toàn thiện, còn tính của ngũ hành có toàn thiện không? Con người bẩm thụ cái lý của thái cực, thế có bẩm thụ cái tính của ngũ hành không? Ông chưa trả lời những câu đó. Thiệu Ung lớn hơn Chu ít tuổi, cũng giảng về thái cực. Vũ trụ phát sinh là do thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi[1] (âm, dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm), tứ tượng sinh bát quái… cứ nhân đôi lên như vậy. Nhưng ông khác Chu ở hai điểm: 1. Ông còn dùng những con số để giảng vũ trụ, dùng con số cùng thập can, thập nhị chi để tính vận hội và ông tính ra rằng mỗi một nguyên là 129.600 năm, có 12 hội, mỗi hội có 10.800 năm, có 30 chục vận, mỗi vận là 360 năm, có 12 thể, mỗi thể là 30 năm. Mỗi hội đứng vào một quẻ, cứ xem ý nghĩa của quẻ (trong Dịch) mà đoán được cát hung. Theo lối tính của ông thì đời Nghiêu, Thuấn là rất thịnh; hiện nay chúng ta đang rất suy, và tiếp tục suy luôn hàng vạn năm nữa cho tới lúc trời đất “đóng” rồi “mở” trở lại. Vì học thuyết của ông thiên về tượng số như vậy nên một số học giả sắp ông đứng riêng vào phái Tượng số ở đời Tống. 2. Ông cho Đạo là thái cực mà tâm cũng là thái cực và ông khẳng nhận: “Đạo của thiên địa vạn vật đủ hết ở trong con người” (Thiên địa vạn vật chi đạo tận ư nhân hỹ), “vạn hoá vạn sự sinh ở tâm” (vạn hoá vạn sự sinh ư tâm[2]); ta thấy ông chịu ảnh hưởng cả của Nho, Lão lẫn của Phật. Trong vũ trụ có một phần làm chủ động không bao giờ tiêu diệt được, cái đó ở trời gọi là thiên lý, ở người gọi là tính. Tính cùng một thể với thiên lý, nên cũng hoàn toàn thiện. Có tính thì có tình, tình mờ tối, quỷ quái. Phép tu dưỡng là phải “phục tính”, nghĩa là trở lại cái nguyên tính của mình, (giống như Lý Cao); muốn vậy phải “thận độc”, nghĩa là phải thận trọng, kính cẩn lúc một mình, không được dối mình. Đại để về tính, về phép tu dưỡng, ông cũng chủ trương như Chu Đôn Di ; cả hai đều cho tính là thiện, đều trọng sự thành kính, Chu đề phòng dục mà Thiệu thì đề phòng tình. Trương Tái không gọi bản căn của vũ trụ là thái cực mà gọi là thái hư. Thái hư với khí là một. Khi khí mà tán thì là thái hư, (cho nên thái hư vô hình); khí tụ lại thì thành âm dương, âm dương biến hoá thành vạn vật. Thuyết của ông có vẻ như hơi duy vật, khác thuyết hai nhà trên. Người bẩm thụ cái khí không đều nhau, cho nên mỗi người có một tính cách; tính cách đó, ông gọi tính của khí chất, khác cái tính của trời nó vốn thiện. Vì vậy ta cần “nuôi khí chất, cho nó trở lại gốc của nó mà không thiên lệch” (dưỡng kỳ khí, phản chi bản nhi bất thiên[3]), rồi sau mới phát huy tới cùng cực cái tính của mình (tận tính) mà hoà hợp với Trời. Ông lập ra thuyết Duy khí mà Vương Thuyền Sơn đời Thanh sẽ phát huy thêm. Mọi người đều có chung cái khí của trời, phải coi nhau như anh em, rồi lại coi cả vạn vật như mình nữa: “Trời đất với ta đều sinh, vạn vật với ta là một”. Chủ trương phiếm ái đó rộng hơn thuyết nhân ái của Nho, thuyết kiêm ái của Mặc, tiến xa hơn Trang (vì Trang chỉ “tề vật” thôi chứ không “ái vật”) mà gần Phật. Hai anh em họ Trình cùng học một thầy là Chu Đôn Di, nhưng tính tình mỗi người một khác, nên học thuyết cũng có chỗ khác nhau. Anh là Trình Hạo, tính khoan hoà dễ dãi, em là Trình Di tính nghiêm cẩn, cương quyết. Luận về đạo, Trình Hạo (Minh Đạo) bảo nguyên lai chỉ có đạo, đạo là bản nguyên của vũ trụ, âm dương cũng là đạo. Trình Di (Y Xuyên) phân ra đạo là hình nhi thượng, âm dương là hình nhi hạ; đạo là bản nguyên của âm dương. Về lý, Minh Đạo cho rằng lý là xu thế tự nhiên của sự vật, dời sự vật thì không có lý nữa; Y Xuyên thì cho lý có tính độc lập, dời sự vật thì vẫn còn. Vì lẽ đó, Minh Đạo không quan tâm tới sự phân biệt hình nhi thượng và hình nhi hạ; Y Xuyên trái lại, cho sự phân biệt đó là cần thiết. Về tính và khí, Minh Đạo viết: “Sinh ra gọi là tính, tính tức là khí, khí tức là tính” (Sinh chi vị tính, tính tức khí, khí tức tính[4]– Di thư). Y Xuyên viết: “Khí có thiện và bất thiện, tính thì luôn luôn thiện. Người ta sở dĩ không biết điều thiện là do khí bị mờ tối mà bế tắc” (Khí hữu thiện bất thiện, tính tắc vô bất thiện dã. Nhân chi sở dĩ bất tri thiện giả, khí hôn nhi tắc chi nhĩ[5] – Di thư). Ông lại nói: “Ở trời thì là mệnh, ở cái nghĩa thì là lý, ở người thì là tính, làm chủ ở thân thì là tâm: kỳ thực chỉ là một. Tâm vốn thiện, phát ra tư lự mới có thiện và bất thiện, đã phát ra rồi thì có thể gọi là tình, chứ không thể gọi là tâm” (Tại thiên vi mệnh, tại nghĩa vi lý, tại nhân vi tính, chủ ư thân vi tâm, kỳ thực nhất dã. Tâm bản thiện, phát ư tư lự hữu thiện bất thiện, nhược kỳ phát tắc khả vị chi tình, bất khả vị chi tâm[6] – Di thư). Vậy theo Y Xuyên, tâm, tính, lý đều thiện cả; chỉ có tình là có thiện, có ác. Về phương diện tu dưỡng, Minh Đạo trọng đức nhân, đức thành kính; mà không trọng kinh nghiệm. Theo ông, nhân là biết coi thiên địa vạn vật với mình là một; muốn giữ đức đó, phải có lòng thành kính. Y Xuyên cũng trọng sự chính tâm thành ý, nhưng trước hết phải “cách vật, trí tri” đã. Ông bảo: “Cái phép tu tiên… cốt yếu ở chính tâm thành ý, mà thành ý ở chỗ “trí tri”, “trí tri” ở chỗ “cách vật”. Ông cho rằng phải hiểu cái lý đã rồi mới dùng đức thành kính mà giữ nó; còn Minh Đạo cho dưỡng tâm là cần nhất, cùng lý là phụ. Do đó, Y Xuyên phân biệt tri và hành; phải biết cho rõ, cho lâu rồi mới đúng. Ông bảo: “Quân tử lấy sự biết làm gốc, sự làm làm thứ. Nay có người có thể làm được, mà cái biết không đủ biết cho rõ, thành ra có những dị đoan, rồi cứ lưu đãng không biết quay trở lại, trong không biết hiếu ố, ngoài không biết thị phi. Như vậy, có đức tín của Vĩ Sinh, có cái hạnh Tăng Sâm, ta cũng không quý” (Quân tử dĩ thức vi bản, hành thứ chi. Kim hữu nhân yên, lực năng hành chi, nhi thức bất túc dĩ tri chi, tắc hữu dị đoan giả xuất, bỉ tương lưu đảng nhi bất tri phản, nội bất tri hiếu ố, ngoại bất tri thị phi, tuy hữu Vĩ Sinh chi tín, Tăng Sâm chi hạnh, ngô phất quý hĩ[7] – Di thư). Người đương thời chê cái học của Y Xuyên có phần chi ly; nhưng ông đã có ảnh hưởng lớn ở thời sau và Chu Hi dùng cái học của ông, dung hoà với cái học của các nhà trước mà đưa lý học lên tới mực cao. ----LÝ HỌC Chu Hi – Ông là học trò bốn đời của Y Xuyên, sinh sau Y Xuyên khoảng một thế kỷ, học rất rộng, được hậu Nho sắp ngang hàng với Mạnh Tử, trước tác nhiều, chú thích kinh Thi, kinh Dịch, và bộ Tứ thư (lối chú thích của ông tới đời Thanh vẫn được coi là chính thức, đúng hơn cả), lại soạn bộ Cận tư lục, Văn tập, Ngữ lục… Ông đem thuyết về Thái cực của Chu Đôn Di, thuyết về Dịch của Thiệu Ung, thuyết về khí của Trương Tái, và những thuyết về lý, khí, tính, tâm của hai anh em họ Trình mà đúc thành một triết học có hệ thống; nhưng tựu trung học thuyết của ông vẫn có phần gần Trình Y Xuyên hơn cả. Ông cho lý là cái đạo thuộc về phần hình nhi thượng, gốc của sự sinh ra vạn vật; khí là vật cụ tượng thuộc về phần hình nhi hạ, tức cũng như cái tài liệu để sinh ra vật. Người, vật sinh ra thụ bẩm cái lý rồi mới có tính; thụ bẩm cái khí rồi mới có hình (Lý dã giả, hình nhi thượng chi đạo dã, sinh vật chi bản dã. Khí dã giả, hình nhi hạ chi khí dã, sinh vật chi cụ dã[8]. Thị dĩ nhân vật chi sinh, tất bẩm thử lý, nhiên hậu hữu tính; tất bẩm thử khí, nhiên hậu hữu hình[9] – Văn tập). Lý, khí hợp nhau mà sinh ra người; nhưng khí ở mỗi người không đều, người bẩm thụ cái khí trong thì thành hiền, kẻ bẩm thụ cái khí trọc thì hoá ngu. Do đó lý và tính luôn luôn thiện, còn khí thì có thiện và không thiện. Tính là nói về tĩnh, khi nó động thì thành tình, mà tâm làm chủ cả tính và tình: (Tính giả chi tâm chi lý dã, tình giả tính chi động dã. Tâm giả tính tình chi sinh dã[10], vị động vi tính, dĩ động vi tình, tâm tắc quán hồ động tĩnh nhi vô bất tại yên[11]). Tâm đã là thống danh của tính, tình, thì tâm tất như tính, có phần lý và phần khí, cho nên ông phân biệt đạo tâm và nhân tâm; “cái tri giác do nghĩa lý phát ra như biết nghĩa vua tôi, đạo cha con, là đạo tâm (lòng đạo); cái tri giác do thân thể phát ra, như biết đói thì ăn, khát thì uống, là nhân tâm (lòng người)”. Tình là cái tính khi động, đã phát ra. Ý làm chủ cái tình đã phát ra. Thí dụ: yêu vật nào là tình, sở dĩ yêu vật đó là ý. Còn chí là chỗ đi đến của tâm. Vậy ý, tình, chí, đều thuộc về tâm cả, tâm mà chính thì ý, tình, chí đều chính. Ta thấy học thuyết của ông đầy đủ hơn hết thảy các nhà trước mà có hệ thống chặt chẽ. Về phương diện tu dưỡng, tất nhiên ông cho sự chính tâm là quan trọng. Mà muốn chính tâm thì phải kính, phải chuyên nhất, phải tĩnh, để giữ cho tư ý đừng phát ra, giữ cho tâm khỏi phóng túng. Ông rất trọng sự tĩnh toạ, nhưng ông phân biệt tĩnh toạ và thiền toạ của đạo Phật. Thiền toạ nhập định là cứ ngồi yên lặng không nghĩ ngợi gì cả; còn tĩnh toạ là ngồi yên, lấy sự kính mà giữ cái tâm cho sáng suốt, hầu đối phó với sự vật cho hợp lý. Như vậy Phật hoán tĩnh cái tâm để thành không không, còn ông hoán tĩnh cái tâm để cho nó soi sáng các sự lý. Và ông rất trọng sự soi sáng sự lý, tức sự cùng lý. Về điểm này, rõ ràng là ông chịu ảnh hưởng của Trình Y Xuyên. Ông bảo: “Cùng lý là muốn biết cái sở dĩ nhiên của sự vật với cái sở đương nhiên của sự vật mà thôi. Biết cái sở dĩ nhiên, cho nên cái chí không mê hoặc, biết cái sở đương nhiên, cho nên việc làm không lầm lẫn”. Sau cùng, cũng như Y Xuyên, ông bàn đến tri và hành. Tri là quan trọng, mà hành còn cần thiết hơn nữa: “Học cho rộng chưa bằng biết cho rõ, biết cho rõ chưa bằng làm cho thực. Tri và hành hai cái cùng phải có, như có mắt mà không có chân thì không đi được, có chân mà không có mắt thì không thấy gì. Luận trước sau thì tri là trước, luận nặng nhẹ thì hành là nặng. Lúc mới biết mà chưa làm được thì cái biết còn nông, đến khi đã làm được thì cái biết lại sáng hơn thêm và có cái ý vị khác ngày trước”. Tư tưởng của ông có phần đúng hơn Trình Y Xuyên. Quả thật ông là một nhà Nho xuất sắc đời nhà Tống. ----TÂM HỌC Hai anh em họ Trình chủ trương mỗi người một khác mà mở đường cho phái đời sau: Y Xuyên là tiên khu của học thuyết Trình Chu (Trình Di và Chu Hi), người sau gọi là lý học; Minh Đạo là tiên khu của học thuyết Lục Vương (Lục Cửu Uyên và Vương Dương Minh), người sau gọi là tâm học. Điều đó thật hiếm thấy trong lịch sử. Lục Cửu Uyên đồng thời với Chu Hi, chịu ảnh hưởng của Minh Đạo, chê cái học của Y Xuyên là không hợp với cái học của Khổng, Mạnh. Đối với Chu Hi, ông càng bất mãn, làm hai câu thơ dưới đây, câu trước tả học thuyết của mình, câu sau phê bình học thuyết của Chu : -----Dị giản công phu chung cửu đại,-----Chi ly sự nghiệp cánh phù trầm. -----Công phu (tu luyện) giản dị rốt cuộc mà lại lớn và lâu bền.-----Phép học mà chi ly thì nghiệp học lên xuống (chứ không bền đâu). Cái mà Lục gọi là “công phu giản dị” đó ra sao? Là theo cái tự nhiên, không dụng tâm thái quá, nên ôn nhu thì ôn nhu, nên cương cường thì cương cường, như vậy mới hợp lẽ trời, hoà với trời đất được. Tất cả học thuyết của ông có thể tóm lại như vầy: đạo, lý, tâm chỉ là một. Ông bảo: “Tâm chỉ có một cái tâm, lý chỉ có một cái lý” (Tâm nhất tâm dã, lý nhất lý dã[12] – Toàn tập). Tâm của ta, tâm của bạn ta, đi ngược thời gian, cái tâm của thánh hiền trăm ngàn đời trước, đi xuôi thời gian, trăm ngàn đời về sau mà có một vị thánh hiền thì cái tâm cũng như vậy mà thôi. Cái thể của cái tâm rất lớn. Nếu có thể phát huy được cùng cực cái tâm của ta (tận ngã chi tâm), thì sẽ hoà hợp với trời (dữ thiên đồng)”. Ông lại bảo: “Người ta đều có cái tâm ấy, tâm đều có lý ấy, tâm tức là lý vậy”. Nếu giữ được cái tâm đó thì cái lý nó sáng. Như vậy là trái với Chu Hi. Chu Hi phân biệt đạo tâm và nhân tâm; mà ông thì không: Trời với người là một thì thiên lý và nhân tâm cũng chỉ là một, nói đạo tâm và nhân tâm là tách hai ra rồi, thêm chi ly vô ích. Do đó, phép học tập, tu dưỡng của ông khác Chu Hi. Ông cho rằng không cần phải “cách vật” cho nhiều, chỉ cần lấy trực giác mà lý hội. Lý hội là cái gì? Cái sở dĩ làm người. “Nếu không biết cái sở dĩ làm người mà cứ giảng, cứ học, thì là bỏ cái lớn mà nói cái nhỏ”. “Trước hết phải lập cái lớn” (tiên lập kỳ đại[13]) nghĩa là phải trọn cái gốc, chứ không để cái ngọn làm luỵ. Về thực hành ông đề cao đức “tri sỉ” (biết nhục) và “thành”. “Sỉ tồn tắc tâm tồn, sỉ vong tắc tâm vong”[14]. Cái sỉ còn (nghĩa là còn biết nhục) thì cái tâm còn, cái sỉ mất thì cái tâm mất. “Thành hữu kỳ thực, tất hữu kỳ văn. Thực giả bản dã, văn giả mạt dã”[15] (Nếu có cái thực, tất có cái văn. Thực là gốc, văn là ngọn). Ông thường tranh luận với Chu Hi, không ai chịu phục ai; nhưng lúc về già, Chu Hi nhận rằng cái học của mình có điều chi ly quá, muốn sửa lại mà không đủ sức để thực hành. Chu phái vẫn tiếp tục thịnh; mãi đến giữa thế kỷ XV, tâm học mới lại phục hồi và đến đầu thế kỷ XVI, nó phát huy đến cực điểm nhờ Vương Thủ Nhân (Dương Minh). Vương Thủ Nhân – Hồi trẻ ông ham võ nghệ, rồi theo đuổi từ chương, mê việc tu tiên, ham đạo Phật, sau cùng trở về Nho. Trong mấy chục năm ông thắc mắc đi tìm chân lý, bất mãn về cái học “cách vật trí tri” của Chu Hi, thường tĩnh toạ để suy nghĩ, một đêm ông hốt nhiên tỉnh ngộ rằng tâm học là con đường chính. Từ đó ông tôn Lục Cửu Uyên làm thầy. Trong bài tựa cuốn Tượng Sơn[16] tiên sinh toàn tập, ông viết: “Cái học của thánh nhân là cái tâm học… Chia tâm với lý làm hai, thì cái tinh nhất của học mất đi. Các nhà Nho ở đời chi ly đi tìm cái đạo ở ngọn là hình, danh, khí, số để làm sáng cái họ gọi là vật lý, mà không biết rằng lòng ta tức là vật lý đó”. Ông chủ trương cũng như Lục rằng dời tâm ra thì không có vật. “Tâm tức là đạo, đạo tức là trời, biết tâm thì biết đạo, biết trời… Nó thiêng liêng sáng suốt, vạn lý vật sự đều ở gốc đó cả” (Tâm tức đạo, đạo tức thiên, tri tâm tắc tri đạo, tri thiên… Hư linh bất muội, chúng lý cụ nhi vạn vật xuất. Tâm ngoại vô lý, tâm ngoại vô sự[17] - Ngữ lục). Giữ cái tâm cho thuần nhiên hợp thiên lý, là thiện; đem tư dục vào làm mất thiên lý là ác. Vậy công phu học tập là loại bỏ được cái tư dục nó che lấp cái tâm, cởi được cái tập tục nó làm hại cái tâm, thì tâm tự nhiên lại sáng ra. Khi cái tâm đã sáng thì cứ theo nó mà hành động, đừng câu nệ một chút gì cả. Dẫu là lời của thánh hiền, đem đối chiếu vào tâm mình mà tâm mình cho là không phải thì cũng không chấp nhận; dẫu là lời của kẻ tầm thường, đem đối chiếu với tâm mình mà tâm mình cho là đúng, thì cũng không dám lấy làm trái. Những ý đó đại để là của Lục Cửu Uyên, Vương chi có công diễn ra mạnh hơn và rõ hơn thôi. Sự phát minh của ông ở hai điểm dưới đây: 1. Cách vật trí tri – Bốn chữ này gốc trong sách Đại học. Chu Hi giảng là: “Xét kỹ mọi vật để tìm cái lý của nó”, làm cho nhiều người hoang mang, cứ đuổi theo sự vật mà tìm đạo lý. Vương Dương Minh vì chủ trương tâm học, hiểu theo một nghĩa khác: “cách vật” là làm cho chính đáng cái sự, cái ý, nghĩa là làm điều thiện, tránh điều ác; còn “trí tri” là khuếch sung đến cùng cực cái lương tri của mình. Lương tri là cái linh giác của tâm, không học mà biết, không nghĩ mà hiểu, nhờ nó mà tự nhiên ta biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Mà sở dĩ vậy cũng là vì cái tâm của ta thiêng liêng sáng suốt. Tóm lại học thuyết của ông gom cả trong bốn câu này: ----Vô thiện vô ác thị tâm chi thể----Hữu thiện hữu ác thị ý chi động----Tri thiện tri ác thị lương tri----Vi thiện khứ ác, thị cách vật.[18] ---- (Không thiện không ác là cái thể của tâm----Có thiện có ác là ý phát động----Biết thiện biết ác là lương tri----Làm thiện bỏ ác là cách vật) 2. Tri hành hợp nhất – Ta nên nhớ rằng ông đứng về phương diện tâm học mà hiểu chữ hành. Ông bảo: “Tri là chủ ý của hành (cái ý định làm một công việc gì), hành là công phu của tri (công việc thực hiện ý định đó). Tri là bước đầu của hành, hành là sự thành tựu của tri. (Tri thị hành đích chủ ý, hành thị tri đích công phu. Tri thị hành chi thuỷ, hành thị tri chi thành[19]). Thí dụ mắt ta thấy sắc đẹp là thuộc về phần tri, bụng ta thích sắc đẹp là thuộc về phần hành. Ngay lúc ta trông thấy sắc đẹp là ta đã thích rồi, không phải sau khi trông thấy ta mới lập tâm để thích. Lại thí dụ ta biết đau, là tự ta đã thấy đau rồi mới biết là đau. Biết lạnh cũng vậy, biết đói cũng vậy. Thế thì làm sao chia tri, hành ra được làm hai được? Ông nhận thấy nhiều khi một ý nghĩ phát động ở trong tâm, tuy nó bất thiện đấy, nhưng cứ tưởng mình chẳng thi hành ý đó, thì chẳng hề gì, nên vẫn nuôi cái ý xấu mà lòng không được sáng suốt; vì vậy ông lập ra thuyết tri hành hợp nhất để răn đời phải từ bỏ ý nghĩ bất thiện ngay từ khi nó mới nảy nở ở trong lòng, dù không đem nó ra thực hành cũng vậy. Và ông cũng bảo người học đạo phải như con mèo rình chuột, để hết tâm lực vào mồi, hễ thấy phát động một ý nghĩ bất thiện nào là diệt nó liền. Phép luyện tâm đó thật là nghiêm cẩn, không ai hơn ông được. Duy tâm luận tới Vương Dương Minh là đại thành. Ông mất đi rồi, môn đệ chia làm nhiều học phái, nhưng không phát huy thêm được gì hơn. THANH - ĐẠO HỌC SUY TÀN, NHO VẪN GIỮ ĐỊA VỊ CŨ, NHƯNG THIÊN VỀ THỰC DỤNG, KHẢO CỨU, RỒI CANH TÂN CHO HỢP THỜI Nhờ tinh thần phản động lại Phật mà Nho học phát triển liên tiếp suốt bảy thế kỷ, từ đầu Tống cho tới cuối Minh. Nói là Nho chứ sự thực là Nho pha Lão và Phật; mới đầu Lý học chịu ảnh hưởng rất đậm cũng Lão, rồi sau cùng Tâm học chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật. Nhờ sự dung hoà ba đạo đó mà Đạo học đạt được một mức cao siêu; nhưng cũng vì cao siêu mà chỉ hạng học giả mới theo nổi, còn triều đình trọng khoa cử, vẫn dùng lối học từ chương: người ta không học thuộc chú thích của Hán Nho mà lại học thuộc chú thích của Chu Hi thành thử bọn quan lại tuyển bằng khoa cử vẫn hủ bại, mà nước cũng vẫn suy. Tống và Minh Nho muốn tìm cái ý nghĩa tinh vi về đạo lý, họ đã thành công; nhưng trong sáu bảy thế kỷ, chỉ bàn đi bàn lại hoài về thái cực, thái hư, đạo lý, tính, tình, tâm, dục thì sự phát minh dù sâu sắc tới mấy cũng không thể gọi là phong phú được. Trong khi đó dân tộc mỗi ngày mỗi yếu, bị các rợ uy hiếp, hết rợ Liêu, rợ Kim, rợ Nguyên, rồi đến rợ Mãn Châu. Và cuối Minh, họ mất chủ quyền luôn non ba thế kỷ (1616-1911). Chúng tôi không bảo rằng các ông họ Thiệu, họ Trương, họ Trình, họ Chu, họ Lục, họ Vương riêng chịu trách nhiệm về sự suy vi của dân tộc Trung Hoa. Chúng tôi chỉ đưa ra những sự kiện đó để độc giả hiểu nguyên do sự phản lại Đạo học ở đầu đời Thanh. Dân tộc Trung Hoa trong đời Thanh cực khổ trăm chiều. Mới đầu họ bị người Mãn ức hiếp, phải cạo tóc, gióc bím, ăn mặc theo Mãn; cuối đời Thanh, họ lại bị người Âu coi như một con thịt, tha hồ cắt xén, chia xẻ, cướp hết “tô giới” này tới tô giới khác, hết tài nguyên này tới tài nguyên khác. Nên các triết gia của họ không thể tĩnh toạ mà suy luận về tâm, tính, thái cực, thái hư được nữa. Người ta buộc phải nghĩ đến thực tế. Do đó, triết học đời Thanh có những sự biến chuyển lớn. Đời Thanh sơ, người ta còn lưu luyến một chút với Đạo học đời Tống, Minh – đại biểu là Hoàng Tôn Hi Vương Phu Chi – đồng thời một số quay về Nho học đời Hán – Cố Viêm Võ – rồi hướng Triết học về phần thực học, quan sát, duy vật. Trong thời đó, triết học vẫn còn giữ được bản sắc của Trung Quốc. Qua Thanh mạc, sau vụ chiến tranh nha phiến, sự tiêm nhiễm văn hóa phương Tây và sự xâm lăng của các cường quốc phương Tây làm nảy nở một phong trào mới, phong trào duy tân, mà đại biểu là Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng: Những nhà này muốn dung hoà tư tưởng của Khổng học với tư tưởng Âu Tây, dùng lời Khổng, Mạnh để giải thích quan niệm về chính trị của phương Tây, mở đường cho cuộc cách mạng Tân Hợi và sự Âu hoá của Trung Hoa. Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt xét qua hai phong trào đó và giới thiệu những triết gia quan trọng nhất. Hoàng Tôn Hi (đầu đời Thanh) là môn đệ xa của Vương Dương Minh, vẫn còn giữ tâm học, cho rằng sự lưu hành biến hoá của trời đất là do cái khí; mà chủ tể cái khí là cái lý. Ông khuyên phải nuôi cái khí để giữ cái lý cho được thuần, muốn vậy phải “thận độc”, đừng để những ý xấu phát động trong tâm. Như vậy, về tâm học, ông chỉ lập lại những tư tưởng của người trước. Sở đắc của ông là phần tư tưởng chính trị. Ông thấy chế độ quân chủ của Tần, Hán chỉ có hại cho dân. Ông vua nào cũng nghĩ đến tư lợi, ly tán con trai con gái của thiên hạ, cướp giật sản nghiệp của thiên hạ để làm của riêng rồi truyền lại cho con cháu, giá từ trước không có vua thì người nào người nấy sẽ được tự tư, tự lợi mà khỏi phải khổ sở (Thiên hạ chi đại hại giả, quân nhi dĩ hĩ: hướng sử vô quân, nhân các đắc tự tư dã, nhân các đắc tự lợi dã[20]). Ông muốn trở lại chế độ trước đời Tam đại (Hạ, Thương, Chu), vì ông tin rằng thời đó có hiến pháp (Tam đại dĩ thượng hữu pháp), từ đời Chu hiến pháp mới bị bãi bỏ. Ông lại nói: “Học giả thường bảo: chỉ có người làm nước thành ra trị, chứ không pháp luật nào làm cho nước thành ra trị; tôi thì cho rằng: tất phải có hiến pháp làm cho nước được trị, rồi sau mới có người làm cho nước được trị”. (Luận giả vị hữu trị nhân, vô trị pháp; ngô dĩ vi hữu trị pháp nhi hậu hữu trị nhân[21]). Như vậy là ông chủ trương pháp trị[22], chứ không phải nhân trị, mở đường cho phong trào duy tân cuối đời Thanh; mà chế độ quân chủ chuyên chế sau non hai ngàn năm đã tỏ ra hữu bại, bất lực, tàn nhẫn (nhất là những khi nó do ngoại nhân: Nguyên, Mãn thi hành), lần này đã bị một nhà Nho công kích. Vậy tuy họ Hoàng ở trường phái tâm học mà không chỉ bàn riêng về những điều huyền vi nữa, đã nghĩ đến việc cứu đời, việc chính trị. Đó là do hoàn cảnh: ông làm sao quên được cái thù nước (và thù nhà nữa: thân phụ ông bị Hán gian vu hãm, phải chết trong ngục), muốn diệt Thanh nhưng thất bại mới nhẫn nhục ở ẩn dạy học và viết sách. Đồng thời với ông, có Vương Phu Chi cũng theo Đạo học, nhưng phản đối Vương Dương Minh mà đề cao Trương Tái. Vương bảo: “Cái học của phái Diêu Giang – tức phái Vương Dương Minh – góp nhặt những điều gần giống như của thánh nhân (tức Khổng, Mạnh), trích ra từng câu, từng chữ, để làm ra quan trọng, huyền diệu, lẫn vào Thiền tôn, lại càng không kiêng nễ gì ai cả nữa”. Lời phê bình của ông hơi gắt nhưng đúng: Vương Dương Minh quả đã gần đạo Phật hơn đạo Nho. Ông phát huy cái thuyết “duy khí” của Trương Tái, cho rằng đạo gốc ở khí (chữ khí này có ý vật chất), và triết học của ông có tính chất duy vật. Ông bác cái thuyết vô và tĩnh của Lão, Phật; dạy người ta phải chú trọng vào nhân vi, vào động. Trong sách Trương Tử chính mộng chú, ông viết: Thiên lý ở trong nhân dục; không có nhân dục thì thiên lý ở đâu mà phát ra”; như vậy là lật ngược lại cả các phái Trình, Chu, Lục, Vương. Về chính trị, ông không trọng cổ, vì pháp chế phải tuỳ thời mà thay đổi, mỗi thời đại có một hoàn cảnh riêng, phải tự tạo ra pháp chế. Ông lại đề cao tư tưởng dân tộc, muốn đuổi Mãn Thanh ra khỏi nước, để giữa trọn vẹn cương thổ cùng văn hóa cho Trung Quốc. Những tư tưởng đó đã ảnh hưởng lớn các học giả đời sau: Đái Chấn và Đàm Tự Đồng đều coi ông như thầy. Người đầu tiên ở đời Thanh thoát ly hẳn với Tống Nho là Cố Viêm Võ. Tuổi ông xuýt xoát với tuổi Hoàng Tôn Hi và Vương Phu Chi, mà tư tưởng khác hẳn. Ông giúp nhà Minh, thất bại, nhất định không ra làm quan với Thanh, đi du lãm khắp nơi ở phía Bắc và phía Tây nước Tàu, tìm những di tích đời xưa để khảo cứu, rất trọng tinh thần khoa học. Có lẽ ông đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng Âu Tây vì cuối đời Minh, đầu đời Thanh, đã có nhiều giáo sĩ phương Tây như Adam Schall, Ferdinand Verbiest, Mathieu Ricci dịch sách khoa học và triết học Âu Tây ra chữ Hán. Nhất là Mathieu Ricci đã xướng lên cái thuyết nên tìm nghĩa sách trong nguyên văn, và một số sĩ phu Trung Hoa đã có khuynh hướng về việc khảo chứng, cho đời Hán gần đời Xuân Thu, Chiến Quốc nhất, mà lời chú thích của Hán Nho chắc phải gần đúng hơn của Tống Nho. Cố Viêm Võ là người đứng đầu trong phái Hán học đó. Ông rất ghét tâm học của Vương Dương Minh, không công kích hẳn Trình, Chu nhưng không nhận lý học đời Tống, bảo: “Sao lại phân biệt ra một cái là lý học được? Kinh học tức là lý học. Từ khi bỏ kinh học mà nói lý học thì tà thuyết nổi lên, mà cái người ta gọi là lý học hoá ra thiền học”. Ông trọng chứng cứ, không nói mò, hễ đưa ra một thuyết gì là dẫn chứng đầy đủ, rành rẽ. Mà ông chỉ đưa ra những thuyết từ trước chưa ai nói tới, không muốn bắt chước người xưa. Ông lại đề cao thực dụng, đại ý bảo: “Khổng Tử san định sáu kinh là muốn cứu sự lầm than cho dân. Nói phiếm không bằng đừng nói mà làm”. Tóm lại Cố Viêm Võ chỉ là một nhà khảo cứu, một sử gia, chứ không phải là một triết gia, nhưng đã làm thủ lãnh một học phái có ảnh hưởng lớn ở đương thời, nên không thể không nhắc tới ông được. Nhan Nguyên – Sinh sau ba nhà trên khoảng hai chục năm, phản đối lý học của Trình, Chu, tâm học của Lục, Vương, bảo: “Từ lúc đi du lịch phương Nam , thấy người nào cũng theo Thiền học, nhà nào cũng theo lối hư văn, thật là đối địch với Khổng môn… Ta nhất định cho Khổng, Mạnh và Trình, Chu là hai đường, mà không muốn làm kẻ hương nguyện trong đạo thống”. Lại nói: “Những môn lý học, tâm học chỉ là nói suông trên bàn sách thì chẳng ích gì đến việc thực hành”. “Những cái huyền lý về tính, mệnh, chẳng cần giảng làm gì. Dù có giảng, người ta cũng chẳng chịu nghe; dù có nghe chăng nữa, người ta cũng chẳng hiểu được; dù có hiểu chăng nữa, người ta cũng chẳng thực hành được”. Ông thâm oán các vị “thánh hiền” trong đạo học, giọng phẫn uất, lâm ly: “Đời trước có mấy chục thánh hiền, mà trên thì chẳng có công phù nguy cứu nạn, dưới chẳng có tài làm tể tướng hoặc cầm quân, hai tay đem dâng nước cho rợ Kim; đời sau, cũng có mấy chục thánh hiền, mà trên thì chẳng có công phù nguy cứu nạn, dưới chẳng có tài làm tể tướng hoặc cầm quân, hai tay dâng nước cho rợ Nguyên; những đời đa thánh, đa hiền mà như vậy ư?”. Đến cái học khảo cứu của phái Cố Viêm Võ cũng bị ông công kích: “Người nào nhận sự đọc sách làm sự học, vốn không phải là theo cái học của Khổng Tử; mà lấy các học đọc sách để giải nghĩa sách, cũng không phải là theo cái học của Khổng Tử”. Ông chỉ chú trọng tới thực học, luyện những đức như nhân, nghĩa, trí, hiếu, mục; và tập những nghề như lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Ông khuyên ta đừng để cho lòng bị vật dục che lấp mà phải nhiễm những thói hay vì ông tin rằng tin rằng tính của người ta vốn thiện, sở dĩ ác là vì bị tư dục làm mờ tối cái tâm, và bị nhiễm lâu những tật xấu. Theo ông, khí và lý là một; khí mà ác thì lý cũng phải ác, khí mà thiện thì lý cũng phải thiện. Và dù luyện đức hay học nghề thì cũng phải tập hàng ngày. Học là tập. Hễ giảng xong thì phải tập, công giảng thì có chừng, công tập thì không bao giờ xong. Đọc sách không phải là học, làm việc mới là học (ông đã thực hành lời ông dạy: vừa viết sách, vừa cày ruộng). Ngoài sự làm việc ra, không có việc gì là học vấn. Làm việc thì không còn nghĩ bậy nữa, như vậy là làm việc là luyện đức: “Ta hết sức theo đuổi việc cày, không kịp ăn, không kịp ngủ, mà tấm lòng tà vọng không thể nào nảy ra được” (Ngô lực dụng nông sự, bất hoàng thực tẩm, tà vọng chi niệm diệc tự bất khởi[23]). Châm ngôn của ông là: “Còn sống một ngày thì còn phải một ngày làm việc cho cuộc sống” (Nhất nhật sinh tồn, đương vi sinh mệnh biện nhất nhật chi sự[24]). Triết học của Nhan không có gì thâm thuý; nhưng ta phải nhận rằng trên hai ngàn năm, từ thời Mặc Tử, không học giả nào trọng sự cần lao bằng ông mà cũng không có học thuyết nào ích lợi thiết thực cho quốc dân Trung Hoa bằng học thuyết hành tức học của ông. Đái Chấn ở giữa thế kỷ XVIII, thuộc phái khảo chứng, trọng sự quan sát, có tư tưởng duy vật, không theo Tống Nho mà cũng không theo Hán Nho, muốn bỏ hết ý nương tựa vào người trước, điều gì cũng muốn tìm ra sự thực, cho nên nói: “Ta sở dĩ tìm trong các kinh là sợ lời nói của thánh nhân, hậu thế còn để mờ tối chăng… nhưng chỗ nào ngờ thì còn để khuyết, như vậy học kinh mới không hại, mới không mất cái ý “bất tri vi bất tri”. Ông muốn lập ra một lý thuyết triết học, phản đối sự phân biệt lý và dục của Trình, Chu , cho rằng lý là nhân tình, lý là gốc của nhân dục. “Lý là cái tình mà không sai lầm”. “Ở mình và người đều gọi là tình. Tình mà mờ quá, không bất cập thì là lý” (Lý dã giả, tình chi bất sảng thất dã). (Tại kỷ dữ nhân, giai vị chi tình. Vô quá tình vô bất cập tình chi vị lý)[25]. Lại nói: “Lý là ở trong cái dục”. “Phàm việc mà làm, là đều ở lòng dục, không có lòng dục thì không làm, có lòng dục rồi mới làm” (Lý giả, tồn hồ dục dã). (Phàm sự vi giai hữu ư dục, vô dục tắc vô vi hỹ, hữu dục nhi hậu hữu vi)[26]. Tống Nho bảo cái gì không phải là lý thì là dục, rồi cho sự đói rét, kêu gào, trai gái ai oán là nhân dục, bắt người ta tuyệt hết cả cảm xúc của tình dục, như vậy là chịu ảnh hưởng của Phật, không hợp với nhân tình, trái với đạo Khổng. Ông chê thuyết đó trái với Khổng, Mạnh. “Thánh nhân trị thiên hạ tất thể tình của dân, an thoả lòng dục của người, mà vương đạo mới tiến được”. Vì vậy mà Mạnh Tử mới muốn cho “nhà có lẫm chứa lúa, người đi đường có đẫy chứa gạo”, “không có người con gái nào oán hận vì không có chồng, không có người con trai nào không có vợ mà phải ở suông”. Không những vậy, ông còn mạt sát Tống Nho là làm hại luân lý nữa, vì: “Lời nói (của họ) rất đẹp, nhưng dùng ra để trị người thì làm cái vạ cho người… Sự phân biệt ra lý và dục khiến khắp mọi người đều biến ra trá nguỵ cả. Cái vạ đó kể sao cho xiết?”. Để chống cái hại đó, ông chia cái nguyên chất của tính ra ba: dục, tình và trí. Cái đức của sự sinh sôi ra mãi là nhân. Trái với nhân là ác, hợp với nhân là thiện. Tình mà quá hay bất cập là ác. Điều lý cho vừa phải, trúng tiết là cái trí. Vậy chỉ cần trị cái bệnh tư vị và đừng để ý kiến riêng và tập quán che lấp cái tâm. Cho nên ông nói: “Người không có lòng riêng tư thì đúng với đức nhân, không bị cái gì che lấp thì đúng với đức trí” (Nhân thả trí giả, bất tư bất tế giả dã[27]). Mà muốn bỏ lòng riêng tư không gì bằng luyện lòng thứ, muốn trừ cái che lấp thì không gì bằng học. Bỏ cái lòng riêng tư mà không trừ cái che lấp thì là “hành” mà không “tri”; trừ được cái che lấp rồi mà không bỏ được lòng riêng tư là “tri” mà không “hành”. Chủ trương của ông giống của Khổng: một thứ đạo đức sáng suốt, đặt căn bản trên tri thức. Chu , thì việc lễ dù trăm đời sau cũng có thể biết được) của Khổng Tử trong Luận ngữ. Ông cho 30 năm là một đời, tính ra 100 đời sau Khổng Tử là 3.000 năm, sẽ có thánh nhân đựng lên một chế độ mới; ông muốn làm vị thánh nhân đó và đưa ra chế độ đại đồng. Từ đời Hán đã có ba triết thuyết về lịch sử: - Triết thuyết ngũ đức (tức ngũ hành) của Trâu Diễn, đại ý là có năm triều đại kế tiếp nhau, mỗi triều đại ứng vào ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ; cứ hết năm triều đại là hết một vòng, rồi lại trở qua vòng thứ nhì. - Triết thuyết tam thống của Đổng Trọng Thư: tam thống là hắc thống, bạch thống, xích thống; ở triều đại hắc thống thì cái gì cũng nên dùng màu đen, qua triều đại bạch thống thì nên dùng màu trắng, qua triều đại xích thống thì nên dùng màu đỏ; hết ba thống là hết một vòng, lại trở qua vòng sau. - Triết thuyết tam thế của Hà Hưu đời Đông Hán. Nguyên trong thiên Lễ vận (Lễ ký) có một đoạn nói về thời tiểu khang và thời đại đồng (coi phần V, chương XI). Hà Hưu đặt thêm ra một thời nữa, thời cứ loạn[28], để xác định sự tiến hoá của lịch sử từ loạn thế tới thăng bình thế, rồi tới thái bình thế (do đó gọi là tam thế); ông cho thăng bình thế là thời tiểu khang trong Lễ vận, coi thái bình thế là thời đại đồng. Từ đó về sau, vài triết gia đôi khi nhắc đến thuyết tam thế, nhưng tin chắc thì không ai bằng Khang Hữu Vi. Khang nghĩ sắp đến lúc nhân loại bước vào thời đại đồng rồi, lúc đó mọi người sẽ bình đẳng, ai cũng có lòng bác ái, coi thiên địa vạn vật là một (ta thấy ông còn chịu ảnh hưởng của Huệ Thi, Trương Tái). Không ai còn khổ não nữa; và muốn sửa soạn cho thời đại đó, ông đề nghị: phá ranh giới giữ các quốc gia; bỏ chế độ giai cấp; bỏ quan niệm về chủng tộc; không phân biệt trai gái nữa, nghĩa là nam nữ hoàn toàn bình đẳng; phá bỏ gia đình, bỏ tư sản; nông, công, thương không còn chủ và thợ nữa; những cái gì bất bình, bất đồng, bất công, trừ tiệt; sau cùng không phân biệt người và côn trùng, cầm thú nữa; được như vậy là diệt được luôn cái khổ. Thuyết đại đồng của Khang Hữu Vi đã bỏ xa thuyết trong Lễ vận. Nó pha lẫn Khổng, Phật và Tây học. Người đương thời gọi mỉa ông là “Khang thánh nhân”, ta phải nhận rằng tư tưởng của ông khác người, tư cách của ông đáng trọng, mà công lao của ông đối với dân tộc Trung Hoa đáng kể, ông là người mở đường cho cuộc cách mạng Tân Hợi. Trong nhóm của Khang, có Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng là đa tài hơn cả. Lương là một nhà báo hơn là một học giả; Đàm mới đáng là một triết gia có nhiều tư tưởng lạ và kịch liệt. Khi vụ biến chính đời Quang Tự thất bại, Khang, Lương lo cách thoát thân; riêng Đàm không chịu trốn, quyết chí tuẫn nghĩa vì ông nghĩ cách mạng phải đổ máu mới thành công, và ông nguyện đem máu của mình tưới cho cách mạng. Ông soạn cuốn Nhân học để phát huy thêm thuyết đại đồng của Khang. Ông được nghe khoa học Âu Tây nói về chất éther[29], mà ông dịch là “dĩ thái”, ông cho nó là nguồn gốc của vạn vật, là “nguyên chất của nguyên chất”, là chất làm cho vạn vật có thể tụ họp thành đoàn thể, làm cho vật này có thể thông với các vật khác; vậy công dụng của nó như đức nhân của Khổng Tử. Chất éther bất sinh bất diệt, không tăng không tổn, cho nên vũ trụ chỉ biến hoá chứ không tiêu diệt, biến hoá thì mỗi ngày một mới; mà loài người cũng phải biến hoá, chính trị cũng phải biến hoá. Đó là lý thuyết cơ sở cho chủ trương biến pháp của ông. Ông rất trọng dân, khinh vua, bảo quân quyền sở dĩ khuếch trương là do một tập quán hủ lậu trong lịch sử, do một bọn nho tiểu nhân, gian tà, a dua với vua để mượn hơi hùm. Ông phục Hoàng Tôn Nghi và ghét Tuân Tử vì Tuân đề cao quân quyền. Trong ngữ luận, ông chỉ muốn giữ đạo bằng hữu, vì có tính bình đẳng; còn bốn đạo kia: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, đều là đạo áp bức cả (vua áp bức tôi, cha áp bức con, chồng áp bức vợ, anh áp bức em). Thuyết “quân quân, thần thần…” của Khổng Tử chỉ đúng một cách tương đối trong thời Xuân Thu mà thôi, ngày nay phải bỏ. Ông lại chê văn minh phương Tây là tự tư, tự lợi, vị kỷ, vị ngã, và quá ham vật chất. Ông muốn đúc cả Đông, Tây vào một lò để tái tạo một thế giới đại đồng. Đời Thanh, không có một triết gia nào mà chủ trương kịch liệt như vậy, dám chỉ trích cả ngũ luân. Tiếc rằng ông mất hồi ba mươi tuổi; nếu không, chắc còn cống hiến cho dân tộc Trung Hoa nhiều tư tưởng kỳ dị nữa, nhưng dân tộc Trung Hoa cũng đã mang ơn ông nhiều: Cách mạng Tân Hợi thành công một phần nhờ những hạt giống ông đã gieo.
°
Lục Cửu Uyên đã mở đường cho duy tâm học, môn đệ rất đông, trong số đó có Dương Giản là nổi danh hơn cả. Lục không nói rõ vũ trụ với bản tâm của ta quan hệ với nhau ra sao, Dương phát huy thêm, đem hẳn tư tưởng vào cõi siêu việt, mà cho các hiện tượng trong vũ trụ không ngoài cái tâm của ta. Ngoài cái tâm ra thì không biết được có cái gì hay không. Dù trời đất vạn vật không phải là như ta biết, nhưng ta có cái tâm để tưởng đến, thì những điều ấy là có thật rồi. Cái tâm của ta đã có thì trời đất vạn vật phải có, mà trời đất vạn vật cùng với cái tâm của ta là một. Dương đã giải thích câu: “Vũ trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tiện thị vũ trụ” của Lục như vậy, và đã đặt học thuyết của Lục lại gần đạo Phật hơn nữa. Tuy nhiên tâm học chưa thịnh ngay. Lục Cửu Uyên mất năm 1192. Từ đó đến cuối đời Tống (1279), phái của Chu Hi vẫn có phần thắng thế. Rồi Trung Hoa bị Mông Cổ chiếm, trong 80 năm (1280-1360), Hứa Hành đem cái học của Chu truyền bá phương Bắc, làm lãnh tụ các nhà Nho; mà thế lực của Chu càng mạnh. Năm 1368, dân Trung Hoa thu hồi được nền độc lập, mà hùng cường được trong sơ diệp (1368-1436) đời Minh, rồi suy lần cho đến khi Mãn Thanh chiếm nước (1616).°
Tóm lại trong giai đoạn thứ nhất, năm nhà: Hoàng, Vương, Cố, Nhan, Đái, chủ trương tuy khác nhau mà mỗi nhà đều hoặc ít hoặc nhiều “phá đổ tường của Tống Nho, Minh Nho mà tiến thẳng vào cung đình Khổng, Mạnh. Học thuyết của họ không sâu sắc, nhắm vào phần thực dụng, nhất là Nhan và Đái, gần với công lợi chủ nghĩa của Âu Tây. Sở dĩ vậy là do thời cuộc như trên chúng tôi đã nói. Qua giai đoạn sau, mạt diệp đời Thanh, dân tộc Trung Hoa gặp nhiều nỗi khó khăn, phải đối phó với sự xâm lăng của Âu Tây, càng không có thì giờ phát huy những khu vực huyền vi của triết học, mà chỉ lo cải tạo chế độ chính trị và xã hội. Học giả tuy đông, nhưng tư tưởng không có gì đặc biệt, hầu hết là pha Khổng học với Âu học. Xuất sắc nhất là mấy thầy trò Khang Hữu Vi. Khang hữu Vi – Ông mới đầu theo cái học của Lục, Vương, sau được đọc những sách của Âu dịch ra tiếng Trung Hoa, đi du lịch khắp trong nước, rồi mở trường dạy học, lập nên phong trào duy tân, được vua Quang Tự vời vào triều chủ trương việc biến chính. Việc thất bại vì Tây Hậu không ưa, đàn áp kịch liệt; ông cùng môn đệ là Lương Khải Siêu trốn qua Nhật, đến khi Dân Quốc thành lập mới về nước. Tư tưởng của ông gồm mấy yếu điểm: bình đẳng, bác ái và đại đồng; nhưng tựu trung thuyết đại đồng mà ông phô diễn trong cuốn Đại đồng thư, gồm cả hai thuyết kia: bình đẳng và bác ái. Ông tin ở câu “Kỳ hoặc kế Chu giả, tuy bách thế khả tri giả” (Sau này hoặc giả có nhà nào nối ngôi nhà°
° °
Chú thích:[1] Sách in: “Vũ trụ phát sinh là do thái cực lưỡng nghi…”. Tôi tạm sửa lại như trên. (Goldfish).[2] 天地萬物之道盡於人矣. 萬化萬事生於心.[3] 養其氣, 反之本而不偏.[4] 生之謂性, 性卽氣, 氣卽性.[5] 氣有善不善, 性則無不善也. 人之所以不知善者, 氣昏而塞之耳. [Câu đầu, tôi tạm sửa lại cả phiên âm (bỏ chữ “hữu” sau), và nguyên văn chữ Hán (thay chữ “者” sau thành “也”). Sách in: Khí hữu thiện hữu bất thiện, tính tắc vô bất thiện dã. 氣有善有不善, 性則無不善者. Còn chữ giả 者 trong câu sau, có bản chép là dã 也. (Goldfish)].[6] 在天爲命, 在義爲理, 在人爲性, 主於身爲心, 其實一也. 心本善, 發於思慮則有善不善. 若既發則可謂之情, 不可謂之心.[7] 君子以識爲本, 行次之. 今有人焉, 力能行之, 而識不足以知之, 則有異端者出, 彼將流宕而不知返. 內不知好惡, 外不知是非, 雖有尾生之信, 曾參之行, 吾弗貴矣.[8] Trong sách in: “Khí dã giả, hình nhi hạ chi khí dã, hình nhi hạ chi cụ dã”. Tôi đã sửa ba chữ “hình nhi hạ” sau thành “sinh vật” cho phù với phần chữ Hán. (Goldfish). [9] 理也者, 形而上之道也, 生物之本也. 氣也者, 形而下之器也, 生物之具也. 是以人物之生, 必稟此理, 然後有性; 必稟此氣, 然後有形. [10] Sách in thiếu mấy chữ: “Tâm giả tính tình chi sinh dã”. (Goldfish).[11] 性者心之理也, 情者性之動也. 心者性情之主也, 未動爲性, 已動爲情, 心則貫乎動靜而無不在焉.[12] 心一心也, 理一理也. [Phần dịch nghĩa và phiên âm, sách in như vầy: “Tâm chỉ có một tâm dã, lý nhất lý dã”. Tôi đã tạm sửa lại như trên. (Goldfish)].[13] 先立其大.[14] 恥存則心存, 恥亡則心亡.[15] 誠有其實, 必有其文. 實者本也, 文者本也.[16] Tượng Sơn là một trong hai tên hiệu của Lục Cửu Uyên. (Goldfish).[17] 心卽道, 道卽天, 知心則知道, 知天… 虚靈不昧, 衆理具而萬事出. 心外無理, 心外無事.[18] 無善無惡是心之體, 有善有惡是意之動, 知善知惡是良知, 爲善去惡是格物.[19] 知是行的主意, 行是知的工夫, 知是行之始, 行是知之成.[20] 天下之大害者, 君而已矣, 向使無君, 人各得自私也, 人各得自利也.[21] 論者蝟有治人, 無治法; 吾以爲有治法而後有治人.[22] Ta nên lưu ý: pháp trị của ông (trị dân theo hiến pháp) khác với pháp trị (trị dân theo hình pháp) của Hàn Phi. [23] 吾力用農事, 不遑食寝, 邪妄之念亦自不起.[24] 一日生存, 當爲生命辯一日之事.[25] 理也者, 情之不爽失也. 在己與人, 皆謂之情. 無過情無不及情之謂理.[26] 理也存乎欲者也. 凡事爲皆有於欲, 無欲則無爲矣, 有欲而后有爲. [27] 仁且智者, 不私不蔽者也.[28] Chữ cứ này nghĩa như chữ cư, chử xử là “ở”, cứ loạn là “loạn lâu”.[29] Ngày nay không còn ai tin rằng có cái chất gọi là éther này nữa. (Goldfish).