Từ nơi trú tạm ở Ardennes, chúng tôi theo dõi mọi việc xảy ra ở trên thế giới rộng lớn. Chúng tôi có đủ các thứ báo, và mỗi sáng, Poirot lại nhận một phong bì dày, chắc là báo cáo. Mặc dù anh không nói gì, tôi cứ nhìn nét mặt anh là biết tin tức có tốt lành hay không. - Anh biết không, tôi rất khổ tâm biết anh luôn gặp nguy hiểm, trong khi tôi yên trí ở đây. Tôi bồn chồn không yên, và anh không thể tưởng tượng tôi mừng thế nào khi kéo được anh về gần tôi! Dù đối thủ phát hiện ra đại úy Hastings vừa cập bến bên kia đại dương là một kẻ giả danh, thì không có gì đáng sợ. Chúng sẽ suy ra là anh định đánh lạc hướng chúng, và không hơi đâu để theo dõi hành động của anh. Hơn nữa tên tay chân của Bộ Tứ ở Buenos-Aires có trách nhiệm xác nhận anh đã tới nơi, chưa chắc đã biết mặt anh. Điều cốt yếu mà chúng nắm được, là tôi đã chết. Vì vậy, chúng sẽ xúc tiến tích cực các kế hoạch. - Rồi sao? - Rồi sao ư? Sẽ là sự hồi sinh vĩ đại của Hercule Poirot! Tôi sẽ tái xuất hiện vào phút chót, và sẽ thắng lợi vang dội! Đúng là Poirot không thay đổi! Luôn tự tin là mình hơn hẳn. Tôi khéo léo nhắc anh nhớ là đối phương đã nhiều lần giành lợi thế. Nhưng thật vô ích khi vấp phải sự mê tín của Poirot đối với chính mình. - Anh thấy không, đúng là anh phải biết cái ngón bài sau. Anh lấy bốn quân tốt, để rải rác trong cỗ bài, anh trang bài... mà cuối cùng bốn quân tốt vẫn ở bên nhau! Chính tôi đang muốn điều ấy; tôi đã đánh lúc tên này, lúc tên khác, nhưng hãy chờ lúc tôi gom cả bốn đứa lại, như bốn quân tốt của cỗ bài, và anh sẽ chỉ thấy một keo, tôi sẽ hạ cả bốn. - Đồng ý, nhưng anh làm thế nào mà gom chúng lại? - Tôi chờ cái phút đỉnh cao mà chúng tụ nhau lại nhằm một hành động chung. Còn từ nay đến đó, tôi tiếp tục giả chết. - Nhưng phải chờ bao lâu nữa? - Anh vẫn hay nóng vội, anh Hastings! Nhưng không, hãy yên tâm, không lâu nữa đâu. Người duy nhất trên đời mà chúng sợ (tức là tôi) đã chết. Do liên tưởng, tôi nghĩ đến cái chết của ông Ingles, và tôi kể Poirot nghe về tên Trung Quốc ở bệnh viện Saint-Gilles. Poirot có vẻ rất chú ý. - Tên gia nhân của John Ingles?... Và anh bảo là hắn đã nói mấy từ tiếng Ý?... Kỳ lạ thật! - Vì thế tôi mới cho là lại một âm mưu nữa của chúng! - Sai lầm lớn! Hãy bắt chát xám làm việc, và anh sẽ thấy nếu đối thủ muốn nhét gì vào đầu anh, chúng sẽ diễn tả bằng tiếng Anh! Không! Người anh gặp thực tình muốn nhắn anh điều gì. Anh thử nhắc lại những lời nghe thấy xem nào. - Đầu tiên, hắn nói cái gì như là: "Bàn tay Largo", rồi hình như là "Carrozza"... nghĩa là "xe hơi", có phải không? - Có thế thôi? - Cuối cùng tôi nghe như "Cara", rồi một tên phụ nữ, "Zia", thì phải. Chẳng liên quan gì đến khúc đầu. - Anh lầm rồi, Hastings! Trái lại, “Cara Zia" rất quan trọng! - Quan trọng ở chỗ nào? - Ôi, anh không bao giờ thấy gì cả! Cực hơn nữa, giống như tất cả người Anh, không thuộc địa dư. Theo thói quen, Poirot không nói gì hơn nữa. Sự im lặng ấy càng làm tôi bực tức. Nhưng tôi thấy anh ra vẻ mừng rỡ, và tôi biết niềm vui ấy có nghĩa là: nhà thám tử đánh hơi thấy một dấu vết mới. Ngày lại ngày trôi qua, nhàn tản và hơi đơn điệu. Đành rằng ngôi nhà có một tủ sách rất tốt, hoặc có thể có những cuộc dạo chơi thú vị ở vùng lân cận song tôi cứ thấy bứt rứt vì quá rỗi rãi. Trong khi đó, Poirot vẫn bình thản như không. Cho đến cuối tháng Sáu. Một buổi sáng, từ sớm, một xe hơi đậu trước cửa nhà: đó là sự kiện hiếm hoi ở cái xóm nhỏ này khiến tôi phải tò mò đi xuống xem là ai. Poirot đang chuyện trò với một trang nam nhi bộ điệu dễ mến. - Hastings, xin giới thiệu đại úy Harvey, một nhân viên xuất sắc của cơ quan mật vụ nước ta. - Tôi không xuất sắc đến thế đâu - Harvey cười thật thà. - Không xuất sắc đối với ai không hiểu biết; còn với những người biết rõ, thì anh là xuất sắc! Hastings, anh có tưởng tượng không, trong giới thượng lưu người ta coi đại úy Harvey là một công tử bột chỉ biết nhảy tăng-gô, uống rượu và mê ca-vát. Harvey và tôi cùng cười. Poirot nói: - Nào, ta vào việc. Anh cho là đã đến lúc? - Chúng tôi tin là đã đến lúc. - Li Chang-yen đã xuất đầu lộ diện. Còn những tên khác? - Abe Ryland đã tới nước Anh cách đây tám ngày và hôm qua đã rồi đó đi Châu Âu. - Mụ Olivier? - Đêm qua đã rời Paris. - Đi Ý? - Phải, đi Ý. Cả hai chắc đi đến cái nơi ông đã chỉ... Nhưng sao ông biết? - Thành tích này không phải của tôi, mà của ông bạn Hastings. Anh ấy khiêm tốn, giấu tài cán của mình. Harvey quay nhìn tôi vẻ ngưỡng mộ, làm tôi hơi ngượng. - Thôi thế là mọi việc tiến triển - Poirot nói - Thời điểm đã đến; mọi biện pháp đã sẵn sàng. - Mọi chỉ thị của ông đã được tiến hành. Các chính phủ ủng hộ chúng ta và hợp tác thân thiện. - Một Hội Quốc Liên mới! - Poirot mỉm cười. Rồi trở lại nghiêm túc, anh thêm: - Rất mừng là Desjardeaux cuối cũng đã được thuyết phục. Nào! Chúng ta sẽ bắt đầu, hay đúng hơn, tôi bắt đầu. Hastings, tôi muốn anh ở lại đây, không muốn anh bị nguy hiểm. Tôi phản đối cực lực, Poirot đành chịu. Trên chuyến tàu đưa chúng tôi đi Paris, anh thú nhận là rất vui có tôi bên cạnh. - Anh sẽ đóng một vai trò, vai quan trọng! Tôi có nghĩa vụ báo anh biết, nếu không nghe tôi, chiến dịch này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. - Có nguy hiểm ư? - Anh bạn thân mến, dính đến bọn Bốn Người bao giờ cũng nguy hiểm. Tới Paris, chúng tôi ra ga miền Đông. Lúc này Poirot mới cho tôi biết sẽ đi Boljano, rồi tới vùng Tyrol nước Ý. Nhân lúc vắng mặt Harvey chạy đi đâu đó, tôi hỏi tại sao Potrot gán cho tôi cái thành tích tìm ra cơ hội họp của đối phương. - Vì đúng là thế mà! Bằng cách nào Ingles biết được, tôi không rõ. Nơi chúng ta sắp đến gọi là Karersee, mà tên mới người Ý gọi là “Largo de Carezza". Bây giờ anh hiểu chưa, cái mà anh nghe nói là “Carezza”, “Cara Zia" và “Largo" ấy. Còn “bàn tay”, chắc là anh tưởng tượng ra thôi, trừ khi tên gia nhân muốn nói đến “Bàn tay bọn Bốn Người” - Tôi chưa từng nghe nói Karersee là nơi nào. - Thì tôi bảo mà, người Anh không thuộc địa dư. Đó là một nơi tuyệt đẹp, nhiều ngươi biết. Ở độ cao một ngàn hai trăm mét trên dãy Dolosmites. - Và bọn Bốn Người hội họp ở đó? - Đại bản doanh của chúng ở đấy. Lệnh báo động đã phát, nên chúng chỉ mong được biến nhanh. Từ trong lòng pháo đài nằm sâu trong núi, chúng tiếp tục phát đi mệnh lệnh. Tôi đã tìm hiểu, đó là một mỏ đá hiện đang khai thác. Dường như đây là một cơ nghiệp của Ý, nhưng thực ra nó thuộc Abe Ryland. Tôi cam đoan là ở đó, trong lòng núi, có một pháo đài ngầm. Từ nơi ẩn náu này, bọn chỉ huy ra lệnh bằng vô tuyến điện. Chúng có hàng ngàn tay chân ở mỗi nước, sẵn sàng thi hành. Chính từ cái pháo đài dãy Dolomites này sản sinh những tên ghê gớm, hay đúng hơn chúng có thể xuất hiện, nếu Hercule Poirot này không ra tay! Harvey trở lại, làm câu chuyện giữa chúng tôi gián đoạn. Chúng tôi tới Boljano vào giữa trưa, và lại lên xe để leo tới Karersee. Trời nóng, nhưng Poirot ăn bận trùm kín đến mặt: anh đề phòng gì, hay sợ bị cảm? Chuyến đi kéo dài hai tiếng. Phong cảnh thật sự tuyệt vời. Sau khi qua một thung lũng màu mỡ rộng hàng cây số, chúng tôi lên dốc tới những chòm núi đá. Mỗi bước ngoặt lại mở ra một viễn cảnh mới. Con đường khúc khuỷu len lỏi giữa các khối đá hiểm trở. Cuối càng, ô tô dừng trước một khách sạn lớn, có vị trí tuyệt đẹp. Họ đã giữ cho chúng tôi những phòng trông ra núi: cảnh đỉnh núi đá với những sườn phủ đầy thông thật thần tiên. - Ở đây ư? Poirot khẽ hỏi. - Phải - Harwey đáp - Có một nơi gọi là "Mê cung đá"; toàn những tảng đá khổng lồ, hình thù quái đản! Mỏ đá ở phía phải, nhưng tôi đã nghĩ là lối vào ở ngay trong mê cung. Poirot ra hiệu cho tôi: - Lại đây, ta xuống sân thượng, hưởng ánh nắng. - Anh thấy thế có nên không? Anh nhún vai thay trả lời. Ánh sáng chói chang, mắt tôi khó chịu đựng. Chúng tôi dùng một tách cà phê rồi lên phòng để xếp đồ đạc. Poirot có vẻ như đắm chìm trong giấc mơ. Một hai lần, thấy lắc đầu và thở dài. Lúc xuống tàu ở Boljano, tôi để ý có một người khách đợi xe. Điều làm tôi để ý, là người ấy cũng ăn bận trùm kín, hơn cả Poirot! Ngoài chiếc áo khoác ngoài thùng thình và chiếc khăn len trùm mũi, người ấy còn đeo kính xanh mắt to. Tôi nghi là một tên tay sai của Bộ Tứ. Tôi nói điều đó với Poirot, nhưng anh chẳng có vẻ quan tâm. Ít lâu sau, tôi thông báo với anh là người khách nọ đang lảng vảng trước khách sạn, tôi nhìn qua cửa sổ và trông thấy. Mặc tôi nói, Poirot vẫn đòi xuống phòng ăn, và chúng tôi được một ngồi vào bàn cạnh cửa sổ. Chúng tôi ngồi chưa ấm chỗ, thì tiếng quát mạnh và tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng vang lên: một cậu bồi bàn vụng về đã đổ cả một đĩa thức ăn lên vai một thực khách ngồi ở bàn cạnh chúng tôi. Người quản lý vội vàng chạy đến xin lỗi rỗi rít. Lát sau, khi anh bồi bàn đó đến phục vụ chúng tôi, Poirot nói nhỏ: - Thật là sự cố đáng tiếc, song lỗi không phải tại anh. - Ông đã trông thấy? Vâng, đúng không phải tại con. Ông ấy đột nhiên đứng chồm lên, cứ như là đang lên cơn gì vậy! Một ánh mắt ranh mãnh loé lên trong mắt Poirot. Cậu bồi bạn đi rồi, anh ghé vào tai tôi: - Anh thấy chưa, hiệu quả của việc tôi xuất hiện bằng xương bằng thịt. - Sao... Anh nghĩ là? Tôi không kịp nói hết câu, Poirot đã đặt tay lên đầu gối tôi, nói nhẹ, nhưng hơi xúc động: - Nhìn xem, cái tật hắn vo viên bánh mì! "Số Bốn” đó! Đúng thế. Người khách ngồi bên cầm một mẩu ruột bánh di di trên bàn. Tôi quan sát kỹ lưỡng: bộ mặt sàm sạm, bì bì có một vẻ không lương thiện. Những nếp nhăn dưới mắt, đi từ cánh mũi đến hai bên mép càng tăng vẻ xấu xí. Hắn trạc từ băm nhăm đến bốn nhăm và không giống bất cứ một nhân vật nào hắn từng đóng vai. Nếu Poirot không chỉ cho tôi cái tật của hắn, tôi sẵn sàng thề là chưa bao giờ gặp hắn. - Nó đã nhận ra ta - tôi khẽ nói - Lẽ ra anh không nên xuống ăn ở đây. - Thì tôi giả chết ba tháng nay chỉ nhằm một mục đích này! - Để tóm được tên "Số Bốn”? - Phải, để bắt được hắn ở lúc mà hắn phải hành động ngay hoặc không làm gì cả. Lúc này, ta có lợi thế: hắn không biết rằng ta nhận ra hắn. Hắn tưởng vẫn an toàn trong vai kịch của hắn. Ôi, cảm ơn Flossie Monro đã lộ ra cái tật của hắn. - Giờ chuyện gì sẽ xảy ra? - Có thể xảy ra cái gì? "Số Bốn” nhận ra người duy nhất mà hắn sợ, sống lại một cách thần kỳ đúng lúc kế hoạch Bộ Tứ được đặt lên bàn cân. Mụ Olivier và Abe Ryland đã ăn trưa hôm nay tại đây: chính thức thì chúng đã đi Cartinas, nhưng thực tế chúng đang nằm trong hang ổ. Giờ này, chắc chắn "Số Bốn" đang phân vân tự hỏi chúng ta đã biết những gì. Hắn không muốn mạo hiểm, do đó chỉ còn một việc chắc chắn là hắn phải trừ khử được tôi. Vậy thì hắn cứ thử trừ khử đi, tôi đợi! Lúc Poirot nói xong, người khách ngồi bàn bên đứng dậy đi ra. - Hẳn đi để chuẩn bị đấy - Poirot bình thản nói - Ta dùng cà phê ngoài sân thượng nhé? Như thế thú hơn. Tôi lên phòng lấy chiếc áo khoác. Tôi ra sân thượng, lòng ngổn ngang trăm mối. Sự tự tin bề ngoài của Poirot không làm tôi an tâm. Tôi quyết định phải rất cảnh giác. Năm phút sau Poirot trở lại, trang bị đầy đủ để chống rét, áo chùm cao lên tai. Anh ngồi cạnh tôi, nhấm nháp cà phê. - Cà phê ở Anh là dở nhất - anh nhận xét - Ở đây, trên lục địa, người ta biết cách pha cà phê, điều đó rất cần vì cà phê giúp tiêu hóa tốt. Bỗng nhiên người khách lúc nãy xuất hiện và không do dự, tiến thẳng về phía chúng tôi. - Cho phép tôi được ngồi cùng bàn? - Hắn hỏi bằng tiếng Anh. - Tất nhiên rồi! - Poirot đáp. Mặc dù chung quanh đông người, tôi thấy ngài ngại, lo nguy hiểm xảy ra. Tên "Số Bốn” tự nhiên như không, nói chuyện về những chuyến tham quan, đi dạo. Không thể coi hắn là cái gì khác hơn một khách du lịch. Hắn rút ống điếu từ trong túi và châm thuốc. Poirot cũng rút hộp thuốc lá. Anh vừa đưa điếu thuốc lên miệng, người lạ đã xoẹt diêm, nghiêng về phía anh: - Cho phép tôi châm lửa cho ông! Hắn vừa nói xong, tất cả đèn đóm đều tắt. Tôi thấy có gì gõ nhẹ vào đầu, cổ ngạt thở vì một mùi quái lạ…