Dịch giả: Bá Dung
CHƯƠNG HAI
YÊU CẦU SỰ GIÚP ĐỠ

Ngày hôm sau, đúng lúc 9.05 giờ sáng, tôi bước vào phòng ăn chung của chúng tôi định ăn sáng. Anh bạn Poirot của tôi, cực kỳ chính xác như mọi lần, vừa mới bắt đầu bóc vỏ quả trứng thứ hai.
Nhìn thấy tôi anh tươi hẳn lên.
- Anh ngủ tốt chứ? Anh đã lại sức sau một chuyến đi thật kinh khủng rồi chứ? Thật ngạc nhiên là anh đã xuất hiện gần như đúng giờ vào sáng nay. Xin lỗi anh, nhưng cà vạt của anh bị lệch. Cho phép tôi sửa lại nào.
Tôi đã mô tả Hercule Poirot trong nhiều bút ký khác. Thật là một con người khác thường: cao 5 feet 4 inch (khoảng 1,63m), đầu hình quả trứng hơi nghiêng, mắt lấp lánh ngọn lửa màu xanh khi lo âu hay giận dữ, hàng ria mép kiểu nhà binh cứng quèo và lòng tự trọng rất cao, Poirot rất cẩn thận, chỉnh tề và bao giờ cũng ăn mặc bảnh bao. Anh có cái thú bẩm sinh là thích mọi thứ đều nề nếp, ngăn nắp. Nếu thấy ai có đồ trang sức cài lệch, bụi bám vào quần áo hay quần áo không được chỉnh tề thì anh sẽ lấy làm đau khổ cho đến khi nào chỉnh sửa xong được mọi chỗ lệch lạc đó. “Nề nếp” và “lo-gích” là những vị chúa của anh. Anh không giấu diếm sự khinh thường đối với những bằng chứng vật chất, như vết chân hoặc mẩu thuốc lá trên sàn nhà hoặc ở đâu đó, và khẳng định rằng, nếu tách rời những tang vật khác thì bằng chứng đó không bao giờ có thể giúp nhà thám tử tìm ra kẻ phạm tôi. Phá được một vụ án phức tạp, Poirot có thể vui sướng như trẻ con và đồng thời thích gõ ngón tay vào cái đầu hình quả trứng của mình và nói một cách dạy đời: “Công việc thực sự xảy ra ở đây này. Anh bạn của tôi ơi, hãy ghi nhớ là những tế bào xám bé nhỏ có thể giải quyết mọi chuyện”.
Tôi ngồi vào bàn ăn và đáp lại lời chào của Poirot, tôi nhận xét qua rằng, chuyến đi một giờ trên đường biển từ Calais đến Dover vị tất có thể coi là “kinh khủng”.
Poirot khua chiếc thìa cà phê để bác bỏ lời nhận xét của tôi một cách diễn cảm.
- Không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu trong suốt một tiếng đồng hồ con người thể nghiệm những tình cảm và cảm xúc kinh khủng nhất, thì có nghĩa là người đó đã sống nhiều giờ. Một nhà thơ người Anh các anh đã nói rất hình tượng rằng “thời gian không tính bằng giờ, mà bằng nhịp đập của trái tim”.
- Tôi cảm thấy rằng Brownnile dù sao cũng muốn nói đến một cái gì lãng mạn hơn là bệnh say sóng.
- Sỡ dĩ như vậy là vì ông ta là người Anh. Ôi chao, những người Anh các anh. Mọi việc ở các anh đều khác người.
Bỗng nhiên anh ngừng lại và bằng một động tác rất kịch, chỉ tay vào lò bánh mỳ.
- Đây chẳng hạn, cái đó cũng quá đủ rồi - Anh nói lớn.
- Chuyện gì xảy ra vậy?
- Mẩu bánh này. Anh có nhận thấy nó không? - Anh lấy mẩu bánh mỳ từ trong lò ra và chìa cho tôi xem.
Phải chăng miếng bánh này hình vuông? Không phải. Hình tam giác ư? Cũng không phải. Có lẽ hình tròn? Không đúng. Liệu nó có một hình dáng nào vừa mắt không? Đâu là sự đối xứng ở đây? Không có.
- Miếng bánh này cắt từ một miếng bánh hình tròn, Poirot ạ - tôi điềm tĩnh giải thích.
Poirot nhìn tôi khinh thị.
- Anh bạn Hastings của tôi giàu óc tưởng tượng làm sao - Poirot nói giọng châm biếm - Anh hiểu rằng tôi cấm dọn thứ bánh này. Đó là loại bánh chẳng có hình thù gì cả, được làm một cách cẩu thả, thứ bánh mà không một người thợ nướng bánh nào có quyền làm.
Tôi chỉ vào đống thư mà người ta mới mang đến cho Poirot, định lái chuyện sang hướng khác:
- Có gì đáng chú ý không?
Poirot lắc đầu vẻ không hài lòng.
- Tôi chưa xem qua thư, nhưng hiện nay chẳng có gì đáng chú ý cả. Những tên tội phạm lớn có phương pháp riêng của mình không còn tồn tại nữa. Những vụ mà thời gian qua tôi phải điều tra thật quá tầm thường. Nói thật, tôi đã đi đến chỗ phải tìm cả những con chó nhà bị mất cho các bà mệnh phụ đấy. Vụ phạm tội ít nhiều đáng chú ý cuối cùng là vụ rắc rối nhỏ liên quan đến chuỗi ngọc kim cương của Jack Deli. Mà chuyện đó xảy ra cách đây mấy tháng rồi hở anh bạn?
Anh đau buồn lắc đầu.
- Đừng rầu rĩ nữa, Poirot, anh sẽ còn gặp may. Anh hãy bóc thư xem đi. Ai mà biết được là một vụ án lớn có lẽ đang chờ ta ở phía trước.
Poirot mỉm cười và lấy con dao nhỏ sạch sẽ dùng để mở phong bì rồi rọc mấy bức thư để trên mặt bàn ngay bên cạnh anh.
- Phiếu trả tiền. Lại một phiếu trả tiền. Điều này có nghĩa là tôi trở thành một kẻ tiêu xài trong những năm tuổi già của mình. Còn đây là mẫu thư của Japp.
- Thật à? - Tôi lắng tai nghe. Thanh tra viên ở Scotland Yard là Japp đã nhiều lần mời chúng tôi tham gia những vụ đáng chú ý.
- Ông ta chỉ cảm ơn tôi về lời khuyên nhỏ trong vụ Aberystwyth vì đã đưa ông ta đi theo con đường đúng. Tôi rất vui mừng đã giúp ông ta.
- Thế ông ta cảm ơn anh bằng những lời ra sao? - Tôi tò mò hỏi vì biết khá rõ Japp.
- Ông ta viết một cách lịch thiệp rằng tôi còn trẻ, tôi cần phải làm gì cho tuổi trẻ của mình và ông ta vui sướng có dịp mời tôi tham gia vào vụ án.
Điều này rất tiêu biểu cho Japp đến mức tôi không kìm chế được và bật cười. Poirot tiếp tục bình tĩnh đọc thư vừa nhận được.
- Người ta đề nghị tôi giảng bài cho các hướng đạo sinh địa phương chúng ta. Nữ bá tước Forfanock sẽ rất cảm ơn nếu tôi đến thăm bà ta. Rõ ràng là lại có một con chó cảnh nữa bị mất đấy. Và đây là bức thư cuối cùng… Ôi chao!
Tôi cảnh giác đề phòng khi nghe thấy tiếng than đó. Poirot chăm chú đọc. Một phút sau anh đưa thư cho tôi.
- Rất đặc biệt, anh bạn ạ. Anh cứ xem đi sẽ rõ.
Bức thư viết trên giấy viết thư nước ngoài bằng nét chữ rắn rỏi, có tính cách riêng:
 
Biệt thự Genevieve
Merlinville trên bờ biển nước Pháp
 
Kính thưa quý ngài!
Tôi cần đến sự giúp đỡ của thám tử, nhưng vì những lý do mà tôi sẽ nói sau này, tôi không muốn mời cảnh sát. Tôi đã nghe nhiều người nói về ngài, và mọi người đều nói rằng ngài không chỉ là một con người tài năng vô điều kiện, mà còn biết giữ bí mật. Tôi không muốn kể chi tiết mọi việc trong thư; nhưng vì điều bí mật mà tôi biết nên cuộc sống của tôi hàng ngày đang gặp nguy hiểm rất lớn. Tôi tin rằng sự nguy hiểm là rất nghiêm trọng và vì thế tôi cầu khẩn ngài đừng chậm trễ đáp tàu biển sang nước Pháp ngay. Tôi sẽ cho xe đến Calais đón khi ngài đánh điện báo cho biết là ngài sẽ đến. Tôi sẽ rất chịu ơn ngài khi ngài khước từ một vụ án mà ngài đang điều tra và tập trung sức lực của ngài vào công việc vì lợi ích của tôi. Tôi sẵn sàng trả số tiền cần thiết để đáp lại sự giúp đỡ của ngài. Tôi cần sự giúp đỡ đó trong một khoảng thời gian dài, bởi vì có lẽ ngài phải đi Santiago là nơi tôi đã sống mấy năm. Xin nhắc lại, tôi sẵn sàng trả bất kỳ số tiền nào mà ngài yêu cầu.
Một lần nữa tôi cam đoan với ngài là vấn đề không thể trì hoãn được.
 
Kính chào Ngài,
P.T. Renauld
 
Bên dưới chữ ký có một câu viết vội như gà bới khó lòng đọc được:
 “Lạy trời! Xin ngài thể nào cũng đến!
Tôi đưa bức thư trả Poirot, tim tôi đập mạnh hơn.
- Có thế chứ! - tôi thốt lên - Ở đây có một điều rõ ràng là khác thường.
- Đúng, quả thế thật. - Poirot nói đều đều.
- Anh nhất định sẽ đi chứ? - Tôi tiếp tục nói.
Poirot gật đầu, suy nghĩ rất lung. Cuối cùng, anh bừng tỉnh và nhìn đồng hồ. Nét mặt anh rất nghiêm trang.
- Này anh bạn, hãy nhớ là chúng ta không thể bỏ phí thời gian. Chuyến tàu nhanh khởi hành từ ga Victoria lúc 11 giờ. Nhưng đừng lo. Chúng ta còn có thể dành 10 phút để thảo luận. Anh sẽ đi với tôi chứ?
- Tôi cũng muốn…
- Chẳng phải chính anh đã nói rằng “sếp” không cần đến anh mấy tuần nữa là gì.
- Ồ, chuyện đó hoàn toàn đúng. Tôi chỉ bị cụt hứng vì lời ám chỉ của ngài Renauld nói rằng đây là chuyện riêng của ông ta.
- Đừng vội kết luận. Nhân tiện nói thêm, tên ông ta tôi cảm thấy quen quen.
- Có một nhà triệu phú Nam Mỹ nổi tiếng. Anh ta mang họ Renauld, mặc dù tôi nghĩ rằng ông ta là người Anh. Tôi chỉ không rõ một điều có phải là ông Renauld này không.
- Không loại trừ khả năng đây chính là ông ta nếu chú ý là trong thư có nhắc đến Santiago. Santiago ở Chile, mà Chile thì ở Nam Mỹ. Chà, chúng ta làm ăn tuyệt đấy chứ!
- Trời, Poirot này - tôi nói giọng ngày càng hồi hộp - vụ này sẽ cho ta món tiền lớn. Nếu gặp may, chúng ta sẽ gầy dựng được cơ đồ khá đấy.
- Không nên lạc quan quá thế, anh bạn. Người giàu không dễ gì chịu bỏ tiền ra đâu. Đã có lần tôi thấy một nhà triệu phú nổi tiếng đuổi một người ra khỏi toa xe điện để tìm đồng nửa xu bị kẹt.
Tôi gật đầu đồng ý.
- Dù sao chăng nữa - Poirot nói tiếp - điều lôi cuốn tôi ở đây không phải là tiền. Điều thú vị là có toàn quyền hành động để tiến hành điều tra, nhưng tin là chúng ta không mất thì giờ vô ích cũng chẳng phải là điều xấu. Nhưng tôi chú ý đến một điều gì đó kỳ lạ trong vụ này. Anh có chú ý đến đoạn tái bút không? Đoạn đó gây cho anh cảm tưởng gì?
Sau khi suy nghĩ tôi trả lời:
- Rõ ràng là ông ta định tự kiềm chế khi viết thư nhưng cuối cùng thì không tự chủ được và bị tình cảm chi phối, ông ta đã viết nguệch ngoạc mấy chữ cuối cùng này.
Poirot lắc đầu không tán thành.
- Anh sai rồi. Lẽ nào anh không thấy rằng trong khi chữ ký viết bằng mực đen, thì tái bút viết rất nhạt không?
- Thế thì sao? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Trời, anh bạn, hãy động não một chút nào! Phải chăng không rõ ràng? Ngài Renauld viết bức thư không thấm mực và đọc lại nội dung cẩn thận. Sau đó không phải do tình cảm tức thời, mà cố ý thêm vào mấy chữ cuối cùng và thấm mực đoạn này.
- Nhưng ông ta viết đoạn đó để làm gì?
- Khỉ thật. Để gây cho tôi ấn tương như đã gây cho anh vậy.
- Tôi không hiểu.
- Nói gọn lại, để bảo đàm là tôi sẽ đến. Ông ta đọc lại thư và không hài lòng về bức thư. Nó được viết ra không ấn tượng đủ mạnh.
Ông im lặng một lát, sau đó nói thêm, giọng dịu dàng, còn mắt sáng lên ánh màu xanh. Điều này bao giờ cũng là dấu hiệu nói lên sự hồi hộp từ bên trong:
- Như vậy đó, anh bạn, bởi vì đoạn tái bút được viết thêm không phải do ảnh hưởng của tình cảm tức thời mà có chú ý và lãnh đạm. Tính cấp bách của vụ này hoàn toàn rõ ràng và chúng ta phải đến gặp ông Renauld càng sớm sớm càng tốt.
- Merlinville - tôi đăm chiêu thì thầm - Tôi cảm thấy đã nghe nói đến địa danh này.
Poirot gật đầu:
- Đó là một miền xa xôi hẻo lánh. Nó nằm khoảng giữa đoạn đường từ Boulogne đi Calais. Việc đi đến vùng đó là một cái mốt. Những người Anh giàu có đi tìm sự yên tĩnh rất thích vùng này. Ngài Renauld, tôi đoán, cũng có một ngôi nhà ở Anh.
- Đúng, ở Rutland Gate, theo như tôi còn nhớ. Và còn có một thái ấp lớn ở nông thôn, đâu như ở Hertfordshire. Nhưng đúng là tôi biết về ông ta rất ít, ông ta hầu như không làm công tác xã hội. Tôi nghĩ rằng ông ta có những khoản tiền lớn ở City (trung tâm thương nghiệp và tài chính ở London) và sống phần lớn cuộc đời ở Chile và Argentina.- Thôi chúng ta sẽ nghe bản thân ông ta kể chi tiết sau. Hãy đi thu xếp hành lý. Mỗi người mang một vali nhỏ thôi. Sau đó chúng ta sẽ đi taxi đến ga Victoria.
- Thế còn bà bá tước thì sao? - Tôi cười hỏi.
- Không cần chú ý làm gì. Vụ việc của bà ta rõ ràng chẳng đáng chú ý.
- Tại sao anh tin như vậy?
- Bởi vì nếu không thì bà ta phải tự đến, chứ không viết thư. Phụ nữ không biết chờ đợi, hãy nhớ lấy điều đó, Hastings ạ.
Lúc 11 giờ, chúng tôi rời ga Victoria đi Dover. Trước lúc khởi hành, Poirot đánh điện báo cho Renauld biết giờ chúng tôi sẽ đến Calais.
- Tôi lấy làm lạ là anh không bỏ tiền ra mua mấy chai thuốc chống say sóng đấy, Poirot ạ. - tôi nhận xét với vẻ châm chọc khi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi lúc sáng.
Bạn tôi vẫn bình thản theo dõi thời tiết, nhìn tôi vẻ trách móc.
- Phải chăng anh đã quên phương pháp rất hay mà Lavoir Didier phát hiện rồi sao? Tôi bao giờ cũng áp dụng phương pháp của ông ta. Cần phải lúc lắc đúng theo nhịp con tàu lắc lư, nếu anh còn nhớ và lắc đầu lúc sang phải, khi sang trái, lúc thở ra, khi hít vào, đồng thời đếm đến sáu mỗi lần hít vào.
- Hừm - tôi cười khẩy - Anh sẽ quá mệt khi lắc lư và đếm đến sáu, cho tới khi anh đến được Santiago đấy.
- Một ý kiến thật là hay! Thế anh nghĩ rằng tôi sẽ đi Santiago à?
- Ngài Renauld đã đề nghị như vậy trong thư của mình mà?
- Ông ta không biết các phương pháp của Hercule Poirot. Tôi không tất tả chạy đi chạy lại, đi chu du đây đó làm kiệt sức mình đâu. Công việc của tôi diễn ra ở bên trong, ở đây này - Poirot nói và gõ lên trán mình một cách kiêu kỳ.
Như mọi lần, động tác đó làm thức dậy trong tôi máu tranh cãi.
- Tất cả những cái đó thì rất tốt, Poirot ạ, nhưng tôi cảm thấy rằng anh đã rơi vào cực đoan khi coi thường một số chứng cứ. Dấu tay đôi khi dẫn đến việc bắt và nhận ra thủ phạm.
- Và rõ ràng đã dẫn đến chỗ treo cổ không ít người vô tội - Poirot nhận xét một cách lạnh lùng.
- Nhưng việc nghiên cứu dấu tay, dấu chân, các loại đất và những chứng cứ khác là việc rất quan trọng.
- Đúng thế, tôi cũng không bao giờ quan niệm khác. Một con người có óc quan sát, một chuyên viên thành thạo tất nhiên là có ích. Nhưng những người như Hercule Poirot còn hơn cả chuyên viên kia. Các chuyên viên thì thu thập sự kiện, còn vai trò của nhà thám tử là đoán ra sự phạm tội bằng suy diễn lô-gic, dựng lại đúng cả chuổi cả sự kiện, liên kết chúng với các chứng cứ. Nhưng trên hết là hiểu tâm lý của phạm nhân. Anh đã đi săn cáo bao giờ chưa?
- Chà, trước đây tôi có đi săn - tôi nói, hơi bất ngờ về cách thay đổi đề tài đột ngột này - Nhưng sao cơ?
- Tôi sẽ giải thích ngay bây giờ. Anh có sử dụng chó khi săn cáo không?
- Chó săn - tôi nhẹ nhàng nói rõ thêm - Có, tất nhiên rồi.
- Nhưng đồng thời - Poirot đưa ngón tay dọa tôi - anh không xuống ngựa và không chạy theo dấu vết, không chúi mũi và không kêu “gâu, gâu” chứ?
Bất giác tôi cười lớn. Poirot gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
- Thế đấy, anh dành công việc nặng nhọc cho chó săn. Thế mà anh lại đòi Hercule Poirot làm trò cười cho thiên hạ, nằm xoài xuống bãi cỏ, cơ thể thì ướt sũng, để tìm các dấu chân có thể có. Anh hãy nhớ lại bí mật của vụ tàu nhanh Plymouth. Ngài Japp hiền lành đi kiểm tra đường sắt. Khi ông ta quay về tôi không cần ra khỏi phòng vẫn mô tả chính xác những gì ông ta tìm thấy.
- Có nghĩa là anh cho rằng Japp đã tốn thời gian vô ích.
- Không chút nào, bởi vì những tang vật mà ông ta tìm được đã khẳng định giả thuyết của tôi. Nhưng tôi sẽ tiêu phí thời gian vô ích nếu tôi đi tới đó. Với các chuyên viên cũng giống như vậy. Anh hãy nhớ lại vụ Cavendish (xin tìm đọc: Thảm kịch bí ẩn ở Styles). Trong thời gian công tố viên tiến hành hỏi cung đã xác định sự giống nhau giữa các nét chữ, còn bên bào chữa thì bám lấy những lời khai nói rằng nét chữ không giống nhau. Tất cả những việc đó đều được tiến hành trên cơ sở pháp lý chặt chẽ. Còn kết quả thì sao? Nết chữ mà chúng ta biết từ đầu, tức là nét chữ được đối chiếu, rất giống với nét chữ của John Cavendish. Và trước tư duy lôgic, một câu hỏi “tại sao” được đặt ra. Bởi vì đấy chính là nét chữ của anh ta. Hay là có ai đó muốn gợi ý cho chúng ta về điều đó? Tôi đã trả lời, anh bạn ạ, và đã trả lời đúng.
Thế là Poirot đã thực hiện có hiệu quả việc buộc tôi phải im lặng, mặc dù chưa thuyết phục hoàn toàn, và ngả người trên ghế bành vẻ thỏa mãn.
Tôi hiểu rằng, trên boong tàu thủy, tốt nhất là đừng nên làm bạn tôi buồn, và tôi đã đi ra chỗ khác. Trong chuyến đi, thời tiết thật là tuyệt, hiền lặng như mặt gương. Vì thế tôi không lấy làm ngạc nhiên khi Poirot tươi cười đến gặp tôi lúc lên bờ và nói rằng, phương pháp mà ông áp dụng để tránh say sóng một lần nữa xứng đáng với danh tiếng của nó. Nhưng ở đây chúng tôi thất vọng: ôtô không đến đón chúng tôi.
Poirot đành giả định là bức điện anh đánh chưa đến nơi.
- Bởi vì chúng ta được toàn quyền hành động, chúng ta đi thuê một chiếc xe - Poirot nói không chút âu sầu.
Mấy phút sau chúng tôi đã đi về hướng Merlinville. Chúng tôi bị lắc nhẹ cùng với tiếng cót két trong chiếc xe cũ rích, thuộc loại cổ nhất trong tất cả những chiếc xe đã từng dùng để cho thuê.
Tinh thần tôi phấn chấn lạ thường.
- Không khí thật là tuyệt diệu! - Tôi thốt lên - Chuyến đi này hứa hẹn nhiều điều thú vị.
- Đối với anh thì đúng. Còn tôi thì phải làm việc. Về những cái tuyệt diệu của chuyến đi, chúng ta sẽ nói đến khi nó đã kết thúc.
- Ái chà! - Tôi tiếp tục vẻ yêu đời - Anh sẽ phát hiện được mọi chuyện, sẽ đảm bảo an toàn cho ngài Renauld, sẽ tìm ra kẻ gây tội ác, và mọi chuyện sẽ kết thúc trong vinh quang, chói lọi.
- Anh lạc quan thật, anh bạn ạ.
- Đúng, tôi hoàn toàn tin vào thắng lợi. Chả lẽ anh không phải là Hercule Poirot không ai sánh nổi sao?
Nhưng bạn tôi không sa vào cái bẫy này mà quan sát tôi với vẻ nghiêm trang.
- Chúng ta có tâm trạng mà người Hà Lan gọi là “bốc đồng” đấy Hasting ạ. Tiếp sau nó sẽ là một tai họa khủng khiếp.
- Nhảm nhí. Thật tiếc rằng anh đã không chia sẻ những tìn cảm của tôi.
- Ngược lại, tôi cảm thấy sợ hãi.
- Anh sợ cái gì?
- Tôi không biết. Nhưng tôi linh cảm thấy một tai họa nào đó.
Anh nói nghiêm chỉnh đến mức độ tôi bất giác cũng có tâm trạng như anh.
- Tôi có cảm giác - anh nói chậm rãi - rằng đây sẽ là một vụ phức tạp, một câu chuyện dài, rắc rối mà ta không dễ gì gỡ được mối.
Tôi định lục vấn tiếp, nhưng lúc đó chúng tôi đã đến gần Merlinville và chúng tôi tạm dừng xe để hỏi người qua đường xem đến biệt thự Gienevieve đi lối nào.
- Ngài cứ đi thẳng, qua thị trấn. Biệt thự Gienevieve chỉ cách thị trấn khoảng nửa dặm. Ngài sẽ không đi quá đâu. Đấy là một biệt thự lớn, trông ra biển - người qua đường trả lời.
Chúng tôi cảm ơn rồi đi tiếp, bỏ thị trấn lại phía sau. Trước mặt lại một ngã ba đường buộc chúng tôi phải dừng lại lần thứ hai. Một người nông dân lê bước về phía chúng tôi. Chúng tôi đợi anh ta đến gần. Cách đường không xa là một ngôi nhà nhỏ bị phá hỏng một nửa. Không thể xem đấy là biệt thự cần tìm. Trong khi chúng tôi đứng đó, cổng vườn mở toang và một cô gái trẻ từ trong nhà bước ra.
Người nông dân đến ngang chỗ chúng tôi và trả lời câu hỏi của người lái xe:
- Biệt thự Gienevieve hả? Chỉ đi có mấy bước theo đường này rồi rẽ phải, thưa ngài. Nếu không phải là chỗ đường rẽ thì các ngài đã trông thấy biệt thự rồi.
Người lái xe gật đầu và xe lại chuyển bánh, tôi như mê mẩn nhìn cô gái đang quan sát chúng tôi, tay tựa vào cổng vườn. Tôi tôn thờ cái đẹp, nhưng ở đây là một mỹ nhân, đẹp đến nỗi không ai có thể thờ ơ khi đi ngang qua. Người cao, thân hình cân đối, giống như một nữ thần trẻ, tóc vàng trải dài sau lưng, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tôi có thể thề rằng đó là một trong những cô gái đẹp nhất mà tôi được trông thấy. Khi xe đi khuất trên đường làng, bất giác tôi ngoảnh lại.
- Poirot, thề có trời chứng giám - tôi kêu lên - anh phải chú ý đến nữ thần trẻ này.
Poirot nhướn lông mày.
- Bắt đầu rồi đấy - anh lầu bầu - thì anh đã tìm thấy nữ thần đó thôi.
- Thế phải chăng tôi không đúng hả?
- Có thể, nhưng tôi không thấy cô ta có nét gì thần thánh cả?
- Không? Có lẽ anh không nhận thấy.
- Bạn ơi, hai người ít khi cùng nhận thấy một điều. Anh chẳng hạn, đã nhìn thấy nữ thần. Còn tôi… - anh nói chậm lại.
- Sao?
- Tôi chỉ nhìn thấy một cô gái có đôi mắt lo âu - Poirot nói nghiêm trang.
Đúng lúc đó chúng tôi đến gần một cái cổng lớn màu xanh và chúng tôi cùng thốt kêu lên. Đứng cạnh cổng là một người cảnh sát vạm vỡ. Anh ta giơ tay cản đường chúng tôi.
- Thưa ngài, có lệnh cấm không ai được qua đây.
- Nhưng chúng tôi muốn gặp ngài Renauld. Cuộc gặp của chúng tôi đã được định liệu. Và đây chính là biệt thư của ông ta?
- Vâng, thưa ngài, nhưng…
Poirot nhoài người về phía trước:
- Nhưng sao cơ?
- Ngài Renauld đã bị giết sáng nay rồi!