Có những người bề ngoài ra vẻ thầy, ông lắm, nhưng ta đừng vội xét họ, phải đợi họ nói ít lời mới biết được giá trị của họ. Biết bao người vào hạng “trí thức” mà lầm “mục kích” với “mục đích”, “phương diện” với “phương tiện”. Và các bạn còn nhớ báo Phong hoá hồi trước đã chế giễu một cách chua cay một ông cử thi Tri huyện mà dùng lầm bốn tiếng “phụ mẫu chi dân” để chỉ các quan lớn nhỏ, nghĩa là chỉ hạng “dân chi phụ mẫu”. Sự dùng sai tiếng và ngữ pháp chẳng những làm cho người khác hiểu lầm ý ta mà còn cho người một cảm tưởng không tốt về mình nữa. Sự lựa tiếng mà dùng cũng rất quan trọng, nó là cây thước đo sức học và nền giáo dục của ta. Chưa ai đếm xem Việt ngữ có được bao nhiêu tiếng, nhưng chúng tôi tưởng ít nhất cũng trên 5, 6 vạn. Vậy mà biết bao nhiêu người suốt đời chỉ dùng 5, 6 trăm tiếng thôi, và có nhiều tiếng họ dùng đi dùng lại hoài, cả trong những trường hợp khác nhau nữa. Nếu bạn nói: “Tôi hiểu được mà không nói được” hoặc là tả bất kỳ vật gì cũng dùng những “đẹp quá xá, hay lắm, được lắm” thì thật là dụng ngữ của bạn không phong phú chút nào hết. Không phải cái gì cũng gọi là “cái” được. Một đoá hoa, một chùm hoa, một giỏ hoa, chứ không phải là một “cái hoa”. Một căn nhà, một toà nhà, một ngôi nhà, chứ không phải một “cái nhà”… Không phải cái gì cũng “ngộ” cũng “kỳ”. Có tiếng “ngộ” nhưng cũng có tiếng “đẹp, xinh, rực rỡ, lộng lẫy, huy hoàng, bóng bẩy, có duyên, tươi, nhã…”. Có những cử chỉ “kỳ”, nhưng cũng có những cử chỉ “lạ lùng, quái dị, khác thường, lố lăng, siêu quần, lỗi lạc…”. Bạn nên thu thập những tiếng hơi đồng nghĩa với nhau đó, sắp đặt lại, phân biệt từng tiếng, cân nhắc từng ly rồi hãy dùng. Tài dùng chữ không phải do trời sinh đâu, do công phu luyện tập. Có bốn loại dụng ngữ: 1. Loại dùng để đọc,2. Loại để viết,3. Loại để nghe,4. Loại để nói. Loại thứ nhất và thứ ba giúp ta hiểu những ý tưởng của người khác, loại thứ nhì và thứ tư giúp ta diễn đạt ý tưởng của ta. Hai loại sau này khác hai loại trên. Có thể bạn hiểu nghĩa những tiếng huyết hãn, yên hà, bát hoang lục vũ, mà không bao giờ dùng tới, bạn chỉ dùng những tiếng mồ hôi và máu, mây và khói, tám phương trời, không gian… Còn nhiều lối phân loại nữa nhưng cách sau này hoàn toàn hơn cả. Loại thứ nhất: Những tiếng cổ như: bèn, chìn, mìn[1], sính đồ, cử tử, môn đệ, thị tì… Đọc những tiếng đó, ta thấy cả một thời xưa hiện ra trước mắt ta, thời có những cáng xanh, những tàn tía, những thư sinh lướt thướt trong chiếc áo dài, những tiểu thư e lệ dưới chiếc nón quai thao. Loại thứ nhì. Những tiếng văn chương như song thân, nghiêm đường, diễm lệ để chỉ cha mẹ, cha, đẹp đẽ. Loại thứ ba. Những tiếng thân mật thông thường như ba má, bồ (bạn thân), dộng (ăn), sửa lưng (đánh, trị), no (giàu có), thả (đi chơi liêu lỏng), ổng (ông ấy)… Loại thứ tư. Những tiếng lóng như thổi (ăn cắp), nhảy dù (làm trái phép), bố (đánh, mắng), đánh phép (cóp bài), trúng tủ (nhằm bài học rồi hoặc làm rồi), bắn khỉ (hút thuốc phiện), xây tướng (đánh bài), nừng (ngốc), có đường, có gió (có hi vọng khá), kẻng (bảnh). Nhưng những tiếng ấy thường thay loại, đương ở loại trên nhảy xuống loại dưới hoặc ngược lại. Như những tiếng lóng dùng lâu thì thành tiếng thân mật. Ta phải biết những loại đó để tuỳ chỗ dùng cho hợp, vì tiếng nói cũng như y phục, có tiếng dùng ở nhà thì được, mà dùng trong những đám hội họp lịch sự thì không nên. Những tiếng cổ dùng trong những câu chuyện thường ngày thì sai chỗ, nhưng dùng trong một bài để gây lên cái không khí thời xưa thì lại rất đắc dụng. DỤNG NGỮ CẦN PHONG PHÚ Nếu dụng ngữ của ta phong phú, ta được những lợi thế sau này: 1. Ta biết đủ tiếng để hiểu những sách báo đứng đắn. 2. Ta còn hiểu được những tinh vi trong sự lựa tiếng của tác giả nữa và do đó hiểu được thâm ý của họ. 3. Ta xét được tác giả hoặc diễn giả có hiểu rõ vấn đề họ bàn không hay chỉ ba hoa để loè đời. Thứ nhất là hồi này ta thường gặp những nhà chánh trị dùng toàn những danh từ mới, nghe có vẻ thông thái, cao xa lắm mà tư tưởng thì rỗng như trống, nhạt như bã mía. 4. Ta có thể suy nghĩ rõ ràng về một vấn đề nào đó và diễn đúng những ý kiến ta muốn phát biểu. Bạn học rộng, tài cao, có nhiều tư tưởng tân kỳ mặc dầu, nếu bạn không diễn đạt được thì cũng không ai biết được trong óc bạn có gì hết. LÀM SAO CHO DỤNG NGỮ CỦA TA ĐƯỢC PHONG PHÚ Tại Âu Mỹ, người ta tính rằng trung bình người người lớn biết dùng 3.500 tiếng, người nào có tài lắm thì dùng được 6.000 tiếng, học sinh trung bình chỉ dùng 2.000 tiếng. Nhưng trẻ em 12 tuổi hiểu được 7.200 tiếng, người lớn trung bình hiểu được 11.700 tiếng. Sở dĩ ta hiểu được nhiều tiếng như vậy là vì có những tiếng dùng trong mỗi nghề mà chỉ cần làm nghề đó là đủ biết, khỏi phải học. Muốn cho dụng ngữ phong phú thêm, ta phải: 1. Đọc nhiều, bất kỳ loại sách nào, làm quen với nhiều người trong bất kỳ giới nào. 2. Nghe những diễn văn hùng hồn của nhiều diễn giả. 3. Luôn luôn học thêm, học suốt đời ta, đừng bao giờ ngừng. 4. Thường tra tự điển. ĐỌC SÁCH BÁO Francis Bacon nói: “Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ nên nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm, nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn thôi, những cuốn chỉ đọc qua cho biết và có một ít cuốn phải đọc hết, siêng năng chăm chú đọc rồi suy nghĩ”. Đọc sách, ta thường gặp những tiếng mới. Có những tiếng coi đoạn trên và đoạn dưới cũng đoán được nghĩa. Ví dụ như tiếu “du dương” ta có thể không hiểu nghĩa của nó, nhưng nếu ta thấy có tiếng “giọng” đứng trước thì ta đoán được ngay du dương là một tĩnh từ để tả một thứ giọng nào đó. Nhưng đoán nghĩa như vậy không đủ, vì ta mới hiểu được lờ mờ thôi, ta phải tra tự điển để hiểu thêm. Đừng mỗi lần gặp tiếng mới lạ, mở tự điển ra, như vậy hết hứng thú. Ta chỉ cần gạch dưới những tiếng đó để hết chương sẽ tra nghĩa một lần. NGHE DIỄN GIẢ CÓ TÀI Những diễn giả có tài thường dùng nhiều tiếng mà ta còn lạ; nghe họ, ta được cái lợi là lần lần quen với những tiếng ấy. Nếu nghe rồi mà lại được đọc bài diễn văn đó đăng trên báo hay in trong sách thì càng ích lợi nhiều nữa. Tại sao bạn không bắt chước George Bernard Shaw, một văn hào Anh, nổi tiếng về tài dùng tiếng? Ông tiếp xúc với đám bình dân, nghe họ nói chuyện và để ý ghi chép những tiếng du dương như đàn sáo, rực rỡ như kim cương rồi về dùng trong văn của ông. Ta đừng tưởng những người nhà quê không có gì cho ta học đâu. Lời lẽ của họ nhiều khi bóng bẩy, hóm hỉnh, tư tưởng của họ nhiều khi thâm trầm và xác đáng mà ta không ngờ. ĐỌC NHỮNG SÁCH VIẾT VỀ TỪ NGỮ Ở Pháp và Anh có nhiều sách nghiên cứu về từ ngữ. Như Pháp có cuốn Vogage à travers les mots của Albert Dauzat, ở Anh có cuốn On the study of words của Richard Chenevix Trench, The Romance of words của Ernest Weekley, Words and their ways in English speech của George L. Kittredge và J. B. Greenough. Ở nước ta, loại sách đó còn hiếm, nhưng đọc những cuốn: Tầm nguyên tự điển của Lê Văn Hoè. Thành ngữ điển tích của Diên Hương. Tầm nguyện tự điển của Bửu Kế. ta cũng học được nhiều về tiếng Việt. Chắc các bạn nhận rằng điển tích có một địa vị quan trọng trong văn học nước ta, chẳng những ta phải hiểu mà còn nên biết cách dùng nó nữa. Biết bao truyện cổ đã được dùng làm điển tích. Đọc những truyện ấy như sống lùi lại hàng ngàn năm, mục kích cuộc đời muôn vẻ nghìn màu của cổ nhân. TỰ ĐIỂN Anatole France rất thích tự điển. Ông thành một trong những nghệ sĩ có công nhất với nền văn học Pháp, điều đó cũng không có chi lạ. Tự điển giúp ta biết cách viết và dùng mỗi tiếng nghĩa đen, nghĩa bóng, tự loại, ngữ nguyên (étymologie) của nó, những tiếng đồng nghĩa với nó. Tự điển của các ngoại ngữ như Pháp ngữ, Anh ngữ còn chỉ cách đọc của từng tiếng nữa. CHÁNH TẢ Chánh tả Việt ngữ dễ hơn chánh tả Pháp ngữ nhiều vì ta không có phần chánh tả pháp (orthographe grammaticale). Sở dĩ ta thấy khó vì: - Từ trước tới nay ta chưa hề học Việt ngữ một cách kỹ lưỡng có hệ thống như học Pháp ngữ; - Ta thiếu sách, thiếu cả một bộ tự điển đầu đủ; - Giọng nói của ta chưa được nhất luật: cùng một tiếng Bắc Nam phát âm khác nhau. Ngày nào mà giọng nói nhất luật và tự Bắc chí Nam, ai cũng phát âm theo giọng đó thì vấn đề chánh tả của ta gần như không còn nữa; lúc đó tự nhiên ai cũng viết được gần đúng chánh tả. Hiện nay vấn đề chánh tả còn là một vấn đề rắc rối mà môn chánh tả còn là một môn hơi khó. Nhưng ta không thể lấy lẽ rằng nó khó mà viết sai chánh tả được. Bạn thử cho tôi biết cảm tưởng của bạn ra sao về “tác giả” mấy hàng chữ này: “Thằn Bít xinh nghĩ dì nó đao”. Bạn có hiểu không? Không. Thì đây, “tác giả” muốn viết rằng “Thằng Bích xin nghỉ vì nó đau”. Theo tôi, muốn viết trúng chánh tả, hiện nay không có cách nào khác là thuộc cách viết, và nếu có thể được, nói cho đúng giọng. Ví dụ các bạn thường lầm các tiếng: - dễ (dễ dàng, trái với khó) - dể (khinh dể). - rể (chú rể, cô dâu). - rễ (rễ cây). Thì các bạn rán chép những tiếng đó vào một cuốn sổ tay, mở ra coi thường và rán đọc cho trúng: - dấu ~ thì giọng đưa xuống một chút rồi đưa lên. - dấu ’ thì giọng đưa lên một chút rồi đưa xuống. - phụ âm d không uốn lưỡi. - phụ âm r hơi uốn lưỡi. Những bạn ở miền ngoài thường lộn những phụ âm (consonnes) ở đầu như: - ch lộn với tr - d lộn với r - s lộn với x Những bạn miền trong thường lộn dấu ’ với dấu ~ và lộn những phụ âm ở cuối như: - t với c (dắt trâu viết ra dắc trâu) - ng với n (Phan Thanh Giản viết ra Phan Thanh Giảng). Riêng về hai dấu ’ và ~, tôi tưởng chúng ta đừng nên quá tin rằng luật hỏi ngã (huyền, ngã, nặng, ba dấu đó đi với nhau; không dấu, hỏi, sắc đi với nhau) là cây đũa Tiên mầu nhiệm vô cùng, giúp ta luôn luôn bỏ trúng hai dấu đó. Vì muốn áp dụng luật ấy, phải biết phân biệt tiếng Hán Việt với tiếng Việt, như vậy phải học tiếng Hán Việt, mà công học đó gấp bốn, năm lần học những tiếng dấu ~. Trước sau chỉ có độ 800 tiếng có dấu ~, trong số đó non nửa là những tiếng ít khi dùng đến. Vậy biết rõ được khoảng 400 tiếng có dấu ~ thì mười lần tới bảy, tám lần ta viết trúng được ’ ~ rồi. Và thứ nhất là mỗi khi ngờ ngợ về chánh tả của một tiếng thì mở tự điển ra tra liền. Bạn nên dùng: Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ. Bộ này soạn rất công phu, có phương pháp nhất và đầy đủ nhất từ trước tới nay. Tủ sách nào cũng cần phải có nó. NGHĨA MỖI TIẾNG Có nhiều cách định nghĩa: 1. Định nghĩa bằng cách dùng một tiếng hơi đồng nghĩa. Cách này thường thấy trong các loại tiểu tự điển. Như “chia” định nghĩa là “san ra, sẻ ra, phân ra”. 2. Định nghĩa theo phép luận lý. Như “chùa” là nhà thờ Phật, có tăng, ni ở. “Tự điển” là cuốn sách chỉ cho ta biết nghĩa và cách đọc, cách viết, cách dùng mỗi tiếng. Trong phép định nghĩa này, ta sắp những tiếng thành từng loại với nhau như “chùa” sắp vào loại nhà, “tự điển” sắp vào loại sách, rồi phân biệt xem những tiếng trỏ cùng một loại khác nhau ở chỗ nào. 3. Định nghĩa một cách dài dòng, như đoạn sau này của Nguyễn Bá Học viết để định nghĩa tiếng “Tự trọng”: “Người ý khí, tài lực hơn người, không nương tựa ai, tự mình mình đi, tự mình mình lại, tự mình quí mình, ai yêu cũng không mừng, ai ghét cũng không giận, gọi là tự trọng… Ta phải biết rằng tự trọng vốn hoà hợp với mọi người, vốn kính trọng người tiền bối, vốn giữ pháp luật, vốn trọng cương thường, có tài năng, có kiến thức, việc đã làm không sợ khó, chí đã định không hồ nghi, thấy giàu sang không náo nức, phải nghèo hèn không phàn nàn”. 4. Định nghĩa bằng một chuyện vặt hoặc một dật sử. Ví dụ một người định nghĩa tiếng “quái vật” như sau: Người đó hỏi bạn: - Anh có biết con bò cái không? Người bạn ngạc nhiên, nhưng cũng đáp: Có. - Anh có biết cây ô-rô không (một loại cây nhỏ, lá có gai, mọc ở bờ nước)? Người bạn ngạc nhiên hơn nữa, ngập ngừng đáp: Có. - Anh có nghe con chim hoàng yến hót bao giờ không? - Có. - Vậy nếu anh thấy một con bò cái ngồi trên cây ô-rô mà hót như con chim hoàng yến thì đó là một “quái vật” đấy. 5. Định nghĩa bằng cách phân tích. Phương pháp này, các nhà hoá học thường dùng. Như “không khí” là một khi có khoảng 1/5 dưỡng khí và 4/5 đạm khí, một chút hơi nước, thán khí… 6. Định nghĩa bằng cách tìm ngữ nguyên. Ví dụ Châu Trần là họ Châu và họ Trần; hồi xưa ở bên Trung Hoa, hai họ ấy ở cùng một thôn, đời đời kết hôn với nhau, cho nên Châu Trần bây giờ có nghĩa là thông gia với nhau. 7. Định nghĩa bằng cách đối tỉ. Như “vị tha” là trái nghĩa với “vị kỷ”, “hèn nhát” trái với “can đảm”. CÁCH DÙNG TIẾNG Ta có thể biết chánh tả và nghĩa của một tiếng mà không biết dùng nó. Tiếng cũng như người vậy, có tổ tiên, đẳng cấp và cái duyên thầm kín đáo không thể giảng được. Khi dùng tiếng, ta phải để ý đến những đặc điểm đó để dùng cho phải chỗ. Ví dụ “a hoàn” là một tiếng cổ, thanh nhã để chỉ người ở gái. Nếu ta viết hoặc nói: “Xe rác mới đi ngang qua mà a hoàn của tôi quên không đổ rác”, thì nghe nó buồn cười làm sao! Hoặc “nghiêm đường” là tiếng văn chương để chỉ người cha đáng kính trọng mà dùng trong câu này: “Nghiêm đường của tôi “nhậu” rồi ngủ li bì”, thì nghe chướng tai lắm, nếu không phải là cố ý khôi hài. Vậy những tiếng cùng đẳng cấp (hoặc đều là văn chương, hoặc đều thông thường, hoặc đều cổ, đều mới hết) phải đi với nhau. Lại có những tiếng gợi nhiều tình cảm như “gia đình”, “tổ uyên ương”, “nơi chôn nhau cắt rốn (rún)”. Bạn có phân biệt được nghĩa những tiếng sau này không? Nhà quê………..nơi bùn lầy nước đọngDân cày………..bác nông phuLàng xóm……...thôn quêNhà lá……….…thảo lưKhách lạ……….khách viễn phươngBạn cũ…………bạn để chỏmĐứa nhỏ…….….em béMặt trăng………chị Hằng Những người quen nghe âm nhạc, chỉ nghe một tiếng cũng phân biệt được tiếng sáo hay tiếng tiêu. Hoạ sĩ Whistler, trứ danh ở Mỹ, phân biệt được 12 màu trắng. Bạn cũng vậy, nếu bạn chịu luyện tập thì bạn có thể phân biệt rõ ràng những tiếng gần đồng nghĩa với nhau. Bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức không chỉ loại của mỗi tiếng. Kể cũng khó. Trái lại trong cuốn Việt ngữ chánh tả, hai ông Phạm Trọng Kiên và Nguyễn Vạn Tòng ghi tự loại của từng tiếng. Kể thì cũng gượng. Vì ta nên nhớ rằng Việt ngữ, không có phần biến di tự dạng (nghĩa là không thay đổi lối viết theo số nhiều, số ít, giống đực, giống cái), cũng không có tự loại nhất định. Cùng một tiếng mà lúc thì dùng làm động từ, lúc làm danh từ, hình dung từ… Ví dụ: Tôi vác cần câu đi câu. Tiếng “câu” sau là động từ, tiếng “câu” trước đi với tiếng “cần” thành một danh từ. và: Trăng rất trăng là trăng của tình duyên. (Xuân Diệu) Tiếng “trăng” thứ nhất là danh từ, tiếng “trăng” thứ nhì là hình dung từ. NGỮ NGUYÊN Tìm nguồn gốc một tiếng là một việc nhiều khi khó khăn nhưng luôn luôn có hứng thú. Ta nên phân biệt: a) những tiếng Việt – số này ít – như: ăn, mặc, một, hai, đi, đứng, nũng nịu, trái chuối, con chó… Những tiếng đó hoàn toàn của ta, không do một tiếng ngoại quốc nào ra hết. b) những tiếng Hán-Việt, do tiếng Hán mà đọc theo giọng của ta như: tâm, can, dụng, đắc… c) những tiếng Việt hoá, tức những tiếng Hán-Việt mà bình dân thường dùng rồi thay đổi ít nhiều như: tim, gan, dùng, được… Tiếng Việt có thể gọi là hài thanh được, nghĩa là dùng thanh âm để diễn ý. Như những tiếng “lơ thơ”, “gập ghềnh”, “khúc khuỷu”, “buồn rười rượi”… chỉ nghe thôi, ta cũng đoán được nghĩa ra sao. Tiếng Trung Hoa cũng có phần hài thanh nhưng vốn là để tượng hình, như “nhật” là mặt trời là một vòng tròn trong có một cái chấm, chữ “đán” là buổi sớm có hình mặt trời ló khỏi chân trời[2]. Hiểu đặc tánh và những luật biến âm[3] (xin coi bộ Việt ngữ chính tả tự vị của ông Lê Ngọc Trụ) ta sẽ tìm được nguồn gốc của nhiều tiếng và một khi đã biết nguồn gốc rồi thì ta hiểu rõ và nhớ lâu nghĩa của nó. Có những tiếng mượn của Pháp: xà bông[4], gác (lính gác, nhà thuốc gác), nhà ga… Lại có những tiếng do điển tích như: tang thương, tào khang, ả đào… Lúc buồn, nên đọc những cuốn Tầm nguyên tự điển của Bửu Kế, của Lê Văn Hoè và Thành ngữ điển tích của Diên Hương. Lối tiêu khiển đó vừa bổ ích, vừa thú vị. Bạn có biết tiếng “đồng hồ” do đâu mà ra không? Đồng hồ là cái hồ bằng đồng có lỗ thủng nhỏ ở đáy, để nước trong hồ rỉ xuống, do đó mà đo được thì giờ. Ngày nay cái máy xem giờ mà bạn đeo ở cổ tay cũng gọi là đồng hồ, mặc dầu nó không phải là cái hồ mà làm bằng thép nhiều hơn là bằng đồng. Bạn có biết tại sao trái nhau gọi là “mâu thuẫn” không? Vì “mâu” là một binh khí tựa cái giáo, “thuẫn” là một cái mộc (cái khiên). Công dụng của hai thứ binh khí đó trái ngược nhau: cái thứ nhất dùng để đâm, cái thứ nhì dùng để đỡ. Mỗi tiếng đều có nguồn gốc của nó. Hiểu rõ rồi ít khi ta dùng sai. NHỮNG TIẾNG ĐỒNG NGHĨA Nhiều người bảo tiếng Việt nghèo. Về vài phương diện, lời đó đúng, như: những danh từ khoa học ta hoàn toàn phải mượn của nước ngoài và cũng mới mượn được chút ít thôi. Những tiếng trừu tượng của ta cũng ít, phải mượn của Trung Quốc. Nhưng nhiều khi tiếng của ta cũng rất phong phú. Chắc bạn đã nghe nhiều người cử ra thí dụ sau này. Tiếng Pháp chỉ có một tiếng “Porter” mà tiếng Việt thì có cả chục tiếng như: mang, ẵm, bế, bồng, bưng, cầm, cắp, cáng, cõng, chở, đem, đội, đeo, đèo, gánh, gồng, kèm, khênh, khiêng, khuân, mặc, ôm, quảy, tải, vác, võng, xe, xách, thồ… Tiếng Pháp chỉ có mỗi một tiếng “Noir” mà tiếng Việt có: đen, mun, mực, ô, hắc. Tiếng “bọn” cũng vậy, có cả chục tiếng đồng nghĩa như: bầy, bè, đám, đàn, đảng, đoàn, hội, lũ, nhóm, phe, phường, toán, tốp, tụi, vạn… Bạn có phân biệt được những tiểu dị trong các tiếng đó không? Không! Vậy tôi xin giới thiệu với bạn cuốn Việt ngữ tinh nghĩa tự điển của ông Long Điền Nguyễn Văn Minh, một cuốn sách viết công phu. Và bạn cũng nên mỗi khi gặp mỗi tiếng lạ trong những sách có giá trị - nhất là trong những cuốn truyện Thuý Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Đại Nam quốc ngữ diễn ca – chép ngay cả câu có tiếng đó để hiểu rõ cách dùng nó. DÙNG TIẾNG Một tiếng mà bạn hiểu nghĩa chưa hẳn là một tiếng mà bạn biết dùng. Ông Mark Twain, một văn hào Anh, cho rằng khi nào bạn đã dùng một tiếng ba lần rồi thì tiếng đó mới thật là của bạn. Trên kia tôi đã nói mỗi tiếng có một đẳng cấp, giá trị riêng. Nhưng khi dùng thì không có tiếng nào quí hơn tiếng nào hết. Một tiếng thông thường mà khéo dùng còn hay hơn một tiếng văn chương mà vụng dùng. Như trong câu: “Lơ thơ tơ liễu buông mành” Tiếng nào cũng là những tiếng thông thường hết mà thi sĩ khéo ghép nhau lại, làm nổi bật một cảnh êm dịu, đẹp đẽ, nên thơ làm sao! Vậy có khi ta phải dùng những tiếng cổ, có khi phải dùng những tiếng mới, có khi lời văn hoa mỹ, có khi lại nên bình dị. Cần nhất lúc nào cũng phải rõ ràng, nếu có thể dùng tiếng Việt hay Việt hoá thay những tiếng Hán-Việt thì càng hay. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng tiếng Việt chưa thể rời cái gốc Hán tự được, cho nên phải dùng tiếng Hán-Việt, dù là tiếng mới đi nữa thì cũng cứ dùng. Bây giờ là mới, dùng lâu nó sẽ quen tai, sẽ hoá cũ. Cách đó là một trong những cách làm giàu Việt ngữ. Sau cùng, tôi tưởng không cần phải nhắc rằng đừng chêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh vào trong câu chuyện bằng tiếng Việt, nhất là những tiếng “vous, toi, lui, miss, madame” nghe lố lăng lắm. Khi nghe một người chưa quen biết kêu tôi bằng “vous” trong câu chuyện bằng tiếng Việt, thì tôi có cảm tưởng rằng người đó thiếu giáo dục. Mong rằng cảm tưởng của tôi sai. Chú thích:[1] Chìn: không rõ là nghĩa gì, có lẽ bản Văn hoá thông tin in sai; bản Đồng Tháp in là: chỉn. Mìn: bản Đồng Tháp in là: min. (Goldfish).[2] Các hình vẽ đó sau thành các chữ: 日 (nhật), 旦 (đán). (Goldfish).[3] Như: - ư, ơ, â, đổi lẫn nhau: chưn, chân; nhơn, nhân; gởi, giử.- b, m, v, đổi lẫn nhau: be, ve; bẹp, mẹp.- s và th thay đổi nhau: sơ, thưa; sương, thương.- dấu nặng thay dấu ~, dấu sắc thay dấu ’: đãi, đợi; kiển, kén, v.v…[Có lẽ chữ kiểm bị in sai thành kiển. (Goldfish).[4] Theo ông An Chi thì xà bông do tiếng Bồ Đào Nha là sabāo mà ra. Trên mục Chuyện Đông chuyện Tây, tạp chí Kiến thức ngày nay số 110, ông viết: “Tiếng Bồ đã vào Việt Nam trước cả tiếng Pháp nhưng chỉ đem đến cho tiếng Việt có vài từ ít ỏi như: xà bông < sabāo (Pháp: savon)…” (xem http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=6033&page=9, post #88). (Goldfish).