CHƯƠNG II
LUYỆN NHÂN CÁCH

Ông G. M. Reynold, hội trưởng một nhà ngân hàng lớn ở Chicago nói: “Chính nhân cách mới đáng kể. Nó có thể luyện được”.
 
Nhân cách là gì? Nhiều sách tâm lý phân tích nó, nhưng có đọc cũng chẳng khôn hơn được chút nào, chẳng bằng đứng về phương diện xã hội và nhân sinh mà xét nó.
 
Khi gặp người nào lần đầu, bạn tự nhiên xét tính tình và thấy người ấy dễ thương hoặc đáng ghét. Nhân cách của người đó đã cho bạn cảm tưởng ấy.
 
Phần đông cho rằng nhân cách không thể thay đổi được. Trời sinh ta ra sao thì ta chịu vậy. Nghĩ thế là sai. Ta luôn luôn thay đổi. Ngày hôm nay ta không giống ngày hôm qua vì trong thời gian đó có rất nhiều tế bào trong thân thể ta đã chết và được thay bằng những tế bào mới. Sức khoẻ, tư tưởng, ý muốn, cảm xúc của ta đều thay đổi mà nhân cách của ta lại tuỳ thuộc những cái đó, thì làm sao không thay đổi được?
 
Tuy chưa có một khoa học chắc chắn để luyện nhân cách, nhưng biết áp dụng vài nguyên tắc, ta có thể thành công.
 
Một nhà thương mại nổi danh nói rằng bán hàng cần có mười điều kiện cốt yếu này: sức khoẻ, ngay thẳng, khéo léo, có sáng kiến, bặt thiệp, hăng hái, thành thực, quả quyết, sáng suốt và thạo việc. Bạn nhận thấy có chín điều kiện về nhân cách mà chỉ có một điều kiện về nghề thôi. Mà chúng ta ngày nào mà không bán, hoặc hàng hoá, hoặc sức làm việc, hoặc tài học của ta…? Vậy ta thành công chín phần mười do nhân cách chứ không do tài của ta.
 
Đại học đường Carnegie đã nghiên cứu, thấy rằng cả những nhà chuyên môn như y sĩ, kỹ sư, luật sư, cũng thành công 85 phần trăm nhờ nhân cách của họ. Còn 15 phần trăm nhờ những hiểu biết về kỹ thuật. Một bác sĩ, một luật sư có nhiều thân chủ có hẳn đã giỏi nghề hơn bạn đồng nghiệp không? Chưa hẳn. Nhiều khi chỉ vì họ đắc nhân tâm hơn, hấp dẫn được nhiều người hơn.
 
Trên trường chính trị, chưa ai bị đối phương công kích kịch liệt bằng tổng thống Franklin D. Roosevelt. Vậy mà lần nào ông cũng thắng. Vì nhân cách của ông có sức hấp dẫn người một cách lạ lùng, nhất là khi ông nói trước máy truyền thanh. Có hằng ngàn người không từng thấy mặt ông, chỉ nghe giọng nói của ông trong máy thâu thanh, mà can đảm, quả quyết tận tâm, trung thành với ông.
 
Có lần tôi hỏi một nhà tài chánh về cách ông ta lựa những viên chỉ huy. Ông đáp: “Trước hết tôi xét nhân cách người đó đã”. Phải, dù có học cao hiểu rộng mà không có nhân cách hấp dẫn người, không được người dưới hợp tác với mình, nói không ai nghe, không được lòng người thì cũng sẽ thất bại thôi.
 
LUYỆN NHÂN CÁCH RA SAO?
 
Mỗi người có một nhân cách riêng thì tất nhiên có hàng ngàn nhân cách khác nhau. Nhưng ta có thể phân tích những nhân cách xuất chúng, tìm những đặc tính của nó rồi lấy đó làm nền tảng để luyện nhân cách của ta. Ta nên nhớ có những nhân cách hấp dẫn người khác, lại có những nhân cách xô đẩy người khác. Một người quạu quọ làm cho ta muốn xa lánh thì một người vui vẻ như hút ta lại, làm cho không khí ở chung quanh sáng rực lên, ta đương buồn bã hoá tươi tỉnh, đương chán nản hoá hăng hái.
 
1. Khoẻ mạnh. Một câu phương ngôn Ả Rập nói: “Có sức khoẻ thì có hi vọng, có hi vọng thì có tất cả”. Người ốm yếu không thể có một nhân cách mạnh mẽ, mà theo khoa học huyền bí thì muốn có nhiều nhân điện cũng phải có nhiều sức khoẻ. Vì sức khoẻ quan trọng như vậy cho nên tôi dành riêng một chương ở sau để chỉ bàn cách luyện nó.
 
Người khoẻ mạnh luôn luôn tươi cười, vui vẻ, hăng hái, can đảm, có nghị lực và hấp dẫn người khác, được mọi người mến và giúp. Ta có chiếc xe hơi, mỗi lần chạy được 1.000 cây số, phải xem xét lại máy móc để sửa chữa; cơ thể của ta còn tế nhị hơn máy móc xe hơi nhiều, sao bắt nó làm việc hoài, hết năm này qua năm khác mà không săn sóc tới nó? Có biết bao nhiêu người buổi sáng đi làm mà đã mắt mờ, chân chậm, mệt nhọc, bơ phờ!
 
2. Ngay thẳng. Một ông bạn hôm nọ bảo tôi: “Anh biết anh X. không? Anh ấy hỏi mượn tôi 600đ. Tôi từ chối. Như anh, anh có cho mượn không?”. Tôi đáp: “Tôi cũng từ chối nữa”.
 
Anh X, là bạn tốt của chúng tôi, vui tính nhưng hay nói dối, không phải nói dối vì mục đích sâu xa mà là thêm thắt trong câu chuyện để làm vui bạn. Vì vậy chúng tôi không dám tin anh.
 
Chúng ta có năm thị dục quan trọng nhất là:
 
1. Được yên ổn và được che chở.
 
2. Kiếm tiền và để dành.
 
3. Được có uy quyền.
 
4. Được phong lưu và có tiện nghi.
 
5. Được người mến.
 
Mà sức khoẻ và sự ngay thẳng làm thoả mãn thị dục thứ nhất của ta. Có khoẻ mạnh và ở gần những người chân thật, ta mới thấy được yên ổn, không phải đề phòng.
 
Vì vậy ta phải thành thật, tự nhiên không những với người khác mà đối với ta nữa. Nếu ta không thành thật với ta thì làm sao thành thật với người khác được? Mà một khi người khác ngờ vực ta thì khó làm cho người đó tin ta được nữa. Bạn nên coi lại 108 câu hỏi ở trên và trả lời những câu ấy một cách rất chân thành. Tự nhận lỗi để mà sửa lỗi, không làm nhụt lòng tự tín của ta đâu.
 
Chân thành với ta còn có nghĩa là tự nhiên. Có tánh tình tự nhiên thì thường hấp dẫn được người khác. Bắt chước người dù người đó có tài năng xuất chúng, cũng chỉ có hại ta thôi vì ta đã không sao bằng được mà rồi chẳng bao lâu cũng lộ chân tánh. Bạn có giọng riêng của bạn thì sao không ca theo giọng đó mà bắt chước giọng của danh ca trên đài phát thanh làm chi? Loài người luôn luôn ưa mới, không ưa sự bắt chước.
 
Phải chân thành. Phụ nữ thường có tật thương vay khóc mướn. Nam nhi thì thường có tật tỏ ra quan trọng, ai cũng khoe mình bà con, bạn bè với ông lớn này, ông lớn khác, hai tật đó đều là thiếu thành thực hết.
 
Ông O. S. Marden nói: “Có một đức tính đặc biệt của các đại dân tộc là đức thành thực ngay thẳng”.
 
3. Khéo léo. Sự khéo léo trong công việc không phải là một nhân cách nhưng nó ảnh hưởng tới nhân cách. Có nó thì ta thành công và lòng tự tín của ta tăng lên.
 
Hầu hết những người thông minh trung bình đều có thể tập làm bất kỳ công việc gì cho khéo léo được. Sở dĩ có nhiều người vụng về là vì họ không thích công việc của họ, hoặc thiếu nghị lực, thiếu cao vọng.
 
Phần đông người ta vì nghèo mà gặp nghề nào làm nghề đó, không lựa trước, không học tập trước, thành thử mới đầu phải làm những việc khó nhọc, không hứng thú. Nhưng đã bắt buộc phải làm một việc thì tại sao không ưa nó. Coi nó như một bước đầu cần thiết để đưa ta lên những địa vị cao hơn, nếu ta chịu khó học hỏi thêm, tìm cách làm công việc cho mau hơn, khéo hơn? Lòng tin tưởng của ta, lòng hăng hái yêu nghề của ta sẽ hấp dẫn người trên và ta sẽ tiến dễ dàng.
 
Hồi tôi còn làm tại một hãng nọ, có nhiều thanh niên lại xin việc. Tôi hỏi họ:
 
- Thầy biết giữ sổ sách không?
 
- Không?
 
- Biết tốc ký không?
 
- Không?
 
- Thầy nói muốn xin làm ở phòng giấy để lần lần lên cấp chỉ huy được. Công việc giữ sổ sách và tốc ký sẽ giúp thầy mau tới địa vị đó. Sao thầy không đi học trước hai môn đó đi, để mới vào làm, thầy đã có ngay được một địa vị kha khá? Có nhiều trường dạy buổi tối, thầy nên lại đó học thêm.
 
- Dạ, buổi tối, tôi muốn được rảnh, nghỉ ngơi. Nhưng tôi sẽ nghĩ lại.
 
Bạn thử tưởng tượng: “Tôi sẽ nghĩ lại”. Một đằng là thành công, một đằng là một địa vị thấp hèn không tương lai gì hết mà còn phải “nghĩ lại” nữa.
 
Ông H. F. De Bower, người sáng lập ra Học đường Alexander Hamilton nói: “Một số người thành công vì họ vui vẻ chịu trả giá sự thành công đó, còn những kẻ khác cũng ham muốn thành công lắm, nhưng lại không chịu trả cái giá của nó. Mà giá đó là: dùng hết can đảm của ta để bắt ta chú ý vào vấn đề đương xét, luôn luôn suy nghĩ về nó và quả quyết thực hành cho được điều đã dự định, không lúc nào xao nhãng, dù gặp nghịch cảnh cũng mặc”.
 
Khó lắm, phải không bạn? Tất nhiên rồi. Nhưng có khó mới có giá trị. Tự xét mình một cách thành thật là một việc khó. Luyện lòng tự tín, rèn nghị lực, luyện nhân cách, đều khó hết. Vì vậy mà ít người lên được đầu thang danh vọng. Nhưng kẻ nào có đủ can đảm và nghị lực thì sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng làm sao!
 
4. Sáng kiến. Bạn có óc tưởng tượng không? Khi làm một việc, bạn có bao giờ nghĩ cách làm cho khéo hơn không? Nếu có, thì bạn có óc sáng kiến đấy. Óc sáng kiến rất quan trọng trong mọi ngành kinh doanh cho nên nhiều hãng, nhiều xưởng để riêng một thùng thư cho thợ thuyền, nhân viên có ý kiến gì mới thì viết lên giấy và bỏ vào.
 
Ông John D. Rockerfeller có lần mướn một người chủ sở suốt ngày có vẻ không làm gì hết, chỉ vơ vẩn ngó mây ngó đất. Nhiều người lấy làm lạ. Ông đáp: “Ông đó vô tích sự ư? Mới rồi ông ta nghĩ ra được một ý, giúp tôi kiếm được cả triệu mỹ kim đấy. Tôi mướn ông ta chỉ để kiếm ý giúp tôi thôi”.
 
Những ý mới, cái sản phẩm của óc tưởng tượng và sáng kiến đó, tức là nhiên liệu làm cho guồng máy của các doanh nghiệp chạy vậy.
 
Trời sinh có người óc tưởng tượng phong phú hơn người khác. Nhưng dù óc tưởng tượng của ta nghèo nàn đi nữa, ta cũng có thể luyện nó và có những kết quả kỳ diệu nữa. Ta phải suy nghĩ, tìm tòi, tưởng tượng và kiếm được ý mới gì dù vụn vặt đi nữa, cũng chép ngay lên giấy, rồi xét xem ý ấy thi hành được không, nếu được thì thi hành ngay, và như vậy không sớm thì chầy, ta sẽ thành công chắc chắn.
 
Nghịch cảnh làm phát triển óc tưởng tượng và sáng kiến của ta. Lincoln lên tới chót vót đài vinh quang là nhờ óc đó. Hai thi hào nghìn thu: Robert Louis Stevenson và Milton, cũng nhờ óc đó mà kiếm được những vần tuyệt diệu, những ý tân kỳ.
 
5. Ý nhị. Một người tớ trai vô ý vào phòng tắm trong khi bà chủ đương tắm, vội vàng quay ra, nói: “Chết! Cháu xin lỗi ông”. Tránh cho người khác khỏi lúng túng, mắc cỡ, đau lòng, tức là có ý nhị vậy. Muốn tập có ý nhị, trước khi nói phải suy nghĩ. Ai chẳng có lúc muốn quạu quọ nổi giận, chua chát? Nhưng phải nén lòng ngay đi. Đó là cách tự chế ngự ta, tự làm chủ ta.
 
Muốn giao thiệp với người khác, muốn được họ thương, ta phải nghĩ tới họ, tới nỗi vui, những tiện nghi của họ. Có ý nhị là khéo nói những lời đứng đắn, ngọt ngào để làm cho đường đời được trơn tru hơn, dễ dàng hơn.
 
Nhất là đối đãi với người giúp việc, ta lại càng phải có ý nhị thì người ta mới vui vẻ cộng tác với mình. Mất gì một tiếng nói: “Thầy làm ơn giúp tôi việc này việc khác”. Đừng nghi ngờ họ, bắt họ phải ghi những công việc mình giao cho họ lên hai, ba bảng rồi dò xét, hạch hỏi từng li từng tí.
 
Khéo nói là một tánh rất tốt, nhưng biết được nên nói điều gì, vào lúc nào, còn quan trọng hơn. Tập có ý nhị, tập có những cử chỉ dễ thương, bạn sẽ thấy uy quyền của bạn tăng lên 100 phần 100.
 
6. Lòng nhiệt thành. Nhiệt thành làm công việc của ta, đó là một yếu tố để thành công. Không có nó, ta thấy chán nản, và không sao thắng nổi những khó khăn, dù nhỏ đi nữa. Có nó ta sẽ vui vẻ, kiên tâm đạt được mục đích. Nó như ngọn gió xuân hây hẩy, làm mát mẻ đời sống. Một người có lòng nhiệt thành, lúc nào cũng đầy nghị lực, vui vẻ và sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác.
 
Có những kẻ làm ra bộ mặt chán chường, lạnh lùng, lúc nào cũng nguỵ biện, không bao giờ cảm động và cho như vậy mới là cao quí! Họ không làm được việc việc gì hết và đời của họ buồn bã, tầm thường làm sao! Thời này biết bao kẻ như vậy!
 
Nhưng ta cũng đừng nên lẫn lộn nhiệt thành với khoe khoang. Nhiệt thành có thể điềm tĩnh được. Chính ngọn lửa trong lòng ta mới là quan trọng, chứ không phải thứ khói toả ra ngoài. Khi ta nhiệt thành bên vực quan niệm của ta, ta cứ từ tốn, êm đềm nói, đừng hò hét, đừng dùng những tiếng quá mạnh như: hay nhất, đẹp nhất, hoàn toàn, tuyệt diệu.
 
Lòng nhiệt thành rất dễ lây, cho nên không có nó, không thể làm thủ lãnh được. Nếu ta thiếu lòng hăng hái, ta nên gần những người có nhiệt huyết và đừng bao giờ nghĩ tới “quyền lợi” của ta hết. Đừng nghĩ: Tôi có quyền được nghỉ ba giờ buổi trưa thì tôi nghỉ buổi trưa; sáu giờ chiều, tôi có quyền được về nhà thì tôi về nhà. Ta không thể đồng thời hăng hái nghĩ tới quyền của ta và nhiệt thành với công việc của ta được. Cho nên ta phải lựa lấy một. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng nhiệt thành với công việc có lợi cho ta nhiều hơn.
 
7. Hiệu lực. Phải lanh lẹ làm việc, nhưng đừng phí năng lực của ta. Phải sắp đặt, dự bị trước, rồi chuyên chú vào công việc, đừng làm những cử động thừa, đừng phí công lo lắng vô ích. Không phải làm mạnh dạn, rầm rộ, sắn tay bặm miệng mới là có hiệu lực đâu. Phải quyết làm những việc quan trọng, đừng làm những việc không quan trọng và trong khi làm việc thì đừng nghĩ đến những việc khó.
 
8. Óc khoáng đạt. Chúng ta luôn luôn phải có óc khoáng đạt, đại lượng với những tin tưởng, quan niệm của người, dù trong lòng ta không đồng ý đi nữa. Chẳng những vậy, ta còn phải vui vẻ, lễ độ nghe họ bày tỏ những ý của họ. Bạn muốn người khác thích thì bạn phải thích họ và tránh đừng làm phật ý họ, hoặc diệt lòng tin tưởng của họ, chế giễu ý kiến của họ. Nếu bạn chỉ nghĩ tới bạn, chỉ nghĩ tới việc bạn muốn làm, cho rằng chỉ ý bạn mới trúng thì không bao giờ được người ta quý mến giúp đỡ hết vì ai cũng muốn được người khác khen mình, cho mình là quan trọng. Tôi không khuyên bạn phải như các ông “hội đồng uầy”[1] đâu, nhưng ta cũng phải cao thượng, rộng lượng một chút để đừng bắt người khác phải đồng ý với ta.
 
Cách ăn bận, tập quán, cử chỉ thay đổi từ miền này đến miền khác. Vậy nhập gia phải tuỳ tục, quá giang phải tuỳ khúc. Đừng tưởng phong tục của ta khác mà tự phụ rằng ta văn minh hơn. Những thổ dân miền bắc cực châu Mỹ cho giống da trắng là đê hèn nhất hoàn cầu và ở Trung Hoa người ta gọi người da trắng là “bạch quỷ”.
 
Một đôi khi cũng nên và cũng cần chỉ trích, nhưng chỉ trích để chỉ trích thì rất khả ố. Mà dù chỉ trích thì cũng giữ thể diện cho người. Càng làm mất lòng người thì người ta càng chống cự lại, rốt cuộc không ai chịu thua ai hết. Nếu bạn thua thì là thua rồi mà nếu bạn có thắng thì cũng lỗ nữa vì bạn mất tình bè bạn của người ấy.
 
Bạn nên nhớ câu thơ này:
 

“Kẻ nào bắt buộc nghe ai,

Luôn luôn vẫn giữ ý sai của mình”.

 
Tôi không khuyên bạn hi sinh tôn chỉ của bạn đâu. Nếu thấy ý kiến của bạn phải thì cứ theo nó. Nhưng phải tránh tật chỉ trích. Tránh cách nào? Không khó gì, miễn là bạn chịu coi chừng bạn và đứng vào quan điểm của người mà xét người. Mới đây, một thân chủ của tôi đưa cho tôi một bài quảng cáo nhờ coi lại. Tôi thấy bài đó tràng giang đại hải và hoa mỹ quá, không hợp với lối văn quảng cáo. Nhưng tôi không nói gì cả và nghĩ: “Người ta cho là hay. Đó là công trình của người ta, người ta tự đắc lắm”. Vậy đáng lẽ chỉ trích, tôi khen rồi lần lần tôi dẫn giải cho người đó hiểu rằng, bài ấy nên để lại in thành sách nhỏ thì tốt hơn. Người ấy chịu là phải và thích lắm. Thế là tôi vừa được lòng người, vừa đạt được mục đích.
 
Một lần khác, đã lâu lắm rồi, khi mới tập nghề quảng cáo tôi dùng hết tâm trí viết một chuỗi bài mà tôi lấy làm đắc chí lắm. Nhưng khi đưa cho một viên đại lý coi, viên này nói: “Thứ nhồi sọ!” rồi chế giễu tôi; tôi muốn giết người đó. Sau này tôi mới nhận thấy lời chỉ trích đó có lý, nhưng người ấy có đã có lỗi lớn là làm thương tổn lòng tự đắc và diệt lòng tự tín của tôi.
 
Vậy phải thắng (hãm) tánh chỉ trích hẹp hòi, không khoan hồng của ta lại.
 
Tới đây ta đã xét đủ đặc tính mà một ông chủ phòng bán hàng khuyên các người giúp việc của ông phải có vì chúng ta đã xét chung hai đặc tính: ngay thẳng và thành thật làm một. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, ta phải luyện thêm sáu đức sau này nữa.
 
9. Vui vẻ.
 

“Cười đi, thiên hạ đồng tình,

Khóc than, bạn sẽ một mình khóc than”.

 
Thời này, muốn kinh doanh phải theo lời khuyên trong câu thơ ấy. Không ai ưa những người buồn rầu, ủ rũ hết, vì vui buồn hay lây mà không ai thích buồn cả. Làm cho nỗi vui toả ra chung quanh thì đi tới đâu, ta cũng sẽ được nhiều người bạn giúp đỡ.
 
Khi nào bạn thấy thường ủ rũ, cho đời đáng chán thì nên lại y sĩ coi xem có bệnh không, vì thể chất ảnh hưởng đến tâm hồn và tính tình ta rất nhiều. Nếu bạn đau bao tử hoặc đau gan thì khó mà vui vẻ, tươi cười được.
 
10. Khiêm tốn. Ai cũng có thị hiếu được thấy mình quan trọng, vì vậy muốn được người khác thương thì để cho người ta thấy rằng người ta quan trọng. Nếu luôn luôn nói với người ta: tôi làm thế này, tôi làm thế khác, tôi thế này, tôi thế kia, người ta mau chán mình lắm.
 
Một kép hát màn ảnh một hôm ngồi cạnh một cô trẻ đẹp. Suốt một giờ đồng hồ, anh ta khoe anh đã làm cho một ông giám đốc lớn nhất hết “lên chân” ra sao, anh đã làm cho một hãng phim nọ có kết quả mỹ mãn ra sao.
 
…Rồi thình lình, anh ta nghĩ lại, hối hận nói: “Xin lỗi cô, từ lúc nảy, tôi chỉ nói tới tôi. Thôi chúng ta nói chuyện về cô đi. Sao, cô thích phim cuối cùng của tôi không?” Ra về, chắc cô đó phải tự nghĩ: “Thằng tướng hợm mình làm sao!”.
 
Không ai ưa những kẻ khoe khoang hết. Vì khi ta tự khoe, tức là tỏ ra hơn người, tức làm thương tổn tự ái của người. Người ta chẳng những ghét ta, còn khinh ta nữa, vì cái thùng rỗng thì mới vang, còn những người như Lindberg, được cả thế giới ngưỡng mộ thì luôn luôn nhũn nhặn tự xưng là “chúng tôi” vì thành thật cầu được yên trong bóng tối. Nếu bạn tự xét thấy có tính khoe khoang thì ngay từ ngày mai bạn nên quyết tâm quên mình để khen một người nào đó đi. Đừng nói: “Tôi như vầy… Phải như vầy…” mà nói: “Xin đề nghị với bạn như vầy… Chúng ta thử làm như vầy xem sao…”. Và cuối tuần bạn sẽ thấy bạn bè thích bạn hơn và bạn sung sướng hơn.
 
11. Lòng vị tha. Năm 1913, Arthur Pearson, một trong những nhà xuất bản nổi danh nhất ở Anh, bị đui. Năm sau, chiến tranh phát, ông đem hết tâm lực ra an ủi những người lính mù, làm cho cả ngàn người vui vẻ và hi vọng trở lại. Bảy năm hi sinh cho người khác như vậy đã giúp ông được danh vọng, được nhiều người thương và được đắc ý hơn là suốt đời kinh doanh của ông.
 
Đừng vị tha để cầu lợi. Như vậy không còn là vị tha nữa. Nhận thì ai cũng nhận được, cho mới là khó. Kẻ nào cho người khác mà không nghĩ tới lợi là kẻ sung sướng nhất đời. Chẳng tin, bạn cứ đi thăm các Bà Phước, sẽ thấy các Bà có quá sung sướng hơn chúng ta nhiều không?
 
12. Trông cậy nơi ta. Trông cậy nơi ta và tin ở ta là hai đức liên quan mật thiết với nhau. Hãy tự lập đừng vịn vào ai hết, vì không ai thích cho ta nhờ cậy đâu mà chỉ muốn hợp tác với những người thành công, tự tín tự lập thôi.
 
Có lần, một thanh niên lại nói với tôi: “Tôi không xin ông kiếm việc với tôi, chỉ yêu cầu ông giúp đỡ, chỉ bảo tôi thôi”. Tôi ngạc nhiên vì từ trước chưa thấy người nào có óc tự lập như vậy. và tôi vui vẻ tìm đủ cách giúp người ấy. Vậy nếu bạn có tinh thần tự lập không trông cậy ai hết thì sẽ không thiếu gì người giúp bạn. Bạn thử mà xem.
 
13. Sẵn lòng giúp đỡ. Tâm lý loài người là không ưa những người lại cầu cạnh mình, nhưng lại thích người khác giúp đỡ. Vậy sẵn lòng giúp đỡ người khác là một cách tốt nhất để đắc nhân tâm. Các ông ứng cử nghị viên hiểu rõ tâm lý đó lắm. Họ hứa giúp bạn khi bạn bị đưa ra toà, hứa giúp bạn khẩn đất, xin môn bài làm đại ký. Và có nhiều bạn chẳng cần biết chánh kiến của họ ra sao, nghe vậy bùi tai, bỏ phiếu cho họ.
 
Giúp người thì một đôi khi được người nhớ ơn, nhưng cả những khi người ta quên ơn ta nữa, ta vẫn có một nỗi vui trong thâm tâm và được nhiều người thương.
 
Kẻ nào luôn luôn lại hỏi ý ta, làm cho ta bực mình, nhưng cũng không bực mình bằng kẻ không đợi ta hỏi, luôn luôn khuyên ta điều này điều khác. Vậy muốn giúp đỡ ai, cũng phải tuỳ người tuỳ tục. Bạn thân của ta có điều chi lo nghĩ, hoặc đương chịu một gánh nặng, đó là những lúc ta nên giúp lời hoặc công, của.
 
14. Vẻ bề ngoài. Người xưa nói chỉ có một triệu phú mới dám ăn mặc như một thằng ăn mày. Nhưng những nhà triệu phú lại không bao giờ ăn mặc bẩn thỉu, rách rưới như ăn mày hết, vì họ biết rằng một phần nhờ bề ngoài sang trọng đàng hoàng của họ mà họ thành triệu phú.
 
Ai cũng biết một bộ áo có thể làm thay đổi nhân cách của một người đàn bà. Đàn ông chúng ta cũng vậy, mà ít khi chúng ta chịu nhận sự thực ấy. Hầu hết chúng ta đã có lần bị bạn bắt gặp ăn bận lôi thôi, trong khi bạn lại thăm. Những lúc đó, ta lúng túng, mắc cỡ, mà lúng túng, mắc cỡ thì làm sao hấp dẫn người khác được?
 
Tiền bỏ ra may đồ tốt là tiền vốn có lời. Không cần phải xa xỉ, vừa phải thôi, nhưng quần áo phải sạch sẽ, nhã nhặn và có nếp. Người ta xét theo y phục của ta nhiều hơn là ta tưởng. Y phục lôi thôi thì tâm hồn cũng lôi thôi.
 
Răng phải trắng, móng tay phải sạch sẽ, đừng cắt nhọn như móng cọp, nhưng cũng đừng vuông bè bè như chiếc len (xẻng). Một cô thư ký bôi đỏ móng tay. Ông chủ vốn bình tĩnh, ít nói, nhưng lúc nào cũng phải nhìn mười ngón tay như nhuộm máu đỏ, ông bực mình lắm, một hôm nhảy lên la: “Trời ơi! Cô H, nếu cô bắt tôi phải ngó mười đầu ngón tay đầy máu của cô nữa thì tôi hoá điên mất. Xin cô chùi sạch nó đi, cho nó giống ngón tay người một chút nào!”.
 
Quần áo đừng mua thứ cắt sẵn, bảo thợ may cắt khít thân thể bạn. Nếu lùn thì đừng bận những áo “croisé”.
 
Bề ngoài đàng hoàng làm tăng lòng tự trọng và tự tín của ta. Bạn muốn thí nghiệm không? Hôm nào bạn thất vọng, chán ngán, bạn đi tắm rửa sạch sẽ, bận đồ tốt nhất, xếp dọn lại căn phòng như để tiếp khách quí, rồi ngồi ngay ngắn trong chiếc ghế bành để nghỉ ngơi, bạn sẽ ngạc nhiên thấy tâm hồn bạn thay đổi hẳn, vui vẻ và hăng hái.
 
BIỂU LỘ NHÂN CÁCH
 
Luyện nhân cách là cần, mà biểu lộ nhân cách đó ra còn cần hơn nữa. Ta biểu lộ nhân cách bằng cử chỉ, ngôn ngữ và lời văn.
 
Cử chỉ của ta có thể hấp dẫn người khác được. Cho nên ta phải bỏ những cử chỉ làm cho người bực mình đi. Có bạn trong khi nói, xoăn xoe chiếc dây đồng hồ. Có người mân mê chiếc nút áo, làm cho người khác không nghe họ nói nữa mà chăm chú ngó chiếc nút áo xem bao giờ nó sẽ đứt.
 
Nhân cách của ta biểu lộ rõ ràng nhất trong câu chuyện mà rất ít người tập nói chuyện. Phần đông chúng ta gặp nhau chỉ hỏi mưa nắng, không biết nói gì khác nữa, hoặc dùng chữ sai, tỏ cho người khác biết ngay rằng mình ít học. Nên tránh những chuyện về tôn giáo và chính trị, sợ động chạm đến tín ngưỡng, chánh kiến của người khác.
 
Nên tập bàn bạc về nghệ thuật, sách vở, âm nhạc và kịch. Khi nào không biết nói về vấn đề gì thì nên bàn về những sách mới xuất bản.
 
Kiếm xem người nói chuyện với mình thích vấn đề gì mà nói về vấn đề ấy là được người đó khen ngay: “Ông ấy nói chuyện có duyên quá”.
 
Tránh sự tranh luận, bất kể ý kiến của người mà cầu thắng về mình. Ông Benjamin Franklin kể chuyện một người bạn thân khuyên ông bỏ tánh hiếu thắng, xấc láo trong khi biện luận và đem chứng cớ chỉ rõ ông thấy lỗi của ông, ông nghe lời, sửa mình, không kịch liệt công kích đối thủ của ông nữa và nhận rằng ý kiến của họ đúng trong nhiều trường hợp, nhưng ở trong trường hợp đó thì theo ông nên thay đổi một chút. Nhờ vậy cuộc bàn luận vui vẻ hơn và người ta chấp thuận hết những đề nghị của ông, mặc dù ông ăn nói vụng về, ấp a ấp úng, không bao giờ hùng hồn hết và ít khi dùng đúng tiếng nữa.
 
Ít người trong chúng ta có được một ông bạn tốt và có cái đức dễ nhận lỗi như Franklin, cho nên chúng ta càng phải tập tự chỉ trích ta, tự xét ta nhờ bảng 108 câu hỏi trong chương I.
 
Sau cùng, ta phải luyện văn để tập diễn ý cho sáng sủa gọn gàng và tập lý luận. Đọc xong một cuốn sách hay, ta nên tóm tắt lại, phê bình ý tứ và lời văn của tác giả. Như vậy ta tập suy xét, chú ý và học thêm được nhiều.
 
Tới đây đã hết chương II, xin bạn hãy thi hành ngay đi, tóm tắt những ý chính trong chương, tìm xem bạn thiếu những đức nào. Và bạn có đợi ngày mai hoặc tuần sau mới sửa mình không? Không. Sửa mình ngay bây giờ.
Chú thích:
[1] Tức hạng “nghị gật”.