CHƯƠNG VI
LUYỆN TRÍ

Óc của ta là một bộ máy lạ lùng nhất, làm được cả những việc tưởng như không làm được (vì nhiều việc thế kỷ trước không thực hành được thì thế kỷ sau đã hoàn thành). Nhưng phần đông chúng ta để óc làm việc không được 50 phần trăm năng lực của nó, vì chúng ta không có kỷ luật, không biết tổ chức và làm phí thì giờ, phí sức.
 
Luyện trí để suy nghĩ cho có thứ tự, có phương pháp là một cách chắc chắn để làm việc được thêm hiệu quả, để tiết kiệm tiền bạc, tránh những bệnh thần kinh và thành công.
 
Nhiều người tưởng mình suy nghĩ, sự thực họ chẳng suy nghĩ gì hết. Họ trông thấy hoặc nghe thấy một điều gì rồi kết luận liền, không bao giờ lý luận hết. Ông Bernard Shaw nói: “Ít người nghĩ trên hai, ba lần một năm. Tôi được nổi danh khắp thế giới nhờ tôi chịu suy nghĩ hai, ba lần một tuần”.
 
SÁNG SUỐT VÀ LÝ LUẬN
 
Tôi xin hỏi bạn một câu: “Ý kiến của bạn về cộng sản ra sao?”. Bạn đáp đi, đừng nhìn những hàng sau này. Sao? Bạn đáp ra sao? Ý kiến của bạn có lập trên thành kiến không? Tôi cam đoan rằng bạn đã suy nghĩ ít lắm vì người nào biết suy nghĩ thì không trả lời ngay mà còn hỏi thêm vài điều nữa như: “Ông muốn hỏi về thứ cộng sản nào đó? Thứ cộng sản bên Nga chăng? Nếu không thì không phải cộng sản rồi, chỉ là quốc gia tư bản thôi. Hay muốn hỏi về thuyết cộng sản của Karl Max? Hay là về một chế độ, một lối sinh hoạt cộng đồng mà vài tổ chức tôn giáo đã theo?”. Vậy muốn lý luận cho sáng suốt, phải bỏ thành kiến đi, thu thập đủ các dữ kiện rồi bình tâm xét từng sự kiện một trước khi kết luận.
 
Đi đâu, bạn cũng nghe thấy mọi người bàn về hiến pháp, về chính trị, mà trong số đó, có bao nhiêu người đã học luật? Bao nhiêu người bàn về làm ăn, buôn bán ở nơi này nơi khác mà họ có biết chút xíu gì đâu? Phần đông người ta suy xét bằng thành kiến, rất ít người lý luận một cách sáng suốt. Tật ấy chung cho mọi người.
 
Khoa học dạy ánh sáng mặt trời và không khí trong sạch là những điều kiện cần thiết cho sức khoẻ. Hết thảy chúng ta đều tin như vậy. Nhưng đó cũng chỉ là một thành kiến nữa, vì mới rồi có người cất một toà nhà cao lớn mà không đục một cửa sổ nào hết. Suốt ngày dùng đèn điện, còn không khí thì do máy điều hoà không khí đưa vào. Thế mà những người ở trong đó cũng mạnh khoẻ như thường.
 
Vậy muốn lý luận, ta phải bỏ những thành kiến và chịu khó suy nghĩ.
 
Gặp một đoạn văn tối tăm, bạn hãy rán kiếm hiểu nghĩa, phân tích ra nhiều ý, xem từng ý một, rồi sắp đặt lại theo thứ tự hợp lý, sau cùng diễn lại những ý đó một cách rõ ràng và ngắn hơn. Công việc đó rất có ích lợi và thú vị.
 
Khi nghiên cứu một vấn đề, ta đừng bỏ sót một phương diện nào hết. Có khi chỉ vì quên không xét một phương diện mà ta thất bại. Ta thấy một người kia đặt một bàn bi-da trong một tiệm nước chẳng hạn, kiếm được rất nhiều tiền. Ít lâu sau, người ấy đi nơi khác làm ăn, ta cũng đặt bàn bi-da ở tiệm đó. Vậy mà ta có thể thất bại được vì ta quên rằng món tiêu khiển ấy hồi trước là mới, bây giờ là cũ, người ta chán rồi, không muốn chơi nữa.
 
Lại có khi người ta kết luận lầm vì dùng lầm tiếng. Ví dụ anh John bảo ta: “Tôi không dự đám ấy vì tôi không được mời”. Anh Bill nói tiếp: “Tôi cũng không dự vì lẽ đó”. Lẽ đó là lẽ nào? Lẽ anh John không được mời hay lẽ anh Bill không được mời?
 
Sau cùng, người ta thường dùng những sự kiện sai để kết luận. Sự kiện đã sai thì kết luận tức phải sai. Trong những cuộc tranh luận về chính trị, ta đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Người ta ồ ạt tấn công đối phương, vu oan họ, để họ phải tự bênh vực, không còn thì giờ bày tỏ chương trình hành động của họ nữa, và rồi họ phải thất bại. Nhiều khi người ta không chứng minh được một điều thì người ta lại bắt đầu tuyên bố: “Ai cũng biết rằng điều đó rõ ràng như bạch nhật…”. Hoặc: “Không cần phải bàn gì nữa, điều đó…”. Rồi nếu ta không suy xét thì ta bị lôi cuốn ngay.
 
Và khi diễn những ý tưởng, ta phải rõ ràng, sáng sửa, đừng rán làm cho thâm trầm.
 
CẦN LUYỆN TRÍ NHỚ
 
Không nhớ dai thì khó lý luận sáng suốt được mà trí nhớ của ta có thể luyện như một bắp thịt.
 
Nhiều người nghĩ rằng điều gì cần nhớ thì nhớ, còn những điều khác rán nhớ làm chi cho mệt óc. Coi một phim về, họ không nhớ tên đào kép, không nhớ tên viên giám đốc hãng phim, không nhớ cả nhan đề của phim nữa. Hỏi họ, họ đáp: “Tôi đi coi để tiêu khiển. Nhớ làm chi những tiểu tiết ấy cho bận óc”. Nhưng chính những người như vậy là những người không nhớ được cả việc nhà của họ. Họ là những người lười nhớ.
 
Họ không biết rằng có người như Woodrow Wilson[1] nhớ được hết tên những đào kép ông đã coi diễn, lại nhớ được cổ sử và cận đại sử, nhớ được những nhà chính trị đương thời ở trong nước và ở khắp thế giới, nhớ được những người quen biết trong đủ các giới: thương mại, ngoại giao, bình dị, và có một dụng ngữ phong phú nhất, không ai bằng.
 
Théodore Roosevelt đã làm gần đủ các nghề trong đời ông, lúc làm chính trị gia, lúc viết sách, lúc chăn bò, lúc làm cảnh sát, lúc đánh quyền, lúc diễn thuyết… mà bất kỳ trong ngành hoạt động nào ông cũng biết nhiều hơn người ta. Không những vậy, ông đọc qua một trang là ông có thể lập lại gần như không sai một tiếng.
 
Nhưng chưa bằng Sénèque, một triết gia La Mã, chỉ nghe đọc một lần 2.000 tiếng không có liên lạc gì với nhau mà lập lại đủ và đúng theo thứ tự những tiếng ấy. Một người Ấn Độ tên là Bunder Singe chưa hề học một tiếng Anh nào, nghe đọc một lần 50 chục hàng trong cuốn Lost Paradise của Milton, ông lập lại được liền, không sai một tiếng.
 
Bạn đừng tưởng chỉ những thiên tài mới có trí nhớ kỳ dị đâu. Samuel Johnson cũng có trí nhớ lạ lùng. Ông nói:
 
“Thường ai cũng có trí nhớ như nhau và nhớ cái gì cũng được; nếu nhớ cái này được mà nhớ cái kia không được thì có khác chi cầm cục bạc ở trong tay được mà cầm cục đồng không được không?”.
 
Thực vậy, ta cứ xét các ông chủ bút thì biết. Họ không phải là thiên tài gì, mà họ nhớ được biết bao nhiêu điều, nào là những việc trong tỉnh, trong nước về mọi ngành hoạt động: chính trị, thương mại, kỹ nghệ, rồi cả những tin về thể thao, án mạng. Họ phải giao thiệp với mọi hạng người và phải nhớ tên, tính tình, công việc những người ấy. Họ phải nhớ những bài trong báo của họ và trong bao nhiêu tờ báo khác nữa. Họ phải nhớ cách in, cách sắp đặt chữ in, chữ lớn thì một hàng được mấy chữ, chữ nhỏ thì được mấy chữ. Họ phải thông sử ký, địa lý, và biết bao môn khác nữa. Cho nên có người nói rằng hễ làm chủ bút rồi thì làm nghề gì cũng được, và nhiều người thành công thường tự khoe: “Hồi trước tôi làm chủ bút trong một thời gian”. Sở dĩ vậy là vì nghề của họ đã bắt họ phải luyện trí nhớ.
 
Tuy vậy, ta cũng phải nhìn nhận rằng nhiều người bẩm sinh có ký tính kỳ dị. Như em nhỏ Christian Meinecken[2] ở tại Đức hồi thế kỷ trước, mới bốn tuổi mà nhớ được cả bộ Thánh kinh, hai trăm bài Thánh ca, năm ngàn tiếng La Tinh. Đứa nhỏ đã chết sớm. Ông Jeremy Bentham, một triết gia và bác học Anh, mới ba tuổi mà thuộc nhiều pho sử, lại làm thơ bằng tiếng La Tinh nữa. Bốn tuổi nói được tiếng Anh, tiếng La Tinh, tiếng Hi Lạp, tiếng Pháp và chơi đờn vi-ô-lông giỏi, mà ông sống tám mươi bốn tuổi.
 
Nhưng người có trí nhớ lạ lùng nhất thế giới có lẽ là ông Elijah the Gaon ở Lithuanie. Ông thuộc lòng được ba ngàn cuốn sách đủ loại, từ Thánh kinh cho đến pháp điển (code).
 
Ông Walter Savage Londor cũng có tài “quá mục bất vong”. Những sách ông đã coi một lần thì nhiều năm sau ông còn nhớ lại đủ, không sai một tiếng.
 
Ông Richard Parson ở thế kỷ thứ 18 cũng thuộc hết các sách của Homère, Horace, Cicéron, Virgile, Live, Shakespeare, Milton và Gibbon.
 
Trong lịch sử nhân loại, những bộ óc siêu quần ấy nhiều khi rất có ích. Ở thế kỷ thứ hai, dân tộc Chaldée đốt huỷ hết các Thánh kinh của dân tộc Do Thái. Nhờ ông Esdras đã dịch những kinh ấy, còn nhớ hết và đọc lại cho người ta chép, mà bây giờ ta mới được biết biết bộ sách quí giá đó[3].
 
Có người không thông minh mà cũng có ký tính kỳ dị trong một khu vực riêng. Người ta kể chuyện một anh coi kho ở sở hoả xa nọ, giữ không biết bao nhiêu máy móc, bao nhiêu thứ bù loong, đinh ốc, đủ các loại khí cụ trong sở. Anh ta không biết ký tên, không làm nổi toán cộng, vậy mà, trong cái kho mênh mông, lộn xộn, đủ thứ của anh, anh chẳng những nhớ hết chỗ để của từng vật một, mà còn chỉ rõ được “món này lấy ở máy số 2806 ngay 3 tháng 10 năm 1912” nữa.
 
Những nhà tâm lý cho rằng anh có ký tính quá mẫn tiệp về một khu vực riêng biệt là máy móc.
 
Nhạc sĩ Mozart có tài nhớ thanh âm. Người ta kể chuyện hồi ông nhỏ chỉ nghe qua một lần một bản nhạc mà ghi âm lại được được đúng.
 
Paul Morphy không nhìn bàn cờ mà chơi tám ván cùng một lúc. Harry Pillsbury, bị bịt mắt mà chơi mười hai ván cờ cùng một lúc.
 
Các nhà tâm lý nói rằng người ta nhớ nhờ chất xám ở trong óc. Có người lại pha trò, nói trí nhớ của ta ở phía sau đầu cho nên khi nào ta muốn nhớ điều gì thì ta đưa tay gãi chỗ đó. Nhưng sự thật thì ký tính không phải chỉ ở trong óc.
 
Vì ta nhớ bằng ngũ quan của ta. Ta nhớ một thanh âm, một màu sắc, một mùi hương, một vị ngọt. Nhắm mắt rồi rờ, ta cũng nhận được cây viết chì. Có nhiều cảm giác làm cho ta nhớ được. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thị giác.
 
LUYỆN TRÍ NHỚ CÁCH NÀO?
 
Ông tổ của khoa luyện trí nhớ là Simonides, một thi sĩ Hi Lạp, sống cách đây non 2.500 năm. Một đêm ông dự một đám tiệc có đủ những nhà tai mắt ở thành Athènes. May cho ông, khi tiệc gần tan, ông vừa ra về thì nóc nhà sập, bao nhiêu khách trong phòng chết hết, thịt nát xương tan, không sao nhận diện được, nhưng ông Simonides nhớ được hết tên và chỗ ngồi của từng người, nhờ vậy mà nhận được những xác đó là của ai.
 
Phương pháp luyện trí nhớ của ông tóm tắt như vầy: ông chia mỗi phòng làm năm chục khoảng, mỗi khoảng có một số từ một đến năm chục. Mỗi số làm ông liên tưởng tới một vật hoặc một biểu tượng gì đó, rồi ông chỉ còn tìm một liên lạc giữa vật hoặc biểu tượng đó với đồ đạc trong phòng là nhớ được ngay vị trí những đồ đạc ấy. Ví dụ có một món đồ đặt ở chỗ số 10. Số 10 làm cho ông liên tưởng tới một chục trứng chẳng hạn và ông tìm xem món đồ đó có gì làm cho ông nghĩ tới trứng không. Ông thấy món ấy thuôn thuôn như trứng gà, hoặc vẽ một người mẹ che chở cho con (như gà mẹ úm gà con vậy). Như thế, khi nhớ hình ảnh hoặc bức vẽ của món đồ đó, ông nhớ ngay tới trứng và trứng làm cho ông liên tưởng tới một chục và sau cùng tới số 10. Do đó, ông kiếm lại được vị trí của món đồ[4].
 
Thời nào cũng có người đặt ra phương pháp này phương pháp nọ, từ phương pháp rắc rối nhất tới những phương pháp vô lý nhất.
 
Phương pháp Winkelmann Grey đặt từ thế kỷ thứ 17 cũng đã được nhiều người theo. Muốn nhớ rằng nạn Hồng thuỷ xảy ra 2348 năm trước Thiên Chúa giáng sinh chẳng hạn, người ta lấy chữ e thay cho số 2, chữ t thay cho số 3, chữ o thay cho số 4, chữ k thay cho số 8, thành etok. Sau cùng, lấy ba chữ đầu trong tiếng Deluge (nghĩa là Hồng thuỷ) ghép vào, thành Del-etok.
 
Ông Francis Fauvel Gouraud thay số bằng chữ như sau:
 
Số 1 thay bằng chữ t, d, th
Số 2 ……………… n
Số 3 ……………… m
Số 4 ……………… r
Số 5 …………. vần ell
Số 6 thay bằng chữ j, g (êm), ch, sh
Số 7 ……………... k, c (cứng), g (cứng), ng
Số 8 ……………... f, v
Số 9 ……………... p, b
Số 0 ……………... z, s, c (êm)[5]
 
Còn mẫu tự như a, e, i, o, u, thì thêm vào sau cho thành tiếng. Ví dụ năm 1937 thành ra topmag hoặc dabmig.
 
Thuật sau này rất giản dị và được nhiều người dùng. Muốn nhớ tên bằng tiếng Anh của hai bên hông một chiếc tàu, với nhớ bên nào phải treo màu nào, thì ta nhận thấy rằng: port (bên hông phía trái khi ngó về mũi tàu), left (tay trái), red (đỏ: đèn màu đỏ) cùng ngắn cả đi với nhau; starboard (bên hông, phía tay mặt, khi ngó về mũi tàu), right (tay mặt), green (xanh: đèn màu xanh), ba tiếng dài đi với nhau.
 
Một cách nữa là đặt ra những câu thành vần cho dễ nhớ, những câu sau này:
 
Thirty days hath September,
April, June and November,
All the rest have thirty-one,
Save poor February alone.
Which has twenty eight, in fine,
Till leap year gives it twenty nine.
 
Nghĩa là: tháng chín, tháng tư, tháng sáu và tháng mười một có 30 ngày; những tháng khác có 31 ngày, trừ tháng hai, lẻ loi một mình, chỉ có 28 ngày, trong những năm nhuần mới được 29 ngày[6].
 
Nhưng học thuộc lòng mấy câu có vần đó còn khó hơn là học ngay số ngày của mỗi tháng. Trong mười người Anh học những cây ấy thì may mắn lắm được một người nhớ được hoài thôi.
 
Phương pháp đó kém xa phương pháp nắm bàn tay lại rồi đếm trên đốt xương mà người ta dạy cho các em ở trường.
 
Nói chung thì những thuật ký ức đó đã không luyện trí nhớ của ta mà còn bắt ta phải nhớ những định thức (formules) vô lý nữa. Cho nên đã có người phê bình rằng nó cũng như cái nạng, người nào không biết đi, dùng nó rất có ích, còn người đã biết đi rồi, dùng nó chỉ thấy lúng túng, chập chững thêm mà thôi. Mà chúng ta ai là không có ký tính một chút, có cần, chỉ cần tập cho nhớ mau và nhớ dai thôi.
 
Vậy ta phải tìm những phương pháp khác tự nhiên hơn, hợp lý hơn.
 
Trước hết chúng ta muốn luyện trí nhớ thì phải đích thân ta chịu khó nhớ, không có bí quyết nào khác hết. Muốn cho bắp thịt cứng, nở, ta phải luyện; trí nhớ cũng vậy. Người ta chỉ có thể bảo ta cách luyện ra sao thôi, còn ta phải kiên tâm và đều đều luyện lấy. Biết được phương pháp, tức là biết được con đường tắt có định hướng rõ ràng, không sợ lạc, nhưng nếu ta không đi thì cũng không bao giờ tới được.
 
Trên kia tôi đã nói về ký tính thì thị giác quan trọng nhất, nghĩa là cặp mắt của ta nhớ mau hơn hết. Cả những người đui mà cũng nhận rằng khi nhớ một cái gì, dù mắt không nhìn thấy, nhưng vẫn có một hình ảnh ở trong óc. Christian Meinecken, khi nghe đọc một đoạn văn dài rồi nhớ được, cũng thấy có hình ảnh của những tiếng đó trong óc. Mozart khi nhớ một bản nhạc cũng thế. Ông trông thấy mỗi thanh âm trong óc. Ông Arturo Toscanini, một nhạc sĩ khác cũng đưa bản nhạc lên gần mắt, ngó kỹ từng âm nhạc hiệu (note) một, để khắc hình ảnh của nó vào óc. Nhờ vậy ông nhớ bản Lohengrin của Wagner và vài năm sau, khi nghe một ban nhạc đánh bài ấy, thấy họ đánh sai, bảo cho họ biết. Họ không chịu, chỉ bản nhạc in, cãi rằng họ đánh trúng. Nhưng sau so sánh bản in đó với bản gốc thì quả nhiên bản in sai thật.
 
Vậy muốn nhớ ta phải kiếm một hình ảnh.
 
Óc ta tựa một máy chụp hình. Mắt ta tức là kính của máy ảnh. Muốn cho hình được rõ thì thời gian chụp hình (pose) phải vừa đủ. Thời gian có mau hay chậm tuỳ từng máy. Chúng ta cũng vậy, có người mau nhớ, có người chậm nhớ.
 
Ông Charles William Eliot, nguyên khoa trưởng đại học Harvard thú rằng hồi mới, ông không sao nhớ được tên những người mới quen, sau ông phải tập, mỗi lần gặp người lạ, ông nhìn thẳng vào mặt người ấy một hồi lâu cho tới khi hình ảnh và tên người đó in vào trong óc ông mới thôi. Sau ông nổi tiếng là bất kỳ ai, ông gặp một lần cũng nhớ được hết.
 
Ông Robert Louis Stephenson cũng phải dùng cách ấy để học chánh tả và sau khi luyện tập một ít lâu, ông tấn tới rất mau.
 
Những danh nhân như Eliot và Stephenson còn phải luyện trí nhớ của họ như vậy thì thường nhân chúng ta tất nhiên còn phải luyện nhiều hơn nữa.
 
Bạn có biết một thầy thư ký tại một khách sạn nọ làm cách nào nhớ tên khách hàng không? Khi một ông khách tới mướn phòng, thầy ta nhận xét kỹ xem nên lựa phòng hạng nào thì người đó vừa ý. Sau khi hỏi vài câu, ông khách lựa một phòng. Thầy lấy chìa khoá phòng ở trong hộp đưa cho khách, trong lúc ấy thầy nhìn hai lần vào số phòng vì số này khắc trên nắp hộp và trên chìa khoá. Rồi thầy viết tên, địa chỉ, số phòng của ông khách vào một cuốn sổ, kêu bồi lại bảo: “Dọn phòng 307, để ông Blank nghĩ”. Khi ông Blank quay đi, thầy lại hỏi: “Thưa ông Blank, buổi sáng ông muốn chúng tôi đánh thức ông không?”. Nghĩa là trong mấy phút, thầy ta nhận kỹ nét mặt ông khách, nhìn hai lần vào số phòng, viết tên và số phòng của ông ấy một lần, sau cùng nói tên ông ấy hai lần. Như vậy làm sao quên được nữa?
 
TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG
 
Thầy thư ký ấy đã tập trung tư tưởng vào tên họ và số phòng của ông khách. Tập trung tư tưởng là để cho óc ngừng lâu trên hình ảnh độc nhất. Nó là bước quan trọng nhất trong sự luyện trí. Không có nó, ta không thể chú ý được, mà không chú ý thì không có cảm giác nào lâu bền, cho nên Phillipe Brooks và Helvetius đều nói rằng sự chú ý là yếu tố của thiên tài.
 
Ông E.G. Grace nói thêm: “Đem hết tư tưởng tập trung vào một vấn đề đương xét và một khi quyết định rồi, quên vấn đề ấy đi để lại có thể đem hết 100 phần 100 tư tưởng tập trung vào vấn đề sau, đó là điều kiện quan trọng nhất để thành công”. Những lời ấy đủ cho ta thấy sự ích lợi của tập trung tư tưởng ra sao.
 
Nhưng ta đừng lầm tập trung tư tưởng với thiên chấp tư tưởng (idée fixe). Thiên chấp là thói xấu, cũng là tập trung tư tưởng đấy, nhưng tập trung một cách vô lý vào một điều sai lầm. Một ông bạn của tôi trên 40 tuổi, đi xin việc tại các hãng mà cứ tin chắc rằng không ai mướn một người trên tứ tuần cả cho nên vào hãng nào cũng chán nản bơ phờ. Như vậy là thiên chấp. Trái lại, nếu ông đem hết tinh thần tìm cách gặp gỡ những chủ hãng cần dùng người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm rồi rán có những cử chỉ ngôn ngữ để cho chủ hãng có thiện cảm với mình ngay thì như vậy là tập trung tư tưởng.
 
Có khi không cần tập trung tư tưởng mà một vài hình ảnh cũng in sâu trong tiềm thức của ta. Và theo ý kiến của vài người, tiềm thức không bao giờ quên hết. Điều ấy có lẽ đúng. Khi ta nằm mê chẳng hạn, cảm giác trong những tai nạn xảy ra đã lâu lắm mà ta đã quên hẳn rồi, bỗng nhiên hiện lại, rõ ràng lạ lùng.
 
Câu chuyện dưới đây là một chứng cớ hiển nhiên về sự thực ấy. Một bà già không biết viết, biết đọc mà trong một cơn mê sảng vì bệnh tình quá nặng tự nhiên đọc từng đoạn dài tiếng La Tinh, tiếng Hi Lạp và tiếng Do Thái cổ, giọng rất đúng lại vui buồn trầm bổng, rất hợp với ý nghĩa câu văn nữa. Ai cũng ngạc nhiên, sau mới hay rằng hồi trẻ, bà đi ở cho một vị mục sư, thường được nghe vị này ngâm nga những đoạn văn ấy, nó dần dần nhập vào tiềm thức của bà để hiện ra lúc bà sắp chết.
 
Nhưng chúng ta cần nghiên cứu ý thức hơn là tiềm thức, xét xem trong khi ta tỉnh, óc ta làm việc ra sao, để nhớ mau và nhớ lâu những điều ta muốn nhớ. Chúng ta thấy rằng muốn được kết quả ấy, ta phải tập trung tư tưởng.
 
Công việc đó mới đầu rất khó. Ta phải kiên nhẫn bắt óc ta trở về vấn đề liền mỗi khi ta vớ vẩn nghĩ đến điều khác. Ta lại phải xét đủ mọi phương diện của mỗi vấn đề.Lấy một thí dụ rất thường là ta có một hộp rỗng ở trước mắt và nghĩ cách dùng nó sao cho ích lợi nhất. Trước hết, ta phải để ý tới chiều cao, chiều dài, chiều rộng của nó để tính xem nó chứa được bao nhiêu. Rồi lại xét xem nó làm bằng chất gì, chắc chắn không, những chỗ ghép ra sao, nó có mỹ thuật không, mở ra đóng vào bằng cách nào, nên đặt trong phòng giấy hay phòng ngủ… Nghĩa là phải chia vấn đề thành nhiều phần rồi xét từng phần một. Tuy vậy, những nhận xét sau này dễ giúp ta tập trung tư tưởng.
 
Ông Houdini, một nhà ảo thuật trứ danh ở Pháp hồi thế kỷ trước[7], nổi tiếng là chỉ đi qua một phòng mà nhớ được gần hết đồ đạc trong phòng, nghiệm thấy rằng: khi ta thích cái gì thì ta tập trung tư tưởng vào cái đó. Cho nên có những bà trong thấy những bà khác ngồi xe vụt qua mà có thể nhận ra được bà này ăn bận cách nào, y phục bằng hàng tốt hay xấu, đăng ten (dentelle) làm bằng tay hay bằng máy nữa. Sở dĩ họ nhận xét được tinh vi như vậy là vì họ rất chú ý tới cách phục sức của nhau.
 
Có những công việc mà ta không thích làm, nhưng một khi ta đã muốn làm thì ta cũng dễ tập trung tư tưởng vào được.
 
Ông W.J. Colville kể chuyện một người trọng mãi (courtier)[8] phải làm trong một phòng chung với sáu người nữa mà những người này luôn luôn có khách lui tới trò chuyện. Những ngày đầu, thầy không làm được gì hết và về tới nhà thì nhức đầu dữ dội. Một hôm, một người thấy thầy khốn khổ như vậy, khuyên: “Thầy chỉ nên nghe những điều thầy cần nghe thôi”. Thầy ta ngẫm nghĩ về lời khuyên ấy, thi hành đúng và từ đó làm việc được và hết nhức đầu.
 
Hễ tập quen thì được. Những ông chủ bút phải ngồi trong những phòng ồn ào, luôn luôn có máy chạy, tiếng nói chuyện, tiếng điện thoại mà vẫn nghĩ bài được, cũng là nhờ thói quen. Có nhiều người vì không chịu tập cho nên ngồi một mình nơi tĩnh mịch mà cũng không tập trung tư tưởng được.
 
Tôi xin chỉ bạn những cách sau đây để tập trung tư tưởng:
 
Lần sau, ngồi trong xe điện hoặc xe ô tô buýt, bạn rán nhận xét những người đồng hành, tìm trong mỗi ông đó một cái gì đặc biệt: hoặc cặp kính, hoặc chiếc nón, màu áo… Bắt đầu từ cuối xe, tuần tự lên tới phía trước. Về nhà, bạn bỏ vài phút đọc báo ra rán nhớ lại xem. Nếu nhớ không hết, lần sau bạn lại tập nữa.
 
Đi coi hát bóng về, bạn rán nhớ lại từng hồi một trong phim.
 
Nếu bạn ở trong một đám đông, mỗi người kể một chuyện thì về nhà, bạn thử nhớ lại hết các chuyện đó đi.
 
Bạn thử xét xem chúng ta phí biết bao tinh thần, thì giờ vào những điều không quan trọng và những việc vô ích như đọc những tin “chó chết” ở trên báo, coi những phim vô nghĩa lý, hoặc ngó người qua kẻ lại ở ngoài đường. Sao không dùng thì giờ để học một ngoại ngữ. Công việc ấy giúp ta tập trung tư tưởng.
 
Một ông bạn tôi đáng lẽ dùng 40 phút trong khi ngồi xe từ nhà đến hãng để đọc báo hàng ngày thì chỉ bỏ ra 20 phút để coi qua loa những tin quan trọng cho đủ biết thôi, còn 20 phút nữa dùng để học tiếng Pháp. Nhờ vậy không bao lâu ông ta nói được tiếng ấy.
 
Mới đầu bạn hãy tập làm những việc có hứng thú rồi sau mới tập những việc buồn chán. Như vậy bạn cũng đồng thời tập có nghị lực nữa.
 
Ông Ask Mc Another chỉ cho ta trò chơi sau này: Trong các báo thường đăng các bài có 10 hay 20 câu hỏi để độc giả thử sự hiểu biết, học rộng của mình. Sau những câu hỏi có những câu đáp, bạn thử đáp xem đúng được bao nhiêu câu, rồi bạn cất số báo đó đi, một tuần hay nửa tháng sau mở ra, đáp lại xem lần này đúng được bao nhiêu câu. Lần trước đã coi những câu đáp rồi thì lần này phải đáp được hết; nếu không thì coi lại rồi cất đi, nửa tháng nữa lại mở ta đáp lại. Tập như vậy lâu, bạn sẽ nhớ hết những câu đáp một cách dễ dàng.
 
Những trò chơi như đố tiếng tréo (mots croisès), lối đổi chữ trong một tiếng để tiếng đó thành nhiều tiếng khác (như tiếng Anh thì cat: con mèo, đổi ra thành cot: nhà tranh; dot: hồi môn, dog: con chó) hoặc lối tự mê (anagramme)[9]: như Khánh Giư, tên tác giả Nửa chừng xuân, đổi thứ tự những tiếng trong hai tiếng “Khánh” và “Giư”, thành ra “Khái Hưng”, đều rất thú vị lại luyện cho ta tập trung tư tưởng.
 
Ruydard Kipling kể chuyện một đứa nhỏ Ấn Độ, chỉ coi qua một mâm đầy các thứ ngọc mà nhớ được hết từ số viên tới màu sắc, đặc điểm của mỗi viên. Hỏi đứa nhỏ tại sao nhớ giỏi như vậy, nó đáp: “Tập nhiều lần thì được”.
 
Trò chơi sau này cũng có ích. Càng nhiều người chơi càng hay. Bạn đưa cho mỗi người một tấm giấy, trên đó biên 10 số, mỗi số một hàng. Trước mỗi số biên tên một loại nào đó như:
 
1. Hoa
2. Đồ đạc
3. Tác giả
4. Trò chơi
5. Cây
6. Quốc gia
7. Núi
8. Châu thành
9. Trái cây
10. Tục ngữ
 
Bạn lựa một chữ, chữ B chẳng hạn, bảo mỗi người kiếm một tên hoa bắt đầu bằng chữ B rồi viết ngang số 1, kiếm tên đồ đạc cũng bắt đầu bằng chữ B rồi viết ngang số 2; mấy số khác cũng vậy… Hạn năm phút.
 
Ví dụ người nào kiếm được những tiếng sau này:
 
1. Bưởi – 2. Bàn – 3. Bùi Kỷ - 4. Bi da – 5. Bàng – 6. Ba Lan – 7. Ba Vì – 8. Biên Hoà – 9. Bứa – 10. Ba mặt một lời.
 
thì được 100 điểm, mỗi tiếng mười điểm. Nhưng nếu hai người trả lời trùng nhau (chẳng hạn hai người cùng kê tiếng “Bưởi”) thì mỗi người chỉ được năm điểm thôi, năm người cùng kể tiếng “Bàn” thì mỗi người chỉ được hai điểm thôi, như vậy để tập tìm những tiếng khó.  
 
Chúng ta thường có tật đọc sách vội vàng quá. Sách là một món ăn tinh thần, phải có thì giờ nghiền ngẫm thì mới có lợi. Cuốn sách nào không có điều gì đáng cho ta nhớ thì cũng không đáng cho ta đọc. Vì đọc nó có khác chi không khát mà uống một thứ nước không hại mà cũng không bổ? Nói là tiêu không có hại, nhưng thật ra cũng là có hai vì nó bắt ta phải hoá nó ra một cách vô ích.
 
Vậy, phải tập cho óc ta ngừng lâu vào một ý nào đó, tới khi thành một hình ảnh rõ ràng mới thôi.
 
Ông Macaulay nhờ cách ấy mà nhớ lại được hai bài thơ ông đã đọc 40 năm trước trong một tờ báo.
 
NHỚ TIẾNG VÀ TÊN
 
Người khác xét giá trị của ta theo những tiếng ta dùng mà muốn nhớ tiếng, cũng phải dùng phương pháp nhớ hình ảnh.
 
Coleridge, một người rất khéo dùng tiếng, khuyên: “Bạn phải tập suy nghĩ về những tiếng bạn dùng, nghe hoặc đọc; tìm lịch sử tiếng ấy, nguồn gốc nó ở đâu, nó sinh ra những tiếng khác ra sao”.
 
Nhiều danh nhân như Emily Dickinson, Robert Louis Stevenson không ngày nào không đọc tự điển, John Keats gần như thuộc lòng tự điển. Nhiều vị luật sư trứ danh như Daniel Webster và và Rufus Choate thú rằng sở dĩ họ có tài hùng biện là nhờ chịu khó học tự điển.
 
Người ta nhận thấy rằng 40 triệu người Anh có một số dụng ngữ không nhiều hơn số dụng ngữ của một đứa nhỏ 12 tuổi: khoảng 2.000 tiếng. Bạn thử so sánh số dụng ngữ đó với số dụng ngữ của những người như:
 
Woodrow Wilson: 53.000 tiếng
Herbert Spencer : 42.000 -
Calvin Coolidge : 27.000 -
Shakespeare: 24.000 -
 
Như vậy thì lẽ nào ta mới dùng được 2.000 tiếng mà đã lấy làm mãn nguyện? Phải học thêm tiếng mới. Trong khi đọc sách, gặp tiếng nào lạ, phải tra nghĩa và bỏ ra một phút để nhớ nó. Nếu cần thì viết nó nhiều lần lên giấy, rồi dùng nó trong câu chuyện hoặc trong khi viết.
 
Ta cũng phải dùng phương pháp của thầy thư ký trong một khách sạn tôi đã kể chuyện ở trên kia, để nhớ tên những người mới quen. Được người khác nhớ tên và mặt, ta vui vẻ hãnh diện bao nhiêu thì khi quên tên quên mặt một người, cũng làm tổn thương lòng tự ái của người ấy bấy nhiêu. Nhiều người, nhất là các chính khách, nhờ tài nhớ mặt nhớ tên người khác mà được lòng nhiều người và nổi danh.
 
Mithridate, vua xứ Pont, ở thế kỷ thứ 2 trước Thiên Chúa giáng sinh nói được 23 thứ tiếng và nhớ tên mỗi mình lính trong binh đội rất lớn của ông. Périclès, Scipion, Xénophon, George Washington và Nã Phá Luân cũng có tài nhớ tên người như vậy. Sở dĩ những vị thủ lãnh ấy được quần chúng trung thành với mình là nhờ tài nhớ tên đó.
 
Quên tên một người quen, thì ta thường gặp những cảnh lúng túng và buồn cười nếu ta không mau trí khôn như người trong câu chuyện dưới đây. Người ấy gặp một bà mà quên hẳn tên bà ta. Bà này tinh ranh, mỉm cười hỏi: “Ông quên tên tôi rồi. Ông mắc cỡ sao?”. Người kia đáp: “Thưa bà không. Trái lại, trong mấy năm nay tôi rán quên bà mà không được chớ”.
 
Khi gặp ai lần đầu, ta phải chú hết ý vào nét mặt và tên người ấy. Các chính khách có nhớ được tên nhiều người thì mới mong được cử tri bầu cho mình.
 
Vidocq, nhà trinh thám đại tài của Nã Phá Luân, nhìn mặt ai một lần rồi thì không bao giờ quên nữa. Delafranche là một tội nhân vượt ngục, trốn ra ngoại quốc trên hai mươi năm, khi trở về thì hình dáng, nét mặt thay đổi hẳn, mà Vidocq cũng nhận ra được liền.
 
Ông William Henry Groves chỉ cho ta những cách sau này để nhớ tên người.
 
1. Ta có thể nhớ tên một người bằng cách liên tưởng tới những trường hợp trong khi ta gặp người ấy. Ví dụ bà Tuyền (suối) ta gặp ở biển. Ông Nhật (mặt trời), ta gặp một đêm trăng.
 
2. Mới nghe tên ai, ta viết ngay tên người ấy lên giấy. Nã Phá Luân đệ tam dùng phương pháp ấy và đặng kết quả kỳ dị.
 
3. Nghĩ tới nguồn gốc tên đó. Có những tên chỉ loài vật như Oanh, Yến, Hổ, Long. Có tên chỉ loài cây như Hồng, Đào, Cam, Lý. Có tên chỉ nghề như Nông, Thương, Y, Giáo. Có tên chỉ mùa như Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có tên chỉ màu như Bạch, Hoàng, Hồng, Lục. Có tên chỉ tính như Nhơn, Hoà, Khiêm, Lễ.
 
4. Có khi một tên làm cho ta nhớ tới một danh nhân: Huệ, Trãi, Lợi.
 
5. Có khi một tên làm ta liên tưởng tới một tiếng đồng âm như Đồng (là cùng) làm cho ta nhớ tới chất đồng, tên Bách (là cây bách) làm cho ta nhớ tới tiếng bách là trăm.
 
6. Một tên cũng làm cho ta liên tưởng tới một tiếng đọc tương tự như Huỳnh làm cho ta nghĩ tới hình (hình ảnh hoặc hình phạt). Huê làm cho ta nhớ tới tiếng quê (quê mùa).
 
7. Cũng có khi tên Thành làm cho ta nhớ tới tiếng thà (do ba chữ đầu trong tên ghép lại): thiệt thà. Nếu người có tên ấy thiết thà thì không bao giờ ta quên tên người đó được.
 
8. Ta có thể nhớ nhiều tên được nếu ta sắp đặt thành từng cặp có ý nghĩa rồi chú ý tới từng cặp một, nhớ cặp ấy rồi mới qua cặp khác. Như có những tên sau này: Hoàng, Dược. Nhật, Bắc thì ta nhớ thành hai cặp: Nhật Hoàng (Hoàng đế nước Nhật), Bắc Dược (thuốc bắc).
 
Muốn nhớ những ý trong một câu chuyện hay một bài diễn văn, ta cũng phải dùng phương pháp gợi hình ảnh. Các diễn giả đều cho đánh máy trước những đại ý trong bài diễn văn, rồi trước khi lên diễn đàn nhìn vào những hàng chữ đó để cho hình ảnh in trong óc và dễ nhớ.
 
Muốn nhớ một biến cố nào, mà ta đã mục kích, ta cũng phải bắt óc ta vẽ lại hình ảnh những việc đã xảy ra trước và sau, vẽ lại hoàn cảnh và những người có mặt tại đó. Muốn nhớ sử ký, cũng phải dùng cách ấy. Tưởng tượng trong óc mình hình ảnh của một thời đại, rồi thời đại đó sẽ hiện ra trước mắt ta, rõ ràng như hiện đại vậy.
 
Loài người khác loài vật ở chỗ biết liên tưởng. Và nhờ trí nhớ, ta mới liên tưởng được. Bacon, một triết gia Anh nói: “Chúng ta hiểu biết được mọi sự nhờ chúng ta có trí nhớ”. Vậy mà không luyện trí nhớ, để cho nó nhụt đi, thì thật làm phí năng lực của ta một cách đáng xấu hổ.
 
Thượng Đế cho ta một bộ óc kỳ dị, làm được những việc kinh thiên. Phải luyện nó, luyện trí nhớ, tập chú ý vào một hình ảnh cho tới khi hình ảnh đó khắc vào tâm não mới thôi, và biết một điều gì thì mỗi khi gặp cơ hội, phải dùng nó cho khỏi quên.
 
HỌC CÁCH LÀM CHO MAU THUỘC
 
Rất nhiều người phàn nàn không sao thuộc được một câu thơ hoặc một bài diễn văn ngắn. Có lẽ nguyên do là tại không biết cách đọc.
 
Người ta thí nghiệm, thấy rằng cách mau nhất để thuộc một bài là đọc lại nhiều lần từ đầu đến cuối. Nếu cần phải thuộc để rồi gấp sách lại lớn tiếng đọc thuộc lòng, thì trong khi học cũng phải đọc lớn tiếng. Nên học một mình trong một phòng tĩnh mịch.
 
Nhiều người học thuộc đoạn thứ nhất rồi mới học thêm một câu, thuộc câu đó lại học câu khác, cho tới hết bài. Cách ấy có điều bất lợi là đoạn đầu thuộc kỹ hơn những đoạn sau và trong khi học thuộc lòng, thường tới nửa chừng, lúng túng, quên mất bài. Vậy nên đọc đi đọc lại từ đầu đến cuối, cho tới khi thuộc lòng cả bài mới thôi.
 
Văn vần dễ học hơn văn xuôi vì có vần, có âm tiết, có bổng trầm nhịp nhàng.
 
Học văn xuôi, có cách là nhớ nghĩa của bài, nhớ sự liên lạc giữa các ý. Có người tìm những tiếng hoặc câu quan trọng nhất để học, nhưng như vậy, khi học thuộc lòng dễ lộn, dễ quên vì họ chú ý tới những tiếng và câu đó quá mà không để ý tới những đoạn khác. Thà học cho thuộc sự liên lạc giữa các ý rồi tự đặt ra lời, như vậy còn hơn. Nhưng dù sao, vẫn phải đọc nhiều lần lớn tiếng từ đầu tới cuối bài.
 
Có thể học một bài làm nhiều ngày. Kinh nghiệm chỉ cho ta rằng mỗi ngày đọc hai lần trong 12 ngày, nhớ được nhiều hơn là đọc 24 lần luôn một lúc. Không phải nhất định mỗi ngày đọc hai lần, có thể đọc 3, 4 lần được, hoặc hai lần buổi sáng, hai lần buổi chiều, tuỳ sở thích và thì giờ của ta, tuỳ bài dài hay ngắn. Sau khi đã đọc nhiều lần từ đầu tới cuối rồi, ta có thể gấp sách, trả bài lại xem có thuộc không. Mỗi khi quên, ta ngó vào bài, kiếm đoạn quên, rồi lại tiếp tục trả cho hết bài, đừng học lại cho thuộc đoạn quên đó rồi mới tiếp tục trả nữa. Nguyên tắc là hễ đã đọc câu đầu thì phải đọc hết bài, hễ đã trả câu đầu thì cũng phải trả hết bài[10].
 
Nếu bạn thấy khó thuộc lòng thì cũng đừng thất vọng. Chỉ những bực siêu quần mới có thể đọc một hai lần mà nhớ ngay được. Cứ đọc suốt cả bài năm, sáu lần đi, trước khi thử trả lại. Mỗi khi đọc, phải đọc rõ ràng từng tiếng, như đọc trước công chúng vậy. Đừng “ăn bớt” tiếng. Lại phải nghĩ tới nghĩa, đừng miệng đọc như cái máy mà óc thì vơ vẫn nghĩ tới mây nước.
 
Khi bạn đã đọc cả bài 10, 12 lần rồi, bạn hãy rán trả lại lớn tiếng. Nếu quên thì mở ra coi, rồi lại trả tiếp, như trên kia tôi đã nói. Nếu quên nhiều quá thì gấp sách lại, suốt ngày đó không nghĩ tới nữa. Hôm sau sẽ đọc lớn tiếng lại vài lần nữa rồi trả bài. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng lần này trôi chảy hơn nhiều.
 
Đừng khi nào học tới mỏi mệt, chán ngán, quạu quọ. Như vậy chỉ hại thôi. Đừng đợi nước tới chân mới nhảy, nếu hôm nay phải trả bài thì học từ mấy ngày trước đi, mỗi ngày học một chút.
 
Học kịch, cũng phải theo phương pháp đó, dù bạn là nhà nghề hay không. Các kép hát nói rằng không phải chỉ học riêng những câu những đoạn họ phải diễn mà đủ, phải coi hết, nhớ hết vở kịch, không cần phải học thuộc lòng lời của các đào kép khác, nhưng ít nhất cũng phải nhớ ý. Như vậy nếu lỡ có quên, cũng có thể đặt ra được.
 
MỘT PHƯƠNG PHÁP TIỆN LỢI
 
Xin bạn đừng nói: “Đầu óc tôi làm sao ấy không tài nào nhớ được điều gì hết, có tập cũng luống công”. Đừng có tự ti mặc cảm đó. Bạn khó nhớ và mau quên không phải tại ký tính của bạn kém mà tại bạn làm biếng.
 
Cách hay nhất để nhớ một điều gì là rán nhớ nó. Trên kia tôi chỉ cho bạn nhiều cách để nhớ. Dưới đây tôi chỉ thêm hai cách dễ dàng nữa.
 
1. Nhận những đồng điểm. Nếu số điện thoại của bạn là 4567 thì bạn thấy ngay rằng bốn síp (chiffre)[11] 4, 5, 6, 7 đi liền nhau. Nếu 4657 thì bạn nhận rằng cũng bốn síp 4, 5, 6, 7 nhưng trong số này, vị trí của síp 5 và síp 6 lộn ngược lại: 6 trước 5 sau. Số 5657 cũng dễ nhớ là vì hai số 56 và 56 đứng liền nhau.
 
Ta thường nhận thấy nhiều điểm giống nhau trong tên và niên hiệu. Nếu bạn nhận thấy rằng một bà cô sanh ngày mồng 4 mà tên của bà cô có bốn chữ, còn số nhà ông chú là 12 mà ông chú cũng sanh ngày 12 thì không khi nào bạn quên sanh nhật của hai người đó nữa.
 
2. Nhận những dị điểm. Ví dụ hôm trước bạn làm quen với ông Ngô Văn Đồng làm ở nhà in “Đời sống mới”, hôm sau bạn lại được giới thiệu với ông Nguyễn Văn Đồng làm ở nhà in “Quan hải tùng thư”. Bạn nhận thấy hai tên họ đó khác nhau ở chỗ nào? Ở chỗ ô (Ngô) và uyên (Nguyễn) mà ô đi với ơ (Đời sống mới), u đi với u (Quan hải tùng thư)[12]. Sự nhận xét những dị điểm đó giúp bạn dễ nhớ.
 
Tóm lại phương pháp này với phương pháp trên chỉ là một, vì tìm thấy được hai dị điểm tức là nhận thấy rằng những điểm khác, trừ hai điểm đó ra, đều giống nhau hết.
 Chú thích:
[1] Woodrow Wilson: bản Văn hoá Thông tin in là Woodros Wilison; tôi theo bản Đồng Tháp. Theo Wikipedia thì Thomas Woodrow Wilson là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28. (Goldfish).
[2] Meinecken: bản Đồng Tháp in là: Meinekem. (Goldfish).
[3] Ở Trung Quốc, khi Tần Thuỷ Hoàng đốt hết sách vở, cũng có một người tên là Phục Sinh nhớ trọn “tứ thư ngũ kinh” mà sau này đọc lại cho người ta chép.
[4] Trong nguyên văn không có thí dụ cụ thể này. Tôi thêm vào cho độc giả dễ hiểu.
[5] g (êm) đọc là giờ, g (cứng) đọc là gờ.
c (êm) – xơ, c (cứng) – cơ.
[6] Lối này, các cụ ta hồi xưa thường dùng. Ai đã học chữ Nho trong cuốn Nhất thiên tự chắc còn nhớ hai câu đầu:

Thiên trời, địa đất, vân mây,

Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm.

Hai câu “lục bát” đó đều có vần, và có bằng, trắc, bổng, trầm, dễ nhớ.
Cuốn Tam thiên tự đặt theo lối khác. Chữ và nghĩa cũng kế tiếp nhau từng đoạn hai tiếng một, nhưng cứ tiếng cuối đoạn trên vần với tiếng cuối đoạn dưới, như trong câu đầu:
Thiên trời, địa đất, tử mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước…
[7] Ý nói thế kỷ 19. (Goldfish).
[8] Người trung gian, môi giới buôn bán.
[9] Lối đảo chữ trong một từ. 
[10] Chúng tôi nghĩ khác: lúc mới đầu cứ học thuộc lòng từng đoạn một đến khi hết bài rồi mới đọc lại từ đầu đến cuối. Ta thường nhận thấy rằng trong một bài có đoạn dễ, có đoạn rất khó thuộc. Nếu theo phương pháp của tác giả, thì chỉ vì quên một câu ta phải đọc lại hết bài, như vậy mất công lắm.
[11] Chúng tôi dùng tiếng “số” để dịch tiếng “nombre”, tiếng “chữ” để dịch tiếng “lettre”, còn “mot” thì dịch là “tiếng”.
[12] Tôi đoán là u đi với ư (chứ không phải u) vì ư có liên quan với chữ thư trong Quan hải tùng thư, giống như ơ có liên quan với mi trong Đời sống mi. (Goldfish).