Bây giờ việc đi cất hàng trên tỉnh không còn được dễ dàng như ngày trước nữa. Bản thân bà đã chứng kiến ngườivào thành phố bị kiểm soát giấy tờ ngặt nghèo. Người ta có giấy tờ hành nghề buôn chuyến hẳn hoi vậy mà vẫn bị bọn nó hống hách vu oan là mua hàng về tiếp tế cho du kích Việt Minh. Cãi chẳng nổi cái lũ lộng hành, có quyền có thế. Vậy là, hàng bị tịch thu. Còn bà, về đến làng, tuy rằng ông Húc không còn bạo mồm bạo miệng nói bà là tiếp tay cho giặc nhưng lại vòng vo răn đe bóng gió: “ mua hàng trong vùng địch tạm chiếm là có lợi cho địch”. Có lợi cho địch thì ắt hẳn có hại cho ta. Bà và cả An nửa hận lời nói độc miệng của ông Húc. Thời buổi loạn lạc thế này, kiếm được miếng ăn sao mà khó thế. Phải rồi, đi đường bà được nghe người ta kháo chuyện với nhau, cuộc chiến đang lan tràn ở các tỉnh đồng bằng. VIệt Minh và lính Pháp đánh nhau to lắm. Bọn lính Lê dương và tụi lính Bảo Hoàng thẳng tay đốt phá trong những trận càn quét. Khổ cho dân lành lương thiện. Cái làng Xuân Giao này, lần này bị đốt phá cướp bóc ghê người, thật hãi hùng. Phải tìm con đường để sinh sống nuôi con. Không thể ở lại cái làng này được nữa, vả lại nhà cửa có còn đâu, không thể chịu được mãi cái cảnh xóm làng bị càn quét, bắn giết liên miên. Mạng sống bị đe doạ và kiếm ăn thì nào có dễ dàng. Trời Phật có thấu cho chăng? Ánh mắt bà u ẩn như thả mãi về chốn xa xăm. Trên nền trời đùng đục, vầng trăng lúc tỏ lúc mờ bởi những áng mây xam xám cứ vật vờ trôi, đôi lúc phủ rợp vầng trăng. Sau bữa ăn tối, mẹ con An sang ngủ nhờ bên bà Chánh Huyện. Mẹ An không chợp được mắt cứ nghĩ ngược nghĩ xuôi về những ngày tới. Nghĩ mãi, bà đi đến một quyết định dứt khoát. Mấy hôm nữa, mẹ con bà sẽ dắt nhau lên thành phố Nam Định tá túc nhà bà chị chồng một thời gian rồi liệu cơ. Rồi ngụ cư hẳn ở một nơi nào, lúc này không thể nói trước được. Việc kiếm kế sinh nhai đành phải liệu vậy. Ngoảnh nhìn những đứa con đang ngủ yên, đều đều nhịp thở, gương mặt chúng sáng sủa hồn nhiên vô tư như chẳng hề có điều gì xảy ra, nước mắt mẹ An chan hoà hai gò má. Sáng hôm sau, mẹ nói với An, giọng buồn buồn, mắt ươn ướt nước: “ Mẹ con ta chỉ ở lại làng mình vài ba ngày nữa để thu xếp việc nhà rồi lên Nam Định tìm đường kiếm sống. Đành lòng phải thế con ạ, không còn cách nào nữa đâu, mẹ đã nghĩ kỹ rồi. Bao giờ bán cho xong món hàng vừa mua về, thu gom những khoản nợ lặt vặt ở những người dân làng nghèo khó là sẽ ra đi. Họ mua hàng của mình nhưng vì túng bấn nên đang còn khất nợ.” Trước ngày ra đi, An đến lớp sớm hơn thường lệ, lúc cỏ hai bên vệ đường còn đẫm ướt sương mai. Đến trường để chào thầy, tạm biệt bạn học. Thầy, trò, bạn bè trong buổi chia biệt không sao tránh được sự mủi lòng, những giọt nước mắt rớt dài trên gò má. Khôg có nụ cười vui hồ hởi, cũng chẳng có vẫy tay đưa tiễn mà đây đó là những ánh mắt những lời chào chia biệt buồn bã. Rời bàn tay này lại nắm bàn tay kia của bạn bè cùng lớp. Con gái hình như quên cả nỗi thẹn thùng có hữu, bạo dạn nắm tay An, ánh mắt lưu luyến rưng rưng. Cảm giác bất ngờ, đột ngột quá, Thương mắt đỏ hoe, cắn chặt mãi làn môi để ngăn dòng nước mắt. Chiếc khăn mù - xoa cứ chốc chốc lại chấm chấm, quệt quệt vệt nước đọng ở mí mắt. Thương cúi mặt, muốn giấu những giọt nước mắt nhưng bất lực, không tài nào kiểm sóat nổi. Tiếng sụt sịt phát ra nghe rõ mồn một. Giọng Thương buồn bã: “ Thương không ngờ đến nông nỗi này, chiều nay Thương đến nhà An để chia tay…” Buổi chiều, Thương đến tìm An đang ở nhà chú Hoà. Con đường từ đầu làng Xuân Giao dẫn vào nhà Hoà phải ngang qua cổng nhà thằng Cội. Thấy bóng dáng người con gái xinh xắn, thằng Cội rời nhà mình, bám theo sau, hắn nói như quát lên: - Cô kia, đứng lại! Thương vẫn thoăn thoắt bước. Cội chạy theo hỏi: - Cô ở đâu đến làng này? – Thương quay ngoắt lại đáp: - Ở Xuân Thành Chợt nhìn rõ vẻ xinh đẹp của Thương, Cội trố mắt nhìn rồi chạy vượt lên đứng chắn ngang đường. Đôi mắt lồi lồi của Cội nhìn chòng chọc như thể lần đầu tiên trong đời hắn được nhìn người con gái có vẻ đẹp khác thường. Cái đẹp thật kỳ lạ, buộc thằng con trai ở lứa tuổi 15, 16 phải dịu giọng: - Tên cô là gì? – Thương bĩu môi, không trả lời. Cội lại hỏi: - Đến nhà ai? Tôi chỉ lối cho. - Đến nhà anh Hoà, anh An. Thằng Cội cau mày tức tối vì nó đoán ra ngay, cô gái kia là bạn học thân thiết với lũ chú cháu thằng An. Chẳng nên dại dột chòng ghẹo bạn gái của chúng. Lượng sức mình, nó không thể đánh nổi thằng An tuy rằng hai người xấp xỉ tuổi nhau. An lại chẳng ngại chuyện đánh nhau, ở cái làng này không ai dám bắt nạt. Đã có lần Cội gây sự, thách thức quyết đấu, phân định thằng thua bằng tay vo. Cội xông vào đấm phủ đầu. Không ngờ An bình tĩnh đỡ và tránh đòn rồi phản công quyết liệt, giáng mấy quả đấm chắc nịch vào mặt Cội. Quả trúng mắt nẩy đom đóm, tối sầm mắt mũi. Quả trúng mặt, trúng mũi làm mặt Cội có chỗ sưng vù, mũi đổ máu cam, Cội thua đau. Mấy hôm phải vác bộ mặt thâm tím, thật xấu hổ với mọi người. Nghĩ đến trận đánh nhau nhớ đời ấy, Cội hận lắm nhưng đành phải nhường đường cho Thương đi. Nó không thôi dán mắt nhìn theo mái tóc dài mượt mà vất vẻo ngang mông theo dáng đi uyển chuyển của người con gái. Và rồi, chỉ trong giây lát trong người Cội dồn ứ nỗi bực dọc tức tối. Nó căm lắm, căm hận bởi thua An về sức vóc, kém An về học hành. Bây giờ lại thua An thêm một điều: An có bạn gái xinh đẹp, điều này làm nó tức tối nhất. Cội thầm ao ước, cô gái kia là bạn của Cội thì hãnh diện biết bao nhiêu với bạn bè. Chú Hoà nhường phòng học của mình cho An và Thương tự do trò chuyện. Cuộc gặp mặt giữa Thương và An không vui lên được. Không gian yên ắng như lắng xuống. Mọi vật trong căn phòng như cùng lặng im để được chứng kiến, lắng nghe hai người trò chuyện. An buồn buồn, anh phá vỡ không khí trầm lắng: - Tuy An không đến lớp nữa nhưng Thương còn đến lớp theo học, đó là điều may mắn, chỉ mong Thương chịu khó học hành. - Tiếc cho An học khá mà phải thôi học.- Thương thở dài- Sau này liệu An có còn đi học nữa không? - An không thể biết trước được. Việc này còn tuỳ thuộc ở mẹ An. Nếu có thể nuôi được con ăn học, chắc rằng mẹ lại cho An đến trường. - Thương chỉ mong An được như thế. Bàn tay Thương làm dấu, cầu bề trên sáng láng, mong Chúa Trời với phép màu nhiệm cho An vượt qua chặng đường tha hương, khổ ải, vượt qua những trắc trở gian nan, cho An được ngày ngày cắp sách đến trường cùng bè bạn. Thương lại đưa tay làm dấu thánh một lần nữa, cầu Đức Chúa Trời cho mối thân tình của An và Thương không bao giờ phai nhạt, rồi đây hai người được mãi mãi bên nhau. Thương chậm rãi lấy ra từ trong túi của mình chiếc khăn mù-xoa màu xanh lơ, bên trong gói chiếc cặp ba lá, giọng dìu dịu: - Tặng An làm kỷ niệm để nhớ mãi Thương. Vẻ bẽn lẽn, lúng túng vì xúc động làm má Thương ửng hồng. Người con gái lần đầu tiên trong đời đặt chân trên ngưỡng cửa tình yêu không khỏi xao động. Mỗi tình đầu hồn nhiên chân thành vừa chớm nở như bong hoa hé nụ lại bất ngờ gặp bão gió mà không ai có thể dự đoán được. Bây giờ thì cuộc chia tay của đôi trẻ sắp diễn ra. Nỗi buồn dần dà thâm nhập mà chỉ có người trong cuộc mới nhận ra. Khái niệm “đau khổ” lúc này Thương đang thấm thía. An rụt rè nhận kỷ vật, anh nói với Thương: - An có quyển bài tập Toán chọn lọc, Thương giữ lấy để tham khảo. Tay đỡ lấy cuốn sách, Thương đăm đắm nhìn An, ánh mắt lấp lánh những tia sáng êm dịu, ấm áp không ngòi bút nào tả nổi. Lần đầu tiên trong đời mình, Thương gọi An là “anh” và xưng “em” với cái nghĩa yêu thương một cách hồn nhiên: - Em xin anh. Lòng Thương dấy lên những phút giây xao động, giọng dịu êm. - Cuốn sách này em sẽ giữ gìn cẩn thận để mãi mãi nhớ anh. Bất chợt Thương thấm giọt nước mát trào ra trên khoé mắt. An cảm nhận được Thương đang buồn, đang xúc động, trong giây lát này anh chợt nhận ra gương mặt với vẻ đẹp đáng yêu của Thương, đẹp hơn trong cảm nhận mà trước kia anh đã biết. Tất cả những nét trên gương mặt như bảo nhau cùng hộ trợ tô điểm cho sắc đẹp cỉa Thương và đáng yêu nhất lại là ánh mắt trong trẻo mà dịu dàng của em. An nắm bàn tay mềm mại của Thương, em ngước nhìn rồi bẽn lẽn làm cho làn mi cong cụp xuống. Đôi bàn tay của hai người truyền hơi ấm cho nhau. Tuy vậy anh không dám nghĩ, dám tin đời mình sẽ gắn bó với Thương. Nỗi mặc cảm về bước đường tha hương vô định đang lên tiếng nhắc nhở anh. Trăng chênh chếch treo lơ lửng trên đầu ngọn tre. Chẳng thể ngồi mãi bên nhau, Thương từ biệt ra về. An tiễn Thương trên đoạn đường làng rợp bóng trăng, luỹ tre hai bên đường lao xao ngọn gió từ đồng làng thổi tới. Đã đến lúc chia tay, Thương rưng rưng nước mắt, em chủ động nép mình ngả mái đầu vào ngực An, giọng dịu dàng, dặn đi dặn lại: - Anh đến đâu, ở đâu, làm gì nhớ viết thư cho Thương hoặc nhắn qua chú Hoà cho em hay. Nhớ anh nhé! Hứa với em đi. Bây giờ thì An như bừng tỉnh. Anh mơ hồ suy đoán rằng, bước đường tha hương của mẹ con anh rồi đây sẽ chẳng biết sẽ đến góc biển chân trời nào. Có lẽ không thể trở về quê hương được nữa, không còn được gặp Thương nữa. An thở dài. Viết thư cho Thương ư? Viết về nỗi buồn tha hương, viết về cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, vất vả liệu có ích gì không? Chắc chắn chỉ làm cho Thương buồn, An nghĩ thế, anh hờ hững gật đầu. Im lặng một hồi lâu, An chậm rãi trả lời. - Dù có viết thư hay không viết thư thì chúng mình bao giờ cũng nhớ đến nhau, cầu mong cho nhau những điều may mắn phải không Thương? Trong giây phút chia tay này, An đã tiên liệu đây là cuộc chia ly chứ không đơn thuần là cuộc chia tay. Thương không nhìn thấy nước mắt An rớt trên gò má. Bất chợt, Thương mau lẹ móc từ trong túi áo mình ra 5 đồng bạc, giúi nhanh vào túi An rồi nói: - Mấy đồng này dù chẳng đáng là bao nhưng cũng cần để anh uống nước dọc đường. Để chiều lòng Thương, An không nỡ từ chối. Vả lại, không ai lường trước được những khó khăn gặp phải trên đường tha hương. Tuy vậy, nhận đồng tiền của bạn gái, anh ngường ngượng. Ngừơi con trai tự trọng đang lớn lên trong An. Trở về với căn phòng mà cả gia đình đang phải ở nhờ nhà bà Chánh, An ngồi lặng một mình không ánh đèn, những suy nghĩ lăn tăn chợt đến. Thế là đã hai ngày nay An thôi học. Bây giờ thì bạn bè lớp đệ lục của anh hiển hiện rõ mồn một trong ký ức. Bạn trai: Hùng, Trường, Khánh…con gái: Thương, Thắm, Đào…Con trai, đứa lầm lỳ ít nói, thằng vỡ giọng ồm oàm. Con gái hay thẹn thùng. Giờ ra chơi, chúng co cụm thành nhóm để trò chuyện. Chuyện chẳng phải bí mật mà vẫn cứ kín đáo như thể để chúng biết mà thôi. Bạn học đệ lục vậy mà khối đứa ngọng líu ngọng lô, giọng đọc phát âm l thành n, sủa mãi không xong, khiến cả lớp cười nôn ruột…Thầy dạy Văn dáng lòng khòng, người nhỏ thó, giảng văn quên cả giờ ra chơi. Thầy dạy Sử cận thị nặng, giọng hùng hồn, cuốn học trò vào tiết học. Còn thầy dạy Toán lời giảng khúc chiết dẫn học trò đến với những kết luận chặt chẽ. An cũng không rõ vì sao mình lại thích nhất môn Toán, dòng tộc của anh nghiêng hẳn về năng khiếu các môn học tự nhiên. Tháng vừa qua, An giành được một điểm 10, hai điểm 9, xếp thứ nhì trong lớp, thực hiện được yêu cầu của mẹ. An vẫn nhớ, mẹ đã từng khích lệ anh ngày nào, con cố gắng vươn lên xếp thứ nhất, thứ nhì trong lớp mẹ hứa cho con lên Nam Định chơi. Nhưng nghĩ mà buồn, ngày mai mình sẽ đến thành phố Nam Định, nhưng lại không phải là đi chơi với mong ước của tuổi thơ mà đơn giản chỉ là một cuộc chạy loạn vì giặc Pháp, phải tha phương cầu thực bởi mái nhà đã thành tro bụi. Ở lứa tuổi 15 người ta không ngập chìm trong phiền muộn, hình ảnh về thầy về bạn chợt đến rồi chợt đi, An chỉ tiếc rằng không còn được cùng bè bạn cắp sách đến trường. Thế là ngày mai mẹ con anh sẽ xa rời cái làng quê chôn rau cắt rốn này… Kết thúc trận càn quét xóm làng vừa rồi, ông Cành cũng vài người chủ trâu lớn tuổi bị bắt phải đích thân dắt trâu nhà mình theo bọn lính về đồn Thuỷ Nhai. Đến nơi, lũ lính được lệnh giữ lại trâu, đuổi họ ra về. Người ta không chịu, đứng lỳ ở cổng đồn khóc lóc van lạy. Họ nằn nì với lũ lính, xin lại những con trâu vô tội. Cổng đồn Thuỷ Nhai trở nên ồn ĩ. Viên thiếu uý đồn trưởng xồng xộc trong đồn bước ra, chững chạc trong bộ quân phục, mặt hầm hầm, hàng ria sâu róm đen nhánh dựng lên. Nó khoát khẩu súng ngắn trong tay thành một vòng cung rồi giơ khẩu súng lên cao, bóp cò nổ liền ba phát chỉ thiên. Mọi người im phăng phắc, lấm lét nhìn đồn trưởng. Hắn dằn giọng, chúng bay muốn sống thì ra về ngay, đừng nhiều lời. Đứa nào lì lợm, muốn thi gan với súng đạn thì hãy mở to mắt ra xem con trâu kia! Ba phát súng của đồn trưởng nối nhau: đoàng, đoàng, đoàng nhằm vào đầu một con trâu. Trâu trúng đạn, đầu vỡ một mảng, óc trăng trắng phọt ra hòa với dòng máu đỏ ngầu. Nó lăn kềnh giãy chết. Bốn chân quờ quạng đạp trên mặt đất mềm, đào bới thành vệt, trũng sâu như rãnh cày. Mắt trâu mở thao láo, ánh mắt không lờ đờ mà trừng trừng như ai oán viên đồn trưởng đã không cho nó được sống. Mấy người dân làng mặt biến sắc vẻ khiếp sợ. Họ lắc đầu thở dài, biết rằng có van xin nữa cũng vô ích. Nước mắt uất ức trào ra, miệng lẩm bẩm chửi rủa lũ giặc tham lam tàn ác rồi đành rủ nhau ra về. Ông Cành lững thững đi sau đoàn người mất trâu, viên đồn trưởng rảo bước đến bên ông, ghé tai bảo: - Ông là người tử tế, biết quý trọng quân đội Bảo Hoàng, tối mai ông bí mật lên đây, tôi sẽ ban cho một đặc ân.- hắn nháy mắt, hất hàm nhìn con trâu nhà ông Cành. Viên đồn trưởng nói nhỏ, chúng ta phải cùng nhau thoả thuận một việc. Ông Cành luôn miệng: - Đa tạ quan lớn! Đa tạ quan lớn! Viên thiếu uý gật gù: - Trường hợp độc nhất vô nhị này phải chọn mặt gửi vàng. Ông chẳng việc gì phải hé miệng với ai. Bọn dân làng bị mất trâu chúng mà biết sẽ ganh tỵ đấy, không có lợi cho ông đâu. Chú ý lắng nghe, con mắt lồi của ông Cành chớp lia lịa, giọng ông xun xoe: - Con sẽ nhất nhất tuân theo đúng như lời dạy bảo của quan lớn. Ngay chiều hôm sau, vợ chồng ông Cành luộc gà, đồ xôi đùm vào trong bọc lá chuổi tươi, buộc dây lạt cẩn thận rồi, chờ cho trời nhá nhem nhọ mặt người, gà đã lên chuồng, hai bố con ông mang theo đùm xôi gà, len lén vòng đường tắt tìm đến đồn Thuỷ Nhai. Viên đồn trưởng, mặc quần xà lỏn, mặt tươi hơn hớn, phì phèo điếu thuốc lá cắm trên miệng tiếp đón bố con ông Cành. Sai nhà bếp dọn mâm cơm tối có thịt trâu – trâu bị bắn chết hôm qua, chặt thịt gà luộc mà ông Cành vừa đem biếu vào đĩa to, chất đầy tú hụ. Viên thiếu uý cho hai bố con ông Cành ngồi cùng mâm với mình uống rượu mạnh. Thiếu uý đồn trưởng uống cầm chừng nhưng lại ép ông Cành uống hết chén này đến chén khác. Khi ông Cành đã ngà ngà say, mặt đỏ lựng, mắt vằn những tia máu, lời nói lè nhè líu lưỡi, thiếu uý vỗ đồm độp lên vai ông Cành: - Tôi sẽ trả con trâu mộng cho ông. Sướng nhé! Nhưng ông phải cam kết với tôi một việc. Dễ thôi! - Xin quan lớn cứ nói. Được giúp quan là phúc đức cho thằng Cành này. - Tốt! Tốt lắm! Từ nay về sau ông sẽ cộng tác chặt chẽ với tôi, dò la bọn du kích trong làng mình rồi trình báo thật chính xác về quân số, nơi ở của chúng, sẽ có thưởng. Ông Cành ề à, vội vã cướp lời: - Việc quan lớn giao cho, con đâu dám từ chối, nhất định làm được. Viên thiếu uý nhếch mép cười, bộ ria sâu róm đen nhánh quăn lên, trườn dài trên mép. Hắn lại rót tiếp cho ông Cành chén rượu đầy. Thiếu uý không ngờ mình đã kiếm được kẻ đồng minh cộng tác chẳng mấy khó khăn và biết rằng cái kế “con trâu nhử mồi”, mưu mô nội gián đã hình thành, hứa hẹn đầy triển vọng.Hắn nhìn chòng chọc vào con mắt lấm lét của ông Cành, nhếch mép cười ruồi, thầm nghĩ, thằng này dùng được. Hắn rót đầy chén rượu, tự thưởng cho mình, tớp một hớp cạn đến đáy chén rồi hà một hơi sặc mùi rượu. Thiếu uý đồn trưởng lim dim đôi mắt, lăn tăn với ý nghĩ đầy hứng khởi. Chẳng còn bao lâu nữa, dưới sự chỉ huy của mình, những làn đạn của binh lính đồn Thuỷ Nhai sẽ giòn giã phát hoả, hạ gục bọn du kích Việt Minh ở làng Xuân Giao. Quan trên người Pháp sẽ phải ngả mũ khâm phục vị đồn trưởng tài năng. Cái ngày phong hàm trung uý và có cơ thưởng mề đay nữa chứ sẽ chẳng còn bao xa…Trở về với thực tế, đồn trưởng Thuỷ Nhai gắp cho bố con ông Cành những miếng thịt trâu màu thâm thẫm, xam xám giúi vào bát. Ông Cành cảm kích, xoa xoa đôi bàn tay đen đúa. Thiếu uý giục: - Ăn uống thoả thuê đi, không phải khách sáo gì cả. Từ nay chúng ta là người nhà thân tình. Ông Cành lại xoa xoa đôi bàn tay vẻ hả dạ. Viên đồn trưởng đôi mắt nhiều lòng trắng bây giờ cũng đã vằn lên những tia máu đỏ, nhìn thằng Cội một chập rồi như phát hiện ra điều gì đặc biệt, nó nói: - Thằng cu này trông giống bố nó như đúc - Bởi nước da đen và cặp mắt lồi lồi của hai bố con ông Cành giống nhau.Thiếu uý lại chậm rãi, thằng cu này trông vẻ nhanh nhảu, láu lỉnh, được việc đấy. - Thưa quan lớn được việc gì ạ? - Được việc là ý tôi muốn nói, từ nay ông đừng ló mặt gặp tôi, bọn dân làng và du kích trông thấy sẽ bị lộ. Việc quân cơ không thể thế được. Vậy nên, có thông tin gì về du kích, ông sai thằng này đến bẩm báo với tôi- thiếu uý quay sang hỏi thằng Cội, mày tên là gì? - Dạ, Cội ạ. Ngẫm nghĩ trong giây lát, hắn quay sang dặn thằng Cội: - Đến đồn này, gặp lính gác, mày nói, tôi là cháu ruột thiếu uý. Mật khẩu đấy, rõ chưa? Thằng Cội gật đầu lia lịa, nhanh nhảu đáp: - Dạ! Dạ! Vâng, con rõ rồi. - Thế rồi, lập tức quay về, chầm chậm bước chân, không được nán lại lâu trước cửa đồn, sẽ lộ bí mật, hỏng bét. Ngay sau đó, tao sẽ phái người mặc thường phục rảo bước theo sau. Khi nào người ấy đi ngang qua mày, mày sẽ trao bản báo cáo mật của bố mày cho người ấy. Hiểu nhiệm vụ này bí mật rồi chứ? Thằng Cội luôn miệng: - Dạ! Vâng. Cội lại được viên đồn trưởng gắp cho thịt trâu chất đầy bát. Nó ăn thịt trâu, thịt gà no căng bụng. Từ bé đến giờ, nó mới được ăn thịt trâu no nê, thoả thích đến thế. Có ăn mới biết thịt trâu dai dai nhưng đầm đậm, ngon miệng lắm. Cội hớn hở vui. Từ nay nó được nhận là cháu ruột của quan đồn trưởng, hãnh diện quá. Cả làng Xuân Giao không một ai được vinh hạnh như thằng Cội này. Cội trô trố nhìn đồn trưởng, thầm biết ơn, lòng tràn ngập kiêu hãnh. Ra về, Cội được viên đồn trưởng cho ba đồng bạc. Bố con ông Cành được đồn trưởng cho gói lại những miếng cổ cánh gà, và vô khối thịt trâu thừa thãi trong bữa ăn cùng đùm xôi nếp mang về. Ở làng Xuân Giao này, chỉ một mình nhà ông Cành được viên đồn trưởng Thuỷ Nhai hoàn trả lại trâu. Dân làng cùng bị bắt trâu trong trận càn quét vừa qua đến hỏi han ông, hy vọng nhờ ông Cành mách bảo, chỉ cho đường đi nước bước để đòi trâu về. Chẳng dại gì mà nói rõ sự thật, ông bảo với họ, có hai trăm bạc như tôi thì dễ dàng chuộc lại trâu.Các ông bà có đủ tiền, không hơn không kém thì đến đồn Thuỷ Nhai xin gặp quan đồn trưởng mà chuộc trâu về. Họ thở dài ngán ngẩm. Những gương mặt xạm màu đất chau mày nhẩm tính giá trâu cày lúc này, họ trao đổi bảo nhau, chẳng ai ngu đần, rồ dại mà đi chuộc lại trâu với giá tiền đắt đỏ hơn mua ngoài chợ. Và nữa, cứ nhớ tới cái mặt đằng đằng sát khí của thằng đồn trường với khẩu súng nạp đạn lăm lăm trong tay mà phát sợ. Họ nản lòng, không còn ai có ý định chuộc lại trâu, chỉ còn biết thở dài tiếc nuối xen lẫn than thở và những lời nguyền rủa quân ăn cướp. Làng Xuân Giao bây giờ chỉ còn vài con trâu, đồng ruộng vào vụ cày thiếu sức kéo, trâu nhà ông Cành được dân làng luân phiên thuê cày ải, giá thuê trâu được đẩy lên cao chưa từng thấy. Người có trâu lợi dụng thời cơ kiếm lợi. Một sào ruộng thuê trâu cày lên giá một thúng thóc mà vẫn khó thuê cho kịp thời vụ. Những gia đình nghèo khó không kham nổi giá thuê trâu cày. Chẳng thể bỏ ruộng hoang hoá, buộc lòng phải gập lưng cuốc ruộng. Đêm hôm khuya khoắt vẫn còn người cặm cụi cuốc ruộng cho kịp thời vụ. Trên cánh đồng mênh mông quạnh vắng, dưới ánh trăng mờ tỏ, bóng người thấp thoáng, lom khom cuốc ruộng, trông vật vờ như những bóng ma. Ông Húc chỉ huy du kích xã cũng phải tìm đến nhà, nói khó, thuê ông Cành cày cho một mẫu đồng sâu. Ông Cành vui lòng nhận lời, tờ mờ sáng hôm sau đã vác cày, dắt trâu đến cày mướn. Công xá chỉ đòi bằng nửa người khác lại còn xởi lởi cho được khất đến vụ thu hoạch mới phải trả. Bởi vậy, vợ ông Húc xinh đẹp có tiếng ở làng Xuân Giao, người làng ai cũng khen bà trẻ, đẹp lại khéo chiều chồng. Bà ta tấm tắc khen ông Cành tử tế, tốt bụng, người trong làng chẳng mấy ai bì kịp. ông Húc ngờ vợ mình phải lòng ông Cành nhưng không có tang chứng đành bóng gió nói với vợ, trên đời này chẳng có thằng chồng nào chịu nổi vợ mình tán tụng thằng đàn ông khác. Linh cảm mách bảo, chồng nổi máu ghen tuông, bà Húc câm như thóc. Ông Húc len lén để mắt dò xét, hậm hực chửi thầm, tổ sư thằng Cành dê cụ. Ông mà bắt được trai trên gái dưới thì mày mất mạng. Ông Húc không phát hiện được hai người vụng trộm tư tình. Sự thật là ông Cành tấm tắc khen bà Húc trẻ đẹp nhất làng lại kiếm được ông chồng giỏi cả việc công việc tư. Lúc này ông Cành tán dương vợ chồng ông Húc để lấy lòng cả hai người. Bà Húc cười hi hí, thùm thụp đấm vào lưng ông Cành. Dần dà, ông Húc ngộ tỉnh ra rằng, thằng Cành thế mà tốt bụng, đúng như lời than phục của vợ ông. Sau ngày cày thuê cho ông Húc mẫu đất, ông Cành và ông Húc thân tình như đôi bạn tri kỷ. Có ấm nước chè tươi mới nấu, ông Húc mời gọi ông Cành sang uống, cùng nhau rít thuốc lào nổ tanh tách, phun khói mù mịt. Có cút rượu ngang, ông Cành kéo tay ông Húc sang nhà mình, ngồi khoanh chân trên chiều giữa sân, chén thù chén tạc, ăn cá rô ron rán giòn, nhấm nháp mấy hạt lạc rang và đĩa rau muống xào tỏi. Thân thiết với nhau đã hàng tháng, một buổi tối trăng mờ, ông Cành mời ông Húc sang nhà mình uống rượu giải sầu. Cả hai vui vẻ nâng chén. Đột nhiên ông Cành dốc bầu tâm sự trĩu nặng u uất: - Tôi mang mối hận thâm gan tím ruột. Ông Húc nhăn mặt, cau mày muốn chia sẻ nguyên nhân: - Hận ai? Cho tôi biết đi, chúng mình thân thiết với nhau như ruột thịt, giấu nhau làm gì. - Hận bọn binh lính đồn Thuỷ Nhai với quan thầy của nó là bọn Pháp. Chúng nó là lũ cướp. Tôi mất đứt mấy trăm bạc mới chuộc lại được con trâu… Của đau con xót. Tôi nung nấu muốn tìm ra phương cách trả mối hận này. Uất lắm. Uất lắm. Ông Húc gật gật mái đầu vẻ thông cảm rồi dông dài giảng giải: - Du kích xã mình còn yếu. Quân số thì ít, vũ khí chỉ có vài quả tạc đạn, mấy khẩu súng mút- cơ – tong, không đủ sức giáng trả những trận càn quét lớn của giặc. Trận giặc càn vừa rồi, hai du kích hy sinh - ông Húc ngưng lại trong giây lát rồi sôi nổi, nhưng rồi sẽ có ngày chúng ta hồi sức, du kích lớn mạnh, quyết diệt trừ bằng hết trung đội Bảo Hoàng ở đồn Thuỷ Nhai, bám làng, chống giặc càn quét. Còn việc tiêu diệt những đạo quân Lê Dương Tây đen Tây trắng, là nhiệm vụ của bộ đội chính quy. Ông Cành cướp lời, giọng bừng bừng sôi nổi như để hả giận hờn: - Thế mới bõ tức. Giá mà được sát cánh cùng các anh để trả hận, thằng Cành này mới hả dạ. Ông Cành đề nghị hai người kết nghĩa huynh đệ, tuy không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng thề nguyền cùng chung sống chết. Ông Húc cười hề hề, gật đầu, mặt tươi hơn hớn vẻ hể hả. Họ cùng nhau tợp ngụm rượu cạn đến đáy để ghi nhớ lời thề. Tớp xong ngụm rượu, ông Cành nhếch mép cười tinh quái, ném ánh mắt khinh bỉ nhìn ông Húc, khoái trá, thầm nghĩ, mày sẽ vào tròng của tao con ạ. Ông Cành xin vào du kích, ông Húc mừng lắm, nói: - Thế là làng ta có thêm một chiến sỹ giết giặc cưú làng, cứu nước. Từ nay tiểu đội du kích xã ta, cả thảy sáu người. - Là những ai vậy? Ông Cành rót đầy chén rượu cho ông Húc, chăm chú chờ đợi câu trả lời. Ông Húc tớp ngụm rượu, men rượu rần rật trong huyết quản, cao hứng kể tên từng chiến sỹ du kích. Họ rải rác trong xã. Người thả vó lưới ven sông, kẻ làm nghề đánh dậm, người thì ở thôn Thượng làm ruộng, kẻ ở thôn Hạ đóng cối làm mộc. Gắp con cá rô ron rán vàng, tiếp vào bát cho ông Húc, ông Cành như để thưởng công cho vị chỉ huy xã đã tận tâm cung cấp đầy đủ, vô cùng chính xác tên tuổi, nơi cư ngụ của từng chiến sỹ du kích trong xã cho mình. Bộ não của ông Cành làm việc hết công suất để ghi nhớ không sót những thông tin vừa thu nhận được. Ông Húc trao nhiệm vụ cho ông Cành, phải đào hầm bí mật ở gậm giường hay bụi tre, phòng địch bất ngờ càn quét. Ông còn bảo rằng, chiến sỹ du kích nào cũng đều có hầm bí mật, được nguỵ trang kín đáo ở góc vườn, bờ ao bụi tre hay gậm giường nhà mình. Ông Cành cười thầm, đôi mắt lồi của ông chớp liên hồi, ánh lên vẻ tinh quái, óc vân vi bao ý nghĩ thầm kín… Bí mật về đội du kích từ danh tính, trang bị đến cửa nhà, nơi trú ẩn đã bị phơi bày. Có thế chứ! Một mẫu đồng sâu chỉ nhận nửa công trâu cày, tao chẳng dại đâu. Chỉ có mày là thằng khờ dại, ngu ngốc Húc ạ! Mày hám lợi lại ngây thơ cả tin. Tao nào có thân tình, huynh đệ gì với mày. Từ tấm bé, có bao giờ thằng Cành này chịu thua thiệt và cũng chưa bao giờ tao coi mày là bạn tri kỷ. Thời buổi loạn lạc này, khôn sống mống chết. Con trâu là đầu cơ nghiệp, nó là tiền là bạc, ai mà chẳng quý, phải bằng mọi cách giữ lấy nó. Tình thế buộc thằng Cành này phải bẩm báo với đồn trưởng Thuỷ Nhai vào ngày mai về số lượng, tên tuổi, nơi cư ngụ của du kích. Âu cũng là cuộc đổi trác sòng phẳng, đổi trâu mộng lấy năm mạng du kích… Đột nhiên ông Cành cười ha hả, ông Húc cũng tức thời cười hề hề phụ hoạ. Tiếng cười dễ dãi và chính ông cũng chẳng hiểu vì sao mà mình cười. Người thì cười bởi trong lòng phấn khích vì mưu mẹo thành đạt. Kẻ thì cười vì muốn hoà niềm vui với chiến hữu thân tình. Theo đề nghĩ của ông Húc với cấp trên, ông Cành được đề bạt làm tiểu đội phó du kích xã và ba ngày nữa có cuộc họp huyện đội. Chỉ huy du kích các xã được triệu tập để nghe cấp trên phổ biến tình hình nhiệm vụ mới. Ông Húc bận việc gia đinh, bởi con lợn sề của nhà ông đúng ngày trở dạ sinh đẻ, phải ở nhà để chăm chút nó. Ông Cành thay mặt xã đội đi họp thay thế. Việc ông Cành phải đi họp lập tức được ông bẩm báo với quan thiếu uý đồn trưởng vào buổi tối hôm ấy. Ông tức tốc sai thằng Cội đến thẳng đồn Thuỷ Nhai gặp thiếu uý trưởng đồn, dặn con phải bắt liên lạc bí mật theo mật khẩu và cách thức mà quan đồn trưởng đã dạy bảo, kèm theo đề xuất của mình. Ông đề nghị binh lính đồn Thuỷ Nhai kịp thời hành động ngay tắp lự trong thời gian mình vắng nhà, bận đi họp huyện đội. Đồn trưởng gật gù mỉm cười, bộ ria mép sâu róm lại quằn lên như giẫy giụa. Hắn bằng lòng lắm về đề xuất khôn ngoan, có tính toán của ông Cành. Việc ông đi họp như vô tình mà thoát khỏi cuộc chụp mũ tấn công vô cùng bất ngờ của binh lính đồn Thuỷ Nhai. Không ai có thể ngờ vì ông là nội gián cho giặc nên thoát chết. Thiếu uý thầm khen, thằng Cành tinh khôn lắm. Bây giờ thì thiếu uý cười hể hả, phô những chiếc răng cửa ám khói thuốc, kẽ răng đen sì vì màu cà phê. Đồn trưởng thầm khen thằng Cội nhanh nhảu, được việc lắm. khen bố nó là người tử tế, trung thành với quân đội Bảo Hoàng, lập công đầu trong việc hạ sát du kích. Hắn thưởng cho ông Cành ba hộp thịt bò to, sơn màu rêu xám được sản xuất từ bên Tây, cử ngừơi mặc áo thường phục mang đến tận nhà, cho thằng Cội một bao thuốc lá rẻ tiền và 5 đồng bạc. Bố con ông Cành thoả thuê hút thuốc lá. Thằng Cội lim dim cặp mắt trô trố, khoái trá nhả khói ra đằng mũi, tỏ vẻ ăn chơi như người lớn. Căn phòng khét lẹt mùi thuốc lá làm bà Cành ho rũ rượi. Chờ cho bà Cành hết ho, ông Cành tấm tắc khen quan đồn trưởng xởi lởi rộng rãi, ông hoan hỉ nói với vợ, thịt bò hộp mềm, có trộn kèm khoai tây thái vuông con cờ, cà rốt thái nhỏ và thêm đậu cô ve ăn lạ miệng lắm. Ở cái làng Xuân Giao này chẳng có thằng chó nào được xơi thịt bò hộp như nhà mình. Ông khen cái vỏ hộp thịt bò làm bằng sắt, tiện dụng quá, dùng làm bơ đong gạo, làm gáo múc nước thì tuyệt diệu. Thế rồi, dưới sự chỉ huy của đồn trưởng Thuỷ Nhai, cuộc hành binh của trung đội lính Bảo Hoàng được tiến hành ngay lập tức vào lúc 12 giờ đêm ngày hôm sau, lúc mà trên nền trời chỉ lác đác vài vì sao hắt ánh sáng vô cùng yếu ớt. Không cần đại bác, moóc chi ê yểm trợ, cuộc hành quân bí mật thầm lặng, binh lính như ngậm tăm mà tiến. Binh lính chia thành tốp tiếp cận, bao vây không sót một căn nhà nào của du kích làng Xuân Giao. Trên con đường làng dẫn đến nhà chiến sỹ du kích tuyệt nhiên không có một tiếng súng nổ, chỉ nghe thấy tiếng chó sủa ở các ngõ. Đêm đang vào chiều sâu. Lũ lính đạp cửa, xông vào nhà, bắt sống du kích trong lúc vợ chồng họ đang ôm nhau trên giường. Lại có tốp lính lật nắp hầm bí mật, lia một băng đạn rồi quăng lựu đạn giết chết du kích khi họ thấy động đã kịp chui xuống hầm trú ẩn. Những mái nhà lợp tranh lợp rạ của du kích bị ngọn lửa bùng bùng thiêu đốt, vàng rực trong đêm. Của nả bị cướp sạch hoặc đập nát dù chỉ là một vài thùng thóc tẻ, gạo tẻ, con gà, con vịt, cái mâm, cái bát… Nửa trung đội do thiếu uý đồn trưởng dẫn đầu ập vào nhà ông Cành, bắt đi mấy con gà, bắn chết con lợn cấn tai chuồng. Trước khi rút quân, viên đồn trưởng gặp bà Cành, nó nháy nháy cặp mắt nhiều lòng trắng ra hiệu thân thiện rồi nhoẻn cười, nói nhỏ, bắt gà, bắn lợn nhà ông bà để che mắt dân làng. Viên đồn trưởng giúi nhanh mấy chục bạc vào túi bà Cành. Một tốp lính xộc vào nhà ông Húc, không kịp kháng cự, ông ta bị trói giật cánh khuỷ. Mắt ông ngơ ngác, không thể hiểu nổi vì căn cớ gì mà cuộc đột nhập này không hề nghe thấy tiếng súng nổ như mọi lần. Bọn lính xuất hiện bất thần như ma quỷ hiện hình. Du kích trong làng, những đồng đội của ông liệu có ai lâm vào cảnh ngộ này không? Bỗng rộ lên tiếng súng nổ chát chúa ngoài chuồng lợn… Tiếng lợn sề và lợn con kêu eng éc vì trúng đạn. Tiếng lợn kêu cắt ngang suy nghĩ về đồng đội của ông Húc. Viên đồn trưởng lúc này cũng đã bước vào sân nhà ông Húc. Lũ lính báo cáo, kẻ bị gô trói kia chính là chủ nhân ngôi nhà này. Đồn trưởng tiến đến, chọc mũi súng ngắn vào cằm ông Húc, hất mạnh. Mặt ông ngửa lên. Cặp mắt đầy lòng trắng của viên thiếu uý nhìn xối vào mặt ông Húc, hắn cười ha ha nghe rờn rợn trong đêm rồi nói, tao biết mày là thằng Húc chỉ huy du kích. Trước khi lìa đời, tao cho mày biết, những thằng du kích dưới quyền mày và cả mày nữa, đều chung số phận, nhất loạt về chầu diêm vương. Hắn lại cười ha ha. Ngọn súng chĩa thẳng vào đầu ông Húc, một phát súng lục nổ đanh, tiếp theo là hai phát vào ngực. Ông Húc ngã vật ra sân, nằm trên vũng máu tuôn chảy. Trong đêm tối trời, màu máu đen đen. Bà Húc lao đến ôm xác chồng. Bà và hai con nhỏ lăn lộn trên sân, gào khóc thảm thiết. Chiếc đèn pin của đồn trưởng rọi thẳng vào mặt bà Húc. Mấy lần nó bấm rồi lia, tập trung chùm ánh sáng vào mặt bà. Viên đồn trưởng đã không lầm, đôi mắt hau háu của hắn đã nhận ra vẻ đẹp khác thường của người đàn bà ba mươi tuổi, làn da trắng nõn nơi cổ áo không giấu được dưới ánh đèn pin soi mói. Bây giờ thì vẻ đẹp trời cho của người phụ nữ chống lại bà, xui khiến kẻ có quyền lực trở thành tên dâm ô đểu cáng. Thiếu uý lạnh lùng, vô cảm với cái xác chết của ông Húc. Cuộc đời binh nghiệp dạn dầy, xác chết và máu chảy có nghĩa lý gì đâu. Trái tim bình thản đập. Tệ hại hơn, nó đã hoá đá bao trái tim con người. Bây giờ con người thiếu uý rần rật, từng đường gân thớ thịt râm ran thật khó tả. Sự thèm muốn xác thịt khó lòng kiểm sóat nổi, đồn trưởng lôi xềnh xệch người đàn bà tội nghiệp vào nhà, đóng sập cửa lại mặc cho bà gào khóc, van xin thảm thiết. Thiếu uý bật diêm châm lửa, thắp sáng ngọn đèn dầu Hoa Kỳ. Lửa đèn vàng xuộm, sáng lên đủ để cho viên đồn trưởng thích thú thụ hưởng vẻ đẹp trời cho của bà Húc. Trong giây lát, thiếu uý lột quần, lột áo bà Húc. Nước da trắng ngần và đường con nét uốn khêu gợi của người đàn bà mau lẹ phơi ra trước con mắt thèm muốn của thiếu uý. Thiếu uý nuốt nước miếng, bà Húc nghiến chặt hàm răng, toàn thân run rẩy khiếp đảm. Viên thiếu uý đặt khẩu súng lục lên bàn, lặng lẽ cởi bỏ bộ quân phục. Sức vóc đàn ông thắng sức chống cự của đàn bà. Hắn bế thốc và sấn sổ trên giường. Cơn uất hận sôi lên đối với kẻ đã giết chồng và đang làm nhục mình, nó giúp bà đủ khôn ngoan, mách bảo bà hãy dùng chiêu vô hiệu nghiệm của đàn bà. Bà Húc mau lẹ tóm chặt “cái của nợ” của đồn trưởng trong lòng bàn tay và bằng sức mạnh tối đa của lòng căm hận, một cú bóp, xoáy vặn cực mạnh trong phút giây. Viên đồn trưởng rú lên đau đớn, mặt nhăn nhúm, toàn thân rã rời. Bà Húc hất mạnh hắn ngã lăn từ trên giường xuống nền nhà như cái bị thịt rũ rượi. Và rồi, vơ lấy khẩu súng lục trên mặt bàn, bà quật mạnh như trời giáng vào sọ não đồn trưởng. Một âm thanh khô gọn phát ra. Hắn trợn mắt, giãy đành đạch, không kêu nổi tiếng nào, ngáp vài cái rồi nằm bất động. Bà Húc vội vàng mặc quần áo. Nghe thấy tiếng động lạ, bọn lính đứng ngoài cửa xông vào nhưng đã quá muộn, vị chỉ huy của chúng đã tắt thở, mắt trợn trừng. Lũ lính trói nghiến người đàn bà gây ra án mạng. Căn nhà bị lập tức phóng hoả. Bà Húc chằm chặp nhìn lũ lính mắt ráo hoảnh, gương mặt đanh lại như vô cảm. Chỉ đến khi nhìn xác chồng, thấy căn nhà cháy đùng đùng, hai đứa con đang khóc lóc thảm thiết, nước mắt bà Húc mới trào ra hoen trên gò má. Bà Húc cùng với xác thiếu uý được đưa về đồn. Về đồn rồi, lũ lính lại cũng bị sắc đẹp như ma lực của người đàn bà lôi cuốn làm chúng mụ mị. Một thằng to lớn vạm vỡ giành quyền tiên phong chiếm hữu thân xác bà. Bàn tay không đẩy nổi thân hình như đô vật của nó, bà Húc nhằm cổ họng, nghiến chặt hàm răng uất ức của mình. Máu chảy đầy cổ, nó thét lên ghê rợn như lợn bị chọc tiết. Lũ lính xông vào cứu nguy, may mà thằng kia không chết, thật hú vía. Bà Húc bị đấm, bị đá đến ngất xỉu. Và cuối cùng bà biến thành đồ chơi luân phiên cho lũ quỷ dâm đãng. Chúng hãm hiếp bà đến chết. Sau này, người ta biết và kể cho nhau nghe rành rẽ, đồn trưởng Thuỷ Nhai chết rồi còn được thượng cấp vinh danh công trạng “võ quan quả cảm” đã liều thân trong trận chiến vô cùng oanh liệt, tiêu diệt du kích Việt Minh. Chiến tranh là thế, xấu xa, nhơ nhớp được che đậy, công trạng thăng hoa. Ông Húc được nêu gương là cán bộ chỉ huy du kích quả cảm, anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương xóm làng. Âu cũng là của chồng công vợ. Sau khi tiểu đội du kích làng Xuân Giao bị tổn hại, hy sinh nặng nề, dân làng Xuân Giao hoang mang, lao xao bàn tán về cuộc đột kích bất ngờ của lính đồn Thuỷ Nhai. Ông già, bà lão móm mém nhai trầu, ngồi ở gốc nhãn đầu đình, đàn ông đàn bà đi cày đi bừa, gặp nhau ở cuối luỹ tre, đầu bờ ruộng, họ cứ như dính vào nhau để trò chuyện. Ai cũng thấy lạ về cuộc đột kích này. Cớ sao giặc lại nhằm trúng nhà du kích đến thế, cứ như người đánh dậm tài giỏi úp được cá lớn. Thương cho mấy anh du kíhc hiền lành tử tế. Người ta đều là người họ gần hay họ xa của dân làng, đã chết thảm thương thật tội nghiệp. Dân làng đoán rằng có Việt gian nội gián làm tay sai, đã chỉ điểm cho giặc. Thật đáng nguyền rủa lũ bán nước hại dân. Bầu không khí ngờ vực như khói lam chiều, là là phủ mái rạ, bờ tre rồi loang ra trong thôn xóm. Sự ngờ vực, bán tín bán nghi, không có nhân chứng vật chứng, chẳng làm gì nổi ai rồi cũng như gió thoảng mây bay, chẳng chết mà sợ - ông Cành nghĩ thế. Điều mà ông Cành lo mất ăn mất ngủ lại là Huyện đội du kích cũng phán đoán như dân làng, có Việt gian chỉ điểm và yêu cầu ông phải gấp rút điều tra lôi ra ánh sáng để mau chóng tiễu trừ phần tử Việt gian nguy hiểm. Ông Cành băn khoăn lắm. Đầu ông mông lung nghĩ ngợi, nhiều đêm giật mình thức giấc lại triền mien nghĩ vân vi làm đôi mắt ốc nhồi của ông càng lồi, lưỡng quyền nhô cao cùng với nước da đen xạm khiến ông trông như quỷ đói. Liệu có kẻ nào ngờ vực, đặt dấu hỏi về cơ may thoát chết của mình? Ông Cành tự trấn an, điều này không đáng lo. Vì được triệu tập đi họp nên thoát khỏi cuộc tập kích mà thôi. Liệu có ai biết rõ sự thật về con trâu mộng nhà ông được đồn trưởng Thuỷ Nhai trả lại? Và nữa, liệu có ai biết ông và thằng Cội đã mấy lần gặp thiếu uý đồn trưởng và được hậu thưởng? Điều này làm ông phân vân, e ngại lắm. Mong trời cao che chở cho – ông lẩm bẩm như người mắc chứng thần kinh. Chao ôi! Huyện đội mà biết đích xác bố con ông là Việt gian thì hậu quả không thể lường hết được – nghĩ thế, mồ hôi rịn ra, lấm tấm trên trán và thái dương ông Cành. Gương tày liếp, ở xã Xuân Hoành bên song, lý trưởng xã thậm thụt với giặc đã bị đội đặc nhiệm của Việt Minh ám sát cảnh cáo với tội danh “ Việt gian bán nước”, “Chó săn theo giặc”, chết thê thảm lắm. Nỗi sợ hãi xâm chiếm, mặt ông như kẻ thất thần, hoang mang cực điểm. Che giấu bằng cách nào? Phải làm gì đây để thoát thân? Ông nhen nhúm ý định, rời khỏi cái làng Xuân Giao lúc này là thượng sách. Chạy vào vùng giặc Pháp kiểm sóat ư? Thế thì có khác gì “cháy nhà ra mặt chuột”, tự thú về hành vi gian manh. Cay đắng lắm, nhục nhã ê chề nếu phải mang mối nhục “Việt gian bán nước”- Ông Cành giương mắt nhìn vào đêm sâu, giờ này bờ giậu, lùm cây nhuộm đêm dày đặc. Ngoài vườn râm ran tiếng côn trùng rả rich như đang tấu lên khúc nhạc đa thanh, lắm phức điệu với giai điệu mang âm hưởng buồn bã- vả lại, bước chân ra thành thị, liệu mình có kiếm được việc làm để nuôi thân không? Thành phố không có ruộng cho ông cày. Không khéo lại thành thằng ăn mày, khố rách áo ôm, sao mà khốn nạn đến thế! Nghĩ chán nghĩ chê, đầu ong ong, u u như muốn vỡ tung. Thế rồi, bỗng loé lên ý nghĩ mới. Ông thở phào, hạ quyết tâm. Để vợ con ở quê, đàn bà con trẻ chẳng việc gì mà lo ngại. Còn ông, tìm đường lên chiến khu. Đến chiến khu kháng chiến để giữ gìn thanh danh, để bảo toàn mạng sống, để chứng minh cho sự trong sạch. Còn ai trong sạch hơn người kháng chiến. Thật là thượng sách- ông Cành nghĩ thế. Cầm chiếc điếu cày, nhồi bi thuốc, châm lửa, ông rít một hơi cực sâu, tiếng tanh tách giòn tan như niềm vui lên tiếng giải toả nỗi bức bách trong lòng. Chưa bao giờ ông thấy rít điếu thuốc lào lại khoan khoái như lúc này… Á,à! Mình là xã đội phó du kích, gia nhập bộ đội kháng chiến, thế nào chẳng được làm cán bộ, được trọng dụng… ông reo vui trong thầm lặng. Hôm sau, ông Cành phấn chấn lội xuống ao, chụp nơm bắt cá mè, cá giếc. Bà vợ trói gà, cắt tiết vặt lông. Dọn mâm cơm có thịt gà, cá rán, bà Cành tiễn chồng lên đường. Ông ra đi, vợ lưu luyến, sụt sịt khóc, đỏ đôi con mắt. Thằng Cội mắt ráo hoảnh nhìn bố, nó rửng rưng, lòng thầm ước, ông vắng mặt suốt đời ở cái nhà này là may mắn cho tôi. Từ nay, tôi không còn lo ngại sợi roi mây quất lằn mông đít, chẳng đứa con nào ưa ông bố hay rượu, dữ đòn. Cái ngày ông Húc đội trưởng chết thảm bởi đồn trưởng Thuỷ Nhai bắn bỏ, vợ ông bị lũ lính bắt đi. Hai đứa con khóc thảm thiết bên xác bố, cạnh nền nhà trơ trọi với đống tro tàn nghi ngút khói. Xác ông Húc đã được ai đó phủ một manh chiếu. Vũng máu đông đặc bị ruồi nhặng bu kín. Hoà cùng nhiều dân làng túa đến xem, họ bảo nhau cùng xúm vào chôn cất cho ông ở bãi tha ma ngoài cánh đồng. Ai cũng mủi lòng, cám cảnh cho hai đứa trẻ con ông, cái Ngó và cái Sen mới bảy, tám tuổi đã thành trẻ mồ côi. Vợ chồng bác phó mộc không con nhận đứa lớn làm con nuôi. Bà lão mắt loà sống độc thân rước đứa bé về ở với mình. Hoà khóc, nước mắt lưng tròng. Anh có mấy đồng bạc định dành để mua sách cũng đem cho hai đứa trẻ. Cứ loạn lạc thế này, đến bao giờ mới hết cảnh thương tâm. Dòng chảy suy tư dẫn Hoà nghĩ tới cháu An. Mẹ con thằng An giờ này ở phương trời nào, có kiếm đủ miếng ăn không. Chắc là nó không được đi học nữa rồi, khổ thân – nghĩ như thế, mắt Hoà ươn ướt nước. Và rồi, anh nghĩ tới cái làng Xuân Giao nhỏ bé của mình. Mấy năm nay diễn ra bao cảnh chết choc, ly tán vì chiến tranh loạn lạc. Sao trên đời này nhiều khổ đau, lắm nỗi buồn đến thế. Trời tối hẳn. Ngọn đèn Hoa Kỳ được thắp lên cũng chỉ đủ tạo thành một quầng sáng trong căn phòng yên ắng. Với quyển vở, mở ra, những con chữ nhảy múa chơi vơi trước mắt, Hoà đọc mãi mà chữ nghĩa chẳng nhập tâm. Phụt tắt ngọn đèn, đập con muỗi đậu trên má, anh ngồi im lặng trong bóng tối một lúc lâu. Tiếng muỗi vo ve như thổi mãi giai điệu buồn đến không thể nào chịu nổi. Anh buông màn, lần đầu tiên trong đời học sinh, Hoà lên giường nằm sớm hơn thường lệ. Cũng lạ thật, từ ngày An rời làng ra đi, Hoà như thiếu vắng người bạn, anh thường có những giây phút chợt buồn chợt nhớ. Thời gian như vó câu qua cửa sổ, Hoà đã là học sinh trung học đệ nhất cấp, đã bước lên lớp đệ tam của trường Hồ Ngọc Cẩn danh tiếng. Thay vì đọc to những bài trong quốc văn, bây giờ mỗi buổi sáng thức dậy Hoà đọc to những bài tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc cho đến khi thuộc lòng, anh vẫn là trò đứng đầu lớp. Học sinh trung học ở vùng quê của Hoà, bước vào mấy năm đầu của thập niên năm mươi vì bom đạn loạn lạc, vì giặc càn quét liên miên, hơn nửa học sinh các lớp phải bỏ học. Cô Thương đang học lớp đệ lục có lẽ rồi cũng bỏ học.