Sáng hôm sau, mắt Thương hoe hoe đỏ, cô nói với bố: “Bố ưng thuận anh Cội làm rể, con không dám trái ý bố mẹ”. Nước mắt của con gái hoen trên gò má làm ông Thưởng mủi lòng. Con ông không một lời oán trách – dù ông Thưởng biết rằng nó chẳng muốn lấy thằng Cội, những giọt nước mắt tủi phận của Thương làm ông day dứt, không vui lên được. Cặp mắt của hai cha con lảng tránh nhau, căn nhà buồn tênh như đang có đám tang.Lặng lẽ trong khổ đau không nói thành lời. Thương không từ chối việc thành hôn với mình, Cội vui lắm. biết rằng kế hoạch hành động khôn ngoan của mình đã thành công công mỹ mãn. Bước trên đường làng, tự nhiên Cội dẩu môi bật ra tiếng huýt sao, gặp người quen Cội khoe: “Tôi sắp lấy cô Thương”. Đến nhà ông Thưởng, anh nói bô bô tự nhiên thỏai mái, cười hềnh hệch, bàn tay xuồng xã vỗ lưng, vỗ mông Thương đồm độp, cứ như đôi bạn tình đã quen giao du với nhau như thế. Ông Thưởng đành quay mặt như không hay biết. Mắt Cội trô trố ngắm nhìn gương mặt thanh tú, xinh đẹp và dừng lại rõ lâu nơi khuôn ngực vum vum gọn ghẽ của Thương như muốn dò tìm vật báu bổ mắt. Tay y định chộp lấy nhưng Thương nhanh tay gạt phắt. Thương ngượng, chau mày, cô rủa thầm “đồ vô học”. Được chiếm hữu người mình yêu, được sở hữu người đàn bà đẹp là niềm vui hạnh phúc của tất thảy những người đàn ông. Người thì tận hưởng không cần giữ gìn, kẻ thì nâng niu trân trọng cái đẹp. Cội không cần biết người con gái mà anh lấy làm vợ có yêu anh không. Chẳng có khái niệm bạn đời, tình yêu, đồng cảm, gắn bó trong con người anh. Ít lâu sau, bố con ông Cành đóng bộ đại cán tươm tất, đến nhà gặp ông Thưởng đặt vấn đề ăn hỏi và định ngày tổ chức thành hôn. Nửa tháng sau, đám cưới được tổ chức theo nghi thức đời sống mới, có kẹo bánh, chè Tầu, thuốc lá cuốn, văn nghệ hát hò rôm rả. Thương về làm dâu nhà ông Cành ở làng Xuân Giao. Công việc nhà chông từ băm bèo nấu cám, thổi cơm nấu nước, cắt cỏ bón phân ngoài đồng, Thương làm, không để nhà chồng chê trách. Điều mà vợ chồng ông Cành phàn nàn là Thương ít điều lời, không cởi mở trò chuyện với người trong nhà. Đôi ba lần ông để ý thấy Thương sang chơi nhà bà Chánh Huyện nên đã khuyên giải, chẳng nên gần gũi với gia đình địa chủ bóc lột. Vậy mà, buổi tối khi làm xong việc nhà, Thương vẫn đến chơi nhà bà Chánh mong vơi đi nỗi buồn của người phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân gia đình. Đến nhà gặp bà Chánh, cô lễ độ chào hỏi và thưa rằng mình là bạn học cũ cùng lớp với anh An nên cũng gọi Hòa là chú. Và rằng, Thương chỉ ở lứa tuổi con, tuổi cháu, xin đừng bao giờ bà Chánh chào mình là “bà nông đâu”. Bởi vậy hố xa lạ ngăn cách giữa hai người dần dần được thu hẹp. Bà Chánh Huyện cho Thương xem tờ bưu thiếp của Hòa gửi về. Thương mừng rỡ như nhận được món quà, chăm chú dán mắt vào lá thiếp. Đọc xong, Thương xúc động nói, chú Hòa và anh An vào Nam, được tiếp tục đến trường là may mắn lắm. Im lặng được một lúc, ánh mắt Thương rưng rưng buồn bã, giọng nói như lạc vào chốn xa xôi, nhờ bà Chánh khi biên thiếp cho chú Hòa, nhờ nhắn với An rằng mình đã lập gia đình. Cô nghẹn ngào, khóc nức nở. Thế rồi, sự việc không ngờ đã đến với Thương. Cái ngày cô Nhiễu, em gái của Hòa phải rời làng Xuân Giao đi ở cho người em họ giàu có ở Hà Nội, Thương đưa chân đến đầu làng. Tình cờ Cội bắt gặp, anh hỏi: - Thân thiết với con cái địa chủ đến thế kia à! - Thân hay sơ thì ảnh hưởng gì đến anh? Cội trừng mắt, sự giận dữ bùng phát khiến đôi mắt ốc nhồi trắng dã như lồi ra, nước da thiết bì trên mặt như pha màu thép, anh nghiến chặt hàm răng, vung tay tát thẳng cánh vào mặt Thương rồi quát to như hạ mệnh lệnh quân sự: - Muốn sống thì về nhà ngay! Má in dấu đầu ngón tay, mặt sưng vù, nước mắt ứa ra, Thương nghẹn ngào: - Thằng khốn nạn. Lủi thủi về nhà, Thương lặng lẽ vào buồng vơ quần áo của mình vắt trên cây sào tre, cùng vài cuốn sách vở dưới đáy hòm, xếp chung vào tay nải, định trở về nhà bố mẹ đẻ ở Xuân Thành. Cội ập vào, chẳng nói chẳng rằng anh đá tung tay nải vào góc nhà. Cuốn sách văng ra trước mặt, tò mò Cội nhặt lên xem, nhận ra cuốn bài tập Toán là của An, bởi bìa ngoài ghi rõ họ tên An. Trong giây lát, bực tức dâng lên chẹn trong ngực làm hơi thở của Cội dập dồn. Cội gằn giọng: - Ngày trước, thằng An tặng mày cuốn sách này phải không? Kỉ niệm hả? Bây giờ vất mẹ nó đi. Tao chúa ghét chú cháu thằng An. Học nhiều chỉ khoe mẽ, tốn cơm, được cái mẹ gì. Lũ ngu. Cội đanh mặt lại, xé cuốn sách, Thương lao đến dằng lại. Cội điên tiết, mím môi, đạp Thương ngã dúi dụi vào góc nhà, rồi xô đến cuốn mái tóc dài của Thương trong bàn tay, đập đầu Thương vào cột nhà. Thương ngất lịm, người mềm oặt. Cội buông tóc, quay ra vơ mấy cuốn sách, xuống bếp châm lửa đốt. Sau cái lần bị đánh đập dữ dội ấy, Thương nằm liệt giường liệt chiếu mấy ngày. Thật đúng là họa vô đơn chí, vào lúc toàn thân đau ê ẩm, thì những cơn đau bụng dữ đội được dịp hành hạ. Thương xoa dầu cao con hổ, uống nước gừng đậm đặc mà bụng vẫn đau quặn. Ruột gan như thể có bàn tay quỷ dữ thọc vào bóp vặn. Thương không nhớ đã bao nhiêu lần mình cầu Đức Chúa Trời, bàn tay chốc chốc lại làm dấu thánh, mong đấng bề trên bao dung che chở. Vậy mà, những cơn đau vẫn cứ cồn lên như những đợt sóng nối nhau không dứt. Thương không thể ngờ đó là những cơn đau bụng sẩy thai khi Thương đã có mang hai tháng. Biết Thương bị sẩy thai, cô Mê đến thăm hỏi, cho quả đu đủ chín. Gặp ông Cành một mình ở gian nhà ngoài, cô cười tít mắt rồi tóm lấy bàn tay ông đặt tay lên bụng mình, hớn hở khoe, em có thai, anh có mừng không? Cô ta tông tốc kể, bây giờ em thèm của chua lắm. Một lúc ăn hết mười quả khế. Theo cái đà phấn chấn, hào hứng trò chuyện, muốn được giãi bầy, cô Mê kể, sáng nay mình rê rào chui sang vườn nhà hàng xóm, vặt trộm năm bẩy quả chanh non, ăn ngấu nghiến cả vỏ, ngon ơi là ngon. Mê nói thật lòng,anh Cành ạ! Em sẽ làm vợ hai của anh đấy. Và rằng, mình đã mang thai được chừng hai ba tháng. Khi nào cái bụng phướn lên, chẳng thể giấu mãi được, nếu ai hỏi thì sẽ nói thẳng tưng, có mang với chồng tao đấy. Sợ gì ai nào? Cô Mê hứng khởi bao nhiêu thì ông Cành lại băn khoăn lo ngại bấy nhiêu. Đôi mắt ốc nhồi của ông như càng lồi ra, cặp môi to dầy lại thâm thâm của người nghiện thuốc lào trễ xuống, lưỡng quyền nhô cao lại càng làm cho mặt ông như thể dị dạng. Nỗi bất an trong lòng ông Cành lộ ra ở nơi ánh mắt trông dài dại có chiều lo sợ, cùng những tính toán. Buổi chiều tàn hôm ấy, bên ngon đèn dầu vàng xuộm, ông Cành ngồi uống rượu một mình trong căn phòng trụ sở đội Cải cách ruộng đất. Ánh sáng ngọn đèn hất cái bóng như bất động của ông in trên bức tường. Không gian vắng vẻ, nhìn cái bóng ấy, người ta có thể đoán được ông đang lắng trong suy tư. Thỉnh thoảng ông ngửa cổ dốc chén rượu trắng vào miệng tay vê vê hạt lạc rang đưa vào miệng. Chốc chốc lại rít thuốc lào, hít một hơi thật sâu rồi chun môi phun ra làn khói dầy đặc chẳng khác gì tuôn ra hơi thở dài buồn bực. Một chút buồn vương trong lòng. Thương là thương con dâu của ông vừa mới sẩy thai. Đứa con trong bụng mẹ không được sinh ra để cất tiếng khóc chào đời, không cho ông trở thành ông nội. Tuy nhiên, tí tẹo buồn vương ấy chỉ như gió thoảng, chẳng ám ảnh bao lâu. Ông tặc lưỡi, sẩy đứa này rồi đẻ đứa khác, lo gì mà lo. Bây giờ, trong đầu óc ông Cành choáng ngợp những băn khoăn lo ngại về chuyện cô Mê kể với ông. Cô Mê tự nguyện nhận làm vợ hai. Không ngờ cô ta lại mê mình đến thế. Ông Cành thừa biết, cô ấy không chỉ lẳng lơ thèm khát đàn ông mà còn muốn nương tựa vào quyền lực. Kẻ yếu và kẻ khôn ngoan thường tính toán để được nương tựa dưới bóng che, giá đỡ. Cô ta muốn vậy thì hai người phải thỏa thuận, sẽ chỉ ngấm ngầm quan hệ vợ chồng với nhau trong vòng bí mật, không để lộ danh lộ diện làm gì. Còn việc con cái đẻ ra, cô ấy nuôi, mình trợ giúp tí ti, chẳng phải lo, vậy là không thua thiệt gì. Suy nghĩ đơn giản một chiều thì thế đấy. Ông Cành bỗng bẻ ngoặt suy tư của mình sang hướng khác, đẩy nó về phía xa xôi. Chuyện trên chăn dưới gối mà vỡ lở, vợ cả ông chắc chắn sẽ nổi cơn tam bành, lồng lộn lên đánh ghen với kẻ cướp chồng, nào để cho ông và cô ấy yên thân. Và rồi hai anh em thằng Cội ắt đứng về phía mẹ. Chúng nó là những đứa hung hãn, ngỗ ngược, không chừng sẽ xảy ra cảnh nhà tan cửa nát, án mạng tầy đình, ai mà biết trước được hậu quả ra sao. Và rồi thanh danh của ông, con đường công danh sự nghiệp nữa chứ. Sẽ đổ bể ư? Rốt cục chỉ còn là thằng dân quèn. Nhục lắm, nhục lắm. Trên đời này và cả trong sử sách nữa, dù chỉ là học lớp ba ông cũng biết khối chuyện. Bao nhiêu vua chúa đắm đuối vì gái đẹp đã chôn vùi, hủy họai công danh sự nghiệp và có khi cả tính mạng nữa. Thằng Cành này thề có trời đất là sẽ không ngu dại như thế, dù rằng chơi gái đấy nhưng phải tính toán mưu mẹo cho hết nhẽ. Vắt óc suy nghĩ mãi. Hút liền tù tì ba điếu thuốc lào, cặp mắt trô trố, chớp chớp lien hồi, bây giờ ông Cành đã nảy ra sáng kiến. Tay với chiếc điếu cày chậm rãi hít thêm điếu thuốc lào, tiếng điếu cày nổ giòn tanh tách như reo vui với mưu tính của ông. Nhả làn khói biếc, mắt lim dim vẻ hài lòng, ông nhếch mép cười, vỗ đùi đánh đét, rồi dốc những giọt rượu cuối cùng ra chén, ông tợp gọn một hơi, ngồi rung đùi đến năm bẩy phút. Ông Cành bình thản đứng dậy, mặc bộ quần áo đại cán, cài khuy tề chỉnh, rời trụ sở Đội, rảo bước đến nhà cô Mê. Chẳng ai dám nghi ngờ nói xấu việc ông cán bộ Đội đến làm việc, thảo luận công tác với “cốt cán”. Bước chân vào nhà, ôm riết cô Mê vào lòng, ông cất lời: “Nhớ vợ hai của anh đến không chịu nổi.” Ôm nhau trên giường, ông thủ thỉ, em là vợ hai của anh, xin đồng ý cả tay trên chân dưới. Ông hôn cô Mê chùn chụt làm cho lũ côn trùng trong góc nhà phải im bặt tiếng kêu. Thế rồi ông nói rành rẽ, bây giờ là thời mới, người ta không cho công khai lấy hai vợ, tức chết đi được. Đã có cách, phải khéo léo, bí mật như họat động du kích ấy. Vậy nên, em đừng lộ chuyện có mang với anh, người ta sẽ kết tội hai chúng mình hủ hóa với nhau đấy. Nguy hiểm lắm. - Vậy anh tính thế nào? Đứa con của chúng mình nó đang ngọ nguậy trong bụng em đây này, nó muốn được thấy bố lắm rồi đấy- cô cầm bàn tay to bè của ông Cành dặt lên bụng mình. - Em cứ bình tĩnh nghe anh nói. Mê vẫn là vợ hai của anh, nhưng phải kín đáo giữ miệng, lộ ra thì rầy rà lắm… Ngưng vài giây, ông Cành lại ôm xiết cô Mê để chứng minh cho tình vợ chồng gắn bó thủy chung rồi nói tiếp, còn đứa con trong bụng, anh đã tính kỹ càng rồi, phải theo mẹo của anh, Cô Mê sốt ruột, cướp lời: - Mẹo mưu gì? Em u u mê mê, chẳng hiểu gì cả anh nói ngay đi nào! - Chúng mình phải chọn một trong hai phương án của anh- Ông Cành lại xiết cô Mê thêm một lần nữa trong vòng tay như hai gọng kìm, để kiếm sự đồng lòng của cô và cũng là để đề phòng cô Mê chống lại phương án của mình- Phương án thứ nhất là thượng sách. - Thượng với hạ, sốt ruột, nói tuột móng heo ra xem nào? - Thượng sách là, bây giờ chúng mình tạm thời mất đứa con trong bụng. Tống quách nó ra ngoài, chờ thời cơ thuận lợi chúng mình sẽ đẻ sau, đẻ lúc nào chẳng được- Ông Cành dông dài nói đến thang thuốc phá thai hiệu nghiệm, tăng liều lượng dương tính có độ hỏa cao, giảm tối đa vị âm tính. Và rằng, chẳng đau đớn gì, chỉ sau năm bữa nửa tháng, người đàn bà phá thai đã hóa thân thành cô gái tân vừa xinh lại vừa giòn. Đột ngột, cô Mê đẩy mạnh ông Cành ra mép giường, xồn xồn nguyền rủa - Thật khốn nạn, anh tàn nhẫn lắm! Rồi cô khóc hu hu, tức tưởi nói trong nước mắt: - Anh ác lắm, chẳng hiểu gì phụ nữ chúng em. Sống chết ra sao, em cũng cố giữ lấy đứa con, nó là khúc ruột của mình. Mà nào em còn ít tuổi cho cam, hai tám tuổi đầu rồi mới được có mụn con. Dù có túng đói, dù ai dè bỉu chê bôi, em chịu hết. Một mình em nuôi con cũng cam lòng. Phá thai có khác gì mẹ giết con, em không chịu nổi. Thấy cô Mê phản ứng dữ dội, quyết liệt chống lại phương án thứ nhất của mình, ông Cành dằn giọng như mệnh lệnh: - Vậy thì cô phải thực hiện phương án hai. Cô Mê dỗi,nói mà như quát: - Nói ngay đi nào! - Nói đây! Bây giờ là những ngày cuối tháng, đêm khuya thanh vắng, trời không trăng, đường làng ngõ xóm tối đen như mực. Cô phải thực hiện ngay… Cô Mê vẫn còn ấm ức, cướp lời. - Thực với thẹo cái gì? Nói to lên! - Vào cái đêm đen như mực ấy, từ đầu làng về nhà, cô hãy gào lên mà chửi rủa cho cả làng nghe rõ: “ Tổ sư mày hãm hiếp bà ”, rồi bù lu bù loa rằng: “ Nếu biết được mặt mày là thằng khốn nạn nào thì bà băm vằm cho hả giận ”. Sau đó, nếu ai tò mò muốn biết chuyện, cô cứ kể đại lên rằng: “ Nó khôn ngoan che khăn kín mặt, bất ngờ chặn đường, lôi tuột tôi vào bụi tre rồi dở trò đểu giả”. Lặng nghe, cô Mê nhăn nhó nhưng có vẻ xuôi theo mưu kế của ông Cành. Ông vồ bồm bộp vào bụng cô, cười hề hề, nói: - Diễn xong trò này thì cô yên tâm. Cái bụng này đã có lý do tồn taị, cho nó có quyền chửa đẻ. Cô Mê lặng lẽ một hồi lâu, thở dài, buồn bã nói: - Thôi thì … đường cùng mất rồi, ngay tối mai em sẽ làm theo sự chỉ đạo của anh. - Thế thì tốt. Giữ được con, sướng nhé! Tiếng là đứa con hoang không mang họ Phạm của anh nhưng là máu mủ, dòng giống của anh đấy! Hai người lại vùi trong chăn gối. Sau cái đêm cô Mê chửi rủa kẻ dâm đãng giấu mặt, đã hủy hoại chữ trinh của gái chưa chồng, người ta đến thăm hỏi, an ủi chia buồn. Cán bộ Đội và mấy bần cố nông cốt cán đoán rằng, thủ phạm là bọn địa chủ đồi bại, dã tâm làm điều xấu xa này. Địa chủ khiếp hãi. Dân làng Xuân Giao xì xào với nhau trong ngõ thôn, điểm mặt địa chủ làng này đều đã ở tuổi ngũ, lục tuần, nó làm sao vật ngửa nổi cô Mê lực điền để hãm hiếp. Thế rồi, trong vòng dăm bữa nửa tháng, cái vụ dâm ô cưỡng bức lao xao như gió thổi bụi tre ấy, dần dần chìm trong quên lãng. Người ta không truy tìm thủ phạm nữa. Đến kỳ sinh nở, cô Mê sinh thằng con trai bụ bẫm. Bà Nón và vài người quen trong làng rủ nhau cùng đến thăm hỏi, mang chục trứng gà mới đẻ đến cho. Bà Nón đón đứa cháu non nớt trong tay, ôm vào lòng, nói, để bác xem mặt ngang mũi dọc thằng cháu, có giống con mẹ mày không nào? Đôi mắt bà như tìm kiếm trên khuôn mặt đỏ hỏn, nhìn chăm chăm đôi mắt, cánh mũi, cái tai, cái miệng tí xíu của thằng bé. Bà ngờ ngợ, sao mà nó giống ông Cành đến thế. Nhưng rồi để bụng, không nói với cô Mê, ngại em gái mình xấu hổ. Bà cũng đủ khôn ngoan để không hé miệng với người trong làng, nói ra chỉ tổ xấu mặt đứa em gái lẳng lơ của mình và nữa, cũng ngại nói đụng đến ông Cành. Những người khác sau khi thăm hỏi, khuyên nhủ người mới đẻ việc ăn uống phải kiêng khem, được nhìn tận mặt thằng bé, họ rủ nhau ra về. Bao nhiêu là nhận xét, bàn tán, trao đổi với nhau rôm rả trên đường làng: - Đứa bé đẻ ra tận bốn cân, lớn lên sẽ vạm vỡ như mẹ nó. - Cái mắt nó trô trố lại hay nheo nheo, da đen đen nửa giống ông Cành, nửa giống anh Cội. - Mũi hênh hếch giống hệt ông Cành. Thế rồi những ngày sau đó, bên thềm đình, đầu bờ ruộng, xoay quanh chuyện mẹ con cô Mê, người ta đàm tiếu bao nhiêu là chuyện. Chờ cho đến lúc trời xẩm tối, đường làng vắng vẻ, ông Cành đến thăm, đặt nụ hôn lên má, lên môi cô Mê và đứa bé. Ông cúi xuống ngắm nhìn kỹ thằng bé đang ngủ ngon lành dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu Hoa Kỳ. Nó nhắm mắt nên không thể nhận ra cặp mắt lồi nhưng cái mũi hếch của thằng bé thì gây ấn tượng mạnh với ông. Quả thật nó giống mình, nó là bản sao của ông – Ông Cành nghĩ. Những ngày vừa qua, ông Cành đã bắt gặp những ánh mắt giễu cợt của dân làng, thật khó chịu. Có người bạo miệng hỏi, ông đã đến thăm cô Mê mới ở cữ chưa, trông thằng bé hay đáo để. Những lời bàn tán của dân làng ai mà bịt miệng được. Người thôn quê hay tò mò, tọc mạch. Sáng hôm qua khi đi qua thôn Thượng, hai bà đứng đầu ngõ trông thấy ông, họ kháo chuyện rõ to, muốn để ông nghe rõ: “Nước da của thằng con hoang, lớn lên sẽ thâm đen thiết bì như bố nó”. Bố nó còn ai khác ngoài ông. Ông Cành cúi gầm mặt xuống đất, bước nhanh. Bây giờ cuộc cải cách ruộng đất đã xong xuôi, chỉ còn chờ ngày tổng kết, xem ra họ chẳng còn sợ oai quyền của ông nữa. Ông Cành bực nhất là chuyện bôi nhọ ông với lãnh đạo. Ông Cành không ngờ là có kẻ xấu bụng trong Đội cải cách ruộng đất phản ánh với cấp trên về chuyện loan truyền rằng ông tư tình với cô Mê. May mà không có bằng chứng, chẳng bắt được lúc “trai trên gái dưới”. Bởi vậy, lãnh đạo cấp trên gạt đi và nói với người cán bộ kia rằng, đồng chí phạm sai lầm, vội vã tin những lời đồn nhảm có dụng ý xấu, không khéo lại mắc mưu gian của kẻ thù giai cấp. Thế rồi, đồng chí lãnh đạo gặp ông nói, có những dư luận đồn thổi không hay về đồng chí, tôi tin rằng đồng chí không làm chuyện xằng bậy như thế. Chúng tôi cho rằng những dư luận ấy không mang tính xây dựng, bôi nhọ cán bộ, có tính vu cáo, phải cảnh giác đề phòng bọn phản động, kẻ thù giai cấp. Đồng chí cứ yên tâm mà phấn đấu trong công tác. Ý kiến của cán bộ cấp trên làm ông Cành hởi lòng hởi dạ, nó chẳng khác gì tấm áo giáp chắc chắn che chở cho ông, tránh được mũi tên làn đạn của giọng điệu đả phá ông. Ông nhếch mép cười thầm nghĩ, các vị quan liêu lắm, nếu cất công điều tra, nghe ngóng dân tình thì chết cha thằng Cành này. Phúc phận thằng Cành này còn lớn lắm. Trong đợt tổng kết, Đội cái cách ruộng đất của làng Xuân Giao, Xuân Thành… do ông Cành phụ trách được cấp giấy khen. Ông Cành được khen thưởng và biểu dương là tấm gương đầu tầu. Ông Cành chờ nhận nhiệm vụ mới, đầu tháng cấp trên thông báo cho ông biết rằng, căn cứ ở nhu cầu cán bộ, tập thể lãnh đạo đã cân nhắc thấu đáo, thuyên chuyển công tác của ông lên làm việc ở phòng Chính sách trên tỉnh. Làm trên các Phòng, Ban trên tỉnh phải là những cán bộ có năng lực, có phẩm chất cách mạng, thành phần lý lịch trong sạch. Sau nửa năm ở tỉnh, ông Cành được cất nhắc, thuyên chuyển lên nhận nhiệm vụ công tác ở cơ quan Bộ. Vài năm sau ông Cành thôi công tác, trở về làng quê Xuân Giao. Ngày về quê, ông mau bước về nhà trên con đường hun hút gió mùa đông bắc. Cái lạnh của buổi chiều đông len lách vào những mái nhà trong thôn xóm. Ngoài vườn, lá chuối phần phật trong gió như giẫy lên đành đạch vì gió rét, bụi tre xào xạc, ngọn lúa đồng run rẩy. Bầu trời một màu xám chì nặng nề như trĩu xuống.. Hai vai ông Cành khoác chiếc ba lô căng phồng áo quần. Chăn màn cuốn tròn buộc quanh ba lô. Hai tay ông xách túi, chiếc lớn, chiếc nhỏ đựng trăm thứ bà rằn, những đồ dùng sinh hoạt cá nhân vặt vãnh. Trên đầu ông xùm xụp chiếc mũ dạ ôm lấy hai tai, trùm xuống gáy, sợi dây mũ buộc thắt nút dưới cằm. Chính cái mũ dạ mùa đông này che kín hai phần ba khuôn mặt mà có người ở cái làng này không nhận ra ông Cành. Và rồi, sau này, phần đời còn lại, ông sẽ không rời cái mũ có khả năng che kín hai cái tai, che đi dấu vết còn lại của sai lầm tai hại, khiến ông phải gục ngã trên còn đường hoạn lộ đang thênh thang rộng mở. Trên đường về làng lần này, ai tinh mắt nhận ra vóc người, dáng bước, cặp mắt hơi lồi, mũi hênh hếch của ông Cành, họ chào xã giao. Ông chẳng hứng thú gì, buộc phải cất lời chào lại cho phải phép rồi cun cút bước nhanh. Về ở làng, ông Cành ít giao du với người quen cũ và cũng không muốn tiếp xúc, trò chuyện với dân làng. Đã mấy tháng nay ông không động tay vào việc đồng áng, mặc cho vợ con nai lưng ra cào cỏ, tát nước, bón phân. Chán chường, ông ngồi thu lu bó gối trên tấm phản, lặng lẽ không cười, ít nói, hay hút thuốc lào vặt và không quên uống rượu giải sầu. Mặt ông lầm lì, thả mắt về xa xăm vô định, thỉnh thoảng lại lắc lắc mái đầu vẻ ngao ngán, u uất. Trong lòng ông ngưng đọng nỗi buồn nặng nề khó giải tỏa. Nỗi buồn này không thể thổ lộ, chia sẻ cùng ai. Buồn mà nhục. Ở cái làng này, ông Cành không có bạn tri kỷ, không thân thiết với ai hết. Có người tò mò hỏi, vì sao lại nghỉ hưu non. Ông Cành miễn cưỡng phải đáp lời. Đại khái là, công việc ở cơ quan Bộ ban đầu thiếu người, tạm thời ông phải gánh vác. Bây giờ đã tìm được đồng chí thay thế. Đồng chí này có thành tích công tác lẫy lừng, còn trội nổi hơn cả ông. Thế rồi, được lãnh đạo chiếu cố hoàn cảnh của mình, đã gian khổ tham gia kháng chiến chống Pháp, lập được nhiều thành tích trong cuộc cải cách ruộng đất, lại đã nhiều năm thoát ly làm công tác trên tỉnh, trên Bộ nên đã ưu ái chấp thuận cho ông về hưu non. Sự thật lại không phải như ông Cành nói. Một người làng Xuân Thành làm ở cơ quan trực thuộc Bộ nơi ông Cành làm trưởng phòng, khi về nghỉ Tết ở làng đã kể câu chuyện “Ông Cành bị cắt tai”. Chuyện được kể, ông Cành tuyển dụng cô cấp dưỡng nấu ăn cho cơ quan của mình. Cô ấy tầm ba mươi tuổi, người phốp pháp, miệng tươi tắn. Chồng cô ta là anh đạp xích lô vạm vỡ. Ông Cành có biệt tài quyến rũ phụ nữ thế nào thì không rõ, chỉ biết mấy tháng sau hai người gian dâm với nhau. Nhiều buổi trưa, cô cấp dưỡng ở lại cơ quan không về nhà. Anh chồng ngờ vực vợ mình ngoại tình nên bí mật theo dõi. Lại được người trong cơ quan ông Cành giúp đỡ. Họ vốn ghét tính ông Cành tham lam, lợi dụng chức trưởng phòng để giành giật những thứ hàng phân phối nhỏ mọn của cơ quan từ cái kim sợi chỉ đến quần đùi may ô. Bởi vậy người ta mách bảo anh xích lô địa điểm ông Cành ăn nằm với cô cấp dưỡng. Rồi lần ấy, theo sát bàn chân ông Cành, đạp cửa xông vào, anh ta bắt được quả tang hai người trần truồng cuốn lấy nhau ngay tại căn phòng ở của ông Cành. Uất ức đến nghẹt thở nhưng anh xích lô bình tĩnh giải quyết vụ việc theo phương cách của mình. Đuổi vợ về nhà, anh quắc mắt nói ngắn gọn, tao sẽ xử lý mày sau. Vẫn với ánh mắt sắc lạnh, căm giận, tay lăm lăm con dao sắc nhọn, anh ta bắt ông Cành lập biên bản, có chữ ký đàng hoàng. Ông Cành thú nhận việc mình dọa sa thải cô cấp dưỡng nếu từ chối ăn nằm với ông. Thu lấy tờ biên bản, anh xích lô trợn trừng mắt dằn giọng, biên bản này sẽ trừng trị mày. Còn tao, ngay bây giờ sẽ cho mày bài học nhớ đời. Ông Cành tay chân bủn rủn, sụp xuống vái lậy như tế sao. Anh xích lô không tha, túm lấy tai ông Cành, xoẹt một nhát cắt rời vành tai, quăng ra nền nhà rồi bình thản rời căn phòng. Nhặt vành tai mang theo, ôm tai ròng ròng máu, ông Cành vội vã thuê xích lô đến bệnh viện cấp cứu. Vết thương được cứu chữa lành nhưng không nối được vành tai. Từ đó tai phải của ông Cành không còn vành nữa. Tờ biên bản và cái tai cụt là nhân chứng, vật chứng làm ông Cành hết đường chối cãi. Lãnh đạo cơ quan chiếu cố ông Cành là cán bộ có bề dầy thành tích nên đã xử lý nội bộ, phê bình sự dại dột và cho ông cái quyền tự đi liên hệ để chuyển đổi đến cơ quan khác. Ông Cành đủ thông minh để hiểu rằng, cái tai cụt vành như bản cáo trạng về hành vi ô nhục. Đến cơ quan nào đi chăng nữa thì rồi sớm muộn, cái tai cụt sẽ chống lại ông, tố cáo thói dâm ô bỉ ổi của mình. Bởi vậy ông đã xin về hưu non, đồng thời thửa cái mũ dạ để che kín cái tai cụt vành. Sau ngày bị sẩy thai, Thương không trò chuyện với ai trong gia đình, chỉ trả lời khi người nhà hỏi han và rồi dạ, vâng cho phải phép. Sức khỏe của cô suy kiệt mau lẹ. Ngày hai bữa ăn, dù là cơm rau dưa hoặc là có canh cua, tép rang, Thương cũng chỉ ăn nổi lưng bát rồi buông bát. Miệng cứ thấy đăng đắng, người uể oải nhược nhã, mắt thâm quầng vì bao đêm mất ngủ. Có những đêm, vừa chợp được mắt lại mơ thấy đứa con đỏ hỏn, mắt nó ngước nhìn mẹ trân trân. Thương bừng tỉnh, tim đập loạn nhịp, người vã mồ hôi, rồi không sao ngủ lại được. Mái tóc thuở trước dầy mượt mà, tuôn dài đến kheo chân, bây giờ rụng nhiều, trở nên xơ xác, ngắn cũn cỡn. Vẻ đẹp trời cho người con gái có nhan có sắc, bây giờ chỉ còn lưu lại vài ba dấu vết. Duy chỉ có đôi mắt phơn phớt xanh của người con gái theo đạo Thiên chúa, ẩn chứa nỗi buồn điềm điệp vẫn toát lên vẻ đẹp nội tâm vô cùng trong trẻo. Bố mẹ đã buộc lòng gả con gái cho Cội, cô không nỡ oán trách cha mẹ. Không thể bỏ chồng dù rằng chưa một giây phút nào cô yêu Cội. Đức Chúa trời không đồng tình với bất cứ người vợ nào manh tâm ly hôn. Thành vợ thành chồng là sự an bài của Thượng đế, của Chúa trời. Miệng Thương nhẩm đọc câu Thánh ca: “Có chúa trong cuộc đời, ngàn khó nguy đâu có ngại gì…”, bàn tay làm nhanh dấu Thánh trên ngực. Có mặt Cội tại nhà lại chính là giờ phút bất an nhất trong lòng Thương. Lảng tránh Cội, Thương lại lụi hụi băm bèo nấu cám hoặc gánh phân, vác cào cỏ ra đồng làm việc dù rằng, khi ra về mệt rã rời, mắt hoa đom đóm, đầu váng vất, phải nằm bẹp trên giường vài ngày, ăn cháo thay cơm. Nhìn vẻ gầy gò ốm yếu, thiếu sức sống của vợ, Cội rủa, lụ khụ như bà lão. Rồi ăn nằm với cô như nằm bên que củi, tôi chẳng còn hứng thú. Thương chỉ cắn răng, im lặng, không khóc. Và đã lâu lắm rồi, Cội không chung chăn gối với Thương. Vợ chồng ông Thưởng từ làng Xuân Thành sang thăm con gái, thấy Thương gầy mòn tiều tụy quá đỗi, mắt ông rơm rớm nước. Bà Thưởng xin cho con mình về nhà bố mẹ đẻ, để tiện chăm sóc sức khỏe cho đứa con yếu đuối. Cội mừng, thầm nghĩ, may quá được dịp tống khứ đứa ốm đau bệnh hoạn khỏi cái nhà này. Về nhà bố mẹ rồi, sau này Thương không trở về nhà Cội nữa, dù rằng cô không viết đơn đòi ly dị. Thương cũng không biết rằng ông Cành đã trở về làng Xuân Giao với cái tai cụt. Thực lòng, cô không muốn để tâm đến Cội và gia đình anh ta. Vì nghĩ đến là nỗi chua chát lại ngập tràn trong lòng. Thế là, tiếng là có chồng, Thương trở thành người không chồng, ở vậy suốt đời ở làng Xuân Thành. Người phụ nữ ấy có đầy đủ phẩm chất, điều kiện để thành vợ, thành mẹ. Vậy mà, không một ngày được hưởng hạnh phúc, chưa một giây phút nào được ôm con trong vòng tay âu yếm vủa mẹ. Âu cũng là hệ lụy của nhân tình thời thế. Nghe được chuyện ông Cành bị cắt tai, phải về hưu non, cô Mê giận ông lắm, không thèm đến hỏi thăm. Cô giận người đàn ông đã không chung tình với mình. Giờ đây trong lòng cô, từ thái cực thân tình thuở trước, chuyển hẳn sang thái cực lạnh lùng hơn cả với người dưng nước lã, một sự biến thái của ghen tuông. Cô không muốn quan hệ với ông Cành nữa, bởi ông không còn quyền lực trong tay, còn cô có chân trong Hội phụ nữ xã. Ăn nằm với ông ta bây giờ chẳng thu được lợi lộc gì. Ngay cả đứa con mười mươi của ông với cô cũng không mang họ bố nó. Nỗi niềm của cô Mê ông Cành không hay biết. Một ngày cuối tháng, bầu trời không trăng không sao, không gian tối đen như mực, đêm đi vào chiều sâu. Ngọn gió đồng phóng túng vẫn xào xạc trong những bụi tre giờ này nhuốm màu tối xẫm, thỉnh thoảng ông ổng tiếng chó sủa gâu gâu trong ngõ xóm. Lòng nao nao buồn, ông Cành sùm sụp chiếc mũ giạ trùm tai, đôi mắt lồi lồi căng nhìn, chân dò dẫm trên đường làng tìm đến nhà cô Mê. Ông mong kiếm tìm tình cảm chăn gối của người đàn bà mà một thời ông đã ăn nằm chung chạ, và còn muốn xem mặt thằng con bé bỏng. Ông dự tính, gặp cô Mê sẽ ôm choàng và cất lời âu yếm: “Chào vợ hai của anh”. Bước chân vào sân, tai ông phát hiện ra trong nhà vọng ra âm thanh ồm ồm của đàn ông, nghe quen quen. Thoàng ngỡ ngàng, nhè nhẹ đặt bàn chân bước đến cạnh cửa. Mắt ông Cành dán vào khe cửa, dỏng tai lắng nghe. Và rồi dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu Hoa Kỳ đã vặn cho bé ngọn lửa, ông nhận ra thằng Cội đang ngồi sát sạt, quàng tay ngang lưng cô Mê. Ông sửng sốt như đột ngột bị sốc, tự hỏi, nó đến để trao đổi công tác hay có chuyện gì đây. Mà trao đổi công tác sao lại vào giờ này và sát bên nhau như đôi tình nhân thế kia. Thế rồi, chẳng phải phân vân lâu la gì, câu trả lời đã đến với ông ngay tức khắc. Ôi chao! Hai đứa nũng nịu với nhau, xưng hô “anh, em” với nhau sao mà ngọt ngào, tình tứ đến thế… Nó bắt đầu làm tình ngay trước mũi ông, dơ dáng quá. Ông muốn thét lên thật to để giải tỏa cơn phẫn uất ập đến và để khuyến cáo con ông: “Hãy rời con đĩ rời đĩ rạc kia ra”. Nhưng rồi ông không thét, không nói, đầu rũ xuống như chú gà rù. Ông Cành thừa biết tuổi tác của hai đứa, thằng con ông kém cô Mê 8 tuổi. Ngực ông Cành đột nhiên có cái gì dâng lên nghẹt thở. Ông lắc đầu thở dài. Lòng buồn tê tái, lủi thủi ra về, đất trời như sụp dưới chân ông. Ông oán trách cuộc đời sao lại trớ trêu đến thế. Dòng giống, bố con ông đang bước vào ngõ cụt. Những ngày tháng oanh liệt, quá khứ huy hoàng của đời ông đang chìm nghỉm trong bóng tối đêm nay. Tiếng chó nhà ai đột nhiên sủa lớn, ông Cành bước đi như mò mẫm trong bóng đen về nhà mình. Từ ngày bố anh còn công tác trên Bộ, được nể trọng, người ta cất nhắc Cội từ trưởng thôn lên chủ tịch xã. Anh thường phải thay mặt, một tháng vài lần đi dự hội nghị của thôn của xã để chỉ đạo hội nghị, phát biểu ý kiến huấn thị, nhằm khai triển nhiệm vụ mới hoặc tổng kết phong trào thi đua. Kết thúc hội nghị, người ta không quên thực thi cái câu: “Phi liên hoan bất thành hội nghị”. Dù là liên hoan có cầy tơ bẩy món, có gỏi cá mè hoặc có tiết canh lòng lơn, bao giờ Cội cũng là khách mời dự liên hoan, được trân trọng giới thiệu: “Đồng chí Cội là lãnh đạo xã, quan tâm đên dự”. Những buổi như thế ai chưa say là uống rượu chưa hết mình, người ta ép lãnh đạo phải uống cho thỏa thích. Mà ép là dịp được nịnh, được bày tỏ sự quý mến của mình với cấp trên. Ngồi ăn nhậu hai ba tiếng, uống dăm, mười chén rượu trắng. Tàn bữa liên hoan, cưỡi xe đạp, tay lái loạng choạng, dễ lao vào bụi tre hoặc đâm xuống ao, xuống ruộng. Bởi vậy, chỉ loanh quanh trong làng trong xã, đi bộ là tốt nhất. Lần ấy cô Mê và Cội tham dự hội nghị, rồi cả hai là thực khách dự liên hoan. Ra về, chân Cội liêu xiêu bước, chân đâm đá chân chiêu. Nghĩ tới căn nhà buồn tẻ của mình, Cội ngoặt bước chân về trụ sở ủy ban xã, dù biết rằng giờ này chẳng ai có mặt ở ủy ban. Anh như người tạm cư, lúc ngủ trên chiếc ghế băng ở ủy ban, lúc ngủ ở nhà mình. Cô Mê biết chú em chủ tịch (Cô quen gọi Cội là chú em) quá chén, say ngật ngưỡng, cô mời về nhà mình nghỉ tạm cho giã cơn say. Vừa đến nhà, Cội nằm lăn ra chiếc chõng tre ngoài hiên, chỉ khoảng một phút sau, anh đã nhắm nghiền mắt, ngáy khò khò. Thằng con nhỏ của Mê cũng đang ngon giấc trên chiếc giường trong nhà. Không gian thanh vắng, vầng trăng rờ rờ trên lưng trời, gió hây hẩy mát như quạt hầu. Ánh trăng ngoài sân hắt ánh sáng nhợt nhòa mờ ảo phủ lên nước da đen đúa của Cội, tạo diện mạo sáng sủa cho người đàn ông. Áo ngực của Cội phanh ra lồ lộ bắp thịt săn chắc, rắn rỏi. Nhịp thở đều đều mạnh mẽ như khoe sức mạnh khỏe khoắn của anh. Mê nhẹ tay cởi đôi dép cho Cội, đôi mắt hẹp của Mê bỗng chốc bị đường nét khỏe khoắn sức lực của Cội Mê hoặc. Cô ngả mình nằm duỗi dài bên Cội, gấp gáp nhịp thở rồi nghiêng mình, tay phải lần sờ cởi từng chiếc cúc áo, cúc quần. Nhổm lên, cô ép nhẹ bộ ngực đồ sộ và thân hình đẫy đà lên anh, đặt những nụ hôn khao khát lên má lên môi Cội… Đêm ấy anh đã bị người đàn bàn lẳng lơ chiếm hữu. Trời hửng sáng, đôi mắt ốc nhồi và đôi mắt lá dăm nhìn nhau tình tứ, thỏa mãn. Và rồi, như ngựa quen đường cũ, sau những buổi liên hoan, Cội lại ngủ nhờ nhà cô Mê cho giã rượu. Chuyện tình vụng trộm của Cội và Mê không giấu được vị Phó chủ tịch xã không còn nể sợ uy quyền của ông Cành. Ông ta đã hạ lệnh cho dân quân xã, ban đêm mai phục trong vườn chuối nhà cô Mê, chờ cho hai người cuốn lấy nhau, lúc chiếc giường tre cọt kẹt thì đạp cửa xông vào trói nghiến, bắt quả tang lúc trai trên gái dưới. Phải làm bản tự kiểm điểm, thừa nhận nhiều lần hủ hỏa, Cội bị mất chức chủ tịch xã, Mê bị đẩy khỏi ban chấp hành phụ nữ xã. Không còn được làm việc ở ủy ban xã, Cội bị hẫng hụt, tâm trạng chán chường khiến anh chỉ ru rú ở nhà. Hàng ngày, hai bố con, kẻ ngồi phản, người nằm dài trên giường, chẳng ai muốn băt chuyện với ai. Tiếng thở dài thườn thượt của Cội và tiếng nổ tành tạch rền rĩ của chiếc điếu cày khi ông Cành rít thuốc như tấu lên khúc nhạc đơn điệu, buồn tênh của tâm trạng. Vào vụ cày bừa, không thể thiếu vắng đàn ông sức vóc, bố con ông Cành phải nhúc nhắc công việc đồng áng. Hai bố con bàn bạc cùng nhau, thống nhất chọn những lúc đường làng vắng vẻ nhất để khỏi phải chạm mặt dân làng, tránh điều thị phi. Gặp ai trên đường làng, hai bố con ông có cùng một cảm giác thật khó chịu. Dường như ánh mắt họ cố tình săm soi, giễu cợt. Da mặt ông Cành cồm cộm như đang sần lên, thằng Cội sượng mặt, cúi gầm xuống đất mà bước. Buổi sớm tinh mơ, khi làn sương đùng đục như ngái ngủ còn vấn vít bao phủ ngọn tre, bố con ông đánh trâu ra đồng. Chiều muộn, nhá nhem mặt người, cả hai lầm lũi về nhà. Ông Cành nghĩ, ngày trước nhờ thời thế nên có chức có quyền trong tay, vẻ vang lắm, đường công danh thênh thang rộng mở, như diều gặp gió, bây giờ bố con ông gặp thời bĩ cực nên phải quay về theo đít trâu cày ấy là vận số. Ông không hề nghĩ lỗi lầm do chính bố con ông gây lên. Với ông, không có khái niệm tu thân, tử tế, lương tâm, danh dự. Cội tấm tức bảo rằng, thằng phó Chủ tịch xã mê cái ghế Chủ tịch của mình nên đã xấu chơi, ngáng chân Cội. Nghe con nói, mắt ông Cành trô trố như nhìn thấy, cánh mũi hếch của ông chun chun như ngửi được mùi hấp dẫn của chức quyền, ông buông lời triết lý, chẳng có thằng chó nào không ham hố chức quyền. Cội than thở uất ức, không lẽ phải bám đít trâu cày mãi thế này ư? Thật là không chịu nổi. Hôm sau anh bực tức nói với bố, tôi sẽ tình nguyện đi bộ đội vào Nam để thoát ô nhục. Ông Cành lượng sức mình không thể cản nổi nó. Bây giờ ông đã hết thời và hết thế. Tay ông với điếu cày, vê thuốc, châm lửa rít thuốc lào tành tạch. Bị quy là địa chủ, mẹ An thấp thỏm lo âu. Nhưng cũng may, bởi lúc này bà là công nhân mỏ thuộc tầng lớp cần lao nên chưa bị bắt về quê để đấu tố. Thế rồi, sau mỗi đợt cải cách ruộng đất là một lần sửa sai. Thật là may mắn, gia đình bà được hạ từ thành phần địa chủ xuống thành phần phú nông. Và rồi, sau lần sửa sai cuối cùng, bước vào đợt 5 cải cách ruộng đất gia đình bà lại được hạ thành phần là trung nông lớp trên. Người ta bảo rằng, chẳng phải là thần thánh, trên rồi cũng nhận ra những sơ sót, cấp dưới làm quá tay phạm sai lầm, đành phải sai đâu sửa đấy. Thế còn là được. Ruộng đất nhà mẹ An bị tịch thu từ đợt đầu cải cách ruộng đất nay hoán đổi thành trưng thu trưng mua, được trả giá bằng hiện vật là hơn chục thùng thóc tẻ. Mẹ An khấp khới mừng thầm, những mẫu đất của bà ở quê không đến nỗi mất trắng, vớt vát được chút nào hay chút ấy. Con bà sẽ có bát cơm thơm mùi gạo mới. Mấy đứa con, thuở bé chúng bụ bẫm, từ ngày ra mỏ không béo lên được. Thằng Pha, thằng Ban gày nhẳng như đứa ốm đói. Không biết có phải là ăn “gạo kho” nên chúng gày gò hay là vì thiếu thốn thức ăn? Có lẽ cả vì hai lý do ấy. Gạo kho là loại gạo lưu cữu từ mấy vụ trước, chứa trong bao tải gai, chồng chất trong kho gạo để bán theo tem phiếu, định lượng. Hạt gạo đã ải, chuyển màu vàng hoặc trắng vôi nhờ nhờ nhạt nhạt, vón lại thành cục, mất mùi thơm của gạo. Có lần mua về, những con mọt gạo màu nâu đen như kiến bò đầy miệng thúng và còn bao nhiêu con mọt khôn ngoan len lỏi, lẩn sâu trong thúng gạo. Mẹ An xin nghỉ phép mấy ngày để về quê. Bà dự định sẽ xay số thóc hoán đổi trưng mua kia, đội ra mỏ vài chục cân gạo quê cho con ăn, một phần sẽ bán đi. Về đến đầu làng, mắt dõi nhìn không mỏi lũy tre làng xanh mướt mát, con đường cái quan giữa làng vẫn thế, dòng sông nhỏ đục lờ quen thuộc, và bên kia cây cầu cong cong là đình làng mái ngói rêu phong, lòng bà dấy lên niềm vui, cảm xúc lâng lâng của người có dịp được trở lại quê cha đất tổ. Cảnh vật nào cũng gần gũi quá, thả bước trên đường làng nhẹ thênh thênh như không hề biết mỏi. Khu thổ ngơi, vườn tược, nhà cửa của bà Chánh Huyện bây giờ chia năm xẻ bẩy cho chủ mới. Họ là bần cố nông được chia ruộng vườn, nhà cửa trong cải cách ruộng đất. Phút giây bùi ngùi trĩu nặng trong lòng, mẹ An tìm gặp bà Chánh. Bà Chánh Huyện giờ đây ở gian nhà nhỏ hướng Tây, trước kia gọi là nhà dưới để chứa những đồ lặt vặt của gia đình bà và được giữ lại năm sào ruộng. Sau phút giây mừng mừng tủi tủi, hỏi han sức khỏe, sinh hoạt, làm ăn, ai cũng ứa nước mắt. Hai người đàn bà khốn khổ tuy không ai bảo ai nhưng đều nhận ra vẻ khắc khổ của nhau. Họ già đi nhanh quá. Trò chuyện một hồi lâu, bà Chánh Huyện tần ngần, ái ngại bảo rằng, mười mấy thùng thóc nhà mẹ An được nhận lại từ ruộng trưng mua, thằng cháu ruột túng đói đã xay ra, ăn hết cả rồi, bây giờ bắt đền cũng chẳng còn. Dừng lại vài giây bà lại nói. Nó biết mẹ An về làng đấy, nhưng xấu hổ quá nên không dám giáp mặt. Mẹ An ngơ ngác, sững sờ. Có cài gì buốt nhói, tim bà thắt lại. Đau xót quá. Chợt nghĩ tới những đứa con gày guộc của bà, thương nó, chúng chẳng còn được ăn bát cơm gạo quê ngon lành nữa rồi. Da mặt bà bỗng chốc tai tái, nước mắt trào ra. Lau vội nước mắt, bà ngồi lặng thinh, ngây người như thể túi tiền đầy ắp của bà vừa có kẻ cuỗm mất. Tuy vậy, thân nhân họ hàng ở quê, họ chẳng giàu có cũng đem biếu mẹ An, người bơ đỗ, bò lạc, người cân gạo mới khiến cho lòng bà được sưởi ấm chút tình họ hàng quê hương, làm cho bà vơi bớt cảm giác mất mát đáng buồn. Nghèo quá người ta dễ làm liều nhất là kẻ thiếu nhân cách. Sáng hôm sau, mẹ An ra viếng mộ ông bà, tiên tổ ở giữa cánh đồng xa, phải đi qua những con đường nhỏ chia cắt những đồng lúa đang thì con gái, cỏ xanh rờn dưới chân bà. Bước ngang qua khu nấm mộ mới, kia là nấm mộ ông Húc, đây là nấm mộ địa chủ cường hòa bị bắn trong cải cách ruộng đất, bà đốt thẻ hương, cắm trên mộ họ, mỗi người một que hương đỏ lửa nghi ngút khói, mong họ sống khôn, chết thiêng, vui vầy cùng nhau phù hộ cho người đang sống, nhờ khói hương nói lời tiễn biệt của người đồng hương, của tình làng nghĩa xóm thân ái. Bà hồi nhớ cái ngày kháng chiến chống Pháp, ông Húc đội trưởng du kích xã đã nặng lời với bà: “Mua hàng tạp hóa ở vùng địch tạm chiếm, về bán ở làng này là tiếp tay cho giặc”. Bây giờ ông đã trở thành người thiên cổ, yên nghỉ dưới nấm mồ. Lời nói thì nhớ nhưng nỗi bất bình ngày ấy của bà với ông Húc để bụng làm gì. Thù hận chăng nữa cũng nên tìm cách mà cởi bỏ. Bà thầm nói, mong vong linh ông siêu thoát. Buổi chiều, mẹ An đi chào hỏi thân nhân quyến thực trong làng để trở lại vùng mỏ Cẩm Phả. Bà Chánh và con gái lớn của bà bàn tính việc sẽ ra mỏ sinh sống, nhờ mẹ An quen biết, tìm kiếm công ăn việc làm. Mẹ An nhận lời rồi kể cho bà Chánh biết, người vùng quê Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… ra mỏ kiếm ăn nhiều lắm, như những đợt sóng nối tiếp nhau. Đợt đầu là những phu mỏ gọi là cu-li được Pháp mộ ra làm phu mỏ trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám. Đợt hai là những người buộc lòng phải rời làng quê trong thời kháng chiến chống Pháp, bởi giặc Pháp càn quét đốt phá nhà cửa xóm làng. Đợt ba là những người ra mỏ kiếm sống sau cải cách ruộng đất. Chẳng bao lâu, mẹ con bà Chánh Huyện đã rời bỏ làng Xuân Giao ra mỏ Cẩm Phả kiếm sống. Họ trở thành công nhân trên tầng mỏ cùng mẹ An.