Hơn nửa đời người với tất cả những cay nghiệt của cuộc sống Tôi làm được gì? nhận được những gì và mất những gì...? Qúa khứ của một thời tuổi trẻ đầy mơ ước và khát vọng đã đi quá xa... Dăm lần đánh mất cơ hội,dăm lần đánh mất niềm tin để rồi bây giờ ngồi gặm nhấm nỗi tiếc nuối... Tự nhủ lòng thôi thì bằng lòng đi với thực tại, dù biết rằng cái thực tại bây giờ cũng cay nghiệt không kém Hạnh phúc ư! tôi may mắn thừa hưởng một hạnh phúc thật dung dị,một mái ấm gia đình và cuộc sống cứ từng ngày trôi qua một cách bình lặng... Nhưng tự trong tiềm thức, cái khao khát được thoát khỏi bốn bức tường của số phận cứ chực chờ nổi loạn... ...Nắng...nắng như đổ lửa,cái nóng oi bức của buổi trưa hè cứ châm chích như muốn xé toạc manh áo mỏng manh để đốt cho bằng xạm những mảng da non nớt...Cô bé cứ lầm lũi bước,cổ họng khô khốc vì khát,bụng sôi ùn ục vì đói... Đoạn đường hơn 5 cây số từ nhà đến trường và hơn 5 cây số từ trường đến nhà hôm nay như dài thăm thẳm... Thỉnh thoảng một chiếc xe vụt qua,một vài con mắt nhìn nó ái ngại. Nhưng cũng chỉ đựoc có thế rồi thôi. Cuộc đời là thế mà,đâu ai từ tâm đến mức sẵn sàng giúp một ai mà không nghỉ đến việc kẻ ấy sẽ phải trả ơn mình bằng cái gì!? Nó rất đông bạn bè, đa phần là những đứa có hoàn cảnh tương tự,cũng có một vài bạn nhà tương đối khá giả muốn kết bạn với nó,nó cũng chơi nhưng không thân lắm, chưa bao giờ nó nghĩ đến chuyện nhờ vả một ai kể cả việc nhỏ nhất như xin mực,mượn bút... Cái nghèo đã hình thành tính tự trọng trong nó, nó không muốn lệ thuộc một ai,không muốn bạn bè nhìn nó bằng cặp mắt thương hại,không muốn bọn nó khinh miệt. Trong lớp nó cũng có rất nhiều con nhà giàu được ba mẹ đưa đón mỗi ngày hoặc cưỡi trên một chiếc xe mini xinh xắn (ngày đó, đứa nào sở hữu một chiếc xe đạp mini được coi như sở hữu cả một gia tài ). Nó chưa hề lân la làm quen để được đi nhờ,nó không thích mình mang bị mang tiếng là kẻ xu nịnh. Bạn bảo nó ngang ngạnh và khó tính, ừ! có thể nó khó tính,có thể nó ngang ngạnh. Nhưng nó không bao giờ ngỗ ngáo. Nó học rất giỏi,suốt năm năm tiểu học nó lúc nào cũng đứng hạng nhất,lơ là lắm thì cũng chỉ đứng hạng nhì,ba. gia tài duy nhất của nó là một xấp "bảng danh dự" dầy cộm thầy hiệu trưởng trao hàng tháng đựơc nó trang trọng đặt nằm trên....một góc của giường ngủ ( nhà làm gì có góc học tập,nó học di động thường thì trên cái bàn duy nhất đặt giữa nhà để tiếp khách, nhưng những hôm có bạn của ba tụ họp đánh cờ thì nó đành phải rút vào chiếc gường và cứ thế bò lăn ra mà học ) Lên cấp 2 ngoài chị lớp trưởng ra nó chưa hề để mình tụt hạng sau bầt kỳ một ai khác (chị ấy sau này đựoc đi du học bên Nga và bây giờ cuộc sống khá hơn nó rất nhiều,có lẽ đó cũng là một phần của số phận chăng? ) Nhà nghèo đến nỗi chỉ độc nhất một chiếc xe đạp cà tàng, nó cà tàng đến nỗi mỗi lần đạp là phát ra tiếng kêu cọc cà cọc cạch...tuy thế đó vẫn là phương tiện quí giá duy nhất cho ba nó đi làm,thi thoảng lắm nó mới được chiếm hữu một ngày (ngày nó đựơc mang chiếc xe cà tàng ấy theo đến trường lại là ngày nhà nó mất 2 lít gạo tiền lương của ba ), dù rất thích đi học bằng xe cho đỡ mệt nhưng nó chưa bao giờ dám mơ ước được đạp xe mỗi ngày đến lớp,tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Thôi thì đành đi bộ vậy... ...Trời chưa sáng hẳn, nó phải lồm cồm bò dậy. thao tác đánh răng xúc miệng chỉ gói gọn trong vòng 1 phút bằng một loại "kem" hỗn hợp gồm muối ăn trộn với than đã dược cà thật nhuyễn vả nhanh gọn hơn trong bộ đồng phục áo trắng quần đen,chiếc áo được may bằng loại vải tám cứng ngắt dầy cộm, còn chiêc quần...không biết nên gọi đấy là kiểu thời trang nào? khi nó được nối lại bằng những mảnh vải thừa lấy ra từ những chiếc quần khác,hai ống quần đến những tám mảnh vải cùng tám loại hoa...nhưng dù sao thì nó cũng rầt vui vì đấy là chiếc quần bằng vải mới (thường thì nó phải mặc những chiếc quần được sửa lại cho vừa với khổ người nhỏ bé của mình khi các chị vô tình làm rách một chỗ nào đó hoặc sờn mông..(sáng kiến của mẹ cho những cái quần bị sờn mông là đảo ngược ống lên thành đáy và thế là một cái quần nhỏ hơn sẽ dành riêng cho nó ) Quãng đường dài hơn 5 cây số rồi cũng chấm dứt,nó cắm cổ chạy thụt mạng khi chợt nghe văng vẳng tiếng trống "thùng thùng..." gọi vào lớp...và loáng một cái,nó đã kịp đứng trước của lớp của mình.Thầy cô chưa bao giờ khiển trách nó trong những lúc nó vào lớp trể 5, 10 phút vì hiểu cảnh ngộ của nó,nhưng nó lúc nào cũng tự hứa với mình là dứt khoát không bao giờ đi học trễ... Nó không thể nào chịu đựng nổi những cặp mắt của bè bạn cứ nhìn chăm chăm vào khi nó bẽn lẽn xin lỗi cô thầy lý do đi trễ của mình.. ( nó là thế, ngang ngạnh và bướng bỉnh ) Nhưng nó chưa làm phật lòng ai bao giờ,thậm chí các thầy cô đương nhiên xem nó như một tấm gương của sự vượt khó, nó không thích như vậy nên nó bằng đủ mọi cách để thật bình thường như các bạn,nó phải dậy thật sớm,thật sớm mới có thể làm đựợc điều nó muốn và...nó đã làm được. Ngay từ hồi học tiểu học nó đã có mơ ước đựơc đi du học (ngày xưa chỉ cần học thật giỏi là có thể đạt được mơ uớc ấy mà không cần phải nhiều tiền ) nên dù mẹ khuyên cách nào nó vẫn chọn khối A (anh văn ) mà không chọn khối P (Pháp văn ) để đựơc các anh chị kèm cặp... Nhưng mơ ước ấy đã tan theo làn bụi phấn của các thầy cô chỉ vì một cuộc cãi cọ vô lý của ba và mẹ. ( Cho mãi đến tận hôm nay,nó vẫn không thể hiểu nổi tại sao ba và mẹ lại vô lý đến thế ) Xuất phát từ sự xót xa của mẹ khi nhìn đứa con bé bỏng của mình ngày lại ngày phờ phạc hẳn trong những buổi tan trường.Mẹ bảo ba tìm cách xin cho nó được chuyển về ngôi trường cấp hai gần nhà. Nhưng ngày ấy những người làm cách mạng,những "cán bộ 30/4" thật đúng là những kẻ cục bộ và kém hiểu biết " Nếu chúng tôi giải quyết cho anh,thì chúng tôi phải giải quyết cho một đống những xin xỏ khác!!! " Mẹ nóng tính,rất nóng tính nên: " không cho thì nghỉ...nghỉ...con gái thì học nhiều để làm gì,cuối cùng cũng...ôm con!? " Cái vô lý này cộng cái vô lý kia để rồi nạn nhân duy nhất lại là nó...! Thế là hết..Mơ ước đi du học: hết. Mơ ước được làm một nữ luật sư: hết. Mơ ước thoát ra khỏi cảnh nghèo: hết... Nước mắt chảy dài trên gương mặt trắng trẻo thông minh của nó,nó khóc lóc năn nỉ...nhưng vô ích.Ý mẹ muốn là trời muốn,ba hiền đến nỗi chỉ biết ngồi im... phục tùng. Nó không muốn nghỉ học."Mẹ ơi! con không muốn nghỉ học đâu..." Vô ích! mẹ nó làm sao hiểu được khi cả đời mẹ chưa hề đặt chân đến lớp,một chữ cắn hai không bể và cái quan niệm nam trọng nữ khinh còn in sâu trong nếp nghĩ...!? Con gái thì không cần học cao..con gái thì không cần hiểu rộng!!! Mẹ ơi! con gái thì sao? Con không hiểu mẹ,không tài nào hiểu mẹ... Một tuần lễ trôi qua... Cứ mỗi sáng sớm là nó bật dậy theo thói quen,thay đồng phục theo thói quen và chờ đợi mẹ lên tiếng cho phép...nhưng mẹ hình như không hiểu nỗi khao khát được đi học của nó. Sự tức giận đã lấn át lý trí mẹ rồi chăng? Nó nhìn mẹ và nhận lầy cái liếc mắt giận dữ: " đi vào! đã bảo nghỉ học là nghỉ học,không được cãi...! ".Nó lũi thũi quay vào, lũi thủi thay bộ đồng phục ra và âm thầm rút vào một góc nhà để khóc...Nó chưa hề cãi mẹ bất kỳ điều gì. Nó sợ mẹ hơn sợ ba. Ôi! giá mà ba lên tiếng,giá mà ba có thể quyết định mọi việc trong gia đình. giá mà ba giỏi hơn mẹ nó một chút...Nó không thích tính hiền lành của ba một chút nào - hiền lành đến nhu nhược.tất cả mọi chuyện dù lớn hay nhỏ đều phải do mẹ quyết định, một cái chế độ mẫu hệ nửa vời dần hình thành trong gia đình nó. Nó nhìn ba bằng cặp mắt van xin cầu cứu...nhưng vô ích! Không ai thương nó... À không! mẹ thương nó lắm,mẹ không chịu đựng nổi cảnh nó ngày ngày lội hơn 10km đi về...Nhưng tình thương đầy ích kỷ ấy đã vô tình hất đổ cái mơ ứơc nhỏ nhoi mà nó nung nấu từ lúc nhìn thấy tên nó được nằm trong danh sách những thí sinh đậu vào lớp đệ thât ( thi vào lớp 6 ngày ấy gọi bằng thi đệ thất ). Trường trung học lúc ấy tuyến sinh rất khắt khe,cả lớp của nó gần 40 học sinh thế mà ngoài nó ra chỉ có thêm bốn bạn khác thi đậu thôi Cảm giác hụt hẫng nó khó chịu đến như thế nào chắc có lẽ không ai hiểu được Nó hụt hẫng đến chới với... Nó buồn như chưa bao giờ buồn... Nó cảm thấy cả bầu trời như tối sầm... Nó lặng lẽ khóc...khóc mãi...khóc mãi...và ngủ lịm đi trong góc nhỏ của ngôi nhà. ................... Huỳnh Gia