Vựơt sóng...

Tuổi thơ của tôi lặng lẽ trôi đi trong nỗi khó khăn đến cùng cực, đôi lúc tôi tự nhủ liệu các bạn trẻ bây giờ có vượt qua nổi như chúng tôi lúc ấy hay không nếu cuộc sống lại thêm một lần rơi vào khốn khó như những ngày ấy....?
Cái mốc lịch sử 30/4, tôi chưa hình dung được sẽ mang lại cho tất cả mọi người trong đó gia đình tôi cái gì gọi là hạnh phúc khi được sống trong không khí hòa bình.Tôi chỉ loáng thoáng nghe chữ "hạnh phúc, ấm no"...còn thực tế thì...bao nhiêu là gian khó khổ cực bắt đầu đổ ập đến...
Trong những năm mới giải phóng ấy cái đói lúc nào cũng chực chờ đe dọa. Gia đình tôi vốn đã nghèo giờ lại càng thêm nghèo,tiền bán những chiếc nón lá do mẹ và chị tôi làm ra không đủ trang trải cho chi tiêu hàng ngày. Đã thế mẹ lại lâm bệnh nặng,tất cả gì có thể bán đựơc đều mang đi bán để có tiền điều trị cho mẹ...Thậm chí chỉ cần cái áo hoặc cái quần nào còn mới là các chị tôi cũng phải mang ra chợ trời bán mắc bán rẻ để đổi lấy hai bữa cơm cho gia đình ( một mình ba làm sao cưu mang nổi cả gia đình gồm 9 miệng ăn). Gánh nặng bắt đầu sang tay ba chị em chúng tôi,hai chị tôi bắt đầu tìm đủ mọi nghề để xoay xở, lúc thì vạt mì phơi khô để bán, khi thì ngồi đổ từng cái bánh tráng ép nhuôm màu xanh đỏ, lại có lúc phải thức từ 1 giờ khuya mỗi ngày chiên từng cái bánh chuối... để mang ra chợ bán. Tôi bây giờ cũng không còn đầu óc đâu để mà mơ  học mơ hành gì nữa,cái đói đang chờn vờn trước mắt...
Mười lăm tuổi đầu,tôi đã biết bương bả ngoài chợ để kiếm tiền giúp gia đình như bán củ mì nấu, bán trái cây,bán tương chao thậm chí đi "buôn lúa lậu", gọi thế vì ngày ấy lúa thu hoạch xong rất khó vận chuyển từ nơi này đến nơi khác nếu không có giấy phép đã đóng thuế cho các trạm kiếm soát (trạm kiểm soát thì mọc khắp nơi ). Từ nhà đến khu Bến Đổi thuộc địa phận Cẩm giang là một đoạn đường rất xa, xa gấp mấy lần đoạn đường từ nhà đến trường học, ngày hai lần tôi cùng đứa em trai nhỏ hơn tôi một tuổi phải gò mình trên hai chiếc xe đạp ( nhà tôi bây giờ đã mua được thêm một chiếc xe đạp cũ mèm để làm phương tiện ) chở trên baga hai thùng lúa  cố lòn lách cho qua được trạm kiểm soát để mang về chợ Long Hoa bán lại cho lái kiếm tiền lời. Muốn kiếm được nhiều tiền hơn, bận đi tôi mang theo những cây kẹo đậu phộng mua từ chợ và mang đổi với thợ gặt để lấy từng lít lúa gom lại cho đủ thùng để chở về....
Cái nghèo cái khổ đã vô tình dập những mơ ước của tôi - một cô bé mười lăm tuổi tắt ngấm. Hiện tại tôi chỉ còn biết phụ chị lo cho hai bữa cơm của gia đình. Tìm đâu ra những tháng ngày vô tư lự chỉ biết tung tăng ca hát,tìm đâu ra bè bạn thầy cô, tìm đâu nữa...!
 
Một cái mốc của cuộc đời...
Nghèo - đói, hai con chữ tưởng như đơn giản thế lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hai con chữ sống - chết tiếp theo nó.
Sau ngày giải phóng, bao nhiêu lương thực đều được tập trung cả về miền Bắc để ổn định cuộc sống sau chiến tranh,thế là Miền Nam -sau chiến tranh lại phải gánh tiếp nỗi khốn khổ của nghèo - đói và dịch bệnh...Mỗi buổi sáng thức dậy,việc chúng tôi nghĩ đến trước tiên là hôm nay làm gì có tiền để mua gạo...?
Cuộc sống của gia đình chúng tôi cứ xoáy mãi theo dòng xoáy của sự nghèo - đói cho đến lúc không còn cách nào khác là bỏ nhà lên rừng khai khẩn đất hoang để tìm nguồn lương thực mới...
Cuộc sống xoay sang một chiều hướng khác...Bàn tay nhỏ nhé chưa làm việc nặng của tôi bắt đầu hiện lên những đốt phồng rộp chảy nước...và tiếp theo đó là sự hình thành của những vết chai sần thô ráp...
Không làm thì lấy gì mà sống???
Hầu như tất cả những công việc nặng nhọc của đồng áng như trỉa lúa, làm cỏ mía, đậu...cắt lúa, hái đậu...trồng - chặt mì...và cả việc nặng nhọc và khó chịu nhất là chặt mía, tôi đều nhúng tay vào làm, làm tất chỉ vì miếng cơm manh áo.
Làn da trắng mịn màn của cô bé 17 tuổi đầu dần đen xạm khô ráp vì nắng -gió, nhưng lúc ấy tôi không còn quan tâm đến đều gì khác ngoài việc cắm đầu mà làm với mong ước một ngày nào đó gia đình thoát khỏi cái đói....
"Không làm lấy gì mà sống???" Lúc đó trong đầu tôi - một cô bé đang ngấp nghé tuổi mộng mơ chỉ còn hiện hữu duy nhất suy nghĩ ấy...
 
"Không làm thì lấy gì mà sống "
 
 
 
Huỳnh Gia