Phần II

Cứu lấy… cầu khỉ!
 
Cứ mỗi lần thấy một bức ảnh trúng giải thưởng quốc tế của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ta có liên quan đến cây cầu khỉ - khi thì một cô giáo dẫn học sinh qua cầu, khi thì một đôi thanh niên nam nữ âu yếm dắt tay nhau, khi thì một đám cưới miệt vườn… tôi lại lo ngay ngáy đến một ngày nào đó không còn tìm thấy bóng dáng chiếc cầu khỉ thơ mộng bắc qua những con kênh rạch chằng chịch khắp các nẻo đường đồng bằng Nam bộ, khi mà chương trình “xoá cầu khỉ” hoàn tất trong thời gian tới! Lúc đó có lẽ chúng ta chỉ còn có dịp đi trên những chiếc cầu bê-tông to bè, cứng nhắc hoặc cầu nhựa tổng hợp láng o, láng coóng… Dĩ nhiên là giao thông sẽ thuận tiện hơn, xe cộ chạy ào ào, tấp nập, những người đi lại thậm chí còn trùm đầu kín mít với chiếc nón bảo hộ, chỉ lộ hai con mắt lom lom nhìn qua lớp kiếng trông như người ngoài hành tinh, có trang bị điện thoại di động và máy thăm dò tình cảm, sẳn sàng kêu bíp bíp báo tin khi có người đi ngược chiều cùng tần số để alô làm quen.
 
Cầu khỉ có từ bao giờ và tại sao có tên là… khỉ mà không là một cái tên nào khác thì không biết, nhưng có lẽ bắt nguồn từ cái dáng đi lom khom, lắc lư, run rẩy, có khi phải gập mình bò hẳn xuống để khỏi té khi qua cầu, nhất là những người chưa quen, đã tạo ra cái tên gọi rất gợi hình và thân thương đó chăng. Có lẽ cũng không ít những mối tình thôn dã đã nhờ chiếc cầu khỉ đưa duyên, khi mà nàng phải nắm lấy tay chàng càng lúc càng chặt cứng, mà cũng không ai bảo đảm rằng chàng đã không thừa thế rung cây… nhát khỉ để có dịp ôm chầm lấy người yếu bóng vía, hoặc tìm cách để té đùng xuống dòng kênh, để rồi loi ngoi như chuột lột mà ấm áp tận đáy lòng với một kỷ niệm không bao giờ quên. Chiếc áo dài hình như càng có duyên với cầu khỉ. Cái tà áo phất phơ như mây như gió đó in bóng xuống dòng nước của một “con kênh xanh những chiều êm ả nước trôi” thì thật đủ làm nao lòng bất cứ nhà nhiếp ảnh khó tính nào.
 
Còn đứng trên cầu bê-tông, cầu nhựa tổng hợp với xe gắn máy phân khối lớn, với nón bảo hộ trùm đầu, điện thoại di động, máy dò tình cảm, chắc chắn người ta phải mặc quần jean áo pull thôi và khó có thể tưởng tượng người ta cất lên một giọng hò sông Hậu làm xao xuyến lòng người trong hoàn cảnh đó, mà chỉ có thể là tiếng gào thét của các cô ca sĩ qua walkman hifi stereo.
 
Ở một số nước tiên tiến đã có gà ảo, người yêu ảo, rồi có búp bê mà người ta có thể mua về nuôi, làm khai sinh hẳn hoi, cho ăn, dỗ ngủ, nựng nịu. Chắc là búp bê không biết đái ỉa, nếu biết chắc cũng hoàn hảo hơn. Ờ Âu Mỹ, các bà đầm thường rất cưng chó, ai cũng mua một vài con cho đở cô đơn, chiều chiều dẫn chó đi chơi là thú vui nhàn nhã. Nhưng khổ nỗi chó hay đái ỉa tùm lum ngoài đường làm mất vẻ mỹ quan. Ngay tại Paris, kinh đô ánh sáng như vậy mà cũng đầy cứt chó, không biết phải giải quyết ra sao. Thế rồi có ai đó đã nghĩ ra một sáng kiến rất tuyệt vời: sản xuất một sợi dây dắt chó điện tử có xung động tạo cảm giác như là đang dẫn chó nhưng không có một con chó nào cả, như vậy các bà đầm cứ cầm sợi dây đó mà đi đây đi đó cho thoải mái. Thế là sợi dây chó bán chạy như tôm tươi. Không biết liệu sao này có ai có sáng kiến làm ra chiếc cầu khỉ… điện tử, đứng lên cũng lắc lư như qua cầu mà không có cầu chăng?
 
Ở một khu du lịch nọ có dựng một cây “cầu khỉ” bắc ngang qua một cái ao! Phải nói nó không được … khỉ mấy mà phải gọi là “cầu voi” mới đúng vì cái cây bắt ngang to đùng, tuy cũng cong cong mấy nhịp và có tay vịn nghiêng nghiêng… thế mà Tây nào Mỹ nào Tàu Hồng Kông, Singapore… đua nhau qua lại trên cầu để chụp hình. Giá mà có cái cầu khỉ thiệt, chắc còn hấp dẫn hơn và thu hút khách du lịch nhiều hơn. Thế mới biết lâu nay họ đã quá ngán cái cầu bê-tông với những con đường tăm tắp, họ thèm một chút thiên nhiên. Ta mới hiểu tại sao họ thường tổ chức những cuộc đua xe qua những con đường đầy chướng ngại bùn đất.
 
Dĩ nhiên chúng ta mong giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện, chương trình “xoá cầu khỉ” được thành công để các vùng sâu vùng xa được hưởng những tiện nghi của văn minh, nhưng có lẽ cũng đến lúc phải nghĩ đến cách nào “cứu lấy cầu khỉ” – như người ta cứu giống cá voi, giống gấu trúc, giống cọp và một số giống thực vật khác – như đặt cầu khỉ trong khu vực du lịch, khu làng truyền thống, khu bảo tàng thiên nhiên, vì đây là một nét văn hoá rất đặc sắc ở vùng sông nước Nam bô, nếu không thì sau này chỉ còn có thể tìm thấy cầu khỉ trong những phòng triển lãm “cấm sờ vào hiện vật” thì thật là đáng tiếc!
 
 
 
Real Romantic!
 
Cách đây mấy năm, tôi có dịp thấy dòng chữ đó trên các xe buýt chở sinh viên trước cổng trường Harvard, để quảng cáo cho một cuốn phim mới sắp phát hành. Thì ra đã hết cái thời người ta làm phim khai thác tình dục, quảng cáo hình ảnh Adam, Eva, để thu hút giới trẻ, nay người ta làm phim và quảng cáo real romantic (thực sự lãng mạn) mới mong có khách.
 
Từ ba bốn thập kỷ nay, giới trẻ Âu - Mỹ sống trong một môi trường hoàn toàn giải phóng tình dục, coi quan hệ tình dục như chuyện cơm bữa. Tại Mỹ, các thống kê cho thấy ở lứa tuổi 15 - 17, tỷ lệ đã có quan hệ tình dục rất cao. Giới trẻ còn bị áp lực mạnh của bạn bè cùng lứa. Ai còn “gin” thì bị châm chọc chê bai đủ thứ… đến nỗi muốn theo kịp bạn bè thì phải lao vào sex như mọi người…
 
Thế rồi không biết tại sao họ đâm ra ngán ngẩm chuyện sex đến tận cổ, họ nhớ tiếc và muốn thực hiện cách sống yêu đương lãng mạn của cha ông ở một thời xa xưa. Tại các trường học, một phong trào “giữ gìn trinh tiết cho đến tuổi kết hôn” được dấy lên. Họ bắt đầu coi trọng chữ trinh. Thực hiện việc “Ký hợp đồng trinh tiết” (The abstinence contract) cá nhân, đôi bạn hoặc tập thể. Các tài liệu sách báo phim ảnh thay vì dạy cách làm tình như trước đây thì bây giờ tập trung dạy tiết dục, nhịn, kiêng tình dục, thí dụ tải liệu “Sex can wait” (Tình dục có thể chờ), “Abstinence” (Kiêng cữ), “Coping with Sexual Pressures” (Đối phó với áp lực tình dục) và “101 ways to say NO to sex” (101 cách nói KHÔNG với sex!). Họ bắt đầu học cách sống thủy chung, có trách nhiệm với chuyện yêu đương (tài liệu Sexual Responsibility).
 
Và đặc biệt, một tài liệu hướng dẫn cách sống lãng mạn trong tình yêu, kiểu của cha ông trước đây mà bây giờ họ sung sướng phát hiện lại: Đó là tài liệu “101 cách làm tình mà không làm… vậy” (101 ways to make love without doin’ it – ERT, Santa Cruz, CA, 1991). Trong tài liệu này, họ hướng dẫn cách “làm tình” kiểu mới, rất cụ thể, thí dụ: “Hãy nói cho người kia biết rằng bạn yêu họ”. (Hóa ra lâu nay họ quên phứt chuyện này, tưởng yêu là “làm” chớ không phải “nói”). “Đi xe đạp song song với nhau” (Ai bảo đi xe đạp là khổ? Đi xe đạp sướng lắm chứ!. Đi xe hơi sức mấy mà song song, mà tà tà phải không? - Làm nhớ tới anh chàng nhà thơ của ta đạp xe tà tà theo một cô bé chở một chùm hoa phượng, rồi còn bày đặt hỏi “này em chở mùa hè của tôi đi đâu” [1], nghe thiệt là real romantic!). Rồi “Đi với nhau dưới ánh trăng” (Thì ra lâu nay họ có để ý trăng đèn chi đâu! – Lại làm ta nhớ tới Xuân Diệu: “Trong vườn đêm ấy trăng nhiều quá; Ánh sáng tuôn đầy các lối đi; Tôi với người yêu qua rất nhẹ; Im lìm không dám nói năng chi!” – Thấy chưa, chẳng những đi suông dưới trăng mà còn không dám hó hé lấy một lời, mới thật là tuyệt vời!). Rồi họ còn dạy sao nữa? “Hãy đưa mắt nhìn nhau” - Để làm gì? - “để cùng chia sẻ ý nghĩ với nhau!”. Trời, bây giờ mới khám phá ra chuyện đó! Lâu nay, nhìn nhau là hẹn thôi, “OK” là xong ngay, bây giờ “nhìn nhau… không nói”, y như bên… ta vậy, có real romantic không chứ? “Viết những lời yêu thương giấu ở một nơi mà người kia có thể tìm đọc”. Tuyệt chiêu! Nhưng còn thua mình. Mình còn viết những bài thơ tình “giấu hoài trong cặp” chẳng dám cho ai thấy bao giờ! À, đây nữa, cũng lại nhìn nhau: “Hãy nhìn nhau đắm đuối”. Tưởng gì, một nhà thơ mình từ xưa đã viết: “Mắt em là một dòng sông. Hồn anh bơi lặn trong lòng mắt em…” không đắm đuối là gì, một khi vừa bơi lại vừa lặn như vậy? Rồi “Tặng hoa, làm thơ cho nhau, nghe nhạc với nhau, tán tỉnh nhau, nói lời yêu thương bên tai nhau (cũng hơi nhột!) rồi cười với nhau về một chuyện gì đó”. À, cái này làm nhớ tới Lưu Trọng Lư: “Nói chuyện thế gian cười ngặt nghẽo”… Rồi nữa “Đọc sách với nhau, nấu ăn cho nhau, cùng ngắm mặt trời lặn, cùng ngắm bình minh lên… Nghĩ tới nhau, tìm hiểu vì sao người kia buồn…”. Đại khái “Một trăm lẻ một cách làm tình mà không làm… vậy” mới được khám phá ra, phát hiện lại, được đưa ra hướng dẫn cho các bạn trẻ ở Mỹ những năm gần đây và được các bạn trẻ nhiệt liệt hoan nghênh. Thì ra, đã hết cái thời yêu thương “hùng hục”, bây giờ chuyển sang yêu đương “văn nghệ” ra rít vậy. Nhưng nếu mà họ phát hiện thêm các kiểu của ta chắc họ sẽ có “một ngàn lẽ một cách làm tình” tuyệt diệu hơn nữa. Thí dụ đón trước cổng trường; làm đuôi; leo lên cây khắc tên tùm lum; giấu thư tình dưới hộc bàn; cắt đứt dây chuông (Lan và Điệp), “giết người trong mộng” (Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phụ phàng, Hàn Mặc Tử); hay lén… hôn lên áo phơi ngoài giậu (Bướm trắng, Nhất Linh), còn siêu nữa là “Xếp tàn y lại để dành hơi” (Tự Đức) mới thật là real romantic!
 
Có người nghĩ rằng chắc là do bệnh AIDS hoành hành dữ quá nên giới trẻ Âu Mỹ ngày nay buộc phải trở lại thời kỳ yêu đương lãng mạn của cha ông. Tôi chắc không phải vậy!
------------
[1] Cái anh chàng nhà thơ mà tác giả “hư cấu” là đã “đạp xe tà tà theo một cô bé chở một chùm hoa phượng, mà còn bày đặt hỏi “này em chở mùa hè của tôi đi đâu?” chính là Đỗ Trung Quân. Xin chép ra đây bài thơ “Chút tình đầu”:
 
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi
mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ lên cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu - Chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng ngịu mãi... thành câm
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua, còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
 
Tản mạn Paris 
 
Tôi đến Paris vào giữa tháng sáu, tháng mà nhà thơ Nguyên Sa bảo “Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa” nên mưa vẫn còn khá nhiều và thời tiết có hôm 11 – 12 độ, lạnh. Có điều mưa ở Paris cũng giống mưa Sài Gòn, làm cái ào rồi nắng ráo hoảnh. Nhiều bữa mặt trời chói sáng cho tới 9- 10 giờ đêm làm tôi không khỏi bỡ ngỡ vì ở nhà quen ngủ sớm dậy sớm. Mọi người ra đường phải trang bị dù (ô), áo mưa, áo ấm đàng hoàng. Thế rồi một hôm, một ngày đầu tháng 7, Paris bỗng thay đổi hoàn toàn. Paris như khoát một cái áo mới, nắng vàng rực rỡ, nóng đến 23 độ và các ông tây bà đầm ùn ùn kéo nhau ra đường phơi nắng. Và trời ơi, Paris rún ơi là rún, đến đâu cũng thấy rún, đặt biệt là khu La tinh nỗi tiếng với nhiều du khách lũ lượt qua lại. Mọi người khoe rún một cách thoải mái với những kiểu quần áo không biết đã chuẩn bị từ bao giờ, bày rún ra đủ kiểu, rún trắng rún vàng rún đen rún xám, rún lồi và rún lõm. Và hàng hoá bắt đầu bán “xôn”, đại hạ giá. Đi đâu cũng thấy người ta chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè. Các đồng nghiệp bác sĩ bạn tôi cũng chuẩn bị nghỉ “vacance” cả tháng. Họ nói cái tháng tám này, Paris trống vắng, mọi người đổ xô nhau đi nghỉ hè nên mở phòng mạch cũng chẳng có ma nào đến khám. Dĩ nhiên bệnh viện phải tổ chức trực cấp cứu. Còn báo chí thì thôi bày vẽ đủ kiểu làm sao cho da nâu giòn mà không bị cháy nắng, không bị ung thư. Rồi cả một chiến dịch quảng cáo rầm rộ chỉ dẫn mọi người cách làm sao cho gầy ốm, cho có eo trong mùa hè. Sách vở bày vẽ đủ kiểu từ cách ăn mặc, tập luyện, suy tư sao cho cơ thể được mảnh mai. Tội nghiệp, giá mà cứ rau muống hột vịt như mình thì đâu đến nỗi khổ như thế. Nghĩ lại thấy mình lâu nay may mắn nhờ cà pháo, tương chao, giá sống mà người nào cũng thon thả, xinh xắn (suy dinh dưỡng vừa phải, và nếu suy dinh dưỡng nặng thì sẽ thành người mẫu thời trang đó!), nhưng nay cũng bắt đầu báo động. Ở quận 13, nơi đông người Việt, mấy bà đầm Việt Nam đã lên cân hơi bộn rồi!
 
Rồi chuyện bầu bì. Ở Paris, ai có bầu thì mừng lắm, khoe ra ngay. Tìm cách gì đó để bày bụng ra cho người ta biết mình đang có bầu. Thì ra nhiều bà đầm không sao đẻ được, cứ phải chạy vạy sang nước thứ ba xin con nuôi, nên họ khuyến khích sinh đẻ dữ lắm. Báo chí giới thiệu các bà bầu như những “gương điển hình tiên tiến”, phỏng vấn chụp hình lia lịa. Có một cô người mẫu hùng hồn tuyên bố là sẽ làm đám cưới ngay với anh chàng đã vừa tặng cô cái bầu tuyệt diệu. Thì ra lâu nay cô ta tìm mãi mới có được một người đàn ông như thế. Nghĩ lại bên mình, ai có bầu thì lo sốt vó, nghe có bầu thì đôi khi còn “quất ngựa truy phong”. Một hiện tượng đáng ghi nhận nữa là đồng tính luyến ái. Sách vở đề cập cổ vũ vấn đề này hơi nhiều! Đã có những cuộc biểu tình vận động cho người đồng tính luyến ái có quyền có nhà ở, việc làm, cưới hỏi… như những người khác. AIDS, các căn bệnh lây qua đường tình dục, ma tuý, thuốc lá v.v… là những vấn đề y tế cộng đồng lớn ở Pháp, đặc biệt trong giới trẻ. Tôi thực sự ngạc nhiên thấy giới trẻ nữ hút thuốc lá quá nhiều trong khi nam gần như giảm hẳn. Các nhà xã hội học và y học ngao ngán lắc đầu không tìm ra cách khống chế hút thuốc lá giới nữ trong khi tỷ lệ ung thư cứ càng ngày càng gia tăng. Rượu và tai nạn giao thông trong giới trẻ cũng là một vấn đề được các giới chức quan tâm. Về AIDS, họ khác với mình, gái mại dâm sử dụng bao cao su 100% là truyền thống từ xưa nên không đáng lo, trái lại giới trẻ có tỷ lệ quan hệ tình dục khá cao thì không chịu dùng bao cao su. Đến nay nhờ tích cực vận động, đẩy mạnh các chương trình truyền thông mà giới trẻ đã bắt đầu chấp nhận, nhưng cũng chỉ đạt 50% mà thôi.
 
Cũng phải nói thêm rằng môi trường Paris không sạch sẽ lắm vì có quá nhiều… cứt chó. Người thì nghiêm chỉnh, to-let tự động ở khắp mọi nơi, cứ nhét vào 2F là cửa tự động mở, xong rồi thì tự động làm vệ sinh đâu đó đàng hoàng, nhưng chó thì thoải mái, tự do phóng uế… mà khổ nỗi bà đầm nào cũng nuôi một con chó.
 
Nói chung, Paris vẫn tuyệt vời, văn minh và hiếu khách. Đi giữa Paris có cảm giác an toàn tốt hơn ở một số thành phố lớn khác. Hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Các viện bảo tàng khổng lồ và cuốn hút một cách kỳ lạ. Các nhà thờ cổ xưa tuyệt đẹp. Khu Montmartre, đằng sau Sacré Coeur, các hoạ sĩ sẳn sàng vẽ cho bạn một cái chân dung. Tôi gặp một hoạ sĩ người Việt ở đó, anh nói tiếng Việt không rành, bảo từ sáng tới giờ mới “làm được ba cái đầu”, và mỗi ngày anh kiếm trung bình 1.000F nhờ vẽ chân dung cho du khách. Ở bảo tàng người sáp Grévin, bạn có thể nhầm người sáp với người thiệt dễ dàng, và tôi đã nhầm như thế khi gặp một người sáp, chào, không nói, nên lúc gặp người thiệt tưởng sáp, bèn sờ thử một cái!
 
Giới thầy thuốc Pháp vẫn như đang băn khoăn giữa hai khuynh hướng: nền y khoa kỹ thuật cao và một nền y khoa nhân bản, toàn diện. Người dân Pháp hình như thích nền y học nhân văn, một nền y học xanh (Medecine verte) hơn, như nhiều sách báo đã đề cập.
 
Trang của một thời…
 
Mỗi tuổi là một tuổi mới toanh. Tuổi nào cũng có trang phục riêng của nó. Không phải do từ bên ngoài sắp đặt mà như do tự bên trong khơi mở, bảo ban. Có cái tuổi người ta thích mặc áo chẽn hở rún, như muốn rao lên: rún đây, rún đây; chưa đủ, người ta còn viết thêm dòng chữ Love me, Kiss me… thì có cái tuổi người ta thay chiếc áo dài phong phanh “ba phần gió thổi một phần mây” [1] bằng chiếc áo dài nằng nặng hơn, nhạt nhoà hơn, đằm thắm hơn, sâu lắng hơn. Chính ở cái tuổi chông chênh đó của người phụ nữ, cái tuổi có những cột mốc thì thầm, tuổi chuyển mùa như lá trên cành, từ cái bồng bột sôi nổi, sang cái nền nã, dịu dàng, giản dị mà sang trọng, người ta đã nhìn ngắm vào bên trong mình hơn là nhìn người qua phố, và người ta đã góp phần làm cho cuộc sống thăng hoa. Một người 40 tuổi có vẻ già dặn hơn 20, nhưng với người 60, thì 40 hãy cứ còn là nhỏ xíu, cũng như người 80 nhìn về 60. Cho nên nói mỗi tuổi là một tuổi mới toanh, mỗi trang là của một thời đó vậy.
 
Nhưng sao lại cứ phải có trang phục áo dài rồi trang phục làm việc, công sở, rồi trang phục dạ hội. Làm như không thể nào có cái áo dài cho cả công sở và cả dạ hội hay sao. Cái áo dài của người phụ nữ Việt Nam tự dưng bị đưa vào “truyền thống”, trở thành một thứ đồ cổ hay sao. Tại sao cứ phải vái đầm xẻ dọc xẻ ngang cho công sở và các kiểu bày biện nọ kia cho dạ hội. Cái áo dài không đủ trăm phương ngàn kế để biến tấu tuyệt vời hay sao. Nhìn những trang phục công sở dạ hội sao thấy không khác các phụ nữ các nước. Thời trang không dừng lại ở nếp lụa là, nhung gấm – thời trang… và còn hơn thế nữa – là cái khoẻ khoắn, cái hồn hậu nhu mì, cái đằm thắm dịu dàng, cái chín chắn tinh hoa của trí tuệ ở đằng sau kia, ở bên trong kia. Ở cái tuổi chín muồi đó, người ta không chỉ biết quan tâm đến mình mà quan tâm đến những xung quanh, những tại sao, ai đó, ở đâu, lúc nào…, nghĩa là đến phần hồn kia, người ta biết tìm cái trội hơn những phù phiếm tàn phai…
 
Nhà hát Bến Thành đêm chung kết “Thời trang tuổi 40”, khán phòng chật ních những chồng, những con, những bạn bè em cháu… Họ đến và thật dễ thương, vỗ tay từng chập, cổ vũ cho… vợ mình, mẹ mình, chị mình, em mình, bà ngoại mình… ; còn những “thí sinh” kia thì vẫy vẫy – không để làm dáng với Ban giám khảo, với khán giả mà với người nhà của mình đang ngồi ở một góc nào đó đã biết trước. Sài Gòn đột nhiên ướp một chút thu. Trời như hơi ướt, nằng nặng, một chút gió dịu dàng làm cho người đi trên phố bỗng yểu điệu ra, ấy là nhờ cơn áp thấp nhiệt đới rót qua giữa tháng 10 còn nắng nóng. Sài Gòn không có mùa thu nên thu Sài Gòn mới dễ thương làm sao.
 
Chắc vì thế mà đêm vui trang phục của một thời đã có thể tự hào về một mùa thu mà “lá không vàng lá không rụng lá lại thêm xanh” của những người tuổi mới 40.
 
1999
------------
[1] Khi nhắc đến chiếc áo dài phong phanh…, BS Ngọc nói vui là: “ba phần gió thổi một phần mây”, phỏng theo câu thơ “Hai phần gió thổi, một phần mây” của Nguyên Sa trong bài Tương tư. Xin trích:
 
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?