Dịch giả: Nguyễn Đức Dương
THỨ NĂM
(Từ sáng đến trưa)

Hôm thứ năm trời rả rích mưa ngay từ tờ mờ sáng. Tỉnh dậy, Malcolm thấy người bải hoải như muốn ốm; cổ họng đau ran và hơi chóng mặt. Giả không ốm, thì giờ này chắc anh đã dậy lâu rồi. Ngẫm nghĩ một lúc, anh bèn quyết định: vẫn đến sở như mọi hôm. Tội gì để thiệt mất một ngày nghỉ phép chỉ vì những chuyện vặt vãnh, như cảm lạnh! Anh mải mốt cạo râu. Vì vội, nên làm đứt cả mặt. Nhưng Malcolm cứ thây kệ. Anh lại hối hả tém tém qua quýt mấy lọn tóc ở hai bên mép tai, rồi lóng ngóng lắp bừa cái mắt kính cận vào mắt bên phải, và bước ra cửa. Nhưng chưa được nửa đường thì sực nhớ chiếc áo mưa chẳng biết đã bị vất vào xó nào. Vừa chạy vội qua tám dãy phố để đến sở, Malcolm vừa thấp thỏm lo muộn: thế này chắc chẳng còn kịp chiêm ngưỡng cô nàng xinh đẹp ấy nữa đâu. Khi ngoặt ra đường Đông Nam “A” anh đưa cặp mắt hy vọng nhìn quanh. Vừa lúc ấy thì anh nhác thấy cô gái rẽ vào cổng Thư Viện Quốc Hội. Malcolm mê mải ngắm theo bóng hồng, không để ý gì dưới đất, đến nỗi thọc ngay chân vào một vũng nước. Tội nghiệp, anh chàng bối rối nhiều hơn là giận mình. Tuy vậy, anh cảm thấy người đang ngồi trong chiếc Sedan sơn xanh, đỏ bên lề đường, cách trụ sở của Hội có một quãng ngắn, chẳng hề chú ý gì đến cách cư xử buồn cười đó. Mụ Russell lên tiếng chào anh một câu gọn lỏn, vẻ chê trách: “Khiếp, giờ mới dẫn xác đến!”. Lúc lên thang gác, anh còn đánh đổ cả cà phê nóng ra tay khiến mu bàn tay rát bỏng. Thường có những ngày ta toàn gặp những chuyện xui xẻo như vậy đấy!
Quãng gần mười giờ, cửa phòng anh khẽ vang lên mấy tiếng “cốc, cốc!”. Rồi Tamatha đẩy cửa bước vào.
Cô gái im lặng nhìn anh đến mấy giây qua cặp kính cận, miệng mỉm cười e thẹn. Tóc trên đầu Tamatha thưa đến nỗi Malcolm cảm tưởng như anh có thể đếm được từng sợi một.
- Ron này, anh có biết tại sao hôm nay Rich không đến không? Anh ta ốm chăng? - Tamatha khẽ hỏi.
- Không, tôi chẳng biết. - Malcolm la lớn, rồi xì mũi ầm ĩ.
- Tôi chỉ hỏi thế thôi, chẳng có gì đâu. Sao anh lại hét ầm lên thế? Tôi chỉ lo cho anh ấy thôi mà. Vì chẳng thấy anh ta đi làm, mà cũng không thấy gọi điện tới.
- Có quỷ may mới biết được tại sao. - Malcolm lại cố ý hét rõ to, vì anh biết tính cô gái: hễ thấy ai quát tháo là lập tức hoảng hốt.
- Trời ơi, sao hôm nay anh khoẻ gắt thế? - Tamatha rụt rè hỏi.
- Tôi bị cảm xoàng…
- Tôi mang aspirine đến cho anh nhé?
- Tôi chả làm sao đâu, thuốc thang khỉ gì! - anh đáp chẳng mấy niềm nở - ăn thua quái gì ba cái thứ thuốc cảm vứt đi ấy.
- Hôm nay anh dễ cáu lạ! Chào anh nhé! - Tamatha bước ra, rồi cẩn thận khép cửa lại.
“Lạy chúa!”, - Malcolm nghĩ bụng và lại cắm cúi đọc quyển truyện mới in của nữ văn sĩ Anh Agatha Christie.
Lúc 11 giờ 15, một hồi chuông điện thoại réo vang. Malcolm nhấc ống nghe lên và nhận ngay ra giọng nói tẻ nhạt của tiến sĩ Lappe:
- Malcolm này, tôi có việc cần nhờ đến anh. Ngoài ra, trưa nay đến lượt anh phải đi lấy bánh cho anh em đấy. Tôi nghĩ trời này chắc ai cũng thích ở lại trưa ngay tại sở.
Malcolm ngước nhìn ra ngoài trời. Mưa vẫn đập rào rào không ngớt vào kính cửa sổ. Anh cũng đi đến ý nghĩ như ngài tiến sĩ hội trưởng:
- Vì thế, anh có thể dùng một mũi tên, hạ luôn hai con thỏ: vừa giải quyết được công việc tôi sắp giao, vừa nhận bánh trưa cho anh em ở nhà, - tiến sĩ Lappe tiếp, - Walter sẽ gặp từng người, hỏi họ muốn ăn gì. Vì anh phải chuyển cái bưu kiện này đến toà nhà cũ của Thượng Viện, nên tôi khuyên anh nên ghé luôn vào nhà hàng Hap mà đặt các món. Anh có thể đi ngay từ bây giờ đấy.
Năm phút sau, Malcolm vừa hắt hơi liên tục, vừa ung dung băng ngang qua tầng trệt. lách người qua cổng hậu bé tí, ngày trước vẫn dùng để chở than và củi đun cho người chủ cũ, lên đường thừa hành “công vụ”. Nhân viên ở đây hẳn không ai biết đến cánh cổng hậu ấy (vì nó mới được trở về sau, khi toà nhà đã xây xong xuôi đâu vào đó) nếu như lão Walter, một hôm, không dịch cái tủ to tướng, đầy những ngăn kéo, nằm án ngữ ở đằng trước ra, để đuổi chú chuột cống lì lợm, vẫn ngang nhiên công phá sách vở của Hội. Người ngoài nhìn vào sẽ không trông thấy cánh cổng kia, bởi nó nằm khuất sau mấy khóm tử đinh hương. Tuy nhiên, nếu muốn đột nhập vào toà nhà, thì họ chỉ cần khôn khéo nép sát người vào vách tường, là có thể lách qua được. Nói thế chứ đố ai làm nổi chuyện đó, bởi một lẽ rất giản đơn: chốt cửa lại cài ở phía trong.
Vừa chạy vội đến toà nhà cũ Thượng Viện, Malcolm vừa không ngớt rủa thầm. Chốc chốc, anh lại phải dừng lại xì mũi, trong khi mưa vẫn tuôn xối xả. Anh đến nơi thì mưa đã biến chiếc vét-tông màu nâu nhạt trên người thành màu gan gà. Cô nữ thư ký tóc vàng, ngồi trong phòng khách của một vị thượng nghị sĩ, rất ái ngại cho chàng trai, nên rót mời khách một tách cà phê, và ngồi ngắm anh chàng nhấm nháp. Cô ta cho Malcolm biết là anh phải “chính thức” ngồi đợi tờ biên nhận về gói bưu kiện vừa mang đến. Cô gái “hoàn toàn tình cờ hoàn tất việc kiểm lại sổ sách” đúng vào lúc Malcolm nhấp hết tách cà phê. Cô ngước nhìn Malcolm, mỉm cười rất tươi trước để từ giã, đến nỗi anh phải nghĩ bụng: việc mang đến cho ngài thượng nghị sĩ nọ những quyển truyện trinh thám, tả những vụ án mạng đầy bí hiểm, suy cho cùng, cũng chẳng đến nỗi hoài công.
Thường thường toà nhà cũ của Thượng Viện đến cái quán Hap kia, người ta phải đi bộ chừng năm phút. Nhưng hôm đó, vì trời mưa to, nên Malcolm chỉ cần vẻn vẹn đúng ba phút đồng hồ. Hap là một nhà hàng rất nổi tiếng trong đám viên chức làm việc trên Đồi Capitol. Ở đây, việc phục dịch rất mau lẹ, thức ăn lại ngon. Ngoài ra, nhà hàng còn có một món ăn “đặc sản”, chỉ dành riêng cho những thực khách quen biết.
Malcolm trao cho cô bán hàng tờ “thực đơn” do lão Walter lập ra, rồi gọi thêm cho mình một chiếc bánh kẹp thịt băm viên và một ly sữa…

*

… Giữa lúc Malcolm đang khoan khoái nhấm nháp từng ngụm cà phê nóng tại phòng khách của ngài thượng nghị sĩ nọ, thì một người lịch duyệt, khoác áo mưa, chiếc mũ đội đầu kéo sụp xuống quá trán, che lấp mất gần phân nửa khuôn mặt, đã từ phố số một rẽ sang đường Đông Nam “A”, tiến thẳng đến chỗ chiếc Sedan sơn xanh, vẫn đỗ bên vệ đường từ sáng. Chiếc ao mưa tuyệt đẹp rất hợp với tướng mạo đường bệ của người khách lạ. Tiếc thay đường phố lúc này lại vắng ngắt vắng ngơ, nên chẳng có ma nào ở gần để mà trầm trồ. Người khách lịch duyệt nọ dáng bộ tỏ ra rất thản nhiên, nhưng đôi mắt vẫn nghiêng nghiêng ngó ngó, để quan sát thật kỹ lưỡng dãy phố vắng và những toà nhà quanh đó. Đoạn ông ta chui vội vào ghế sau của chiếc Sedan, dáng điệu không hẳn là không trang nhã, rồi khép chặt cửa lại, và cất tiếng hỏi xẵng, sau khi gườm gườm nhìn gã lái xe một lúc:
- Thế nào? Có động tĩnh gì không?
Không rời mắt khỏi toà nhà của “Hội Văn Sử”, người lái xe chậm rãi đáp bằng cái giọng khàn khàn thường gặp ở những kẻ bị suyễn kinh niên:
- Ổn cả, thưa ngài.
- Tuyệt. Tôi sẽ quan sát tiếp toà nhà, còn anh thì đi gọi điện đi. Bảo họ chờ khoảng mười phút, rồi hẵng ra tay.
- Tuân lệnh, thưa ngài. - Người lái xe toan rời ô tô, thì từ trong xe một giọng nói thất thanh liền gọi giật hắn lại:
- Wazerby, - người khách lạ ngừng một lát, để gây ấn tượng, - không được phạm một sai sót nhỏ nào đấy nhé!
- Vâng, thưa ngài, - Wazerby đáp, sau khi đã nuốt ực một cái, để nén xúc động.
Wazerby tiến đến bên chiếc máy điện thoại tự động, treo trên một bức tường, cạnh một quầy bán thực phẩm phụ ở góc đường Đông Nam “A” và phố số 6. Tại quán rượu “Mister Henry”, nằm trên đại lộ Pennsylvania, cách đó năm dãy phố, lão chủ quán nhấc máy lên. Rồi lão gọi to: “Ông Varburn!”. Một người gầy gò, cao lênh khênh, nghe gọi đến tên liền ngoảnh lại. Varburn đứng vội lên, bước tới bên máy. Ông ta im lặng nghe những lời chỉ thị ngắn gọn ở đầu máy đằng kia, đầu gật lia gật lịa, rồi quay về với hai người đàn ông đang chờ mình. Họ trả tiền ba tách cà phê pha cô-nhắc, rồi ra đường, rảo bước trên phố số một, đến một con hẻm nhỏ, nằm ngay sau lưng đường Đông Nam “A”. Tại ngã ba, cạnh chốt đèn tín hiệu, họ gặp một thanh niên để tóc dài, choàng một chiếc blu-dông bằng da nai, sũng nước. Một chiếc mi-crô-buýt sơn vàng, đỗ ngay ở đầu con hẻm, giữa hai toà nhà. Trên xe không có qua một người nào. Cả ba mở cửa, trèo lên, và cho lao tới, chuẩn bị ra tay…
Khi Malcolm dặn cô hầu bàn mang thêm cho mình một chiếc bánh nhân thịt băm nữa, thì một người đưa thư, từ phố số một, ngoặt vào đường Đông Nam “A” rồi lững thững bước đi trên vỉa hè, vai mang túi đựng thư to tướng. Một người tầm thước, dáng chắc nịch, bước theo sau anh ta, cách mấy bước chân, người cứ thẳng đuỗn trông rất không tự nhiên. Từ đầu đằng kia, một gã gầy gò, cao lênh khênh, tiến lại gặp họ, sau khi vượt qua năm dãy số. Anh ta cũng khoác trên vai một chiếc áo mưa rộng, nhưng khác hai người kia là chiếc áo chỉ mới dài đến ngang đầu gối.
Vừa quay về với chiếc Sedan và ngồi sau tay lái, Wazerby đã nhìn thấy người đưa thư ngoặt ra đường Đông Nam “A”. Hắn vội vã cho xe chuyển bánh. Chờ cho ngớt cơn ho, Wazerby hít một hơi thở dài khoan khoái. Hắn rất đỗi mừng rỡ vì phận sự của hắn trong chiến dịch này đến đây là hết. Tuy là một tay sừng sỏ, nhưng dẫu sao Wazerby vẫn rất lấy làm mừng là đã không phạm một sai sót nào khi hắn liếc nhìn người khách lạ, câm như thóc đang ngồi ở ghế sau.
Thực ra, Wazerby đã nhầm. Hắn đã phạm phải một sai sót nhỏ và hết sức bình thường, một sai sót mà hắn có thể dễ dàng tránh được. Một sai sót mà lẽ ra hắn phải không được phạm.
Nếu có ai đó tình cờ nhìn đường Đông Nam “A” vào lúc này, hắn ta chỉ thấy ba người - một là nhân viên đưa thư, còn hai người kia là dân buôn bán, kinh doanh, - hoàn toàn tình cờ tiến lại gặp nhau cùng một lúc trước cổng trụ sở “Hội Văn Sử”. Hai gã dân buôn lịch sự bước tránh cánh cửa rảo ra, nhường đường cho người đưa thư để anh ta bấm chuông và vào trước. Cũng như mọi bữa, hôm nay lão Walter cũng không có mặt tại bàn làm việc của lão (mà dù lão có mặt ở đó đi nữa, thì sự thể chắc gì đã khác). Đúng lúc Malcolm nuốt trôi miếng bánh nhân thịt chót cùng tại nhà hàng Hap, thì mụ Russell gắt gỏng lên tiếng: “Vào đi!” khi nghe hồi chuông thứ hai réo lên.
Ba người lạ mặt chỉ mong có vậy. Họ tiến ngay vào, đi đầu là viên đưa thư…
Malcolm vẫn ung dung ngồi ăn chưa muốn kết thúc bữa cơm trưa. Để tận hưởng nỗi khoan khoái trong lòng, anh gọi thêm một đĩa bánh ga-tô phết sô-cô-la trộn rượu rom - món ăn đặc sản của nhà hàng Hap. Sau tách cà phê thứ hai, lương tâm đã bắt Malcolm phải đứng dậy ra về. Mưa rào lúc này đã ngớt, nhưng trời vẫn lất phất mưa bay. Sau bữa cơm trưa, tâm trạng anh đã có phần nhẹ nhõm hơn. Cả thể trạng cũng khá hơn lúc sáng. Nhưng anh không vội. Vì, một là, còn gì khoái bằng được ung dung dạo bước sau khi no bụng; hai là, anh không muốn đánh đổ cái túi bánh nhân thịt, đang ôm khệ nệ trên tay. Khác với lệ thường, hôm nay anh quay về phía vỉa hè bên kia. Nhờ thế, anh đã có cơ hội để nhìn kỹ toà nhà trước khi bước vào. Chính cái cơ hội đó đã giúp chàng trai nhận thấy được những gì trước đây vẫn bị bỏ qua, nếu cứ cắm đầu cắm cổ trở về theo đường cũ.
Chỉ một chi tiết nhỏ, nhưng chính chi tiết đó đã buộc Malcolm phải cảnh giác. Chi tiết ấy chỉ hơi lạ mắt chút đỉnh thôi và lại nhỏ nhặt đến mức tưởng chừng như vô nghĩa. Nhưng chàng trai vẫn được trời phú cho một khả năng quan sát khá tinh tường, biết nhận thấy cả những chuyện vặt vãnh, như cánh cửa sổ trên tầng ba đã mở toang kia chẳng hạn. Số là cửa rả trong nhà này cánh nào cũng mở ra phía ngoài, chứ không phải kéo lên phía trên. Vì thế, cánh cửa mở nào cũng dễ đập ngay vào mắt. Thoạt nhìn thấy cánh cửa sổ ấy, chàng trai chưa hiểu ngay được mọi chuyện. Nhưng khi chỉ còn cách toà nhà có đâu nửa dãy phố, anh chợt hiểu ngay là đã xảy ra một chuyện gì đó trong khi mình đi vắng, nên dừng phắt lại, sững sờ…
… Kể ra thì chẳng có gì khác thường cả, nếu tại Washington này mà có một toà nhà nào đó lại mở toang cửa sổ, thậm chí cả trong một ngày mưa to gió lớn thế này: tiết trời ở thủ đô, cả những hôm có mưa xuân, vẫn ấm áp, hệt như trong mùa hè. Nhưng toà nhà của Hội thì lâu nay đã được lắp hàng loạt máy điều hoà nhiệt độ rồi, người ta chỉ mở cửa sổ khi nào muốn thông gió thôi. Bởi thế, Malcolm thấy sẽ rất phi lý, nếu muốn cắt nghĩa cái cánh cửa sổ mở toang trên tầng ba kia là để nhằm mục đích ấy. Nó càng phi lý hơn nữa khi cánh cửa được mở ra đó lại là cánh cửa sổ ấy - cánh cửa sổ phòng làm việc của cô Tamatha!
Nhân viên ở tiểu ban không ai còn lạ gì chuyện Tamatha rất kiêng mở cửa sổ. Số là hồi mới lên chín, cô đã chứng kiến một cảnh tượng rợn người. Hai anh trai cô, dạo ấy cũng đang còn bé, đã tranh giành nhau rất quyết liệt một bức hoạ, mà họ đã tìm thấy trên rầm thượng. Trong cuộc ẩu đả, người anh cả chẳng may bị trượt chân, và lăn từ cửa sổ rầm thượng xuống đường. Cậu bé bị gãy xương sống và phải mang tật suốt đời, từ đó quanh năm phải nằm liệt giường liệt chiếu. Có lần, Tamatha đã thú thật cùng Malcolm rằng: chỉ hoả hoạn hoặc bị doạ cưỡng dâm hoạ may mới có thể xô đẩy cô đến một bên khung cửa sổ mở rộng. Ấy thế mà hôm nay, chính cánh cửa sổ phòng cô gái ấy lại mở toang!
Malcolm cố nén cảm giác lo sợ và hồi hộp đang trỗi dậy trong lòng. “Xì, mình chỉ hay sợ bóng sợ gió, hỏng quá đi mất, - anh tự nhủ. - Biết đâu đấy chỉ là một chuyện hết sức bình thường. Như có anh chàng nào đó muốn trêu Tamatha, chẳng hạn”. Nhưng, nói của đáng tội, nhân viên ở đây thì làm gì có thì giờ để đùa cơ chứ. Malcolm cũng tin chắc là không một ai dám đem cái hình phạt khủng khiếp kia ra để trêu Tamatha. Dẫu sao, anh cũng đi tiếp, cố điều bước thật chậm. Và sau khi qua hết toà nhà rồi, anh còn bước thêm mươi bước nữa, cho đến tận góc phố. Ngoài cánh cửa sổ kia ra, mọi thứ khác trong nhà quả tình đều không có gì đặc biệt. Anh cũng không nghe thấy một tiếng la hét nào ở bên trong. Hẳn ai nấy đang cặm cuội làm việc.
“Vớ vẩn thật! Thần hồn nát thần tính!” - Malcolm tự nhủ. Rồi anh băng qua đường, bước vội về phía cánh cửa rào, leo lên mấy bực tam cấp. Do dự một lát, rồi Malcolm cũng với tay bấm chuông. Không một tiếng trả lời. Chuông réo khá to, nhưng mụ Russell vẫn không lên tiếng. Anh nhấn chuông lần nữa. Vẫn thế. Anh thấy lạnh buốt sau sống lưng.
“Walter chắc đang dọn dẹp sách vở” - Malcolm tự nhủ, - còn “lò nấu nước hoa của nàng Polly chúng ta” hẳn đang ở trong buồng vệ sinh. Chắc chỉ thế thôi, chứ họ còn đi đâu được nữa”. Anh từ từ cho tay vào túi, lục tìm chiếc chìa khoá riêng.
Nếu có người tra chìa khoá vào ổ giữa ban ngày, thì toàn bộ toà nhà sẽ vang lên một chuỗi tín hiệu báo động đặc biệt. Còn nếu có ai đó làm thế vào ban đêm, thì tín hiệu sẽ vang lên cùng lúc chẳng những ngay tại đây, mà cả ở cục Cảnh sát Washington, lẫn tại Tổng hành dinh CIA trên Langley và trụ sở Cục Bảo vệ, đóng ở đâu đó ngay tại thủ đô nữa. Tín hiệu lập tức vang lên khe khẽ ở bên trong nhà, ngay khi Malcolm vừa tra chìa vào. Anh mở cửa và bước vào trong.
Ngay từ lúc đặt chân lên bậc tam cấp đầu tiên trước cửa ra vào, Malcolm đã cảm thấy như đây là một toà nhà không có người ở. Bóng mụ Russell không lấp ló sau bàn làm việc của mụ. Anh liếc mắt nhìn sang phòng làm việc của tiến sĩ Lappe thì thấy cửa chỉ khép hờ. Trong toà nhà phảng phất một mùi là lạ. Malcolm vất gói bánh xuống bàn lão Walter, rồi chậm rãi bước lên. Mới leo được ba, bốn bậc thang gác, anh đã hiểu ngay vì lẽ gì ở đây lại bốc lên cái mùi là lạ đó.
… Mụ Russell vẫn đứng ngay sau bàn, mỗi khi có người lạ đi vào. Một loạt tiểu liên, giấu trong túi đựng thư của gã đưa thư, lia ra, đã hất ngược mụ về phía sau, đến sát bên quầy pha cà phê. Điếu thuốc rơi xuống, vẫn tiếp tục cháy trên ngực áo nạn nhân, làm giộp cả một mảng da, rồi mới tắt hẳn…
Malcolm thấy người bủn rủn khi đứng nhìn cái xác cứng đờ nằm sõng soài trong vũng máu. Mãi sau, anh mới từ từ trở gót quay đi và chạy vội vào phòng làm việc của tiến sĩ Lappe, như bị ma quỷ xui khiến vậy…
… Lão Walter và tiến sĩ Lappe đang lúi húi trên mấy tờ biên lai, biên nhận gì đó, thì chợt nghe những âm thanh lạ tai, như thể tiếng hắng giọng, và tiếng một vật nặng rơi đánh “bịch” xuống sàn nhà. Lão Walter mở vội cửa, chạy ra định để giúp mụ Russell nâng một kiện sách nặng, bị mụ đánh tuột tay đánh rơi (lão đoán thế, vì khi tiếng chuông gọi cửa vừa réo lên, lão đã nghe thấy tiếng mụ Russell quát lớn: “Thế nào, hôm nay cậu mang đến những gì cho chúng tôi đấy?”). Hình ảnh cuối cùng mà lão nhìn thấy trong đời là một gã đàn ông gầy gò, cao lênh khênh, tay lăm lăm một vật dài dài, lạ mắt, hình chữ L.
Kết quả điều tra về sau cho hay: lão Walter đã chết ngay tức khắc, sau khi bị năm phát tiểu liên xuyên vào ngực. Tiến sĩ Lappe nom rõ toàn bộ cảnh đó nhưng chẳng còn đường nào thoát thân. Xác ngài hội trưởng nằm bất động ngay dưới chân tường gian phòng làm việc của ông ta.
… Gã “nhà buôn” cao lớn đột ngột mở toang cửa phòng làm việc của Malcolm. Nhưng bên trong chẳng có ai. Ray Thomas đang quỳ trên sàn, sau bàn làm việc, để tìm chiếc bút chì bị rơi ở đâu đó, thì gã vạm vỡ mở cửa. Ray chỉ kịp kêu to: “Trời ơi, đừng…”, thì đã nát sọ, óc văng tung toé.
Tamatha và Harold Martin nghe tiếng thét thất thanh của Ray, nhưng cả hai đều chẳng hiểu vì lẽ gì. Cùng một lúc, hai người đều mở cửa, lao ra cầu thang. Tất cả lại yên tĩnh một lúc. Nhưng rồi lại có tiếng chân khe khẽ vang lên: ai đó đang bước lên cầu thang. Bỗng tiếng chân ngừng bặt. Tiếp đó có tiếng gì răng rắc phát ra mấy lần liền. Tiếng động khiến cả hai choáng váng. Dĩ nhiên là họ chẳng hiểu gì về những âm thanh lạ đời ấy (vì đó là tiếng thay băng đạn tiểu liên và tiếng kéo khoá nòng). Nhưng bản năng vẫn mách bảo với họ rằng nguy hiểm đang đến gần. Cả hai cùng bỏ chạy về phòng làm việc và khoá trái cửa lại.
Harold tỏ ra rất có bản lĩnh và không mất tinh thần. Anh cài chặt chốt cửa lại và nhấc máy điện thoại lên. Nhưng anh mới chỉ kịp quay ba con số trên đĩa dây nói, thì gã vạm vỡ đạp tung cửa, lao vào nổ súng.
Tamatha thì phản ứng thật kỳ dị trước tình huống gay cấn nọ. Từ lâu, cô gái vẫn cho rằng chỉ những nguyên nhân thật đặc biệt mới có thể bắt cô mở tung cửa sổ. Giờ đây, cô hiểu rằng thời điểm đó đã đến gần. Cô gái hốt hoảng cố tìm đường thoát thân, và lối thoát duy nhất cô tìm thấy: mở rộng cả hai cánh cửa sổ. Nhìn xuống đất, Tamatha thấy chóng mặt. Cô bỏ kính ra, đặt lên bàn. Khi nghe thấy tiếng đạp cửa bên phòng Harold, rồi những âm thanh y như tiếng hắng giọng, tiếp theo là tiếng một vật nặng rơi đánh ầm xuống sàn nhà, cô gái lại chạy ra bên cửa sổ. Rồi cửa phòng cô từ từ mở rộng…
Tamatha quay mặt về phía gã gầy gò hiện ra trước cửa ra vào. Hắn không dám nổ súng ngay, vì sợ đạn bay qua cửa sổ, nổ ở ngoài đường, khiến người ngoài có thể đổ xô đến trụ sở Hội. Hắn đành liều nổ súng, khi cô gái kêu la. Nhưng Tamatha vẫn nín thinh. Cô chỉ nheo mắt nhìn cái hình người lờ mờ trước mặt. Nhưng cô cũng hiểu là hắn ra hiệu bảo cô đứng tránh ra chỗ khác, xa khung cửa kia. Tamatha từ từ bước lại bên bàn làm việc. “Nếu phải từ giã cõi đời, - cô tự nhủ - thì cứ thử nhìn mặt mũi tử thần một bận xem sao”. Cô gái với tay ra tìm chiếc kính. Gã cao lênh khênh chờ cho Tamatha đeo kính vào hẳn hoi rồi mới bóp cò, khi nhìn thấy trên gương mặt xinh đẹp lộ rõ cảm giác cam chịu. Hắn chỉ buông tay ra khỏi cò súng khi bắn hết băng đạn vừa mới thay. Xong, hắn trở gót quay ra, sóng bước bên gã vạm vỡ, lúc này cũng đã thanh toán xong xuôi hết thảy những gì cần thanh toán trên tầng ba. Đoạn cả hai ung dung đi xuống cầu thang không chút vội vã.
Trong khi gã đưa thư vẫn lăm lăm khẩu súng trong tay đứng canh trước cửa, thì gã vạm vỡ lần xuống tầng trệt sục sạo. Hắn cũng phát hiện được cánh cửa bé tí, vẫn dùng để chở than, củi, nhưng không buồn đề ý lắm. Giá hắn không sơ ý đến thế, thì chắc đã có thể vớt vát được phần nào cái sai lầm mà Wazerby phạm phải. Nhưng hắn không làm, mà chỉ dò tìm hệ thống cáp điện thoại, rồi phá hỏng đi. Thường thì đường dây điện thoại có sự cố lại ít gây lo lắng hơn là khi ống nghe bị bỏ ra khỏi máy, mặc cho chuông cứ réo triền miên.
Cùng lúc đó, gã hung thủ cao lênh khênh đã bắt tay lục soát phòng làm việc của Heidegger. Tập tài liệu hắn cần tìm nằm trong ngăn kéo thứ ba, bên trái. Chỉ một lát sau, hắn đã lôi ra được cái hắn tìm. Hắn mở một chiếc phong bì cỡ lớn, cho vào đó một nắm vỏ đạn vừa mới dùng xong, rồi nhét thêm một mẩu giấy con con, lấy từ trong túi áo ra. Xong xuôi, hắn dán kín bì thư lại, và lấy bút ra. Tay hắn rất lóng ngóng vì đang đi găng. Nhưng chẳng sao hết: đằng nào thì hắn cũng muốn đổi nét chữ. Rốt cục trên phong bì ngoằn ngoèo mấy dòng địa chỉ: “Gửi Cục Tình Báo Trung Ương: Tổng hành dinh Langley”. Gã vạm vỡ lúc này đã từ dưới tầng trệt mò lên. Hắn lôi trong ngăn kéo bàn làm việc của lão Walter ra chiếc máy ảnh bí mật, xoá cuốn phim đang dùng. Gã cao lênh khênh cũng đã bước ra, quẳng chiếc phong bì xuống bàn mụ Russell. Rồi cả ba gập báng súng tiểu liên lại, giấu trong áo mưa, và đẩy cửa rón rén bước ra, hệt như lúc cả ba cùng đi vào. Đúng lúc đó thì tại nhà hàng Hap Malcolm cũng vừa thanh toán xong chiếc bánh ga tô phết kem sô-cô-la có pha một ít rượu rom…
… Malcolm chậm rãi đi hết phòng làm việc này sang phòng làm việc khác, hết tầng lầu này sang tầng lầu khác. Đầu óc anh đờ đẫn, không sao hiểu nổi những gì vừa chứng kiến. Mãi lúc nhìn thấy cái xác lỗ chỗ vết đạn của Tamatha, anh mới thấu hiểu sự tàn bạo của những gì vừa xảy ra. Chàng trai giương to mắt, nhìn trừng trừng vào cái xác cô gái xinh đẹp đến cả mấy phút đồng hồ, người run lẩy bẩy. Rồi nỗi sợ hãi bất thần xâm chiếm anh, khiến anh tự nhủ: “Mình phải rời khỏi đây ngay”. Anh lao xuống cầu thang. Mãi đến lúc sắp xuống đến tầng một, chàng trai mới tự chủ được và bắt mình đứng lại.
“Rõ ràng là bọn chúng đã đi rồi, - anh tự nhủ - nếu không, mình đừng hòng thoát chết. Thậm chí, anh cũng chẳng buồn nghĩ xem “bọn chúng” là ai. Đột nhiên, anh nghĩ đến một cách rõ nét tình cảnh bất lực của chính mình. “Trời ơi, - anh tự nhủ - đến vũ khí, mình cũng không có trong tay! Mình sẽ lấy gì để chống trả đây, nếu bọn chúng quay lại?”. Anh nhìn xuống cái xác lão Walter và thấy một khẩu súng ngắn tự động to kềnh, lủng lẳng bên hông viên cựu trung sĩ. Nhưng khẩu súng bê bết máu, nên Malcolm không dám chạm tay vào. Anh chạy vội lại bên bàn làm việc của Walter. Cạnh đó có một chiếc tủ con bị đóng chặt vào vách tường. Trong tủ, lão vẫn cất giấu một thứ khí giới hoàn toàn lạ đời nữa: khẩu súng săn cỡ 20, nòng bị cưa ngắn mất đi mấy tấc. Tuy chỉ bắn được phát một, nhưng viên cựu trung sĩ vẫn không ngớt lời ca ngợi khẩu súng, vì nó đã có lần cứu mạng lão… Malcolm cầm khẩu súng săn lên, chĩa nòng về phía cửa ra vào, rồi anh nghiêng người tiến lại bên bàn làm việc của mụ Russell. Anh biết Walter bao giờ cũng cất trong ngăn kéo bàn mụ văn thư một khẩu súng nữa, để phòng xa. Anh lôi khẩu súng ngắn đó ra, giắt vào thắt lưng, rồi nhấc máy lên gọi điện. Không nghe thấy một âm thanh gì. Tuy vậy, anh cũng lần lượt quay số, gọi từng nhân viên một trong tiểu ban. Không một ai đáp lại hết.
“Mình phải rời khỏi nơi đây ngay, - Malcolm lại tự nhủ - để cầu cứu ai đó đến giúp, chứ không thì nguy mất”. Anh cố nhét khẩu súng săn vào trong áo vét-tông nhưng chẳng ăn thua: tuy đã cưa ngắn nòng đi rồi, họng súng vẫn còn thòi ra ngoài, cổ áo chạm vào mang tai, rất vướng. Malcolm tiếc rẻ cất khẩu súng vào chỗ cũ, vì anh nghĩ bụng: phải giữ nguyên trạng mọi thứ ở đây, để người ta còn dễ bề điều tra. Anh gân cổ nuốt một cái gì cưng cứng, đau đau nơi cổ họng, rồi lăn đến bên cánh cửa, ghé mắt vào cái hốc lớn, có lắp chiếc lúp hình cầu, để nhìn ra ngoài. Trên khúc đường trước mặt nhà vẫn chẳng có ai qua lại. Mưa đã tạnh hẳn. Nép sát người vào bờ tường, anh với tay về phía quả đấm cửa, từ từ mở ra. Không thấy động tĩnh gì hết. Anh mạnh dạn bước xuống thềm im vắng. Anh dập mạnh cánh cửa, rồi bước vội đến bên cánh cửa rào, lách người qua. Tuy đã rảo bước trên vỉa hè, anh vẫn luôn đảo mắt nhìn quanh, căng thẳng chờ đợi. Nhưng phố xá vẫn yên lặng. Malcolm tiến thẳng đến chòi điện thoại tự động đặt ở góc đường.
Cả bốn Cục của cơ quan CIA đều có những số điện “báo động” riêng, không đăng ký trong bất cứ danh bạ điện thoại nào, và chỉ được phép dùng khi xảy ra những tình huống thật khẩn cấp. Kẻ nào lạm dụng những số máy ấy sẽ bị trừng trị hết sức nghiêm khắc - thậm chí có thể bị thải hồi mà không được lấy một xu trợ cấp. Mỗi nhân viên của CIA - từ giám đốc cho đến người gác cổng đều phải biết ghi nhớ nhập tâm một trong bốn số điện thoại ấy, - một trong những điều tuyệt mật của cơ quan này.
Đường điện thoại “Báo động” bao giờ cũng do những nhân viên có năng lực và dạn dày kinh nghiệm phụ trách. Họ phải có khả năng ứng phó tuyệt vời mỗi lần gặp tình huống khẩn cấp, mặc dù chính họ rất ít khi trực tiếp tham dự vào các hoạt động tác chiến. Khi nhận được tín hiệu “Báo động”, bộ phận này phải ra ngay quyết định nhanh chóng và đúng đắn.
Vào ngày hôm đó, phiên trực tại tuyến điện thoại “Báo động” ở Cục Mật Vụ đã rơi đúng vào tay Setphen Mitchell. Mitchell đáp lại ngay hồi chuông gọi của Malcolm. Trước đây, hắn từng là một điệp viên giữ “chân chạy” năng nổ nhất của CIA. Suốt mười ba năm trời, lão đã đi khắp đó cùng đây, chủ yếu là các nước Nam Mỹ, có mặt tại hầu hết các điểm nóng. Đầu năm 1968, một gã điệp viên hai mặt ở Buenos Aires đã gài một quả bom dẻo vào chỗ ngồi sau vô-lăng trên chiếc xe của Mitchell. Lần đó, gã điệp viên nọ chỉ phạm một sai sót nhỏ: sức nổ quả bom thấp quá. Bởi thế, quả bom chỉ tiện cụt của Mitchell mất cặp giò năng nổ, chứ không cho hắn về chầu trời. Sai lầm đó khiến gã điệp viên nọ phải trả một giá rất đắt: người ta tìm thấy xác gã tại Rio de Janeiro với chiếc thòng lọng trên cổ. Không muốn mất đi một điệp viên có hạng như Mitchell, cấp trên đã điều hắn về bộ phận “Báo động”.
Ngay sau hồi chuông đầu tiên, Mitchell đã nhấc máy lên nghe. Hắn cũng đã lập tức mở máy ghi âm và máy tự động dò tìm số dây nói của người gọi.
- 493-7282 nghe đây.
Tất cả các thuê bao của CIA đều phải đáp ngay, khi nghe tiếng chuông điện thoại gọi số ấy.
- Tôi là… - Suốt cả một giây đồng hồ quý giá dài dằng dặc, Malcolm vẫn không sao nhớ ra bí danh của chính mình. Anh biết là phải xưng rõ bí số của ban và của tiểu ban, để họ khỏi lẫn mình với những nhân viên khác cùng mang bí danh ấy. Nhưng lúc này, chàng trai vẫn không tài nào nhớ lại nổi cái tên người ta đã đặt cho mình. Mặt khác, anh cũng thừa biết là không được phép xưng tên thật. Bỗng chàng trai vụt nhớ lại được cái bí danh ấy:
- Thần Ưng đang ở bên máy đây. Tiểu ban 9, ban 17 của chúng tôi vừa bị tiến công.
- Anh đang dùng điện thoại công vụ đấy chứ?
- Không. Đây là máy công cộng, ở cách… căn cứ của chúng tôi một quãng ngắn. Máy ở chỗ chúng tôi hỏng sạch cả rồi.
“Đồ quỷ, - Mitchell nghĩ bụng - đã đến nông nỗi này mà còn nói bằng thứ ngôn ngữ ám hiệu đó làm gì”. Hắn với bên tay còn rỗi về phía nút “Báo động” ấn khẽ: năm tổ tác chiến khác nhau - ba đặt ngay tại Washington, hai ở Langley - sẽ được vũ trang đến tận răng và lao ngay ô-tô, rồ máy, rồi đứng chờ chỉ thị tiếp theo.
- Tiểu ban có bị thiệt hại nặng không?
- Tổn thất tối đa. Không còn một ai nữa. Tôi là người độc nhất, được…
Mitchell ngắt lời chàng trai:
- Rõ rồi. Dân ở quanh đó biết chuyện chưa?
- Chắc là chưa ai biết. Cuộc tiến công diễn ra rất yên ắng.
- Anh có bị thương không vậy?
- Không.
- Đã mang theo vũ khí gì chưa?
- Đã.
- Quanh đó thấy hoạt động “thù địch” nào không?
Malcolm nhìn quanh. Anh chợt nghĩ: một buổi sáng hoàn toàn bình thường.
- Hình như là không. Nhưng tôi không dám nói chắc đâu.
- Nghe cho kỹ những điều tôi sắp nói đây. Rời xa ngay khu vực đó. Nhưng phải thật thận trọng đấy. Tìm mọi cách để đến một nơi ẩn nấp thật an toàn. Rồi chờ ở đó chừng một giờ đồng hồ. Sau khi biết chắc không ai bị theo dõi, lại gọi điện về cho tôi lần nữa. Lúc ấy sẽ là 13 giờ 15. Anh hiểu chứ?
- Vâng, tôi hiểu.
- Ô-kê. Cúp máy ngay đi và nhớ đừng để mất đầu đấy nhé.
Mitchell cúp máy nhanh đến mức Malcolm chưa kịp buông ống nghe ra khỏi tai đã không còn nghe thấy gì nữa hết.
Anh treo ống nghe lên, đứng yên mấy giây ở góc đường, để cố vạch một kế hoạch hành động, dù là sơ sài nhất. Anh biết là phải tìm một nơi an toàn quanh khu vực này, để có thể nương náu quãng một tiếng đồng hồ. Lát sau, chàng trai đã chậm rãi quành lại, rảo bước trên đường phố. Mười lăm phút sau, anh đã trà trộn giữa một tốp thanh niên, thuộc một tổ chức gì đó ở bang Iowa đang ghé thăm toà nhà Quốc Hội trong một chuyến tham quan thủ đô…
… Giữa lúc Malcolm đang còn trò chuyện với Mitchell qua dây nói, thì một trong những guồng máy đông đảo nhất và phức tạp nhất của chính phủ đã được khởi động. Đám trợ lý của Mitchell, nghe được câu chuyện trên dây nói, đã lập tức tung vào chiến dịch bến xe, chở đầy các nhân viên thuộc bộ phận an ninh, đóng ngay tại Washington, và một xe chở các chuyên viên pháp y từ Langley đi. Cả năm xe đều nhắm vào mục đích: tiểu ban 9, ban 17. Chỉ huy trưởng các nhóm đều được thông báo vắn tắt tình hình xảy ra tại hiện trường trước lúc xuất phát. Trong khi xe đang phóng như bay đến đích, các trưởng nhóm vẫn tiếp tục được thông báo tỉ mỉ mọi chuyện qua máy điện đàm gắn trên xe. Đồn cảnh sát tại khu vực hữu quan của Washington cũng được báo cho biết trước là hãy sẵn sàng phối hợp hành động và kịp thời giúp sức các “nhân viên của bộ phận bảo vệ luật pháp liên bang” đang tác chiến tại khu vực do họ cai quản. Trước lúc Malcolm treo ống nghe lên máy, tất cả ban trực thuộc của CIA, đóng trong Quận Columbia, đều được thông báo về cuộc tiến công vào các nhân viên “Hội Văn-Sử”. Các đơn vị này lập tức cho thi hành ngay mọi biện pháp đề phòng theo đúng như những kế hoạch đối phó đặc biệt đã được soạn thảo sẵn từ trước. Malcolm vừa gọi đến chưa đầy ba phút thì tất cả các viên phó giám đốc cơ quan CIA đã được báo cáo đầy đủ về “sự cố nghiêm trọng” đó. Mười phút sau, đích thân ngài giám đốc CIA, lúc này đang làm việc với Phó tổng thống Hoa Kỳ, cũng được Mitchell báo tin hết sức chi tiết qua đường dây điện thoại đặc biệt. Trong phòng tám phút đồng hồ, tin tức về cuộc tiến công nói trên cũng đã đến tai tất cả các viên chỉ huy các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
Sau khi nói chuyện với “Thần Ưng”, Mitchell đã ra lệnh mang ngay lên phòng làm việc của chính hắn mọi hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động của Hội. Hễ gặp tình huống khủng hoảng, trực ban của bộ phận “Báo động” sẽ nghiễm nhiên trở thành nhân vật có mọi thứ quyền hành và là đại diện đặc mệnh toàn quyền của giám đốc cơ quan CIA. Nhân vật này sẽ điều hành mọi chiến dịch đối phó trong thực tế, cho đến lúc một viên phó giám đốc của cơ quan này thế chân hắn. Đúng là chỉ mấy giây sau khi Mitchell ra lệnh chuyển mọi hồ sơ lên bộ phận lưu trữ đã gọi điện tới.
- Thưa ngài, máy tính điện tử, sau khi kiểm tra, đã báo cho biết: hồ sơ của tiểu ban 9, ban 17 đều đã biến mất.
- Cho biết cái gì-ì?!
- Cho biết là tất cả các hồ sơ đều đã biến mất.
- Thế thì chuyển ngay cho tôi các bản sao, rồi, quỷ bắt anh đi, nhớ gửi ngay tức khắc mọi thứ sang cho Cục Cơ mật để bảo quản.
Mitchell quẳng mạnh ống nghe xuống, khi gã nhân viên lưu trữ luống cuống chưa kịp đáp. Rồi hắn vồ lấy một chiếc máy khác và liên lạc ngay với nơi cần gọi.
- “Phong toả” ngay căn cứ! - hắn ra lệnh.
Chỉ mấy giây sau, tất cả các lối vào ra của Tổng hành dinh cơ quan CIA đều đóng kín cửa. Nếu ai đó cố lao vào hoặc lẻn ra lúc này đều bị bắn vỡ sọ ngay. Đèn báo động màu đỏ chớp sáng liên hồi trong tất cả các toà nhà tại Langley. Một loạt nhân viên bảo vệ, chia thành nhiều tốp, tức thì toả ra khắp mọi nơi để “quét dọn” các hành lang. Họ ra lệnh cho ai nấy phải về phòng làm việc hoặc các ban trực thuộc, trừ những người đang trực tiếp tham dự vào công việc của bộ phận “Báo động” hoặc đang bị đặt vào tình trạng “khẩn cấp tối đa”. Kẻ nào không tuân lệnh hoặc tỏ ra trù trừ sẽ bị gí súng vào người, áp giải đến phòng giam, để cho tay vào còng số tám.
Chỉ vài giây sau Mitchell ra lệnh “phong toả” căn cứ, cửa phòng chỉ huy “Báo động” bỗng mở toang và một người đàn ông to con mạnh bạo bước vào. Vì Mitchell đang đàm thoại bằng dây nói với ai đó, nên gã to con nọ lặng lẽ gieo người vào chiếc xa-lông đặt bên cạnh viên chỉ huy phó.
- Có chuyện gì vậy, quỷ quái thật?
Vào lúc khác người ta sẽ thông báo tình hình cho gã ngay, chẳng đợi hỏi. Nhưng lúc này Mitchell là chủ nhân toàn quyền ở đây. Viên chỉ huy phó ngước nhìn hắn. Mitchell, tuy vẫn tiếp tục ra lệnh bằng một giọng gắt gỏng trong ống nghe điện thoại, nhưng hắn vẫn nắm bắt được vẻ lo lắng trong câu hỏi của gã to con. Hắn lặng lẽ gật đầu với viên chỉ huy phó. Được lệnh, viên chỉ huy này liền vắn tắt thuật lại các chuỗi biến cố vừa xảy ra và thông báo cho gã rằng sếp đã thi hành những biện pháp đối phó gì. Trước lúc viên chỉ huy phó ngừng lời, Mitchell đã buông máy ra, đưa chiếc khăn tay ướt nhoét lên lau mồ hôi trán.
Gã to béo ngọ nguậy trong xa-lông một lúc, rồi rụt rè nói:
- Anh Mitchell ơi, nếu anh không phản đối, tôi sẽ xin ở lại đây để giúp anh. Suy cho cùng thì tôi vẫn là trưởng ban 17 mà.
- Cảm ơn ngài, - Mitchell, - tôi sẽ rất lấy làm cảm kích nếu được ngài giúp chúng tôi một tay trong tình thế này.
Gã to con lầu bầu câu gì đó trong mồm đáp lại, rồi ngả người vào lưng ghế cho thoải mái hơn và bắt đầu chờ…
… Giá hôm thứ năm mưa gió ấy, vào lúc 13 giờ 09, mà bạn có dịp đi ngang qua khúc đường Đông Nam “A”, sau lưng Thư Viện Quốc Hội, chắc hẳn bạn phải sửng sốt vì cảnh náo nhiệt bất ngờ ở đây. Trên đường, chợt xuất hiện sáu người, từ hai hướng khác nhau, vội vã tiến đến bên toà nhà ba tầng quét vôi trắng. Khi họ vừa đến bên cánh cổng hàng rào thì hai bên chiếc xe, cũng từ hai ngả, ập lại, hãm phanh đánh “két” ngay trước toà nhà. Những người ngồi trên xe chăm chú và căng thẳng quan sát mọi động tĩnh chuung quanh. Sáu người kia mở cửa rào bước vào, nhưng chỉ một trong số họ là bước lên thềm, trên những bậc tam cấp bằng gang. Anh ta lôi một chùm chìa khoá ra và loay hoay một lúc với cái ổ khoá. Khi đã đẩy được cái then sang một bên, anh ta mở rộng cửa, và gật đầu mời năm người còn lại bước lên thềm. Cả sáu người nhanh chóng đi vào bên trong toà nhà, sau khi đã sập cửa lại. Lúc này, những người ngồi trên hai chiếc xe kia cũng nhảy xuống, khoan thai đi tới đi lui trên vỉa hè, ngay trước trụ sở Hội. Hai chiếc xe tức thì chạy đi ngay, tìm chỗ thích hợp. Lúc đi qua hai đầu phố, cả hai người tài xế đều gật đầu chào hai người nữa đang đứng canh ở hai góc đường.
Ba phút sau, cánh cửa trụ sở Hội lại mở ra. Một người xuất hiện, chậm rãi đi về phía chiếc xe đang đỗ gần đó. Anh ta trèo ngay vào ghế ngồi, nhấc máy điện đàm lên, và chỉ mấy giây sau đã trò chuyện được với Mitchell.
- Đúng là họ bị tiến công thực thụ. Nhìn hiện trường mà phát khiếp!
Người đang nói là Allen Newberry. Trước, hắn đã từng tham chiến ở Việt Nam, từng có mặt trong đám quân đổ bộ lên bãi biển Hiron ở Cuba, từng len lỏi trong các vùng đồi núi Thổ Nhĩ Kỳ, từng dự hàng chục chiến dịch trên các đường phố và đánh giáp lá cà tại nhiều nơi trên khắp thế giới. Tuy thế, Mitchell vẫn nhận rõ vẻ thảng thốt trong giọng nói cố kìm giữ của hắn.
- Chúng làm những gì ở đấy? - Mitchell dần dà bắt đầu tin vào tính xác thực của sự cố vừa xảy ra.
- Chắc bọn hung thủ là một nhóm từ hai đến năm tên. Không thấy dấu hiệu là bị đột nhập cưỡng bức: nhân viên ở đây đã để chúng vào đàng hoàng. Vũ khí được dùng là tiểu liên giảm thanh, chứ không thì cả Washington này chắc phải đến nhức óc vì tiếng súng. Sáu người bị giết - bốn nam, hai nữ. Kết quả khám nghiệm sơ bộ cho thấy: phần lớn nạn nhân đều chưa kịp hiểu cái gì sắp xảy đến với họ. Cũng không phát hiện thấy dấu hiệu là bọn hung thủ đã lục soát gì nhiều lắm những hồ sơ, giấy má ở đây. Phim trong máy ảnh bí mật đã bị xoá hỏng. Điện thoại không làm việc - chắc là, dây cáp đã bị cắt. Có hai nạn nhân phải khám nghiệm thật kỹ may ra mới xác định được diện mạo của họ. Tóm lại, bọn tiến công đã hành động êm thấm, mau lẹ và khôn ngoan, không để lại dấu vết gì. Chúng đã biết đến tận chân tơ kẽ tóc phải làm gì và làm như thế nào trước khi ra tay.
Mitchell kiên nhẫn chờ cho đến lúc biết chắc Newberry đã báo cáo hết.
- Được rồi. Tôi sẽ duy trì hiệu lực những mệnh lệnh cũ, cho đến lúc cấp trên ra lệnh thi hành những biện pháp thích đáng. Bây giờ, anh và người của anh phải khám nghiệm kỹ hai nạn nhân kia đi. Chớ có đụng vào bất cứ thứ gì. Toà nhà phải được “phong toả” ngay, nhé. Anh cứ làm mọi thứ anh cho là cần thiết để “phong bế” toà nhà ấy.
Mitchell ngừng một lát để nhấn mạnh tầm quan trọng của mệnh lệnh. Trong thâm tâm, hắn tin chắc là mình không phạm một sai lầm nào. Thực ra, như thế là hắn vừa mới cho phép nhóm của Newberry hành động rất rộng tay: nghĩa là có thể làm bất cứ thứ gì mà không sợ bị chính phủ liên bang truy tố trước pháp luật. Hắn đã chuẩn y cho Newberry muốn giết ai thì giết, bắn ai thì bắn, tuỳ sở thích, nếu gã này cho rằng việc đó là có ý nghĩa hoặc đem lại kết quả mong muốn. Hậu quả của cái mệnh lệnh khác thường và hãn hữu kia có thể rất bi đát cho hết thảy những ai có dính dáng trực tiếp đến mệnh lệnh ấy. Mitchell tiếp:
- Để đảm bảo an toàn, tôi sẽ phái thêm đến cho anh một tốp nữa. Họ sẽ giúp anh kiểm soát và cô lập toà nhà ấy với các ngôi nhà lân cận. Ngoài ra tôi sẽ phái đến một nhóm chuyên gia tội phạm học, nhưng chỉ cho phép họ khám nghiệm sơ bộ thôi đấy. Trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng không được phép xê dịch những đồ vật tại hiện trường và làm thay đổi quang cảnh chung của vụ án mạng. Họ cũng sẽ mang đến cho anh một hệ thống thông tin chuyển tiếp, để anh duy trì liên lạc thường xuyên. Rõ cả rồi chứ?
- Vâng. À, khi khám xét toà nhà, chúng tôi phát hiện được một chi tiết nhỏ, nhưng khá lý thú.
- Thế à? - Mitchell hỏi.
- Khi nghe thông báo qua máy điện đàm về sự kiện ở đây, người ta cho biết là nhà này chỉ có một lối ra. Thế nhưng chúng tôi tìm được đến những hai cổng. Anh có cảm tưởng gì về chi tiết đó?
- Tôi chưa kịp nghĩ đến, - Mitchell nói. Nói chung, mọi cái trong vụ này đều là kỳ lạ và mù mờ thế nào ấy. Còn gì nữa không?
- Còn, còn chuyện này nữa. - giọng Newberry trở nên rầu rĩ - Một thằng chó đẻ nào đó trong bọn hung thủ đã làm biến dạng một cách cực kỳ man rợ cái xác của cô gái trên tầng ba. Hắn không chỉ đơn thuần hạ sát, mà còn xả súng, bắn cả một băng tiểu liên dài, đến nỗi không còn nhận ra mặt mũi cô ta được nữa.
Newberry ngừng nói và gác máy.
- Ta làm gì bây giờ đây? - Gã to con cất tiếng hỏi.
- Ta sẽ chờ. - Mitchell đáp và ngả người vào lưng ghế cho thoải mái - Ta hãy ngồi đây, chờ Thần Ưng gọi điện về lần nữa.
… Đúng 13.40, Malcolm tìm được một trạm điện thoại tự động vắng khách toà nhà Quốc Hội, trên Đồi Capitol. Chàng trai bỏ đồng xu vào máy, gọi về phòng chỉ huy “Báo động”. Đồng xu đó anh đã đổi được của một cô gái trẻ măng, nghẹn ngào vì sung sướng và xúc động với cử chỉ hào hiệp của anh chàng bảnh trai, dễ mến. Tín hiệu đầu tiên chưa kịp vang lên, Malcolm đã nghe thấy tiếng trả lời.
- 493-7282 đây. - Trong giọng nói lộ rõ sự hồi hộp và tâm trạng căng thẳng.
- Thần Ưng, tiểu ban 9, ban 17 đang ở bên máy. Tôi gọi từ một trạm tự động công cộng. Tôi nghĩ là không hề bị ai theo dõi. Tôi hoàn toàn tin chắc là không ai có thể nghe được câu chuyện trao đổi trong máy.
- Chúng tôi đã kiểm tra: quả đúng thế thật. Chúng tôi đang cần gặp anh ở Langley, nhưng không dám để anh tự đến một mình. Anh biết dãy rạp chiếu bóng “Circus - 3” ở khu Georgetown chứ?
- Dĩ nhiên.
- Một tiếng nữa, anh có mặt ở đó, được không?
- Được.
- Tốt lắm. Anh có biết một nhân viên nào, hiện làm việc ở Langley không nhỉ? Biết mặt thôi cũng được?
Malcolm ngẫm nghĩ trong chốc lát.
- Tôi có quen một nhân viên huấn luyện, mang bí danh là Chim Sẻ.
- Chờ một tí, nhé. - Nhờ đặc quyền được ưu tiên sử dụng máy tính và các phương tiện liên lạc, Mitchell cho kiểm tra ngay và xác nhận: quả có một gã nhân viên huấn luyện tên là Chim Sẻ thật; hơn nữa gã lại đang có mặt tại Tổng hành dinh. Lão tiếp tục câu chuyện: - Tuyệt, ta sẽ hành động như sau. Nửa giờ nữa, Chim Sẻ sẽ cùng một nhân viên nữa đi xe riêng, đến đón anh tại một ngõ hẻm nhỏ, sau lưng dãy rạp “Circus - 3”. Họ sẽ đợi anh ở đó đúng một giờ đồng hồ. Con hẻm này có ba lối vào. Nhờ thế, anh có thể nhìn rõ họ, trước lúc họ nhận thấy anh. Khi nào anh tin chắc không bị ai theo dõi, thì đến ngay địa điểm. Nhưng nếu cảm thấy có gì khả nghi, hoặc nếu Chim Sẻ và người đi cùng anh ta không có mặt tại đó hoặc có thêm kẻ thứ ba nữa đứng bên cạnh họ, - dù đó là bồ câu bồ kiếc gì đó đi nữa cũng mặc, thì anh hãy nhanh chóng lánh xa ngay tức khắc lui về một địa điểm an toàn nào đó, rồi gọi điện cho tôi lần nữa. Giả sử có bị trắc trở gì đó, thì anh cũng làm như tôi vừa dặn. Nhớ nhé. Hiểu cả rồi chứ?
- Hiể… hắt-xì!
Mitchell suýt nữa thì chồm hẳn người ra khỏi chiếc ghế đang ngồi:
- Quỷ quái gì vậy? Anh không ốm đấy chứ?
Malcolm lấy lòng bàn tay chùi tí mũi dính ống nói.
- Không, thưa ngài. Xin lỗi, tôi thấy người hơi ớn lạnh. Chắc là bị cảm. Tôi hiểu rõ là phải làm gì rồi.
- Thôi được, cầu Chúa che chở cho anh, - và Mitchell đặt ống nghe xuống, ngả người vào lưng ghế.
Hắn chưa kịp mở miệng, thì gã to con đã lên tiếng ngay.
- Mitchell này, nếu anh không phản đối, thì tôi sẽ xin đi cùng với Chim Sẻ đây. Suy cho cùng, tôi vẫn là người chịu trách nhiệm về ban 17 mà lại.
Mitchell ngước nhìn gã to con đầy tự tin ngồi ngay trước mặt mình, rồi mỉm cười.
- Tốt thôi. Ngài ra cổng đón Chim Sẻ đi, được chứ? Nên dùng xe của chính ngài thì hơn. Ngài đã gặp Thần Ưng bao giờ chưa?
Gã to béo lắc đầu.
- Chưa, chưa gặp bao giờ. Giá cho tôi một tấm ảnh của anh ta, thì hay quá.
Mitchell gật đầu, đáp:
- Chim Sẻ đã giữ một tấm rồi đấy. Ban kỹ thuật sẽ cung cấp cho ngài hết thảy những gì ngài cần, kể cả tiểu liên. Riêng tôi, tôi khuyên ngài nên đem theo vũ khí nhẹ. Ngài thích món nào?
Gã to béo đã toan bước ra cửa thì dừng lại, quay về phía Mitchell, nói:
- Súng ngắn cỡ 36 có lắp ống giảm thanh. Để phòng khi chúng tôi phải ra tay thật kín đáo.
- Người ta sẽ mang đến tận xe ngài, cả đạn dự trữ nữa, - Mitchell nói, rồi gọi giật gã to con lại lần nữa, khi gã đã bước hẳn ra ngoài.
- Một lần nữa xin cảm ơn ngài, đại tá Wazerby.
Gã to con ngoảnh lại, mỉm cười:
- Ơn huệ gì đâu, Mitchell. Suy cho cùng, đây cũng là công việc của chính bản thân tôi thôi mà.
Gã đóng cửa lại, bước ra cổng. Được vài bước chân, gã bỗng thấy lòng nặng trĩu. Hơi thở của gã trở nên đứt đoạn, nghe rõ tiếng khò khè như tất cả những người bị suyễn kinh niên.