Năm 1958 phải nâng sản lượng thép lên gấp 2 lần 1957, câu nói tuỳ tiện của Mao trong lúc tắm ấy đã làm cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân rối tung lên. Sản lượng thép Trung Quốc năm 1957 là 5,35 triệu tấn, tăng gấp 2 lần là 10,7 triệu tấn. Giữa tháng 8-1958 khi Hội nghị Bắc Đới Hà ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, cả nước mới sản xuất được 4,5 triệu tẩn thép, hoàn toàn không thể sản xuất thêm 6,2 triệu tấn thép trong 4 tháng rưỡi còn lại. Mao quá tin vào ý chí lãnh tụ của mình, hình như chỉ cần ông ta quyết tâm vung tay lên, là nhân dân cả nước sẵn sàng đi vào nơi nước sôi lửa bỏng, chẳng có việc gì là không làm nổi. Tại hội nghị trên, Mao nói: “Phải chuyên chế. Không thể chỉ nói đến dân chủ. Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thuỷ Hoàng. Hoàn thành 11 triệu tấn thép là việc lớn liên quan đến lợi ích của toàn dân, phải cố sống chết làm cho bằng được. Phải ra sức thu gom sắt phế liệu, có thể tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông”. Lẽ nào Mao Trạch Đông hoang đường đến mức ra lệnh dỡ đường sắt làm phế liệu đúc thép, để gom đủ số lượng hoàn thành nhiệm vụ “tăng gấp 2 lần”? Nhưng biên bản hội nghị ghi rành rành như vậy đấy. Thực tế là Mao ngầm nói với cán bộ lãnh đạo trung ương và các tỉnh rằng phải thực hiện chính sách bàn tay sắt, mệnh lệnh, cưỡng bức, phải hoàn thành nhiệm vụ bầng bất cứ giá nào kể cả đưa các thanh ray đường sắt vào lò nấu thép. Hội nghị bí thư phụ trách công nghiệp các tỉnh và thành phố họp tại Bắc Đới Hà 7 ngày cuối tháng 8-1958, Bộ trưởng luyện kim Vương Hạc Thọ giao chỉ tiêu cho các tỉnh, tổng cộng cả nước trong 4 tháng cuối năm 1958 phải sản xuất 11,5 triệu tấn gang, 7 triệu tấn thép. Tối 9-4, Ban Bí thư triệu tập hội nghị điện thoại các bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc; động viên “Đại tiến vọt” về gang thép. Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình tránh mặt, giao cho Bành Chân và Đàm Chấn Lâm chủ trì cuộc họp này. Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Hà Nam hăng hái nhất, “Nhân dân nhật báo” đưa tin Hà Nam trước 10-9 mỗi ngày sản xuất 780 tấn gang, nhưng đến 15-9 đã xây dựng được 45.000 lò luyện gang, huy động 3,6 triệu nông dân và 407.000 xe vận tải các loại, một ngày sản xuất 18.693 tấn gang! Thủ tướng Chu Ân Lai không tin vào thông tin trên. Ông cử Cố Minh, thư ký phụ trách công nghiệp xuống tìm hiểu tình hình. Cố Minh từng lưu học ở Nhật Bản, là người am hiểu sản xuất gang thép. Ông xuống xã Tân Hương nơi báo cáo đã sản xuất mỗi ngày 102 tấn gang, quan sát hiện trường sản xuất gặp gỡ cán bộ quần chúng, rồi mang theo sản phẩm mẫu về báo cáo Chu:- Thưa Thủ tướng, toàn là chuyện dối trá. Ở Công ty gang thép Yên Sơn, muốn có một tấn gang, phải dùng ba bốn tấn quặng sắt, hai ba tấn than cốc, cộng thêm vật liệu phụ trợ khác, tổng cộng hơn 10 tấn. Một ngày làm ra 102 tấn thép phải vận chuyển trên 1.000 tấn nguyên vật liệu, xã Tân Hương làm gì có khả năng ấy. Xin Thủ tướng xem, sản phẩm tốt nhất là miếng gang xốp này đây. Ông Chu cầm mẫu sản phẩm lên xem, im lặng rất lâu. Chu Ân Lai biết rõ chuyện sản xuất gang thép ở Hà Nam là dối trá, nhưng lúc đó chưa thể nói gì. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Giao thông Cao Dương được lệnh dẫn một tổ công tác xuống tìm hiểu tình hình luyện gang thép ở Hà Nam. Ông phát hiện sản lượng dối trá, chất lượng kém, liền gửi thư lên Trung ương, nêu ý kiến riêng về cách làm phản khoa học này. Mao đọc báo cáo trên, đùng đùng nổi giận, coi Cao Dương là phần tử cơ hội hữu khuynh, bắt đem theo cả vợ con đi lưu đày ở Quí Châu. Thế là Mao bịt mồm tất cả cán bộ các cấp. Hồi đó cán bộ các cấp có một câu “tự giải thoát”: “phải tính giá thành chính trị, đừng tính giá thành kinh tế”. “Giá thành chính trị” là thể diện của Mao, “giá thành kinh tế” là thiệt hại tài sản của nhân dân. Vì thể diện của lãnh tụ vĩ đại, Đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã “phát cuồng”. Cuối tháng 7-1958, lực lượng lao động trong ngành gang thép là vài chục vạn người, cuối tháng 8 tăng lên vài triệu, cuối tháng 9 lên 50 triệu, đến cuối năm lên đến 90 triệu, cộng thêm lực lượng chi viện trực tiếp và gián tiếp, số lao động đổ vào ngành gang thép lên đến trên 100 triệu người. Ngày 22-12-1958, Tân Hoa Xã công bố cả năm đã sản xuất 11,08 triệu tấn thép, 13,69 triệu tấn gang, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tăng gấp đôi sản lượng thép. Những điều không công bố: trong đó bao gồm 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường một tấn gang lúc đó là 150 NDT, gang làm ra theo phương pháp thủ công giá thành 315 NDT. Nhà nước phải trợ giá 5 tỉ NDT. Thiệt hại kinh tế trong ba năm “Đại tiến vọt” là 120 tỉ NDT, tương đương khoản tiền vốn dùng cho 2 kế hoạch 5 năm của Trung Quốc hồi đó. Năm 1958, Mao còn đề xướng thành lập các nhà ăn tập thể, coi đó là biện pháp có hiệu quả để các công xã nhân dân thực hiện tổ chức quân sự hoá, hành động chiến đấu hoá, sinh hoạt tập thể hoá, là vấn đề then chốt để bồi dưỡng tinh thần tập thể và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa cho nông dân. Các nhà ăn tập thể ồ ạt ra đời, đến cuối năm 1959, nông thôn cả nước đã lập được 3,9l triệu nhà ăn tập thể, có hơn 400 triệu người tham gia, chiếm 72,6% số người trong các công xã, riêng Hà Nam lên tới 99%. Cơ sở để Mao đưa ra chủ trương trên là lương thực quá nhiều, không biết dùng vào việc gì nữa. Mao tuyên bố lương thực của Trung Quốc đủ dùng cho tất cả mọi người trên trái đất.Báo cáo của Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp gửi Bộ Chính trị ngày 25-8 viết: tổng sản lượng lương thực cả năm 1958 đạt trên 400 triệu tấn, gấp hơn 2 lần năm 1957. Tháng 10, tại Hội nghị hợp tác nông nghiệp các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, Đàm Chấn Lâm nhấn mạnh 400 triệu tấn và khẳng định, có khả năng đạt 500 triệu tấn. Về sau mới biết sản lượng lương thực năm 1958 chỉ có 200 triệu tấn. Lúc đầu nhà ăn tập thể quả cũng “tưng bừng” một thời, khẩu hiệu chung là “ăn thật no” và “không phải trả tiền”, nhiều nơi đề ra “ăn no, ăn ngon, ăn sạch”, “mỗi bữa 4 món thức ăn”, thậm chí có nơi tuyên bố phấn đấu một tháng 90 bữa ăn, không bữa nào món ăn trùng lặp, ngang tiêu chuẩn bếp ăn của vua chúa Trung Quốc, có nơi coi nhà ăn tập thể là khởi điểm để “tiến lên chủ nghĩa cộng sản trong vòng ba năm”. Nhưng chẳng mấy chốc lương thực thực phẩm cạn dần, từ thả sức ăn ngày ba bữa cơm chuyển sang ăn cháo, rồi cháo loãng, rau dại. Lãnh đạo địa phương không dám giải tán nhà ăn tập thể vi sợ làm sai chỉ thị của lãnh tụ vĩ đại, bị kết tội hữu khuynh, “đi con đường tư bản chủ nghĩa”. Nông dân không thể bỏ nhà ăn tập thể vì toàn bộ khẩu phần lương thực của họ do nhà ăn quản lý rồi, đành mỗi ngày hai lần đến nhận khẩu phần cháo loãng. Nhà kinh tế học Tiết Mộ Kiều, Cục trưởng Thống kê hồi đó cho biết lãng phí lương thực trong các nhà ăn tập thể lên tới 17,5 triệu tấn, tương đương 11% số lương thực cung ứng cho nông thôn. Ngoài ra, khoảng 10% lương thực bị hư hỏng ngoài đồng do không kịp thu hoạch, bởi phần lớn lao động khỏe mạnh đã bị huy động đi làm gang thép. Huyện Tỉnh Nghiên (Tứ Xuyên) vào lúc thiếu lương thực nghiêm trọng nhất năm 1959, bình quân mỗi người một ngày được phân phối không đến 100 gam lương thực, cứ 8 người có một người chết đói. Nửa đầu năm 1959, đi thăm một số tỉnh, nguyên soái Chu Đức không tán thành nhà ăn tập thể. Ông nói cần chia lương thực cho các hộ nông dân, cần giữ lại một chút chế độ tư hữu cho nông dân làm nghề phụ, chăn nuôi. Ông nói với Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Đào Chú: “Hai việc lớn nhất năm 1958 là ồ ạt làm gang thép và công xã hoá đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và cá nhân”. Ý kiến của Chu Đức được lưu truyền rất nhanh trong cả nước. Mùa hè năm đó, Bí thư Tỉnh uỷ An Huy Trương Khái Phong ra lệnh giải tán toàn bộ hơn 4.000 nhà ăn tập thể ở huyện Vô Vi. Sự kiện này khiến Mao đùng đùng nổi giận. Trong bút phê báo cáo về vụ này. Mao viết: “Trương Khải Phong đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản, chia rẽ Đảng cộng sản”. Ý kiến trên còn ngầm phê phán Chu Đức. Hai ngày sau tại cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị. Mao “lo ngại Chu Tổng tư lệnh gây rối loạn”. Nhưng Mao cũng đã sớm nhận ra nhà án tập thể đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng. Tháng 2-1959, ông cử thư ký riêng kiêm Phó văn phòng Trung ương Điền Gia Anh dẫn một tổ công tác xuống Tứ Xuyên điều tra. Điền Gia Anh đã báo cáo với Mao thực trạng ông ta nghe mắt thấy ở nông thôn trong chuyến đi này. Tình hình các tỉnh dần dần trở nên nghiêm trọng. Do thiếu lương thực, lao động quá sức, từ nửa cuối năm 1959, vùng nông thôn đã xuất hiện tình trạng bệnh phù thũng và chết đói, nhiều người bỏ nhà ra đi. Tỉnh uỷ Hà Bắc báo cáo toàn tỉnh có 44 huyện, 235 công xã đã phát hiện gần 6 vạn người mắc bệnh phù thũng, trên 450 người đã chết. Nhưng Mao vẫn đặt thể diện, uy tín của mình lên trên những hoạn nạn sống chết của mấy trăm triệu nông dân, ngoan cố tiếp tục tổ chức các nhà ăn tập thể. Mao giấu báo cáo của Tỉnh uỷ Hà Bắc, nhưng lại cho phân phát trong cả nước, báo cáo của Bí thư Tỉnh uỷ Quí châu Chu Lâm miêu tả “80% số nhà ăn tập thể ở tỉnh này là vững chắc” Lựa theo khẩu vị của Mao, Chu Lâm nhấn mạnh “nhà ăn tập thể là trận địa xã hội chủ nghĩa phải giữ vững, để mất trận địa này, không thể củng cố công xã nhân dân, cũng không thể giữ vững phong trào Đại tiến vọt”. Mao yêu cầu các nơi làm theo Quý Châu. Trước tình hình nghiêm trọng này, tư tưởng chỉ đạo của Mao là “giữ vững thành thị, hy sinh nông thôn”. Mao hiểu rõ chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông ta đã gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, nếu thực sự cầu thị đánh giá “3 ngọn cờ hồng” (đường lối chung, đại tiến vọt, công xã nhân dân) thì ông ta phải từ chức, để tạ lỗi với toàn đảng, toàn dân. Mao suy nghi rất sâu xa. Phải phát minh lý luận, tổ chức đội ngũ, để bào chữa cho sai lầm của mình. Ai bào chữa cho sai lầm của Mao, người đó là chiến hữu thân thiết; ai chuẩn bị uốn nắn đường lối sai lầm “tả khuynh”, người đó là kẻ thù không đội trời chung của ông ta. Từ đó, đã khởi đầu những năm tháng nhiều biến động trong Đảng cộng sản Trung Quốc.