86
Taraskin bắt Ivan phải hứa là dọc đường sẽ viết thư về. Anh đỡ lo lắng ít nhiều khi nhận được một tấm bưu ảnh gửi từ Trêliabinxcơ: "Chú Taraskin yêu quí, cháu đi tàu hạng nhất chú ạ. Cháu được ăn uống ngon lành và đối xử tử tế. Ở Mátxcơva bác Áctua mua cho cháu một chiếc mũ, một áo độn lông và một đôi ủng mới. Chỉ có điều là cháu buồn lắm: bác Áctua suốt ngày chẳng nói một lời. Đến nhà ga ở Xamara, cháu gặp một đứa bạn cũ cũng lang thang như cháu trước kia. Cháu có cho nó địa chỉ của chú, chắc là nó sẽ đến chỗ chú, vậy chú đợi nó nhé."87
Vônsin đến Liên Xô bằng tấm hộ chiếu mang tên Áctua Lêvi và giấy tờ của Hội địa lý Pháp. Tất cả những giấy tờ này đều hợp lệ (Garin đã phải chạy vạy nhiều mới xoay nổi), chỉ có giấy ủy quyền và giấy của sứ quán Liên Xô là giả mạo. Nhưng Vônsin chỉ đưa hai loại giấy này cho Taraskin xem. Còn chính thức thì Áctua Lêvi đến Liên Xô để nghiên cứu hoạt động núi lửa ở Camsatca. Vào trung tâm tuần tháng chín, y cùng Ivan đến Vlađivôxtốc. Những hòm dụng cụ và đồ đạc cần thiết cho chuyến thăm dò đã đến trước từ Xan Phranxixcô bằng đường biển. Áctua rất vội. Trong vài ngày, y đã mộ xong được đoàn thăm dò và ngày hai tám tháng chín đáp tàu Liên Xô từ Vlađivôxtốc đến Pêtơrôpavlốpxcơ. Chuyến đi rất vất vả. Mãi đến ngày thứ mười một, họ mới tới nơi. Từ Pêtơrôpavlốpxcơ, họ đi bộ. Họ đi xuyên qua rừng núi, sình lầy, men theo những con đường nhỏ và lòng suối. Ivan dẫn đường, chú có trí nhớ tốt và trực giác thính nhạy. Áctua luôn luôn khẩn trương, họ lên đường lúc trời còn mờ sáng và dừng chân lúc đã tối mịt. Người ngựa mệt lử, nhưng Áctua rất nghiệt ngã. Y không thương hại một ai, song trả tiền hậu hĩnh.88
Gió bấc thổi suốt ngày, những đám mây dầy đặc bay là là trên khu rừng. Đám thông cao vút xào xạo một cách buồn bã, những ngọn bá hương đen sẫm cong xuống. Những giọt mưa lạnh giá rơi lộp bộp. Rừng taiga vắng vẻ. Hình như giữa cảnh vắng lặng này không thể nghe thấy gì hết ngoài tiếng xào xạc trang trọng của cây cối và tiếng gió rít. Chim chóc đã bay đi, thú vật cũng bỏ đi hoặc ẩn nấp một chỗ. Nếu con người đến chốn này thì chắc hẳn chỉ để cầu cái chết. Nhưng con người đã xuất hiện. Ông ta mặc bộ quần áo tã nát, râu ria xồm xoàm che kín mặt, mớ tóc bạc buông xõa xuống hai vai, chống tay vào khẩu súng mà lê bước quanh ngọn đồi, thỉnh thoảng lại khuất bóng sau đám rễ cây to tướng. Bảy năm trước đây, ông ta tìm cách sử dụng những ý đồ thiên tài của mình. Lúc đó, ông ta còn khỏe mạnh, lực lưỡng. Vào một ngày tai hại, ông ta đã gặp Garin. Y vẽ lên cho ông ta thấy những kế hoạch đồ sộ đến nỗi ông ta vứt bỏ hết để đến đây, đến chân núi lửa này. Những người cùng ông ta đến đây hoặc đã chết, hoặc đã bỏ trốn. Nhà cửa đã hư hỏng, con đê của trạm thủy điện đã bị lũ xuân cuốn trôi. Toàn bộ lao động trong bảy năm trời, tất cả những lập luận lạ lùng cùng những cuộc nghiên cứu các lớp đất sâu - vòng đai ôilvin - nhất định sẽ mai một đi cùng với ông ta. Trước đây, đi bộ ba trăm cây số trong rừng taiga để đến nơi có người ở chỉ là chuyện chơi đùa đối với ông ta. Giờ đây, chân tay đã bị tê thấp nặng, răng rụng hết vì chứng hoại huyết. Mùa đông lại sắp đến, mà mùa đông là cái chết. Tim ông ta đau thắt lại... Chẳng lẽ ông ta sẽ không còn bao giờ được nhìn thấy mặt người, được ngồi cạnh lò sưởi, được hít thở hương vị bánh mì, hương vị cuộc sống nữa hay sao? Ông ta lặng lẽ bật khóc. - Ông Manxép, ông Manxép! - đột nhiên ông ta nghe thấy một giọng thanh thanh của trẻ con gọi lẫn vào tiếng gió. Ông ta sững sờ lắng nghe. Một lát sau lại vang lên tiếng gọi: - Ông Manxép? Ông ở đâu đấy? Ông còn sống không? Bộ râu Manxép run rẩy, môi run rẩy, ông ta dang tay ra và nhắc đi nhắc lại không thành tiếng: - Tôi đây... Manxép đây... Tôi còn sống đây... Những súc gỗ ám khói của chốn trú thân này chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh tượng huy hoàng như vậy. Lửa cháy rực trong chiếc lò sưởi xây bằng đá núi lửa, nước reo vui trong các soong nồi. Manxép hít lấy hít để mùi trà, mùi bánh mì, mùi mỡ - những hương vị ông ta đã quên mất từ lâu. Những con người ăn nói oang oang hết ra lại vào, đem vào và tháo gỡ các gói bọc. Một người đàn ông cằm bạnh đưa cho Manxép ca trà bốc khói nghi ngút và một khoanh bánh mì... Bánh mì! Manxép run rẩy, vội vã nhai bằng lợi. Một chú bé ngồi xổm xuống, nhìn Manxép với vẻ thương cảm khi thấy ông ta lúc thì cắn một mẩu bánh, lúc thì áp bánh vào bộ râu xồm xoàm như e sợ: cái cuộc sống ồn ào xộc vào chỗ trú thân đổ nát này của ông ta có phải là một giấc mơ không? - Ông Manxép, ông không nhận ra cháu hay sao? - Không, không, ta đã xa lạ với mọi người rồi, - Manxép lẩm bẩm, - ta không ăn bánh mì đã từ rất lâu rồi. - Cháu là Ivan đây mà... Cháu đã làm tất cả những điều bác căn dặn... Bác có nhớ là bác còn dọa chặt đầu cháu không? Manxép không nhớ ra hết, chỉ giương mắt nhìn những khuôn mặt xa lạ bừng lên dưới ánh lửa. Ivan liền kể lại toàn bộ cuộc hành trình gian nan của mình tới đây. - Cháu giữ lời hứa với bác, bác Manxép ạ, cháu đã đưa người ta đến tìm bác đây. Chỉ có điều là hồi đó bác không nên viết lên lưng cháu mới phải. Bác chỉ cần bảo: "Ivan, cháu hứa chứ?" - "Cháu xin hứa". Thế là đủ. Vậy mà hình như bác lại viết lên lưng cháu những dòng chữ gì đó chống chính quyền Xô viết ấy. Thật không hay chút nào. Bây giờ bác đừng trông cậy vào cháu nữa, cháu là đội viên thiếu niên tiền phong rồi. Manxép cúi xuống chú bé và phều phào hỏi: - Những người này là ai thế? - Đoàn thăm dò khoa học Pháp đấy. Họ đã ra sức tìm kiếm cháu ở Lêningrát để cháu đưa họ đến chỗ bác đây. Manxép bóp chặt vai Ivan: - Cháu gặp Garin rồi chứ? - Bác đừng có dọa cháu, bây giờ sau lưng cháu có chính quyền Xô Viết rồi... Bức thư bác viết trên lưng cháu đã rơi vào những bàn tay tin cậy... Garin chẳng có liên quan gì đến cháu cả. - Thế họ đến đây làm gì? Họ cần gì ở bác?.. Bác sẽ không nói một điều gì với họ, không cho họ biết một điều gì đâu. Khuôn mặt Manxép đỏ bừng lên, ông ta kích động nhìn quanh. Áctua Lêvi ngồi xuống tấm ván nằm ở bên cạnh ông ta. - Bác phải bình tĩnh mới được, bác Manxép ạ. Bác hãy ăn uống đi, hãy nghỉ ngơi đi... Chúng ta còn nhiều thời gian, chúng tôi sẽ không đưa bác đi khỏi đây trước tháng mười một đâu. Manxép từ tấm ván nằm bước xuống, hai tay ông ta run run... - Tôi muốn nói chuyện riêng với ông. Ông ta tập tễnh đi về phía cửa, đẩy cửa ra. Ngọn gió ban đêm thổi tung mớ tóc bạc trắng. Áctua Lêvi bước theo vào khoảng đêm tối, nơi những làn tuyết ẩm quay cuồng. - Khẩu súng của tôi còn băng đạn cuối cùng... Tôi sẽ giết ông! Ông đến để cướp bóc tôi! - Manxép hét lên, run rẩy vì giận dữ. - Ta ra chỗ khuất gió đi, - Áctua Lêvi nói và kéo Manxép tới dựa vào bức tường gỗ. - Đừng có nói mê sảng nữa. Tôi được Garin phái đến đây tìm bác. Manxép vội vàng nắm lấy hai tay Lêvi. Khuôn mặt phù thũng của ông ta rung rung, hai mí mắt lộn lên, chiếc miệng móm mém nức nở: - Garin còn sống?... Ông ta không quên tôi ư? Chúng tôi đã cùng nhau chịu đói khát, cùng nhau xây dựng những kế hoạch đồ sộ... nhưng tất cả những cái đó đều vớ vẩn, đều nhảm nhí... Tôi đã khám phá được gì ở nơi đây?... Tôi đã lục soát vỏ trái đất... Tôi đã xác nhận được những dự đoán lý thuyết của tôi... Tôi không chờ đợi những kết luận rực rỡ như vậy... Ôlivin ở đây, - Manxép giậm đôi ủng tã nát, - có thể khai thác thủy ngân và vàng không bao giờ hết... Ông biết không, tôi đã dùng sóng ngắn thăm dò lõi trái đất... Ở đấy có quỷ mới biết đang diễn ra chuyện gì... Tôi đã đảo lộn nền khoa học thế giới... Nếu như Garin có thể xoay được mười vạn đô la thì chúng tôi sẽ làm được biết bao nhiêu chuyện. - Ông Garin hiện có hàng tỷ đôla trong tay, báo chí khắp thế giới đều làm om xòm lên về ông ta, - Lêvi nói, - ông ta đã chế tạo được bộ máy phát tia khủng khiếp, ông ta đã chiếm lấy một hòn đảo ở Thái Bình Dương và chuẩn bị làm những việc lớn. Ông ta chỉ chờ đợi những công trình nghiên cứu vỏ trái đất của bác. Một chiếc khí cầu máy sẽ đến đón bác. Nếu như thời tiết thuận lợi thì một tháng nữa chúng ta sẽ có thể đến nơi đấy. Manxép dựa người vào tường, im lặng hồi lâu, đầu cúi gục. - Garin, Garin, - ông ta nhắc đi nhắc lại với một vẻ trách móc não nuột, - tôi đã gợi cho Garin ý tưởng chế tạo bộ máy phát tia khủng khiếp. Tôi đã gợi cho ông ta ý nghĩ về vòng đai Ôlivin. Tôi đã bàn với ông ta về hòn đảo ở Thái Bình Dương. Ông ta đã đánh cắp bộ óc tôi, đã làm tôi thối rữa trong vùng Taiga đáng nguyền rủa này... Bây giờ tôi sẽ lấy được gì từ cuộc sống? - giường bệnh, thầy thuốc, cháo tấm ư?... Garin, Garin... Ông ta đã ăn cắp những tư tưởng của người khác!... Manxép ngẩng mặt lên nhìn những làn tuyết quay cuồng: - Chứng hoại huyết đã làm răng tôi rụng hết, nấm mốc đã tàn hại da tôi, tôi đã gần như đui mù, óc tôi đã khô kiệt... Muộn rồi, Garin nhớ đến tôi quá muộn rồi.89
Garin đánh điện báo cho các tờ báo của Cựu Thế Giới và Tân Thế Giới biết rằng y, Piốt Garin, đã chiếm ở Thái Bình Dương, khoảng ba mươi độ kinh Tây và hai mươi độ vĩ Nam, một hòn đảo có diện tích năm mươi lăm cây số vuông cùng những hòn đảo nhỏ phụ cận, và y coi hòn đảo này là lãnh địa của mình, y sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình đến giọt máu cuối cùng. Ấn tượng do bức điện đó gây ra thật khôi hài. Hòn đảo nhỏ xíu này ở Nam Thái Bình Dương là hòn đảo không có người ở và chỉ được mỗi một điều là phong cảnh đẹp. Thậm chí còn xảy ra lẫn lộn nữa, không hiểu nó thuộc về nước nào: Mỹ, Hà Lan hay Tây Ban Nha? Nhưng với người Mỹ thì từ lâu rồi không nên tranh cãi làm gì, người ta chỉ càu nhàu rồi tránh cho xa. Hòn đảo không đáng giá lượng than phải tiêu hao để đến đó, nhưng nguyên tắc là trước hết, và do đó, một chiếc khinh hạm rời Xan Phranxixcô để bắt gã Garin này và đặt vĩnh viễn trên hòn đảo một cột buồm sắt có gắn lá cờ sao sọc của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiếc khinh hạm đã ra đi. Về câu chuyện hài hước với Garin ấy, người ta đã sáng tác điệu phốcxtơrốt "Chàng Hary tội nghiệp" kể lại rằng chàng Pie Hary nhỏ bé, tội nghiệp, yêu một cô gái da trắng và yêu tha thiết đến nỗi muốn biến cô ta thành hoàng hậu. Gã dẫn cô ta đến một hòn đảo nhỏ và cặp vua - hoàng hậu nhảy một mình điệu phốcxtơrốt ở đấy. Bỗng hoàng hậu yêu cầu: "Anh Hary tội nghiệp ơi, em đói quá rồi". Hary chỉ biết thở dài đáp lại và tiếp tục nhảy - than ôi, ngoài vỏ sò và hoa thì gã chẳng có gì hết. Nhưng rồi một chiếc tàu cặp bờ. Viên thuyền trưởng đẹp trai giơ tay đỡ hoàng hậu và đưa đến một bữa ăn thịnh soạn. Hoàng hậu cười vui vẻ, ngồi ăn. Còn Hary tội nghiệp chỉ còn một cách là nhảy một mình... Vân vân... Tóm lại, toàn là những câu đùa cợt. Khoảng mười ngày sau, khinh hạm đánh điện báo cáo: "Chúng tôi đã nhìn thấy hòn đảo. Chúng tôi chưa đổ bộ vì được cảnh cáo là hòn đảo đã tăng cường phòng thủ. Đã gửi tối hậu thư cho Garin, kẻ tự xưng là chủ nhân hòn đảo. Thời hạn là bảy giờ sáng mai. Sau đó sẽ cho đổ bộ lên đảo". Chàng Hary tội nghiệp mà lại giơ nắm đấm nhỏ xíu ra đe dọa những khẩu pháo sáu đuim[1] - thật nghe cũng đã buồn cười rồi. Nhưng ngày mai và cả những ngày sau đó nữa, không có tin tức gì thêm từ khinh hạm điện về. Nó cũng không trả lời cả câu chất vấn gần đây nữa. Chà! Một vài người ở Bộ Chiến tranh cau mày. Sau đó, các báo đăng một bài phỏng vấn giật gân với Mắc Linnây. Ông ta khẳng định rằng Pie Hary chính là kỹ sư nổi tiếng, một kẻ phiêu lưu người Nga mà tên tuổi gắn liền với những lời đồn đại về cả một loạt tội ác, trong đó có vụ giết người bí ẩn ở Vinlơ Đavrê gần Pari. Câu chuyện chiếm hòn đảo còn làm Linnây ngạc nhiên hơn bởi vì trên chiếc du thuyền chở Garin đến đảo lại có mặt chính ngài Rôlinh, người đứng đầu tơrớt "Anilin Rôlinh". Tiền bạc của ông ta đã được sử dụng để mua những lượng hàng hóa lớn ở châu Mỹ và châu Âu cũng như để thuê đoàn tàu chở vật liệu đến hòn đảo. Trong khi mọi chuyện diễn ra hết sức hợp pháp thì Linnây im lặng, nhưng giờ đây ông ta khẳng định rằng nét nổi bật của ông vua hóa học Rôlinh là tuyệt đối tôn trọng luật pháp. Bởi vậy, rõ ràng rằng việc chiếm lĩnh hòn đảo một cách láo xược là ngoài ý muốn của Rôlinh và chỉ chứng tỏ rằng Rôlinh hiện đang bị cầm tù trên đảo và nhà tỷ phú đang bị lợi dụng nhằm tạo nên một sự đe dọa chưa từng thấy. Những chuyện đùa cợt lập tức chấm dứt. Điều thiêng liêng nhất đã bị chà đạp. Các nhân viên cảnh sát thu thập được mọi tin tức về các vụ mua hàng của Garin trong tháng tám. Kết quả là những con số kinh hoàng. Trong lúc ấy bộ Chiến Tranh ra sức tìm kiếm chiếc khinh hạm nhưng vô ích - nó đã biến mất. Thêm vào đó, báo chí đăng bài mô tả vụ án phá nổ các nhà máy anilin ở Đức theo lời kể của một nhân chứng người Nga là Khơlưnốp. Dư luận xôn xao, thật vậy, ngay dưới mũi chính phủ mà một kẻ phiêu lưu đã mua những lượng hàng khổng lồ phục vụ cho mục đích quân sự, đã chiếm lấy hòn đảo, đã cầm tù người công dân vĩ đại nhất của nước Mỹ, hơn thế nữa, đó lại là một kẻ khốn kiếp vô liêm sỉ, một kẻ giết hại nhiều tính mạng và một gã độc ác gớm ghiếc. Điện báo còn đem đến một tin gây chấn động nữa: một chiếc khí cầu máy bí mật, kiểu mới nhất, đã bay trên quần đảo Haoai, rồi hạ xuống cảng Ghilô lấy xăng và nước ngọt, sau đó bay trên quần đảo Curin và đảo Xakhalin, rồi hạ xuống cảng Alếchxanđơrốp lấy xăng và nước ngọt, cuối cùng biến mất theo hướng Tây - Bắc. Trên vỏ kim loại của khí cầu máy có ghi hai chữ P và G. Mọi chuyện thế là rõ ràng: Garin là tay sai của Mátxcơva. "Chàng Hary tội nghiệp" là như thế đó. Nghị viện thông qua những biện pháp kiên quyết nhất. Một hạm đội gồm tám thiết giáp hạm tiến về phía "Đảo Khốn kiếp" - theo tên đặt của báo chí Mỹ. Vào ngày hôm đó, các đài vô tuyến trên khắp thế giới nhận được một bức điện hết sức láo xược và kệch cỡm phát đi trên làn sóng ngắn: "Alô, alô! Đây là tiếng nói của đài phát thanh trên đảo Vàng, một hòn đảo bị mệnh danh một cách ngu ngốc là Khốn Kiếp. Alô! Pie Hary thành thật khuyên các chính phủ của tất cả các nước không nên thọc mũi vào công việc của ông ta. Pie Hary sẽ tự vệ, và bất kỳ một chiếc tàu quân sự hay hạm đội nào xâm nhập vào vùng biển của đảo Vàng sẽ chịu chung số phận như chiếc khinh hạm Mỹ đã bị đánh chìm trong vòng không quá mười lăm giây. Pie Hary thành thật khuyên nhân dân trên trái đất hãy vứt bỏ chính trị và vui vẻ nhảy điệu phốcxtơrốt mang tên ông ta".90
Con đê ở khu vực gần chỗ trú thân đã được khôi phục. Trạm thủy điện bắt đầu hoạt động. Lêvi ngày nào cũng nhận được những câu hỏi nôn nóng từ đảo Vàng: trụ đón khí cầu máy đã xong chưa? Những làn sóng điện từ bay bổng vào không gian để lao nhanh vào các máy thu, truyền đi giọng khàn khàn giận dữ của Garin: "Nếu một tuần nữa mà bãi đón không xong thì tôi sẽ phái khí cầu máy đi và ra lệnh bắn chết anh, anh nghe thấy chứ, Vônsin?" Tại trạm trú đóng cạnh chân núi lửa, công việc diễn ra hối hả, tất bật: nào phát quang diện tích rộng, nào đốn những cây thông to làm trụ chống, nào dựng một chiếc tháp cao hai mươi lăm mét, nóc nhọn dần, trên ba chân chống chôn sâu vào đất. Ai cũng làm việc cật lực, nhưng người hối hả và xúc động nhất là Manxép. Ông ta đã ăn thỏa thích suốt thời gian qua, người khỏe hơn một chút, nhưng hình như đầu óc hơi lẩn thẩn. Có những ngày ông ta dường như quên bẵng hết, thờ ơ với mọi thứ và hai tay ôm mái tóc rối bù, ngồi lặng lẽ trên tấm ván nằm. Hoặc ông ta bảo Ivan: - Cháu có muốn bác chỉ cho cháu thấy những thứ mà chưa bao giờ có một ai nhìn thấy không? Và thế là hai người bắt đầu leo lên miệng núi lửa. Dàn trụ chống đã xây xong, bên trên, giữa những tảng đá lớn là một bụi cây cong queo, cao hơn nữa chỉ thấy những khối đá đen phủ rêu mốc và đôi chỗ phủ cả tuyết nữa. Rìa miệng núi lửa cao lên thành những mép răng cưa dốc đứng, trông tựa những bức tường đổ nát của một khán đài xiếc khổng lồ. Nhưng Manxép thông thạo từng khe hẻm ở nơi đây. Ông ta vừa thở hổn hển vừa lần theo đường chữ chi từng bậc này đến bậc khác, luôn luôn phải ngồi nghỉ. Chỉ có một lần thôi, vào một ngày êm ả rực nắng, họ leo lên được đến tận rìa núi lửa. - Ở kia, - Manxép nói và đưa những ngón tay co quắp chỉ một khối hình nón đang tỏa khói, - ở kia là vực thẳm dẫn xuống lòng đất, nơi con người không thể nhìn thấy được... Bác đã ném những cục thuốc nổ pirôxilin xuống đấy, và khi nghe thấy tiếng nổ ở dưới đấy thì bác bấm đồng hồ giây, tính toán độ sâu theo tốc độ của âm thanh. Bác đã nghiên cứu những khí thoát ra và phát hiện thấy trong quang phổ của những khí đó có những vạch ăngtimon, thủy ngân, vàng và nhiều kim loại khác... Cháu hiểu chứ, Ivan? - Vâng, bác cứ nói tiếp đi... - Làn ánh sáng kia là bắt nguồn từ độ sâu bảy nghìn mét đấy. Tại đó, vàng và thủy ngân sôi sùng sục và bốc hơi. Cháu cũng hiểu chứ? - Vâng.[1] Một đuim (duim) bằng 2.54 centimét - N.D.