hỉ cần nhìn vào mảnh vườn trước, người ta cũng đã có thể biết ngay rằng ngôi nhà không được trông nom hay nó thiếu một bàn tay chăm sóc, nói một cách khác. Buổi sáng, nắng chan hòa trên cỏ, với những khoảng úa vàng vì thiếu nước. Tự nơi khe hở của những miếng gạch tàu lát trên lối đi dẫn lên bậc tam cấp, những viên đá trắng bị che lấp bởi cỏ dại, và rêu bám trên mặt những miếng gạch khiến màu đỏ tươi biến thành màu nâu đất. Cây trúc đào ngang tầm người ngã vào lòng lối đi. Những cành chĩu hoa, như cố gắng vươn dài cánh tay hoa để chạm tới khóm tre già chen chúc xum xuê cũng loe ra, che rợp một phần lối đi. Trên bậc tam cấp, sương đêm còn ướt một khoảng xi măng. Trên đó rải rác những bông hoa giấy bị gió bứt khỏi cành từ nhiều ngày trước. Xác hoa như xác pháo làm nổi bậc màu xanh của cây trầu bà bám vào bức vách mầu đen và làm sáng thêm những bông hoa nhỏ tí nở ra trên đầu những cọng cây nhền nhện. Cánh cửa lớn bằng gỗ dầy im ỉm như đã được niêm chết. Nắm khóa đồng hoen ố chứng tỏ tuổi già của căn nhà, cũng phụ họa hay về hùa với vẻ cổ độ này. Hàng xóm, những người bản tính nhiều chuyện, tò mò ghi nhận rằng, thản hoặc, vào ban đêm căn nhà có có lúc rộn rã tiếng người. Những ngày khác, nó lạnh lẽo như một nấm mồ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người đàn bà sống trong căn nhà đối diện thì thỉnh thoảng, vào những giờ khắc không nhất định, có một người đàn ông xuất hiện, nhặt những tờ nhật bào vứt trên “drive way”, hoặc thu gom thư từ, giấy tờ nhét căng chiếc thùng thư trước cửa. Ông ta thường ngắm nghía khu vườn bằng một dáng điệu lơ đãng, trước khi vào nhà bằng ngõ garage. Nhưng kể từ nhiều ngày qua. Không hiểu do biến cố nào, cánh cửa lớn bằng gỗ dày của căn nhà đã được mở rộng. Nếu cần phải nói một cách chính xác, thì dường như nó đã được mở ra vào một buổi sáng thứ hai; ngày xe đổ rác đi qua mỗi tuần; lúc nắng đã chan hòa mảnh vườn trước, và những cành trúc đào ngã vào lối đi đã nắm tay những cành tre ngà, suốt một mùa qua không ngừng xào xạt tiếng lá. Cô bé rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành lớn kê sát cửa ra vào. Chiếc áo đầm đồng phục màu xanh nước biển với những nếp gấp song song chảy xuống lưng chừng đôi chân thon mỏng mảnh. Vớ trắng một phần được giấu trong đôi giày bít màu đen, phần trên là chiếc chemise trắng, vai bồng, cổ khoét lá sen. Người đàn ông ngồi nơi chiếc ghế cao hơn so với bộ salon kê sát tường. Họ đối diện trong một khoảng cách đủ gọi là xa. Người đàn ông gỡ cặp kính cận khỏi mắt. Ông không giấu được nỗi xúc động. Trạng thái tình cảm ứa tràn này dường như đã làm căng trở lại những nếp nhăn trên vầng trán ông. Những tế bào già nua cằn cỗi trên gương mặt ông như trẻ lại. Những lượng máu náo nức chảy ngầm nhưng rần rộ, đi vào từng tế bào. Người con gái ngồi đó. Cô vẫn bất động như tĩnh vật. Như bình hoa hay bông hoa? Không. Trong mắt nhìn của người đàn ông, cô gái không phải là một bông hoa. Nàng là cả một khóm hoa. Một khóm hoa mười giờ, đã nở rộ, đâu đó, trong quá khứ chàng. Một chùm hoa móng tay đã sống lại trong trí nhớ mịt mù, của những ngày con dốc Hồng Thập Tự đổ xuôi về chân cầu Thị Nghè. Người con gái ngồi đó. Cô không một cánh hoa. Cô là cả một chùm hoa. Những chùm hoa úp xuống như những cái chuông nhỏ tí, thánh thót, ngân nga một điệu nhạc êm đềm đã vắng. Trái tim cỗi già của người đàn ông sống lại. Những giác quan tưởng đã khép kín vĩnh viễn, bỗng tình cờ, một giây, hồi sinh. Trẻ thơ. Nồng nàn. Như... nắng. Có những đời người tưởng chừng vĩnh viễn chết đi, bỗng sống lại do một nhắc nhở, hay một trùng hợp tình cờ nào đó của quá khứ. Ý nghĩ trên tuồng đã thoáng qua trong đầu người đàn ông, khi hình ảnh chiếc P.C. buổi sáng doanh trại hay buổi trưa bên ngoài bức tường thành con đường rợp là Saint Paul. Những ảnh tượng xưa cũ nhập nhòa. Nhảy múa. Tuyệt vọng như đồng tiền bất ngờ được lật qua mặt khác. Mặt của đời sống rực rỡ cháy lại lửa ngọn si mê. Cuồng nhiệt. Người đàn ông nhắm nghiền đôi mắt. Ông muốn giấu những hạt sương sớm mai long lanh sau bao năm cằn cỗi? Lúc người đàn ông mở mắt, ông bắt gặp hình ảnh người con gái ngồi bất động với tia nhìn hiền từ, chứa chan tội nghiệp. Những ánh nhìn của một người mẹ dịu dàng, dành cho đứa con ngu dại? Người đàn ông dang tay. Cô gái a lại. Nàng a vào lòng người đàn ông, như một thiếu nữ a vào lòng người cha mới gặp lại... sau nhiều năm thất lạc. Lúc này, những đôi mắt cùng khép. Những giọt lệ cùng ứa ra. Cùng ngậm ngùi, chảy xuống. Tuy nhiên, có thể mỗi giòng lệ đã mang theo nó một nỗi đớn đau riêng mà, chẳng ai hiểu rõ. Mặt trời đứng ngay trên đỉnh đầu cây bơ, nên tàn lá hắt xuống bãi cỏ giống như một cái dù có những chiếc gọng lớn. Người con gái với đôi chân chim chạy nhảy chung quanh chiếc ghế xếp có người đàn ông ngồi duỗi chân, thư thả. Người con gái ngắt một bông hoa dại nhú lên giữa đám cỏ xanh mượt. Cô chạy lại phía người đàn ông. Cô hỏi: - Có đóa hoa nào chẳng bao giờ tàn không ông? Người đàn ông gật đầu: - Có đóa hoa trinh tiết - Tại sao? - Vì trinh tiết hay lòng thủy chung được truyền người đàn bà này qua người đàn bà khác. Người con gái lại hỏi: - Như vậy phải thời gian là đơn vị dài nhất? Người đàn ông lắc đầu: - Không. Thời gian là đơn vị ngắn nhất? - Vậy đơn vị nào dài nhất? - Tình yêu. - Ông giảng nghĩa cho Bé đi. - Vì tình yêu ở ngoài không chỉ thời gian mà ngay cả không gian nữa. Người con gái lại tiếp tục hỏi thêm: - Còn nhan sắc? Có khi nào chẳng nhạt phai? Người đàn ông gật đầu: - Có. Nhan sắc của kỷ niệm. Nếu người ta có thể nghĩ, kỷ niệm cũng có nhan sắc. Người con gái đưa một ngón tay vào giữa đôi hàm răng trắng bóng, như ngọc. Đôi mắt cô tròn xoe. Người đàn ông nhìn thấy bóng những chiếc lá bơ lớn lay động trong đó. Người đàn ông mỉm cười. Nụ cười thoáng qua rất nhanh. Nhưng người con gái kịp thời bắt được. Cô vẫn giữ ngón tay út cong trên miệng. - Thế nào là nhan sắc của kỷ niệm? Người đàn ông lần nầy thành tiếng. Ông lắc đầu: -Rất khó để giảng cho bé hiểu thế nào là nhan sắc của một kỷ niệm. Người con gái bỏ tay xuống, đứng thõng: - Cái gì ông cũng biết hết cơ mà. Bé tưởng... Hay ông muốn nói với Bé? Người đàn ông ngồi dậy, sau khi đã điều chỉnh lưng ghế phía sau. Ông xếp hai chân về một phía, ra dấu cho người con gái ngồi xuống. Ông nói trong lúc bàn tay sần sùi khô cứng lùa vào mái tóc óng như những sợi tơ non. Ông bắt đầu với giọng khó khăn, lúng túng: - Kỷ niệm... kỷ niệm là phần rớt lại phía sau của những bước chân của đường đời sống mà ta đã đi qua... Tất cả đều biến dạng. Tất cả đều mất hút. Trừ cái phần rớt lại kia. Người a gọi đó là kỷ niệm. Có người nói, kỷ niệm có thể làm sống lại hay chết đi đời sống một lần nữa. Kỷ niệm... (người đàn ông phát tay làm một cử chỉ như để phụ diễn thêm cho điều khó diễn tả trong đầu). Như mười năm nữa, Bé sẽ nhớ lại kỷ niệm của buổi trưa nay. Và như vậy có phải kỷ niệm đã là một nhan sắc chẳng bao giờ tàn phai không? Người con gái hóm hỉnh quay đầu nhìn sâu vào đôi mắt buồn rầu trở lại của người đàn ông: - Như hiện tại, ông đang sống lại với kỷ niệm nào? Bé muốn nói kỷ niệm của chín năm, hay mười một, mười hai năm? Người đàn ông bị lôi tuột ra khỏi giòng sông hồi tưởng mà ông đang dầm mình trong đó. Với ngỡ ngàng, người đàn ông nói: - Bé hỏi gì? Người con gái vẫn tinh nghịch: - Điều ông đang nghĩ. Người đàn ông gật đầu: - Tôi đang sống lại. - Từ nơi đâu. - Từ nơi... Bé. - Bé không tin. - Người ta chẳng bao giờ muốn tin sự thật. Kể cả Bé. Cũng như người ta không biết rằng nỗi đau đớn khủng khiếp nhất của một cuộc đổ vỡ, không phải là sự chia lìa mà chính là dư âm của chia lìa ấy. Người đàn ông vừa nói vừa kéo người con gái ngã đầu vào ngực mình. Cô bé ngoan ngoãn nép mặt vào ngực ông. Cô phân biệt được nhịp đập không đều hòa của trái tim cô và nhịp chậm đều của người đàn ông. Cô nói: - Ông bảo Bé phải tin một sự thật Bé chưa được biết. Phải chăng càng lớn người ta càng trở n&ecirnh mệnh, ngày chàng ra mắt tờ báo, cũng là ngày sinh nhật của tôi. Tôi biết Lãng chẳng còn nhớ đâu, ngày sinh nhật của tôi, Làm sao chàng còn nhớ, khi đã năm năm qua. Năm năm, không còn ai nhắc nhở bên tai chàng, sinh nhật đó. Ngay giữa Sài Gòn cũ, trong giữa biển lớn của tình yêu, bao giờ tôi cũng phải nhắc Lãng.Tôi luôn phải nhắc chàng “Này nhé. Ngày mai, sinh nhật em” - hay - “Đừng quên đó nha, thứ bảy này”. Nhắc như thế, đôi khi Lãng vẫn còn hỏi lại tôi “Thứ bảy, sao cơ!” - “Trời đất, thì sinh nhật em chứ còn gì nữa” - “Ủa. Vậy hả. Sinh nhật? Sao lẹ quá vậy. Mới đây mà...” Lãng vậy đó. Chàng chẳng nhớ gì hết. Chàng cũng chẳng hề tỏ ra ý tứ. Săn đón hay giả bộ gì cả. Chàng còn hỏi như thể mỗi năm tôi có tới... hai, ba cái sinh nhật không bằng. Lãng vậy đó. Nhưng chẳng bao giờ tôi có thể giận chàng. Bên cạnh những vô ý vô tứ, Lãng cũng có nhiều điểm rất dễ thương (tất nhiên, bởi vì nếu không thì tôi đã chẳng yêu chàng). Hình như sự hồi tưởng quá khứ, rất vô thức, xô đẩy tôi len lách hung hăng hơn. Đầu nghĩ, chân bước. Tôi bất kể chung quanh. Tôi bất cần lịch sự. Chen tới. Lấn tới. Bất ngờ, một giọng nói nào nặng chịch ném xuống giữa đầu tôi: - Làm cái gì mà chen lấn dữ vậy. Một giọng khác: - Á á... vừa thôi chứ! Tôi biết họ đang nói mình, nhưng không ngẩng lên. Tôi dừng bước. Một giọng khác già hơn, chế giễu: - Ca sĩ hả? Muốn lên sân khấu hả? Một ít giọng cười hề hề phụ họa. Tôi không cảm thấy bực tức. Cũng chẳng nghe ngượng ngùng. Trái lại, tôi muốn đáp “ừ hớ” để mọi người tránh chỗ cho tôi đi. Tôi muốn nói: “Xê ra cho tôi gặp Lãng. Cho tôi gặp chàng. Tôi không phải là ca sĩ. Tôi cũng chẳng là gì, trong ban tổ chức. Nhưng tôi muốn... tôi muốn ra mắt chàng. Tôi muốn bay, tôi muốn chạy tới. Muốn một mình, một mình giữa một khoảng không gian không bị chật vướn, để chàng sẽ tức thì nhìn thấy tôi. Để chàng sẽ tức thì nhận ra, màu áo đỏ này, hình vóc ốm o này”. Tôi ngừng giây lát, rồi chen tới. Bên tai tôi, vẫn ồn ào, từ loa phóng thanh, tiếng Lãng nói, xen vào, như giữa giọng gào thét của biển đâu đó. Tiếng rì rào của những rặng phi lao, những hàng dương của một Vũng Táu, Bãi Sau. Những gốc bàng già cỗi, Bãi Trước. Qua những lưng, những cổ, những đầu, tôi đã loáng thoáng thấy trên bục gỗ thấp, hình ảnh Lãng. Chàng vẫn nói. Nói. Giọng chàng như xưa. Ngôn ngữ chàng dùng vẫn vậy. Dường như đã không có thay đổi nào trong việc chàng phải đứng trước một đám đông, hay đứng trước những học sinh của chàng. Lãng kia. Đúng Lãng rồi. Tôi thì thầm, một mình. Lãng kia. Ồ, anh có biết, em đã có mặt ở đây. Giấc mơ gặp lại anh, đã thành sự thực. Khao khát được nhìn lại nhau, giờ đã có thể cầm nắm... Em không thể biết anh nghĩ gì, ra sao, khi nhìn thấy em. Ý tưởng Lãng sẽ hân hoan, Lãng sẽ mừng rỡ, sung sướng có thể chảy nước mắt, khi Lãng nhìn thấy mình, khiến tôi càng cố gắng hơn, lách tới. Cố gắng tìm lấy cho mình một chỗ đứng, không phải ở “tiền trường”, như văn chương của ông Mai Thảo. Nhưng là một chỗ đứng quang đãng, một chỗ đứng hàng đầu, của lớp khán giả. Để nhờ thế, chàng sẽ dễ dàng hơn, nhận ra tôi. Và nhờ thế, dĩ nhiên, cũng có vẻ tự nhiên, bất ngờ hơn cho sự “ra mắt” này. Cuối cùng, khi tôi vượt lên hàng đầu của đám khán giả đứng chật giữa hành lang, thì Lãng đã nhường bục gỗ cho một nữ ca sĩ. Tôi đảo mắt tìm chàng. Không thấy. Có lẽ chàng đã lui vào sau cánh gà? Người nữ ca sĩ bắt đầu hát. Một bài hát quen thuộc. Bài hát một thời mà cả tôi lẫn chàng đều thích. Bài “Hoài Cảm”. Tuy nhiên, tôi không chú ý lắm. Tôi đến đây, không để nghe hát. Tôi tìm Lãng. Tôi tìm lại đời tôi, những tưởng vĩnh viễn mất. Tôi tìm lại tôi, những tưởng đã vĩnh viễn chôn vùi. Bài hát dứt. Tiếng vỗ tay ào ào, như biển cuộn. Cảm tưởng giống như sóng biển bất giác khiến tôi nổi gai ốc. Tôi nghe hơi lạnh chạy ngược từ đôi chân lên đến bụng, đến ngực và sau chót là gáy. Hình như tất cả tóc trên đầu tôi đều dựng thẳng, đều xóc ngược. Đâm ra... Tôi nghe nhức buốt ở một nơi nào đó trên thân thể. Tôi nghe máu rỉ... Thoạt tiên hơi âm ấm, rồi lạnh dần ở đâu đấy, in là nó đang chảy dọc theo hai ống chân... Người nữ ca sĩ nói tên bản nhạc kế tiếp cô ta sẽ trình bày. Tiếng vỗ tay lại ào ào dấy lên. Lần này dữ dội hơn, gấp gáp hơn. Tiếng vỗ tay như tiếng sóng biển dội đập vào đôi màng tang tôi, âm ngân không dứt. Không dứt. Nó kéo dài. Dài mãi. Mỗi lúc một nháng động, chát chúa hơn. Những cơn đau xé rách thịt da trong tôi, cũng nhồi theo tiếng dội vang ấy mà gia tăng. Những giòng máu đâu đó nơi thân thể tôi, cũng ồ ạt tuôn ra, xối xả... Tôi kịp nhận biết mình bắt đầu bị xây xẩm. Tôi kịp nhận ra mình sắp xỉu ngã, sắp hôn mê, như liên tiếp những ngày chưa xa, trên hoang đảo... Tôi biết... Tôi biết... Nhưng... Không... Không. Mày không được phép xỉu... Mày không được phép ngã... Như mày đã không được phép cắn lưỡi. Không được phép treo cổ... Không được phép gieo mình vào giữa lòng biển cả. Chẳng có gì, chẳng cách nào rửa sạch được mày. Vết ô uế trên thân thể mày ăn vào tận máu. Đã thấm tận xương. Những ô nhục kia, dù cho mày có chết ngay hôm qua, hay giữa hôm nay, thì cũng chẳng vì thế mà tàn phai. Có xóa được đâu, quê hương cũ! Có xóa được đâu Việt Nam xưa! Có giết được đâu, tình yêu lớn. Mày phải sống. Sống với vết nhơ nhuốc thường trực trên thân thể, trong thịt da, trong máu óc của mày. Mày phải sống, sống để “ra mắt” chàng - ra mắt Lãng - ra mắt Lãng với tất cả nhơ nhớp của thể xác.Nhơ nhớp biển đông. Nhơ nhớp của bày thú người reo hò, nhảy múa trên thân thể mày lõa lồ giữa hoang đảo. Giữa trời đất. Giữa mắt nhắm đau thương, bất lực đồng bào, ruột thịt... chính là cái nhơ nhớp cụ thể nhất, tượng trưng cho Việt Nam mày hôm nay. Mày phải sống, phải đem cái nhơ nhớp đó, đi khắp nơi. Phải nói với toàn nhân loại, phải kể với cùng thế giới mày là ai? Biển là gì? Đảo ra sao? Và vì đâu? Vì ai? Mày mang vết ơ uế kia. Không. Mày không có gì để nhục. Trước sau, mày chỉ là một đứa con gái. Một đứa con gái Việt Nam, sau 75. Và Việt Nam sau 75, có thể tượng trưng bằng mày; một đống thịt xương bầy nhầy, trong tiệc liên hoan của thú. Bầy thú người lên cơn bạo dâm. Bày thú bạo dâm liên hoan trong những bữa tiệc thịt người như thế, đã bao năm trên ở ngay trên quê hương, trên đất nước mày. Vì thế, mày phải ra đi. Vì thế, mày trở thành đứa con gái Việt Nam sau 75. Tôi lảo đảo? Thật sự lảo đảo. In là tôi không còn bảo được tôi. Tôi không thể đứng vững chờ tới lúc chàng trở lại bục gỗ, để nhìn thấy tôi, áo đỏ, đứng hàng đầu đám khán giả. Tôi nghe lạnh? Đúng vậy. Lạnh đều khắp châu thân. Hình như tôi đã la lên. Tôi đã thét. Thất thanh. Tôi đã gọi Lãng, Lãng. Và tiếng vỗ tay, tiếng sóng gào... chấm dứt cùng lúc thân xác tôi đổ xuống mặt thảm. Rồi đèn bật sáng. Tiếng chân chạy. Mọi người ù té chạy? Mọi người xô nhau chạy? Hình như mọi cánh cửa đều được mở ra, cho tất cả người chạy thoát? Luôn cả chàng, luôn cả Lãng. Trong ánh đèn rực sáng, tôi nằm lõa lồ trên mặt thảm. Hệt như bao ngày, trước đây, tôi cũng đã nằm như thế ở hoang đảo. Và sóng biển và, nhơ nhuốc đã hết đợt này lại tiếp đợt kia, vầy vọc thân xác tôi. Vầy vọc vết thương tôi. Vầy vọc cả mủ và, máu tôi tanh tưởi. 1980