NGƯỜI THỨ BA (2)


Lạnh Tuổi Thơ

    
e Giang vừa từ đường Nguyễn Hoàng rẽ sang đường Hồng Bàng thì đã có tiếng reo to của hai đứa con: Hào và Thủy. Như phục binh nằm nấp sẵn, vừa thoáng thấy bóng chàng là thằng Hào nhảy ra vồ, rồi chạy rượt theo xe. Và như đã có ám hiệu trước, bé Thủy nghe tiếng xe nổ lạch bạch và tiếng vồ thì lật đật chạy vù một mạch từ nhà ra đón chàng, chạy bất kể những chỗ lồi lõm của chức năng đường cát. Khi xe dừng lại ở sân thì hai đứa con đã chạy theo kịp, đứng hai bên, thở hổn hển. Câu chàng hỏi đầu tiên bao giờ cũng là:
- Chị Hằng đi học về chưa?
Thủy đáp liền:
- Rồi.
Hào thì nói loanh quanh dài dòng hơn. Chỉ vì chị Hằng bao giờ cũng có chuyện ăn hiếp nó nên hễ hỏi tới Hằng là lúc nào nó cũng phải cố tìm để kèm theo câu trả lời, một câu than phiền nào:
- Chị về rồi. Chị ăn hết trái cam rồi. Chị không cho con.
Thủy phụ họa theo:
- Chỉ cho con có một tép.
- Chỉ cho con có một tép.
- Chị cốc vào đầu con. Giang dắt hai con đi vào nhà. Chàng không lưu ý lắm đến những chuyện bi bô của hai con. Chàng vui mừng vì cả gia đình họp mặt đầy đủ. Tạm gọi là đầy đủ vậy thôi vì đầy đủ thế nào được khi gia đình thiếu mất một người vợ, một người mẹ. Từ ngày Bảo mất đi, gia đình của chàng bỗng thấy thu nhỏ lại hết sức. Cái gia đình bốn cha con này xúm quanh nhau, đều đặn như bốn cái chân của một chiếc ghế, bốn cái ghế của một bộ xa lông. Trừ những giờ đi làm, đi học, còn thì bốn cha con cứ quây quần bên nhau…. Buổi sáng, họ chia nhau bốn cái bàn chải đánh răng, chuyền tay cho nhau hộp perlon, thay phiên nhau sì sụp trong hai thau nước và lau mặt bằng bốn cái khăn mặt treo thành một dãy. Tiếp theo là bốn mẩu bánh mì đặt cạnh bốn tách sữa.
7 giờ kém 10 phút, Giang xách xe đi làm, Hằng đạp xe đi học, Hào và Thủy còn nhỏ phải ở nhà tự học vừa coi chừng nhà. Hào làm toán và tập chép bài. Thủy tập đánh vần. Trưa 11 giờ, chiều 5 giờ, Giang kiểm điểm lại cái gia đình nhỏ của mình, vui mừng được sum họp. Những buổi Hằng đi học về chậm là chàng lo lắng vì sợ xe cộ. Những bữa chàng đi làm lỡ phải về chậm thì chắc khỏi ai lo. Vì Hằng mê mải đọc truyện, Hào mê mải chơi. Chỉ có Thủy là thẫn thờ đứng ở cửa đợi ba về. Vẻ mặt buồn vì cô đơn. Chàng nhớ lại mới ngày nào, Bảo cũng hay đứng ở cửa đợi chàng như thế.
Ngồi vào bàn ăn, Hào hỏi:
- Đố ba biết hôm nay ăn món gì?
Thủy nhanh miệng trả lời:
- Cốt lét nấu với cà.
Hằng tiếp theo:
- Đúng, cốt-lết nấu với cà.
Ba chị em phá ra cười ầm ĩ.
Số là bà nấu bếp vụng về, cứ lần nào Giang quên dặn đi chợ mua món gì, nấu món gì là bà trở về món cố hữu của bà: cốt lết nấu với cà. Lâu thành thói quen, nên mỗi khi nhắc tới cái tài của bà bếp là ba chị em tranh nhau la lên:
- Cốt lết nấu với cà.
Bốn cha con đã ngồi vào bốn ghế mà bàn ăn vẫn mới chỉ có khăn bàn, 12 giờ rồi. Thủy lãnh ngồi ở ghế cạnh ba để ba vuốt ve cho. Má mất hồi Thủy mới lên ba, Thủy thiếu những cái vuốt ve của má nên mỗi lần được ba vuốt tóc, vuốt lưng, nắm tay thì Thủy mỉm cười sung sướng lắm. Thủy sợ chị Hằng và anh Hào ganh tỵ nên thỉnh thoảng hay liếc nhình về hai người
Bà bếp dọn bàn. Những món ăn không thay đổi. Hằng than phiền:
- Con chán quá. Con không muốn ăn nữa.
Hào cũng bắt chước:
- Con cũng chán quá, con không muốn ăn nữa.
Thủy nhìn sang ba, ngầm ý hỏi không biết nên bỏ chén đũa xuống bàn để “chán quá” như chị và anh hay nên cứ cầm bát đũa như ba. Giang bảo:
- Các con chịu khó ăn đi. Aên cốt cho bổ chớ đâu chỉ cốt cho ngon. Này, có thịt bò này, rất bổ. Có tôm này, cũng rất bổ… Ồ! Có cả rau nữa, đại bổ, đại bổ.
Thủy nói:
- Thôi ăn đi chị Hằng, ba nó bổ mà.
Hằng nhíu mày, nạt:
- Mày biết cái gì!
Thủy mở to mắt nhìn ba, miệng mếu xệu. Ba phải ôm lấy đầu Thủy, hôn vào tóc mà nói:
- Chị Hằng giỡn đấy. Thủy biết chớ sao không biết.
Hào chêm vào:
- Nó mà biết cái gì. Có ba ở nhà, nó làm nũng đó. Khi ba chưa về, chị Hằng nạt nó và đánh nó, nó không dám khóc.
- Đừng nạt và đánh em. Em có làm cái gì sai thì dạy em. Các con cũng biết nếu còn má thì em đâu có khổ. Hồi hai đứa con bằng nó, má còn sống, má săn sóc cho hai đứa con.
Không biết trả lời sao, Hằng “xì” một tiếng và Hào “xịt” một tiếng. Giang và cơm, nhai ngon lành rồi mời:
- Thôi, mời các bạn ăn đi.
- Con không ăn
- Con không ăn
Giang vừa nhai cơm vừa chậm rãi nói:
- Bà Thứ (tên bà nấu bếp) không phải là bếp chuyên môn thì nấu món ăn làm sao cho thật khéo được. Nhà không có má, không ai coi chừng nhà, ba phải mượn bà Thứ vì bà thật thà, hiền lành. Ba có thể thuê người nấu ăn khéo hơn, nhưng khi cha con ta đi vắng hết, lỡ phải kẻ gian họ dọn đồ đạc đi mất hết thì làm sao?
Nhưng Hằng đã không nghe mà đang cầm lên tập truyện để coi tiếp. Hào cũng không nghe mà đang lắp lại cái bánh xe cao su. Thấy con lơ đãng hết, Giang hỏi to:
- Nghe chưa?
Cả ba giật mình.
- Các con muốn ăn ngon thì các con phải chịu khó đi kiếm về đây một bà dì ghẻ. Bà dì ghẻ sẽ coi sóc sự nấu nướng cho thật ngon cho các con ăn.
- Nhưng bà dì ghẻ hay đánh lắm - Hằng vội vã nói.
Thủy ngây thơ tiếp:
- Bà dì ghẻ có ghẻ.
Ba cha con cười ầm lên vì lời nói ngớ ngẩn của Thủy
- Thì các con phải lựa lấy. Một là chịu ăn không ngon, hai là tìm về một bà dì ghẻ để được ăn ngon. Ai thích ăn ngon?
Hào giơ tay:
- Con.
Thủy giơ tay theo:
- Con
Hằng lắc đầu:
- Thôi, thà con chịu ăn không ngon. Con không muốn có dì ghẻ.
Thủy cũng nói:
- Con không muốn có dì ghẻ.
Hằng dõng dạc ra lệnh:
- Thôi ăn đi bay. Kệ nó, ăn không ngon cũng được.
Hào nói theo:
- Ăn đi bay.
Thủy cũng nói:
- Ăn đi bay.
Cả ba hăng hái ăn. Món ăn không đến nỗi dở, khi ba chị em ăn hăng hái.
Ăn tráng miệng xong, Giang bắt ba con vào phòng, xếp mỗi đứa một giường cho chúng nghỉ trưa với mình. Nhưng Hào và Thủy không thể nghiêm trang nằm đợi ngủ mà phải chính giấc ngủ lôi cuốn chúng bằng một sức mạnh chúng không thể cưỡng lại được. Ví dụ ngủ đang giữa bữa cơm. Ví dụ ngủ giữa hai trang sách mở, ngủ khi bị rầy, ngồi thút thít một mình ở góc giường. Nhưng bảo nằm song song mỗi đứa mỗi giường thì nhất định chúng lén quay mặt đối nhau rồi khúc khích cười với nhau. Sợ bị rầy, thế nào cũng có một đứa lên tiếng giả bộ rầy đứa kia:
- Im đi, để ba ngủ.
Rồi chính đứa đó lại nằm còng queo lại rúc rích cười. Đứa kia không chịu thua cũng vội nằm sấp xuống giường, úp mặt vào gối mà lưng và bụng thì rung lên vì những trận cười không dám cho thoát ra miệng nên phải đẩy lui vào ngực vào bụng. Không nỡ rầy con, Giang cứ để mặc, gắng nhắm mắt ngủ. Nhưng vừa mơ màng thì chàng chợt bị giật mình vì một tiếng “éc” không biết của đứa nào không kìm giữ được phải bật lên. Thế là hai đứa bị đuổi ra phòng khách và chàng phải khóa trái cửa lại. Những điều này, khi còn Bảo, chàng không thấy bao giờ xảy ra. Bây giờ có xảy ra chàng mới để ý rằng trước kia đã không hề có. Tìm hiểu một chút, chàng thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà sự thể lại xảy ra khác nhau, ngày trước và bây giờ. Không, phải có một sự xếp đặt kín đáo và dịu dàng của Bảo, lũ con mới “biến đi đâu mất” không quấy rầy giấc ngủ trưa của chàng. Tự nhiên, cũng như mỗi lần nghĩ đến người vợ hiền ngày xưa, chàng thoáng nghe như có một tiếng thở dài nhẹ đâu đây, như có một bóng mát đổ xuống mau, như mơ hồ có một tiếng giã từ, như có một giọt nước mắt sắp rưng rưng. Có thật hay tưởng tượng. Mông lung man mác quá, chàng không tìm hiểu nữa.
Buổi tối ăn xong, Giang lại nằm im ở đi văng và gọi Hào lại nằm một bên, Thủy nằm một bên. Ba cha con nói chuyện bâng quơ. Giang hỏi con về những trò chơi trong ngày. Thế là không biết để tai mà nghe ai nữa. Hào tranh phần nói và Thủy cũng không kém. Có điều Giang hỏi đứa nào chơi cái gì thì bao giờ chúng cũng báo cáo công việc của đứa kia. Thủy nói:
- Ba ơi, anh Hào chạy ra đường chơi cả buổi không chịu học… Anh chơi với thằng Ngọc. Hai đứa cởi trần ra rồi chạy rượt nhau. Hào vừa cười vừa cướp lời:
- Ba ơi, còn con Thủy xé lá dừa nhà mình buôn bán với lũ con Cúc, con An, rồi xả rác ngoài sân.
- Ba ơi, còn anh Hào…
Cuộc “hội báo” biến thành cuộc cãi vã nhau. Hằng, cả hai đá nhau, thụi nhau, và đá nhằm cả vào sườn của người cha nằm giữa. Người cha bị bắt buộc phải hiền lành hết sức, trở lại đóng vai trò hòa giải như thường lệ:
- Không được đánh.
- Nó đánh con trước.
- Mày đánh tao trước.
- Thôi, tao đứng dậy để chúng bây đánh nhau cho rộng chỗ.
Vừa nói, Giang vừa ngồi dậy. Thủy đu vào tay níu theo. Hào cũng quàng hai tay kéo cổ Giang xuống vừa thét lên: Không cho đi. Không cho đi. Cột con bò này lại”
Hằng đang ngồi may áo đầm cho búp bê ở bàn, quắc mắt sang đi văng:
- Thằng Hào hỗn đấy hả? Mày nói ba là con bò hả?
Giang cười:
- Tao là con bò thiệt, tụi bay ơi. Mà là con bò cái.
Câu khôi hài bất ngờ và có vẻ ngộ nghĩnh khiến ba đứa con cười ồ lên một loạt.
- Chớ sao. Ba là con bò cái, còn ba đứa bay là ba con bò con. Ba đi làm nuôi mấy đứa con thì cũng như con bò cái cho mấy con bò bú sữa.
Hào hỏi:
- Nhưng mà ba đâu có sữa?
- Ba đâu có vú giống con bò? Thủy tiếp theo.
- Là ba nói ví dụ như vậy.
- Ví dụ là cái gì, hở ba? Là cái vú hả?
Nghe câu hỏi ngớ ngẩn của Thủy, Hằng phá ra cười. Thấy chị cười, Thủy cười theo rồi sục vào ngực Giang như một con bò con sục vào vú mẹ.
Tám giờ, Giang ngồi dậy, lại bàn viết. Chợt ở ngoài cổng có tiếng chó sủa và tiếng giày dép lê trên đường, cạnh rào. Tiếng một đứa trẻ:
- Nhé, mợ nhé, mợ nhớ mua cho con một cái xe đạp trẻ con đấy nhé?
- Ờ.
Tiếng một đứa trẻ khác:
- Còn mợ mua cho con một cái nón có bao ni lông vẽ hoa nhé. Cái nón cũ con xơ cả vành rồi.
- Ờ.
Tiếng nói im lặng nhường cho tiếng guốc dép, tiếp theo là tiếng người đàn bà giục:
- Bước nhanh lên một tí, các con. Họ sắp hát rồi đấy.
Giang hỏi các con:
- Lũ con Vinh, con Chi nó đi đâu với mợ nó?
- Đi coi cải lương - Hằng trả lời.
Hào nhăn mặt, vẻ nài nỉ:
- Ba không cho lũ con đi cải lương lần nào hết. Lũ con Chi, con Vinh đi luôn với mợ nó.
- Chúng nó có mợ chúng nó dẫn đi.
Thủy chen vào:
- Con biết rồi. Mợ nghĩa là má.
- Thủy giỏi, biết mợ là má. Các con không có má thì ai dẫn đi. Ba bận luôn, các con thấy đó, dẫn đi gì được.
Hằng ngừng tay khâu, ngẩng lên hỏi:
- Thế chị Hương đâu có má mà chị đi coi hát luôn. Chị đến rủ con hoài.
- Có dì ghẻ nó dẫn đi.
Hào phân bì.
- Sướng hơn lũ con.
Hằng nhún vai:
- Thôi đi mày ơi. Dù có cho đi đi nữa thì lúc mặc quần áo vào ba cũng nổi xung mà la lên.
Giang phì cười:
- Ai không nổi xung cho được. Con coi, trong ba đứa, chỉ có mình con là biết tự lo mặc quần áo lấy, còn ông Hào thì thôi, áo đứt nút, quần mất nịt, giày mỗi thứ chỉ còn một chiếc.
- Tại bà Thứ không đính nút cho con.
- Thì tại bà Thứ chớ ba đâu có nói tại con. Bà ta vụng và chậm mà lại. Đặt trước quên sau, đặt sau quên trước mà lại. Hằng nhắc:
- Ba quên chưa kể phần con Thủy.
- À, còn phần con Thủy. Aùo đầm cả ba cái đều dơ, nhét vào một xó nào không đưa giặt, đến hồi đi, mở toang mấy va-li, lục tung mấy tủ mà kiếm không ra áo. Rồi may ô của nó, bà Thứ bỏ lộn sang của ba. Rồi…
Thủy tiếp lời, thú vị như khi đọc một bài học thuộc lòng:
-... Rồi móng tay chưa cắt.. Rồi tóc chưa kịp chải.
- Đúng lắm. Đúng lắm.
Giọng Hằng hơi dỗi:
- Nói theo ba thì ở Nha Trang đây không có đứa nhỏ nào đi coi hát hết.
- Nhưng những đưa đi coi hát, chúng đều có má dẫn đi.
- Chị Hương đâu có má?
- Kìa! Ba vừa nói rằng nó có dì ghẻ. Dì nó lo mua quần mua áo, mua giầy mua dép, dẫn đi uốn tóc, chỉ bảo cho người ở sắp dọn ngăn nắp. Khi đi đâu, có dì nó săn sóc cho. Ba nó chỉ có việc đưa tiền. Còn ba, cực chưa! Con có nhớ mấy lần ba phải dẫn con đi len lỏi vào giữa chợ Đầm để lựa mua áo cho con và cho mấy em không? Con có còn nhớ lần ba mua pyjama cho con Thủy, ba đã nói rõ ràng là mua cho con gái, thế mà cô hàng cứ đưa pyjama con trai, rồi nằng nặc nói rằng đó là của con gái và ba không biết cứ mua lầm đó sao.
Hào hỏi mau:
- Thế sao ba không kiếm dì ghẻ như ba chị Hương?
- Ủa! Hồi trưa ăn cơm, mấy người nói không muốn có dì ghẻ cơ mà!
Hào “à.. à” vừa gật đầu chữa thẹn. Mọi người im lặng. Chợt Hào nhảy bám vào lưng ba, kề miệng vào tai ba nói nhỏ. Ba lắng tai nghe một lát rồi cười to lên. Hằng và Thủy đồng thanh hỏi:
- Nó nói cái gì thế ba?
- Cái gì hở ba?
Ba vẫn cười to:
- Tụi bây biết nói cái gì không? Nó nói: Ba ơi, kệ nó, dì ghẻ cũng được.