Phần III

    
iễn Thúy về rồi, Trúc Đào vào giường nằm suy nghĩ. Nàng thấy khó chịu khi mối tình thầm kín của mình đối với Sơn bị Khiêm mang máng dò biết. Nàng không cần Khiêm, không sợ Khiêm mà chỉ bực tức vì những mối cảm xúc êm đềm mong manh giữa nàng và Sơn thế nào cũng bị Khiêm hiểu một cách thô bỉ. Aùi tình chỉ đẹp cho hai người. Nó không đẹp đối với người thứ ba. Nhưng thà là giữa nàng và Sơn đã có ái tình, đằng này chỉ là những cảm tình sơ khởi mà thôi. Dù vậy nàng vẫn có cái cảm giác trơ trẽn giống như mình đang ở trong một phòng khiêu vũ ánh sáng mờ ảo, âm nhạc dịu dàng, với màu áo màu phấn, với ánh mắt long lanh, tất cả đượm trong mùi hương ngây ngất, thế mà bỗng nhiên ánh đèn màu vụt đổi sang ánh sáng trắng sỗ sàng và thay vào giọng nhạc êm là tiếng tính tiền nong, kiểm soát sổ sách. Khiêm đã phá một giấc mộng của nàng. Đừng ai biết hết, nàng có cái thú của con người phiêu lưu, không cố ý đi tìm Bồng đảo mà bất ngờ gặp được. Nay có con mắt tò mò theo dõi, nàng thấy không đủ thích thú nữa. Nàng còn có cái cảm giác ngượng của con người bị bắt gặp đang làm một việc lén lút.
Bực mình, Trúc Đào đập mạnh tay xuống giường. Thành giường va vào chiếc nhẫn nàng đeo ở ngón tay kề, chiếc nhẫn hứa hôn. Nàng chợt nhớ tới hồi ở đại học xá, các chị em bạn sinh viên của nàng có thói quen nhìn vào ngón tay của các bạn để tìm xem ai đã hứa hôn rồi. Được hứa hôn là một hãnh diện. Đó là chứng tích của sắc đẹp, của gia thế. Những bàn tay trần truồng không có một vòng khâu vàng bao quanh ngón kề hóa ra thanh bạch một cách cô đơn đáng lo sợ. Người nữ sinh viên cũng phải nghĩ đến việc lấy chồng. Do cái tâm trạng đó mà khi Khiêm nhờ người đến hỏi, Trúc Đào bằng lòng ngay. Lúc bấy giờ nàng chỉ đơn giản nghĩ đến cái thú luồn chiếc nhẫn hứa hôn vào ngón tay mình, chiếc nhẫn nhỏ như một đường kẻ đậm, màu vàng lóng lánh làm nổi bật màu ngón tay trắng muốt. Nàng nghĩ đến những cuộc đi dạo phố, nghiêm trang tin tưởng bên cạnh người đàn ông của mình, đến chiếc xe hơi của hai người mỹ miều như một món trang sức, đến căn phòng sẽ do nàng tự tay bày biện trang hoàng lấy. Nhưng những mộng tưởng đẹp đẽ êm đềm một lần nghĩ thấy thú, nhiều lần nghĩ hóa quen đi, việc hôn nhân với Khiêm cuối cùng được coi như là một việc nhất định sẽ đến, không vui lắm, không gây nhiều hào hứng. Vì một khi cái xao xuyến huyền ảo của những buổi đầu đã lắng xuống, nàng bắt đầu nhận thấy những nhược điểm nơi Khiêm. Sự khác biệt về cá tính, về quan niệm sống, quan niệm đạo đức khiến hai người cứ như đi xa nhau dần và Trúc Đào đã bắt đầu cô đơn âm thầm. Tuy vậy, phải đến lúc gặp Sơn, hiểu Sơn nàng mới thấy rõ rằng Khiêm không phải là người đàn ông phù hợp với lòng nàng. Nhưng đã chậm. Chiếc nhẫn đã đeo trong vòng tay. Chiếc nhẫn hạnh phúc của ngày nào, hôm nay trở thành cái vòng khóa cột nàng trong tù hãm của hôn nhân. Thật vô lý. Nàng biết có những người tự khóa mình trong một khuôn khổ và sung sướng với sự trói buộc ấy. Có những người đàn ông động mở miệng là than thở “Mắc vợ con cùm chân, đâu còn chơi bời tự do nữa!” Nhưng lời than lại ngầm biểu lộ một sự bằng lòng. Than như vậy, họ tỏ ra rằng mình an phận nghĩa là có hạnh phúc và bảo đảm về đạo đức. Nhiều chị bạn mới có một đứa con nhỏ cũng than lên một cách hãnh diện “Phần chồng, phần con. Thôi, mình già rồi, chả dám bì với các cô”. Thật là những người dễ bằng lòng, dễ sung sướng! Không, nàng không dễ dãi như thế được. Nhưng… Không dễ dãi thì được gì? Không dễ dãi thì chỉ còn cách tự mình làm khổ cho mình thôi, vì nàng đâu có thể dễ gặp Sơn được? Để cho Khiêm nghĩ rằng mình bị Sơn mê hoặc, bị Sơn quyến rũ, điều đó động chạm đến tự ái của nàng. Mà Khiêm thì chỉ có thể nghĩ tầm thường như vậy mà thôi. Nàng khinh Khiêm thì được nhưng nhất định nàng không để cho Khiêm có thể khinh mình.
Trúc Đào uể oải ngồi dậy lại bàn viết. Bức thư gởi cho Sơn đặt đứng tựa vào lưng quyển tự điển. Địa chị đã viết rồi, tem đã dán đủ, chỉ có nàng chưa dán phong bì. Nàng vốn tính thận trọng, chỉ khi nào sắp đem đi bỏ thư mới dán phong bì, phòng có ý nào cần sửa cần thêm. Nàng rút bức thư viết gửi cho Sơn, mở ra trải lên bàn đọc lại. Từng dòng chữ chạy nhanh dưới mắt và trong sự im lặng cô đơn, nàng tưởng chừng như đồng thời nghe luôn tiếng nói, giọng quen thuộc âu yếm, giọng hứa hẹn kín đáo, giọng của chính nàng nói với Sơn, chỉ còn nói một lần này nữa thôi. Đọc xong, nàng thẫn thờ xé vụn tờ giấy ra từng mảnh nhỏ. Dù cố giữ vẻ mặt lãnh đạm nàng cũng thấy buồn khi nghe tiếng giấy xé nát dưới ngón tay, khi nhìn những lời âu yếm của nàng đứt đoạn, nát vụn không bao giờ Sơn còn nghe được nữa.
Nàng lại nằm vật xuống giường, úp mặt vào gối. Nàng muốn khóc, khóc thật nhiều, thật ngon lành, nhưng dù cố gắng, nước mắt cũng chỉ chảy ươn ướt nơi khóe mắt, nàng biết chỉ có nước mắt mới có thể an ủi nàng vào nàng vào những lúc này thôi.
Nỗi lòng của nàng, chỉ có nàng biết. Ở Nha Trang, Sơn cứ êm đềm nghĩ đến ngày Nô-en và lòng chàng vui vẻ tưng bừng khi chỉ còn một tờ lịch mỏng màu hồng ngăn cách chàng với ngày hai mươi lăm tháng chạp. Bốn bụi trúc đào chàng tự tay cắt cành giâm ở bên thềm giếng nay đã đơm lá xanh. Sơn tưởng tượng vẻ mặt vui mừng của Trúc Đào khi nàng thấy bốn bụi hoa dành cho phần nàng. Người thiếu nữ này có duyên kín đáo khiến cho mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của nàng đều gây cảm tình nơi lòng người đối diện.
Lễ Nô-en trang trọng đến, mang theo gió lạnh, mưa lất phất bay và bầu trời xám. Cả thành phố nhộn nhịp vì đèn lồng, vì đồ chơi trẻ con và hoa quả. Sơn chung chia niềm vui của mọi người. Khi có mang hình ảnh một người đàn bà ở trong tâm hồn, con người ta yêu đời không mặc cả.
Nhưng Nô-en đến và Nô-en đi, Trúc Đào không thấy đến. Sơn đợi một bức thư giải thích mà người đưa thư cứ lặng lẽ đạp xe qua cổng không dừng lại. Một tuần qua… một tháng qua… trong những bức thư đến địa chỉ mình, Sơn chán nản gặp những nét bút quen thuộc, tịnh không thấy nét chữ lạ nào cả. Vốn có kinh nghiệm, đợi chờ và thất vọng, chàng lặng im chịu đựng. Lại một con chim đã bay.
Sau đó không biết bao lâu, một hôm nhân viết thư thăm Lộc, chàng hỏi thăm tin tức của Trúc Đào. Sau đây là đoạn thư trả lời của Lộc.
“…Về Đà Lạt được bốn năm tháng gì đó thì anh Khiêm được chính phủ cho đi Pháp tu nghiệp hai năm. Chị Trúc Đào cùng đi với anh ấy. Mấy độ gần đây bọn em cũng không được tin tức gì của chị hết. Em có chuyển lời chào của anh cho chị Oanh. Chị vui vẻ nhắc đến anh và hẹn sẽ thăm lại Nha Trang…”
Sơn bỏ thư xuống bàn không đọc tiếp. Chàng đưa mắt nhìn lên khung trời xanh rồi chầm chậm gợi ra vẻ mặt của Trúc Đào: đôi má thon thon… đôi mắt dịu.. đôi môi tươi và giọng nói ngập ngừng. Khi tâm hồn đã chìm đắm vào hình bóng cũ thì chàng ngồi đó mà quên cả không gian, quên cả thời gian.
Chừng một năm sau, một buổi chiều kia Sơn tiếp một thiếu nữ trạc hăm lăm tuổi, vẻ mặt đẹp đẽ thanh tú và ăn mặc sang trọng. Người ấy dò số nhà một cách kỹ lưỡng rồi mới bấm chuông. Người ở đi vắng, Sơn ra mở cổng. Người thiếu nữ cúi chào rồi lễ phép hỏi:
- Xin lỗi ông, có phải đây là nhà ông Sơn?
- Vâng, đúng là nhà ông Sơn.
- Thưa ông, không biết ông Sơn có ở nhà không?
- Thưa cô, Sơn là tôi.
Người thiếu nữ lúng túng xin lỗi và theo lời mời của Sơn nàng bước vào nhà. Khi đã ngồi yên ở ghế, nàng nói:
- Thưa ông, tôi đến theo lời nhờ của chị Trúc Đào.
Tên Trúc Đào làm Sơn ngạc nhiên đưa mắt nhìn thẳng vào mặt người thiếu nữ.
- Tôi là bạn thân của Trúc Đào. Tôi ở Pháp vừa mới về được một tuần nay, Trúc Đào có nhờ tôi ghé lại ông trao tặng hộ cho chị ấy bộ sách Stendhal toàn tập loại ấn phẩm đặc biệt.
Nàng đưa gói sách nàng cầm trên tay từ nãy đến giờ mà Sơn không để ý đến. Chàng đưa tay ra đón và tháo lần tờ giấy bọc. Ba quyển bìa sách dày khổ lớn bìa da màu nâu đen. Chàng lật bìa sách để tìm nét bút của Trúc Đào. Nàng ghi:
“Xin nhận tia nắng nhạt này ở phương xa gửi về. Tia nắng Ngọc Hội, nhớ mãi”
Trúc Đào.
Nét chữ run run, Sơn nhìn mãi nét chữ, âu yếm như đang nhìn nét mặt Trúc Đào. Trên tờ giấy trắng của trang sách mở lần lần hiện ra khung cảnh xinh tươi của làng Ngọc Hội. Trên đọt dừa cao, tia nắng vàng còn rớt lại. Tiếng nói dịu dàng của Trúc Đào: “Ông xem, tia nắng…” chàng ngước mắt nhìn lên, gặp đôi mắt của người thiếu nữ đang đăm đăm nhìn mình. Nàng nói:
- Trúc Đào có kể cho tôi nghe cuộc du ngoạn ở Ngọc Hội, buổi đi xi-nê đã hẹn với ông mà chị ấy lỡ hẹn, ngày Nô-en mà chị hứa sẽ xuống Nha Trang để bứng về mấy bụi trúc đào.
Nàng im lặng đợi Sơn phát biểu ý kiến nhưng Sơn không nói. Chàng chỉ muốn nghe, muốn người thiếu nữ nói mãi, nói rõ nỗi lòng của Trúc Đào.
- Chị có bảo tôi, chắc hôm Nô-en đến, ông giận chị lắm. Chắc trong Nhật ký của ông, ông ghi không biết bao nhiêu lần rằng Dominique thất hứa, Dominique đáng ghét…
Sơn mỉm cười, không ngờ cái kỷ niệm nhỏ nhoi về câu chuyện chép nhật ký, Trúc Đào vẫn nhớ kỹ như vậy.
- Chị ấy cũng muốn biết ông đã lấy vợ chưa.
Sơn đưa mắt sang người thiếu nữ và chìa tay chỉ một vòng xung quanh mình. Người thiếu nữ mỉm cười:
- Chị ấy cũng đoán đúng như vậy. Chị nói: chắc ông chưa lấy vợ.
Khi người thiếu nữ dừng lại, Sơn không biết mình nên nói gì. Hỏi kỹ lưỡng về sinh hoạt của Trúc Đào thì chàng sợ phải nghe những chi tiết về Khiêm. Cuộc đời của Trúc Đào hiện giờ đã ghép chung vào cuộc đời của Khiêm rồi. Vui buồn khó lòng mà riêng biệt được. Thế mà chàng, chàng chỉ muốn biết riêng về Trúc Đào thôi. Và đặc biệt mong được biết là những cảm tình Trúc Đào dành cho mình ngày trước và bây giờ.
- Trúc Đào chắc sống trong hạnh phúc?
- Vâng. Về đời sống vật chất thì đúng như vậy. Nhưng về tình cảm thì chị có những nỗi buồn. Nhưng mà… quên, tôi lỡ nói với ông mất rồi. Khi tôi về chị ấy dặn tôi gắng giữ đừng để ông biết nhiều về chị ấy, nhất là về những sự không vui của chị.
Sơn đưa mắt nhìn ra xa. Chàng nghe nhói một cái như có ngón tay nào chạm vào tim mình. Người thiếu nữ kín đáo nhìn xuống đồng hồ rồi đứng dậy:
- Bây giờ tôi xin phép cáo từ ông.
Sơn cũng đứng dậy.
- Chừng nào cô về Đà Lạt.
- Sáng mai.
- Khi nào cô viết thư sang cho Trúc Đào xin nói dùm rằng tôi vui vẻ nhận món quà của Trúc Đào tặng. Cũng như Trúc Đào, tôi nhớ mãi những kỷ niệm…
Chàng để lửng lơ câu nói vì không muốn tiếp bằng chữ “êm đềm” quá sáo, bằng chữ “ở Ngọc Hội” quá tầm thường và có vẻ lợi dụng.
Còn lại một mình, chàng chầm chậm đi theo con đường nhỏ vòng quanh ra bờ giếng. Mắt chàng êm đềm dừng lại ở những chòm lá xanh. Đây, cây chùm ruột đứng ở bên song cửa, kể từ ngày chia tay cùng Trúc Đào, đã bao nhiêu lần thay lá và bốn bụi trúc đào giâm cho nàng hôm nay đã cao quá thềm giếng và lần lượt trổ hoa. Hoa trắng chen lẫn hoa hồng, lả lướt theo gió và đã ngập ngừng đưa hương theo gió. Sơn không buồn bứng ra trồng chỗ khác mà cứ để bốn bụi mọc quấn quít bên nhau. Chàng cũng muốn để mãi đó để kỷ niệm mấy tháng êm đềm chàng đã thiết tha mong đợi một người.

Xem Tiếp: ----